Việt Nam vận hội, Hà Nội: Nhã Nam – Nxb Hội Nhà Văn, 2021

 

 Sự Khủng Hoảng Của Giai Cấp Lãnh Đạo Việt Nam
Trong Những Năm Đầu Thế Kỷ Thứ XX

 

Nguyễn Thế Anh

 

Đăng lần đầu trên "Khoa học nhân văn" (Sciences Humaines – Human Sciences),
Tập biên khảo của Ban Khoa học Nhân văn Hội đồng Quốc gia Khảo cứu Khoa học, Sài Gòn, 1973, tr. 139-146.

 

Trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ XIX, các sự kháng cự sự đô hộ của người Pháp bằng khí giới đều đã phải dần dần chấm dứt, sau khi liên tiếp gặp thất bại. Một nhà hành chánh người Pháp ở Đà Nẵng, Hauser, đã có thể viết trong tờ Revue Indochinoise năm 1901 là: “Quant à la pacification du pays, elle est parfaite et absolue. Les Annamites sont doux et ne demandent qu’à travailler en paix, les fauteurs de désordres on disparu…”[1]  . Và Phan Bội Châu, trong quyển Việt Nam vong quốc Sử, phải nhìn nhận một cách cay đắng: “Thế lực người Việt Nam vẫn muôn vàn không kịp người Pháp, tranh đấu với người Pháp thực không khác gì đứa bé ba tuổi dám ra vật lộn với Mạnh Bôn có sức nhổ nổi sừng trâu, sao mà chẳng thua được. Những người Việt Nam bị thua đó, có người không chịu khuất phục; có người thì mười phần tức giận, giận quá phải tự tử; có người thì ra đầu thú xin được khỏi tội”.[2]

Thái độ cam phận này sở dĩ được chấp nhận, là vì giai cấp sĩ phu, đã đứng ra lãnh đạo phong trào quốc gia trong thời gian trước, cảm thấy rằng những phẩm giá cao quý nhất của mình đều đã bị sụp đổ cả. Mất mọi tin tưởng nơi tất cả những gì vẫn hằng làm căn bản cho hành động của mình, giới sĩ phu gặp một cơn khủng hoảng sâu rộng, và tình trạng khủng hoảng này có một ảnh hưởng trầm trọng đối với thái độ chính trị cũng như đối với các sự phán xét giá trị tổng quát của các phần tử khác nhau của giai cấp sĩ phu. Từ đó phát xuất một trạng thái hoang mang sẽ gây nhiều chia rẽ trong một giai cấp cho tới khi ấy rất đồng nhất, nhờ ở những điều kiện đào tạo đặc biệt của nó.

Trước hết, trong quan niệm Nho giáo truyền thống, chủ nghĩa ái quốc lẫn lộn với lòng trung quân. Thế nhưng, từ vua Đồng Khánh trở đi, nhà vua ở Huế chỉ là một bức bình phong che đậy các hành động của vị Khâm sứ Pháp; quyền hành của nhà vua đã bị tước đoạt dần dần để rồi, với đạo dụ ngày 27 tháng 9 năm 1897, tất cả vận mệnh của Nam triều dưới nhà vua là Cơ Mật viện, gồm có sáu vị thượng thư (chia thành hai vị quản lãnh và bốn vị hiệp biện) của Lục Bộ[3]; nhưng, với tư cách là đại diện của chính quyền bảo hộ, vị Khâm sứ Pháp ở Huế có quyền chủ tọa các phiên họp của Cơ Mật viện cũng như kiểm soát chặt chẽ Tôn Nhân phủ, và các quyết định của chính phủ Nam triều chỉ có hiệu lực với sự phê chuẩn của vị đại diện của chính quyền bảo hộ mà thôi. Paul Doumer đã muốn biện minh cho sự tước đoạt quyền hành của vua Việt Nam này bằng cách cho thấy là đạo dụ ngày 27 tháng 9 năm 1897 cho phép nâng cao uy tín của nhà vua[4]. Trái lại, uy tín của vua Thành Thái, mà đạo dụ nói trên đánh dấu giai đoạn trưởng thành, lại càng suy giảm trước mắt dư luận: Jean Ajalbert, một trong những tác giả hiếm hoi đã chỉ trích chính sách thuộc địa của người Pháp ở Việt Nam vào lúc đó, đã chứng kiến sự chế giễu của dân chúng nhân cuộc viếng thăm Hà Nội của vua Thành Thái vào năm 1902[5]. Đoạn văn sau đây, phát nguyên từ ngòi bút của nhà nho Phan Bội Châu, chứa đựng những lời lẽ khó có thể được chấp nhận mười lăm, hai mươi năm về trước, nhưng tiêu biểu cho tất cả một tâm trạng chán chường của giới sĩ phu trước hư vị của vua nhà Nguyễn:

