Viết về Hòa thượng Thích Trí
Quang -
Mùa
Thu Hà Nội
2019 Giữa hai làn đạn – Thầy Trí Quang
Nguyễn
Hữu Thái
“Người làm rung chuyển nước Mỹ”!
Hòa thượng Thích Trí Quang là
một trong những nhân vật lịch sử Việt Nam được dư luận thế giới đặc biệt
quan tâm trong những năm 1960, giữa cuộc chiến tranh Mỹ-Việt ác liệt ở
miền Nam Việt Nam. Bước vào những năm 1960 khi ông cầm đầu cuộc vận động
đòi bình đẳng tôn giáo, chủ quyền dân tộc và hòa bình tại Việt Nam, báo
chí phương Tây gọi ông là “Người
làm rung chuyển nước Mỹ”! Sau năm 1975 ông sống âm thầm dịch kinh
sách.
Nhưng lịch sử không để ông yên.
Các thế lực kình chống nhau vẫn còn tìm cách bôi nhọ ông từ lập trường
chính trị đến phương thức đấu tranh. Người thì cho ông từng liên hệ với
Mỹ, là con bài chiến lược của CIA. Không
ít kẻ kết án ông là đảng viên cộng sản cao cấp nằm vùng, đã lãnh đạo
phong trào Phật giáo tiếp tay cách mạng làm sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa.
Những người khách quan hơn gọi ông trước hết là một “nhà
tu yêu nước”. Sự thật ở đâu? Mong rằng những ghi chép này có thể
giải mã được phần nào nhân vật lịch sử từng gây tranh cãi
này.
Ngọn lửa Quảng Đức, 11/6/1963
Ngọn lửa tự thiêu Quảng Đức
chống kháng chế độ Ngô Đình Diệm vào sáng
ngày
11 tháng 6 năm 1963 đã tác động làm thay đổi cuộc đời một sinh viên bình
thường như tôi. Nghe phong phanh có một cuộc xuống đường lớn của Phật
giáo, tôi chạy nhanh về phía ngã tư Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng
Tám) và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), vượt qua các phóng
viên người nước ngoài, hướng về phía đám đông sư ni cùng đồng bào Phật
tử đang tụ tập. Từ một chiếc xe du lịch sơn trắng bước ra một nhà sư cao
gầy, nét mặt bình thản. Ông từ tốn bước về ngã tư, xếp bằng ngồi xuống,
hai tay chắp lại và nhắm mắt tham thiền. Bỗng một đám lửa màu vàng cam
bùng lên, nhận chìm toàn thân ông trong biển lửa. Mọi người đồng loạt
quỳ xuống
tụng niệm.
Tôi vẫn còn nhớ như in người phóng viên hãng
thông tấn UPI Mỹ Malcolm Browne la lớn:
“Oh My God! My God!” (Ôi
trời ơi! Trời ơi!)
và tay anh bấm máy lia lịa. Anh ta bỗng chốc nổi tiếng khắp thế giới với
các tấm hình nầy. Ngày hôm sau, hình ảnh nhà sư Việt Nam trong ngọn lửa
có mặt trên hầu hết trang nhất báo chí thế giới và mọi người mới hay
biết rằng đang có một cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do ở tại một đất
nước nhỏ bé, xa xôi mang tên Việt Nam. Từ ấy, tấn bi kịch Việt Nam trở
thành đề tài thời sự nóng bỏng của giới truyền thông quốc tế.
Sự
căm ghét
chế độ Ngô Đình Diệm trong lòng tôi bùng lên theo ngọn lửa tự thiêu
Quảng Đức. Sự phản kháng quyết liệt của con người nhỏ bé đó đã có tác
dụng tạo nên sức mạnh ghê gớm làm rung chuyển cả một guồng máy đàn áp
khổng lồ cho đến nay tưởng không có gì có thể lay chuyển nổi. Nước mắt
tôi trào ra theo bước chân đoàn người rước nhục thể cháy đen bọc trong
tấm áo vàng, chầm chậm hướng về chùa Xá Lợi. Cảnh sát ngăn cản và xung
đột xảy ra. Khói lựu đạn cay làm mắt tôi cay xè. Nước mắt ràn rụa, tôi
cảm thấy bất lực và thất vọng. Tôi nhào về phía đống đá bên đường, vung
tay ném như điên dại về phía cảnh sát. Họ xông lên, nện dùi cui tới tấp
vào đầu vào cổ tôi đau điếng.
