Phát Biểu Ý Kiến
Lễ tưởng niệm liệt sĩ
Nguyễn Minh Đào
Bài phát biểu của tôi tại Lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trên chiến
trường Bảy Núi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại đồi Ô Tà
Sóc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn ngày 27/7/2022, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày
thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Thưa các đồng chí và các bạn!
Thưa cô bác anh chị em!
Thực hiện Quyết định số 1193/QĐ của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang
ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh
– liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Hưởng ứng đợt thi đua Bộ Chỉ huy Quân
sự tỉnh An Giang phát động “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công
với cách mạng”.
Hôm nay, ngày 27 tháng 7 năm 2022 thay mặt nhóm cựu chiến binh An
Giang và nhóm cựu chiến binh Sư đoàn 1 Anh hùng Quân giải phóng miền Nam
Việt Nam đồng tổ chức Lễ tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 1 và liệt sĩ các lực
lượng vũ trang nhân dân An Giang hy sinh trên chiến trường Bảy Núi trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí và các bạn; cảm ơn cô bác, anh
chị em tham dự Lễ tưởng niệm; Trân trọng cảm ơn các đồng chí và các bạn
tài trợ kinh phí; Trân trọng cảm ơn lãnh đạo huyện Tri Tôn và xã Lương
Phi hỗ trợ tổ chức Lễ tưởng niệm!
Thưa các đồng chí và các bạn!
Thưa cô bác anh chị em!
Tháng 9 năm 1969 tôi làm trợ lý chiến sự Văn phòng Tỉnh đội An
Giang. Được biết Bộ Tư lệnh Miền điều động về An Giang Sư đoàn 1 bộ binh
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đứng chân hoạt động chiến trường Bảy
Núi với nhiệm vụ đánh địch mở rộng vùng giải phóng, xây dựng địa bàn
đứng chân mở hành lang chuyển Sư đoàn về miền Tây. Thời gian đầu quân ta
chủ động đánh thắng một số trận Vĩnh Trung, Ba Xoài, Xoài Chết… Nhưng
khi địch phát hiện Sư đoàn chủ lực ta, chúng tập trung hàng vạn quân chủ
lực, quân địa phương cùng mọi loại phương tiện chiến tranh hiện đại từ
bom tấn, pháo bầy, pháo đài bay B52, hỏa tiễn không đối đất; đến bom
xăng, chất độc CS, bom từ trường… Địch đánh phá liên miên ngày đêm trên
chiến trường Bảy Núi, nhất là đồi Ô Tà Sóc nơi đóng quân chủ yếu Sư
đoàn.
Đầu năm 1971 tôi chuyển công tác về Ban Chánh trị Tỉnh đội được cử
đi cùng Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội vừa thành lập về Bảy Núi đứng
chân đồi Ô Tà Sóc lãnh đạo chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh có
mặt tác chiến độc lập và phối hợp với Sư đoàn 1. Về đến Bảy Núi tôi nhận
thấy cục diện chiến trường đang diển ra rất bất lợi cho quân ta, tôi
không hiểu vì sao nhiều tháng qua quân ta không đánh địch trận nào mặc
cho chúng làm mưa làm gió! Vừa trực diện đánh ta, địch vừa phục kích
phong tỏa kinh Vĩnh Tế và các “ấp chiến lược” quanh vùng cắt đứt đường
tiếp vận tạo thế áp đảo quân ta, ngày nào tôi cũng nghe thấy quân ta
thương vong! Theo Bảng vinh danh Sư đoàn 1 tại Khu di tích lịch sử cách
mạng Ô Tà Sóc chính thức ghi nhận: “… đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ
hy sinh, hiện còn hàng trăm liệt sĩ hài cốt của họ còn nằm đâu đó trên
mãnh đất này!”
Những ngày trước khi tôi về đến đồi Ô Tà Sóc nghe anh em nói lại,
tổ tiền tiêu Sư đoàn 1 phòng ngự trong hang đá nhỏ cảnh giới hướng chùa
Tà Miệt anh em gọi “đồi Ma Thiên Lãnh” bị hỏa tiễn không đối đất phóng
trúng lấp cửa hang nhốt các chiến sĩ, dù hết sức cố gắng cũng không sao
mở cửa hang cứu anh em! Bên ngoài nghe anh em gọi mà thắt ruột, đau
lòng: “Các đồng chí ơi… ráng cứu chúng tôi…!”. Cuối cùng đành dùng ống
tre đổ cơm nước vào hang cho anh em ăn uống cầm hơi! Tiếng kêu cứu nghe
ngày càng yếu và thưa dần, đến khi không còn nghe gì nữa, biết rằng anh
em đã hy sinh! Sau năm 1975 mới phá đá mở cửa hang đưa hài cốt các liệt
sĩ về nghĩa trang an nghỉ! Đội Văn nghệ cựu chiến binh thành phố Long
Xuyên trinh bày hoạt cảnh đau thương này lấy nước mắt bao người xem!
