Cuộc Sống Đời Thường Thú Vị Của Tôi
Nguyễn Minh Đào
Tôi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1947 khi còn
tắm truồng, trong chiến tranh máu lửa nhờ “thần may mắn mỉm cười” tôi
sống sót đến ngày hòa bình lập lại năm 1975. Trên con đường mới, tôi
phấn đấu không mệt mõi đem hết sức mình cống hiến sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành mọi nhiệm vụ trên mỗi chặng đường cách mạng
tôi đi qua.
Từ khi nghỉ hưu “làm người tử tế” – nói theo lời nguyên Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng. Tôi được giải phóng mọi sự ràng buộc, không phải lo toan tất
bật về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với việc công. Tôi sống thanh thản như
mọi người dân giữa đời thường rất thú vị!
Hôm nay, giữa mùa dịch bệnh Covid-19 hoành hành làm đảo điên thiên hạ,
tôi cũng như mọi người bó gối trong nhà có thời gian nghĩ ngợi chuyện
xưa chuyện nay với những kỷ niệm vui buồn, tôi xin chia sẻ cùng bạn bè
dưới đây:
Chuyện cuối “con đường hoạn lộ”
Tháng 9 năm 1992, tôi từ tỉnh An Giang chuyển công tác về Văn phòng 2
Trung ương Hội Chử thập đỏ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Sáu
Thành – Phó chủ tịch Trung ương Hội phụ trách. Anh phân công tôi làm
Trưởng phòng Nghiên cứu tổng họp, nhưng cán bộ trong phòng làm việc theo
chế độ chuyên viên, anh Sáu Thành trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, chức
trưởng phòng của tôi chỉ là hữu danh vô thực! Khi ấy, Trung ương Hội tập
trung chỉ đạo chuẩn bị tiến tới đại hội Hội Chử thập đỏ các cấp nhiệm kỳ
mới, anh Sáu Thành cử tôi làm Đặc phái viên Trung ương Hội, chịu trách
nhiệm giúp các tỉnh – thành Hội phía Nam từ Đà Nẳng đến Minh Hải (tỉnh
Cà Mau sau này) chuẩn bị nội dung, nhân sự tổ chức đại hội (trừ thành
phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang do người khác phụ trách).
Sau đợt công tác kéo dài cả năm, các tỉnh thành Hội phía Nam đại hội
xong, anh Sáu Thành cử tôi trở lại Đà Nẳng kiểm tra thực hiện một dự án
nhân đạo do Hội Chử thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ. Xong
việc, tôi về Văn phòng không biết việc gì làm, hàng ngày đến cơ quan có
mặt uống trà, đọc báo, tán gẫu, cuối buổi làm việc rũ nhau đi nhậu,
không nghe anh Sáu Thành phân công tôi làm việc gì nữa! Thời gian kéo
dài hơn một tháng, tôi cảm nhận thái độ anh Sáu Thành đối với tôi khác
thường, không như buổi đầu tôi mới đến. Tôi rũ bác sĩ Du công tác cùng
phòng đến nhà anh Sáu Thành, tôi hỏi: “Anh Sáu! Sao anh không phân công
tôi làm gì nữa…?” Anh Sáu Thành không trả lời, tôi vặn hỏi hơi gay gắt
một lần nữa, cũng không nghe anh trả lời, bác sĩ Du sợ tôi nóng nói mếch
lòng thủ trưởng, khều tôi ra dấu khuyên tôi bình tỉnh nhưng tôi nóng
thật, hỏi lần thứ ba giọng cáu gắt: “Có gì anh cứ nói đi?” – Anh Sáu
Thành ấm ớ: “Khó nói quá Tư Đào ơi!”. Tôi hỏi: “Có gì khó nói anh cứ nói
thẳng?”. Anh Sáu Thành mới nói: “Anh Nguyễn Trọng Nhân (Chủ tịch Trung
ương Hội) chỉ đạo, có ý kiến lãnh đạo tỉnh An Giang không phân công công
tác cho Tư Đào”. Tôi lớn tiếng: “Các anh đem con bỏ chợ, đã xuống An
Giang làm việc với Thường trực Tỉnh ủy tìm hiểu chuyện của tôi (chuyện
tôi bị đẩy ra khỏi Tỉnh ủy trong đại hội) đồng ý thu nhận tôi về đây,
bây giờ người ta nói bậy cũng nghe. Thôi! Các anh không xài cho tôi về
tỉnh nghỉ hưu”. Anh Sáu Thành nói: “Tùy Tư Đào”. Nói xong tôi bực tức ra
về!