Đấu tranh trên đường phố Sài Gòn, 1963
Khởi
đầu, tôi như một người ngoài cuộc đứng nhìn. Rồi không thể thụ động mãi,
tôi đã đứng về phía những người bị đàn áp. Tôi bắt đầu nhập cuộc đấu
tranh như thế đó, vào những ngày mùa hè nóng bỏng năm 1963, khi nổ ra
cuộc khủng hoảng Phật giáo, có hàng chục vạn người thành phố xuống đường
đòi tự do dân chủ, bình đẳng tôn giáo chống lại chế độ độc tài Ngô Đình
Diệm.
Thật ra trước sự kiện Phật giáo 1963,
tại miền Nam đã nổ ra cuộc xung đột đẫm máu diễn ra chủ yếu ở nông thôn
giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài
Gòn. Cuộc chiến đó đang lan dần đến các
thành
thị, gia tăng theo đà bất mãn của quần chúng nhân dân. Tôi đã nghe nói
có nhiều nhà trí thức bị bắt giam vì đã hội họp ở khách sạn Caravelle ký
kiến nghị gửi lên tổng thống Ngô Đình Diệm đòi tự do dân chủ. Họ đã bị
bắt. Bản thân tôi
cũng
đã từng cùng người dân thành phố hiếu kỳ nhưng bàng quan, ùa về Dinh
Tổng thống mục kích cuộc đọ súng qua lại giữa lực lượng quân dù của đại
tá Nguyễn Chánh Thi và vệ binh ngày 11 tháng 11 năm 1960.
Cuộc đảo chính thất bại sau những bi hài kịch thương thảo và phản
bội giữa hai bên. Lại thêm hàng loạt người bị bắt bớ giam cầm. Vào năm
1962, tôi cũng nhìn thấy 2 chiếc máy bay ném bom Dinh Tổng thống, nhưng
cũng không đi đến đâu.
Khởi đi là việc chính quyền cấm treo cờ Phật giáo vào mùa Phật Đản tại
Huế cùng vụ tàn sát học sinh ở đài phát thanh vào tháng tư, để tiến đến
đỉnh cao là
cuộc tự thiêu của Thượng tọa Quảng Đức, rồi
cuộc bố ráp chùa chiền, bắt bớ hàng nghìn sư sãi ở Sài Gòn và các tỉnh
vào cuối tháng tám. Cuộc đấu tranh của Phật giáo lần nầy có quy mô to
lớn và mang tính cách quyết liệt hơn, đã nổ ra suốt mùa hè năm 1963 để
kết thúc là sự sụp đổ của chế độ Diệm
vào tháng 11 sau một cuộc đảo chánh quân sự.
Linh hồn cuộc đấu tranh Phật giáo Thượng tọa Thích Trí Quang (bìa trái)
ra khỏi tòa đại sứ Mỹ
Trầm trọng nhất là việc tổng tấn công vào chùa chiền cả miền Nam
vào
cuối tháng 8. Hàng
nghìn sinh viên học sinh đã xuống đường
phản kháng,
mặc cho lịnh giới nghiêm của tổng trấn Sài Gòn-Gia Định. Nữ sinh Quách
Thị Trang bị bắn chết ở Chợ Bến Thành và hơn 3.000 học sinh sinh viên bị
bắt giam chật ních Nha Cảnh sát Đô thành và Trung tâm Huấn luyện Quang
Trung. Tôi chạy thoát, nhưng có hai đứa em bị bắt. Thành phố bị thiết
quân luật và trường học đóng cửa. Cuộc đấu tranh chuyển vào bí mật. Hàng
trăm tổ chức tranh đấu ra đời, như nấm sau cơn mưa.
Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ vào cuối năm 1963 sau cuộc đảo chính các
tướng lãnh. Tuy vậy tình hình VNCH vẫn không yên tĩnh.
Chính biến miền Trung chống Mỹ và Thiệu-Kỳ 1966:“Cuộc nội chiến trong
một cuộc chiến tranh”
Sau
khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hai anh em Diệm Nhu bị giết,
Thầy Trí Quang
vẫn
không trở về với vị trí bên lề của trường chính trị,
mà
tiếp
tục vận dụng ảnh hưởng to lớn của mình lên sinh mệnh chính trị của Việt
Nam Cộng hòa bằng cách từ chối hậu thuẫn cho những chế độ quân nhân
chủ trương chiến tranh
điều
hành quốc gia từ 1964 đến 1966 và chủ
trương phải tái lập chế độ dân chủ cùng sớm vãn hồi hòa bình.