Giữa năm 1971 Sư đoàn 1 lần lượt rút khỏi chiến trường Bảy Núi,
nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Bảy Núi do các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh
An Giang đảm nhận, như Đại đội 385 trợ chiến đồng chí Trần Nhất Quyết
(Quyết) đại đội trưởng, đồng chí Lê Thành Khởi (Hai Khởi) chánh trị viên
chịu trách nhiệm đồi Ô Tà Sóc; Đại đội 381 đặc công đồng chí Sáu Niên
đại đội trưởng chịu trách nhiệm đồi Tức Dụp, cùng Tiểu đoàn A11 Quân khu
8 biệt phái đứng chân địa bàn hai xã Lương Phi, Ba Chúc cơ động ứng
chiến, cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích hai huyện Tịnh Biên,
Tri Tôn. Không còn bộ đội chủ lực, nhưng cường độ đánh phá của địch
không giảm, bom đạn ngày đêm vẫn trút xuống hai ngọn đồi Ô Tà Sóc và Tức
Dụp.
Đồi Ô Tà Sóc lúc này có Ban chỉ huy tiền phương Tỉnh đội do anh Ba
Liêm Tỉnh đội phó phụ trách, Đội phẩu thuật quân y tỉnh do anh Bảy Mãnh
quân y sĩ phụ trách và Đại đội 385 trợ chiến chốt trên điểm cao đối mặt
địch cách nhau trong tầm lựu đạn làm “lá chắn” bảo vệ khu vực Ban chỉ
huy tiền phương Tỉnh đội và Đội phẩu thuật quân y.
Địch trên điểm cao ngày đêm giội các loại hỏa lực xuống chốt quân ta
và khu vực sườn đồi phía dưới quân ta trú đóng. Tiếng súng cối, súng
M.79 lẫn tiếng lựu đạn và từng tràng đại liên, tiểu liên không giờ phút
nào dứt, từng lúc chúng kết hợp mở các cuộc càn quét phản kích có phi
pháo yễm trợ đánh phá quyết liệt. Cán bộ chiến sĩ trên chốt sống và
chiến đấu vô cùng căng thẳng mõi mệt ngày đêm! Trong một trận đánh phản
kích, Đại đội 385 dũng cảm chiến đấu suốt ngày đẩy lùi các đợt tấn công
của địch gây cho chúng một số thương vong, đơn vị có vài chiến sĩ bị
thương, trong đó có hai bị thương nặng cần chuyển gắp về Đội phẩu thuật
quân y, đồng chí Quyết chỉ huy chuyển 1 chiến thương, chiến thương còn
lại Ban chỉ huy đại đội điện anh Ba Liêm xin chi viện người giúp đơn vị
chuyển. Anh Ba Liêm cử hai chiến sĩ cảnh vệ khiên chiến thương phân công
tôi phụ trách. Tôi và hai cảnh vệ soi đèn pin lần theo đường dây điện
thoại luồn dưới lò ảng đi ngược lên chốt. Khi bước vào hang đá để chiến
thương, dưới ánh đèn pin lờ mờ tôi thấy đồng chí bị thương vùng bụng nằm
bất động thỉnh thoảng rên khe khẻ, đồng chí bị thương sọ não trong trạng
thái mê sảng vùng vẫy la hét, anh em phải kềm giử bịt miệng không để
phát ra tiếng kêu la lớn địch phát hiện, y tá đại đội chích thuốc an
thần đồng chí bị thương sọ não mới đưa đi được và khi đưa hai chiến
thương lên võng, khó khăn lắm mới ra khỏi cửa hang chật hẹp. Đồng chí
Quyết dẫn cán thương sọ não đi ra trước, tôi giúp hai cảnh vệ đưa cán
thương còn lại đi sau. Ra khỏi cửa hang trời tối đen như mực tôi không
thấy cán thương đồng chí Quyết đâu, nhắm hướng dẫn cán thương đi xuống
đồi, nơi có con đường mòn cắt ngang dẫn đến Đội phẩu thuật. Trong khi đó
trên điểm cao sau lưng chúng tôi địch vẫn bắn xuống không dứt, chúng tôi
đi dưới làn đạn địch, tiếng súng cối, súng M.79 nổ chát chúa chung quanh
khi gần khi xa, ánh lữa chớp nhoáng liên tục. Bổng một trái cối 81 ly nổ
trước mặt, tôi nhìn ra sau hỏi anh em có sao không, động viên anh em cố
gắng đi nhanh, đi vài bước tôi sụp xuống bậc đá giẫm lên vật gì đó mềm
nhũn, nóng nóng dưới bàn chân, mùi máu tươi hắt lên mũi, tôi chưa biết
mình giẫm lên vật gì. Đang đi, võng khiêng chiến thương thấm máu rách,
tôi cho anh em cõng chiến thương tìm hóc đá gần đó ẩn núp, cử một cảnh
vệ về điểm trú đóng lấy võng khác thay, tiếp tục đưa chiến thương về đến
Đội phẩu thuật tôi mới biết đồng chí Quyết hy sinh, một mình ôm trọn quả
đạn cối 81 ly! Đồng chí Quyết hy sinh đã hơn 50 năm tôi nhớ mãi đêm định
mệnh đó của đồng chí với niềm thương tiếc khôn nguôi!
