Những sự kiện liên quan
CÔNG TÁC BINH VẬN TÔI BIẾT

(trích Hồi ký viết từ năm 2005 - không xuất bản)

 

Nguyễn Minh Nhị

 

Công tác binh vận là cuộc chiến không tên. Nếu nói là cuộc chiến tình báo thì không chuyên nghiệp, nói là đấu tranh quân sự thì không rõ ràng, nếu nói là đấu tranh chánh trị thì không bao hàm hết tính phức tạp của nó. Và người làm công việc ấy trong lòng địch thì có một số phận không tên. Vinh quang và cay đắng!

Đó là hiểu biết của tôi mang cảm tính cá nhân như người quan sát.

Tôi được gợi ý phát biểu tại hội thảo, song vốn thực tế không nhiều nên tôi chỉ kể lại những sự kiện gián tiếp ghi nhận để tham khảo.

Trong hồi ký tôi viết khi về hưu từ năm 2005. Đọc thấy có mấy sự kiện có liên quan xin trích ra đây. Hồi ký viết và hoàn thành trong 10 năm nhưng không xuất bản, vì nhớ quên lẫn lộn về thời gian và sự kiện nên chỉ để cho người thân đọc và suy gẩm. Trong hơn 700 trang hồi ức, chỉ liên quan đến công tác binh vận không mấy trang tự nó cũng nói lên sự hiểu biết khiêm tốn của tôi đối với công việc nầy.

Bắt đầu từ việc làm sao "hợp pháp hóa" số cán bộ Việt Minh còn ở lại miền Nam

Hè năm 1955, ba tôi vận động mấy người quen trong Ban trị sự PGHH xã cho anh tôi - Tư Đào đi tập kết Cà Mau trở về ra dạy học, nhằm tại vỏ bọc “hợp pháp”. Trường bằng tre lá cạnh chùa Hòa Thạnh (ấp Trung Hưng), bàn ghế học trò làm bằng cây ván tạp. Lương giáo viên được 100kg gạo và 400đ tiền Bảo Đại. Trường chỉ có một thầy duy nhứt, dạy từ vở lòng đến lớp Tư, mỗi lớp 5-10 học trò. Anh có quyển Quốc văn giáo khoa thư và quyển 100 bài toán đố để phục vụ soạn bài. Tôi giử sách cho anh và đọc thêm nên tỏ ra rất khá so trong lớp. Anh chỉ dạy chủ yếu là tập đọc, tập viết, toán, chính tả, văn. Tôi vào học lớp năm rồi lên lớp tư. Học được vài ba tháng thì chính quyền Diệm giải tán các Ban tri sự Hòa Hảo, giải giáp lực lượng võ trang giáo phái, anh tôi dạy thêm được ít tháng nữa, bằng học phí tự nguyện của phụ huynh rồi cũng nghỉ luôn. Lúc này lính Diệm toàn là người Bắc, người Nùng vào đóng trong nhà tôi, họ mướn má tôi nấu cơm cho họ, anh Tư tôi nghỉ dạy học được các cậu vận động đưa vào đoàn làm giấy căn cước của chánh quyền Gài Gòn để có điều kiện hợp pháp hóa số cán bộ nằm vùng, chú ruột tôi - Út Thôn và anh rể bà con chú bác Năm Nhi cũng được vận động đưa vào cày cắm trong hội đồng hương chính xã (ta gọi tề xã), làm cơ sở cách mạng trong lòng địch.

Đưa người cày vào vận động "Hòa Hảo ly khai"

 Sau 1954 Đảng chủ trương đấu tranh chính trị, dẹp hết vũ trang chờ thi hành Hiệp định Genève. Nhưng Mỹ Diệm lê máy chém khắp nơi, khủng bố tàn bạo người kháng chiến cũ. Trong lúc này một bộ phận võ trang của lực lượng các giáo phái miền Nam còn cầm cự ở một số nơi. Lê Hồng Tươi đang cầm đầu một nhóm võ trang Hòa Hảo hoạt động ven biên giới. Tổ chức chủ động đưa anh Năm Đình vào làm y tá cho chúng. Anh trị thương cho Tươi mạnh lành, y ta mang ơn và có ý gả con gái cho. Anh phải từ chối khéo để được yên thân. Hôm chúng tạo phản, ra đầu hàng Diệm, trước khi hành động Tươi cho mời anh nói rõ: “Anh theo tôi thì tốt còn không thì tùy anh đi đâu thì đi. Nhưng khi nào cần thì nhắn cho tôi hay, tôi gặp”. Chúng chỉ cho mỗi mình anh tự do ra đi, còn những người khác cũng thành phần Việt Minh như anh chúng đem thủ tiêu. Anh rể tôi – Ba Nhân cũng trong cảnh như anh, nhưng chạy thoát được lên Miên là nhờ lẹ chân. Sau khi chúng đầu hàng, Mỹ Diệm dùng lực lượng này quậy phá ta dọc biên giới suốt thời gian kháng chiến. Nhưng tên Tươi vẫn có tình cảm riêng với anh, hắn ra lịnh cho lính: Gặp anh Năm là không được làm gì cả mà phải đưa về gặp hắn và luôn nhắn nhe: “Sẵn sàng đón tiếp anh Năm bất cứ ở đâu”. Sau nầy thấy chúng mến anh, chú Tư An Bí thư tỉnh ủy muốn đưa anh ra công khai một lần nữa để làm nội tuyến - địch vận. Anh kiên quyết xin thôi. Một lần đã quá sức chịu đựng rồi. Nghe tới đây tôi nói vui chen vào: “Đã họ Lư - người Hoa rồi mà còn thêm nội tuyến nữa, thì hôm nay chắc anh ở đầu danh sách cán bộ mà tôi phải tham mưu đề xuất… rồi!” Cả hai tôi cùng cười. Chúng ta vừa là chủ nhân vừa là chứng nhân và đôi khi vừa là nạn nhân của lịch sử!

Sau Tết - 1955, vào khoảng mùa đìa  anh rể tôi - Ba Nhân trở về. Gặp cháu Sơn đang đánh vành rổ trên đường, anh kêu tên, nó bỏ chạy một mạch về nhà. Vậy là sau đình chiến, anh được lệnh bí mật ở lại, cài vào lực lượng Ba Cụt ở ven biên giới. Chúng phát hiện được, định thủ tiêu anh và một vài đồng đội khác chạy ngược lên Campuchia, bị lính Sihanuok bắt, anh khai là đi nôm cá. Ngô Trọng Hiếu là đại sứ của chánh quyền Sài Gòn ở Phnômpênh đến lãnh và bảo về trình diện ở chính quyền xã. Từ đây anh được hợp pháp hóa và cùng anh em ở xóm lên núi Dài nhỏ phá đất rừng làm rẫy.

 Đến đấu tranh chánh trị nghị trường.

