Năm 1983, tôi được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội, chương trình lý luận nâng cao 6 tháng. Những bài học về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng tôi bỏ công nghiên cứu, cảm nhận chẳng khác “hái sao trên trời”, xa vời vợi thực tế cuộc sống, nhưng tôi không dám nói ra suy nghĩ của mình, vẫn cứ tin vào những tín điều mơ hồ mình học! Tháng 8 năm 1983, tôi nhận quyết định làm bí thư Thị ủy Châu Đốc, vào thời điểm toàn miền Nam tập trung thực hiện chánh sách cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp quyết liệt. Đây là nhiệm vụ mới đầy khó khăn, thử thách đối với tôi. Là người đứng đầu Đảng bộ thị xã, tôi có trách nhiệm tiếp thu chủ trương, nghị quyết của Đảng, cùng tập thể lãnh đạo Thị ủy phổ biến quán triệt nội bộ và tổ chức thực hiện trong quần chúng, mong chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, làm biến đổi thực trạng kinh tế - xã hội. Nhưng, càng dốc sức làm, tình hình càng tồi tệ, dân tình ngày càng bất bình, ca thán! Trước năm 1975, Châu Đốc là một thị xã sầm uất, người dân có mức sống khá sung túc, nay phố xá vắng lặng, tiêu điều, hàng hóa khan hiếm …, không biết từ đâu loan truyền câu thơ châm chọc: “Không có “bác” đời em cũng khổ - có “bác” rồi không có đồ mua”! Tôi thường xuyên tiếp xúc dân trong các cuộc hội họp, hoặc lẻ tẻ nghe phản ánh tâm trạng bức xúc và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống… Tôi rất đau lòng cãm thấy có lỗi và xấu hổ với dân, đã gần mười năm chế độ mới không làm được gì đem lại lợi ích cho dân, ngoài những lời nói suông! Chính những chủ trương, chánh sách kinh tế - xã hội sai lầm mất lòng dân của Đảng, là nguồn cơn gây ra thực trạng bi đát nầy…!! Thời gian tôi công tác ở Châu Đốc, gia đình vẫn ở Long Xuyên đi lại như con thoi Long Xuyên – Châu Đốc, ngang địa phận huyện Châu Phú thấy cổng chào có câu đối đập vào mắt tôi như cái gai: “Áo ấm cơm no nhờ ơn Đảng – Nhà cao cửa rộng có Bác Hồ”. Không biết kẻ nào ngu xuẩn, trương câu đối đó vào thời điểm nầy? Thật là hài hước! Năm 1984, tôi trực tiếp chỉ đạo “chiến dịch” đổi tiền lần thứ hai ở thị xã, thi hành lệnh cấp trên, tôi cũng như mọi cán bộ, đảng viên khác quyết tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ngày nay, nhớ lại việc mình làm thật lố bịch! Lệnh đổi tiền chỉ có tôi và chủ tịch thị xã nhận từ tỉnh một ngày trước, buổi chiều trước ngày “N” Ban thường vụ thị ủy mới được phổ biến và ngay sau đó tập họp cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ đến Văn phòng thị ủy phổ biến kế hoạch thi hành và cấm trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả thành viên Ban thường vụ thị ủy. Rạng sáng ngày “N” tung lực lượng xuống địa bàn phát loa phổ biến lệnh đổi tiền và định mức đổi tiền cũ lấy tiền mới mỗi hộ dân… Thật buồn cười cung cách “làm ăn” chụp giật, không minh bạch của các nhà lãnh đạo hoạch định chánh sách!! Đổi tiền lần nầy, tiếp theo đổi tiền lần trước năm 1976, cùng chánh sách cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp, giáng những đòn chí mạng vào tầng lớp trung lưu trong xã hội – một biện pháp vô cùng thất đức, xóa bỏ thức thì “giai cấp bóc lột”, san