Trong việc
leo thang chiến tranh ở Việt Nam với việc trực tiếp đổ quân chiến đấu Mỹ
kể từ năm 1965, Phật giáo cũng không thể ngồi yên.
Sau cuộc hội họp với Tổng thống Mỹ Johnson ở Honolulu vào đầu năm 1966,
các tướng
Nguyễn văn
Thiệu
-
Nguyễn Cao
Kỳ muốn nhanh chóng tóm thu quyền hành về một mối để dễ cai trị với bàn
tay sắt cũng như rảnh tay điều hành cuộc chiến theo ý đồ của người Mỹ.
Cái gai trước mắt của họ là lực lượng Phật giáo miền Trung và tư lệnh
Vùng I, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, người hùng của cuộc đảo chính
chống Diệm năm 1960.
Nội bộ tướng lãnh Sài Gòn lục đục tranh quyền,
Tướng Thi bị nhóm tướng lãnh Sài Gòn cách chức. Vụ bãi chức này chỉ là
một cái cớ để Phật giáo tung ra cuộc đấu tranh mới, đòi các tướng lãnh
đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đó là lập lại các định chế
dân chủ như soạn thảo hiến pháp, bầu quốc hội dân cử như đã hứa hẹn từ
ngày lật đổ Ngô Đình Diệm. Binh lính Quân đoàn I hầu như đã đồng loạt
nổi dậy, sát cánh cùng đồng bào Phật tử chống lại chính quyền Sài Gòn.
Cuộc biến động nầy được báo chí nước ngoài gọi là
“Một
cuộc nội chiến trong cuộc chiến tranh”!
Sài Gòn chuyển Thủy quân lục chiến ra sân bay Đà Nẵng, quyết dẹp tan
cuộc binh biến. Các thành phố Đà Nẵng-Huế hầu như biến thành các căn cứ
địa nổi dậy mới, với các đội Sinh viên 'Quyết tử', quần chúng vũ trang
sát cánh cùng binh lính nổi loạn, chuẩn bị sẵn sàng đánh trả quân Sài
Gòn. Binh lính Quân đoàn I cũng quay nòng súng đại bác chĩa vào sân bay
và căn cứ Mỹ. Thấy quân dân miền Trung làm dữ, tướng Nguyễn Cao Kỳ một
mặt hứa hẹn sớm tổ chức bầu cử Quốc hội, đưa cả tướng Thi ra xoa dịu
tình hình. Nhưng mặt khác vẫn ráo riết tăng cường lực lượng đàn áp, có
quân Mỹ hỗ trợ ngầm đằng sau.
Bàn thờ xuống đường ở Huế
Cuộc biến động miền Trung lần này có tác động phân chia lực lượng quốc
gia đô thị làm thành hai phe rõ rệt. Trong hàng ngũ Phật giáo, nhóm chủ
chiến Bắc di cư của thượng tọa Thích Tâm Châu đứng hẳn về phía nội các
chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ. Đa số Phật tử thì đứng về lập trường hòa bình
nhưng cũng không mấy đồng nhất. Thượng tọa Thích Trí Quang nay lại xuất
hiện, chủ trương tiến hành bầu cử quốc hội thể hiện được nguyện vọng của
toàn dân. Hy vọng với đa số nằm trong quốc hội, Phật giáo sẽ nói lên
được ý nguyện của nhân dân là đem lại chủ quyền và hòa bình cho Việt
Nam.
Phải chăng cũng với ý hướng đó, Thầy Nhất Hạnh do tổ chức Hòa Bình Mỹ
mời sang Hoa Kỳ, tuyên bố chủ trương 5 điểm của Phật giáo: Chính phủ
Nguyễn Cao Kỳ từ chức, quân đội Mỹ rút lui, ngưng oanh tạc Bắc Việt, Mỹ
phải giúp lập chánh thể dân chủ và tái thiết miền Nam không điều kiện.
Do cuộc vận động này mà Thầy Nhất Hạnh phải sống lưu vong 40 năm sau mới
được về lại Việt Nam!
Về cuộc
chính biến này, dư luận khách quan thời đó ghi nhận :
Phật giáo
không Cộng sản, cũng không thân Mỹ. Sau vụ Ngô Đình Diệm, không ít người
nghĩ rằng Phật giáo có thể là đồng minh của Mỹ trong công cuộc ngăn chặn
chủ nghĩa Cộng Sản bằng chế độ dân chủ, bằng xã hội công bằng,
phát triển trong tự do, và đặc biệt bằng con đường hòa bình, hòa
giải giữa hai ý thức hệ (Tự do – Cộng sản), giữa hai miền (Nam – Bắc),
giữa hai thế giới (Tư bản – Cộng sản).