Nhớ hôm chánh quyền tổ chức ứng cử viên ra mắt và thuyết trình vận động tranh cử tại nhà lồng chợ Nhà Bàn ngày 4/3/1956, tôi đang học cuối lớp Tư, bọn học trò bị huy động đi cổ vũ. Dịp này, lần đầu tiên tôi mới biết cô Tám An (Trương thị An), con gái ông đốc phủ sứ Trương Tấn Vị ở Châu Đốc. Theo như cô Tám kể lại sau nầy, hàm đốc phủ sứ là mua của Tây chớ không có quyền. Bà được tổ chức của ta vận động đưa ra ứng cử mà trước đó tôi chỉ nghe cán bộ nói và có đọc tiểu sử. Bà có vẻ sang trọng, nói năng lưu loát và kết tội cảnh sát Trọng ở Nhà Bàn nói xấu sau lưng bà: "Chỉ biết đi Tây, nhảy đầm", khiến quận trưởng Chất phải vất vả giảng hòa. Từ đó, tôi bắt đầu thấy thích hoạt động công chúng. Tôi rất khâm phục cô An và đi vận động cho bà, nhưng bà bị rớt vì gian lận. Gần 50 năm sau tôi mới có dịp đến nhà thăm, bà chỉ cho tôi nơi bí mật dấu cán bộ cách mạng như ông Tư Minh và anh Hai Nhung, hồi chiến tranh là cán bộ binh vận của Trung ương cục. Tiện thể tôi hỏi bà về người đeo kín đen, đội nón nỉ làm "vệ sĩ" cho bà đi vận động tranh cử là ai mà lúc đó tôi nghi là lính kín (công an chìm), bà cười và chỉ vào chú Sáu Điền là cán bộ hai thời kỳ kháng chiến: “Là ông nầy”. Một cuộc hội ngộ sau nửa vòng hế kỷ, nhiều ý nghĩa, rất trớ trêu, làm tôi phải ngỡ ngàng và chạnh lòng: Một đứa học trò nghèo mới lớp Tư (lớp 2 bây giờ), nay làm Chủ tịch tỉnh; một ông cách mạng hai thời kỳ, học rộng, nói được tiếng Tây mà nay chỉ là một cán bộ lão thành không có chế độ hưu; một phụ nữ học trường Tây, từng đi Tây, trẻ đẹp quí phái nhưng là người yêu nước, cơ sở của cách mạng mà nay vẫn là một bà lão độc thân bát tuần . Cái bánh “thành quả cách mạng” tôi không thấy họ có phần trong đó. Riêng bà Tám chẳng những không được gì ngoài tấm Huân chương có công cách mạng mà còn bị mất, bị thiệt vì chánh sách “Đất đai là sở hữu toàn dân”. Sự thành bại của mổi cuộc đời con người cho dù là có vận may đi nữa, nhưng vẫn không ngoài vận nước. Tôi cảm thấy ngại ngùng vì mình được nhiều quá, điều đó có nghĩa là người khác mất mát quá nhiều để san sẻ cho mình. Như ba má tôi hay nói khi gặp các anh em thương binh tật nguyền như anh Bảy Quắm chẳng hạn: “Anh em nó gánh cái rủi về nó, mình còn lành lặn phải biết ơn mà đền đáp con ơi!”.

Tôi xin ghi lại “Tuyên ngôn ứng cử” của cô Tám An như là kỷ niệm và cũng là tỏ lòng biết ơn cô một thời với cách mạng. Hôm thăm cô tại nhà, tôi hỏi, cô nói quên rồi, tôi đọc lại cô nghe và hình như cô cũng muốn quên luôn nên tỏ ra không mặn mà gì với tác phẩm của mình mà tôi thì lại vẫn còn trân trọng:

“TRƯƠNG biểu hiệu tuyên ngôn ứng cử

“THỊ anh thư bào sợ gian lao

“AN nhà lợi nước dân giàu

“Ai ơi! Góp phiếu dồi giàu, cho đông

“Chớ chê là khách má hồng

“Lòng son, dạ sắt non sông giử gìn

“Quyết tâm đến tận Quốc đình

“Đấu tranh cải thiện dân sinh quận nhà”.

Phía trên bài thơ có lô-gô “Ngọn đuốc trước ngôi chùa”. Hai quận Tịnh Biên và Tri Tôn là một đơn vị bầu cử, có đâu 5, 6 ứng viên, nhưng chỉ chọn có một nghị sĩ. Cán bộ ta hay nói: “Bầu cử dưới chế  độ Sài gòn là mị dân”. Tôi nghĩ, hồi đó nói vậy là đúng!. 

Cài người vào hàng ngũ địch                                                              

Còn anh tôi, khi trúng tuyển quân dịch, được huyện ủy Tịnh Biên cử đi để làm nội tuyến – tháng 12/1957. Trước khi đi, anh được chi bộ Nhơn Hưng kết nạp Đảng tại nhà tôi. Buổi sáng anh đi, bà ngoại đi chợ Nhà Bàn nên không hay, khi về đến ngang nhà cậu Út Tiến ở đầu xóm nghe tôi báo tin, bà quăng thúng hàng đang đội trên đầu nằm vật ra và chửi Ngô Đình Diệm tan nát hết.

Nhà tôi đang vui, nhưng khi anh tôi đi quân dịch rồi trở nên hiu quạnh. Má và các chị vẫn tiếp tục làm bánh, làm xôi bán chợ, bán xóm. Bữa nào ế mà tôi không đi học, đội ra xóm chùa Hòa Thạnh bán tiếp. Tôi có khiếu mời mọc mấy người quen nên thường là bán hết

Vận động người cũ không thành.

 …..Lúc này cách mạng hoạt động ngày càng mạnh lên, mấy ngày lễ 3/2, 2/9 trên núi Két cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm luôn xuất hiện. Tôi nghe rạo rực trong người. Một hôm cậu Bảy tôi (Huyện ủy Tịnh Biên) đưa tôi một thư xếp nhỏ, bảo tôi đưa cho thầy Sơn, thầy nhận thư không trả lời mà chỉ "hỏi thăm súc khỏe các anh". Tôi nghĩ rằng thầy sợ. Sau ngày giải phóng gặp lại, thầy cho tôi biết là lúc đó thầy thiếu dũng cảm nhận nhiệm vụ cách mạng. Thầy rất quí tôi về nhân thân gia đình cách mạng và cũng là một trong những học trò giỏi của thầy. Thầy thường giao tôi cộng sổ điểm hàng tuần cho thầy.

       Sau khi anh Tư đi quân dịch - nội tuyến lần thứ nhất, ngày 05/1/1958 (16/11 âl) bà ngoại qua đời vì bệnh sơ gan cổ trướng, thọ 74 tuổi. Các cậu, nhất là cậu Mười Ngưng chăm lo cho ngoại hết lòng, gởi mua thuốc đặc trị tận Nam Vang, còn thầy thuốc Bắc, thuốc Nam thì không thiếu vì cậu là hội trưởng đông y mà, nhưng bệnh vẫn không qua.

Ta trong lòng địch.