“Vua hiện tại nước Việt Nam là vua Thành Thái, người Pháp chỉ lưu vua ở trong nội điện, cho xưng danh hiệu là hoàng đế. Người Pháp lại đem lính Pháp canh giữ cửa điện, một ra một vào đều do người Pháp coi sóc, vua đi ra một bước cũng phải vâng hiệu lệnh của người Pháp. Nhất thiết chánh lệnh chiếu chỉ trong nước đều trước phải bẩm rõ cho người Pháp thuận cho, mới được thi hành; hoặc người Pháp tự truyền ra ý chỉ, thì những bọn nô lệ người Việt phải làm lễ năm lạy ba khấu mà dạ dạ vâng làm, còn vị hoàng đế kia thì hai tay cung kính chỉ chấm một chấm, chứ không được hé miệng hỏi một tiếng là việc gì đó[6].

Trước tình trạng này, thảm kịch của giới sĩ phu là làm thế nào hòa giải lòng trung quân với lòng ái quốc. Sự lựa chọn đã làm cho giai cấp sĩ phu phải phân chia thành nhiều khuynh hướng. Một số người nghĩ rằng, mặc dầu bị bảo hộ, nhà vua vẫn là nhân vật tượng trưng cho truyền thống và là biểu hiện của quốc gia; vì thế, cần phải bảo vệ các đại quyền của nhà vua và nhờ vậy mà nước Việt Nam có thể duy trì những gì là chủ yếu.[7] Trái lại, đối với những người khác, nhà vua ở Huế đã phản bội dân tộc, đã ngoan ngoãn vâng lời người Pháp; với một vị vua bù nhìn như thế, chủ nghĩa trung quân không còn nghĩa lý gì nữa: nếu phong trào của Phan Bội Châu còn chủ trương việc xây dựng lại một chế độ quân chủ độc lập bằng cách tôn Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm lãnh tụ của phong trào quốc gia, tức là vẫn muốn duy trì dòng họ nhà Nguyễn, thì có một số người đã muốn đoạn tuyệt hẳn với quá khứ để chỉ nhắm vào mục đích khôi phục nền độc lập quốc gia[8]. Đây là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các trào lưu tư tưởng mới, và sẵn sàng đặt lại thành vấn đề tất cả tổ chức chính trị truyền thống, vì rõ ràng là tổ chức này không còn hơi sức để đối phó với tình thế mới.

Chính vào lúc mà các tín điều thiêng liêng của giai cấp sĩ phu bị lung lạy, vào lúc mà giá trị tinh thần của Nho giáo sụp đổ, thì ảnh hưởng của sách báo Trung Quốc bắt đầu thấm vào tư tưởng nhà nho: một số “tân thư” được lén lút đưa vào Việt Nam và khiến nhà nho làm quen[9] với hai quan niệm mới, hoàn toàn xa lạ với Nho giáo, quan niệm khoa học và quan niệm dân chủ. Đầu óc của các nhà nho choáng váng không ít khi ý thức được rằng có thể thay thế chế độ quân chủ bằng một chế độ khác trong đó có sự tham dự của quần chúng. Hăng say với những quan niệm mới này, một số sĩ phu tiến bộ hiểu rằng cần phải từ bỏ cái lối sống trừu tượng, nội tâm của phái nhà nho, mà dấn thân vào hành động bằng cách kêu gọi người Việt Nam phải xây dựng nền “tân học” và đoàn kết trong sự tranh đấu theo khẩu hiệu tự do.

