Trên Đất Nước Chùa Tháp Năm Xưa

Hồi ký

Nguyễn Minh Đào

 

     Lần giở trang sử sau Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, đất nước Campuchia dưới triều đại Quốc vương Sihanouk theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập trung lập. Người dân Campuchia sống trong hòa bình no ấm, trong khi hai nước láng giềng Việt Nam và Lào bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ leo thang ngày càng khốc liệt, thế giới gọi Campuchia là “Ốc đảo hòa bình”.

     Là nước trung lập, nhưng Quốc vương Sihanouk hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, như chấp nhận các lõm căn cứ lực lượng kháng chiến ven biên giới, như cái gai trong mắt người Mỹ và chánh quyền Sài Gòn nhưng không làm gì được, họ gọi đó là “đất thánh Việt Cộng”. Campuchia còn chấp nhận miền Bắc Việt Nam nhập vũ khí Liên Xô, Trung Quốc viện trợ vào cảng Sihanoukville, mở đường vận chuyển đến rừng tràm Hà Tiên về miền Tây Nam Bộ…

     Cuối năm 1969 tình hình chính trị Campuchia diển biến bất thường, phái thân Mỹ trong chánh quyền không chấp nhận sự có mặt của Việt Nam trên đất Canpuchia. Khi ấy, Tỉnh ủy An Giang cử đoàn cán bộ dân – đảng, trong đó có Nguyễn Minh Nhị - em tôi (tên thường dùng Bảy Nhị, sau này làm chủ tịch UBND tỉnh) về Bảy Núi công tác, qua kinh Vĩnh Tế lọt ổ phục kích quân Sài Gòn vài đồng chí hy sinh, số còn lại chạy thoát lên biên giới bị quân đồn trú Campuchia bắt, trong đó có em tôi.

     Khi được tin chưa rõ ràng, cả nhà tôi vô cùng lo lắng, không biết ai còn ai mất! Nếu bị Campuchia bắt trong khi quan hệ với ta không như trước vô cùng nguy hiểm! Hy vọng có người chạy lên núi Thân Đưng rồi trở về, nhưng qua hai ngày không thấy ai về. Tôi không thể ngồi yên, xin thủ trưởng Tỉnh đội cho tôi cùng người em rể thứ sáu và một người bạn thân của Bảy Nhị ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đi tìm. Tỉnh đội cử một phân đội trinh sát quân báo có sáu đồng chí, trang bị một khẩu B40 còn lại tiểu liên AK theo yểm trợ. Chúng tôi hành quân bằng xuồng, đến núi Thâm Đưng quá nửa đêm, giấu xuồng ngoài đồng đổ bộ lên núi tìm nơi kín đáo ém quân. Tối hôm sau chúng tôi xuống núi bám vào xóm nhà dân dưới chân núi hỏi thăm tin tức, được dân  cho biết: Đêm ấy nghe súng nổ ngoài kinh Vinh Tế rất dữ, sáng lại lính Campuchia đồn Thâm Đưng bắt một số người của ta chạy lên biên giới, giam giử ở đồn một ngày, sau đó áp giải đi đâu không rõ. Không biết phải làm gì hơn chúng tôi đành trở về. Khi cả đoàn dò dẫm xuống bến nước lấy xuồng, tôi đi sau cùng lòng nặng trĩu đau buồn! Hy vọng chuyến đi tìm được em tôi không thành! Không biết em tôi bây giờ ở đâu,  sống chết ra sao? Tôi vừa đi vừa khóc, dùng dằng không muốn về, yêu cầu anh em cho tôi và em rể tôi ở lại một đêm nữa nhưng không ai đồng ý, nói rằng nếu ở lại mà làm được gì thì cả đoàn không phải về đêm nay.

     Tôi về báo cáo với Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Các anh chỉ đạo Ban liên lạc tỉnh (cơ quan  đối ngoại với Campuchia), cử cán bộ đi Thâm Đưng tiếp xúc với quân đồn trú, tranh thủ những người có quan hệ tốt với ta trước đây lãnh những đồng chí bị bắt về. Chuyến đi của các đồng chí Ban liên lạc tỉnh kết quả như mong đợi, các đồng chí bị bắt họ chưa giao giải đi đâu, không như tin chúng tôi nắm, họ chấp nhận cho đại diện Ban liên lạc tỉnh lãnh về.