Đêm ấy tôi buồn không sao ngủ được! Tôi không trách anh Sáu Thành, vì
anh chịu sự lãnh đạo của Trung ương Hội Chử thập đỏ Việt Nam không thể
làm gì khác. Tôi biết đồng chí lãnh đạo nào ở tỉnh An Giang nói với đồng
chí Nguyễn Trọng Nhân về tôi, tôi trách đồng chí đối xử cạn tào ráo mán
với tôi! Vì bất đồng trong công việc đẩy tôi về đây như nhổ cái gai
trong mắt, nay không để tôi yên thân, đánh đòn cuối cùng triệt hạ tôi
không chút thương tiếc! Khi ấy tháng 3 năm 1994 tôi làm đơn xin chuyển
về tỉnh nghỉ hưu trước tuổi. Chuyện này dài dòng, tôi có viết trong
chương cuối tập hồi ký “Chuyện đời tự kể” của tôi. Từ đây, đặt dấu chấm
hết 47 năm trên “con đường hoạn lộ” của tôi, từ tập tễnh những bước đi
đầu tiên năm 1947.
Chuyện tôi làm “con buôn”
Trong thời gian công tác Văn phòng 2 Trung ương Hội Chử thập đỏ Việt Nam
tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường lân la đến các trạm đại diện của
các công ty tỉnh chơi, nhất là Công ty Xuất nhập khẩu nông thủy sản
Afiex có anh em thân quen tôi thường đến nhất, anh em thấy tôi rỗi rãnh
muốn giúp tôi có việc làm có tiền thu nhập chi xài, gợi ý tôi tổ chức
thu mua bắp hạt đang kỳ thu hoạch ỏ Định Quán – tỉnh Đồng Nai giao Công
ty xuất khẩu. Tôi bàn với Lê Hữu Nghĩa cháu gọi tôi bằng cậu vừa nghỉ
hưu cùng làm với tôi. Tôi nhận tiền tạm ứng của Công ty, “đóng đô” nhà
một chủ ruộng bắp, hàng ngày đi đi về về đến ruộng bắp tiếp xúc với chủ
ruộng xem bắp, mặc cả giá cả mua bán, khi đủ chuyến xe tải chở đến kho
Linh Xuân – Thủ Đức nhập kho, có chuyến tàu xuất khẩu chở giao Công ty
đưa xuống tàu.
Khi vận chuyển bắp nhập kho, có vài lần tôi đi theo Hữu Nghĩa chơi, đến
trạm thuế dừng lại đóng thuế, tôi thấy nhiều chuyến xe đóng thuế không
xé biên lai, tôi hỏi Hữu Nghĩa vì sao? Hữu Nghĩa cho biết mỗi chuyến xe
phải đóng… bao nhiêu đồng tôi không nhớ, thí dụ như 200 ngàn đồng có xé
biên lai theo qui định, nhưng đóng 100 ngàn đồng không biên lai, chủ
hàng không dại gì phải đóng 200 ngàn đồng, có biên lai cũng không làm
gì, vì từ đây đến kho không còn trạm thuế nào nữa! Tôi nghỉ với cung
cách tham nhũng này, nhà nước mất tiền thuế một mùa bắp không ít, nhân
viên trạm thuế thì giàu sụ! Sự việc diển ra giữa “thanh thiên bạch
nhựt”, tôi không hiểu các vị lãnh đạo ngành thuế địa phương có biết
không?