Lúc má tôi bệnh, cậu Hai Mạnh Hà, sau nầy mới biết là ba Sáu Hội ( nguyên bí thư tỉnh ủy), ông đang là chánh văn phòng Ban cán sự huyện Tịnh Biên thường ở nhà tôi, ăn cơm bên nhà ngoại. Hình như có bà con xa , kêu bà ngoại tôi bằng cô. Tối nọ ông kêu tôi dẫn đường qua nhà bác Hai Tứ, ông đứng ngoài bảo tôi vào mua một con gà giò 15đ đem về bảo nấu cháo cho má. Má tôi nghẹn ngào cầm tay cậu mà khóc. Tôi cũng mũi lòng cho thân phận, thương mẹ và cảm cảnh nghèo nhà mình. Cậu Út, cậu Mười thấy hết gạo kêu tôi qua xúc một tụng (cái giỏ bàng nhưng có đáy vuông), thấy tôi gánh nước đêm ì ạch chỉ có nửa thùng tận ngoài xóm chùa Hòa Thạnh, có khi ra tới kinh Vĩnh Tế, các cậu gánh tiếp cho đầy lu. Có đêm gánh nước về vì đứng lại nghỉ mệt nên theo không kịp ai, về ngang nền chùa Cây Trôm (cũ), cây trôm không còn nhưng tôi cứ tưởng tượng có "ma" hốt cát vãi sau lưng mình, cong lưng chạy về tới nhà không còn giọt nước, còn hai gót chân bị cặp thùng đập vào bầm xanh, đau điếng. Cũng vào khoảng nầy, một hôm ông hương quản (cảnh sát trưởng) Đặng Văn Lủy bất chợt ghé nhà thăm má tôi, tình cờ gặp cậu Hai Mạnh Hà và cậu Mười Ngưng tại nhà. Cậu Hai lúng túng như gà mắc tóc, còn ông Ba Lủy thì có hơi rượu, mang khẩu côl-12 xệ bên hông ngồi trên bộ vạc giường má tôi nằm bệnh. Ông nói: “Tôi họ Đặng với nhà nầy, trước sau không làm hại gia đình, nhưng các anh phải kỷ lưởng hơn”. Thật tình thì ông quen gia đình tôi hồi trong vùng Việt Minh, mình vận động đưa ông vào làm tề để nhờ cậy, chúng tôi đều quen gọi ông là cậu.

Ngày đầu mặc áo lính "nội tuyến" là bắt đầu chấp nhận rủi may.

Ta - địch, Việt gian hay liệt sĩ ai hay ai biết?....

Sau khi anh Tư Đào mãn quân dịch trở về, tháng 2/1959 tôi nghỉ học cũng về Tám Ngàn, chị Sáu, em Sương cũng về theo, anh em tôi quyết tâm ở nhà phụ giúp cha mẹ lo cho cuộc sống gia đình. Anh về mấy hôm, lập tức mấy cha chi bộ xã Bình Sơn đến dò la tin tức, điều tra ("lính ngụy" mà). Rồi cậu Út tôi lại vào. Lần này cậu xin ba má cho anh Tư và tôi đi làm cách mạng nữa. Cậu trình bày cụ thể với ba má tôi: Anh Tư Đào được Huyện ủy cử trở lại hàng ngũ địch làm nội tuyến lần thứ hai. Còn tôi về ở với cậu vừa tiếp tục đi học vừa công tác hợp pháp tại xã. Hai anh em tôi đang là trụ cột của gia đình, trong khi gia đình còn quá túng thiếu mà ba má tôi đồng ý với cậu thiệt là một sự hy sinh rất lớn.

Khoảng hơn một tháng sau anh và tôi trở lại Nhơn Hưng, anh  lo thủ tục đăng lính tình nguyện, tháng 3/1959 thì anh lên đường. Ba, bốn tháng sau tôi có đến thăm anh mấy ngày ở đồn Vàm Cống để giử mối liên lạc giửa anh và Huyện ủy Tịnh Biên. Anh bảo với tôi là đã dọ trường tư thục Quang Trung ở Long Xuyên cho tôi đi học. Anh nói: “Anh còn làm nội tuyến anh sẽ nuôi em đi học, chế độ nào cũng cần người biết chữ chớ không ai dùng người dốt. Người dốt chỉ để người ta sai vặt!”. Tôi thấy khó, nhưng không nói gì. Sau nầy tôi nghiệm ra mới hiểu ý các cậu xin cho tôi về với các cậu là để làm liên lạc trực tuyến với anh tôi cho bảo đảm bí mật là chính, chớ không phải làm gì to tát đâu. Còn việc không trở lại học cho hết lớp Nhứt là do tôi nghỉ. Nếu học ráng thêm có nửa lớp cũng không là gì, nhưng sau nầy tôi thấy tiếc, vì nó rất quan trọng ở các bài học kết thúc cái nền tiểu học, rất căn cơ để có điều kiện nâng cấp nhận thức của mình.

Tuy về ở với Ngoại và Cậu nhưng tôi vẫn tới lui thăm Ba Má và có khi lại tiếp Ba làm một số việc nhà vì thiếu người làm.  Một lần về nhà nghe Ba Má nói lại một chuyện đau lòng, làm tôi choáng váng. Số là tôi được lịnh của các cậu và anh Ba tôi nhắn về, tôi đưa anh Út Võ và anh Tám Ngôn lần lượt đến nhà tôi ở Tám Ngàn để "điều lắng". Hai anh đều là đảng viên xã Xuân Tô. Hai anh với anh Ba tôi là anh em bạn kết nghĩa từ hồi kháng chiến chống Pháp. Anh Út Võ còn xin làm con nuôi ba má tôi, anh Tám Ngôn sau này còn gả con gái cho con trai anh Ba tôi. Ở Kiên Giang lúc này có lực lượng võ trang Ba Cụt ly khai, ta cử người vào "nằm đoàn" chi phối, không biết mắc kế ly gián thế nào mà họ bắt anh Út Võ, khi Huyện ủy Tịnh Biên can thiệp thì họ đã thủ tiêu. Anh Tám Ngôn bỏ chạy đâu tôi không biết. Còn Ba tôi thì cũng “tắt đài” luôn, không dám phê phán những việc làm sai của địa phương nữa, vì sau khi giết anh Út rồi bọn họ trực tiếp đe dọa Ba tôi. Đúng là ..........."bị ly gián" như ta thường thấy! Tội cho chị Út, vào thăm không gặp chồng thật thảm thiết – xem như “ta giết ta” mà! Thằng con riêng (lớn) của chị, tức "con ghẻ" của anh nghe tin liền đăng ký tòng quân ở Tịnh Biên để được trả thù cha, được thủ trung liên cũng là loại cừ khôi vào lúc đó và rồi cũng hy sinh. Chiến tranh là vậy, yêu nước đôi khi cũng oan khiêng vậy đó và rồi sau nầy tôi không biết cha con anh Út Võ ai liệt sĩ ai "Việt gian". Mà có khi cũng không ai đòi, không cần có và không ai nhớ để nhận danh nhận tánh cho cha con anh. Đúng là oan nghiệt!.

Vậy mà tôi không sợ!

