Nguyễn Thế Anh, Việt Nam vận hội, Hà Nội: Nhã Nam – Nxb Hội Nhà Văn, 2021

 

Sức đề kháng của Việt Nam

 trước sự bành trướng của Trung Quốc[1]

 

Nguyễn Thế Anh 

 

Ngày 8 tháng 12 năm 1997, ông Lý Thụy Hoàn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đưa ra tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam: “Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu hảo truyền thống lâu đời. Suốt sự nghiệp lâu dài đấu tranh cách mạng, nhân dân Trung Quốc và Việt Nam đã giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, kề vai chiến đấu, tôi rèn nên tình đồng chí cách mạng sâu sắc. Trong những năm qua, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quan hệ láng giềng thân thiện, hợp tác hữu hảo. Trung Quốc và Việt Nam cùng chia sẻ mục đích và trách nhiệm cũng như những khó khăn, thử thách chung…”. Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương đáp lời: “Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ thân thiện truyền thống với Trung Quốc, và sẽ cùng Trung Quốc hết sức thúc đẩy sự hợp tác toàn diện và thân thiện này, hướng tới thế kỷ XXI”.[2]

Sự phô trương về mối quan hệ hữu hảo này tuy nhiên, đã bỏ qua những bất đồng nghiêm trọng chưa được giải quyết từ những khác biệt lâu dài giữa Trung Quốc và Việt Nam về đường biên trên đất liền cũng như trên biển. Cụ thể, bằng việc tuyên bố là gần như mọi đảo trên biển Nam Trung Hoa thuộc về Trung Quốc kể từ thời Hán (năm 206 trước Công lịch đến năm 220 sau Công lịch), Bắc Kinh đã đơn phương tiến hành hàng loạt những  hoạt động nhằm củng cố chủ quyền của họ lên hai quần đảo đang tranh cãi là quần đảo Hoàng Sa (trong Hán ngữ là Xisha và Anh ngữ là Paracels) nằm trải dài 300 hải lý về phía Bắc Hồng Kông và 145 hải lý phía đông cảng Đà Nẵng, Việt Nam; và quần đảo Trường Sa (Nansha trong Hán ngữ và Spratleys trong Anh ngữ), là tập hợp gồm 200 đảo nhỏ, bãi đá ngầm và cát ngầm nằm rải rác 215 hải lý về phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, án ngữ hai bên những tuyến hải thương quan trọng; và hơn nữa, được tin rằng có trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Bắc Kinh nhấn mạnh một cách đặc biệt rằng, quần đảo Hoàng Sa là một phần của tỉnh đảo Hải Nam, đồng thời tìm cách thiết lập chủ quyền lịch sử của họ lên quần đảo này bằng cách đưa ra những phế tích khảo cổ mà họ nói rằng minh chứng cho sự hiện diện của Trung Hoa từ xa xưa. Đồng thời họ cũng trưng ra những mảnh gốm Trung Hoa cổ và diễn giải rằng chúng được tìm thấy trên những hòn đảo này. “Lập trường của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là cực kỳ rõ ràng: quần đảo này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa”. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây nói trên một bản tin vắn, nhắc lại vị thế không nhượng bộ của Bắc Kinh (đối với chủ quyền của quần đảo).

Nhằm đối phó với những đòi hỏi này từ phía Trung Quốc, Hà Nội đáp trả rằng lập trường của Việt Nam cũng dựa trên các chứng cứ lịch sử đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo quan điểm này, ngay từ đầu thế kỷ XVII, các đội hải thương Việt Nam đã được thành lập trên hai quần đảo2. Do đó, mọi động thái phi pháp của tàu thuyền ngoại quốc có thể bị coi là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, như hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã định nghĩa rằng: “Lãnh thổ của Việt Nam bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.