Đai sứ Mỹ
Cabot Lodge lúc đó có lẽ đã cố gắng thuyết phục Thầy Trí Quang và Phật
giáo đi theo con đường chiến tranh của mình. Nhưng Phật giáo kiên trì
kêu gọi Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam xây dựng chế độ dân chủ trong quan
hệ đồng minh chứ không phải trong quan hệ
“thống
trị – chư hầu”.
Cuộc giằng
co thuyết phục – kêu gọi lẫn nhau kéo dài từ cuối năm 1963 đến cuối xuân
1966. Một mặt, người Mỹ tiếp tục đi tìm người hùng cho giải pháp chiến
tranh, mặt khác Phật giáo kiên trì đấu tranh dân chủ và quyền dân tộc tự
quyết theo con đường hòa bình và phương pháp bất bạo động. Xem ra hai
con đường không thể nhập làm một trong cuộc đương đầu với lực lượng cách
mạng ở miền Nam.
Và cũng như
phe cách mạng Việt Nam, Mỹ cùng cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam và
quốc tế khẳng định chỉ có một con đường, nhưng ngược chiều: chiến tranh.
Thầy Trí
Quang và Phật giáo miền Trung lý luận rằng trong thế giới vô thường, đã
có 1, ắt
có 2, có 3. Như vậy là vào thời điểm này, trên thế giới này, trong đất
nước này, Phật giáo là con đường thứ ba đó. Con đường thứ ba có sứ mệnh
hóa giải sự ngược chiều sinh tử, hủy diệt dân tộc và nhân loại của hai
con đường kia.
Cuộc đấu
tranh của Phật giáo từ việc
chống
độc tài Ngô Đình Diệm qua độc tài Nguyễn Khánh, độc tài Trần Văn Hương
đến độc tài Kỳ – Thiệu – Mỹ
là cả một cuộc hành trình. Đó là cuộc hành trình đầy khổ nạn đi giữa rất
nhiều làn đạn.
Trong cuộc
đương đầu với chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo nhanh chóng nhận được sự
đồng tình hiệp lực của tất cả phật tử và nhân dân miền Nam (Quân đội,
Trí thức, Sinh viên, Học sinh, Đại Việt, Quốc Dân đảng, Cao Đài, Hòa
Hảo, ngoại trừ cộng đồng Thiên Chúa giáo). Phải mất một thời gian khá
lâu sau khi Diệm đổ, Thầy Trí Quang và Phật giáo mới nhận ra rằng tuy
đồng hành, nhưng người Mỹ không là đồng minh trong các mục tiêu tự do và
bình đẳng tôn giáo. Và nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy Mỹ loại trừ chế độ
gia đình trị là bởi Ngô Đình Nhu dám đem chuyện hiệp thương với miền Bắc
làm ‘chantage’ (trả giá) với Mỹ.
Tuy nhiên,
những cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân chủ sau Diệm, đặc biệt là cuộc đấu
tranh chống Thiệu – Kỳ lần này, Thượng tọa Thích Trí Quang và Phật giáo
miền Trung gần như đơn độc: Phật giáo miền Nam (của Mai Thọ Truyền) đứng
ngoài. Phật giáo miền Bắc di cư (của Thích Tâm Châu) ngả về phía
Thiệu-Kỳ. Cao Đài, Hòa hảo dửng dưng. Phật giáo Quốc tế can ngăn, phủ
nhận. Báo chí Mỹ và các thế lực Công giáo quốc tế chống phá quyết liệt.
Các tướng trẻ trong quân đội, đảng phái, một bộ phận trí thức và sinh
viên chống Cộng ủng hộ chính phủ. Và người Mỹ từng bước hiện nguyên hình
là cha nuôi, là ông chủ của Thiệu-Kỳ trong cuộc chiến tranh chống Cộng
và cuộc đánh phá viên đá cản đường Thích Trí Quang và Phật giáo miền
Trung.
Sau biến cố
này, Thầy Trí Quang bị vô hiệu hóa qua việc chính quyền Thiệu-Kỳ giam
lỏng, cô lập ở Sài Gòn.
Tranh cử quốc hội, 1971: Ý hướng hòa bình, hòa hợp hòa giải dân tộc
Thầy Trí Quang và phe Phật giáo đấu tranh đã tiên báo kết cục này từ năm
1964: “Mỹ sẽ thua nếu không từ bỏ
cuộc chiến tranh của mình và chế độ độc tài quân phiệt tại miền Nam”.
