“Ký ức buồn trong Đại hội VI của Đảng”

Nguyễn Minh Đào

 

Đây là tên một chương có viết một đoạn dài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập hồi ký của tôi. Từng là người lính thời kháng chiến trong Quân đội do Đại tướng làm Tổng Tư lệnh, tôi chưa có dịp may diện kiến ông, mãi đến cuối năm 1986 một lần duy nhất nhìn thấy ông bằng xương bằng thịt trong Đại hội VI của Đảng, nhưng đã để lại trong tôi một ký ức buồn chôn chặt trong lòng từ bấy đến nay!

Đại tướng vừa qua đời, cả nước tiếc thương vĩnh biệt ông! Tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh ông trong Đại hội VI với lòng kính trọng, ngưỡng mộ đức tính hơn người ở ông! Tôi trích đoạn chính trong chương hồi ký nầygởi đăng trang Viet-studies, như một nén hương lòng tưởng niệm ông:

....

“…Tháng 12 năm 1986 tôi tham gia đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng. Lần đầu tiên tham dự đại hội Đảng, tôi vui mừng, háo hức hy vọng đại hội sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Khi đại hội sắp khai mạc, Đại tướng Lê Trọng Tấn một trong 72 đại biểu Quân đội tham dự đại hội đột ngột từ trần, tôi nghe nói dự kiến ông tham gia Đoàn chủ tịch, cơ cấu vào Bộ Chính trị và làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đoàn chủ tịch đại hội thông báo: “… đồng chí Lê Trọng Tấn từ trần sau một diễn biến tim mạch đột ngột…”. Lể tang Đại tướng Lê Trọng Tấn cử hành trọng thể, tôi cùng đoàn đại biểu tỉnh ở Nhà khách 37 Hùng Vương chào vĩnh biệt Đại tướng khi đoàn xe tang đi qua, lòng bồi hồi thương tiếc một vị tướng tài ba của Quân đội nay không còn nữa! Tôi nghe người ta kháo nhau rằng chỉ mấy ngày trước đây thôi, ông vẫn mạnh khỏe, đang tham gia công việc chuẩn bị khai mạc đại hội…”

...

“Trong Đại hội VI có một chuyện làm cho tôi day dứt mãi: Khi đến phần nhân sự, Đoàn chủ tịch gởi các tổ thảo luận danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa VI, do Ban chấp hành Trung ương khóa V giới thiệu không có tên Đại tướng Vỏ Nguyên Giáp, tôi nghe đồng chí Trưởng đoàn đại biểu tỉnh cho biết: Có một số tổ đại biểu hỏi Đoàn chủ tịch vì sao? Được Tiểu ban nhân sự đại hội giải đáp miệng theo kiểu úp mở rằng: Đồng chí Vỏ Nguyên Giáp bản thân “có vấn đề lịch sử chính trị…”. Tôi tìm hiểu thực hư cái gọi là “có vấn đề lịch sử chính trị” nghe “nói lóm” rằng, ngày xưa đồng chí làm con nuôi chánh mật thám Đông Dương nuôi dưởng ăn học…!? Và, rằng: Đồng chí Vỏ Nguyên Giáp có “tham vọng” làm chủ tịch nước…!? Trời ơi! một vị đại công thần của chế độ, đại Anh hùng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, mà ngày nay còn “có vấn đề lịch sử chính trị” sao?! Còn chuyện đồng chí có “tham vọng”
làm chủ tịch nước hay không, nếu có cũng chính đáng thôi, vì còn có ai xứng đáng hơn đồng chí gánh vác trọng trách đó?

“…Gần cuối buổi họp sáng ngày 9 tháng 12 tại hội trường, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đức Tâm thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày xong danh sách đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa VI, đại biểu sắp sửa rời hội trường, Đại tướng giơ tay xin phát biểu ý kiến, đại để Đại tướng nói: Đây là ý kiến tâm huyết của Đại tướng, vì là đại hội Đảng toàn quốc chớ không phải “tiểu hội”, nên phần nhân sự để phát huy dân chủ, cần dành thời gian chừng hai buổi thảo luận hội trường… Đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu bác ý kiến Đại tướng, đồng chí nói: “Đề nghị đại hội làm việc theo chương trình nghị sự…”.

“Tôi nghe nói đoàn đại biểu Quân đội ủng hộ Đại tướng tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa VI và đãm nhận trọng trách cao nhất trong Đảng, hay Nhà nước. Nhưng vì sao điều đó không thành hiện thực, chỉ có trời mới biết…!”

“Sau năm 1975, người ta đối xử với Đại tướng Vỏ Nguyên Giáp như thế nào nhiều người đã rõ! Khi ông đến thăm tỉnh… năm 1993 hay 1994 gì đó, nghe một đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nói với tôi với vẻ bất bình, rằng Đại tướng không được tỉnh đón tiếp trọng thị…! Những năm gần đây, Đại tướng đến ngưỡng trăm tuổi, dù gần đất xa trời vẫn quan tâm đến thời cuộc, những vấn đề trọng đại của đất nước Đại tướng đều đóng góp ý kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước chân tình, sắc sảo như vụ phá hội trường Ba Đình xây mới nhà Quốc hội, vụ khai thác bô-xít Tây Nguyên, vụ Tổng cục 2… nhưng ý kiến Đại tướng nào có ai coi trọng! Năm 2009, vào dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm ngày sinh của Đại tướng những năm sau nầy, tôi thấy qua màn ảnh truyền hình, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến chúc mừng Đại tướng với thái độ “rất trân trọng”!? làm cho tôi
chợt nhớ hình ảnh Đại tướng trong Đại hội VI, tôi không thể không suy nghĩ…!”

N.M.Đ

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 10-10-13