Song, nếu ý thức được là cần phải tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để mà cứu quốc, các sĩ phu này lại không đồng lòng về phương thức và đường lối hoạt động: phong trào Đông độ của Phan Bội Châu chủ trương những biện pháp bạo động, nhấn mạnh lên sự giải phóng quốc gia bằng mọi cách, kể cả cách dựa vào sức mạnh quân sự của Nhật Bản  vừa mới đại thắng nước Nga; trái lại, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, hay phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, vv…, thì lại chủ trương những cải cách ôn hòa, kêu gọi mọi người bỏ lối học khoa cử, đoạn tuyệt với các hủ tục (mà cử chỉ tượng trưng là cắt cái búi tó), theo đòi tân học và mở mang công, thương theo con đường tư bản chủ nghĩa[10]. Nhưng đa số đều đã thực hiện một sự tự phán về chính giai cấp của họ: Phan Chu Trinh chẳng hạn, đã quy lỗi các tệ đoan trong xã hội thời bấy giờ cho giới quan lại được đào tạo theo lối học cử tử ngày xưa; trong bức thư ngỏ gửi quan Toàn quyền Đông Dương năm 1906, ông đã đề cập đến sự hư hỏng về nền phong hóa của nước Việt Nam dưới sự thống trị của các quan lại thuộc địa và Nam triều, và nêu ra ba nguyên nhân chính đã đưa đến tình trạng khốn khổ của nhân dân: 1.  “chính phủ bảo hộ dung túng quan lại Việt Nam thành ra cái tệ cô tức”. 2.  “chính phủ khinh rẻ sĩ dân Việt Nam thành ra cái tệ xa cách”. 3.   “quan lại Việt Nam nhân cái sự xa cách ấy mà thành ra cái tệ hà hiếp dân”“trừ việc truyền lệnh thu thuế, không còn biết việc gì nữa”.[11]

Từ năm 1906 trở đi, cuộc vận động yêu nước được thực hiện dưới hình thức những sự hô hào mở hội buôn, hội học, hội cày, v.v… Các nhà nho đã không chỉ thỏa mãn với việc cổ vũ phong trào hiệp thương mà thôi, mà cũng đã đích thân đứng ra điều khiển những cửa hiệu, vất bỏ những thành kiến cũ đối với những hoạt động công, thương  nhưng nhiều khi cũng không đếm xỉa luôn đến những khía cạnh vật chất như là lời lỗ, năng suất.

Vào cuối tháng 7 năm 1907, lấy cớ là bệnh tình của vua Thành Thái trở nên trầm trọng, Khâm sứ Pháp Levecque đem nhà vua giam tại điện Cần Chánh; ngày 3 tháng 9 năm 1907, một đạo dụ công bố là nhà vua thoái vị để nhường ngôi cho Hoàng tử Vĩnh San, được tôn làm vua với niên hiệu Duy Tân. Lợi dụng trạng thái bàng hoàng và sự bất mãn mà việc phế truất vua Thành Thái này gây nên trong dư luận, và có lẽ cũng nghĩ rằng sự tuyên truyền của họ trong những năm 1906-1907 đã đủ ăn sâu vào trong quần chúng, các lãnh tụ của phong trào Duy tân phát động vào đầu năm 1908 một phong trào gọi là phong trào cự sưu tại các tỉnh miền Trung. Phương thức hoạt động là những buổi diễn thuyết tại các xóm làng, trong đó gánh nặng sưu thuế và các sự nhũng lạm của giới quan lại được đưa ra chỉ trích, với mục đích là để tạo nên lòng phẫn nộ trong dân chúng, sẽ đưa đến những sự phản đối tập thể, những cuộc biểu tình tụ họp những đám đông nhưng sẽ giữ tính chất ôn hòa[12]. Thật vậy, sự phản kháng việc trưng thu thuế má có một nội dung cụ thể, có thể kích thích tâm lý quần chúng một cách hữu hiệu và lôi cuốn một sự hưởng ứng rộng rãi của giới nông dân, vẫn còn là đại đa số. Nhưng, lựa chọn phương thức hoạt động này, các nhà nho đã phải nhìn nhận sức mạnh của quần chúng, đã phải chấp nhận là một mình họ không đủ sức để thực hiện cách mạng.