Từ sau 1954, do nhận biết về bản chất của nền văn minh phương Tây, do
kinh nghiệm sống dưới chế độ thực dân suốt một trăm năm bị đô hộ, và
kinh nghiệm 9 năm kháng chiến thời gian Việt Minh, Phật giáo miền Trung
– Huế làm nòng cốt cho cuộc vận động tự thân của Phật giáo toàn miền Nam
với hy vọng hình thành một lực lượng đứng ngoài sự tranh chấp giữa hai
phe Tư bản – Cộng sản, Quốc gia – Quốc tế. Phong trào Phật giáo từ 1963
đến 1966 biểu hiện cái khuynh hướng Thứ Ba ấy. Khốn nỗi, lực lượng Thứ
Ba không thành, nhưng khuynh hướng chính trị Thứ Ba thì thấy rõ.
Năm 1971 có bầu cử Quốc hội Sài Gòn,
Mặt trận Dân tộc Giải phóng
bí mật đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường hòa bình đứng giữa, chuẩn
bị cho
sự hình thành
'Thành phần thứ ba'. Hội nghị Paris về vấn đề Việt Nam chưa ngã ngũ
nhưng đang bàn đến việc lập chính phủ 3 thành phần, trong đó có thành
phần đứng giữa làm trung gian hòa giải trong chính phủ liên hiệp tương
lai. Thật khó khăn nếu tự ra ứng cử đơn thương độc mã một mình. Tên tuổi
của tôi tuy cũng có một thời được nhiều người biết đến, nhưng nay chắc
không ai còn nhớ đến trong cái Sài Gòn rộng lớn và bận rộn
làm ăn kiểu
này. Dẫu có tự do bỏ phiếu thì tranh cử kiểu không tiền bạc, không thế
lực như tôi chỉ là chuyện vô ích.
Phải tìm hậu thuẫn nơi khối đông đảo quần chúng đô thị, lúc này không ai
khác hơn là lực lượng Phật giáo, nhất là ở miền Trung. Tôi bàn bạc sẽ về
Đà Nẵng quê tôi để tranh cử. Tôi vừa có hậu thuẫn ở Sài Gòn của tướng
Dương Văn Minh, người sẽ ra tranh cử tổng thống với chiêu bài
hòa bình,
hòa giải vào cuối năm đó.
Mặt khác, tuy cũng biết tôi đứng về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng,
Thầy Trí Quang vẫn
đồng ý giới thiệu, yêu cầu vị sư đại diện tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng
là Minh Chiếu
sắp tên của tôi vào danh sách những người được Phật giáo ủng hộ công
khai.
Gặp gỡ tôi sau vụ bầu cử, Thầy Trí Quang chỉ thở dài, hỏi tôi có tốn kém
gì nhiều không? Có lẽ bản thân Thầy cũng ý thức được sự bất lực của mình
trước các thế lực bất minh còn nằm ngay trong chính hàng ngũ cao cấp
trong Phật giáo Ấn Quang.
Nay nghĩ lại, nếu hồi đó mà đắc cử, với cương vị một đại biểu quốc hội có lập trường hòa bình thân Cộng, bản thân tôi dễ bị các phe phái chống Cộng quyết liệt ở thành phố miền Trung này như Đại Việt, Quốc Dân Đảng sát hại, như họ đã từng làm đối với những người khác chính kiến hoặc tỏ ra lập trường thân Cộng.
“Với
Phật giáo, ngoài sự tham gia ngay trong nhóm ông Minh của luật sư Vũ Văn
Mẫu, nghị sĩ quốc hội và là chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm
còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của thượng tọa Thích
Trí Quang, người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Phật giáo Ấn
Quang. Tôi nhận nhiệm vụ riêng của ông Dương Văn Minh đi liên lạc với
thượng tọa Thích Trí Quang, tìm sự ủng hộ của cá nhân thượng tọa và của
Phật giáo Ấn Quang.
Sự liên kết chính thức giữa tướng Minh và thượng tọa Trí Quang diễn ra
trong năm 1974. Khi tôi đặt thẳng vấn đề ông Dương Văn Minh mong muốn có
sự ủng hộ công khai của thượng tọa trong một chủ trương đấu tranh cho
hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và trước hết là thay đổi chính quyền
Nguyễn Văn Thiệu, thì thượng tọa Trí Quang trầm ngâm một lúc. Sau đó
thượng
tọa chậm rãi nói: “Ông Minh không phải là một người làm chính trị sắc
bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp
cũng được”. Cách nói của thượng tọa Trí Quang cho thấy việc chọn lựa ông
Minh cầm ngọn cờ tập hợp để góp phần cùng lật đổ chính phủ Thiệu chưa
phải là hoàn toàn ưng ý mà là một giải pháp thay thế, một chọn lựa tương
đối tốt nhất bấy giờ”.