      Ngày 18 tháng 3 năm 1970, nhân ông Hoàng Sihanouk đi nước ngoài, tướng Lon Nol đảo chánh lập chánh phủ thân Mỹ. Khi ấy tôi làm trợ lý chiến sự Tỉnh đội An Giang, cơ quan trú đóng chòm vừng Nhơn Hội (huyện An Phú) trên đất Campuchia sát biên giới. Bác Hồ qua đời mấy tháng nay, trong cơ quan Tỉnh đội, cũng như các cơ quan khác của tỉnh còn nặng trĩu đau buồn! Nay đối mặt với tình thế mới, các cơ quan tỉnh trú đóng trên đất Campuchia ven biên giới không còn an toàn. Đồn quân đội Sài Gòn ở Nhơn Hội cách khu vực trú đóng cơ quan Tỉnh đội đường chim bay chừng vài trăm mét, ngày đêm chĩa loa phóng thanh hướng biên giới ra rã: “Hởi cán binh Việt cộng, Bác Hồ của các bạn không còn… Campuchia thay chánh phủ mới không chứa các bạn trên đất họ nữa, quân lực Việt Nam cộng hòa sẽ tiến đánh các bạn bất cứ lúc nào…”.

     Trước khi xãy ra cuộc đảo chánh ở Campuchia ít ngày, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh An Giang bảy đồng chí và đồng chí phó bí thư Khu ủy Khu 8 cải trang đi công khai trên đất Campuchia từ căn cứ Khu ủy Đồng Tháp Mười về An Giang, đến đồng Prek Chẹy đối diện thị trấn Long Bình (huyện An Phú) bị lính Campuchia bắt giử. Tỉnh ủy cấp tốc đưa người đến thương lượng trả một số vàng khá lớn để chuộc nhưng không thành. Không còn cách nào khác, Tỉnh đội tổ chức một phân đội tinh nhuệ tuyển chọn trong Đại đội đặc công 381 và Đội trinh sát quân báo tỉnh tập kích tiêu diệt đồn Prek Chẹy, giải thoát các đồng chí bị bắt an toàn.

     Trận tập kích đồn Prek Chẹy cố gắng hạn chế thương vong quân đồn trú, không bắt tù binh và lấy bất cứ thứ gì trong đồn. Trận đánh đặt dấu chấm hết thời kỳ thân thiện ta với Campuchia, mở đầu sự đối kháng giữa ta với Lon-nol. Ta ở trong thế “lưỡng đầu thọ địch” không còn con đường nào khác, dù chưa có chỉ đạo của Khu ủy Khu 8, Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang buộc phải đưa quân đánh quân Lon-nol sâu trên đất Campuchia, mở rộng địa bàn đứng chân để bảo toàn lực lượng và hỗ trợ lực lượng cách mạng Campuchia (Khơ me Đỏ) còn non trẻ phát triễn, lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh Mỹ và Lon-nol. Bộ đội An Giang với hai tiểu đoàn thiếu và các đại đội độc lập đánh địch thắng như chẻ tre, chỉ một thời gian ngắn giải phóng một vùng rộng lớn liên hoàn thuộc hai tỉnh Tà Keo và Kandal thu rất nhiều vũ khí, quân dụng.

     Trong quãng đời kháng chiến đánh Mỹ đầy hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang An Giang, cuộc “thập tự chinh” đánh quân Lon-nol ở Campuchia như một cuộc du ngoạn. Quân ta phất ngọn cờ ủng hộ Samdek Sihanouk, tiến tới đâu quân Lon-nol chạy vắt giò lên cổ, nhân dân Campuchia đón mừng bộ đội Việt Nam như người thân đi xa về, tiếp đãi rất ân cần trọng thị.

