Anh Hai Bình

Nguyễn Minh Nhị

 

Tháng 12/1982 từ Ban Tuyên Huấn TU tôi về công tác tại Ban Tổ chức TU An Giang. Anh Hai Bình, tên thật Nguyễn Hữu Thạnh, là chuyên viên của Ban Tổ chức TW, đặc trách theo dõi hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tôi quen biết và thường làm việc với anh từ đó cho đến khi anh về hưu sau Đại hội 6 toàn quốc khoảng 2 năm.

Anh không nói về mình nhiều. Tôi chỉ biết anh sinh năm Mậu Thìn (1928), quê ở Vĩnh Long, đi kháng chiến, sau giải phóng về công tác tại Ban Tổ chức TW (ở phía Nam) và mới cưới vợ lần đầu khi quá ngũ tuần mà cũng do Ban Tổ chức TW gắn kết cho anh với chị (cán bộ của Ban) đã luống tuổi quê ở tận miền Bắc. Anh rất bình thường như nhiều cán bộ trung, cao cấp khác mà tôi quen biết, thậm chí còn bình thường hơn, nhưng không hiểu sao cho tới bây giờ, theo thời gian và sự biến đổi của thời cuộc tôi lại thấy anh nổi bật hơn hết về đức tính hy sinh, tận tụy và chân thành của một con người - người cách mạng cần có. Thật hiếm như truyện cổ tích trong thời buổi đảng viên có chức có quyền.

Thỉnh thoảng tôi kể chuyện của anh cho bạn bè nghe và cũng để cho mình nghe và gọi anh là "Ông ba không". Nghĩa là thời bao cấp, cái gì cũng thiếu, ngoài chế độ tem phiếu, khi cần gần như ai cũng phải xin mua, xin cho đủ thứ, ngoài lương thực – thực phẩm cho người đến cám bả cho heo, từ vải vóc cho đến tol, gỗ, xi măng… Nhưng xin được hay không còn tùy thuộc "chữ ký" của người duyệt và người xin có thế lực đến đâu chớ không phải ai xin cũng được. Có ông giám đốc công ty Công nghệ phẩm tỉnh có hai chữ ký tuyệt vời, ai xin ông cũng ký, nhưng nếu ký nét chữ cuối huớt lên hay cụp xuống là "có" hoặc "không" có hàng mà chỉ có nhân viên bán hàng của ông mới biết. Đến khi ông về hưu mới bật mí và thành câu chuyện "cổ tích" của thời bao cấp. Cái cảnh xin – cho là vậy, nhưng anh Hai Bình thì không hề xin mua bất cứ một thứ gì. Đã vậy mà nếu có ai gợi ý bán gì cho anh cũng bị anh từ chối, thậm chí cho cũng không nhận, kể cả quà của Đại hội Đảng bộ các cấp tặng đại biểu. Vậy là ba không rồi còn gì nữa: không xin, không mua ngoài chế độ, không nhận của cho. Tỉnh ủy Cửu Long cho anh một căn nhà phố mặt tiền, xem hết chỗ nầy đến chỗ khác cái nào anh cũng chê rộng và không nhận. Cuối cùng anh xin mấy trăm mét vuông đất ruộng của Tập đoàn sản xuất, đắp nền, mua vật tư theo chế độ, cất đủ ngôi nhà lợp ngói nhưng còn nền đất. Hôm vợ chồng tôi đến thăm, sau khi anh về hưu, gặp lúc triều cường, đường vô nhà bị ngập đến nửa ống chân. Biết thêm là anh vừa mới "trả huê lợi" đất cho chủ cũ sau khi TĐSX tan rả. Còn cái nền chưa tráng và nợ các em của anh 4 tạ heo hơi, tôi gợi ý bán chịu 10 bao xi măng và bán cám trả chậm, anh cũng đều từ chối. Thật hết biết!

Hồi ấy, gần như cả nước đi đâu cũng gặp nuôi heo và hay nói vui với nhau là” “Người Việt gốc heo”. Cách lấy lúa, thịt heo làm “vật ngang giá” nhiều người cũng xài như anh, giống như cách tính của cụ Các-Mác hồi giửa thế kỷ 19. Năm 1980, tôi mua đất cất nhà (do ba đứng tên) cũng nhờ tiền thoái vốn miếng đất do Thị xã uỷ Long Xuyên cấp cho nhưng tôi trả lại mới đủ mua. Chú Tư Cõi, thư ký Công đoàn tỉnh lúc bấy giờ là người nhận lại đất ấy đã trị giá đầu tư san lấp mặt bằng cho tôi cũng bằng 4 tạ heo (400 ký).

Con người như anh Hai Bình vậy mà lại rất dễ dãi, khoan dung với đồng chí, anh em mới thật kỳ lạ! Lúc sản xuất kinh doanh mới bung ra trước và sau Đại hội 6, nhiều công ty, xí nghiệp làm ăn được, thu nhập giữa khu vực sản xuất – kinh doanh và hành chánh – sự nghiệp, nhất là khối Dân - Đảng có thua thiệt do lương thưởng và mọi chế độ mà khối SX – KD; nhất là cấp lãnh đạo thì hơn rất nhiều. Nhưng khi họp báo công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ anh chân thành phát biểu: "Anh em có ăn trước, mình sẽ có ăn sau". Nói thật vậy mà mọi người nghe, bởi anh trong số người "sẽ có ăn sau". Tại sao có cán bộ lãnh đạo khi làm công tác tư tưởng cho cấp dưới, nói hay mà không thuyết phục được người nghe, vì họ không có ý nghĩ lành mạnh và hành động trung thực được như vậy. Giả dối!

Anh theo dõi công tác tổ chức cán bộ không chỉ qua hệ thống tổ chức, hội họp, mà trực tiếp từng người (do cấp TW quản lý) đến tận nhà. Anh thường đi bộ hoặc xe đạp, không bao giờ lấy xe (ô-tô) cơ quan, mặc dù  được trưởng ban nói nhiều lần nhưng anh cũng không nghe. Khi nhận xét đồng chí nào anh cũng rất thận trọng, nắm chắc mới nói và cũng chỉ nói theo quan điểm phát triển. Không nói cái vụn vặt mà bỏ qua cái lớn, cái bản chất có tính chi phối.

Anh khiêm tốn cả đời - cho đến chết. Anh lâm bệnh nặng và lặng lẽ ra đi chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Không làm phiền hà vợ con, không để tốn kém cho tổ chức. Hôm tôi và anh Mười Minh được tỉnh cử thay mặt TU, UBND An Giang đến viếng anh, riêng tôi tự nhủ thầm là đi tiễn biệt một người có nhân cách, sống thật, sống mẩu mực, trong sáng, thủy chung. Tôi xem anh như tấm gương tiêu biểu số một về đạo đức cách mạng và là một trong những người cuối cùng của lớp đảng viên cộng sản thời máu lửa đã và đang lần lượt ra đi! Nhớ và viết ra những dòng tâm tình, kính cẩn về anh sau 9 năm anh vắng mặt trên cõi đời nầy, tôi như có dịp tự "chỉnh huấn".          

Long Xuyên, ngày 2/1/2007.

(bài đăng báo An Giang)

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 19-3-21