BAN CHÁNH TRỊ TỈNH ĐỘI NĂM XƯA

Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống

Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang

(26/8/1945 – 26/8/2021)

*

Trích hồi ký “Chuyện đời tự kể

Nguyễn Minh Đào

 

     Giữa năm 1968 tôi làm chánh Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên nhận quyết định về Văn phòng Tỉnh đội An Giang, Ban chỉ huy Tỉnh đội phong cấp đại đội chánh trị bậc phó (thiếu úy), giao nhiệm vụ làm trợ lý chiến sự - chức năng như chánh văn phòng, thay anh Trần Thế Lộc (Bảy Phong) nhận nhiệm vụ khác. Anh Trần Minh Phương (Chín Phương) cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy về Tịnh Biên thay tôi.

     Gần cuối năm 1969, Bộ Tư lệnh Miền điều động Sư đoàn 1 Anh hùng về đứng chân chiến trường Bảy Núi, xây dựng “đầu cầu” ở địa bàn chiến lược này, mở hành lang chuyển Sư đoàn về miền Tây. Những tháng ngày này các cơ quan Tỉnh đội làm việc cật lực, bảo đãm các mặt để đưa một đơn vị lớn hàng ngàn quân từ biên giới qua kinh Vĩnh Tế về đứng chân trên một vùng căn cứ nhỏ hẹp, có nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng tất cả cũng qua đi…

     Để lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị bộ đội tỉnh có mặt chiến trường Bảy Núi như Đại đội 385 Trợ chiến, Đại đội 381 Đặc công và Tiểu đoàn A12 Quân khu biệt phái, tác chiến độc lập hoặc phối hợp với Sư đoàn, Tỉnh đội thành lập Ban chỉ huy Tiền phương do anh Trần Thế Lộc (Bảy Phong) - Tỉnh đội phó phụ trách. Khi ấy tôi nhận quyết định về công tác Ban Chánh trị Tỉnh đội làm trợ lý tuyên huấn, với cấp đại đội chánh trị bậc trưởng (trung úy) được cử đi cùng Ban chỉ huy Tiền phương phụ trách công tác chính trị. Chúng tôi hành quân tới núi Som – Campuchia, phải mất hơn 1 tháng mới dùi qua được kinh Vĩnh Tế. Lúc đầu trú đóng vách núi Dài Ba Chúc, sau cùng về bám trụ đồi Ô Tà Sóc xã Lương Phi.

     Tháng 3 năm 1970, tướng Lon Nol đảo chánh lật đổ chế độ trung lập của Quốc vương Sihanouk - Campuchia, Mỹ và quân Sài Gòn mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Lúc bấy giờ các cơ quan Tỉnh đội trú đóng chòm vừng xã Nhơn Hội, huyện An Phú trên đất Campuchia sát biên giới. Bác Hồ qua đời mấy tháng nay, trong cơ quan Tỉnh đội cũng như các cơ quan khác còn nặng trĩu đau buồn, nay đối mặt tình thế mới, dồn ta vào thế “lưởng đầu thọ địch”! Các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội trú đóng trên đất Campuchia không còn an toàn! Địch ở đồn Nhơn Hội cách khu vực trú đóng cơ quan Tỉnh đội chừng vài trăm mét, ngày đêm chĩa loa phóng thanh hướng biên giới ra rã: “Hởi cán binh Việt cộng! Bác Hồ của các bạn không còn… Campuchia thay chánh phủ mới, không chứa các bạn trên đất họ nữa, quân lực Việt Nam cộng hòa sẽ tiến đánh các bạn bất cứ lúc nào…”

     Trước một hai ngày xãy ra cuộc đảo chánh ở Campuchia, đoàn các bộ lãnh đạo tỉnh An Giang bảy đồng chí và đồng chí phó bí thư Khu ủy Khu 8, cải trang đi công khai trên đất Campuchia ven biên giới, từ căn cứ Khu ủy Đồng Tháp Mười về An Giang, đến đồn Prek-Chẹy đối diện khu phố Long Bình xã Khánh An, huyện An Phú bị quân đồn trú Campuchia bắt giử. Tỉnh ủy cấp tốc cử người đến thương lượng, trả một số vàng khá lớn để chuộc nhưng không thành. Không còn cách nào khác, Tỉnh đội tổ chức một phân đội tinh nhuệ tuyển chọn trong Đại đội Đặc công và Đội Trinh sát Quân báo tỉnh tập kích chiếm đồn Prek-Chẹy giải thoát các đồng chí bị bắt an toàn. Tỉnh đội chỉ đạo trận đánh cố gắng hạn chế thương vong quân đồn trú, không bắt tù binh, không thu vũ khí hay bất cứ thứ gì. Đặt dấu chấm hết thời kỳ thân thiện ta với Campuchia.

