CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM
Nguyễn Minh Đào
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đẫm máu kết thúc hơn 40 năm (1979
– 2020). Theo yêu cầu bạn hữu tôi đăng lại bài hồi ký này viết tháng
1/2014, chỉnh sửa, bổ sung ngày 2/5/2020.
Đất
nước Chùa Tháp – “Ốc đảo hòa bình”, “Đất thánh Việt cộng”
Những năm 1950 thế kỷ trước, Campuchia
dưới triều đại Quốc vương Sihanouk theo đuổi đường lối đối ngoại độc
lập, trung lập, người dân Campuchia sống trong hòa bình no ấm, trong khi
hai nước láng giềng Việt Nam và Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ
leo thang ngày càng ác liệt, thế giới gọi Campuchia là “Ốc đảo hòa
bình”.
Là nước trung lập, nhưng Quốc vương
Sihanouk hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, như
chấp nhận các cơ quan và bộ đội Việt Nam, trong đó của tỉnh An Giang
đứng chân trên đất Campuchia ven biên giới, như cái gai trong mắt người
Mỹ và chánh quyền Sài Gòn nhưng không làm gì được. Họ gọi đó là “đất
thánh Việt Cộng”. Campuchia còn chấp nhận miền Bắc Việt Nam nhập vũ khí
vào cảng Sihanoukville, mở đường vận chuyển xuyên rừng tràm Hà Tiên về
miền Tây Nam Bộ…
Ngày 18 tháng 3 năm 1970, nhân ông
Hoàng Sihanouk đi nước ngoài, tướng Lon Nol đảo chánh lập chánh phủ thân
Mỹ ở Campuchia. Trước ngày xảy ra cuộc đảo chánh, đoàn cán bộ lãnh đạo
tỉnh An Giang 7 người và 1 Phó bí thư Khu ủy Khu 8 cải trang đi công
khai từ căn cứ Khu ủy ở Kiến Phong về An Giang trên đất Campuchia, đến
đồn Prek Chey đối diện khu phố Long Bình huyện An Phú bị lính Campuchia
bắt giữ, Tỉnh ủy cử người đến thương lượng trả một số vàng khá lớn để
chuộc nhưng không thành. Không còn cách nào khác, Tỉnh đội tổ chức một
phân đội tinh nhuệ tập kích chiếm đồn Prek Chey giải thoát những người
bị bắt. Trận tập kích cố gắng hạn chế tối đa thương vong quân đồn trú,
không bắt tù binh và lấy bất cứ thứ gì. Tiếp theo cuộc đảo chánh của
tướng Lon Nol sau đó, đặt dấu chấm hết thời kỳ Campuchia thân thiện miền
Bắc và lực lượng kháng chiến miền Nam Việt Nam.
Vì sự sống còn của ta phải tiến đánh
quân Lon Nol. Đồng thời giúp “bạn” xây dựng thực lực.
Trong tình thế lưỡng đầu thọ địch, để
mở rộng địa bàn đứng chân bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc kháng chiến
chống Mỹ, Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang buộc phải ra lệnh bộ đội địa phương
tỉnh với 2 tiểu đoàn thiếu và các đại đội độc lập đánh quân Lon Nol sâu
trên đất Campuchia, quân ta tiến đến đâu quân Lon Nol đều bỏ chạy, làng
mạc, phố phường nguyên vẹn, người dân làm ăn sinh sống bình thường,
trong thời gian rất ngắn chiếm giử một vùng rộng lớn hai tỉnh Takeo và
Kandal, thu rất nhiều vũ khí, quân dụng.