Cuộc vận động “xin xâu” bắt đầu từ Quảng Nam đã lan ra đến các tỉnh miền Trung khác rất mau và rất rộng, chứng tỏ là ảnh hưởng tinh thần của giai cấp sĩ phu trong các từng lớp nhân dân vẫn còn sâu đậm. Ngay từ đầu, phong trào đã làm cho người Pháp lo ngại; Jean Ajalbert coi cuộc dân biến này như là “l’émeute le plus savamment organisée, comme une répétition, une manoeuvre d’essai où l’Annam récapitulait ses énergies, recensait ses forces de révolte”.[13]

Thế nhưng, phong trào kháng thuế miền Trung cũng cho thấy những yếu kém của các nhà nho: về mặt tổ chức, đã thiếu một sự phối hợp chặt chẽ, cho nên phong trào đã không được phát động cùng một lúc khắp mọi nơi, và nhờ vậy chính quyền có thể thực hiện việc đàn áp một cách dễ dàng; về mặt lãnh đạo, tuy chúng ta không thể chỉ trích khí phách của các nhà nho[14], chúng ta phải công nhận là họ đã quá dè dặt, đến mức để cho các người thường dân cướp lấy quyền hành động khi các cuộc bạo động xảy ra. Các bản án được phán quyết, nhất là của tỉnh Bình Định, cho thấy rõ điều này:

- “Nguyễn Khiêm…, Châu Văn Long và Phạm Doãn, hoặc cùng người ngoài giao thông phiến dụ, hoặc chống đánh tập binh, hoặc tranh cướp súng ống…”[15]

- “Hoàng Văn Đít, Nguyễn Bích và Bùi Tráng Liêm, hoặc là sĩ nhân, hoặc là tráng đinh, lại dám rủ nhau cắt tóc, vì tên lý trưởng thôn Mỹ Trung bị chết, kết nghĩa đồng bào mà chịu tang, giữa đường gặp lính công sai, chặn cướp công văn…”[16]

- “Trương Bá (22 tuổi, quán thôn Đại Chí, phủ An Nhân) là một tên bồi, cắt tóc huyên náo, đã bảo tản về, còn dám theo đảng đồng bào tái họp, khi ấy trông thấy phái nhân (Phạm Mân) liền hô nã ngay, hiệp cùng đảng ấy hạ thủ nịch sát, đem thây chôn bằng toan làm cho mất tích…”[17]

v.v…

Thành thử, chính quyền đã chỉ cần phái một số ít quân lính đến phòng ngự các thị trấn chính yếu là đủ để tái thiết trật tự: ngoài số lính cơ không đông đảo cho lắm, trung đội 1 và 2 của đại đội 1, tiểu đoàn 9 thuộc địa được cử đến trấn giữ Quy Nhơn và Bình Định, trung đội 1 của tiểu đoàn 1 Bắc kỳ đến đóng ở Quảng Ngãi và Bồng Sơn, trung đội 2 và 4 của tiểu đoàn 4 Bắc kỳ được phái đến Sông Cầu, Hà Tĩnh và Vinh[18].

Tại Bắc kỳ, sau khi sự kêu gọi phiến động của Duy Tân hội của Phan Bội Châu được sự hưởng ứng của nhiều thành phần xã hội khác nhau, vào cuối tháng 6 năm 1908 được tổ chức một âm mưu đánh thuốc độc nhằm giết quân lính Pháp tại Hà Nội. Nhưng cũng vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng vì thiếu phối hợp, âm mưu này bị phát giác.

Chính phủ bảo hộ đã muốn lợi dụng những biến cố nói trên để bắt đầu sự đàn áp các phong trào có vẻ muốn đặt lại thành vấn đề quyền thế của người Pháp tại Việt Nam. Bị chi phối bởi các vị Khâm sứ và Trú sứ Pháp, chính phủ Nam triều và các quan địa phương đã chỉ có thể gộp tất cả các sự vận động hiệp thương, các sự cổ súy tân học, các cuộc biểu tình cự sưu làm một, để quy vào tội “quan thông vi bội” và “mưu bạn” mà xử án giam cầm, tử hình hay lưu đày ra Côn Đảo các vị lãnh tụ.

