Thương nhớ Người Cha Kính Yêu Của Tôi Hồi ký
Nguyễn Minh Đào
Bài này tôi viết về người cha kính yêu của tôi (là dân Nam Bộ tôi
gọi bằng ba). Những năm dài gia đình tôi sống trong cảnh khốn khó nước
nhà loạn lạc khi thực dân Pháp trở lại xăm lược nước ta lần thứ hai và
trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ. Ba tôi
là trụ cột chống đỡ gia đình vượt qua mọi gian khó đến ngày thống nhất
đất nước. Xin chia sẻ các bạn.
*
Quê tôi xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, thời Pháp
thuộc là làng Nhơn Hưng, tổng Qui Đức, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.
Trước chiến tranh gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu, trong nhà có kẻ
ăn người ở, nhà trong xóm chùa Long Hòa ấp Đông Hưng. Ba tôi là thương
buôn mua bán hàng chuyến và khai mở đất hoang làm ruộng hàng chục mẫu ở
Bàu Cò - Campuchia giáp biên giới, có đàn bò cày kéo cả chục con.
Năm 1944 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phát xít Nhật
vào chiếm đóng nước ta. Mấy năm nay nước lớn mất mùa ba tôi không còn
làm ruộng, đàn bò dần dần bán hết, cuộc sống gia đình bắt đầu sa sút
trong nhà không còn kẻ ăn người ở. Một hôm ba tôi mượn xe bò dọn đồ đạt
trong nhà chở ra kinh Vĩnh Tế cất nhà xóm Cây Mít bà con bên nội tôi. Ba
tôi thuê người giúp việc mua da bò tươi muối bán cho thương lái chở đi
Sài Gòn, việc làm ăn xem chừng khá phát đạt không bao lâu không biết vì
sao ba tôi không làm nữa. Đêm nọ nhà tôi bị kẻ trộm đào ngách vào nhà
lấy cắp bộ lư đồng và một số quần áo, vật dụng đến sáng mới hay.
Những năm tháng gia đình tôi sống ở đây tuy mức sống không sung túc
như trước, vẫn khá hơn nhiều gia đình trong xóm. Ba tôi do việc làm ăn
lâu nay giao tiếp khá rộng trong giới trung lưu và một số quan chức làng
xã. Ở xóm Cây Mít kiến họ Nguyễn anh em ba tôi được thiên hạ nể trọng.
Mùa Thu năm 1945 chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Cách
mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập Ba Đình Hà Nội.
Những tháng ngày nước nhà được độc lập tự do thật ngắn ngũi! Giặc Pháp
trở lại xăm lược nước ta lần thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 1945 tiếng
súng kháng chiến của quân dân Nam Bộ nổ khắp nơi, làng quê tôi ngập chìm
trong khói lửa chiến tranh…!
Cuộc sống gia đình tôi rất túng quẫn! Mùa nước năm ấy ba tôi hàng
ngày chống xuồng lên đồng trên hướng giồng Bà Ca đặt lờ bắt cá sặt bán
sống qua ngày! Mỗi sáng tinh mơ ba tôi xuống xuồng ra đi đến tối mịt mới
về, nghe tiếng xuồng khua dưới bến, má và chị em tôi xuống bến mừng ba
tiếp ba bắt cá. Hôm nọ, ba tôi ra đi khoảng 7 – 8 giờ sáng nghe tiếng
súng nổ rộ trên đồng hướng ba đi, cả nhà và cô bác trong xóm biết có
chuyện chẳng lành rất lo lắng, nhìn lên đồng trông ngóng…! Tiểng súng
dứt đã lâu không thấy ba về, ai cũng đoán ba vị Tây bắn chết hay bị bắt.
Má tôi nhờ bà con chống xuống đi tìm. Thời gian nặng nề trôi qua cả nhà
đứng ngồi không yên, chị em tôi khóc, má cũng khóc! Đến tối bà con tìm
ba tôi về chở theo chiếc xuồng của ba bị Tây bắn bể, nhưng tìm không
thấy ba đâu, hy vọng ba còn sống bị Tây bắt. Má tôi vào Tịnh Biên gặp
ông Bảy Lễ là thương gia bạn của ba có quen biết quan chức ở Cao Miên
nhờ ông lên đó dọ tin, được biết ba bị Tây bắt. Má tôi vay mượn tiền làm
chi phí nhờ ông Bảy Lễ lo lãnh ba tôi về.
Giặc Pháp ra sức càn quét đánh phá vẫn không bình định được quê
tôi, làng xóm xơ xác tiêu điều vườn không nhà trống! Gia đình tôi tản cư
về rạch Thâm Rôn xã Hòa Lạc huyện Phú Tân ngày nay, cùng với gia đình
ngoại. Riêng chị Hai Nguyễn Thị Phò, bí danh Nguyễn Thị Hồng Phương là
cán bộ cách mạng ở lại quê nhà hoạt động.