Việc ta đưa quân lên Campuchia đánh Lon
Nol là bất khả kháng, vì sự sống còn của ta. Để tranh thủ sự ủng hộ của
nhân dân Campuchia và “hợp pháp hóa” việc ta đưa quân lên nước bạn, Tỉnh
ủy chỉ đạo dựng “ngọn cờ Sihanouk”, phát động nhân dân Campuchia đoàn
kết cùng nhân dân Việt Nam chống Mỹ và Lon Nol, được nhân dân Campuchia
đồng tình ủng hộ. Các cơ quan và bộ đội tỉnh di chuyển trú đóng sâu trên
đất Camphuchia, đi đến đâu cũng được người dân chào đón nồng nhiệt như
người thân. Sau đó khoảng một tháng, quân Sài Gòn tập trung binh lực mở
các cuộc hành quân “Cửu Long 1”, “Cửu Long 2”… đánh phá căn cứ của ta
ven biên giới và thọc sâu càn quét trên đất Campuchia. Các cơ quan Tỉnh
ủy, Tỉnh đội phải phân tán nhỏ ém trong các khu rừng chồi, hay vườn cây
ăn trái tránh địch vô cùng vất vã trong nhiều ngày, may mà không bị tổn
thất đáng kể về người, nhưng thiệt hại vật chất khá lớn, vũ khí chiến
lợi phẫm thu của quân Lon Nol và cả của ta dự trử trước đó cất dấu ở căn
cứ hậu cần trên đất Campuchia ven biên giới Vạt Lài, huyện An Phú bị
quân Sài Gòn truy tìm phát hiện lấy hết! Trong khi đó các đơn vị bộ đội
tỉnh tiến sâu trên đất Campuchia trên một trăm cây số, án ngử quân Lon
Nol gần thị xã Takeo và Kandal, quân Sài Gòn không với tới, gần như đứng
ngoài vòng chiến sự.
Chiến tranh Việt Nam mở rộng sang
Campuchia, nhưng Mỹ và quân Sài Gòn không cứu được quân Lon Nol. Khi ấy,
những người cộng sản Campuchia (Khmer đỏ) thực lực chưa có gì, cán bộ,
bộ đội An Giang giúp “bạn” (Khmer đỏ) tổ chức bộ máy chánh quyền, đoàn
thể và các lực lượng vũ trang. Riêng Tỉnh đội giúp “bạn” xây dựng mỗi
tỉnh một tiểu đoàn bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị vủ khí đầy
đủ.
Cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” rất
nhiệt tình, có hiệu quả mong “bạn” vững mạnh cùng ta đứng chung chiến
hào chống Mỹ, vì lợi ích nhân dân hai nước. Lẽ ra “bạn” biết ơn sự giúp
đỡ đó đối xử tốt với ta. Nhưng không! “bạn” dần dần lộ rỏ ý đồ chống ta,
ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội, bắt thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta
đi công tác lẻ tẻ. Các cơ quan Tỉnh đội có 4, 5 cán bộ bị chúng bắt giết
dã man như các anh Ba Kỳ Nam, Chín Bình Ton, Đình Trung, Bảy Sửu…! Đối
với ta thì vậy, trong nội bộ chúng, Khmer đỏ loại bỏ những cán bộ do ta
đào tạo, hai tiểu đoàn tỉnh An Giang xây dựng giúp, vừa làm lể bàn giao
xong ta quay đi, chúng tước vủ khí giải tán tức thì.
Thái độ thù địch của Khmer đỏ đối với
ta bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào ở An Giang có mặt trên chiến trường
Campuchia lúc đó không lạ gì! Nhưng, các báo cáo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội
gởi Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 về những vụ Khmer Đỏ nổ súng khiêu
khích bộ đội và giết hại cán bộ ta đều bị nghi ngờ “không trung thực”,
cho rằng nếu có “va chạm” với “bạn”, xem lại có phải lỗi trước hết do
cán bộ, chiến sĩ An Giang gây ra, nên “bạn” mới có phãn ứng như vậy!?
Cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ bắn
pháo, đưa quân đột kích bắn giết đồng bào, cướp phá một số xóm ấp ven
biên giới An Giang, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 vẫn chưa xác định
Khmer đỏ là kẻ thù, cho đó là những “xung đột lẻ tẻ”,
“địa phương, cục bộ” và rằng “ Khmer Đỏ dù có xấu vẫn là “bạn”
của ta!!”. Vì sao như vậy? Tôi xin nhường quý bạn suy ngẫm…!
CUỘC
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM THẢM KHỐC.
Để chuẩn bị chiến tranh, Khmer đỏ phát
động binh lính và nhân dân Campuchia gieo rắc tư tưởng hận thù dân tộc
với Việt Nam, ra sức xây dựng quân đội, sơ tán dân xa vùng biên giới,
đào công sự, chiến hào, xây dựng trận địa pháo, trận địa xuất phát tấn
công, tập trung binh lực áp sát biên giới… Mọi động thái đó diễn ra cách
biên giới ta không xa nhưng ta không hay biết Cho đến đêm 30 tháng 4 năm
1977, Khmer đỏ mở cuộc tấn công đồng loạt toàn tuyến biên giới An Giang
dài gần 100 km, mở màn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc…!