     Ở cánh Tà Keo, một đơn vị bộ đội tỉnh tiến theo Quốc lộ 2 trong một ngày đã chiếm thị trấn Kirivong (Gòi Tà Lập) và một thị trấn khác trên đó vài chục cây số. Ban chỉ huy Tỉnh đội cử tôi đuổi theo cánh quân này truyền đạt miệng một chỉ thị khẩn. Tôi rũ đồng chí Nguyễn Thanh Sơn (tức Sơn  Bịch – Anh hùng quân đội hy sinh năm 1978 khi đánh với quân Pôn Pốt), đang ở Ban Chánh trị Tỉnh đội dưởng bệnh cùng đi. Hai anh em chỉ có hai khẩu súng ngắn, mượn một chiếc xe gắn máy mô-by-lết của người dân tốt bụng ở Thâm Đưng. Tôi đèo đồng chí Sơn Bịch chạy bon bon trên đường nhựa Quốc lộ 2 lúc trời về chiều qua các khu phố, xóm làng ven đường. Dân Campuchia thấy hai anh bộ đội Việt Nam “xăm lược” vẫy tay chào thân thiện. Khi dừng lại nghỉ bà con xúm lại hỏi han, nói cười vui vẻ, đem bánh, trái cây, thuốc lá…ủy lạo rất nhiều không thể nào nhận hết! Lần đầu tiên trong đời, tôi chạy xe gắn máy một khoảng đường xa giữa khung cảnh đặc biệt như vậy. Tôi nói với đồng chí Sơn Bịch: “Rồi đây mình sẽ đi trên đất nước mình như thế này vui biết bao nhiêu phải không Sơn?”.

     Đêm ấy chúng tôi ngủ trong ngôi biệt thự ở thị trấn bộ đội vừa chiếm được không nổ phát súng nào, đèn điện sáng choang, người dân ăn ở, sinh hoạt bình thường. Tôi nằm trằn trọc không ngủ được, cảnh vật quá xa lạ đối với người quen sống trong rừng núi, bưng biền như tôi. Có lẽ Mỹ và quân Sài Gòn không ngờ quân ta đánh nhanh và quân Lon-nol tan rã nhanh như vậy, nên cả tháng chúng không phản ứng gì. Các cơ quan tỉnh di chuyển trú đóng sâu trên đất Campuchia. Thời kỳ Quốc vương Sihanouk trị vì, nền kinh tế Campuchia khá phồn thịnh, nhân dân sống ấm no, hạnh phúc trong “ốc đảo hòa bình”, nay đứng trước nguy cơ chiến tranh lan nhanh đến họ!

     Thế rồi điều gì đến cũng đến! Mỹ và quân Sài Gòn mở cuộc hành quân “Cửu Long 1”, rồi “Cửu Long 2”… đánh phá các căn cứ của ta ven biên giới và thọc sâu càn quét trên đất Campuchia, thẳng tay cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ… gieo tội ác kinh hoàng! Nhất là trận càn “Cửu Long 1”, địch đánh phá tuyến biên giới hai tỉnh Tà Keo và Kandal giáp An Giang. Các cơ quan tỉnh An Giang phải phân tán từng bộ phận nhỏ, lách tránh các mũi tiến quân của địch. Trận càn diển ra mấy ngày, có đoàn cơ quan Khu ủy Khu 8 từ biên giới tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp), bị địch đánh chạy dạt sang nhập với đoàn Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang thành lập Ban chỉ huy thống nhất gồm một số đồng chí, trong đó có tôi để điều hành, lo liệu việc “chạy càn”. Suốt nhiều ngày liên tục, ban ngày ém quân trong các khu rừng chồi, lao sậy, vườn cây ăn trái… Đêm xuống, sau khi hội ý phán đoán hướng tiến quân của địch, bí mật hành quân đến nơi an toàn trú ẩn ngày hôm sau, có khi đi xa 5 – 7 cây số.

