CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ
Hồi ký
Nguyễn Minh Đào
Vai Lời Phi Lộ
Từ tuổi
thiếu niên tôi dấn thân trên đường đấu tranh cách mạng, qua hai cuộc
kháng chiến cứu nước khốc liệt của dân tộc tôi may mắn sống sót! Ngày
thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 1975, tôi là sĩ quan Quân đội nhân
dân Việt Nam và sau này có thời gian là thành viên ban lãnh đạo tỉnh
nhà. Cách mạng đã thay đổi số phận đời tôi! Tôi ghi lòng tạc dạ món nợ
ân tình đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với Bác Hồ kính yêu và những
người ngã xuống để đất nước có được ngày hôm nay. Tôi đời đời ghi nhớ
công ơn trời biển cha mẹ, ông bà ngoại đã sinh ra và nuôi dạy tôi nên
người. Tôi đã và đang sống một cuộc đời đáng sống, cùng người bạn đời
hơn 55 năm chia ngọt xẻ bùi, vui buồn, ấm lạnh có nhau!
Năm nay tôi bước vào tuổi 85, cuộc đời phía trước của tôi không còn
nhiều, tôi viết tập hồi ký này mang tên “Chuyện đời tự kể”, trên cơ sở
một số bài hồi ký tôi viết trước đây và viết bổ sung thêm, ghi lại những
gì tôi trải nghiệm trong cuộc đời tôi.
Tập hồi ký có 4 chương:
Chương I
: Tuổi thơ với quê hương.
Chương
II : Cương quyết ra đi.
Chương III : Sứ mạng thầm lặng.
Chương IV : Trong lửa đỏ.
Chương V : Trên con đường mới.
Lời kết
Chương I
TUỔI THƠ VỚI QUÊ HƯƠNG
Tôi sinh ra
trong một gia đình trung nông ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An
Giang; Thời Pháp thuộc là làng Nhơn Hưng, tổng Qui Đức, quận Tịnh Biên,
tỉnh Châu Đốc. Làng quê tôi là vùng bán sơn địa, trước mặt là đất nước
Chùa Tháp – Campuchia, ngày xưa người ta gọi Cao Miên, sau lưng dựa vào
các ngọn núi có những cái tên rất hình tượng: Kỳ Lân Sơn – núi Trà Sư, Ô
Thước Sơn – núi Két, Ngủ Hồ Sơn – núi Dài Nhỏ… nằm trong dải Thất Sơn
huyền thoại!
Bà con bên nội tôi định cư xóm Cây Mít trên bờ Bắc kinh Vĩnh Tế. Bên
ngoại tôi ở trong vườn xóm chùa Long Hòa. Ngày xưa tôi thường nghe ông
bà ngoại kể: Thuở ông bà về đây lập nghiệp, vùng này rừng núi hoang sơ,
ban đêm đầy cọp beo, chó sói, heo rừng… Nhà tôi đối diện nhà ngoại cách
một khoảng sân rộng, đó là ngôi nhà gổ ba căn lợp lá. Tôi chào đời và
sống những năm tháng tuổi thơ trong ngôi nhà này, để lại trong tôi những
kỷ niệm không thể nào quên!
Ba má tôi có tám người con, tôi là con trai đầu sau hai chị gái. Thuở
xưa, gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu, trong nhà có kẻ ăn người ở.
Ba tôi là thương buôn mua bán hàng chuyến và khai mở đất hoang làm ruộng
hàng chục mẫu ở Bàu Cò – Campuchia giáp biên giới, có đàn bò cày kéo
hàng chục con. Má tôi làm nội trợ, nuôi dạy chị em tôi. Tôi được ba má
rất mực thương yêu, cưng chiều, đến tuổi đi học rước thầy giáo về nhà
dạy vỡ lòng, khi 7 – 8 tuổi mới đưa đến học trường tư của thầy giáo
Phương, tôi gọi cậu Ba Phương. Cùng đi học với cậu út, tên cúng cơm Đặng
Văn Mật, làm cách mạng lấy bí danh Đặng Chí Kiên, thường gọi Chín Kiên.