Các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân tự vệ vùng
biên giới…, nhờ sớm nhận diện mạo kẻ thù, đề cao cảnh giác sẵn sàng
chiến đấu, anh dũng đánh trả đẩy lùi các mũi tấn công của địch hạn chế
tổn thất. Nhưng, không hiểu vì sao Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 8 và
Trung ương không đánh gía đúng bản chất phản động của Khmer Đỏ và kẻ
đứng phía sau chúng, chủ quan mất cảnh giác, không có kế hoạch đối phó
chiến tranh?!
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi
nghe các vị lãnh đạo nói: Mỹ là tên đế quốc sừng sỏ ta còn đánh bại, từ
nay không một tên xâm lược nào dám đụng đến Việt Nam…! Chủ trương sớm
“ra quân” hằng vạn cán bộ, chiến sĩ và buông lõng công tác quốc phòng
những năm đầu sau 1975, chứng minh sự khinh suất của Ban lãnh đạo cấp
cao đất nước. Cho đến đêm “định mệnh” 30 tháng 4 năm 1977, khi khói lửa
chiến tranh đổ xuống khắp vùng biên giới Tây Nam bị bất ngờ mới nhận mặt
kẻ thù, điều quân, khiển tướng tổ chức chống đỡ trong thế bị động, lúng
túng! Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang dù quá hiểu rõ bản chất phản động của
Khmer Đỏ từ những năm trước 1975, nhưng cũng không làm gì khác hơn là tổ
chức phòng thủ thụ động trên tuyến biên giới tỉnh nhà, nên cũng rất bị
động, lúng túng…!
Giửa năm 1977, tôi là đại úy phó chủ
nhiệm Phòng chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang (Tỉnh đội), nhận
quyết định chuyển ngành sang Văn phòng tỉnh ủy làm cán bộ nghiên cứu phụ
trách theo dõi khối Quân sự - an ninh; đặc biệt, theo dõi chiến sự chiến
tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng ác liệt phục vụ sự lãnh
đạo của Tỉnh ủy.
Suốt chặng đường dài 30 năm đánh giặc
cứu nước đầy hy sinh gian khổ, đến ngày thắng lợi hoàn toàn 30 tháng 4
năm 1975, quân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên
giới hai đầu của Tổ quốc, tiếp tục hy sinh xương máu hàng vạn chiến sĩ,
đồng bào và biết bao làng mạc, phố phường bị tàn phá…! Đây là cuộc chiến
tranh “kỳ quái” giữa ta với người “đồng chí” Campuchia (Khmer đỏ) và với
người “đồng chí” phương Bắc “vĩ đại”!?
Những năm 1975 – 1979 quan hệ Việt Nam
– Trung Quốc vốn là “đồng chí”, là “anh em như môi với răng” bổng trở
thành kẻ thù của nhau, đến mức Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ gây chiến
tranh biên giới Tây Nam chống ta và sau đó chính Trung Quốc đưa quân gây
chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một bài học”! Khi ấy,
nghe Đảng nói: Trung Quốc có “âm mưu bá quyền, bành trướng”, là
“kẻ thù trực tiếp của Việt Nam”, nhưng tôi cũng như không ít
người không hiểu ngọn nguồn vì sao như vậy?! Sau nầy có điều kiện đọc
các tài liệu tham khảo; trong đó có hồi ký của nguyên Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao Trần Quang Cơ viết năm 2003 tôi tin là khách quan, chân thật.
Hồi ký có đoạn:
“…
“Là nhân chứng lịch sử và cũng là người
trực tiếp tham gia các họat động ngoại giao nầy với tư cách là vụ trưởng
Vụ Bắc Mỹ - Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình
thường hóa quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi ở Nữu ước năm1978, tôi
thật sự đau xót vì ta đã bỏ lở mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam
trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước, sau bao năm chiến
tranh…
“Việc ta từ chối lời đề nghị “bình
thường hóa quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ
ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực nầy, theo tôi, đã đưa lại những
hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có
dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta
năm 1979, nếu như Việt Nam sau chiến thắng 1975 có một chiến lược”thêm
bạn bớt thù”, thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ
và gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được
một cách khá chật vật”.