Sau các cuộc đàn áp năm Thân (1908), năm Dậu (1909) này, giai cấp sĩ phu yêu nước bị lược tỉa nhiều. Những chí sĩ trốn thoát được phải lánh ra ngoài nước để tham gia hoạt động của Việt Nam Quang Phục hội, sẽ được Phan Bội Châu thành lập ở Quảng Châu năm 1912. Nhưng Việt Nam Quang Phục hội, không có chân đứng trong nước, và liên tiếp thất bại trong những cố gắng mưu toan khởi nghĩa tại Việt Nam. Sự thật, từ đây chấm dứt vai trò lãnh đạo của giai cấp sĩ phu cũ, mặc dầu các nhà nho này đã nhận thấy sự phá sản của các tổ chức và quan niệm truyền thống, đã hiểu rằng phải thay thế Nho giáo bằng một ý thức hệ tiến bộ. Và cơn khủng hoảng mà họ trải qua cũng đã phát xuất một phần nào từ ý thức là chính giai cấp của họ đã lỗi thời.

 

N.T.A

 

 



[1] Nền hòa bình của xứ này đã hoàn hảo và tuyệt đối. Dân An Nam là những người hiền hòa và chỉ yêu cầu được làm việc trong yên ổn, những kẻ xúi giục gây rối đã bặt tăm [Bản dịch của BT].

[2] Bản dịch của Sa Minh Tạ Thúc Khải (1959-1960), Niên san Đại học Văn khoa Sài Gòn,  tr.17.

[3] Vì thế mà Paul Doumer đã có thể viết trong quyển hồi ký về thời kỳ ông làm Toàn quyền Đông Dương là: “Le Comat, ou Conseil secret, était transformé en Conseil des Ministres” [Cơ Mật viện, đã được chuyển đổi thành Hội đồng Thượng thư- Bản dịch của BT] (L’Indochine francaise, Souvenirs, Paris, 1905, tr.296). Nhưng điều này không có nghĩa là Cơ Mật viện bị bãi bỏ, và thay thế bởi một hội đồng nội các như một vài sử gia đã vội kết luận.

[4] “L’ordonnance du 27 september 1897 laisse subsister entière aux yeux du peuple annamite l’autorité royale. Toutes les réformes faites l’ont été au nom du Roi, par lui…” [Đạo dụ ngày 27/09/1897 vẫn giữ nguyên trong mắt dân An Nam quyền lực hoàng gia. Hết thảy cách tân được thực thi dưới danh nghĩa Hoàng đế, do Hoàng đế quyết định…- Bản dịch của BT], trong Situation de l’Indochine (1897-1901), Rapport par M.Paul Doumer, Gouverneur général, Hanoi, 1902, tr.426.

[5] “Nous étions tout fiers d’exhiber l’invisible aux populations qui ricanaient. Nous triomphions de cette désaffection populaire. Ainsi nous étions maîtres absolus, la royauté n’était qu’une fiction, qu’il ne tenait qu’à nous d’abolir…” [Chúng ta hoàn toàn tự hào về việc đã trưng ra được cái điều vô hình cho dân chúng cười mai mỉa. Chúng ta được hoan hỉ về sự thất vọng này của quần chúng. Như thế chúng ta hẳn là bậc thầy, và vương quyền chỉ là một sự hư cấu, là cái chỉ được nắm giữ bởi sự bãi bỏ của chúng ta… - Bản dịch của BT] (J.AJALBERT, Les destinées de l,Indochine. Voyages-Histoire-Colonisation, Paris, 1909, tr.117).

[6] PHAN BỘI CHÂU, Việt-Nam vong quốc sử, (1905), bản dịch của Sa-Minh TẠ THÚC KHẢI, bđd, tr.16.