Trên thực tế, những vấn đề liên quan đến Biển Đông là trở ngại chính để giải quyết ổn thỏa tranh chấp lâu đời này, cũng như để có thể ký kết thỏa thuận về đường biên giới trên đất liền và phác thảo ranh giới trên biển ở Vịnh Bắc bộ. Đi đôi với việc thi thoảng có các cuộc đụng độ và đối đầu căng thẳng, Trung Quốc và Việt Nam vẫn thường xuyên giữ các cuộc đối thoại cấp bộ từ năm 1993 để bàn về vấn đề chủ quyền. Nhưng việc thực hiện đầy đủ một thỏa thuận chung về vấn đề biên giới vẫn thường bị lờ đi do những khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu  chồng chéo của cả hai phía. Tình thế hiện tại, trên thực tế, dao động giữa hai thái cực: một bên là xung đột căng thẳng; và phía kia là sự khẳng định tình hữu hảo thủy chung. Nó vốn là cái gì đó gợi nhớ lại những kiểu mẫu đặc trưng xưa trong quan hệ Việt – Trung ở sự phức tạp trong quan hệ ngoại giao của nước nhỏ hơn, luôn phải đề phòng tham vọng bành trướng của người hàng xóm hùng mạnh cùng các quan hệ trong khu vực của cường quốc này.

Trong thế kỷ thứ hai trước Công lịch, sự bành trướng chính thức của đế chế Trung Hoa về phía Đông Bắc bán đảo Đông Dương lần đầu tiên đẩy quan hệ Việt - Trung vào một rắc rối chính trị nghiêm trọng cho những người sống trong khu vực và sau này là cho thế giới. Sự xâm lược của Trung Quốc về vùng viễn Nam khiến văn hóa Việt Nam phải điều chỉnh trước sự hiện diện của thế lực phương Bắc. Trong khoảng một ngàn năm, từ triều đại Hán Vũ Đế cho tới thời kỳ Ngũ Đại rối ren, miền Bắc Việt Nam là một bộ phận trong đế chế Trung Hoa3, ngoại trừ một vài giai đoạn ngắn khi khu vực cứng đầu này, lợi dụng sự suy yếu nhanh chóng của Trung Quốc, đã nổi dậy chống lại sự thống trị của ông chủ ở phương Bắc. Quan hệ chính trị này phai nhạt dần thấy rõ ở thế kỷ thứ X. Với Trung Quốc truyền thống, như một thông lệ, các nước ngoại vi và biên giới thường tranh thủ tuyên bố độc lập mỗi khi chính quyền trung ương suy yếu và mục ruỗng. Là một khu vực ngoại vi của Trung Quốc, châu thổ sông Hồng không chỉ nỗ lực để giảm thiểu việc bị đồng hóa, mà còn có thể tận dụng cơ hội nhà Đường mục nát trong thế kỷ thứ X, truy đuổi quân Tàu trên chính đất của họ. Giai đoạn kéo dài suốt thế kỷ X và XI hết sức quan trọng khi nó đánh dấu sự dừng bước của làn sóng nam tiến của người Trung Quốc. Từ đây, quốc gia vốn tự coi mình là trung tâm này phải củng cố biên giới phía Bắc nơi kề cận châu thổ sông Hồng, vì, sau khi đẩy lùi quân xâm lược Trung Quốc, lực lượng khởi nghĩa ở Việt Nam đã thiết lập nên nhà nước độc lập của riêng mình. Khu vực trung tâm vững mạnh được thiết lập ở miền Bắc Việt Nam sau năm 939 tiếp tục là một vương quốc độc lập và tập quyền cho tới năm 1883. Hết lần này qua lần khác, trong các năm 981, 1075-1077, những năm 1250 và 1280, 1405-1427, và năm 1788, Trung Quốc đã nỗ lực tái sáp nhập phần thuộc địa xưa này vào vương quốc của họ. Nhưng các cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam rốt cuộc đều thất bại, mặc dù một chính quyền Trung Quốc đã tái xuất hiện trong một giai đoạn ngắn những năm đầu của triều Minh (1407-1427).

 