Ở Hòa Lạc, gia đình tôi lúc đầu trú tạm chuồng bò cũ nhà ông Mười bà con
với ngoại tôi. Cảnh tản cư ăn nhờ ở đậu cực khổ trăm bề! Ba má tôi xin
tre cất căn nhà nhỏ trên bờ sông Hậu gần vàm rạch Thâm Rôn về phía Châu
Đốc, gia đình tôi sống chen chút trong căn nhà đó trong cảnh nghèo túng!
Ba tôi làm đủ nghề kiếm sống, có lúc nấu rượu lậu, làm hàng heo… Ba là
người tháo vát giỏi gian, nhờ đó gia đình tôi đủ sống qua ngày!
Đầu năm 1947 làng Hòa Lạc mắc dịch bệnh đậu mùa, có một số người
chết, gia đình tôi không thoát khỏi dịch bệnh quái ác đó! Người đầu tiên
nhiễm bệnh là chị Ba tôi, sau đó lần lượt hết người này đến người khác
đều nhiễm bệnh nặng nhẹ khác nhau. Ba tôi rước ông thầy thuốc Bắc ở làng
Khánh Hòa chữa trị khỏi cả. Điều kỳ lạ là chị Hai tôi đang hoạt động
cách mạng ở quê nhà cũng bị nhiễm bệnh cùng thời điểm với gia đình, cậu
Hai tôi chở chị bằng xuồng ra rạch Thâm Rôn cho ba má tôi lo chữa trị.
Khi ông thầy thuốc khám bệnh cho chị, ông nói với ba má tôi những gì tôi
không biết, nhìn nét mặt lo âu của ba má, thấy má khóc lén, tôi biết
bệnh chị rất nặng! Tôi vào buồng thăm chị, thấy chị nằm trên lá chuối
tươi cơ thể một màu thâm đen! Vài hôm sau chị Hai tôi vĩnh biệt cõi đời
ở tuổi 18!
Chị Hai tôi mất là nỗi đau thương lớn đối với gia đình tôi! Chôn
cất chị xong, ba tôi dỡ bỏ căn nhà cũ dời về cất lại phía trên đó vài
chục thước. Những tháng ngày đó gia đình tôi sống dằn vặt trong đau
buồn! Ba tôi chiều chiều lấy rượu giải sầu, khi uống say ngủ vùi, thỉnh
thoảng thấy ba trở mình kêu trời, gọi tên chị Hai tôi khóc! Lúc này ba
tôi thường đi làm ăn vắng nhà, chị em tôi quay quần bên má, nhiều lúc
thấy má ngồi thẫn thờ bất động nhìn đăm đăm khoảng không nào đó nước mắt
lưng tròng!
Đêm nọ đang ngủ nghe chị Ba khóc nói với má, chị chiêm bao thấy chị
Hai tóc để xõa, mặc quần áo trắng đứng trên đầu nằm nói với chị: “Thương
ơi! Em hãy nối gót theo chị…”. Nghe chị Ba nói chị em tôi khóc, má cũng
khóc! Đêm nọ chị em tôi vào chổ ngủ, ba đi vắng, má nằm võng ru em thứ
Bảy tôi tên Nguyễn Minh Nhị ngủ, bên ngoài trời tối mịt mùng gió thổi ào
ào, sắm chớp liên hồi báo hiệu trời sắp đổ mưa. Bổng nghe ông Chín Gia ở
gần nhà gọi má tôi: “Ba ơi! Bây coi có ai ngồi trên nóc nhà bây trồi lên
thụt xuống kìa!”. Nghe ông Chín nói chị em tôi sợ phát khiếp, nằm ôm
nhau nhìn lên nóc nhà sợ có ai từ trên đó tụt xuống, thầm van vái chị
Hai: “Chị sống khôn thác thiêng đừng hiện về nhát chúng em…!”. Má đặt em
Nhị nằm xuống võng bước ra ngoài nhìn lên nóc nhà. Thì ra, “người trồi
lên tụt xuống” trên đó là tấm lá xấp nóc bị gió thổi làm bung một đầu
dây lạt buột, gió thổi mạnh tấm lá bật lên, gió hết thổi tấm lá nằm
xuống. Ông Chín già mắt kém trông gà hóa quốc!