Thuở nhỏ ông rất gan lỳ, nghịch ngợm lũ trẻ trang lứa rất nể mặt ông.
Tôi nhớ có lần tan học buổi chiều trên đường về, cậu út Đực tục danh Đực
phèn theo vai vế tôi cũng gọi bằng cậu trêu ghẹo cậu út tôi: “Ê! thằng
Mật nắm tay con Cúc”. Cậu út Đực nói lần thứ hai, cậu út tôi tay sách
tòng teng bình mực bằng thủy tinh, ném cậu út Đực bể đầu chảy máu, ông
la khóc ôm đầu máu chạy đến nhà ngoại tôi mét. Khi cậu út tôi về đến
nhà, ông Ngoại bắt cậu nằm xấp “căng dùi nọc”, cầm roi mây nhịp nhịp vào
mông răn dạy nhưng không đánh roi nào! Từ đó học trò trong trường rất
ngán cậu út tôi hơn, đi học với cậu tôi thấy như được cậu che chở. Cậu
út hơn tôi một tuổi, đẹp trai, thông minh, hồi kháng chiến chống Mỹ có
thời gian cậu làm cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy viết văn kiện rất xuất sắc.
Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 cậu hy sinh khi làm huyện ủy viên
huyện Châu Thành!
Năm 1944 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phát xít Nhật vào
chiếm đóng nước ta. Tôi nghe người lớn nói chuyện “quốc sự”, trong đó có
những chuyện về cộng sản, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Tôi nghe loáng
thoáng xem chừng rất bí hiểm!
Mấy năm này nước lớn mất mùa, ba tôi không làm ruộng, dàn bò dần dần bán
hết, ba vẫn tiếp tục đi buôn chuyến. Có lần, trong chuyến chở trâu bò
bán ở Bằng Tăng – Ô Môn (Cần Thơ), khi về đi tàu khách ba tôi đánh bạc
thua sạch chuyến buôn. Má tôi biết chuyện rất buồn nhưng không nói nặng
ba tôi lời nào! Cuộc sống gia đình tôi bắt đầu sa sút, trong nhà không
còn kẻ ăn người ở. Một hôm ba tôi mượn xe bò dọn hết đồ đạt trong nhà
chở ra kinh Vĩnh Tế, cất nhà ở cùng xóm cô bác bên nội tôi, ngôi nhà cũ
vẫn để vậy. Ba tôi thuê người giúp việc thu mua da bò tươi muối bán cho
thương lái chở đi Sài Gòn. Việc làm ăn xem chừng khá phát đạt, không bao
lâu không rõ vì sao ba tôi không làm nữa. Đêm nọ nhà tôi bị kẻ trộm đào
ngách vào nhà lấy cắp bộ lư đồng và một số quần áo, vật dụng đến sáng
mới hay.
Nhà dời đi, tôi sang ở nhà ngoại vẫn đi học với cậu út. Chiều chiều nhìn
sang ngôi nhà cũ bỏ hoang, nghe tiếng chim rù rì kêu trong nhà vọng ra
buồn não ruột, nhớ ba má và các chị vô cùng! Ban đêm tôi được ngủ chung
với bà Ngoại, có lẽ tôi là đứa cháu được bà thương yêu nhiều nhất. Bà
Ngoại ngủ trong buồn tối om, tôi lại sợ ma, ít khi dám vào buồn ngủ
trước ngoại.