[7] Tiêu biểu cho lập trường này là Nguyễn Trọng Hiệp, đệ nhị Phụ chánh Đại thần khi vua Thành Thái còn nhỏ tuổi. Paul Doumer đã mô tả ông như sau: “On pouvait le compter parmi ceux qui, au début, défendirent de toutess leurs forces leur pays contre notre prise de possession, qui résistèrent à notre mainmise sur le gouvernement du royaume, puis tentèrent de sauvegarder le plus possible des prérogatives royales. Contrairement à ce que beaucoup pensaient, il avait accepté loyalement un état de choses contre lequel il ne pouvait plus rien. Il tenait dignement le rôle difficile de chef d’un gouvernement protégé, savait faire des objections aux mesures que dictait le vainqueur si elles lui paraissaient dangereuses ou mauvaises, se faisait, l’avocat des intérêts du peuple annamite chaque fois qu’il le jugeait nécessaire”. [Ban đầu họ liệt ông ta trong số những người bảo vệ đất nước họ bằng tất cả sức mạnh của họ để chống lại sự chiếm hữu của chúng ta, những người đã thành công trong việc áp đặt sự chiếm hữu của mình lên chính quyền của vương quốc này, và mưu việc che chở trong khả năng có thất nhất  các đặc quyền hoàng tộc. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, ông ấy đã trung thực chấp nhận tình cảnh bất khả kháng của bản thân. Ông đã gắng gượng duy trì đầy xứng đáng cái vai trò khó khăn của người đứng đầu một chính phủ bị bảo hộ, ông biết cách đưa là những ý kiến bắt bẻ trước các biện pháp mà người chiến thắng đã áp đặt nếu những biện pháp ấy có vẻ gây nguy hiểm hoặc tác hại đối với ông ấy; ông thực hiện nghĩa vụ người bênh vực cho những quyền lợi của dân An Nam mỗi khi ông cho là cần phải làm vậy.- Bản dịch của BT] (L’Indochine francaise, Souvenirs, sđd, tr.156).

[8] Năm 1907, một viên trợ giáo trường Quốc học ở Huế, Hoàng Thông, đã không ngần ngại viết trong một quyển sách nhan đề Tự trị thượng sách câu: “nước dầu bất hạnh mà mất, không chỉ mất nước của một họ riêng mà thôi, cũng nước mất quyền diệt chủng”. (Châu bản triều Duy-Tân, tập XV, 96-97; xin xem trong Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Nguyễn của cùng người viết, Saigon, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1973, tr.117.

[9] Chỉnh sửa của người BT (nguyên văn: “..làm quen nhà nho với hai quan niệm mới”).

[10] Các quyển sách được phổ biến để vận động cuộc duy tân thường có nhan đề là “Hiệp cổ”, “Công quyền”, “Địa lý đồ cuộc”, v.v… (Châu bản triều Duy-Tân, tập VII, 160-161); cũng phải kể những sách do các đồng chí của Phan Bội Châu đưa về Việt Nam, như “Phổ cáo lục tỉnh văn”, “Việt Nam quốc sử khảo”, “Tân Việt Nam”, “Viễn hải qui hồng kỷ niệm lục”, “Lô Thoa hồn”, v.v… (Châu bản triều Duy-Tân, tập XXX, tờ 95).

[11] Khả năng của giới quan lại Nam triều cũng đã bị phê bình bởi J.Ajalbert: “Par l’intrigue, par les services rendus aux administrateurs, nombreux déjà sont ceux qui ont gravi les degrés du mandarinat par des nominations honteuses. Des résidents commettent la faute fréquente de décompenser le zèle de leur entourage par des brevets de mandarinat. Non seulement des interprètes et des secrétaires, mais des domestiques, des cuisiniers doivent leur intronisation et de rapides avancements à la complaisance de leurs maitres. Les prétoires et let préfectures sont envahis de ce personnel méprisé dont l’administré connait les targes, et doit supporter l’insolence de parvenus féroces, et les concussions inévitables.

Ainsi faut-il distinguer entre mandarins et mandarins.

