“Nhứt Phá Sơn Lâm, Nhì Đâm Hà Bá”

Nguyễn Minh Đào

 

     Ngày 17 tháng 8 năm 2021 tôi viết bài Lại nghĩ về nhân quả” . Cảm ơn các bạn đọc và bình luận, chia sẻ. Hôm nay, tôi đăng lại bài viết cũ cùng nhan đề có điều chỉnh bổ sung, phục vụ các bạn đọc giết thời gian giữa mùa dịch bệnh quái ác này!

     *                                 

     Câu “Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá” không biết có trong dân gian từ thuở nào, theo tôi hiểu có nghĩa: Một là phá rừng, hai là giết hại loài thủy sinh là hai việc làm lợi bất cập hại và là hai trọng tội, ứng nghiệm trong thực tế đời sống xưa nay, ông cha ta chỉ ra răn dạy con cháu.

     Những năm đầu sau 1975, tôi thường thấy xe tải chở gổ khai thác từ rừng miền Đông về miền Tây cung ứng các trại cưa. Ở Long Xuyên có các trại cưa kinh doanh gổ rất phát đạt như trại Kim Hoa, trại Thống nhất… ở gần khu dân cư nhà tôi. Tôi biết các chủ trại thuộc hàng “đại gia”, không bao lâu làm ăn suy sụp, chủ trại qua đời khi chưa già lắm, về sau con cháu lâm vào cảnh khốn cũng…!

     Trước chiến tranh tôi có người em bà con cô cậu tên Hồng, làm nghề khai thác kinh doanh gổ miền Đông khá giàu, chết bỏ xác xứ người cũng chưa già lắm! 

      Cách đây hơn 20 năm tôi quen biết anh Kha nhỏ hơn tôi vài tuổi, là đồng đội anh vợ tôi trong kháng chiến, xuất ngủ sống ở Long Xuyên làm nghề kinh doanh gổ khá giàu. Kha thuê thợ Huế xây cất ngôi nhà gổ danh mộc rất lớn, cột to gần vòng tay người ôm, lợp ngói, một trệt một lầu, chạm trổ tinh vi. Ngôi nhà trông giống na ná nhà cổ xứ Huế, tầng trên gia đình Kha ở, từng dưới làm nhà hàng ăn nhậu đặt tên “Nhà hàng cung đình”. Ngày khai trương, Kha mời bạn bè đến dự ăn nhậu khá đông. Xong tiệc tôi ngồi trước sân nói chuyện với vợ anh, nhìn ngôi nhà tôi buột miệng nói: “Kha cất nhà làm chi lớn quá vậy thiếm...?”. Vợ Kha trả lời: “Tôi có khuyên mà ảnh không nghe anh ơi…!” Sau đó không lâu nghe tin Kha chết bệnh…! Bẵng đi một thời gian tôi đến thăm nhà Kha, ngoài cổng nhìn vào thấy ngôi nhà hoang vắng, trước sân cỏ mọc bao phủ, vào nhà không thấy ai. Tôi lên tiếng gọi từ bên trong bước ra một người đàn ông  trung niên nói bà con sao đó với Kha gởi nhà trông nom giúp. Tôi hỏi được biết vợ con Kha đi Mỹ không biết có về không…! Xem như gia đình, sự nghiệp của Kha tiêu tan!

     Còn nhớ, những năm đầu sau 1975 tôi chứng kiến Sư đoàn 4 Quân khu 9 không biết từ đâu ồ ạt đổ quân về phá rừng tràm An Giang – Hà Tiên, thành lập nông trường sản xuất lúa. Họ cho biết nông trường có diện tích lớn phải dùng máy bay sạ lúa, bón phân… làm ăn theo hướng “sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa!”. Nông trường thất bại thãm hại, vì đất phèn nặng không sản xuất được lúa, rừng tràm nguyên sinh bị phá tang hoang, Sư đoàn 4 biệt tăm! Cái giá phải trã cho cho ý tưởng bốc đồng ngu xuẩn!