“…
Đây quả là sai lầm có tính chiến lược
trong đối ngoại của ban lãnh đạo cấp cao sau năm 1975, đưa đất nước rơi
vào thãm họa chiến tranh một lần nữa!
Với trách nhiệm của mình, tôi theo dõi
chiến sự qua báo cáo của Tỉnh đội và các huyện – thị biên giới, thỉnh
thoảng tháp tùng các vị lãnh đạo tỉnh thị sát chiến trường tiếp xúc cán
bộ, chiến sĩ nghe anh em báo cáo: Khmer đỏ là kẻ cuồng tín, vốn là “bạn”
và là “học trò” của ta, nên quá hiểu biết thủ đoạn chiến thuật của nhau,
chúng lại khi ẩn khi hiện, so đánh nhau với quân Sài Gòn khó khăn, ác
liệt hơn nhiều…! Cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng, bộ đội địa
phương tỉnh, huyện và dân quân tự vệ phải dàn quân chốt chặn ngày đêm
trên tuyến biên giới, đối mặt với địch đánh trả hết đợt tấn công nầy
đến đợt tấn công khác. Nhiều đồn, chốt bị địch đánh chiếm, ta đánh phản
kích chiếm lại năm lần, bảy lượt, giành nhau từng bờ tre, ụ đất… Căng
thẳng nhất là mùa nước năm 1978, toàn tuyến biên giới nước ngập mênh
mông, quân ta phải đấp công sự nổi, ngày đêm sống và chiến đấu dưới tầm
hỏa lực địch! Khó khăn, gian khổ cùng cực, thương vong quân ta tăng lên
từng ngày, những cán bộ, chiến sĩ “gạo cội” bộ đội tỉnh còn sống sau
cuộc chiến tranh với Mỹ hy sinh rất nhiều, trong đó có những đồng đội
bạn thân với tôi như Bé Tám, Tư Mưa, Sơn Bịch…! Dù hy sinh, gian khổ đến
mấy, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang An Giang động viên nhau
quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng, nhất định không rời bỏ trận địa vì
trước mặt là kẻ thù, phía sau là đồng bào, là quê hương, đất nước ta
không có chổ lùi…!
KHMER ĐỎ THẢM SÁT DÂN XÃ BA CHÚC VÀ VỤ DI DỜI DÂN KHMER BẢY NÚI VỀ
TỈNH HẬU GIANG (CŨ).
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thời
gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta ở An Giang vô
cùng to lớn! Có hai sự kiện đau thương dù thời gian lùi xa, nhưng bất cứ
ai chứng kiến nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động:
Khi chiến tranh bùng phát, mặc dù có
chủ trương ven tuyến biên giới sơ tán người già, phụ nử, trẻ con, nhưng
khi Khmer Đỏ đánh vỡ tuyến phòng ngự của ta tràn vào chiếm Núi Tượng xã
Ba Chúc mười ngày trong tháng 4 năm 1978, phần lớn dân vẫn không sơ tán,
Khmer Đỏ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng, giết chết 3.157 người! Nghe
những nạn nhân sống sót kể lại và xem các bức ảnh chụp sau khi
quân ta đánh Khmer đỏ rút chạy, xác người chết nằm chất chồng la
liệt khắp nơi…! Tội ác giết người man rợ như thời trung cổ của bọn
Khmer đỏ “trời không dung đất không tha”!!
Sự kiện đau thương nầy tôi nghĩ có phần
trách nhiệm của đảng bộ, chánh quyền sở tại thiếu kiên quyết vận động,
thuyết phục dân sơ tán. Ngày nay, các nhà viết sử trong tỉnh viết về sự
kiện nầy chỉ đổ lỗi đồng bào xã Ba Chúc theo đạo Hiếu Nghĩa, vì “…mê tín
nên nghe lời bọn xấu chạy vào chùa Phi Lai đọc kinh cứu mạng không chịu
di tản…” (dự thảo Lịch sử tỉnh và huyện Tịnh Biên).