Hệ thống chư hầu

Suốt thời độc lập kéo dài từ thế kỷ thứ X tới thế kỷ XIX, Việt Nam giữ được thế tự chủ tích cực. Đồng thời, với Trung Quốc, dẫu không phải không có lúc bị gián đoạn, Việt Nam duy trì một mối bang giao mà Trung Quốc cảm thấy vẫn có thể tự phụ về bá quyền bao trùm Việt Nam của họ. Thực vậy, khi Việt Nam chuyển mình từ một kẻ phụ thuộc vào nhà Đại Đường trở thành một vương quốc độc lập, quan niệm vương quyền và tính chính danh mà nhà Đường và các triều đại Trung Quốc trước kia tạo dựng và dần áp dụng cho các quan hệ chư hầu, đã chi phối quan hệ Việt - Trung. Hệ thống chư hầu được phát triển từ một học thuyết về một thể chế Trung Hoa toàn cầu, theo đó mỗi nước chư hầu có thể được độc lập cả về đối nội và đối ngoại, nhưng vẫn giữ liên kết phụ thuộc truyền thống với thiên triều. Kiểu quan hệ chư hầu triều cống được thay thế cho chế độ trực trị ở trước đó vốn khắt khe hơn.4 Để kiểm soát sự xâm nhập của những đối tượng phi Hoa vào đế chế, người Trung Quốc qua từng thời kỳ nỗ lực để chinh phục các nước láng giềng phi Trung và trực tiếp cai trị họ. Đó từng là chính sách mà Trung Quốc thực thi ở Việt Nam trong suốt mười thế kỷ sau cuộc chinh phục từ Hán Vũ Đế chiếm phần miền Bắc của bán đảo Đông Dương. Tuy nhiên những khó khăn về địa hình, sự chậm trễ trong liên lạc, các cuộc phản kháng nổ ra khắp nơi, trong khi quan lại Trung Hoa kém hiểu biết phong tục, ngôn ngữ địa phương là những nguyên nhân trực tiếp khiến hệ thống cai trị bị tê liệt. Chính vì thế, hệ thống chư hầu được sử dụng để cải thiện tình hình. Từ thế kỷ thứ X, hay chí ít từ triều Lý (1009-1225), quan niệm của Trung Quốc về vương quyền và tính chính danh đã định hình quan hệ bang giao Việt – Trung. 5 Triều Lý coi quan hệ Việt – Trung như một vấn đề căn cốt đòi hỏi được thường xuyên quan tâm. Năm 1164, họ điều chỉnh thành công một điều khoản quan trọng trong quan hệ Việt – Trung theo hướng có lợi cho mình. Cho đến năm 1164, các đời vua Việt mới chỉ được công nhận như những quận vương của triều đình Trung Quốc. Thứ bậc đó được xác định như kiểu “nội chư hầu” mà đất đai của họ về mặt lý thuyết là một phần trong hệ thống hành chính của vương triều, hoàn toàn do Trung Quốc quản lý. Tuy nhiên đến năm 1164, các sứ thần Việt Nam tại triều đình Trung Quốc đã nài xin và đạt được một thỏa thuận để vua Việt được nâng bậc thành quốc vương trong thang bậc chư hầu của Trung Quốc. Từ đây, vua Việt Nam được nhìn nhận như một “ngoại chư hầu”. Đất đai của vị vua này cấu thành một “vương quốc” riêng rẽ với hệ thống hành chính của thiên triều.

Các quan hệ được xác định bởi hệ thống chư hầu không phải là mối quan hệ ngang bằng giữa hai thể chế. Nó là kết quả của một sự giàn xếp phức tạp mà, dẫu không được thể hiện cụ thể trong bất cứ một hiệp ước nào, vẫn trở thành cơ sở cho mối liên kết cá nhân giữa vua của hai nước. Cách hiểu đó ám chỉ thỏa thuận ngầm từ phía Trung Quốc như một nước bá chủ, sẽ trợ giúp các nước chư hầu khi cần thiết. Nó cũng có hàm ý rằng nước chư hầu ngầm chấp thuận tiến hành một số lễ tạ ơn nào đó, và hơn hết là nộp cống vật định kỳ cho triều đình Trung Quốc. Vị thế chư hầu không cho phép Việt Nam có tư cách của một thể chế, nhưng giúp cho vua nước này về mặt nguyên tắc có được sự chính danh từ lễ phong vương của hoàng đế Trung Hoa. Với nghi lễ này, Thiên tử Trung Hoa một cách long trọng công bố người được ban danh vị “An Nam Quốc vương”, ghi nhận lòng trung thành và sự tận tụy của ông này trong việc cai quản đất nước. Lễ phong vương, vì thế, vừa tạo nên một kiểu phụ thuộc theo nghĩa nào đó, đồng thời thiết lập nên sự chính danh của vị vua Việt với sự trợ giúp của đế chế láng giềng.