Vài tháng sau ba má đưa tôi về ở chung nhà ngoài kinh Vĩnh Tế, ngày ngày
cùng đi học với hai chị ở trường Tiểu học làng Nhơn Hưng cách nhà hơn
một cây số. Trường có hai phòng học, dạy từ lớp năm đến lớp ba tiểu học
mà chỉ có một ông thầy giáo tên Lợi nhà ở Châu Đốc dạy. Thầy giáo Lợi,
trong ký ức tuổi thơ của tôi còn in đậm hình ảnh ông thầy giáo khá điển
trai, tuổi tứ tuần, ăn mặc chãi chuốt, nói năng nhỏ nhẹ đúng phong cách
nhà mô phạm, nhưng ông rất chểnh mãng trong chức phận, thường đến dạy
trễ, về sớm. Vì đó, và cũng vì một mình ông dạy nhiều lớp, đông học trò
nên chất lượng dạy và học rất yếu kém!
Những năm tháng gia đình tôi sống ở đây tuy mức sống không sung túc như
trước, nhưng vẫn khá hơn nhiều gia đình trong xóm. Ba tôi do việc làm ăn
xưa nay giao tiếp khá rộng trong giới trung lưu và một số quan chức. Ở
Cây Mít kiến họ Nguyễn anh em ba tôi từ lâu được thiên hạ nể trọng.
Đã 7 – 8 tuổi tôi vẫn là đứa trẻ nhút nhát, chơi với lũ trẻ trong xóm
bao giờ tôi cũng nhường nhịn chịu thua thiệt. Ở vùng đồng bằng này mỗi
năm trời đất phân định hai mùa: Mùa khô và mùa nước. Hồi đó bọn trẻ
chúng tôi rất thích mùa nước. Khi mưa già khoảng tháng 6, tháng 7 âm
lịch cánh đồng sau nhà bắt đầu có nước, bọn trẻ chúng tôi xách xà-nen
(dụng cụ xúc cá của người Khmer), hoặc rổ đi xúc cá con kho sả ăn cơm,
gặp được cá lia thia mừng quýnh chạy vào nhà lấy lọ thủy tinh nuôi, cáp
độ đá cá. Khi nước lên cao, đường đi lối lại trong nhà và trong xóm đều
ngập nước. Buổi trưa đi học về ăn cơm xong lặn lội, mò mẫm các gốc cây
me nước bắt cua, hay câu cá ngay trước cửa hoặc sau hè, nước lên trong
vắt, nhìn rõ từng đàn cá lòng tong, cá he, cá rô… lội tung tăng.
Ngày nghỉ học tôi thường về thăm Ngoại. Chính tình yêu thương của ông bà
ngoại và các cậu đối với tôi, bao giờ tôi cũng thích sống bên ngoại. Mãi
sau này cũng vậy, tình cảm anh em tôi luôn gắn bó với bên ngoại. Anh em
tôi sớm giác ngộ cách mạng thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, bền
bỉ vượt qua vô vàn hy sinh gian khổ để có được ngày hôm nay, là nhờ ảnh
hưởng nền gia giáo và truyền thống cách mạng bên ngoại.
Việc học hành ngày càng sa sút, nhiều buổi học trò đến trường mà ông
thầy giáo Lợi không đến, hoặc có đến chỉ dạy có lệ. Chị Hai tôi nghỉ
học, tôi và cậu Út gia đình đưa đến học trường tư ở ngôi chùa trong
vườn, cách nhà tôi non cây số do ông thầy giáo tên Hái dạy. Ông là một
thầy tu đức độ, dạy học cần mẫn và rất nghiêm khắc với học trò. Cậu cháu
tôi học vài tháng, đột nhiên ông nghỉ dạy đi biệt xứ. Tôi nghe người ta
nói ông làm “quốc sự” bị mật thám Pháp truy lùng!