Từ trận đó, Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo không đưa đơn vị tác chiến
đối mặt với địch. Các cơ quan, đơn vị phân tán tránh né địch để bảo toàn
lực lượng. Tôi nhớ có lần, mà cũng là lần cuối có mặt chiến trường Bảy
Núi, lúc bấy giờ anh Tám Khá Tỉnh đội phó thay anh Ba Liêm phụ trách Ban
chỉ huy tiền phương vẫn trú đóng đồi Ô Tà Sóc, được tin Quân báo địch
tâp trung lực lượng lớn đánh vào đồi, anh Tám Khá lệnh các đơn vị rút về
Ô Cạn Ba Chúc. Khoảng 7 giờ tối các đơn vị tập họp, tất cả chừng năm sáu
mươi người nghe anh Tám Khá thông báo tình hình và phổ biến kế hoạch
hành quân. Anh căn dặn anh em phải giử đúng cự ly, bám chặt nhau không
để đi lạc và tuyệt đối giử im lặng. Được biết địch đã chiếm con đường
mòn từ đồi Ô Tà Sóc xuống Lương Phi đoạn Ô Tà Miệt nên phải đi vòng
ngoài đồng, đến gần Voi Đá Bia mới áp vào vườn cây về Ô Cạn Ba Chúc.
Các đơn vị bắt đầu hành quân, có hơn mười tay súng đi đầu khóa đuôi
bảo vệ, từ đồi Ô Tà Sóc cắt ra đồng đi ngược lên hướng Ô Cạn Ba Chúc
cách ven cây chừng vài trăm mét. Khi đi ngang Ô Tà Miệt bổng nghe tiếng
mìn clay-mo nổ trong ven cây, tiếp theo là tiếng súng nhỏ nổ rộ và tiếng
lính la hét. Không biết chuyện gì xãy ra, tất cả được ám hiệu chỉ huy
ngồi xuống, phát hiện giữa đồng có nhiều xe M.113 bố trí từng cụm, các
đơn vị im lặng dò dẫm đi gần nửa đêm về đến Ô Cạn Ba Chúc. Được biết,
khi xuất phát khỏi điểm tập kết trên đồi Ô Tà Sóc, Đội phẩu thuật bỏ
quên bộ dụng cụ tiểu phẩu cử hai y tá trở lại lấy đi tụt phía sau anh em
ngỡ đi đường mòn cũ, khi đến Ô Tà Miệt lọt vào ổ phục kích địch, cả hai
đồng chí hy sinh!
Đây là những năm tháng khó khăn nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến
chống Mỹ của quân dân Bảy Núi. Cán bộ chiến sĩ ta hàng ngày, hàng giờ
đương đầu với mọi hiểm nguy gian khó giữa sự sống và cái chết kề nhau
trong gang tấc. *
Tháng 7 năm 1971 tôi được cử đi học Trường chánh trị Trần Phú Khu 8
(cũ) hoàn thành nhiệm vụ sau hơn 7 tháng cùng đồng chí đồng đội sống,
chiến đấu, công tác ở chiến trường Bảy Núi máu lửa!
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, với máu xương cả ngàn cán bộ chiến sĩ Sư
đoàn 1 và các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang đổ xuống trên
chiến trường Bảy Núi năm xưa để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay, còn
hằn sâu trong ký ức đời tôi với những kỷ niệm đau buồn không thể nào
phai!
Mời các đồng chí và các bạn, cô bác anh chị em đứng lên làm Lễ
tưởng niệm liệt sĩ.
Hởi anh linh các liệt sĩ Sư doàn 1 Anh hùng Quân Giải phóng miền
Nam Việt Nam!
Hởi anh linh liệt sĩ Trần Nhất Quyết và liệt sĩ cán bộ, chiến sĩ
các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang!
Nhớ khi xưa, đáp lời sông núi các đồng chí đem tuổi thanh xuân hiến
dâng Tổ quốc chiến đấu trong biên chế Sư đoàn 1 Anh hùng Quân Giải phóng
miền Nam Việt Nam và các Lực lượng vũ trang nhân dân An Giang xả thân
chiến đấu hy sinh trên chiến trường Bảy Núi An Giang! Máu xương các đồng
chí hòa vào lòng đất mẹ Việt Nam, nhân dân An Giang đời đời nhớ ơn các
đồng chí. Các đồng chí sống khôn thác thiêng về đây chứng giám lòng
thành chúng tôi – Những người đồng chí đồng đội các đồng chí năm xưa và
bạn bè đồng chí thế hệ hôm nay tham dự Lễ tưởng niệm này. Cầu cho anh
linh các đồng chí được siêu thoát chốn vĩnh hằng, độ trì quốc thái dân
an, bạn bè đồng chí được sống an lành!
Mời các đồng chí và các bạn, cô bác anh chị em một phút tưởng niệm
các liệt sĩ. Phút tưởng niệm bắt đầu. Thôi!
Ô Tà Sóc, ngày 27 tháng 7 năm
2022
Kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh –
liệt sĩ
(27/7/1947 –
27/7/2022)
CCB Nguyễn Minh Đào Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-8-22 |