Cuộc sống gia đình tôi ở đây ngày càng túng quẫn! Ba đưa cả nhà vào
sống trong ngọn cùng rạch Thâm Rôn có nhiều tôm cá, đất rộng người thưa
dể kiếm sống. Ba tôi làm rạch, làm đìa, chất chà bắt cá; có lúc nuôi
tằm, trồng rẫy… làm việc gì ba tôi cũng thạo, gia đình nhờ đó đở thiếu
thốn. Vùng này đất đai mầu mở, lúa gạo không thiếu, tôm cá dư thừa,
nhưng phần đông dân rất nghèo, vì làm được đồng tiền không dễ, có tiền
cũng không có gì mua. Vải mặc, xà bông, dầu thắp sáng… rất khan hiếm dù
cách chợ Châu Đốc không xa. Nhà nào cũng có chấy rận, đi đâu cũng thấy
người ăn mặc rách rưới; thậm chí mặc quần áo bằng bố gai, hay đệm bàng.
Khi giở chà hay tát đìa bắt cá tôi thấy có những người đàn ông cởi
truồng tồng ngồng, dù nơi đó có đàn bà con gái cũng mặc!
Dường như biết trước tình cảnh này, những năm trước bà ngoại tôi
may mùng ngủ bằng vải tám, là loại vải thô nhuộm vỏ cây dà rất dày dặn
bền chắc, bà ngoại đem mùng may quần áo cho con cháu mặc. Có lần ba tôi
đi bán kén tằm mua về một số vải may quần áo cho cả nhà mỗi người một
bộ, má và chị Ba tôi “sang” nhất được may vải sen đầm đen, phần tôi được
má cắt may một bộ quần áo tay ngắn bằng vải sọc ca-rô.
Những tưởng gia đình tôi được sống bình yên lâu dài nơi đây, nào
ngờ thời cuộc đẩy đưa Việt Minh – Hòa Hảo xung đột bắn giết nhau. Tôi
nghe nói ngoài sông cái thường thấy xác người trôi lờ đờ, có khi một cây
tre xỏ xâu hai ba xác! Ở làng Hòa Lạc chưa nghe thấy vụ giết người nào,
nhưng dường như có gì đó không bình thường. Một buổi chiều tôi thấy có
mấy người cùng xóm đến nhà nói chuyện gì đó với ba tôi, trong khi ba đào
đất trồng bụi tre làm như ăn ở lâu dài nơi đây, nhưng đến nửa đêm ba má
đánh thức chị em tôi âm thầm thu dọn đồ đạt xuống chiếc ghe nhỏ, cả nhà
ra cửa rạch Thâm Rôn về quê nhà. Ba tôi cho biết gia đình may mắn tránh
một tai họa có thể xãy ra!
Ba đưa gia đình về ở xóm Bến Lúa trên bờ kinh Vĩnh Tế. Lúc này giặc
Pháp chưa tái lập xong bộ máy cai trị, lực lượng cách mạng làm chủ ban
đêm, ban ngày làm chủ những nơi có địa hình thuận lợi xa thị trấn, thị
tứ, đường giao thông. Những nơi có đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo
tản cư hết ra Châu Đốc, hay vùng do Hòa Hảo kiểm soát. Xóm Bến Lúa hầu
hết dân có đạo Hòa Hảo cả xóm không một bóng người, chỉ có gia đình tôi
trú ngụ nhà cô Tám em ba tôi là tín đồ đạo Hòa Hảo, cô có hai người con
trai làm “đại đội Hòa Hảo”. Đây là vùng “xôi đậu”, lực lượng Dân xã -
Hòa Hảo thường tới, họ biết gia đình tôi bà con với cô Tám không nói gì!
Thời kỳ đầu cách mạng, quan điểm đường lối chánh sách của Đảng và
Bác Hồ chưa quán triệt đến mọi cá nhân và tổ chức, nên bộc phát những
hành vi manh động. Sự xung đột “nồi da xáo thịt” Việt Minh - Hòa Hảo,
tôi nghĩ có bàn tay bọn Phòng nhì Pháp và có thể còn do bối cảnh ấy! Hồi
đó, quê tôi có ông Tư Hỷ người cùng xóm gia đình ngoại theo vai vế tôi
gọi bằng cậu. Ông theo cách mạng từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám,
chỉ huy một đơn vị Quốc vệ đội (như Công an vũ trang ngày nay) chừng một
trung đội. Người ta gọi ông là “bà cố Hỷ” vì ông rất táo tợn trong hoạt
động “trừ gian diệt ác” giết người không gớm tay! Người dân xem ông như
“hung thần”, khi bất hòa họ chưỡi nhau “bà cố Hỷ bắt mày!”.