Học chữ quốc ngử dang dở, tôi về nhà ngoại để ông dạy chữ Hán cho cậu
cháu tôi. Ông dạy mỗi ngày 6 – 7 chữ, bắt cậu cháu tôi phải đọc, viết
thuộc làu. Học chữ Hán cũng không đi đến đâu, nhưng cái quí nhất là được
ông Ngoại giảng dạy gương nhân nghĩa, tiết liệt của người xưa qua các
điển tích. Thưở ấy, làng Nhơn Hưng ông Ngoại tôi có tiếng là người giỏi
chữ Hán, lảo thông kinh sử và giàu lòng nhân ái, vị tha. Ông bà
Ngoại có tới 14 người con. Các cậu tôi rất thông minh. Trong các
bà con gái của ngoại, má tôi là người thông minh hơn hẳn các dì. Má
không một ngày tới trường, vì nặng lễ giáo phong kiến bà Ngoại không cho
đi học. Vậy mà má lén ngoại mò mẫm tự học ban đêm trong truyện Kiều, thơ
Lục Vân Tiên… biết đọc chữ quốc ngữ. Khá nhiều thi phú, điển tích kinh
điển má tôi thuộc làu, thường ngâm nga cho con cháu nghe.
*
Mùa Thu năm 1945 chiến tranh thế giới
lần thứ hai kết thúc, Cách mạng tháng Tám thành công. Bác Hồ đọc Tuyên
ngôn độc lập ở Ba Đình – Hà Nội. Những ngày tháng cách mạng sôi sục này,
làng quê tôi như ngày hội lớn. Mọi người hồ hởi đứng lên cướp chánh
quyền, xây dựng và bảo vệ chánh quyền nhân dân còn non trẻ. Những cuộc
mít tinh, biểu tình sôi nổi của đồng bào diễn ra liên miên. Các hoạt
động của Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc như tập quân sự, tập
võ, đánh trận giả… rất hào hứng, khuấy động không khí rực lửa cách mạng
khắp xóm làng!
Khi ấy, cậu cháu tôi gia nhập Đội Thiếu nhi Cứu quốc, ngày ngày tụ tập
khu vườn sau chùa Cây Trôm, là trụ sở chánh quyền cách mạng làng Nhơn
Hưng và quận Tịnh Biên tập ca hát, tập quân sự, chơi trò đánh trận giả
bắt chước các anh thanh niên… Chưa bao giờ bọn trẻ chúng tôi được vui
như thế!
Những ngày tháng được sống trong độc lập, tự do thật ngắn ngủi! Giặc
Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 23 tháng 9 năm 1945
tiếng súng kháng chiến của quân dân Nam Bộ nổ khắp nơi. Chánh quyền cách
mạng ra lệnh mỗi nhà phải có tầm vong vạt nhọn, dây trói, mõ tre sẳn
sàng đánh Tây nhảy dù, hay có sự biến gì đánh mõ báo động và khi nghe
tiếng mõ phải hưởng ứng đánh theo. Không biết chuyện gì xãy ra mà cứ vài
ba đêm khắp làng quê tôi tiếng mõ, tiếng tróng vang dội giữa đêm khuya
kéo dài cả giờ đồng hồ. Vài lần đầu ai cũng sợ, chẳng thấy có chuyện gì
mà vẫn phải hưởng ứng để biểu thị tinh thần đoàn kết đánh Tây.
Giặc Pháp sắp đánh tới nơi, gặp lúc nạn đói kém, dịch bệnh… Kẻ xấu loan
truyền những điều nhảm nhí, bịa đặt, nào là “quỹ vương hiện hình giữa
ban ngày”, nào là “sẻ tối trời tối đất bảy ngày đêm”, nào là “sắp đến
ngày tận thế”… khiến cho dân tình xôn xao lo lắng. Nhiều nhà nấu cơm
phơi khô, dự trử gạo, muối, nước uống… phòng khi có biến!
Tiếng súng đánh nhau ở Châu Đốc vọng về làng quê tôi, người ta tụ năm,
tụ ba bàn tán, lo âu không biết những tháng ngày tới tình hình sẽ ra
sao! Rồi, gót giày quân xâm lược dẫm tới Núi Sam, Nhà Bàn và khắp vùng
Bảy Núi… Chúng đi đến đâu cướp bóc, bắn giết, hãm hiếp phụ nữ đến đó.