Nói về vụ di dân Khmer Bảy Núi gần cuối
năm 1978, khi chiến tranh đang diễn ra có lệnh Trung ương: An Giang phải
di dời khẩn cấp toàn bộ dân Khmer Bảy Núi về định cư ở tỉnh Hậu Giang
(cũ). Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh triệu tập cuộc họp
khẩn gồm các vị lãnh đạo hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các ngành tỉnh
liên quan triển khai kế hoạch thi hành. Các vị lãnh đạo tỉnh giải
thích: Theo chỉ đạo Trung ương, phải đưa dân Khmer Bảy Núi về các tỉnh
phía sau, “để ngăn cắt không cho Khmer đỏ lợi dụng móc nối tổ chức chống
ta”. Lý lẻ không thuyết phục, nhưng không ai dám có ý kiến khác!
Việc di dời 70 ngàn dân Khmer với chặng
đường dài hằng trăm cây số, trong khi phương tiện vận tải của ta, chủ
yếu đường sông rất hạn hẹp vô cùng khó khăn! Nhưng, khó khăn nhất là
giải thích, động viên dùng “con ngáo ộp” Khmer đỏ hù dọa, thúc ép đồng
bào chịu rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng ra đi, vì họ nào muốn xa lìa nơi
chôn nhao cắt rún, sinh cơ lập nghiệp từ bao đời trên mãnh đất nầy,
trong khi hiểm họa Khmer đỏ lúc
ấy không như cán bộ tuyên truyền. Có mấy lần tôi cùng các vị lãnh
đạo Tỉnh ủy vào Bảy Núi kiểm tra, đôn đốc việc di dân, chứng kiến cảnh
người dân than khóc, kể lể trước khi ra đi trong lòng vô cùng đau xót,
thương cảm đồng bào, nhưng lệnh là phải thi hành không có chọn lựa nào
khác!
Thực hiện cuộc di dời dân không nhanh
gọn như kế hoạch, kéo dài đến đầu năm 1979, quân ta mở chiến dịch tổng
phản công tiến chiếm Phnom Phenh, đưa cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
lên đất Campuchia vẫn chưa xong. Khi ấy ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ
Chính trị phụ trách Dân vận đến An Giang, trong buổi làm việc với Ban
Thường vụ tỉnh ủy, ông Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), Bí thư tỉnh ủy báo
cáo với ông Nguyễn Văn Linh việc di dân Khmer, đề nghị ông cho đình chỉ,
vì ta đã đánh chiếm Phnom Phenh, hiểm họa Khmer Đỏ không còn. Ông Nguyễn
Văn Linh viết điện mật gởi Bộ Chính trị chuyển đề nghị của Tỉnh ủy. Hôm
sau, điện mật của Tổng bí thư Lê Duẩn gởi phúc đáp viết vắn tắt: “Việc
nầy (di dân Khmer) do anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị phụ
trách chỉ đạo chiến trường Tây Nam) chịu trách nhiệm, phải có ý kiến của
anh…”! Thế là việc di dân vẫn phải tiếp tục…!
Chủ trương di dời dân Khmer Bảy Núi về
tỉnh Hậu Giang, xuất phát từ quan điểm không tin người Khmer Bảy Núi,
cho rằng nếu không di dời vào sâu nội địa họ sẽ theo Khmer Đỏ chống ta,
không phải để “bảo đãm an toàn, tính mạng, tài sản của dân” như các nhà
viết sử trong tỉnh viết. Tôi nói chuyện nầy, những người cùng thời với
tôi còn sống trong tỉnh không lạ gì.
Việc đưa 70 ngàn dân Khmer an cư lập
nghiệp từ bao đời ở Bảy Núi về vùng đất lạ, khác nào một cuộc “đi đày”,
làm tiêu tan tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đảo lộn cuộc sống người dân,
mà các vị lãnh đạo cấp cao đất nước khi ấy ra quyết định bất chấp hậu
quả, bất chấp lòng dân và chẳng đếm xỉa ý kiến đảng bộ, chánh quyền địa
phương! Khi còn đánh nhau với Khmer Đỏ ở biên giới thì nói sao cũng
được, nhưng khi không còn đánh nhau vẫn phải tiếp tục cuộc di dời dân
Khmer, thì các nhà viết sử giải thích sao đây!?