Khi gia đình tôi từ làng Hòa Lạc về ở xóm Bến Lúa, một đêm nọ trời
vừa sụp tối nghe mấy loạt súng nổ đầu trong xóm đạn bay vèo vèo, cả nhà
nằm dưới đất tránh đạn nghe ngóng không biết chuyện gì! Một chập sau có
tiếng nhiều người nói chuyện ồn ào kéo tới, thì ra đơn vị Quốc vệ đội
của “bà cố Hỷ”. Gặp ba má tôi, ông Tư Hỷ và mấy người quen chào hỏi tiếp
tục kéo ra xóm Bà Bài, lâu lâu nghe tiếng súng của họ vọng lại, độ một
giờ sau thấy ánh lửa cháy rực từ xóm Bà Bài lần vào, thì ra họ đốt nhà
dân! Khi đốt đến nhà cô Tám tôi ông Tư Hỷ nói: “Không đốt nhà này để anh
chị Sáu ở”. Hồi ấy, trên kinh Vĩnh Tế thường thấy có ghe người Chăm ở
Châu Phong hồi đó gọi Chà Và đi mua bán gạo và đệm bàng, bị ông Tư Hỷ
bắt mấy ghe gần 10 người có cả đàn bà và trẻ con, gán họ tội “làm do
thám cho Tây”! Họ bị trói, bịt mắt dẫn lên đồng xóm Bến Lúa gần biên
giới giết sạch, hàng hóa tịch thu, ghe bị đốt. Đêm sau có ghe chưa chìm
trôi lờ đờ theo con nước lớn ròng, lửa cháy bập bùng như hồn ma người
chết hiện về kêu khóc oán than! Năm 1949 hay 1950 gì đó tôi nghe nói ông
Tư Hỷ làm tướng cướp bị cách mạng trừng trị!
Về ở xóm Bến Lúa gia đình tôi trắng tay, má tôi làm bánh nấu xôi
chở trên chiếc xuồng bằng cây thốt nốt mượn của ai đó bơi đi bán kiếm
sống. Ba tôi là người năng nổ, ở đâu ba cũng tìm cách làm ăn cho vợ con
đở vất vả thiếu thốn. Ba thấy ở đầu trong xóm Bến Lúa có con rạch Xẻo
Tre nhiều cá, ba xin phép giới chức Hòa Hảo và Việt Minh làm rạch. Ba
dẫn tôi vào vườn nhà chặt tre làm đăng và vay mượn tiền của bà con mua
sắm các thứ khác, khi nước xuống ba tôi xây rọ bắt cá. Năm ấy ba tôi
trúng mùa cá, bán cá trả hết nợ còn dư một số tiền, gia đình thoát cảnh
nghèo túng. Ba tôi giao dàn đăng và nhượng quyền làm rạch cho chú Chín
Hiến – em ba tôi. Sau này tôi hỏi “Sao ba không làm rạch nữa?” Ba nói:
“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, nghề này giết hại nhiều sanh linh, dù
là tôm cá cũng tội lắm con ơi!”
Những năm 1954 – 1956, các tỉnh miền Tây Nam bộ giáo phải Hòa Hảo,
Cao Đài cát cứ tồn tại song song chánh quyền Sài Gòn. Năm 1954 tôi đi
tập kết Cà Mau trở về quê, ngồi trên xe từ Rạch Sỏi về Châu Đốc phải
dừng nhiều lần các trạm gác của Hòa Hảo đóng tiền “nguyệt liễm” rất
phiền phức. Nhìn hai bên đường cảnh vật vùn vụt trôi về phía sau lòng
tôi bồn chồn lo lắng, suy nghĩ vẫn vơ không biết cuộc sống bản thân và
gia đình tôi rồi sẽ ra sao!? Con đường đấu tranh cách mạng sẽ tiếp tục
như thế nào…!?
Bao năm tham gia kháng chiến góp phần bé nhỏ vào sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, đến ngày hòa bình trở về quê nhà,
gia đình tôi không nhà ở, không tiền bạc, không biết làm gì sinh sống
phải ăn nhờ ở đậu! Một số bà con bên nội không cảm thông chia sẻ, mà còn
dè bỉu lời ong tiếng ve coi khinh ba má tôi: “Theo Việt Minh để ngày nay
nghèo khổ như vậy đó, gia đình ly tán, con mỗi đứa mỗi nơi…!” Bà cô thứ
Tám tôi còn nói: “Thằng Đáo (tên thật tôi) theo Việt Minh rất uổng, như
thằng Dể mà còn làm thiếu úy” (con của cô làm sĩ quan quân đội Sài Gòn).