Lực lượng võ trang cách mạng còn non yếu không đủ sức ngăn bước tiến của
giặc rút về vùng rừng núi bảo toàn lực lượng. Sau đó bí mật trở lại đánh
du kích, võ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân.
Tôi nhớ, một buổi chiều nghe ba má và chị Hai tôi nói chuyện nhỏ to với
nhau, được biết cậu Sáu tôi – ông Đặng Hữu Hào, bí danh Nhậm vừa hy sinh
ở Núi Sam, khi giặc Pháp ở Châu Đốc bất ngờ vào càn quét. Cậu được người
cận vệ chống xuồng chạy ra đồng lúa đang mùa nước nổi, địch phát hiện
bắn theo cậu trúng đạn chết tại chổ! Sau này, theo lời kể của người hoạt
động cách mạng cùng thời cậu Sáu tôi. Cậu hy sinh ngày 19 tháng 7 năm
1946, đang là phó bí thư Quận ủy Châu Phú giữa tuổi 31 (sinh năm 1915).
Hồi tôi còn nhỏ, rất ít khi gặp cậu nhà Ngoại, nhưng vẫn nhớ cậu dáng
người trung trung, da hơi sậm, khá đẹp trai, ít nói… Không biết cậu học
ở đâu mà viết và nói thành thạo tiếng Khmer, biết cả tiếng Pháp. Cậu Sáu
tôi làm cách mạng thuộc lớp người “tiền khởi nghĩa”, sống độc thân. Cậu
là người con đầu tiên của ngoại tôi ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì
độc lập tự do của Tổ quốc!
Khi ấy giặc Pháp chỉ chiếm đóng các thị xã, thị trấn và những con đường
giao thông huyết mạch. Đại bộ phận nông thôn quân ta vẫn làm chủ, hoặc ở
trong thế “cày răng lược” với địch. Ở các làng Nhưn Hưng, Thới Sơn, Xuân
Tô quận Tịnh Biên có bộ đội anh Trần Thắng đứng chân hoạt động, đánh trả
một số trận càn quét của địch giành thắng lợi, làm cho kẻ thù khiếp sợ,
đồng bào vui mừng hả dạ! Nhất là trận phục kích chặn đánh trên đường đi
càn quét về của tên cò Lửa, đội Xường ở đồn Nhà Bàn tại chòm mả đường
Nhà Bàn đi Cây Mít giết một số tên địch, trong đó có tên đội Xường, thu
một số súng. Tên Cò Lửa chạy thụt mạng về Nhà Bàn. Bọn giặc ở Châu Đốc
huy động tiểu đoàn lính Lê Dương càn quét truy kích bộ đội ta, đốt phá,
chà xát mấy ngày không làm gì được.
Làng quê tôi ngập chìm trong khói lửa! Đồng bào tản cư lánh nạn khắp
nơi. Gia đinh tôi được Ngoại cho mượn chiếc ghe tam bản nhỏ đậu sẳn dưới
bến, khi nào giặc ruồng bố chạy tản cư vào Tịnh Biên. Có lúc giặc ruồng
bố liên miên, cả nhà tôi cùng nhà ngoại tản cư vào ở nhà ông Mười hương
chủ Nhi bà con với ngoại ở chợ Tịnh Biên. Dù biết ở đây không lâu, ba má
vẫn cho tôi đi học trường Tiểu học quận Tịnh Biên. Tôi vào học lớp nhì
được vài tháng rồi nghỉ học theo gia đình trở lại quê nhà.