Thấy tôi cương quyết không trở lại học, cậu Út dạy tôi học đánh máy chữ. Bàn phím là tấm bìa các-tông, cậu vẽ đúng theo khuôn bàn máy và dạy tôi học đánh 10 ngón đúng cách. Cậu nói: “Ráng học để thi lấy bằng và sau này cậu sẽ lo chổ cho vào làm thư ký dinh quận để thu thập thông tin cho cách mạng”Hối ấy, cái gì thì cũng cho cách mạng trước hết. Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ biết rằng học thêm nghề cũng là tốt. Tôi học rất nhanh rồi để đó chớ không biết làm gì. Không ngờ năm 1961 về Văn phòng Huyện ủy Núi Sập (Thoại Sơn) tôi lại có cái sẳn dùng.

Trong thời gian ở nhà ngoại với hai cậu, tôi vừa học đánh máy, viết tài liệu, truyền đơn, đưa rước cán bộ và phụ tiếp nuôi cặp bò cho cậu Mười. Tôi chịu sự phân công trực tiếp của cậu Út, đi đâu ông cũng thường dẫn tôi theo. Có một bữa tối, ông kêu tôi ra phía sau hè, vào cái chòi chứa củi, nhưng có cái gác bằng vạt tre, trên để toàn lá dừa khô cột lại thành bó, vạch lá dừa ra, tôi và cậu leo lên nằm nghe radio đài Hà Nội. Cái radio điện tử xài cục pin to, có tai nghe. Lần đầu được nghe đài Hà Nội tôi phấn chấn lạ kỳ.

Chiến đấu trực diện ác liệt.

Vào thời điểm nông dân bắt đầu cày đất làm mùa, tháng 2/1960 (?), một hôm trời mờ sáng, tôi đang ngủ với thằng Kim Anh tại nhà nó, cậu Út đến kêu tôi dậy và  đưa cho 2 khẩu súng ngắn, dặn đến nhà ông Năm (sau này là nhạc phụ cậu) giao cho anh Công và anh Sáu Lọ. Lần đầu thấy mình có súng tôi mừng quá, cậu thắt dây xen-tuya vào bụng tôi và giắt hai khẩu súng vào, vì cái áo tay ngắn tôi thường mặc đi học cũng ngắn vạt nên tôi phải lấy hai tay kéo vạt áo che cho kín súng lúc chạy ngang sóc Lình Quỳnh. Tôi như nín hơi chạy một mạch đến nơi cũng là lúc trời sáng rõ. Hai anh mặc đồ bà ba trắng, đội nón nỉ, mang dép Lào từ sau nhà bếp bước ra gặp tôi cười cười nhận súng từ tay tôi , tôi cũng cười đáp lại và “chúc hai anh thắng lợi”. Theo kế hoạch thì chị Phải (chị của Thanh bạn học của tôi, sau này cũng hy sinh) có một con, thôi chồng, rất đẹp người. Được ta vận động, chị dụ tên Trọng ra Châu Đốc đăng phòng ngủ, hai anh sẽ đón xe gần chợ Nhà Bàn và hành động ở đoạn đường vào bệnh viện huyện bây giờ. Rủi là lúc đó có chiếc xe GMC chở lính từ Vĩnh Trung ra chạy cùng chiều. Chờ cho nó qua mặt cách xa mới hành động thì đã khỏi cầu Trà Sư cả ngàn mét. Tên Trọng chết, anh Công bị thương bể ruột, chị Phải cũng bị thương ở tay hay đâu đó, nhưng nhẹ. Chị kể: anh Lọ dìu anh Công đi, nhưng anh xô anh Lọ ra và bảo “mày chạy đi” rồi anh chạy thẳng xuống đám lác cặp theo mương lộ về phía Bài Bài. Dì chín Hương là bà con với má tôi có nhà gần đó thấy rõ kể lại: Người còn lại (anh 6 Lọ) đi về hướng Châu Phú, cứ cách vài trăm mét anh lột nón, lột áo để lại và lấy đất cày dằn lên, có lẻ là làm dấu để tìm đường trở lại lấy xác. Rồi anh cũng hy sinh trên đường rút về căn cứ Thới Sơn khi vừa lội qua kinh Trà Sư bị địch đi bằng xe Lambritta (loại chở khách) truy kích đón đầu. Xóm tôi buổi sáng giết gà ăn mừng trừ được tên ác ôn, buổi chiều lại làm gà cúng người liệt sĩ!

Năm 1960 quê hương tôi bắt đầu một thời máu lửa bằng những cái chết có tên gọi mới khác nhau của những người con cùng quê, thậm chí cùng huyết thống: "hy sinh" và "đền tội" để tạo thành "hai bên" cái làn ranh: "địch - ta" đôi khi khó hiểu!.

Bị phản vận.