Gia đình tôi dọn về sống với ông bà ngoại, ba tôi nhờ mối quan hệ
quen biết viên chức chánh quyền Sài Gòn làng xã tranh thủ họ giúp làm
thẻ căn cước tạo thế hợp pháp cho tôi và thông qua mối quan hệ quen biết
giới chức trong Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo làng Nhơn Hưng vận động cho
tôi dạy học ở ngôi trường gần chùa Hòa Thạnh ấp Tây Hưng cách nhà tôi
gần một cây số, do bà con trong ấp góp công sức dựng lên bằng cây lá.
Tôi là giáo viên duy nhất dạy ba lớp, từ lớp năm đến lớp ba tiểu học với
ba bốn mươi học trò. Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã trả lương tháng cho
tôi 100 kg gạo và 400 đồng tiền Bảo Đại giúp gia đình thoát cảnh chạy ăn
từng bữa.
Được vài tháng chánh quyền Sài Gòn đánh đổ giáo phái Hòa Hảo, tôi
tiếp tục dạy học như trường tư, tùy lòng hảo tâm cha mẹ học sinh đóng
học phí, mức thu giảm nhiều. Năm 1955 chánh quyền Sài Gòn đổi giấy căn
cước, chi bộ xã đưa tôi làm thơ ký trong đoàn đổi giấy căn cước quận
Tịnh Biên để làm giấy căn cước cho cán bộ kháng chiến cũ. Được đi lại
nhiều nơi trong quận có công xa đưa đón, tiếp xúc với nhân viên chánh
quyền, thế họp pháp của tôi được củng cố vững vàng hơn. Tạo được “vỏ
bọc” tôi bắt đầu tham gia công tác do chi bộ xã lãnh đạo.
Khi ấy, gia đình tôi từ kinh Tám Ngàn trở về quê nhà cuộc sống
nghèo khó, ba tôi xoay sở làm ăn liên tiếp thất bại, nợ nần chồng chất!
Má tôi làm bánh, nấu xôi giải nắng dầm mưa gánh bán rong đầu làng cuối
xóm, chắt chiu từng đồng lo toan cuộc sống gia đình! Tôi cùng anh rể thứ
Ba và các em tôi tới mùa đi cắt lúa mướn, hay trồng rẫy khoai, dưa… Làm
bất cứ việc gì bằng sức lao động của mình, những mong chia sẻ phần nào
gánh nặng cuộc sống gia đình với ba má tôi.
Một hôm, không biết từ đâu đến một gã trung niên bà con xa anh rể tôi
tên Hoàng Lan. Y nói năng bặt thiệp, nhã nhặn chiếm được cảm tình gia
đình tôi, ba má tôi xem như con cháu. Ở nhà tôi mấy hôm, Hoàng Lan bày
cho tôi làm bông giấy bán trong dịp tết sắp đến. Đang lúc sinh kế bế
tắc, tôi nghe lời y mượn cô Hai Hoa – một cô gái tuổi đang xuân có quan
hệ bà con xa gọi tôi bằng cậu số tiền 200 đồng gía trị xấp xỉ 2 chỉ
vàng, tôi ra Châu Đốc mua giấy pơ-luya và giấy kiếng màu làm bông giấy.
Tôi và Hoàng Lan làm gần một tháng thì tết đến, đem vào nhà bác Tư Văn –
một lão nông bạn thân ba tôi ở xã Lương Phi, ba tôi đang ở nhờ mua tre
làm lọp chuẩn bị đặt bắt cá đồng tràm khi mùa nước xuống. Bông giấy bọn
tôi bán rẽ, nhưng nhìn không bắt mắt không mấy ai mua, vốn liếng vay
mượn và công sức bỏ ra đi đứt! Sau năm 1975 tôi thăm cô Hai Hoa, được
biết cô có chồng lính Sài Gòn chết trận đời sống khó khăn, tôi trã cô số
nợ còn thiếu năm xưa và giúp cô một số tiền lúc khó khăn.
“Dự án” sản xuất bông giấy thất bại, ông “thầy dùi” Hoàng Lan lại
đề xuất nấu dầu khuynh diệp bằng lá tràm có sẳn trong rừng tràm bạt
ngàn, chỉ tốn công hái đem về bỏ vào nồi nấu như nấu rượu lấy tinh dầu.
Hoàng Lan làm một bài toán “trình” Ba tôi rất thuyết phục, “hiệu quả
kinh tế” thấy rõ!
Ba tôi “phê chuẩn dự án” vay mượn vốn mua thùng phuy và các thứ
khác làm nồi nấu, xây lò… theo “thiết kế” của ông “kỷ sư” Hoàng Lan.