                                                             *

     Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết. Những tháng ngày trước, trong và sau khi Hiệp định có hiệu lực, trên chiến trường An Giang chiến sự vẫn tiếp diển! Các lực lượng vũ trang ta vẫn tiếp tục chiến đấu giành dân, giử đất chống địch phá hoại hiệp định bảo vệ thành quả cách mạng. Những tháng ngày ấy, cơ quan Ban Chánh trị Tỉnh đội, cũng như các cơ quan khác của tỉnh làm việc khẩn trương, sôi động ngày đêm ở hậu cứ, cũng như ở chiến trường, phục vụ bộ đội chiến đấu và sự lãnh đạo chỉ huy của Tỉnh ủy, Tỉnh đội.

     Tháng 3 năm 1973 tôi được cử đi học khóa bồi dưởng cán bộ chánh trị viên tiểu đoàn Trường Quân chính Quân khu 8 hai tháng, trường trú đóng trên đất Campuchia, cách biên giới tỉnh Long An khá xa.

     Tháng 2 năm 1974, Ban Chánh trị Tỉnh đội đóng chòm vừng – Mương Lỡ, ven bờ tây sông Hậu cách biên giới vài cây số. Đồng chí Bảy Sửu cán bộ cơ quan đi công tác bị Khmer đỏ bắt. Vừa nghe tin, tôi báo cáo và đề xuất thủ trưởng Tỉnh đội cử một phân đội Trinh sát quân báo yểm trợ tôi và một số đồng chí trong cơ quan đi tìm. Đồng chí Sáu Sên – chánh trị viên Tỉnh đội, tức Nguyễn Văn Hơn - Sáu Hơn, sau này làm bí thư Tỉnh ủy, chỉ thị tôi phải cố gắng tránh chạm súng với “bạn”. Chúng tôi qua bờ Đông sông Hậu dàn đội hình chiến đấu, lục soát xóm nhà dân Campuchia bỏ hoang và vườn cây phía sau, phát hiện bọn Khmer đỏ thấp thoáng di chuyển lên hướng Cỏ Tiêu. Chúng tôi thận trọng bám theo chúng khá xa, đến khi không thấy dấu vết, chúng tôi quay về lúc trời sắp tối. Tôi bàn anh em đưa tôi gặp Ban liên lạc tỉnh (cơ quan đối ngoại với Campuchia) đóng bờ Tây sông Hậu, nhờ liên hệ với “bạn” nắm tin tức đồng chí Bảy Sửu, tìm cách lãnh đồng chí về. Tôi đang nói chuyện với đồng chí Ba Thảo – phó Ban liên lạc, bổng nghe súng nổ rộ phía trên đó chừng 200 mét. Thì ra, anh em Trinh sát quân báo cảnh giới bên này bờ mương đấu súng với bọn Khmer đỏ chốt bên kia bờ mương. Thế là dự định nhờ Ban liên lạc tiếp xúc với “bạn” tiêu tan! Đêm ấy, Ban liên lạc bỏ điểm lùi xuống phía dưới đóng chung với Tiểu đoàn 1 bộ đội tỉnh. Tôi về báo cáo thủ trưởng Tỉnh đội, bị đồng chí Sáu Sên “mần” cho một trận, vì để Trinh sát quân báo “gây sự với bạn”!

     Bọn Khmer đỏ giết đồng chí Bảy Sửu cướp khẩu súng ngắn! Đồng chí là người thứ hai trong cơ quan Ban Chánh trị Tỉnh đội, sau đồng chí Đình Trung – trợ lý tổ chức đi công tác cũng bị Khmer đỏ sát hại trước đó không lâu!

