Luận Về Rèn Luyện Tu Dưỡng
Đạo Đức - Tư Cách Người Cách Mạng Xưa Và Nay

Nguyễn Minh Đào

NGÀY XƯA 

Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1947 khi còn tắm truồng, do cậu tôi dẫn dắt công tác Văn phòng Quận ủy Tri Tôn, sau đó chuyển về Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc và về Ty Thông tin Long Châu Hậu đến kháng chiến thắng lợi năm 1954.

Thuở ấy, cán bộ đảng viên rất coi trọng rèn luyện tu dưỡng đạo đức tư cách người cách mạng. Ở tỉnh Long Châu Hậu vùng giải phóng đất rộng người thưa, trong hoàn cảnh kháng chiến cuộc sống gian khó thiếu thốn mọi thứ, ngay như gạo cũng không đủ ăn phải ăn cơm lường độn với khoai sắn. Nhưng mọi người đoàn kết thương yêu cùng nhau chia ngọt xẻ bùi. Mỗi chiều sau giờ làm việc cơm nước xong, cán bộ nhân viên cơ quan họp kiểm thảo “Đoàn - Công - Kỷ - Tiết” (Đoàn kết - Công tác - Kỷ luật - Tiết kiệm). Cuối tháng họp tự phê bình - phê bình nghiêm túc, chân thành. Việc đó thành nền nếp thường xuyên, xem như nhiệm vụ rèn luyện tu dưỡng đạo đức – tư cách người cách mạng. Cán bộ lãnh đạo có vị trí càng cao càng phấn đấu rèn luyện giử gìn đạo đức - tư cách, nêu gương sáng cấp dưới noi theo.

Có lần tôi nghe cán bộ ta nằm đoàn trong lực lượng vũ trang giáo phái Dân xã – Hòa Hảo của tướng Trần Văn Soái tự Năm Lửa, là viên tướng võ biền do Pháp phong, cát cứ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc những năm đầu thập niên 1950 kể lại chuyện vui “ngoài chính sử”. Năm Lửa phải công nhận tác dụng đấu tranh xây dựng tự phê binh và phê bình của ta. Trong một bữa nhậu với bộ hạ, ông ta lên giọng đàn anh nói “Việt Minh mạnh nhờ tự phê bình và phê bình, mình muốn mạnh phải học Việt Minh, Năm yêu cầu anh em thấy Năm có ưu điểm, khuyết điểm gì phê bình đóng góp cho Năm”. Bộ hạ im lặng, ông ta giục: “Có gì anh em cứ mạnh dạn phê bình Năm!”. Ông ta nhắc, trong bộ hạ có người giơ tay phát biểu: “Thưa Năm! Em thấy Năm rất ưu điểm, hoàn thành nhiệm vụ tư lệnh, biết thương yêu binh sĩ… Nhưng, Năm có một khuyết điểm”. Nói đến đây tên bộ hạ ngập ngừng không nói, Năm Lửa giục: “Có khuyết điểm gì em cứ phê bình, đừng ngại!”. Tên bộ hạ nói: “Năm có khuyết điểm… lấy em vợ”. Năm Lửa nổi cáu đập bàn: “Đ… mẹ dẹp, dẹp, không phê bình tự phê bình con c… gì hết!”.

Mạnh Tử viết: “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” – Có nghĩa giàu sang không hoang dâm, nghèo nàn chí khí không thay đổi, vũ lực không khuất phục. Câu này không biết loan truyền trong cán bộ đảng viên từ bao giờ, xem như chuẩn mực đạo đức - tư cách người cách mạng.

Người xưa dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, có nghĩa viên ngọc không mài giũa không thành món đồ trân quí, con người không học không hiểu đạo lý làm người.

Tôi ngẫm ra những lời trên ứng dụng trong đời sống con người rất đúng! Con người, dù là người dân bình thường nếu không biết tu dưởng rèn luyện giử mình, sống buông thả theo bản năng dể sa đọa thành người xấu. Và, chính nhờ vũ khí phê bình, tự phê bình tu dưởng rèn luyện mà trong kháng chiến gian khổ thiếu thốn mọi thứ, nhưng sai lầm khuyết điểm về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên rất hiếm khi xãy ra.