Công việc đang xúc tiến, tới ngày tôi phải lên đường đi quân dịch làm
công tác nội tuyến, lao vào “cuộc chiến đấu thầm lặng” - Nói theo ngôn
từ các nhà hoạt động tình báo - mang trong lòng hy vọng gia đình thoát
nghèo nhờ “chiếc đũa thần” dầu khuynh diệp! Cho đến khi tôi ra trường
huấn luyện làm kiểm số viên Sở quân nhu quản trị số 6 thành Hanh Thông
Tây Gò Vấp, Ba tôi lên Sài Gòn tìm thăm và cho biết công việc chuẩn bị
đã xong sắp sửa nấu mẻ dầu đầu tiên. Nhân đi thăm tôi ba đến cơ cở dầu
gió khuynh diệp của bác sĩ Tín tìm hiểu giá cả và việc bán dầu. Trên 60
năm rồi tôi không sao quên hình ảnh ba tôi, lúc hai cha con gặp nhau
mừng mừng tủi tủi trong tiệm cơm bình dân. Ba gọi một tô canh cải bẹ
xanh và dĩa thịt mặn, hai cha con vừa ăn cơm vừa nói chuyện, ba nhâm nhi
ly rượu trắng kể chuyện nhà tôi nghe. Sau cùng ba nói: “Nhà minh đang
lúc nghèo túng, con đi gần nửa năm ba mới đi thăm! Con ráng chịu thiếu
thốn, nhờ trời lần này nấu dầu khuynh diệp thành công, ba trở lên đây
bán dầu thăm con.” Khi chia tay về quê, ba móc trong túi một số tiền rất
khiêm tốn giử vừa đủ đi xe, còn lại dúi hết vào túi tôi, tôi đưa lại ba
một số đề phòng đi đường xa có việc cần xài nhưng Ba không chịu!
“Dự án” sản xuất dầu khuynh diệp lại bất thành! Sau này theo lời kể
của ba tôi, không biết vì sao nấu mỗi mẻ dầu thay vì được 1 - 2 lít như
dự định, chỉ được 5 - 7 phân khối. Khi ấy tôi không có ở nhà để chia sẻ
nỗi buồn của ba má tôi!
Năm 1956 Ba tôi vay mượn vốn của chú Ba Dẻ - bà con bên nội tôi 200
giạ lúa, bán mua ghe đi buôn chuyến. Ba tôi đang cúng làm lễ khởi hành,
từ đâu con chim nhạn trắng bay rơi trước mũi ghe, ba tôi thấy điềm lạ tỏ
ra bất an nhưng không nói gì! Thật kỳ lạ, với chiếc ghe đó ba tôi đi
buôn chuyến nào cũng lổ, may lắm hòa vốn. Cùng đi với ba có cô em thứ
Năm của tôi, có lúc tôi cũng đi theo giúp ba chứng kiến những chuyến
buôn khi hàng đầy ghe rời bến ba tôi rất vui, hy vọng chuyến này có lãi
trả nợ, rồi có lúc hết nợ, gia đình có cuộc sống ấm no, vợ con đở vất
vã, thiếu thốn. Khi kết thúc chuyến buôn hy vọng trôi theo dòng nước, ba
tôi buồn bực lấy rượu giải sầu! Tình cảnh này cứ lập đi lập lại, có lúc
khi uống rượu ba nói trong nghẹn ngào, tức tưỡi với anh em tôi: “Ba buồn
quá con ơi! Muốn tự vận chết cho rồi, tội nghiệp má con và các con ở
lại, ba chết cũng không yên!”. Nghe ba nói lòng tôi đau đớn, xót xa! Tấm
lòng và trách nhiệm làm cha, làm chồng của ba tôi suốt cuộc đời lúc nào
cũng vậy!
Khi anh em tôi lần lượt thoát ly gia đình tham gia kháng chiến,
cuộc sống gia đình tôi vẫn khốn khó. Năm 1958, ba tôi thu xếp gia đình
trở về sinh sống ở kinh Tám Ngàn để lại những món nợ cùng lời dèm pha,
xỉ vả của chủ nợ. Tôi nghe nói thiếm Ba Dẻ xót của cũng nói nặng nhẹ gì
đó ba tôi, chú Ba cự lại: “Bà không được nói nặng anh tôi nghe…!”. Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về quê, anh em tôi bàn với ba xem số nợ còn
thiếu cùng góp tiền giao ba trả hết nợ.