Về phần mình, tập Tự truyện của Thầy Trí Quang có ghi về những ngày cuối
cùng của Việt Nam Cộng hòa như sau:
"Ấy thế, mọi việc diễn ra có lúc đến chóng mặt. Cho đến mùa xuân 2519
(1975) thì một ngày mà có người ba lần đến vận động tôi đừng chống việc
ông Dương Văn Minh đứng ra, "vì chính quyền của ông ấy sẽ có bảy phần
mười là người tiến bộ". Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời
thầy Trí Thủ nói, rằng chim cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà
không hy sinh cấp cứu. Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai mảnh
giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và
nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến
quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu
lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí Thủ nói, và có nghĩa ông
thay người khác mà vác cờ trắng ! Sau đó mấy tháng, tôi trả lời một
thầy Phật Giáo cấp Tỉnh, rằng nay Phật Giáo Việt Nam bước qua một giai
đoạn khác.”
Khi quân giải phóng pháo kích dồn dập sân bay
Tân Sơn Nhất khuya 29/4/1975, tôi nghĩ rằng cuộc chiến đấu cuối cùng đã
bắt đầu. Lần gặp sau cùng, Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt hoạt động trong cụm
A10, An ninh T4 Giải phóng) gợi ý rằng : “Chỉ có thuyết phục, tác động
những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn buông súng trên tinh thần hòa
hợp hòa giải mới mong tránh được đổ máu và tàn phá”.
Nhóm sinh viên cùng binh lính, sĩ quan trẻ phản chiến lấy đại học Phật
giáo Vạn Hạnh làm trụ sở đã chuẩn bị sẵn sàng. Dự kiến nếu còn chiến đấu
dằng dai thì phải hình thành ngay các ‘Ủy ban hòa hợp hòa giải’ lấy các
chùa làm cơ sở. Nghe nói nhiều nhóm vũ trang phản động vẫn toan tính trụ
lại chống cự và phía quân giải phóng thì cũng quyết tâm sớm dứt điểm
cuộc chiến, phải trả giá cao nếu cần. Ban đầu ai cũng nghĩ xung đột sẽ
kéo dài, sớm nhất cũng đến ngày sinh Bác Hồ 19/5 mới ngã ngũ.
Sáng tinh mơ ngày 30/4, khi những chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời Sài
Gòn, tôi chạy vội lên chùa Ấn Quang gặp thượng tọa Trí Quang. Tôi báo
ngay: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin Thầy làm sao tác động gấp nhóm
ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và
tàn phá Sài Gòn. Các đường giây liên lạc với bên kia nay đã đứt hết rồi,
không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu”. Ông hiểu ngay và choàng
áo sang phòng bên gọi điện thoại. Tôi nghe vị thượng tọa nói chuyện qua
lại một hồi, rồi quay về cho biết: “Thái cứ yên tâm, Thầy không gặp được
ông Minh, nhưng đã nói chuyện với ông Mẫu (thủ tướng nội các mới), chắc
chắn họ sẽ hành động theo hướng này”.
Ngày hòa bình và thống nhất đất nước 30/4/1975 sau đó đã diễn ra êm
thấm, Sài Gòn đã được giải phóng, không đổ nát và đổ máu.
Thượng tọa Thích Trí Quang,
trước hết là “một nhà tu yêu nước”
Nhân vật Trí Quang từng là đối tượng gây tranh
luận nhiều năm trong chiến tranh và cả sau chiến tranh, cả ở trong nước
lẫn ngoài nước.
Học giả
Mỹ
bên cánh hữu thì cho rằng Trí Quang chắc chắn là tay sai cộng sản hoạt
động theo chỉ thị của Hà Nội. Học giả bên cánh tả thì lý luận rằng Trí
Quang là một lãnh đạo tôn giáo ôn hoà dấn thân cho dân chủ và quyết tâm
đòi chấm dứt chiến cuộc nhanh chóng.
Thái độ trung dung thì nói rằng :
Yếu tố chính dẫn đến xung đột giữa phong trào Phật giáo và chính quyền
Johnson là việc Trí Quang quả quyết rằng các chế độ quân sự tiếp theo
Ngô Đình Diệm có thái độ thù nghịch với Phật giáo và thiếu khả năng đưa
cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản đến một kết thúc thắng lợi.