Sau khi đưa dân Khmer đi chuyến cuối
cùng, khắp vùng Bảy Núi các phum sóc người Khmer nhà cửa, chùa chiền
hoang tàn, xơ xác…! Mặc dù
tỉnh Hậu Giang (cũ) tiếp nhận người Khmer tích cực giúp đỡ tạo điều kiện
cho họ ổn định cuộc sống, nhưng không thể kham nỗi, phát sinh nhiều vấn
đề ngoài tầm khả năng của tỉnh. Vã lại, người Khmer Bảy Núi ở vùng cao
đã quen, nay đưa họ về sống ở đồng bằng không thích nghi, vài tháng sau
toàn bộ 70 ngàn dân Khmer lục tục dắt díu nhau trở về Bảy Núi! Có ai
nhìn thấy cảnh đồng bào tay xách nách mang, gánh gồng tài sản, lùa dắt
trâu bò đi bộ hằng trăm cây số trở về phum sóc cũ, mới thấu hiểu cãm
thương nổi gian nan, vất vả của đồng bào!! Về đến nơi chôn nhao cắt rún,
đồng bào trắng tay, không nhà ở, không có gì để ăn, đau ốm không thuốc
chữa trị, trẻ em không có trường đi học… đồng bào lâm vào cảnh khốn
cùng, chánh quyền phải cứu đói và giải quyết mọi hậu quả! Nhưng trong
điều kiện khi ấy ngân sách tỉnh nghèo nàn, dù có cố gắng cũng chẳng thấm
vào đâu, đồng bào phải tự xoay sở để sống còn…! Tôi nghe có không ít
người chết đói và chết vì bịnh tật do thiếu đói, nhưng không biết bao
nhiêu!?
Kế hoạch di dân Khmer phá sản, ta không
thể bắt đồng bào quay trở lại Hậu Giang, Tỉnh ủy báo cáo Trung ương,
nhận điện chỉ đạo của Trung ương: Tỉnh phải bố trí lại nơi ở của đồng
bào Khmer, tập trung ở từng khu vực sâu trong nội địa, không để ở rải
rác các phum sóc cũ, nhất là các phum sóc gần biên giới, để “Khmer Đỏ
không thể thâm nhập…”. Lại tiếp tục một chủ trương sai lầm, nhưng tỉnh
không thực hiện được và Trung ương cũng lờ đi… !!
SAU CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM
Ngày 7/1/1979 quân ta đánh chiếm Phnom
Penh, 3 ngày sau tôi tháp tùng đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội An
Giang thăm thị xã Tà-keo. Trên đường đi từ thị trấn Tịnh Biên theo Quốc
lộ 2 lên thị xã Tàkeo, hai bên đường làng mạc, phố phường hoang vắng, đó
đây xác người còn nằm phơi nắng giửa trời, từng tốp xe bọc thép, xe vận
tải chở quân của ta chạy trên đường, hay cụm lại nghỉ ngơi dưới bóng
râm. Thị xã Tà keo như một thành phố chết, không điện nước, không chợ
búa, không bệnh viện, không trường học, nhà cửa, phố phường xơ xác, tiêu
điều…Người dân từ đâu đó lục tục kéo về đi thất thểu trên đường, quần áo
rách rưới toàn một màu đen…! Đây là lần thứ hai tôi cùng đồng đội đặt
chân lên Campuchia, không như lần đầu năm 1970 đánh Lon Nol, người dân
Campuchia vui mừng chào đón “anh bộ đội Việt Nam” như người thân, lần
này tôi cãm nhận trong ánh mắt họ như vừa vui, vừa e dè, ngại ngùng điều
gì đó…! Tôi cùng đoàn đi xem nơi ở của Tà Mốc - tên đồ tể Khmer đỏ và
xem toà nhà của cố vấn Trung Quốc giửa hồ nước như nhà thuỷ tạ.
Theo sự phân công của Trung ương, An
Giang chịu trách nhiệm tỉnh Tà keo, tổ chức đoàn chuyên gia chánh trị và
đoàn chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 9905, cùng các đơn vị bộ
đội địa phương tỉnh tiếp tục truy quét tàn quân Khmer Đỏ và giúp bạn xây
dựng lực lượng, phát triển kinh tế, xã hội…từ con số không kéo dài suốt
10 năm, tổn thất về người và của không đo đếm được!