Đêm đánh đồn Cây Còng xã Nhơn Hưng - 18/11/1960, tôi không biết trước, chỉ thấy các chú các anh rộn rịp, súng ống, đi lại trông hăng hái lắm. Cậu Út tôi cũng có về. Anh Bảy Sa  - Thường vụ HU đang ở nhà ngoại tôi, có lẻ là chỉ huy. Khuya nghe súng nổ vang. Sáng ra mới biết ta bị tên Tốt và tên Ngư cơ sở nội tuyến do chú Sáu Thâu xây dựng phản vận. Chú sáu Thâu, anh Gần chủ nhiệm MTDTGP xã Thới Sơn bị thương đem về Bàu Cò. Hôm sau, chúng vào nhà bắt thiếm, trong khi trên tay còn bồng con đỏ (em Huệ). Một ngày sau đánh đồn thất bại, chúng tôi đang họp dân ở xóm Bún thì nghe súng nổ ran từ phía Cốt Số 1 (cũ) đường lên Nhà Bàn. Sau đó có tin bọn dân vệ đồn Cây Còng do Mười Cọp chỉ huy đi tuần, gặp cậu Tư Đực, tên thường dùng "Đực phèn" đang gác đường cho chúng tôi họp dân, hỏi ám hiệu bị chúng bắn trọng thương. Cậu mười kêu tôi đi lo cứu thương. Tôi bối rối không biết phải làm sao, vì tôi chỉ biết chích thuốc thông thường mà thôi. Cậu đưa tôi hộp kim, ống chích và thuốc cầm máu và biểu tôi đi theo cáng thương về Bàu Cò. Quân y Châu Phú là một cái lều lợp rạ, có căng vải mủ cản bụi. Vào đây gặp chú sáu Thâu, anh Gần. Anh Gần là trung úy giáo phái Hòa Hảo,  mới được ta đưa lên làm Chủ nhiệm (chức Chủ tịch lâm thời) Mặt Trận DTGP xã Thới Sơn, đêm qua công đồn anh mang mã tấu, bị thương lòi ruột ra ngoài, lội qua kinh Vĩnh Tế về căn cứ, bị nhiểm trùng nặng và hy sinh sau hai hôm. Chú Sáu Thâu bị đạn xuyên phổi. Tôi được phân công ở lại nuôi chú Sáu Thâu và cậu Tư Đực, vì đây là thương binh của Tịnh Biên (B4) gởi. Hai người với tôi như là bà con bên nội (chú Sáu) và bên ngoại (cậu Tư) nhưng kỳ thực đều là lối xóm, tình thân của người đi mở cõi từ thuở các ông các bà của tôi. Hai hôm sau vết thương cậu tư Đực bị hoại tử, anh Lưu Nghĩa bảo tôi phải che lều riêng ở một gò đìa khác để nuôi cách ly. Nghe xã bàn chuyển cậu Tư Đực về quân y tỉnh ở Giồng Cát - Cây gòn, và tôi phải theo chăm sóc dọc đường. Tôi hoang mang cho con đường đất cày mà chân thì không dép. Nhưng lịnh là chấp hành. Không hiểu sao mọi chuẩn bị đã xong,  người cáng thương đã sẳn sàng, nhưng chi ủy họp lần cuối quyết định không đi. Tôi mừng vì quyết định không đi, nhưng ở lại cũng không nhẹ nhàng, vì phải nuôi hai thương binh, mà một đang bị hoại tử vết thương rất nguy hiểm và rất cực. May đâu có anh Tám Bỉnh, cán bộ lãnh đạo Quân y tỉnh đi học quân y sĩ trên R về ngang, góp ý cho anh Lưu Nghĩa điều trị. Anh Lưu Nghĩa kêu tôi về xã xin một lít dầu phộng và hai loại kháng-trụ sinh Péniciline và Streptomycine, thắng dầu sôi rồi để nguội, lượt qua bông gòn, pha hai loại thuốc vừa nói mổi loại hai hủ vào lít dầu phộng. Mổi lần vệ sinh vết thương, dùng Ô-ốc-xy-gê-nê rửa cho đến khi không còn lên bọt mới thôi và lấy dầu có trộn thuốc bôi lên, dùng vải màng mỏng che miệng vết thương chớ không băng kín, vì các anh nói loại vi trùng nầy yếm khí nên phải làm vậy. Kết quả rất rõ và nhanh, ai ai cũng vui mừng. Mổi lần thay băng cho cậu Tư là một lần tôi phải làm trò cho ông quên đau. Thấy tôi chăm lo tận tụy ông đâm ra "nũng nịu", nhưng tôi vẫn chìu, dù sao tôi cũng kêu là cậu. Có lần tôi nói như tự trách thân mình với ông: "Tôi lo cho ông như vầy, không biết ngày sau tôi có dịp lo hoặc có lo được cho ba má tôi lúc bịnh hoạn được như cho ông không?". Từ đó tôi thấy ông có khác.

Từ trại quân y B2 về trại (Thường trực) xã Nhơn Hưng non một cây số. Lúc rảnh tôi về xin gạo, xin “viện trợ” thêm thuốc men. Hồi đó thuốc kháng sinh đắc và quí lắm, nhất là loại Bipénicilin mới ra, loại nầy tuy yếu hơn Péniciline nhưng có tác dụng 24 giờ, cứu thương khỏi phải trực canh để chích, đở buồn ngủ. Mới 15 tuổi mà lần đầu phải phục vụ cho 2 thương binh nặng thật là quá sức của tôi. Ngại nhất là thức đêm và lo cho thương binh đại tiện. Lá sen là dụng cụ vạn năng chớ làm gì có chén, tô, bô, chậu… Trại có 2 cái nồi không nắp, sứt quai, mổi lần nấu phải bẻ nhiều lá sen làm nấp để giử hơi cho cơm chín. Ngay như dụng cụ cứu thương của tôi mang bên mình chỉ có 2 cái ống chích và hợp kim tiêm của cậu Mười Ngưng lấy của nhà cho, còn cái nồi nấu kim phải nhờ cậu Út Ngọc (Xóm Bún) xin bà con mua cho. Không có cây pen để gắp ống, kim tiêm...phải dùng đôi đủa tre. Vậy mà không hiểu sao tôi cũng vượt qua và làm được mọi thứ như cứu thương - hộ lý chuyên nghiệp. Mới hơn 10 ngày thì điểm quân y bị tập kích do tên Bé Dũng, con nuôi người lãnh đạo cao nhất B2 chiêu hàng dẫn đường. Lúc phát hiện chúng trong sương mờ, anh Hai Nghĩa kêu lấy cờ Mặt Trận giương lên, vì tưởng là lính Hoàng gia. Nhưng rất may là khi cờ mới mở ra nửa lá và còn cách nhau hơn 100 mét thì chúng bắn liền. Chúng đốt sạch lán trại, anh em thương binh nhờ khôn khéo “chém vè” và do bọn lính quá nhát, bắn dở hoặc họ không muốn gây nợ máu... nên ngoài số lán trại, quần áo, thuốc men bị đốt, còn lại không ai sao cả. Tôi may mắn mang theo được thùng thuốc cấp cứu và bộ quần áo mặc trên mình. 

"Gặp Đại đội 52" trên đường giao liên.

Ngày 25/7/1966, từ T203 mình tháp tùng cùng một bộ phận Tiểu đoàn 512 (D512) có anh Hai Nam chánh trị viên chỉ huy đến Trạm T202 (ở B2) để đi về Bảy Núi còn Bình ở lại chờ liên lạc với gia đình. Đến giửa đồng Long Tiên - Quạ kêu giáp với ngọn Cái Hàng gặp anh em đại đội 52 đi ngược chiều nhau trên đường về quê Bến Tre. Thì ra anh em là dân cùng một xứ, bị địch càn quét vùng giải phóng bắt lính úp bộ, quen biết nhau và cũng là dân "Xứ Dừa truyền thống" nên dễ vận động cùng hành động. Trên đường mưa suốt, áo quần và cả ba lô ướt sủng, gần sáng mới đến giồng Tà Muôn. Không hiểu sao địch lại "nuốt trọng" vào lòng nó cả trăm con người rời rạc thành một đơn vị "địch thủ" được trang bị và huấn luyện chu đáo như vậy?

Cuộc "khởi nghĩa" nổi tiếng.

Hết Tổng tấn công lần A với 3 cao điểm, đến Tổng tấn công lần B nối tiếp bắt đầu từ đêm 4 - 5/5/1968. Nhưng càng tấn công càng thiệt hại nặng nề hơn, địch đã gia tăng cảnh giác và rút kinh nghiệm cách đánh của ta không thay đổi vào thành phố, đồng thời chúng thọc sâu vào vùng giải phóng và hậu cứ ở rừng núi...mà ta không cảnh giác nên thiệt hại càng nặng hơn. Điển hình là đường vận chuyển vũ khí của T3 - Miền Tây Nam Bộ mà phần trên tôi có kể là chỉ một nhánh đi qua cánh đồng Ô Lâm mà vô tình tôi xây dựng cơ quan ở gần và rồi khi phát hiện ra, sợ bị vạ lây mà dời đi. Lực lượng nầy toàn là nam nữ Thanh niên xung phong mới toanh, biết gì đâu mà cảnh giác, như anh em bộ đội miền Bắc sau nầy có câu thể hiện thiếu kinh nghiệm và tính tự nhiên như liều mạng: "Đường ta ta đi, việc ta ta làm. Mặc nó!". Số nầy sau bị đánh tróc lên núi (lớn) Cô Tô, bị bom pháo, nhất là bị sốt rét (dân đồng bằng không quen bịnh nầy) nên chết rất nhiều, nhiều cô mê sản, trần truồng chạy ra phum sóc hoặc chết trong hang động...rất thương tâm!. Có một số cô đầu quân về An Giang, sau là cán bộ của huyện, tỉnh.