Về vấn đề này, theo tôi thì Lý Quí Chung có nhận định khác biệt, khách
quan hơn. Anh viết trong hồi ký rằng : “Theo tôi, lúc ấy (chính biến miền Trung 1966) ông là một người yêu nước nên không có cơ sở để chấp nhận một số tố cáo của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đối với thượng tọa Trí Quang khi ông còn là thủ tướng và phải đối đầu với thượng tọa Trí Quang trong biến động năm 1966 tại miền Trung. Trong hồi ký của mình (Buddha's Child - Đứa con cầu tự), tướng Kỳ cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang muốn trở thành một kiểu Đức Giáo hoàng của Phật giáo tại Việt Nam và sở dĩ thượng tọa Trí Quang đòi lật đổ Nguyễn Cao Kỳ vì thượng tọa…nắm không được Nguyễn Cao Kỳ trong tay mình. Khi thượng tọa đưa bàn thờ “xuống đường” để chống chính phủ, và phát động sự nổi dậy của Phật giáo ở miền Trung, đặt người của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn vào chức vụ thị trưởng Đà Nẵng, thì thượng tọa Trí Quang bị tố cáo là hành động theo sự chỉ đạo của cộng sản. Trong hoạt động lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, thượng tọa Trí Quang cũng đã từng bị tố cáo là một phần tử cộng sản. Nhưng sự kiện xảy ra tại chùa Xá Lợi đêm 21-8-1963 đã làm đảo lộn sự đánh giá về thượng tọa Trí Quang trước đó. Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chế độ Diệm, chùa Xá Lợi được chọn làm “tổng hành dinh” của Phật giáo. Thượng tọa Trí Quang chỉ huy cuộc đấu tranh từ đây. Tại chùa Xá Lợi luôn có hàng ngàn nhà sư, ni cô, sinh viên đấu tranh và cả dân thường ở đó ngày đêm. Đêm 21-8-1963, Ngô Đình Nhu ra lệnh tấn công chùa Xá Lợi. Rất nhiều người bị bắt, bị thương, bị mất tích và cả bị giết chết trong cuộc đàn áp. Nhưng Ngô Đình Nhu không đạt được mục đích chính của mình là bắt thượng tọa Trí Quang: ông đã biến mất vào phút chót. Sau đó báo chí Mỹ mới khám phá ra rằng thượng tọa Trí Quang đã vào “tị nạn chính trị” trong Đại sứ quán Mỹ. Sự kiện này đã gián tiếp đính chính thượng tọa Trí Quang không phải là cộng sản. Và sau đó lại có lời đồn rằng thượng tọa Trí Quang là người của... CIA!? Các tài liệu về Việt Nam chưa bao giờ nói rõ gốc tích của vị thượng tọa này. Theo nhà báo Mỹ Stanley Karnow, Thích Trí Quang từng bị người Pháp bắt giam vì tội làm cộng sản trước 1954 khi ông còn là một thanh niên. Đi tu, ông được đưa đi học ở Tích Lan (Ceylon) và sau đó trở về đi thuyết pháp khắp Việt Nam. Thượng tọa Trí Quang có mặt tại Huế từ tháng 5-1963 và trở thành người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật giáo nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Theo lệnh của Washington, đại sứ Mỹ Frederick Nolting khuyên ông Diệm nên hòa giải với thượng tọa Trí Quang, nhưng ông Diệm từ chối, cho rằng biến động ở Huế có bàn tay cộng sản nhúng vào. Nhưng sau đó trong cuộc phản công của bà Ngô Đình Nhu ngày 7-6-1963, bà lại tố cáo Phật giáo đấu tranh có sự giật dây của người Mỹ ở phía sau. Gián tiếp bà tố cáo thượng tọa Trí Quang là người của Mỹ…
Thật sự Thích Trí Quang là người của ai? Lúc đó tôi không có đủ điều
kiện trả lời câu hỏi này, nhưng với tôi, thượng tọa Trí Quang trước
hết là một nhà tu yêu nước.”
