Mười "điều răn" để xây dựng thành công một viện nghiên cứu

Assar Lindbeck
C
ựu giám đốc viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới (The Institute for International Economic Studies, IIES), Đại học Stockholm.

 

Nguyễn Huy Vũ dịch
(b
ản gốc: “Principles for Successful Research: Ten Commandments")


 

Đâu là phương pháp tốt nhất để điều hành một viện nghiên cứu ? Mỗi nghiên cứu viên chắc chắn có những ý kiến riêng về vấn đề này - chẳng hạn như những đòi hỏi, và chắc hẳn là định nghĩa thế nào là thành công. Những kinh nghiệm của riêng tôi trong suốt 25 năm với tư cách là người đứng đầu Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới (the Institute for International Economic Studies, IIES) có thể tóm tắt trong mười nguyên tắc. 

 

1. Một viện nghiên cứu nên cố gắng vươn đến những biên cương nghiên cứu (research frontier) của thế giới và, hẳn nhiên, góp phần đẩy biên cương nghiên cứu này xa hơn. Đây là cách hợp lý duy nhất làm nên sự xuất sắc trong nghiên cứu, và do đó, tránh được những nghiên cứu tầm thường, thậm chí chất lượng kém. Thật ra thì nghiên cứu chất lượng kém còn tệ hơn là không có nghiên cứu gì cả; vì hoạt động nghiên cứu chất lượng kém phát tán những nhận thức sai khiến các nhà nghiên cứu giỏi sau đó phải tốn thời gian để phản bác.

2. Để đạt được những tham vọng đó, điều quan trọng là phải công bố (các công trình nghiên cứu) trên bình diện quốc tế, đặc biệt là tại các tạp chí học thuật danh tiếng; từ đó, nghiên cứu được đánh giá bởi cộng đồng nghiên cứu thế giới. Bằng không thì có một nguy cơ rất lớn rằng tham vọng của các nghiên cứu viên chỉ gói gọn ở ảnh hưởng nội địa – vốn thấp hơn. Các lãnh đạo của một viện nghiên cứu rất khó mà ngăn các nghiên cứu tầm thường công bố nếu viện có một cơ quan xuất bản riêng. Chính vì lẽ đó mà IIES không có các cơ quan xuất bản riêng.

3. Sự có mặt của những nghiên cứu viên khách mời hàng đầu tại viện nghiên cứu rất quan trọng; việc này nhằm nhập thụ kiến thức và giúp tăng cường nỗ lực vươn lên bình diện quốc tế của Viện. Trong suốt thập niên 1970s khi chúng tôi chỉ thuần túy là một viện giảng dạy - nghiên cứu, một số những nghiên cứu viên viếng thăm thường ghé lại khoảng từ 6 tháng hoặc thậm chí một năm đóng vai trò cực kì quan trọng cho việc từ từ nâng cấp năng lực của chúng tôi. Ngày nay, khi mà Viện đã có 7 giáo sư (full professor) (khi so với một giáo sư trước năm 1984), tầm quan trọng của việc có những nghiên cứu viên khách mời ghé lại với những khoảng thời gian dài về mặt nào đó ít hơn.

4. Mỗi nghiên cứu viên tại những viện nghiên cứu có tiếng có xu hướng tự phát triển các liên kết nghiên cứu trên bình diện quốc tế cho riêng mình. Các chính trị gia và các nhà quản lý đại học thường tin rằng các mạng lưới nghiên cứu nên được tổ chức, chẳng hạn bằng các thỏa thuận và hợp đồng giữa các viện với nhau. Cách này, theo ý kiến của tôi, là một hướng tiếp cận sai. Các nghiên cứu viên khác nhau cần có các mối hợp tác quốc tế ở những nơi khác nhau trên thế giới, và các thỏa thuận chính thức giữa các đại học thường không hữu dụng trong việc tạo ra những liên kết này. Những hợp tác như vậy, thay vào đó, có thể khởi động bằng một chuyến viếng thăm của một nghiên cứu viên nước ngoài, hoặc bởi một nghiên cứu viên đến một viện nghiên cứu ở nước ngoài. Những liên kết mang tính quốc tế thành công phản ánh thông qua mối quan hệ tương tác cá nhân khắng khít và ở những bài báo viết chung, thay vì giữa những thỏa thuận chính thức giữa các viện. Tham gia trong những dự án nghiên cứu và hội thảo tầm thế giới, cùng với việc tổ chức các hoạt động như vậy, là một cách khác để tham gia vào những mạng lưới kể trên. Hỗ trợ tài chính cho những hoạt động loại này là cách tốt nhất đối với các chính trị gia và các nhà quản lý giáo dục nhằm kích thích việc hợp tác nghiên cứu ở tầm thế giới.

5. Một điều quan trọng khác là nên tập trung các nguồn lực vào một số giới hạn các lĩnh vực nghiên cứu. Trong suốt 10 năm đầu, IIES tập trung chỉ vào một lĩnh vực duy nhất: lý thuyết kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế cho các nền kinh tế mở. Việc chọn một đề tài như vậy chủ yếu dựa vào khả năng làm mẫu (power of example). Điều này xảy ra khi tôi và một vài sinh viên đến Viện vào những năm đầu thập niên 1970 đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này; những nghiên cứu viên khác cùng quan tâm đến lĩnh vực này gia nhập Viện, và một sự điều phối các hoạt động nghiên cứu diễn ra như có một bàn tay vô hình thay vì bởi một kế hoạch rõ ràng. Sau đó, Viện đã lần lượt mở rộng tầm nghiên cứu tới một vài lĩnh vực mới, chẳng hạn như mậu dịch thế giới, kinh tế lao động, tổ chức công nghiệp, kinh tế phát triển, và tài chính thế giới, khi mà số nhân viên nghiên cứu gia tăng.