     Sau đồng chí Bảy Sửu hy sinh, Ban Chánh trị Tỉnh đội xãy ra chuyện buồn khác! Một chuyện không ai ngờ xãy ra. Sự việc như sau:

     Đồng chí Hoài Phong – trợ lý tổ chức Ban Chánh trị Tỉnh đội có vợ bị địch bắt đang ở tù. Những ngày đầu tháng 4 năm đó đồng chí đi công tác đến Huyện đội An Phú dan díu với một nữ chiến sĩ hậu cần Huyện đội tên Mai có chồng liệt sĩ, bị phát hiện. Ban Chánh trị Tỉnh đội và Huyện đội An Phú nhiều lần khuyên ngăn hai người chấm dứt mối quan hệ tình ái bất chính đó nhưng không kết quả, hai người quan hệ công khai như vợ chồng, Lúc đó, cơ quan tổ chức sản xuất lúa ở rạch Cái Dơn gần biên giới đến kỳ thu hoạch. Đồng chí Hoài Phong cùng đi thu hoạch lúa với cơ quan, đưa cô Mai về ăn ở trong trại ruộng. Nghe anh em báo với tôi, hai người có ý định cho cô Mai nghỉ công tác về sống ở Prek Chẹy là vùng biên giới tiếp giáp khu phố Long Bình do địch kiểm soát. Tôi và một số đồng chí trong cơ quan tiếp tục khuyên can đồng chí Hoài Phong vẫn không kết quả, phải báo cáo đồng chí Lại Hữu Khai (Tư Khai) - Tỉnh đội trưởng, đồng chí chỉ đạo phải cố gắng ngăn chặn không để đồng chí Hoài Phong đưa cô Mai đi. Tôi phải đi gặp đồng chí Hoài Phong thuyết phục đồng chí về cơ quan và động viên cô Mai về Huyện đội An Phú, hay cô ở tạm trại ruộng của cơ quan không đi đâu cả, mọi việc sẽ giải quyết sau, theo chỉ đạo của thủ trưởng Tỉnh đội.

     Đêm ấy, tôi cùng đi với đồng chí Khanh – trợ lý bảo vệ từ cơ quan xuống tới trại ruộng lúc 3 giờ 30 sáng, tôi đang ngồi uống nước nơi bếp ăn, chờ đồng chí Khanh vào nơi đồng chí Hoài Phong và cô Mai ngủ, mời đồng chí Hoài Phong ra tôi nói chuyện. Khi đồng chí Khanh vừa trở lại chổ tôi ngồi nghe tiếng súng ngắn nổ liên tiếp mấy phát. Đó là những phát súng định mệnh kết thúc cuộc đời Hoài Phong và cô Mai! Theo lời anh em ngủ gần đồng chí Hoài Phong kể, sau khi bắn chết cô Mai, Hoài Phong còn hỏi: “Mai, chết chưa em?”. Sau đó tự bắn vào đầu chết theo!

     Ngày hôm sau, cơ quan Ban Chánh trị Tỉnh đội họp, có mặt đồng chí Bảy Phong – phó chánh trị viên Tỉnh đội và đồng chí Hồng Hưng – tỉnh đội phó tham dự để kiểm điểm sự việc, làm rõ nguyên nhân vụ tự sát và rút kinh nghiệm lãnh đạo ứng phó sự việc. Qua các ý kiến phát biểu, kể cả ý kiến hai đồng chí trong Ban chỉ huy Tỉnh đội đa số nhất trí như sau (theo Biên bản cuộc họp):

     “…

     “Đồng chí Hoài Phong và cô Mai tự sát là do hai người yêu nhau mù quáng, bất chấp đạo lý, xem thường kỷ luật và dư luận nội bộ. Khi tổ chức phát hiện khuyên ngăn không được tự do ăn ở với nhau, thì cảm thấy “sống trên đời không còn ý nghĩa gì nữa” (theo di bút đồng chí Hoài Phong để lại trong quyển sổ nhỏ) tự tìm cái chết. Hai người có ý định tự sát trước đó, vì thấy cuộc tình hai người không lối thoát! Đó là quan niệm sống vô cùng lệch lạc, bệnh hoạn!