     Nhân đây, tôi nhắc lại vụ án đại tá Trần Dụ Châu xãy ra trong Chiến khu Việt Bắc đầu năm 1950 nổi tiếng lúc bấy giờ. Theo nguồn Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ ngày 5 tháng 6 năm 2020 tôi tóm tắt như sau:  

    

     Năm 1946, Trần Dụ Châu được phong Đại tá, giữ chức Giám đốc Nha Quân nhu, nắm trong tay nhiều tiền bạc. Chính vì có chức, có quyền, có tiền nhưng lại thiếu tu dưởng, kiềm chế Châu sa vào hưởng lạc, chiếm dụng tiền công bằng nhiều thủ đoạn, nhận tiền biếu xén, nâng đỡ, bao che cho thuộc hạ khi có sai phạm…

    Ngoài các khoản nhận hối lộ, biếu tặng, cống nộp… Châu lấy cắp công quỹ 57.959 đồng Việt Nam, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Châu còn tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái…

Khi có lời xầm xì về lối sống của Châu thì Châu đã nhờ một nhân viên viết thư gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh báo cáo rằng: “Trong Nha Quân nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta”. Châu muốn dằn mặt người có ý định tố cáo và mượn tay kẻ xấu viết bức thư hoàn toàn không có sự thật để che đậy sự xấu xa và “thanh toán” đồng đội. Đó là tâm địa hiểm độc của Châu.

Có điều, cái xấu không thể che đậy được, cho đến khi Châu đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới Lê  Sỹ Cửu - một người bạn thân ông ta. Một đám cưới sang trọng, mang phong cách quý tộc châu Âu. Không gian cưới lung linh bởi cả trăm ngọn nến. Cỗ bàn toàn những thứ cao sang từ thực phẩm đến đồ uống, đồ hút đều là những thứ nổi tiếng của ta và Tây. Cặp uyên ương trong trang phục sang trọng như giới thượng lưu, có cả ban nhạc sống nổi tiếng phục vụ… Đám cưới được tổ chức trên vùng đất Việt Bắc, nơi người dân còn quá nghèo và lạc hậu, nơi người lính đang thiếu thốn trăm bề.

Nhà thơ Đoàn Phú Tứ Đại biểu Quốc hội khóa I, làm việc trong Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ là khách mời của đám cưới, khi ông cùng đoàn nhà văn vừa đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội đánh giặc trở về, tận mắt thấy các chiến sỹ bị thương mà thiếu thuốc men, bông băng và hầu hết họ đều rách rưới “võ vàng đói khát” “chỉ còn mắt với răng”, trong khi mùa Đông năm đó băng giá. Đoàn Phú Tứ được Trần Dụ Châu mời đọc thơ chúc mừng đám cưới. Ông đã đứng lên nói to: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén hôm nay được dọn bằng xương máu chiến sĩ”. Rồi ông đã bỏ đám cưới ra về, sau đó viết thư gửi Hồ Chủ tịch tố cáo vụ việc. Hồ Chủ tịch chỉ đạo Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Kiểm tra Trung ương, Cục Tổng Thanh tra quân đội thành lập ngay đoàn thanh tra để làm rõ. Đoàn thanh tra do Thiếu tướng Trần Tử Bình -  Phó Tổng Thanh tra quân đội làm Trưởng đoàn, đã tiến hành điều tra, xét hỏi, gặp gỡ nhiều nhân chứng, nghiên cứu tài liệu thu thập chứng cứ. Đối tượng là cán bộ cao cấp đang giữ trọng trách trong quân đội, lại lắm thủ đoạn khôn khéo, biết che đậy nên đoàn thanh tra phải làm việc hết sức thận trọng. Sau gần 2 tháng thanh tra, điều tra, đoàn thanh tra đã có chứng cứ đầy đủ về tội trạng Trần Dụ Châu, Lê Sỹ Cửu và đồng bọn. Một số tội trạng của Trần Dụ Châu, đoàn thanh tra đã kết luận như: Biển thủ 57.950 đồng bác việt Nam và 449 đôla Mỹ, 28 tấm lụa xanh; nhận hối lộ 20 vạn đồng của Lê Sỹ Cửu; bán một số súng lục lấy tiền ăn chơi; giam giữ công nhân quân giới trái phép. Một số tội trạng của Lê Sỹ Cửu gồm: Biển thủ 1.500 tấm vải nội hóa trị giá 700.000 đồng; tham ô 40.000 đồng, lấy 560.000đ tính đưa vào giá vải mua cho bộ đội và 1.155 tấm vải trị giá 660.000 đồng; ăn hối lộ của bọn buôn vải của Trần Dụ Châu; giả mạo con dấu của nha quân nhu để cấp giấy tờ cho bọn buôn lậu. Đoàn thanh tra báo cáo lên Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Quốc Phòng về tội trạng của Trần Dụ Châu và đồng bọn. Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên Tòa án Binh Tối cao mở phiên tòa đặc biệt xử vụ án Trần Dụ Châu. Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án, Thiếu tướng Trần Tử Bình đại diện Chính phủ ngồi ghế công tố viên… Phòng xử án có khẩu hiệu “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”, “Trừng trị để giáo huấn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê duyệt bản án tử hình Trần Dụ Châu…