Trong lúc thoái trào, ngày 19/6/68, trung úy Trương Nhật Quang chỉ huy trưởng biệt khu Phổ Đà - Ba Chúc "khởi nghĩa". Tôi được phân công tổ chức lễ “đón rước nghĩa binh” và làm lễ công nhận đảng viên chánh thức cho anh dưới cờ búa liềm (mượn của Đảng ủy Liên cơ) hẳn hoi, rồi tôi cũng đưa tin về cuộc khởi nghĩa ấy lên TTX GP và Đài PT GP. Có dịp ngủ chung với anh tại trại của tôi, anh tâm sự, kể lại âm mưu và hành động của Mỹ - Thiệu lúc này và thiệt hại của ta mà chính anh mục kích. Anh là sĩ quan (thiếu úy) loại giỏi, phải thay đổi lý lịch, con đường đi vào thành và vào quân trường rất gay go mà vẫn vượt qua, được Mỹ đào tạo và  bí mật đưa ra vĩ tuyến 17 xây dựng căn cứ A Sầu, A So gì đó với hệ thống ra - đa theo dõi bầu trời Bắc Việt và chuẩn bị đưa biệt kích ra miền Bắc. Anh nói thật: “Sau Mậu Thân không thành, tôi không tin là mình sẽ thắng. Nhưng Đảng kêu phải khởi nghĩa trở về để gây tiếng vang hộ trợ cho cách mạng lúc thoái trào thì tôi chấp hành nghiêm chỉnh”. Nói là "khởi nghĩa" cho rôm vậy chớ chỉ có anh Quang và anh Bảo là hai nội tuyến của mình cùng một tiểu đội trinh sát của tỉnh do anh dàn cảnh đem vào một ngày trước đó nhân chuyến hai anh đi làm việc với thiếu tá Pôn cố vấn Mỹ ở Trại Ba Xoài, khi về ngang Lê Trì, hơn 10 chiến sĩ trinh sát tinh thông ấy đóng vai "lính Trung tâm tăng cường" nhập vào, theo anh về ém trong đặc khu một ngày. Trước giờ nổ súng, tên Lác chiêu hồi đánh hơi nghi vấn, bị anh Quang chủ động điều đi "phục kích VC" ở cua Chín Cho gần chùa Ông Chín - Ô Cạn. Trước khi hành động, anh gọi pháo Vĩnh Trung bắn vào tọa độ ấy mấy loạt. Vậy mà mấy "ông thầy lịch sử Đảng" của tỉnh ta viết trong VH-LS rằng "Diệt cả một liên toán biệt kích (khoảng 1 đại đội)"!  Anh còn kể cho tôi nghe: Nếu là sĩ quan tốt nghiệp trường võ bị, ra trường nếu không nhận làm CIA thì phải chấp nhận có cận vệ là CIA thì mới được chúng tin. Cận vệ thì có thượng sĩ Bảo là đảng viên ở Bến Tre do ta cài vào... Hôm ra ngoài làm kế hoạch với anh Võ Khắc Sương, vừa mới thay ông Ba Mì làm tỉnh đội trưởng (vì ông Ba Mì không tròn nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp mặt trận Châu Đốc), anh có báo cáo với ông 5 Sương là cô vợ (không chánh thức) của anh đã có bầu. Vậy nên ông 5 Sương chủ trương cho anh tìm cách điều đi Châu Đốc để an toàn cho đứa bé. Chị Kim Sa có viết vỡ kịch "Tín hiệu màu xanh" bút danh Hoàng Anh Chi là nói về sự kiện anh Quang khởi nghĩa.

Đến bờ mong đợi vẫn còn phải "Binh vận"

Về đến nhà anh Chín Vàng, bổng nghe dân hai đầu xóm xôn xao: “Đảo chánh…Có đảo chánh!”. Nhìn sang chợ Tân Châu đối diện, thấy tàu ghe chộn rộn, tôi mở radio bắt đài Sài gòn thì nghe ông Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ ngừng giao chiến, chờ giao nộp chánh quyền cho Cách mạng. Tay tôi run run nâng chiếc máy thu thanh mà nước mắt trào ra hồi nào không biết. Tôi hình dung Tân Châu đang không có chủ, có thể xảy ra cảnh cướp giựt, tẩu tán vũ khí, tài liệu, tài sản và tiền bạc công khố, thậm chí nhân cơ hội trả thù nhau. Ban ngày không thể sang sông được, tôi thảo ngay một bức thư gởi trung tá Hùng quân trưởng Tân Châu, yêu cầu ổn định hàng ngủ công chức và lực lượng vũ trang, bảo toàn vũ khí, tài liệu, xăng dầu và tài sản quốc gia, chờ bàn giao cho cách mạng. Thư thảo xong mà đọc lại không trôi thì làm sao gởi, tôi vốn viết chữ xấu mà lúc nầy tay run vì nổi mừng trào dâng. Tôi đọc cho chú Hai Thanh Niên và anh Lê Quốc Việt nghe để thông qua và ký tên anh Quốc Việt, vì Tỉnh ủy vừa mới có quyết định nâng cấp hành chánh thị trấn Tân Châu lên Thị xã, ý đồ sẽ làm Tỉnh lỵ Long Châu Tiền sau giải phóng nên gấp rút thành lập Thị xã ủy lâm thời mấy ngày nay và ông Hai Thanh Niên từ Phó Ban Tuyên Huấn được điều qua làm Bí thư Đảng ủy, anh Lê Quốc Việt bí thư Tỉnh đoàn được điều qua làm Phó bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Cách mạng Thị xã.

Không có máy đánh chữ, tôi nhờ cô Thư con của chú Võ Thái Bảo, cựu bí thư Tỉnh ủy An Giang, cũng vừa từ bên nhà ở Tân Châu qua, chép lại cho sạch và đẹp. Các anh chọn Lâm Minh Khai là nữ cán bộ nội thị mang thơ đi giao cho cơ sở đưa trực tiếp và nhận thơ trả lời của trung tá Hùng. Lúc chuẩn bị xuống đò thì bất thần cơn giông nổi lên, sóng to, đò không dám tách bến. Tôi đề nghị địa phương tìm chiếc ghe lớn và người lái giỏi đưa Minh Khai đi. Lúc nầy đâu 14 giờ. Minh Khai đi rồi, đâu khoảng 17 giờ, nghe anh em báo cáo: địch ở đồn Cây Dừa đã rút chạy. Chú Hai Thanh Niên và tôi tổ chức một ghe máy, với mấy anh em mới tòng quân ba bốn ngày nay như Phan Đàng Chiến mà tôi không quên, võ trang gọn nhẹ chạy lên thì từ ngoài đã thấy đồn trống không, chúng có đủ thời gian dọn dẹp để tháo chạy.