Quand, pour les besoins de la cause, on montre l’Annamite soulevé contre ses mandarins, et non contre les Francais, c’est une confusion que l’on essaie; l’Annam se révolte contre nos mandarins, contre les mandarins accrédités par nous, et discréditant l’administration ou le défaut d’administration francaise.

Mandarins de proie, administrateurs de superbe et d’ignorance, la misère et l’exécration populaires mettent tous les exploiteurs dans le même sac, qu’ils pousseraient volontiers à la mer…” [Bằng những mánh khóe, bởi những dịch vụ được thực thi bởi  các nhà hành chính mà phần nhiều trong số họ đã leo tới cấp bậc quan chức nhờ vào sự bổ nhiệm đáng hổ thẹn. Những công dân phạm lỗi thường xuyên được bù lại bằng sự sốt sắng từ những người thân cận của họ thông qua những mảnh bằng quan chức. Không chỉ những người phiên dịch và thư ký, mà cả gia nhân, đầu bếp cũng phải được cơ cấu và thăng tiến nhanh chóng với sự hài lòng từ những ông chủ của họ. Các phòng xử án và tòa thị chính nhan nhản những kẻ đáng khinh như vậy, ở đó kẻ bị trị biết thế nào là sự che chắn và phải chịu đựng sự ngạo mạn từ những kẻ hãnh tiến hung bạo cũng như nạn ăn hối lộ không tránh khỏi.

Vậy là cần phải có sự phân biệt giữa quan chức với quan chức.

Khi nào cần những điều tất yếu cho một lý do, người ta chi ra dân An Nam khởi loạn chống lại quan chức của họ chứ không chống lại người Pháp, đây là một sự lẫn lộn mà người ta đã thử. Xứ An Nam nổi loạn chống lại quan chức của chúng ta, chống lại những quan chức được chúng ta ủy nhiệm và làm mất uy tín của nền hành chính hoặc sự thiếu khuyết của nền hành chính Pháp.

Các quan chức thì ăn như ăn cướp, các nhà hành chính thì kiêu ngạo và dốt nát, sự khốn cùng và chán ghét đại chúng trút tất cả kẻ bóc lột vào cùng một giỏ mà họ sẽ sẵn sàng đẩy ra biển…- Bản dịch của BT] (sđd, tr.241).

[12] Tài liệu chính phủ tóm lược phong trào kháng thuế ấy như sau:

“… bọn người hiếu sự ở Nam Nghĩa ngầm mưu xui giục làm loạn, trước khi dụ dân cắt tóc cải trang, kế thì đặt trường diễn thuyết, sau hết thì mê hoặc nhân dân bằng việc kêu xin giảm thuế, cùng nhau tụ tập, xướng làm dân quyền, dần dần đến hống đường náo thị, mà tỉnh, phủ, huyện, quan sở tại không ngăn chặn được…” (Châu bản triều Duy-Tân, tập VII, tờ 107).

[13] Sđd, tr.121. [cuộc nổi loạn được tổ chức khéo léo nhất, như một sự lặp lại, một hoạt động thử nghiệm mà ở đó xứ An Nam tổng hợp hết thảy năng lượng của mình, kiểm kê sức mạnh bản thân cho những cuộc khởi nghĩa.- Bản dịch của BT].

[14] Nhưng có thể nói là họ đã làm cách mạng một cách lãng mạn; ví dụ, Nguyễn Hàng Chi, một nhà nho hay chữ ở Hà Tĩnh, nhưng không chịu đi thi: ông đã là người xung phong trước nhất trong vùng cắt búi tó, để tóc ngắn và nhân dịp này đã ứng khẩu đọc mấy câu “Hàng Chi ơi hỡi Hàng Chi, Cởi trần hồ dễ như mi trọc đầu. Rồi ra kẻ Á người Âu…”

[15] Châu bản triều Duy-Tân, tập VII, tờ 110.

[16] Châu bản triều Duy-Tân, tập VII, tờ 132.

[17] Châu bản triều Duy-Tân, tập XVII, tờ 75.

[18] Histoire militaire de l’Indochine francaise de débuts à nos jours, établie par des officiers de l’Etat-Major du Général de Division Aubert Hà Nội-Hải Phòng, 1931, tr.314.