Cuộc sống gia đình tôi rất túng quẫn! Mùa nước năm ấy ba tôi mỗi ngày
chống xuồng lên đồng trên, hướng giồng Bà Ca đất Campuchia đặt lờ bắt cá
sặt về bán sống qua ngày! Cứ mỗi sáng tinh mơ ba xuống xuồng ra đi, đến
tối mịch mới về, nghe tiếng xuồng khua động dưới bến, má và chị em tôi
xuống mừng ba, tiếp với ba bắt cá và dọn dẹp đồ đạc. Bữa nọ, sau khi ba
tôi ra đi, khoảng 7 – 8 giờ sáng nghe tiếng súng nổ rộ trên đồng hướng
ba đi, cả nhà và cô bác lối xóm biết có chuyện chẳng lành đều rất lo
lắng, nhìn lên đồng trông ngóng…! Tiếng súng dứt đã lâu không thấy ba
về, ai cũng đoán ba bị bắn chết, hay bị bắt. Má tôi nhờ bà con chống
xuồng đi tìm ba. Thời gian nặng nề trôi qua, cả nhà đứng ngồi không yên!
Chị em tôi khóc, má cũng khóc! Đến tối bà con đi tìm ba mới về, chở theo
chiếc xuồng của ba bị Tây bắn bể, nhưng tìm khắp nới không thấy ba đâu!
Hy vọng ba còn sống bị Tây bắt. Má tôi vào Tịnh Biên gặp ông Bảy Lễ là
thương gia bạn của ba có quen biết nhiếu quan chức ở Cao Miên, nhờ ông
lên đó dọ tin, được biết ba tôi bị Tây bắt. Má tôi vay mượn tiền bạc làm
chi phí, nhờ ông Bảy Lễ lo lãnh ba tôi về.
Giặc Pháp ra sức càn quét đánh phá vẫn không bình định được quê tôi.
Làng xóm xơ xác tiêu điều vườn không nhà trống! Gia đình tôi phải tản cư
về ở rạch Thâm Rôn làng Hòa Lạc (huyện Phú Tân ngày nay), cùng với gia
đình ngoại. Riêng chị Hai Nguyễn Thị Phò, bí danh Nguyễn Thị Hồng Phương
là cán bộ cách mạng phải ở lại hoạt động. Giặc giã, loạn lạc thương các
em tôi còn thơ ấu phải chịu cực khổ, chạy giặc ngược xuôi, giải nắng dầm
sương! Thương ba má vất vã vì con!
Ở Hòa Lạc, gia đình tôi lúc đầu ở tạm chuồng bò cũ nhà ông Mười, là cha
mẹ cậu Tư Lịch, cậu Bảy Chóng, dì Út Nối… bà con với ngoại. Cảnh tản cư
ăn nhờ ở đậu xứ người cực khổ trăm bề! Ba má tôi xin tre của bà con và
mua thêm cây lá cất căn nhà nhỏ trên bờ sống Hậu, gần vàm rạch Thâm Rôn
về phía Châu Đốc. Gia đình tôi sống chen chút trong căn nhà đó trong
cảnh nghèo túng! Ba tôi làm đủ nghề kiếm sống cho gia đình, có lúc nấu
rượu lậu, làm hàng heo… Ba thực sự là người tháo vát, giỏi giang. Nhờ ba
mà gia đình đủ sống qua ngày!
Về ở Hòa Lạc, ngay từ những ngày đầu, ba má đưa chị em tôi đến trường
học. Đó là ngôi trường làng duy nhất có hai phòng, sàn cao, bằng gỗ, lợp
ngói xi măng do ông giáo già tên Vệ dạy. Ông là người hiền từ, nhưng có
bệnh nghiện rượu nên thường dạy học bê trễ. Chị em tôi học không bao lâu
rồi cũng nghỉ! Đây là ngôi trường học phổ thông cuối cùng tôi học trước
khi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến vẫn chưa qua hết bậc tiểu
học!