Trước khi
kết thúc bài viết, xin ghi lại câu chuyện này:
Khi thực dân Pháp bị đánh bại tại Điện Biên
Phủ và phải công nhận nền độc lập của một nước Việt Nam thống nhất qua
Hiệp định Genève, Thầy Trí Quang là một trong những vị lãnh tụ Phật giáo
thời kỳ dấn thân trong Phong trào Phật giáo Chấn hưng, đã nói với các đệ
tử của ông rằng là: “Trước khi
trở thành Phật tử, tất cả chúng ta đã là người Việt Nam”. Trong Tứ
Ân, tôn chỉ của người phật tử thời kỳ chấn hưng, thì ơn Cha Mẹ, ơn Tổ
Quốc, đứng hàng đầu, sau đó mới đến ơn Tam Bảo, ơn Chúng Sinh. Như thế,
con đường đi tới giải thoát – niết bàn của mỗi Phật giáo đồ Việt Nam
nhất thiết phải kinh qua một chặng đường là đất nước này, dân tộc này và
cuộc đời này.
Phải chăng đó là con đường Thầy Trí Quang đã đi qua.
Sau 1975, đất nước đã có hòa bình, độc lập và thống nhất. Thầy Trí Quang
quay về
sống yên lặng tại
Sài Gòn, trước ở chùa Ấn Quang, sau
tĩnh tu tại một ngôi chùa ở
Bình Thạnh, TP.
HCM.
Bên cạnh việc san dịch kinh sách,
Thầy cũng
hoàn tất một hồi ký đặc biệt về
đời mình và
cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam.
Thầy Trí Quang nay đã gần tuổi 100, quay về tĩnh tâm tại nơi hoạt động
cũ của mình và là nơi phát khởi cuộc đấu tranh chống Ngô Đình
Diệm 1963 là chùa Từ Đàm ở Huế.
Riêng đối với trường hợp Hòa Thượng Thích Trí Quang, tôi rất tâm đắc ở
câu nói cuối cùng trong Tự Truyện của ngài, rằng:
“Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi
‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói… ‘Không vẫn hoàn
không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy.”
Riêng bản thân tôi
vẫn
mãi ghi nhớ và thấm thía về
lời khuyên của
Thầy Trí Quang,
nhắn qua vợ tôi,
ngay sau ngày
30/4/1975
:
“Thầy
và Thái như vậy là đã làm được một số việc trong cảnh dầu sôi lửa bỏng
rồi. Thành phố này không bị tàn phá và đổ máu trong những ngày cuối cùng
của cuộc chiến. Nay họ đã có lớp người mới, phải ý thức rằng ta thực sự
không còn cần thiết cho họ nữa. Đừng xông xáo ra quá. Hãy quay về với
công việc chuyên môn của mình đi, may ra còn đóng góp được cái gì có ích
chung…”.
Khi nghe tin Thầy vừa viên tịch ngày hôm qua 8/11/2019 thì cuốn sách
“Giữa hai làn đạn – Thượng toạ Thích Trí Quang” sắp tới đây sẽ là nén
hương lòng của tôi để mọi người hiểu rõ hơn về Thầy – một nhân vật lịch
sử Việt Nam.
Hà Nội, Mùa Thu 2019 Nguyễn Hữu Thái
Tác giả bài
viết nguyên là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964),
bản thân anh đã thực sự thức tỉnh và trưởng thành qua các cuộc đấu tranh
của Phật giáo 1963 (chống chế độ độc đoán Ngô Đình Diệm) và 1966 (chính
biến miền Trung chống Mỹ và Thiệu-Kỳ) do Thượng tọa Thích Trí Quang lãnh
đạo. Vào năm 1971, anh được sự
hỗ trợ của cả Thầy Trí Quang và Tướng Dương Văn Minh ra tranh cử Quốc
hội Việt Nam Cộng hòa dưới danh nghĩa hòa bình, hòa giải dân tộc, chuẩn
bị cho sự ra đời của ‘Thành phần thứ Ba’. Vào sáng ngày 30/4/1975
giải phóng Sài Gòn, anh đã cùng Thầy Trí Quang thuyết phục nội các Dương
Văn Minh bàn giao chính quyền cho cách mạng nhắm tránh cuộc đẫm máu và
tàn phá vô ích cuối cùng.
Người viết
xác định ngay rằng mình
là người ngoại đạo và chỉ hoạt động trong phạm
vi Sài Gòn. Rất mong các học giả, các nhà Phật học và những Phật tử
trong cuộc xem những trang viết này là một cảm nhận
lịch sử. Anh chỉ ghi lại
những điểu chính bản thân mình mắt thấy tai nghe về các sự kiện lịch sử
có liên quan đến Thượng tọa Thích Trí Quang và phong trào Phật giáo cùng
các suy nghĩ của mình và bạn bè qua những lần được gặp gỡ, bàn thảo với
Thầy, đặc biệt vào các năm cuối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-11-19 |