Mùa khô năm 1975 tình thế cách mạng biến đổi rất nhanh, ta vào trận
quyết chiến chiến lược cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày
30 tháng 4 năm 1975. Là người trong cuộc mà chúng tôi ai cũng bất ngờ,
vì nghĩ đến năm 1976 mới giành toàn thắng,
Ngày 1 tháng 5 năm 1975 nhóm công tác cơ quan chúng tôi cùng một đơn vị
bộ đội địa phương tỉnh tiếp quản thị trấn Hồng Ngự, trong thị trấn mọi
sinh hoạt người dân vẫn bình thường. Vài hôm sau chúng tôi chuyển đến
thị trấn Tân Châu, trở thành thị xã “thủ phủ” tỉnh Long Châu Tiền. Chúng
tôi tạm trú trong căn phòng bỏ tróng khu cư xá gia đình viên chức chế độ
cũ. Hôm nọ, nghe tiếng người phòng bên cạnh nói chuyện vừa đủ tôi “nghe
lén” khen chúng tôi: “…Người ta tốt lắm, đối với dân rất vui vẻ lể độ,
không nghe chửi thề như bọn mình…”. Chúng tôi sống những ngày đầu tiên
vùng mới giải phóng rợp bóng cờ đỏ sao vàng trong khí thế vô cùng hồ hởi
như bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng:
“… Niềm vui như đến bất ngờ. Ngày đi như trong đêm mơ…!”.
Vài ngày sau, vợ chồng tôi anh em bố trí tạm trú nhà viên thiếu úy
truyền tin chi khu Tân Châu tên Nhơn, mẹ và vợ chồng anh tiếp đãi vợ
chồng tôi rất nồng hậu! Vài ngày sau anh Nhơn thi hành lệnh chánh quyền
quân quản tập trung “học tập cải tạo” cùng sĩ quan quân đội Sài Gòn,
nghe nóỉ chỉ một tuần lể hay mười ngày gì đó nhưng kéo dài vô thời hạn,
đày ải họ chẳng khác tù khổ sai! Năm 1995 vì muốn bình thường hóa quan
hệ với Mỹ phải chấp nhận trả tự do cho họ theo yêu cầu của Mỹ, Mỹ đón họ
định cư trong lòng nước Mỹ theo diện HO.
Việc này, về mặt chánh trị rõ ràng ta thua Mỹ 1 – 0 mà còn gây hệ lụy
lâu dài cho đất nước! Hồi đó tôi thắc mắc chánh sách thất nhân tâm này
hỏi các đồng chí lãnh đạo giải thích: “Cần phải làm như vậy để bảo đảm
ổn định cho đất nước. So với Liên Xô, Trung Quốc sau khi giành thắng
lợi, thành phần này “tập trung cải tạo” có đi không về…!”. Nhớ chuyện
này đến nay tôi vẫn hối tiếc! Phải chi hồi ấy các nhà lãnh đạo noi gương
ông cha ta mở lòng bao dung độ lượng, thực sự thực hiện chánh sách hòa
giải dân tộc do chính ta đề ra, gây ảnh hưởng chánh trị - xã hội tốt
biết bao!
Mấy ngày sau theo chỉ dẫn em gái Út, tôi xách xe jeep đi tìm gia đình
trôi dạt về sống Kinh H Tân Hiệp đường Long Xuyên – Thoại Sơn, gặp ba má
tôi sống trong căn chòi nhỏ trên bờ kinh, dưới bến có chiếc ghe nhỏ của
Thị xã ủy Long Xuyên giao làm chốt giao liên công khai. Tôi đưa cả nhà
lên xe về Long Xuyên tạm trú cùng Nhà in tỉnh, gần trụ sở Ủy ban nhân
dân phường Mỹ Bình ngày nay.
Cuối năm 1976 tôi và em trai Nguyễn Minh Nhị góp tiền mua căn nhà cũ
bằng gỗ tạp lợp tol của ông Sáu Việt cùng hai khoảng đất ở của ông Sáu
Việt và ông Năm Lợi 1070 mét vuông, giá 3.400 đồng tiền Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam, bằng 1.700.000 đồng tiền Sài Gòn sau khi qui đổi, anh em
tôi đưa gia đình về sinh sống ở đây. Nghe nói trước năm 1975 nơi đây rất
phức tạp, dân lưu cư bất hảo sinh sống cảnh sát Sài Gòn còn phải nể.
Những ngày đầu gia đình về đây ở, ban đêm cảnh giác anh em tôi cầm súng
thay nhau gát.
Năm 1981 tôi mua gổ trả chậm của Công ty lâm sản tỉnh do chú Tám Quang
làm Giám đốc xây cất ngôi nhà sàn ba căn chử đinh trên nền nhà cũ rất
khang trang. Vợ chồng chú Tám Quang có quan hệ thân tình với tôi, thiếm
Tám nói: “Tư Đào ơi, sao mầy không nói chú Tám bán dư năm mười khối,
mầy bán lấy lời đủ trả tiền cây mày cất nhà, mua chịu làm chi cho mang
nợ!”. Tôi nói: “Cháu làm như vậy mang tiếng chết, không được đâu
thiếm ơi!”. Khi ấy ta quản lý kinh tế theo cơ chế hai giá, gổ tôi
mua của công ty theo giá bao cấp của nhà nước thấp hơn giá thị trường
rất nhiều, vậy mà sau đó cả năm tôi mới trả hết nợ cho công ty.