     Vụ án gây chấn động trong quân đội và nhân dân, củng cố niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Nhờ vậy, thế của quân đội ta từ cầm cự, phòng ngự chuyển sang tổng phản công đánh thắng địch ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950 làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

NGÀY NAY

     Sau năm 1975, trong môi trường vật chất phù phiếm, người kháng chiến nhiều năm sống gian khổ thiếu thốn mọi thứ, nếu không biết tu dưởng rèn luyện giử mình rất dể sa đọa hư hỏng! Mẹ tôi thấy rõ điều đó thường răn dạy anh em tôi: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ. Người xấu không giao tiếp, cái gì không phải của mình đừng lấy làm của mình tội lắm các con ơi!”.

     Kháng chiến thắng lợi, đất nước thống nhất như tôi viết trên, sống trong môi trường vật chất phù phiếm đầy cám dổ. Nhưng hơn 45 năm sau, nhiệm kỳ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ký ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011 quy định 19 điều đảng viên không được làm, nhưng xem chừng tác dụng giáo dục răn đe rất hạn chế, vì tệ tham nhũng - tiêu cực đã “tấn công” vào hàng ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, viên chức nhà nước trở thành “căn bệnh nan y”.

     Theo số liệu chánh thức được công bố, từ năm 2016 đến nay cả nước có 87.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức; trong đó có 2 ủy viên Bộ Chánh trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên trung ương Đảng, 23 tướng lĩnh bị khởi tố… ! Gần đây, vụ kỷ luật chấn động chưa từng có trong lịch sử lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng; bị khai trừ và khởi tố hình sự!

     Xem danh sách tướng lĩnh, hay cán bộ cao cấp bị kỷ luật và khởi tố hình sự, tôi thấy hầu hết do phạm sai lầm khuyết điểm cũ, về sau lại được thăng quan tiến chức. Điều đó cho thấy công tác cán bộ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng có “lổ hỏng”! Trong chiến tranh các vị từng vào sinh ra tử, không ngại gian khó hiểm nguy, giử trọn niềm tin yêu của đồng bào, đồng chí. Nhưng đáng tiếc, sống trong môi trường hòa bình đầy cám dổ vật chất phù phiếm các vị không giử được mình, ngã xuống vì những “viên đạn bọc đường”. Có những trường hợp khi đồng chí, đồng đội có sai lầm khuyết điểm thay vì đóng góp xây dựng cho nhau, lại vì tình riêng bao che bênh vực nhau, hay xử lý nhẹ tay không đủ sức răn đe giáo dục ngăn chặn, làm cho khuyết điểm chồng lên khuyết điểm đến mức vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng phát hiện khởi tố hình sự, “trở thành cũi đưa vào lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

     Đây là tổn thất không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Vì đâu nên nổi? Phải chăng vì sự buông lõng tu dưởng rèn luyện đạo đức – tư cách người cách mạng của cán bộ, đảng viên? Từ buổi đầu khi đất nước bước vào thời kỳ mới, không duy trì tự phê bình và phê bình làm vũ khí đấu tranh xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh từ gốc như trong kháng chiến.

           Long Xuyên, ngày 28 tháng 10 năm 2021

                                        N.M.Đ

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 28-10-21