Cuộc kháng chiến chống Mỹ chấm dứt, hòa
bình được lập lại, những tưởng bước vào thời kỳ xây dựng hàn gắn vết
thương chiến tranh, phát triển kinh tế, người dân có cuộc sống ấm no
hạnh phúc… Thế nhưng, niềm tin và hy vọng dần dần tan theo mây khói, do
những chánh sách đối nội sai lầm của Đảng, làm chồng chất thêm khó khăn
sau chiến tranh, nhân dân nghèo đói, cùng với sai lầm trong đối ngoại,
đất nước bị bao vây cấm vận và rơi vào thãm họa chiến tranh một lần nữa
với hai người “đồng chí” láng giềng phương Bắc và Tây Nam…!
Những sự thật cần biết.
Năm 2014 tôi có xem phim truyền hình do
Đài HTV9 thành phố Hồ Chí Minh chiếu, bộ phim có tên“Biên giới Tây
Nam – cuộc chiến bắt buộc”. Đạo diển Lê Phong Lan – đạo diển bộ phim
- mong muốn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được “giải mật”, nhưng
qua những gì tôi biết, tuy chỉ trong phạm vi địa phương cũng đủ nói lên
tất cả, tôi thấy không có gì bí mật, vì người dân không dám nói và Đảng
không muốn nói, hay nói không đúng sự thật, thành ra chuyện không bí mật
thành bí mật.
Gọi đây là “cuộc chiến bắt buộc”
là chính xác, vì Khmer đỏ vô cớ xăm phạm biên giới Tây Nam nước ta, buộc
ta đánh trả tự vệ và tổng phản công đánh chiếm Phom-Phenh, để loại trừ
hiểm hoạ Khmer đỏ cho đất nước. Sau đó, giúp những người Khmer trong
nhóm Hunsen, Heng Samrin…ly khai Khmer đỏ. Họ với hai bàn tay trắng như
Khmer đỏ năm 1970, ta hết lòng hết sức giúp họ từng bước phát triển
trưởng thành, xây dựng đất nước Campuchia phát triển như hôm nay. Điều
quan trọng là giúp họ nhằm xây dựng một thể chế chánh trị thân thiện
với ta, để bảo đãm sự bình
yên lâu dài vùng biên cương này của Tổ quốc.
Nói “cuộc chiến bắt buộc” là
đúng, dù Khmer đỏ thực hiện chánh sách diệt chủng với người dân của
chúng, nhưng nếu không động chạm đến biên giới lãnh thổ nước ta, thì
liệu ta có đưa quân đánh chúng phải chịu “sa lầy” hao người tốn của
trong 10 năm, còn mang tiếng “xâm lược” không? Theo tôi là không!
Nên nhớ, thời điểm ấy tình cảnh nước ta “rối như nồi canh hẹ”, giải
quyết những vấn đề trong nước và ngoài nước của ta đã hết hơi hết sức,
còn đâu lo chuyện “ăn cơm nhà vát tù và hàng tổng”. Làm gì có chuyện tự
dưng đưa “bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên
nước bạn”, “cứu nhân dân Campuchia thoát hoạ diệt chủng Khmer Đỏ”.
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội
Campuchia Heng Samrin tại lể kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chế độ diệt
chủng Khmer Đỏ tại Hà Nội ngày 5/1/2014 ông nói: “Chỉ có đất nước Việt
Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tự nguyện đưa con
cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính
mạng của người dân Campuchia trong lúc vô vàn nguy nan…”. Đại diện cho
người dân Campuchia ông phải nói như vậy và nói như vậy là đúng, nếu ta
không tiêu diệt Khmer đỏ làm gì có đất nước Campuchia ngày nay, nhưng đó
chỉ phản ánh một phần sự thật lịch sử, chưa phải căn nguyên việc ta can
thiệp vào Campuchia.
Đạo diển Lê Phong Lan nói: “…sau
cuộc chiến Mậu Thân 1968, khi một phần quân đội của chúng ta bị đánh dạt
qua biên giới Campuchia, lập căn cứ bên đó thì nhiều khu tập kết vũ khí,
đạn dược của chúng ta bị Khmer Đỏ tấn công, giết người và cướp đi hết”.