     “Việc lãnh đạo phát hiện đồng chí Hoài Phong và cô Mai quan hệ tình ái bất chính không chấp nhận; nhất là khi phát hiện cô Mai có ý định về vùng giáp ranh với vùng địch, tìm mọi cách ngăn chặn là đúng, vì không thể đoán định trước, cô Mai có ra vùng địch đầu hàng hay không? Vì lợi ích cách mạng không thể xử lý khác, để bảo đãm sự nghiêm minh trong Đảng và bảo đãm bí mật căn cứ.

     “Việc đồng chí Hoài Phong và cô Mai tự sát là một tổn thất hết sức đáng tiếc, vì không ai dự đoán tình huống đó để ngăn ngừa. Do yêu cầu bảo vệ căn cứ trên hết, tìm cách ngăn chặn khẩn cấp không để cô Mai ra đi, dẫn đến hành động vội vã, tạo tình huống dồn ép làm hai người hiểu lầm, cảm thấy không lối thoát chọn con đường tự tìm cái chết.

     “…

 *

     Khi An Giang chia tách thành lập hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà giữa năm 1973, tôi ở tỉnh Long Châu Tiền vẫn làm phó chủ nhiệm Ban Chánh trị Tỉnh đội. Hồi ấy theo cơ chế tổ chức, chủ nhiệm chánh trị là phó chánh trị viên Tỉnh đội kiêm nhiệm, nhưng đồng chí này thường bận công tác lãnh đạo, chỉ huy ở Ban chỉ huy Tỉnh đội, công tác thường xuyên ở Ban Chánh trị giao tôi đảm trách.

  Năm 1974 các cơ quan Tỉnh ủy, Tỉnh đội trú đóng Kế Sách ven sông Sở Thượng trên đất Campuchia, cách biên giới đối diện thị trấn Hồng Ngự không xa. Năm ấy là năm cuối cuộc chiến tranh, Tỉnh đội tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1974 trong khí thế phấn khởi chưa từng thấy, trước những chiến thắng dồn dập của ta trên khắp chiến trường miền Nam. Địa điểm đại hội ở chòm vừng – nơi cơ quan Ban Chánh trị trú đóng. Tôi cử một số đồng chí tìm mua nhà cũ bằng gổ vuông của dân Campuchia đem về cất hội trường rất khang trang, bàn ghế làm bằng ván, trang trí khẩu hiệu, cờ hoa rất đẹp, ban đêm chạy máy đèn sáng rực! Đại hội tiến hành cuối tháng 6 năm 1974 vừa xong thì mùa nước đến.

 Mùa khô năm 1975 tình thế cách mạng biến đổi rất nhanh, ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Là người trong cuộc mà chúng tôi ai cũng bất ngờ vì nghĩ đến năm 1976 mới giành toàn thắng, khi xây cất hội trường Đại hội chiến sĩ thi đua chúng tôi dự định sử dụng cho cả kỳ đại hội năm 1975, nên không tiếc công sức làm vất vã gần 2 tháng mới xong, xử dụng mấy ngày bỏ lại trong rừng. 

  Ngày 1 tháng 5 năm 1975, nhóm công tác cơ quan chúng tôi cùng một đơn vị bộ đội địa phương tỉnh tiếp quản thị trấn Hồng Ngự. Trong thị trấn mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường. Vài hôm sau chúng tôi chuyển đến thị trấn Tân Châu, trở thành thị xã “thủ phủ” tỉnh Long Châu Tiền. Tôi cùng vài anh em tạm trú trong căn phòng bỏ tróng khu cư xá gia đình viên chức chế độ cũ. Hôm nọ, nghe tiếng người phòng bên cạnh nói chuyện vừa đủ tôi “nghe lén”: “…Người ta tốt lắm, đối với dân rất vui vẻ, lể độ, không nghe chưỡi thề như bọn mình…”. Chúng tôi sống những ngày đầu tiên vùng mới giải phóng rợp bóng cờ đỏ sao vàng trong tâm trạng vô cùng hồ hởi, phấn chấn như bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng: “… niềm vui như đến bất ngờ. Ngày đi như trong đêm  mơ…!”.   