6. Nghiên cứu thành công cũng đòi hỏi khả năng có được một tiềm lực quyết định trong một hoặc vài lĩnh vực. Từ kinh nghiêm của tôi, điều này đòi hòi ít nhất nửa tá người trong mỗi lĩnh vực. Tiềm lực quyết định được định nghĩa, về mặt hoạt động, như là trường hợp khi mà có một xác suất lớn rằng một vài nghiên cứu viên tại Viện thật sự cảm thấy thích thú khi đọc những bản sơ thảo nghiên cứu của nhau. Các buổi thuyết trình cũng trở nên thú vị hơn nếu ít nhất ba hoặc bốn người cùng quan tâm đến cùng một lĩnh vực. Tần số hợp tác nghiên cứu giữa những nghiên cứu viên tại Viện là một chỉ số cho thấy một mức độ tương tác lớn đã đạt được hay chưa và do đó, có hay không một tiềm lực quyết định thật sự tồn tại. Từ cái nhìn đó, tín hiệu rất khích lệ khi mà nhiều thành quả nghiên cứu của Viện ngày nay bao gồm những công trình nghiên cứu viết chung. Sự hòa hợp giữa các thế hệ nghiên cứu – các nghiên cứu viên giàu kinh nghiêm (các giáo sư), nghiên cứu sinh sau Tiến sỹ, và nghiên cứu sinh - cũng rất hữu ích.

7. Một tương tác mạnh giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu phương pháp luận, ở một mặt, và nghiên cứu ứng dụng, ở một mặt khác, là một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong nghiên cứu. Viện chúng tôi lúc đầu thường bị chỉ trích ở Thụy Điển vì đã nhấn mạnh đến lý thuyết quá nhiều. “Việc chẳng ăn nhập gì” hay “nghiên cứu rỗi hơi” là những từ trỏ về chúng tôi từ một vị hiệu trưởng danh dự của một viện giáo dục Thụy Điển thiên về ứng dụng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của một nền tảng đào tạo vững chắc về lý thuyết và phương pháp luận đã là một yếu tố chính nằm sau những đóng góp của Viện trong nghiên cứu ứng dụng. Không có một nền tảng lý thuyết và phương pháp luận vững chắc, nghiên cứu ứng dụng thường là tầm thường hoặc kém, và giảm chất lượng theo thời gian. Đôi khi, ngược lại, những nghiên cứu viên ứng dụng cho ra những kết quả khảo nghiệm quan trọng và đòi hỏi những nghiên cứu viên lý thuyết kiểm nghiệm lại tính liên quan về mặt thực nghiệm của những lý thuyết họ đã đưa ra.

8. Tuyển dụng là quyết định hành chính quan trọng nhất tại những viện nghiên cứu. Nếu việc tuyển dụng được thực hiện tốt, người giám đốc có thể tập trung vào công việc chính của mình – tạo ra một bầu không khí nhiệt tình (enthusiasm). (Đôi khi, ông cũng nên, dĩ nhiên, đề nghị những nghiên cứu viên đã mất đi sự tích cực nên chuyển sang những nơi khác.).Để duy trì việc quản trị hành chính ở mức thấp nhất, cần để mỗi người tự quản và phân phối những nhiệm vụ hành chính chung đến những thành viên khác nhau trong Viện. Nghiên cứu chất lượng cao đòi hỏi mỗi cá nhân được quyền tự chọn lĩnh vực và đề tài. Mệnh lệnh và những hệ thống cấp bậc không phù hợp với một môi trường nghiên cứu sáng tạo, nơi mà mỗi người là chủ của chính mình. Một điều quan trọng nữa là việc có những thư kí và phụ tá nghiên cứu giỏi – một điều mà Viện chúng tôi luôn nhấn mạnh. Ít nhất thì các vị khách nước ngoài hài lòng với những dịch vụ cơ bản của Viện.

9. Một viện nghiên cứu sẽ nhận được một thuận lợi lớn nếu nó là một phần của một trường đại học tốt. Điều này cho phép các khoa và ngành khác của trường đại học đóng góp vào những xung lực trí thức mới. Nó cũng cho phép có được một sự tương tác giữa nghiên cứu và giáo dục - vốn kích thích cả nghiên cứu viên và sinh viên. Những thành viên của IIES trong những năm gần đây đã tăng cường tham gia giảng dạy ở tất cả các cấp bậc của khoa Kinh Tế (trường Đại Học Stockholm). Chúng tôi cũng đã cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp của chúng tôi trong các khoa khác về tầm quan trọng của việc những giáo sư, chính mình, tham gia giảng dạy cả ở những cấp bậc đại học và cao học.

10. Cuối cùng, một viện nghiên cứu cho ra những bài báo và cuốn sách không chỉ dành riêng cho cộng đồng nghiên cứu thế giới, mà còn cho quảng đại quần chúng quan tâm đến các vấn đề kinh tế. Điều này, thật ra, là một cách mà một viện nghiên cứu, vốn hoạt động nhờ tiền thuế, có thể trả ngược lại cho những người đóng thuế theo một cách khá trực tiếp và dễ nhận thấy. Những thành viên của Viện đã làm như thế - đưa ra các phân tích cho những vấn đề cả về các chính sách kinh tế cho Thụy Điển và kinh tế toàn cầu đương đại. Kinh nghiệm cho thấy rằng có thể làm được những đóng góp như vậy mà không lấy bớt đi nhiều thời gian dành cho nghiên cứu hàn lâm chừng nào mà các hoạt động này được duy trì như một lĩnh vực “tay trái”. Thực ra, việc theo dõi sát các thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế giúp các nghiên cứu viên tìm ra các đề tài phù hợp cho các nghiên cứu hàn lâm.