Khoảng 21 giờ Minh Khai trở về, có thư trả lời của quận trưởng Tân Châu: Đồng ý tất cả yêu cầu của ta, nhưng phải 7 giờ sáng ngày 1/5 mới chánh thức tiếp ta và bàn giao chánh quyền. Đành vậy, vì lúc nầy, tại đây chỉ có du kích và bộ phận võ trang mới lập cho Thị xã, toàn dân tứ chiếng, không thể sang sông được. Lực lượng của tỉnh điều gắp về phải đến nửa đêm mới đến, và lúc nầy các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng mới từ từ có mặt.

4 giờ sáng 1/5/1975, chúng tôi sang sông đoạn cây số 5 Long Sơn. Chạm chân lên bờ, tôi thầm nghĩ: Đến bờ mong đợi !.

......Tôi bước nhanh lên lộ đá lúc trời vừa tỏ rạng. Trời tháng năm ngày dài đêm ngắn nên 5 giờ mà tỏ như 6 giờ sáng của tháng 10. Anh em vũ trang triển khai ra hai đầu, còn tôi một mình nhìn quanh: nhà cửa san sát hai bên đường yên ắng, cờ ba sọc còn khắp xóm và vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Bấc giác, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi cúi người xuống nhìn: mặt đường cán đá chớ không phải đường lầy lội mà tôi đã đi 15 năm qua; rờ từ chân lên đầu và bấm thử cảm giác để biết rằng mình còn sống mà như đang trong mơ. Mơ giửa ban ngày trong sự tỉnh táo lạ thường.  Giấc mơ đổi đời!.

Gặp vài người đang đứng nhìn tôi như dò hỏi, tôi đến gần và nhờ dẫn tôi đến phòng đọc giãng Phật giáo Hòa Hảo mượn máy ampli phát lời hiệu triệu ổn định dân tình. Tôi nói tự nhiên (nói vo), ngắn gọn chừng hai trăm từ, lập lại nhiều lần và thuộc lòng rồi xài luôn cho đến ngày 3/5 khi tôi vào được “Thánh địa – Tổ đình PGHH”. Nội dung là: Hạ ngay cờ ba sọc và các khẩu hiệu, hình ảnh chống cách mạng; treo cờ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; ai có vũ khí, tài liệu giao nộp cho cách mạng rồi về nhà; cấm mọi hành động phá hoại tài sản quốc gia; cấm trả thù, cướp phá hoặc tung tin đồn nhảm. Nhân viên chánh quyền thì phải có mặt tại nhiệm sở để làm việc với người của cách mạng. Tôi đọc đến lượt thứ ba thì có mấy người lính mang súng đạn đến. Tôi chỉ có một mình nên cũng bối rối. Tôi bảo họ mang đến trụ sở hội đồng xã gần đó, ở đó có người nhận. Lúc nầy nhìn qua, cờ ba sọc biến mất hồi nào không hay. Nhà hai bên đường mở cửa, dân tình đi lại tự nhiên, tôi cũng đi về phía trụ sở hội đồng xã gặp chú Bảy Hồ là Phó Ban binh vận tỉnh vừa mới sang làm Phó Bí thư Ban cán sự huyện Phú Tân rồi đi bộ thẳng lên chợ Tân Châu. Lúc qua cầu sắt để vào chợ, khoảng hơn 9 giờ, gặp chú Tám Hoa là Phó ban trực mang ba lô cùng đi qua hướng chợ. Gặp tôi ông không hỏi gì mà phân công ngay: “Tỉnh ủy phân công mầy theo bộ đội xuống vùng O, tụi nó đang tổ chức tử thủ”. Tôi hỏi đi làm gì? với ai, bằng phương tiện gì?, ông trả lời: “Làm công tác vận động quần chúng kêu gọi binh sĩ buông súng về nhà”. Bộ đội đi trước rồi, đang giằng co với nó. Cấp cho mầy một xe Jíp, lại Mười Thành Công bên Tỉnh đội hỏi lấy, tài xế tự lo”. Nhận xe còn rất mới, nghe nói của đại úy Châu trong dinh quận. Tôi nhờ dân chỉ cho tài xế. Đó là một binh nhất, con thiếu tá Cát sĩ quan Sài gòn.  (xem tiếp kỳ 4 và hết)

Lại Một Mình Đi Về Nơi "Tử Thủ"

Từ chi thông tin - chiêu hồi, "một mình một ngựa" - với một tài xế, xuôi hướng Vàm Nao, tôi vừa đi vừa phát loa lời kêu gọi ứng khẩu ban đầu giờ đã thuộc lòng để an dân, vận động bà con đi kêu con em về nhà lo làm ăn, kêu gọi giao nộp tài liệu, vũ khí.... Trên đường đi, gặp anh Ba Lợi (Lê Văn Nhiều) đón xe đi nhờ về thăm nhà ở Mương Kinh xã Phú An. Anh còn có tên "Ô Hắc Lợi" vì dáng vóc nhỏ thó, đen đúa, nhưng gan lì vô biên, ở tù anh là một cây khí tiết, kẻ thù còn phải nể. Anh cùng anh em dùng tay móc nên địa đạo vượt ngục tù Phú Quốc – địa ngục trần gian, ra vùng giải phóng trên đảo, vừa mới về địa phương. Đang cô đơn và lạ cảnh, gặp người quen là cán bộ quê tại đây đồng hành tôi rất vui và yên tâm. Đi một đoạn đường mịt mù bụi đất, bụi phủ trắng cậu tài xế từ đầu đến chân,  tôi mới hiểu ý anh Bé nói với tôi khi nãy mà tôi hiểu lầm. Đúng là con đường "nắng bụi mưa bùn"!.

Đến Mương Kinh, anh Ba Lợi xuống xe vào nhà, còn tôi tiếp tục đi. Vừa đi, thỉnh thoảng dừng lại mươi phút phát lời kêu gọi. Có người đứng lại lắng nghe. Ngang thị trấn Chợ Vàm, gặp chị Tư Bình, Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban dân vận, đang phụ trách Vùng O - Phú Tân, người cùng quê Nhơn Hưng. Chị hỏi em đi đâu mà có một mình. Tôi nói lại sự phân công của Tỉnh ủy. Chị nói tụi nó "tổ chức tử thủ", nó và bộ đội đang lập phòng tuyến phía trước, không đi được. Tôi dừng lại, chuyển qua phát loa, tập trung vào yêu cầu binh vận, với nội dung kêu gọi bà con, gia đình có người thân đang bị bọn phản động trong Hòa Hảo kềm cập, hãy buông súng về nhà, toàn miền Nam giải phóng, một nhúm tàn quân không “bẻ nạn chống trời” được đâu. Chị Tư thấy tôi đi một mình rất nguy hiểm nên kêu cậu Thê đang là cận vệ của chị mang khẩu AK cùng đi với tôi. Tôi từ chối nhưng chị kiên quyết, vả lại chị cũng là cấp trên nên tôi xuôi theo. Cậu Thê rất hiền, ít nói, tôi vừa có bạn vừa có bảo vệ nên rất yên tâm. Còn tôi lúc nào cũng thủ sẳn bên lưng khẩu K.54 đạn lên nòng, không cài bao, luôn cảnh giác nhưng rất tự tin khả năng quan sát, phán đoán và hành động đúng lúc của mình. Thê đi với tôi đến khi ta hoàn toàn giải giáp bọn tàn quân tử thủ ở Phú Tân là ngày 3 tháng 5. 