Bảy Nhị - em tôi công tác huyện Phú Tân thuyên chuyển về tỉnh làm phó
Ban Tổ chức Tỉnh ủy mua gổ chánh sách cất ngôi nhà gần nhà tôi. Ba má
vẫn sống với vợ chồng tôi, ba tôi căn dặn: “Vợ chồng thằng Đào thờ
ông bà nội rồi, tao với mẹ mầy chết vợ chồng thằng Nhị thờ”. Má tôi
nói vui “Ba mày tính khôn, chết mà muốn ngồi bàn thờ giữa nhà mới
chịu!”.
Khi ấy tôi làm chánh văn phòng Tỉnh ủy tham gia Tỉnh ủy. Nhà đang cất,
ông Tư Việt Thắng – Bí thư Tỉnh ủy đến thăm thấy tôi cất nhà cạnh cánh
đồng hoang, ông nói: “Sao Tư Đào ở đây, ra đường Nguyễn Du ở có qui
hoạch đất dành cất nhà cho các đồng chí trong Tỉnh ủy…”. Tôi nói: “… Ở
đây có đất rộng làm chuồng nuôi heo, đào ao nuôi cá mới sống được anh Tư
ơi!”
Đường vào nhà tôi khi ấy là đường đất nhỏ hẹp, mùa mưa trơn trợt, tôi
xin gạch đá vụn lót đường, vận động bà con trong xóm cùng làm dần dần mở
rộng mặt đường tráng nhựa như ngày nay, Ban Quản lý đô thị thị xã Long
Xuyên đặt tên đường Cô Giang.
Trong chế độ mới, anh em tôi có vị trí trong xã hội làm “nở mặt nở mày”
ba má tôi, nay có ngôi nhà mới khang trang, bà con nội - ngoại tôi
thường đến thăm ba má tôi chuyện trò với thái độ thân tình trọng thị,
nhất là bà con bên nội không như thuở nào…! Chú Chín Hiến em ba tôi còn
nói: “…không ăn bánh cũng liếm lá!”. Từ đó đến những năm cuối đời, ba má
tôi sống an vui bên đàn con cháu hiếu thảo cho đến ngày theo ông bà! Đã
qua rồi những năm dài gia đình tôi ly tán sống trong cảnh nghèo khó, ba
má tôi vất vã kiếm sống và buồn tủi vì thái độ người đời “tham phú phụ
bần”…!
16 giờ ngày 4 tháng 6 năm 1999 nhằm ngày 21 tháng 4 năm Kỷ Mão, sau thời
gian dài già yếu sức khỏe suy kiệt, ba tôi trút hơi thở cuối cùng, thọ
96 tuổi. Lể tang ba tôi rất đông đại diện các cơ quan đảng, chánh quyền,
đoàn thể trong tỉnh cùng bà con cô bác, bạn bè đồng chí anh em tôi tham
dự. Trong lể tang, thay mặt gia đình tôi đọc lời điếu có đoạn:
“…
“Ba ơi!
“Nhớ khi xưa nước nhà còn trong chiến tranh
máu lửa, gia đình ta ly tán sống trong cảnh nghèo khó! Bằng tấm lòng
người cha, người ông, ba cũng như má chịu đựng trăm cay ngàn đắng, tảo
tần vất vã vì con vì cháu lo từng miếng ăn tấm mặc, dưởng dục cưu mang
con cháu trưởng thành làm người có ích cho đất nước.
“Ba má dạy con cháu sống có nghĩa có nhân,
biết yêu nước thương dân, sống chan hòa và trung thực với mọi người.
Trong lòng con cháu ba má, dù năm tháng qua đi không bao giờ quên công
ơn trời biển ba má, cùng những kỷ niệm êm đềm sống trong vòng tay yêu
thương của ba má khi còn ấu thơ hay đã trưởng thành, khi đất nước còn
trong chiến tranh hay thời bình.
“Xin ba yên lòng trong giấc ngủ ngàn thu!
Con cháu của ba nguyện trước hương hồn ba luôn vâng lời dạy bảo của ba
má, sống hòa thuận thương yêu nhau, coi trọng điều nhân nghĩa, biết hành
xử theo lẽ phải ở đời và ngẫng cao đầu làm người.
“…
Long Xuyên, ngày 13 tháng 3 năm 2022
N.M.Đ |