Sự thật là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sau Đồng khởi năm 1960,
cho đến Lon Nol đảo chánh ở Campuchia năm 1970, lực lượng kháng chiến
các tỉnh ven biên giới giáp Campuchia, kể cả của Miền (R), khi nào bị
quân Mỹ và Sài Gòn càn quét, đánh phá gặp khó khăn thường chạy sang trú
ẩn ven biên giới trên đất Campuchia trong thời gian nhất định hoặc lâu
dài, kể cả xây dựng căn cứ hậu cần ở đó, không phải chỉ đến sau trận Mậu
Thân 1968. Và, như tôi viết ở trên, năm 1970 khi ta buộc phải đưa quân
lên Campuchia đánh Lon Nol, cộng sản Campuchia (Khmer đỏ) thực lực chưa
có gì, chúng không có khả năng và cũng chưa ra mặt chống ta, nên không
có chuyện tấn công giết người và cướp vũ khí của ta khi ấy.
Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: “… tại sao
Khmer Đỏ lại cố ý kích động
sự thù hằn giửa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia?” và đạo diển Lê
Phong Lan hỏi: “Đằng sau cuộc chiến
nầy là ai?” .
Như tôi viết ở trên, năm 1970 bất
đắc dĩ ta đưa quân lên Campuchia đánh Lon Nol vì sự sống còn của ta
và giúp Khmer đỏ dần dần xây dựng phát triển thực lực “đủ lông đủ cánh”,
thì cũng dần dần Khmer đỏ bộc lộ dã tâm chống Việt Nam, cho đến ngày
30/4/1977 ồ ạt đưa quân tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Và, kẻ đằng sau Khmer Đỏ chính là Trung Quốc, không có Trung Quốc
Khmer Đỏ không dám liều lĩnh gây chiến tranh biên giới chống ta với qui
mô chừng ấy, nhưng Trung Quốc nhúng “bàn tay lông lá” của họ vào nắm
Khmer Đỏ từ lúc nào và vì sao Trung Quốc xúi giục Khmer đỏ chống ta và
sau đó xua quân gây chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một
bài học”, cho đến sau khi kết thúc hai cuộc chiến tranh nầy một thời
gian khá dài, Trung Quốc còn tiếp tục “bảo trợ” Khmer đỏ, đấu tranh giử
ghế chúng ở Liên hiệp quốc, làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận “Việt Nam
xâm lược Campuchia”. Đây là câu chuyện dài, phạm vi bài viết nầy tôi
chưa nói được.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ, đạo
diển Lê Phong Lan nói: “Để lấy lòng dân và tập trung quyền lực thì
kích động thù hằn dân tộc và gây chiến là biện pháp đơn giản nhất…”.
Ý kiến nầy tôi xin trao đổi làm rỏ thêm:
Quê hương An Giang tôi là vùng biên
giới giáp Campuchia, thuở nhỏ tôi biết người dân hai nước hai bên biên
giới quan hệ gần gũi như người láng giềng; trong kháng chiến chống Mỹ
tôi từng sống cùng đồng chí, đồng đội của tôi ở vùng biên giới trên đất
Campuchia, người dân Campuchia rất có cảm tình với chúng tôi, nếu không
chúng tôi không thể sống yên ổn ở đó và những năm tháng đánh quân Lon
Nol tôi cũng có mặt, chúng tôi rất hiểu tấm lòng người dân Campuchia với
Việt Nam. Chỉ có một bộ phận nhỏ người Campuchia nhẹ dạ, cực đoan bị thế
lực phản động trong nước và nước ngoài, sau nầy là Khmer đỏ tuyên tuyền
lôi kéo theo chúng chống Việt Nam, chứ đa số người dân Campuchia rất
thân thiện với Việt Nam, Khmer đỏ xây dựng quân đội chuẩn bị chiến tranh
chống ta hàng vạn quân, nhưng chắc chắn không phải tất cả đều tự nguyện
theo chúng chống Việt Nam. Khmer đỏ hoặc thế lực nào khác ngày xưa, hay
phe đối lập Sam Rainsy ngày nay ở Campuchia muốn chống Việt Nam bao giờ
chúng cũng giở luận điệu tuyên truyền moi móc chuyện lịch sử xa xưa,
kích động hận thù dân tộc rằng “Việt Nam chiếm đất Campuchia…”, nhưng
hiệu quả luận điệu ấy không như chúng mong muốn.
Tôi đồng ý ý kiến đạo diễn Lê Phong
Lan: “…Lịch sử là cái đã qua, nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều từ
lịch sử cho hôm nay và mai sau…”. Và, đã là lịch sử thì phải
khách quan, chân thật, che dấu hay “vo tròn, bóp méo” sự thật lịch sử là
có tội con cháu mai sau./-
N.M.Đ
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-5-20 |