*
Đầu năm 1947 làng Hòa Lạc mắc dịch bệnh đậu mùa, đã có một số người
chết. Gia đình tôi không thoát khỏi dịch bệnh quái ác đó! Người đầu tiên
nhiểm bệnh là chị Ba tôi, sau đó lần lượt hết người này đến người khác
đều bị bệnh không chừa một ai, nặng nhẹ khác nhau. Ba tôi rước ông thầy
thuốc Bắc ở làng Khánh Hòa chữa trị đều khỏi cả. Điều kỳ lạ là chị Hai
tôi đang hoạt động cách mạng ở quê nhà cũng bị nhiễm bệnh cùng thời điểm
với gia đình. Cậu Hai tôi chở chị bằng xuồng ra rạch Thâm Rôn cho ba má
tôi lo chữa trị. Khi ông thầy thuốc khám bệnh cho chị, ông nói với ba má
tôi những gì tôi không biết, nhưng nhìn nét mặt lo âu của ba má, bắt gặp
má khóc lén, tôi biết bệnh chị rất nặng khó qua khỏi! Tôi lén vào buồng
thăm chị, thấy chị nằm trên những tấm lá chuối tươi, khắp cơ thể chị một
màu thâm đen! Vài hôm sau chị Hai tôi vĩnh biệt cõi đời ở tuổi 18!
Chị Hai tôi chết là một nỗi đau thương, mất mát lớn đối với gia đình
tôi! Chôn cất chị xong, ba tôi dỡ bỏ căn nhà cũ, dời về cất lại phía
trên đó vài chục thước. Những tháng ngày đó gia đình tôi sống dằn vặt
trong đau buồn! Ba tôi mỗi chiều lấy rượu giải sầu, khi uống say ngủ
vùi, thỉnh thoãng nghe ba trở mình kêu trời và gọi tên chị Hai tôi. Lúc
này ba tôi thường đi làm ăn vắng nhà. Chị em tôi quay quần bên má. Nhiều
lúc thấy má ngồi thẫn thờ bất động, nhìn đăm đăm khoảng không nào đó
nước mắt lưng tròng!
Đêm nọ đang ngủ, nghe chị Ba khóc nói với má, chị vừa chiêm bao thấy chị
Hai tóc để xõa, mặc quần áo trắng đứng trên đầu nằm nói với chị: “Thương
ơi! Em hãy nối gót theo chị…”. Nghe chị Ba nói, chị em tôi khóc, má cũng
khóc! Và, đêm nọ chị em tôi đã vào chổ ngủ, ba đi vắng, má còn nằm võng
ru em Nhị - em trai thứ Bảy của tôi ngủ, bên ngoài trời tối mịt mùng,
gió thổi ào ào, sắm chớp liên hồi báo hiệu trời sắp đổ mưa. Bổng nghe
ông Chín Gia ở gần nhà gọi má tôi: “Ba ơi! Bây coi có ai ngồi trên nóc
nhà bây trồi lên thụt xuống kìa!”. Nghe ông Chín nói, chị em tôi sợ phát
khiếp, nằm ôm nhau nhìn lên nóc nhà sợ có ai từ trên đó tụt xuống, thầm
van vái chị Hai: “Chị sống khôn thác thiêng đừng hiện về nhác chúng em
sợ lắm!”. Má tôi bình tỉnh đặt em Nhị nằm xuống võng, bước ra ngoài nhìn
lên nóc nhà. Thì ra, “người trồi lên tụt xuống” trên đó là tấm lá xấp
nóc bị gió thổi làm bung một đầu dây lạt buộc, lúc gió thổi mạnh tấm lá
bật lên, gió hết thổi tấm lá nằm xuống. Ông Chín già mắt kém trông gà
hóa quốc!