     Khi ấy, các đơn vị bộ đội tỉnh đánh quân Lon-nol tiến sâu trên đất Campuchia cả trăm cây số quân Mỹ và Sài Gòn không với tới, hay cố ý tránh chạm trán, gần như ngoài vòng chiến sự. Có lẽ ta phán đoán không đúng ý đồ địch, nghỉ rằng địch sẽ “tìm diệt” bộ đội ta giúp quân Lon-nol tái chiếm lãnh thổ, nên chủ trương các cơ quan tỉnh phân tán tự tổ chức bảo vệ, luồng lách tránh địch khu vức ven biên giới địch sẽ không chú ý nữa, để bộ đội rãnh tay chiến đấu. Thực tế diển biến trận càn ngược lại điều ta dự đoán. Địch tổ chức đánh phá chà đi quét lại khu vực ven biên giới nhiều ngày. Những bộ phận nhỏ của các cơ quan tỉnh phân tán tránh địch vô cùng vất vã, may mà không bị tổn thất về người đáng kể. Nhưng thiệt hại vật chất khá lớn, vũ khí, khí tài chiến lợi phẫm ta thu của quân Lon-nol đưa về kho hậu cần Tỉnh đội ở căn cứ B3 – Vạt Lài và cả vũ khí dự trử từ trước, địch phát hiện lấy sạch!

     Sau trận càn Cửu Long 1, các cơ quan của tỉnh di chuyển trú đóng nhiều nơi trên đất Campuchia. Gần cuối năm 1970 về trú đóng tận vùng núi “Tượng Lăn” tỉnh Kampot, cách biên giới đi bộ mất hai ngày. Đây là “bản doanh” lãnh đạo, chỉ huy cơ bản của Tỉnh ủy, Tỉnh đội. Để tiếp tục giử vững và phát triển phong trào cách mạng nội địa, Tỉnh ủy chủ trương tuyển chọn các cơ quan dân – đảng, tổ chức từng nhóm nhỏ trở về bám trụ bí mật hoạt động…  

     Chiến tranh Việt Nam mở rộng sang Campuchia, nhưng Mỹ và quân Sài Gòn không cứu được quân Lon Nol. Khi ấy, những người cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) thực lực chưa có gì, cán bộ dân – đảng và bộ đội An Giang giúp “bạn” xây dựng bộ máy chánh quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang. Riêng Tỉnh đội giúp “bạn” xây dựng mỗi tỉnh Tà Keo, Kandal một tiểu đoàn bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị vủ khí đầy đủ.

     Cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” rất nhiệt tình, có hiệu quả mong “bạn” vững mạnh cùng ta đứng chung chiến hào chống Mỹ, vì lợi ích nhân dân hai nước. Lẽ ra “bạn” biết ơn sự giúp đỡ đó đối xử tốt với ta. Nhưng không! “bạn” dần dần lộ rỏ ý đồ chống ta, ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội, bắt thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta đi công tác lẻ tẻ. Các cơ quan Tỉnh đội có 4, 5 cán bộ bị chúng bắt giết dã man như các anh Ba Kỳ Nam, Chín Bình Ton, Đình Trung, Bảy Sửu…! Đối với ta thì vậy. Trong nội bộ Khmer Đỏ loại bỏ những cán bộ do ta đào tạo, hai tiểu đoàn tỉnh An Giang xây dựng giúp vừa làm lể bàn giao xong ta quay đi, chúng tước vủ khí giải tán tức thì. Thái độ thù địch của Khmer Đỏ đối với ta ngày càng trắng trợn, cho đến đêm 30 tháng 4 năm 1977, chúng mở cuộc tấn công đồng loạt toàn tuyến biên giới An Giang dài gần 100 km, mở màn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc…!

     Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và từ sau năm 1975, Quân đội ta có hai lần bất đắc dĩ đưa quân sang Campuchia: Một lần đánh quân Lon-nol năm 1970 và một lần đánh quân Pôn-pốt năm 1979. Khi ấy, các thế lực thù địch chống Việt Nam ở nước ngoài lu loa: “Việt Nam xăm lược Campuchia…”. Ngay cả những nước vốn có thiện cảm với Việt Nam cũng hiểu lầm. Trên thế giới hiếm có nước nào đưa quân đến nước khác được nhân dân nước đó chào đón thân thiện như hai lần quân ta buộc phải sang chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp. Vì sao? Ngày nay, nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đã có câu giải đáp./-

                        Bài hồi ký viết tay tháng 5 năm 2004.

         Đánh máy, chỉnh sửa bổ sung ngày 7 tháng 11 năm 2020

                        Thương nhớ Miền Trung đau thương!

                                             N.M.Đ

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 7-11-20