Công việc kéo dài khá lâu, thu nhập của cậu cháu tôi cũng khá khá. Mọi
việc tôi giao Hữu Nghĩa lo liệu, tôi chỉ hụ hợ giử tiền chi xuất như thủ
quỹ - kế toán, công việc đơn giản mà tôi làm lúng túng, vì xưa nay tôi
có làm việc gì liên quan đến tiền bạc, mua bán phải tính toán bao giờ!
Hàng ngày sống trong nhà dân thực hiện “ba cùng”, tiếp xúc với chủ ruộng
bắp và bà con trong vùng hiểu dân nhiều hơn, tôi thấy rất thú vị. Bà con
thấy tôi sao không giống anh thương lái mua bắp chút nào, đi lại bằng
“xe huê kỳ” Nissan sáng bóng, ăn mặc chãi chuốt như một công chức… Họ
lấy làm lạ, có người lân la chuyện trò tìm hiểu, tôi nói qua loa che
giấu thân phận của mình!
Tháng 3 năm 1994, tôi nghỉ hưu trong khi còn khỏe mạnh, thấy mình cần
làm gì đó để có thu nhập cùng gia đình lo toan cuộc sống và có chút của
ăn của để dưỡng già! Anh em rũ tôi hùn vốn mua chiếc xáng cạp cũ đào
thuê kinh thủy lợi, thuê mướn công nhân và người quản lý vận hành. Chiếc
xáng cũ hư mãi, chi phí sửa chữa tốn kém, người quản lý báo bao nhiêu
chi trả bấy nhiêu không kiểm soát được. Tôi thấy duy trì chiếc xáng hoạt
động không hiệu quả, còn bận tâm theo dõi tính toán, tôi bàn anh em tìm
mối bán thu hồi vốn. Khi ấy, tôi thấy một số cán bộ nghỉ hưu nuôi tôm
cá, có người nuôi thành công làm tỷ phú, có người lổ sạt nghiệp phải bán
nhà trả nợ! Tôi nghĩ mình không thể chơi trò may rũi đánh đố cho số
phận! Thời điểm đó, tỉnh có chủ trương khai mở vùng đất hoang hóa Tứ
giác Long Xuyên, Bảy Nhị - em tôi đang làm Chủ tịch UBND tỉnh, gợi ý tôi
đến UBND huyện Tri Tôn đăng ký nhận đất khai hoang làm ruộng. Tôi nghe
có lý, dù sao mình cũng sinh ra trong gia đình nông dân làm ruộng có lạ
gì, chứ làm thứ gì khác không quen, mà cũng không có vốn, lơ mơ như gà
công nghiệp không khéo lỗ “toi mạng”!
Đến Ban quản lý dự án huyện Tri Tôn đăng ký nhận đất khai hoang ở xã Tà
Đảnh, vướng chánh sách “hạn điền” tôi chỉ được đăng ký 3 héc ta, nhờ
người khác đứng tên hộ đăng ký 3 héc ta nữa là 6 héc ta. Tôi có máu nông
dân “sản xuất lớn” của ba truyền cho, không cam chịu làm “cò con”, mua
thêm đất của người khác gần đó cộng đất của tôi là 15 héc ta, vay mượn
vốn làm ruộng. Phải mất hai mùa khô năm 1993 và 1994 cày vỡ đất, trang
ủi mặt bằng, làm bờ bao, đào mương dẫn nước tưới tiêu, rửa phèn… mới
xong toàn bộ diện tích.
Vào vụ đông xuân năm 1994 – 1995, khi nước rút còn 5 – 7 tấc, tôi thuê
máy cày trục dọn sạch mặt đất, để nước lắng trong sạ ngầm vụ lúa đầu
tiên trên nền 15 héc ta, cuối vụ thu được 2.587 giạ lúa, bán 1.150đ đến
1.250đ/kg, trừ chi phí còn lãi 14.399.000đ. Từ đó, hàng năm tôi đều sản
xuất hai vụ lúa, vụ đông xuân năm nào cũng có lãi ít nhiều, vụ hè thu
những năm đầu đất còn phèn, năng suất lúa thấp, năm lãi năm lổ. Dù hiệu
quả kinh tế không cao và cũng khá vất vã nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi
biết, có những người trước tôi cũng làm như vậy nhưng lỗ vốn liên tiếp
mấy năm không trụ nổi, phải bán đất bỏ cuộc.