Dẫu vậy, vẫn không phải dễ để người kế vị của một vương triều Việt lập luận nhằm thay đổi bất cứ học thuyết bá chủ nào của Trung Quốc đối với Việt Nam.  Bắt nguồn từ những cuộc xâm lược của nhà Hán và tiếp tục kéo dài tới thế kỷ XIX, đòi hỏi về bá quyền của Trung Quốc nhắm đến lãnh thổ Việt Nam hơn là nhắm vào dân Việt Nam. Tham vọng đó không chỉ gắn liền với quan điểm truyền thống mang tính dân tộc trung tâm và luân lý của Trung Quốc khi tự coi mình như vị minh chủ của thiên hạ, mà còn được thể hiện rõ ở miền Bắc Việt Nam, vốn một phần của lãnh thổ hay là “vùng đất lân cận” của nhà Hán và nhà Đường.6 Cùng với sự độc lập của Việt Nam, việc can thiệp của Trung Quốc chủ yếu nhằm dựng lại những vị vua Việt Nam bị thần dân của ông ta hạ bệ. Thực vậy, vấn đề của sự chính danh tiếp tục là mối quan ngại của Trung Quốc cho đến tận thời kỳ hiện đại. Thậm chí động thái của Hoàng đế Vĩnh Lạc năm 1407 vốn nhằm để thâu tóm các chư hầu hỗn loạn, khi những người trị vì ở đây khẩn nài sự giúp đỡ, và để thiết lập lại trật tự một lần và mãi mãi. Suốt trong triều đại nhà Minh, Việt Nam vốn là một trong ba hoặc bốn nước chuyên cần nhất  trong việc triều cống cho triều đình Bắc Kinh. Đổi lại, nhiều lần thiên triều cử binh lực đến lãnh thổ Việt Nam theo sự cậy nhờ của vua Việt để diệt trừ nội loạn. Cho đến thế kỷ XIX, những thực tế này, cùng với quan hệ lịch sử lâu đời và các mối dây liên kết về văn hóa, chủng tộc, được Trung Quốc coi như những bằng chứng đầy đủ cho bá quyền không thể xóa nhòa của Trung Quốc ở Việt Nam.

Hệ thống chư hầu, dẫu vậy, đã làm hài lòng những lợi ích căn bản của hai phía. Đối với Trung Quốc, nó trở thành một phương tiện hành xử khôn ngoan và kinh tế để giữ trong tầm ảnh hướng của mình một quốc gia sát vách mà đế quốc này thấy rằng không nhất thiết phải trực tiếp cai trị. Điều này còn giúp Trung Quốc, mặt khác, có một chư hầu hữu dụng có thể hỗ trợ họ củng cố trật tự xã hội bên mạn sườn phía Nam. Về phần mình, vị vua Việt Nam nhận thức một cách rõ ràng sự cần thiết phải sự chấp thuận địa vị chư hầu. Nó giúp ngăn chặn Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Ngoài ra, đánh đổi một phần quyền độc lập, triều đình Việt Nam cũng nhận lại lợi ích là sự đảm bảo giúp đỡ của thiên triều khi trong nước có nội loạn. Khi đó, Trung Quốc có thể lấy trách nhiệm mang tính luân lý của mình để bảo vệ một triều đình chính danh đã được đế quốc này công nhận. Hơn nữa, trong thời bình triều đình này cũng không phải nơm nớp lo việc Trung Quốc sẽ xâm lược để trực tiếp cai trị đất nước họ. Bên cạnh đó, giới cầm quyền tối cao của Việt Nam cũng chẳng phiền lòng gì ở mức độ nào đó với vị thế chư hầu khi nó giúp họ thu lợi cả về vật chất và văn hóa. Chẳng hạn, các sứ thần được gửi đến triều đình Trung Quốc có cơ hội mang về sách khoa học và văn học, đó là chưa kể đến các lợi nhuận thu được từ chút ít buôn bán tiểu ngạch.

Cùng với đó, các vị vua Việt Nam cũng tiến hành những nỗ lực thận trọng nhằm trung hòa những ảnh hưởng mang tính kiềm tỏa của một hệ thống chư hầu mà họ không thể công khai dứt bỏ. Bắt đầu với nhà Trần (1226-1400), các vị vua Việt Nam đã dùng những tên giả [giả húy] trong các trao đổi thư từ ngoại giao với triều đình Trung Quốc7. Hay trong năm 1790, hai người giả làm vua Quang Trung được cử tới Bắc Kinh nhận lễ phong vương cũng nhằm mục đích tương tự.8 Trong mỗi ví dụ trên, đối với vua Việt Nam, việc tìm ra phương cách vô hiệu hóa sắc phong vương của triều Trung Quốc trong nhận thức của thần dân Việt có ý nghĩa hơn việc qua mặt triều đình Trung Quốc. Khi chỉ dụ được ban để phong vương cho một kẻ giả mạo, nó không có hiệu lực và giá trị. Theo cách đó, sự độc lập của vua Việt Nam xem ra rất ít bị ảnh hưởng bởi thiên triều.

