BIỂN ĐÔNG, VÀ NHỮNG DẤU HỎI

 

Nguyễn Ngọc Trân

 

Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tổng bí thư dẫn đầu vừa thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 10.4.2015.

Các phương tiện truyền thông đại chúng khẳng định kết quả tốt đẹp của chuyến thăm và các nhận thức quan trọng, các phương hướng, biện pháp quan hệ song phương đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng.

Sau chuyến thăm, các Bộ trưởng tháp tùng, mỗi người dưới góc độ của mình cũng đã nêu lên những kết quả mà theo các ông là tích cực, tốt đẹp. Vui mừng vì những kết quả này, thì tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác lại băn khoăn về Biển Đông.

Về vấn đề này, một Bộ trưởng cho biết hai bên không có né tránh và đều thừa nhận đây là một vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước. Ông cho biết trước bất đồng và mâu thuẫn đó, hai bên đều thống nhất là giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Hai bên cũng thống nhất sẽ thực hiện nghiêm chỉnh DOC và tiến tới xây dựng COC, thống nhất sẽ kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, hết sức tránh đối đầu, tránh đối kháng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích chung của hai nước, đóng góp chung cho ổn định trong khu vực [1].

Từ sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn tuyên bố chủ trương và sẵn sàng giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 10/12/1982, thực hiện nghiêm chỉnh DOC và tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử COC.

Một điều buộc phải suy nghĩ là yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 tại sao không được nhắc đến trong phát biểu của Bộ trưởng, và quan trong hơn là trong Thông cáo chung.

Trong Thông cáo này, hai bên “nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”[2]. Câu hỏi thứ hai do đó là Nhà nước Việt Nam “tuân thủ nhận thức chung” hay yêu cầu hai bên cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 10/12/1982?

Trong khi đoàn đại biểu cấp cao của Đảng đang thăm chính thức Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các đảo nhân tạo mà nước này đang xây “sẽ đáp ứng nhu cầu quốc phòng” của Trung Quốc, và “các công trình này sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Nhận thức chung đã không ngăn cản việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 tháng 4.2014, cũng như việc chiếm đảo Vành Khăn và xây dựng ở đây các công trình mang tính quân sự. “Nhận thức chung” cả hai bên phải tuân thủ hay chỉ một bên?

 

Nguyễn Ngọc Trân


 

[1] Báo Đại biểu nhân dân, số ra ngày 12.04.2015.

[2] Trích Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc, Báo Đại biểu nhân dân số ra ngày 09.04.2015.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-4-15