Điều làm cho người nông dân khi ấy, trong đó có tôi không vui, là giá
lúa lên xuống thất thường, điệp khúc “được mùa rớt giá” lặp đi lặp lại
và còn vấn nạn làm ra hạt lúa đem bán không dễ dàng, vì chỉ có Công ty
Lương thực nhà nước độc quyền kinh doanh lúa gạo. Tôi nhờ quen biết giám
đốc Công ty lương thực tỉnh niệm tình ưu tiên nhận mua lúa của tôi. Mỗi
lần tôi ngồi ghe chở lúa đến trạm thu mua của Công ty, ngán ngẫm nhìn
hàng ghe đậu dài nối đuôi chờ cân, ghe tôi đến sau cũng phải xếp hàng
chờ như mọi ghe khác, có khi chờ mòn mõi vài ba ngày mới đến lượt mình.
Tôi không muốn dựa hơi thân quen giám đốc công ty dành sự ưu tiên cho
tôi.
Trong khi đó tại Lâm trường Bình Minh cách không xa, những người trồng
tràm bán tràm cừ có giá cao, không phải cực nhọc nhiều như trồng lúa,
hiệu quả lại cao hơn trồng lúa nhiều. Tôi có nửa lô đất 4,5 héc ta trong
Lâm trường Bình Minh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh giao khoán, trồng tràm Úc
hơn 2 năm tuổi đang phát triển tốt. Tôi chán ngán làm lúa, muốn mở rộng
diện tích trồng tràm. Năm 2001, Trại lúa giống thuộc Công ty Bảo vệ thực
vật tỉnh giáp ranh đất tôi, gợi ý đổi đất tôi để mở rộng diện tích sản
xuất lúa giống. Tôi giao 1 héc ta lấy 1,5 héc ta đất của trại mới mở còn
phèn, năng suất lúa thấp, tiếp giáp đầu trong Lâm trường Bình Minh để
trồng tràm không chút đắn đo, mở rộng diện tích thêm 4,5 héc ta nửa là 9
héc ta. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, tràm tôi trồng năm đó
gặp mùa nước lớn tràm chết nhiều, số cây còn sống què quặt, tôi lổ đứt
vốn! Còn lại 4, 5 héc ta tràm cừ tới lứa năm 2003 tôi bán được giá thu
gần 300 triệu đồng.
Từ năm 2004 tràm cừ mỗi năm tụt giá, trong khi giá lúa dần dần lên cao,
sản xuất lúa hiệu quả cao nhiều lần trồng tràm, Những người chủ đất
“rừng trồng sản xuất” trong Lâm trường Bình Minh tự mở diện tích trồng
lúa từ 40, 50 đến 100% vượt quá qui định 30% của chánh quyền. Tôi ước
tính diện tích đất trồng rừng còn lại của Lâm trường Bình Minh thu hẹp
đến trước vụ đông xuân năm 2011 – 2012 không quá 50%. Có thể một ngày
không xa, những người chủ đất “rừng trồng sản xuất” sẽ xóa hết diện tích
trồng rừng chuyển sang trồng lúa. Mùa khô năm 2011, để bảo vệ 70% diện
tích trồng rừng của Lâm trường theo qui hoạch, chánh quyền đưa lực lượng
bán vũ trang đến Lâm trường Bình Minh đóng chốt tuần tra, kiểm soát răn
đe chủ đất không được gieo sạ lúa quá 30% diện tích. Từ đó phát sinh mâu
thuẫn lợi ích giữa người chủ đất với chánh quyền khá gay gắt.