 

Trung Quốc và một quan niệm hóa cụ thể về không gian Việt Nam

Dẫu vậy, sự hiện diện diện của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc luôn là mối đe doạ thường trực có thật cho Việt Nam. Trung Quốc luôn can thiệp khi đế chế này cho rằng đến lúc họ phải ra tay. Với họ, hoàng đế của Trung Quốc có trách nhiệm với toàn thể thiên hạ, và vua của mỗi nước trong thiên hạ ấy chỉ đơn thuần là người đại diện được triều đình Trung Hoa bổ nhiệm. Thậm chí nếu cần thiết, đường biên giới có thể bị xóa bỏ để vì thiên tử có thể thâu gồm cả thế giới vào sự rộng lượng và khoan dung của ông ta.9 Điều đó không có nghĩa rằng cái khái niệm về đường biên cố định và chính xác giữa đế quốc với các nước chư hầu xa lạ gì trong nhận thức từ phía Trung Quốc. Đường biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam sau chiến tranh những năm 1070 là một ví dụ. Những sứ thần Việt Nam thể hiện một nỗ lực ngoại giao bền bỉ và cuối cùng đã làm thất bại sự phản đối của những người đồng cấp bên phía Trung Quốc. 10 Sau đó, hai nước đi đến một thỏa thuận về định nghĩa đường biên giới. Ủy ban phân định cương giới đầu tiên được thành lập năm 1084. 11 Sau đó, những cột mốc biên giới dần dần được thiết lập để chia cắt ngày càng rành mạch hai chế độ cai trị khác nhau. Trong thế kỷ XVIII, đường biên giới còn được họa hình rành mạch hơn trong những mô tả của một cuốn sách địa lý chính thức, bằng cả tiếng Trung Quốc và tiếng Việt, mặc dù vẫn còn nhiều điểm tranh chấp, thỉnh thoảng làm dấy lên những tranh cãi về đường biên giới. 12 Dẫu vậy, việc vẽ đường biên giới không bao giờ được triển khai có hệ thống, mà chỉ nhằm để kết thúc các vấn đề tranh cãi. Việc đi đến thỏa thuận chung ở vùng biên giới, cụ thể về đường biên được phân định, trên thực tế vẫn bị gián đoạn. Ví dụ đáng chú ý nhất liên quan đến tranh chấp vào năm 1725 về vùng bốn mươi (mười ba dặm) lấn sâu dọc biên giới Việt Nam - Vân Nam. Viên tri phủ phía Trung Quốc đề nghị nên lấy dòng sông ở bờ Nam của lãnh thổ tranh chấp làm ranh giới. Hoàng đế nước Việt là Lê Dụ Tông kịch liệt phản đối giải pháp này. Hoàng đế Trung Quốc là Ung Chính đáp lại:

“Chúng ta thực thi thiên mệnh ở khắp hạ giới này. Trong tất cả các chư hầu, không có lãnh thổ nào không phải của chúng ta. Hà cớ gì nhà ngươi cứ phải cãi cùn cho bốn mươi vặt vãnh này?”

Chiếu chỉ tiếp tục với việc quở trách vị vua Việt Nam bởi thái độ bất phục của ông này, thêm vào rằng:

“việc phân định biên giới nên là chức phận đầu tiên của thiên triều”.13

Sau lời quở trách này, vị vua Việt bày tỏ lòng hối hận, rồi thì hoàng đế Ung Chính một cách khoan dung ban tặng cả bốn mươi lãnh thổ tranh cãi đó về Việt Nam vĩnh viễn.