Cuộc sống gia đình tôi ở đây ngày càng túng quẫn! Ba đưa cả nhà vào sống
trong ngọn cùng rạch Thâm Rôn có nhiều tôm cá, đất rộng người thưa dể
kiếm sống hơn. Ba tôi làm rạch, làm đìa, chất chà bắt cá; Có lúc nuôi
tằm , trồng rẫy dưa… nghề nào ba tôi cũng thạo, gia đình nhờ đó đở thiếu
thốn. Vùng này đất đai mầu mở, lúa gạo không thiếu, tôm cá dư thừa,
nhưng phần đông dân ở đây rất nghèo, vì làm được đồng tiền không dễ, có
tiền cũng hiếm có hàng để mua. Vải mặc, xà bông, dầu thắp sáng… rất khan
hiếm, dù cách tỉnh lỵ Châu Đốc không xa. Nhà nào cũng có chấy, rận. Đi
đâu cũng thấy người ăn mặc rách rưới; thậm chí mặc quần áo bằng bố, gai,
hay đệm bàng. Khi dở chà, hay tát đìa bắt cá tôi thấy có những người đàn
ông cởi truồng tồng ngồng, dù nơi đó có đàn bà con gái họ cũng coi như
không!
Dường như biết trước tình cảnh này, nên những năm trước, bà Ngoại tôi
may mùng ngủ bằng vải tám, là loại vải thô nhuộm vỏ cây dà rất dày dặn,
bền chắc. Bà Ngoại tôi đem mùng may quần áo cho con cháu mặc. Tôi nhớ,
có lần Ba tôi đem kén tằm đi bán, mua về một số vải may quần áo cho cả
nhà mỗi người một bộ. Má và chị Ba “sang” nhất được may vải sen đầm đen,
phần tôi được má cắt may một bộ quần áo tay ngắn bằng vải sọc ca-rô, tôi
mừng vô cùng!
Gần cuối năm 1947 Ba đưa gia đình về ở xóm Bến Lúa trên bờ kênh Vĩnh Tế.
Lúc này làng quê tôi giặc Pháp vẫn chưa tái lập xong bộ máy cai trị. Lực
lượng cách mạng làm chủ ban đêm, ban ngày làm chủ những nơi có địa hình
thuận lợi xa thị trấn, thị tứ, đường giao thông. Hồi đó, quê tôi có ông
Tư Hỷ người cùng xóm gia đình ngoại, theo vai vế tôi gọi bằng cậu. Ông
theo cách mạng từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, chỉ huy một đơn vị
Quốc vệ đội chừng một trung đội. Người ta gọi ông là “Bà cố Hỷ”, vì ông
rất táo tợn trong các hoạt động trừ gian, diệt ác, giết người không gớm
tay! Người dân lúc đó xem ông như “hung thần”, khi có bất hòa chuyện gì
họ chưỡi nhau “Bà cố Hỷ bắt mày” Về sau, năm 1949 hay 1950 gì đó tôi
nghe nói ông Tư Hỷ trở thành tướng cướp, bị cách mạng trừng trị! Những
tháng ngày này khu vườn sau nhà ngoại tôi cán bộ, bộ đội tới lui nhộn
nhịp. Nhìn các chú bộ đội ăn mặc oai phong, tay ôm súng, tôi ước ao mình
được như vậy!
Về ở xóm Bến Lúa gia đình tôi trắng tay, má làm bánh, nấu xôi bán kiếm
sống. Ba vốn là người năng nổ, ở đâu ba cũng tìm cách làm ăn cho vợ con
đở vất vả, thiếu thốn! Ba thấy ở đầu trong xóm Bến Lúa có con rạch Xẻo
Tre nhiều cá, ba dẫn tôi vào vườn nhà chặt tre làm đăng và vay mượn tiền
của bà con mua sắm các thứ khác. Mùa nước xuống, ba tôi xây rọ ngoài vàm
rạch bắt cá. Năm ấy ba trúng mùa cá, bán cá trả hết nợ, còn dư một số
tiền gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng cơ cực! Ba tôi bán dàn đăng và
nhượng quyền làm rạch béo bở cho người khác, không làm nữa! Sau này tôi
hỏi vì sao ba không làm rạch nữa? Ba nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà
bá” nghề này giết hại nhiều sanh linh, dù là tôm cá cũng tội lắm con
ơi!”
(Hết Chương I, mời xem tiếp Chương II)
|