bằng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội – một trong những “tiêu chí” cơ bản của chủ nghĩa xã hội…! Trước thực trạng kinh tế - xã hội thị xã quẫn bách không lối thoát, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi không biết làm thế nào đưa thị xã vượt qua mà không bị Đảng bắt tội “xé rào”. Hồi ấy, ở Châu Đốc có họp tác xã nông nghiệp Châu Long 1, được tỉnh công nhận là “tiên tiến”, nhờ “trùm mền” thực hiện “khoán hộ”, sản xuất phát triển khá, đời sống xã viên có phần được cải thiện. Trong lần đồng chí Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị về thăm thị xã, tôi hứng thú đưa đến họp tác xã để “khoe”. Sau khi nghe chủ nhiệm họp tác xã báo cáo quá trình xây dựng và phương thức quản lý kiểu “khoán hộ”, đồng chí quay lại hỏi tôi: “Làm như thế nầy thì tánh chất chủ nghĩa xã hội trong họp tác xã ở đâu…?”. Lời đồng chí Đào Duy Tùng làm tôi cụt hứng, càng thêm e dè! Nhưng vì trách nhiệm với đồng bào thị xã, tôi không thể khoanh tay ngồi chờ phép mầu từ trên trời rơi xuống, thấy mình cần phải làm gì đó…! Một hôm, về Văn phòng tỉnh ủy họp, tôi xin gặp riêng đồng chí Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), bí thư tỉnh ủy, trong buổi chiều sau giờ làm việc, tôi nói với đồng chí: “Anh Tư ơi! Mình xây dựng chủ nghĩa xã hội là đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân, nhưng làm kiểu nầy biết bao giờ mới đạt được điều đó anh Tư? Tôi thấy mình có lỗi với dân, dân tin mình, không khéo mình đánh mất niềm tin của dân…”. Đồng chí Tư Việt Thắng nhìn tôi nét mặt đượm buồn, chậm rãi nói; “Tôi cũng thấy như vậy, nhưng tỉnh là cấp trực thuộc Trung ương, không thể làm trái nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Tư Đào ở cấp huyện, thực tế thấy cần phải làm gì cứ làm, nhưng phải khéo và từ từ thôi…!”. Được bí thư tỉnh ủy bật đèn xanh, tôi như mở cờ trong bụng, báo lại Ban thường vụ thị ủy và đề xuất những việc cần làm trước mắt, nhằm làm dịu sự căng thẳng trong dân do chánh sách cải tạo gây ra, như cho tiểu thương đăng ký mua bán, các hộ tiểu - thủ công nghiệp được đăng ký sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thông thường, không buộc phải vào các tổ hợp hay hợp doanh với nhà nước. Trong nông nghiệp, các họp tác xã được tiếp tục “khoán hộ”. Ngoài ra, cho làm “thí điểm” đăng ký hành nghề thợ bạc (thợ kim hoàn), mua bán vàng và bán thuốc tây dưới hình thức “tổ họp”, nhưng thực chất là tư nhân v.v… Sau khi triễn khai thực hiện những biện pháp “cởi trói” trên, không lâu chợ Châu Đốc người mua kẻ bán tấp nập, hàng hóa phong phú, đa dạng thị xã khoát trên mình bộ mặt mới. Khi tiếp xúc với dân ai cũng bộc lộ niềm vui, tôi cãm thấy vui lây với họ. Các đoàn khách trung ương và các tỉnh bạn đến thăm An Giang, gần như đoàn nào cũng lên Châu Đốc tham quan, mua sắm. Có người nói mĩa mai với tôi: “Chợ Châu Đốc của anh sao giống Hồng Kông quá!”. Có người lại hỏi: “Anh làm sao chợ búa mua bán sôi động vậy?”. Tôi trả lời: “Tôi chẳng làm sao cả, trước đây ta cải tạo công thương nghiệp cấm đoán gây ách tắc mọi thứ, nay chúng tôi để người dân được tự do làm ăn, buôn bán bình thường. Chỉ có thế!…”. N.M.Đ
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-11-13 |