Khi ấy, các cơ quan Tham mưu, Chánh trị Tỉnh đội trú đóng khu vực chi khu quận Tân Châu chánh quyền Sài Gòn. Đại hội chiến sĩ thi đua các Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Long Châu Tiền năm 1975 tổ chức đầu năm 1976 tại rạp hát Tân Châu. Đại hội này Ban Chánh trị Tỉnh đội không phải mất công sức xây dựng địa điểm và bảo đãm hậu cần như trong kháng chiến, chỉ tập trung lo nội dung và khánh tiết, công việc được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.

*

Tôi cũng như bạn bè, đồng chí từng có mặt trong cuộc trường chinh đánh giặc cứu nước năm xưa nay còn sống, mỗi năm đến ngày 30 tháng Tư gợi nhớ những kỷ niệm vui buồn không thể nào quên những năm dài chiến đấu xông pha lửa đạn, những lúc “gồng mình” dưới trận bom pháo của quân thù; Những khi nằm hầm, ngủ bụi, đói cơm, khát nước, những trận sốt rét kinh người, những đêm hành quân xa mang vác nặng luồng rừng, vượt núi, băng đồng; Và, nhớ thương khôn nguôi những đồng chí, đồng đội cùng mình đồng cam cộng khổ, vui buồn, ấm lạnh có nhau, sống chết bên nhau trên chiến hào, hay trên đường công tác đã ngã xuống khi tóc hãy còn xanh!                                    

  Tháng 12 năm 1975 tôi được thăng cấp đại úy, hồi đó tỉnh Long Châu Tiền sĩ quan cấp đại úy đến cao nhất là trung tá đếm trên đầu ngón tay. Lần đầu tiên khoát quân phục, đeo quân hàm kết hợp trông ai cũng đỉnh đạt, khác hẳn anh bộ đội ở rừng ngày nào!                                                    

  Sau Đại hội chiến sĩ thi đua, tôi mới có thời gian nghĩ phép mấy hôm về  thăm quê sau bao năm xa cách. Ngồi trên xe jeep đi từ Tân Châu sang phà Châu Giang qua Châu Đốc, vào Nhà Bàn theo con đường lộ đá quen thuộc xuống Cây Mít, lòng tôi lâng lâng một niềm vui khó tả…! Tôi ghé quê ngoại ở xóm chùa Long Hòa viếng mồ mả ông bà, thăm bà con bên ngoại và ra xóm Cây Mít thăm bà con bên nội.

Suốt chặng đường dài 30 năm đánh giặc cứu nước, làng quê tôi hết thế hệ này đến thế hệ khác, người trước ngã người sau đứng lên. Biết bao gia đình người thân ra đi không trở lại! Sau năm 1975 lại phải đương đầu với cuộc chiến trạnh biên giới Tây Nam do bon Khmer đỏ gây ra. Qua ba cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, làng quê tôi lập được nhiều thành tích vẽ vang, được Nhà nước hai lần tuyên dương Anh hùng. Đau thương, mất mát chồng chất! Cái giá để có ngày hôm nay, người dân quê tôi phải đánh đổi quá lớn!

 Năm 1976 tỉnh An Giang được tái lập, tôi vẫn là phó chủ nhiệm Ban Chánh trị Tỉnh đội, về sau là Phòng Chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Nhiều năm gắn bó Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh nhà trong công tác chánh trị quen người, quen việc tôi không muốn chuyển đi đâu. Đùng một cái, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội tham khảo tôi chuyển ngành sang Văn phòng Tỉnh ủy. Các đồng chí nói: Các ngành dân chính Đảng đang thiếu cán bộ, Văn phòng Tỉnh ủy cần một cán bộ có khả năng nghiên cứu phụ trách Khối quân sự - an ninh, nhất là theo dõi chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng khốc liệt, phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.

Thế là tôi hoàn thành nhiệm vụ công tác ở Ban Chánh trị Tỉnh đội An Giang và cũng là kết thúc cuộc đời binh nghiệp của tôi từ đó,/-

 

                                           Long Xuyên, ngày 26 tháng 8 năm 2021

                                                        Mùa đại dịch Covid-19

                                                                     N.M.Đ

                                                                                

 

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-8-21