Tuy nhiên, từ quan điểm của Trung Quốc, biên giới không được nhìn nhận như những đường ranh chia cắt lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền, mà là chỉ được coi như sự phân cách về hành chính. Do đó, mặc dù sự phân định có thể chia tách các vùng đất chư hầu từ đế quốc, người Trung Quốc không công nhận những đường biên giữa các quốc gia với mục đích hạn chế chủ quyền của họ. Năm 1370, Hoàng đế Hồng Vũ [Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương] đưa ra yêu cầu dứt khoát thâu gồm lãnh thổ Việt Nam vào Trung Quốc khi ông lập luận rằng, bổn phận của Việt Nam với Trung Hoa nên là luôn gìn giữ núi sông bờ cõi cùng những lễ hiến sinh, qui phục vào lãnh thổ của Trung Quốc. Biên niên sử Việt Nam ghi rằng hoàng đế Trung Quốc đích thân soạn một công văn gửi vua Trần Nghệ Tông cùng các tặng phẩm hiến tế. Một văn bia đã khắc lại cho muôn đời sau về sự kiện này.14 Sau đó, Minh Thái Tổ tuyên bố rằng núi sông bờ cõi Việt Nam được thâu gồm vào trong danh mục các thánh địa trong bản đồ Trung Quốc, nơi mà chúng ngay lập tức được biên mục sau khi những núi sông thiêng liêng thuộc quyền của Trung Hoa. Đòi hỏi đó có lẽ không mang một động cơ ngầm nào nhằm mở rộng lãnh thổ. Tuy nhiên điều đó không phải luôn đúng. Cuối thế kỷ XIII, như đã biết, triều đình nhà Nguyên không còn hài lòng với hệ thống chư hầu kiểu truyền thống và đã nỗ lực để mở rộng lãnh thổ của đế chế Mông Cổ ra xa nhất có thể, đòi hỏi Việt Nam phải được hoàn toàn bị chinh phục.

Việc tầng lớp thống trị người Việt trở nên quá quen thuộc với khái niệm của Trung Quốc về vương quyền và tính chính danh là một khía cạnh không thể tránh khỏi trong quan hệ Việt – Trung. Nói như vậy không phải để ám chỉ rằng, những người cầm quyền Việt Nam áp dụng quan niệm này ở đất nước họ. Hưởng lợi từ thắng lợi quan trọng đầu tiên trước quân Ngô năm 981, các đời vua Việt kế thừa một truyền thống hoàng tộc bảo vệ biên cương như một khía cạnh quan trọng cho sự chính danh hóa quyền thống trị của họ. Một nhà nước do đó được hiểu bao gồm trong nó các đường biên giới thiên định và vĩnh viễn. Ngọn nguồn của tình thế địa - chính trị này phần nhiều xuất phát từ bối cảnh các hoàng đế Trung Quốc đeo đuổi một cách dai dẳng để áp đặt vương quyền của họ lên Việt Nam. Trong khi đó, trong khoảng đầu thế kỷ XI, các vua triều Lý của một Việt Nam tái độc lập đã thích ứng với thể chế của triều đại Trung Hoa nhằm đạt được mục đích riêng của họ. Đường biên giới trở thành một trách nhiệm của triều đại. Biên giới quốc gia không thể bị nhượng bộ trong khi trách nhiệm của triều đại không bị đặt dấu hỏi. 15

Mối đe dọa thường trực từ Trung Quốc, do đó từ rất sớm đã làm nảy sinh lối quan niệm đặc trưng về không gian Việt Nam. Đặc tính địa lý của Việt Nam được trình bày một cách có hệ thống vào năm 1076 khi tiến hành cuộc chiến chống quân Tống xâm lược. Nó khẳng định rằng vua Việt Nam có quyền cai trị lãnh thổ của mình, và điều này là thiên định. Biên niên sử Việt chép rằng bài thơ này được ngâm như một lời sấm truyền gửi tới tướng sỹ của Lý Thường Kiệt trước khi họ đẩy lùi đợt tấn công mạnh mẽ của quân xâm lược nhà Tống:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm lược

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” 16

Quan niệm cho rằng an ninh Việt Nam được thần thánh trợ giúp xuất phát từ niềm tin rằng thiên đình cùng anh linh bất diệt của chư vị anh hùng trong quá khứ - những người dù đã khuất vẫn nương lại nơi non sông xứ sở và có thể trợ giúp đất nước lúc nguy khốn – khiến cho chiến thắng chống lại kẻ ngoại xâm là có thể. Nói chung, sức mạnh thần thánh được tôn vinh với niềm tin rằng sức mạnh ấy giúp bảo vệ bờ cõi chống lại ngoại xâm, hoặc góp phần cho sự trỗi dậy của một truyền thống vương triều độc lập trên mảnh đất Việt Nam.17 Do đó, lãnh thổ quốc gia không chỉ là một không gian hữu hình nơi người ta sinh sống. Nó cũng bao gồm cả quan niệm siêu nhiêu nơi “anh linh sông núi còn ở”, những linh hồn của nhiều vị anh hùng, những người đã sống và chết qua nhiều thế hệ, đã gây dựng và luôn luôn bảo vệ tổ quốc của họ.