Riêng tôi, hiện có lô đất hơn 9 héc ta ở Lâm trường Bình Minh. Về lợi
ích kinh tế, tôi cũng như những người chủ đất khác, nhưng tôi còn là cán
bộ hưu trí, nên phải biết hành xử sao cho phù hợp. Trước mùa nước mổi
năm, khi thấy những người chủ đất tự mở diện tích trồng lúa như nói trên
vẫn “bình an vô sự”, tôi đầu tư trên 50 triệu đồng cày ũi mở hết hơn 6
héc ta đất trồng rừng còn lại, định sản xuất vụ lúa đông xuân 2011 –
2012 toàn bộ diện tích 9 héc ta đất. Nhưng thấy chánh quyền làm “căng”
như vậy, chẳng lẽ vì chút quyền lợi vật chất tôi “đối đầu” với chánh
quyền, nên chấp nhận mất số tiền đã bỏ ra và phải thêm chi phí mua tràm
giống, thuê nhân công … trồng tràm lại theo qui định của chánh quyền.
Khi ấy, tôi nhận thấy chánh quyền duy trì Lâm trường Bình Minh chỉ vì
vấn đề môi trường. Nhưng với diện tích Lâm trường hơn 900 héc ta, nếu
theo qui hoạch trừ 30% trồng lúa, còn lại hơn 600 héc ta “trồng rừng sản
xuất” nằm giữa cánh đồng lúa, tôi nghĩ nếu chuyển toàn bộ diện tích này
trồng lúa, không ảnh hưởng gì đến vấn đề môi trường sống khu vực, mà còn
đạt được lợi ích kinh tế - xã hội. Trước hết, xóa bỏ mâu thuẫn lợi ích
kinh tế giữa người dân với chánh quyền, người dân hoan nghinh chánh
quyền quyết định một chủ trương đúng đắn, phù hơp. Thứ hai, chánh quyền
thu được khoản thuế chuyển mục đích sử dụng đất…không nhỏ. Thứ ba, với
hơn 900 héc ta đất ở Lâm trường Bình Minh, nếu trồng hết lúa 2 vụ/năm,
sẽ tăng sản lượng lương thực tỉnh nhà đáng kể, góp phần bảo đảm an ninh
lương thực quốc gia, tăng xuất khẩu và cải thiện đời sống người dân. Nếu
để kéo dài tình trạng nhùng nhằng như hiện nay, Nhà nước không có lợi
gì, mà còn tạo mâu thuẫn lợi ích giữa Nhà nước với người dân vì một
chuyện không đáng.
Ngày nay, sau nhiều năm chứng minh giá trị bảo vệ môi sinh cũng như lợi
ích kinh tế của rừng không đo đếm được, trong khi đất rừng ngày càng thu
hẹp, muốn mở diện tích trồng rừng không dể dàng! Chánh quyền kiên quyết
giử hiện trạng Lâm trường Bình Minh như ngày nay không vì lợi ích trồng
lúa trước mắt, tôi mới thấy chủ trương rất đúng đắn.
Những năm tháng tôi “làm nông dân”, làm ruộng mà như phú nông, địa chủ
cất trại trên bờ ruộng ăn nghỉ, có người lo cơm nước, sáng chiều mát
trời chắp tay sau lưng thả rong trên bờ ruộng xem xét, mọi thứ đều thuê
mướn người làm, không hề “bán mặt cho đất - bán lưng cho trời” như nông
dân thứ thiệt. Nếu ở miền Bắc sau năm 1954 cải cách ruộng đất tôi bị lôi
ra “đấu tố” là cái chắc!
Tôi nghiệm ra nghề nông là một nghề “ăn chắc mặc bền” và theo đà phát
triển dân số người ngày càng đông, đất canh tác ngày càng thu hẹp, giá
trị đất ngày một cao, ông bà ta nói “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”
cấm có sai. Tôi ngày càng cao tuổi, sức khỏe suy giảm, đôi lần muốn sang
bán đất chấm dứt “làm nông dân”, nhưng suy đi tính lại, muốn giử đất lâu
dài mà không trực tiếp canh tác đành phải làm “địa chủ thu tô”. Tôi mua
và hoán đổi mở rộng thêm diện tích, xê dịch đất tôi hiện nay hơn 9 héc
ta mặt tiền, phía sau Trạm Kiểm lâm Bình Minh. Hàng năm tôi cho người
khác thuê đất trồng tràm Úc có thêm thu nhập bù đấp cuộc sống gia
đình./-
Long Xuyên, ngày 17 tháng 10 năm 2021
N.M.Đ
|