     Đó là những con người và sự việc tôi biết. Từ xưa đến nay tôi chưa nghe thấy ai làm nghề khai thác, kinh doanh, hay chế biến gổ gia đình có cuộc sống viên mãn vững bền! Đáng tiếc, một số gia đình xây cất nhà, hay sắm sửa bàn ghế nội thất bằng gổ danh mộc, dù không muốn cũng mắc lỗi tiếp tay “lâm tặc” phá rừng và người kinh doanh, chế biến gổ, vì có “cầu” mới có “cung”! Trong đó có tôi, theo sở thích từ lâu tôi cũng sắm sửa bàn ghế nội thất sử dụng trong nhà bằng gổ danh mộc, nay nghĩ lại tôi rất hối tiếc, nhưng chuyện đã rồi!

     Hành vi phá rừng còn ảnh hưởng tai hại cho đất nước, làm hủy hoại môi trường sống! Hàng năm cả nước ta đến mùa mưa bảo, miền Trung thường lâm vào thảm họa lũ lụt, làng xóm ruộng đồng chìm trong biển nước! Các nhà khoa học chứng minh đó là cái giá phải trã cho nạn phá rừng vô tội vạ!

     *

     Sau năm 1975 Khmer đỏ gây hấn vùng biên giới An Giang, mở đầu chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc. Các nhà lãnh đạo tỉnh nhận rõ lợi ích của rừng trong chiến tranh - “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, chủ trương nhanh chóng trồng phục hồi rừng tràm nguyên sinh An Giang – Hà Tiên và tổ chức các lâm trường như Lâm trường Bà Bài xã Nhơn Hưng tiếp giáp biên giới làm phên dậu bảo vệ biên giới, Lâm trường Bình Minh xã Tà Đãnh và Lâm trường Trà Sư, nay thành Khu du lịch sinh thái Trà Sư nổi tiếng.

     Trên các ngọn núi vùng Bảy Núi, trong chiến tranh rừng bị tàn phá, Chánh quyền chủ trương giao đất cho dân trồng và bảo vệ rừng, không lâu rừng trên núi được phục hồi xanh ngát.

     Tôi đánh giá cao thành tích trồng và bảo vệ rừng của ngành Kiểm lâm An Giang, xứng đáng được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động, nhưng không biết vì sao điều đó chưa xãy ra!

     Nói về đánh bắt thủy sản, đồng bằng tỉnh An Giang trước và trong chiến tranh nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú. Sau năm 1975 chánh quyền buông lõng quản lý, người dân tự do đánh bắt, khi Nhà nước có luật Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã trể, tôm cá cạn kiệt…! Trong chiến tranh tôi có vài năm cùng đồng đội sống chiến đấu trên đất Campuchia, ít nhiều hiểu rõ tập quán của người dân Campuchia trong cuộc sống. Phải thẳng thắng nhìn nhận ý thức khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của người dân Campuchia tốt hơn người dân Việt Nam ta.

    Ngày xưa Ba tôi là lảo nông làm ăn rất giỏi giang, năm 1947 vì cuộc sống gia đình túng quẫn nợ nần chồng chất, Ba tôi làm rạch đánh bắt cá sau mùa nước nổi ở con rạch Xẻo Tre bờ Bắc kinh Vĩnh Tế, đầu trong xóm Bến Lúa xã Nhơn Hưng, trúng mùa cá thu nhập rất cao gia đình thoát nghèo. Nhưng Ba tôi chỉ làm một năm nhượng quyền làm rạch béo bở cho người khác. Tôi hỏi vì sao Ba không làm rạch nữa, Ba tôi nói “Nhất phá sơn lầm nhì đâm hà bá”, nghề này giết hại nhiều sanh linh, dù là tôm cá cũng tội lắm con ơi…!”.

     Hệ quả phá rừng và đánh bắt, hủy diệt các loài thủy sinh về mặt vật chất đã rõ. Nhưng trong đời sống tâm linh ông cha ta từ xưa có câu “Đất có thổ công, sông có hà bá”, có nghĩa đất có thổ thần thổ địa và sông có hà bá canh giử, Không phải ngẫu nhiên ông cha ta nói như vậy, tôi chưa nghe các nhà khoa học lý giải. Tôi rất phân vân không biết lý giải thế nào cho phù hợp. Mời các bạn có đọc bài viết này tham gia góp ý kiến. Xin Cảm ơn./-

                                                 Long Xuyên, ngày 21 tháng 8 năm 2021

                                                               Mùa đại dịch Covid-19

                                                                            N.M.Đ

 

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-8-21