"Cách Mạng Muôn Năm!"

 Được biết, cả “Thánh địa Hòa Hảo” chỉ có vài ba đảng viên mới kết nạp, toàn bộ phải xây dựng mới. Xã Tân Hòa mới tách ra sau giải phóng từ xã Hòa Hảo, phần còn lại là hai chợ Mỹ Lương và Chợ  Đình thành lập thị trấn Mỹ Lương - nay là Thị trấn Phú Mỹ. Tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo hoặc phụ trách chỉ đạo vùng "Thánh địa" nầy gồm 3 xã: Tân Hòa, Phú Mỹ, Phú Hưng từ ngày đầu (5/5) cho đến suốt những năm 1975 - 1977.

 Người dân kể tôi nghe: ngày 30/4 bọn tàn dư phản động điên tiết, gom góp lực lượng còn sót lại từ các nơi khác về có trên 1 vạn tên; bắt quan quân chánh quyền Sài gòn giao trụ sở, tài liệu, vũ khí để chúng lập "khu vực tử thủ". Lúc đầu có mặt tên đại tá Của tỉnh trưởng Châu Đốc, Hai Ngoán tướng "ở không" và Hai Tập (Trần Hữu Bảy) Tổng đoàn trưởng bảo an quân Hòa Hảo chủ trì đốc chiến, thúc ép Tổ Đình ra tuyên bố ủng hộ chúng nhưng bị từ chối. Lý do là trong lúc giằng co, Ban cán sự Phú Tân đã trực tiếp phân tích thiệt hơn với Tổ Đình để có quyết định sáng suốt. Riêng Hai Tập thì cố thủ tại đại bản doanh chùa Tây An (Chợ Mới) đến 5/5 ta mới giải phóng được ổ đề kháng cuối cùng ở đây, sau Phú Tân 2 ngày.

Nhớ hôm từ Tân Châu xuống Hòa Hảo, khi qua Chợ Vàm, cùng với những công sự, vật chướng ngại do bọn tàn quân dựng lên làm phòng tuyến, một tấm băng to tướng nền màu và chữ vàng: “khu vực thánh địa PGHH” căng ngang qua đường. Rồi liên tiếp là cổng chào được xây dựng đâu lâu rồi. Nhiều khẩu hiệu căng lên cổng chào thấy có vẻ "áp đảo" lắm. Tôi chưa thấy ở đâu có nhiều “khải hoàn môn” như vậy. Đáng chú ý có những khẩu hiệu: “khu vực tự trị PGHH”, “khu vực phi chiến sự”… mới được căng lên thay cho những khẩu hiệu chống Cộng cuồng nhiệt với hy vọng vớt vát “tình cảm” và cũng là yêu sách dài lâu sau nầy về một “Thánh địa tự trị” mà ngay cả Mỹ-Thiệu cũng chưa bao giờ bàn chứ đừng nói gì đến “cho phép”. Vậy mà mới trước đó, khi Lương Trọng Tường làm mình làm mẩy với Thiệu để xin vũ khí cho bảo an quân, ra đâu cả chục điều yêu sách, trong đó có vấn đề PGHH tự trị bị Thiệu bác, vậy mà chúng la toáng lên khắp làng: “Tất cả yêu sách của ông Tường được ông Thiệu chấp nhận rồi”. Một đảng viên của ta nằm vùng, đ/c Lê Trí Thức ở chợ Đình nói: “đâu có chấp nhận điều nào đâu!” chúng hầm hầm đe dọa: “Cộng sản hả”. Đ/c Thức đưa báo chí Sài gòn đăng tin ấy. Chúng cụt hứng: “Báo của Việt cộng”. Dốt là như vậy đó. Một khi họ có quyền trong tay thì ghê thật!.

Tôi nghĩ, tình hình nầy phải dùng áp lực hình thức, "lấy ruột làm da" để nâng uy thế cách mạng lên. Cách mạng muôn năm!. Tôi thông báo nhà nhà phải treo cờ MTDTGP và cờ đỏ sao vàng, ảnh Hồ Chủ Tịch và khẩu hiệu: “MTDTGP và CPCMLTCHMNVN muôn năm!”. “Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!”. Tất cả khẩu hiệu phải viết bằng chữ đỏ trên nền vàng, hoặc ngược lại. Riêng khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập tự do” phải được viết bằng chữ màu vàng, trên nền nửa xanh nửa đỏ. Phải nói dân sống với thị trường nhạy bén thật. Vậy là họ làm hàng loạt khẩu hiệu các loại trên tấm tol cỡ 30 x 60 cm, màu sắc như vừa kể để bán. Sau mấy ngày là tràn ngập khắp nơi, vượt ra ngoài Phú Tân và ngoài tỉnh mà ngày 30/8 trên đường đến Mỹ Tho (Thủ phủ khu 8 - Trung Nam Bộ), lên Sài Gòn để ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 30 năm tôi thấy ở đâu cũng có. Sở dĩ tôi nhanh chóng đưa ra các khẩu hiệu và các hình thức, màu sắc...  hướng dẫn mà không chờ xin ý là vì qua đám tang của Bác tháng 9/1969 và là dân Tuyên huấn - "cờ-đèn-kèn-trống" nên ai ai cũng nhớ và làm vậy thôi.

*

Tại Hội thảo - tọa đàm về "Công tác binh vận ở An Giang" tôi không trình bày những trích dẫn trên, vì thấy rằng hiểu biết của mình ít qúa và cũng chỉ là gián tiếp so với những người tham dự về công việc nầy. Tôi chỉ nói thêm đặc điểm binh vận ở An giang thời ấy, lúc đầu là cài cắm người vào vận động lực lượng giáo phái Hòa Hảo, lái hoạt động của họ sang chống Mỹ-Diệm, song sau đó bị "phản phé" thiệt hại cũng lớn. Vận động binh vận cũng có nghĩa là làm dân vận, Khơ-me vận, tôn giáo vận...Và cuối cùng, ngày 30/4/1975 ta cũng kiên trì vận động bọn tàn quân võ trang phản động Hòa Hảo "tử thủ" Ađến ngày 3/5/1975 chúng mới giải giáp. Ta giải phóng chậm mà không đổ thêm máu dân và quân ta. Đặc điểm nầy chỉ riêng có ở An Giang.

                                                        Long xuyên, ngày 14/12/2015.

                                                             NGUYỄN MINH NHỊ

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-11-20