Dẫu sự can thiệp của sức mạnh siêu nhiên này được nhấn mạnh có tầm quan trọng nội tại đến thế nào với dân nước Nam, thì rõ ràng, nó không giúp gì cho họ trong những thương lượng với Trung Quốc. Tuy vậy, ở Việt Nam, sợi dây liên kết lịch sử giữa những quan niệm hữu hình và siêu nhiên của không gian tổ quốc này nuôi dưỡng một truyền thống chống lại sự bành trướng về phía Nam của người Trung Quốc. Truyền thống đó ngày càng hòa quyện trong ý thức dân tộc. Bước chuyển này nuôi dưỡng truyền thống công nhận những vị anh hùng của đất nước Việt Nam, những người đã ghi dấu lên cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống lại những cuộc xâm lăng của Trung Quốc, đôi khi phải chống lại quân địch đông hơn gấp bội. Chính khái niệm đó đã đặt lên vai của các ông vua Việt Nam một trách nhiệm ghê gớm: đức minh quân phải chứng tỏ khả năng chống đối sự đô hộ chính trị của triều đình Trung Quốc.

 

Bác bỏ tham vọng bá chủ của Trung Hoa

Tương tác với Trung Quốc và tiếp xúc với đế chế văn hóa Trung Quốc, ngược đời thay, lại có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình cách Việt Nam tự nhìn nhận mình. Các học giả Việt Nam rất quen thuộc với các tài liệu học thuật của Trung Quốc, còn văn chương Trung Quốc thậm chí được người Việt sử dụng làm vũ khí ngoại giao chống lại chính phía Trung Quốc.18 Triều đình Việt Nam rất nhiều lần nhắc nhở triều đình phương Bắc về tín điều Trung Hoa rằng một vị minh quân phải thể hiện một thái độ ôn hòa với người lạ. Ký ức Việt Nam đối với Trung Quốc thường ám chỉ một niềm tin, cũng như một lập luận can ngăn nhà vua không xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ cốt yếu được ấn định cho sử ký truyền thống Việt Nam là để định nghĩa khái niệm về một vương quốc Việt Nam hoàn toàn tách biệt, và về một biên giới vừa thực tế, vừa thần thoại. Điều này nhằm giúp Việt Nam vĩnh viễn né tránh tham vọng của Trung Quốc vốn dùng bất cứ danh nghĩa nào đó cất quân xâm lược. Khi được vua Trần Thánh Tông ban lệnh biên soạn quốc sử của nước Đại Việt (hoàn thành năm 1272), Lê Văn Hưu đã sưu tầm nhiều trích đoạn triết học và lịch sử Trung Hoa, mà một vài trong số đó được ông tách khỏi bối cảnh gốc, để chứng minh cho sự lâu đời của thể chế quân chủ Việt Nam. Luận điểm này sau đó được Trần Thái Tông cùng những người kế vị ông dùng để chống lại Kubilai Khan [Hốt Tất Liệt]. Các trích đoạn đó được dùng nhằm bảo vệ vị thế độc lập của hoàng đế Việt Nam trước tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Trích dẫn được chỉnh sửa lại cho hợp với lịch sử Việt Nam và để thể hiện rằng quan hệ chư hầu của Việt Nam với Trung Quốc chỉ là một sự hư cấu. 19 Lê Văn Hưu mở đầu công trình của ông một cách cụ thể bằng năm 207 trước Công lịch với thành quả của người khai sinh ra nước Nam Việt - Triệu Đà. Theo Lê Văn Hưu, Triệu Đà chính là người đầu tiên thiết lập nên một đế quốc phía Nam có vị thế sánh ngang với đế chế phương Bắc:

"Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, lấy nhân [nghĩa] mà giữ ngôi, thì bảo vệ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được". 20

Tương tự, một công trình khác được biên soạn vào khoảng cuối triều Trần là Việt Sử Lược21 đã tách Việt Nam khỏi khu vực bị thống trị bởi các hoàng đế thông tuệ xưa kia của Trung Quốc, từ đó cũng bác bỏ ảnh hưởng giáo hóa của thời đại vàng son trong lịch sử Trung Quốc đối với Việt Nam. Mục đích của luận điểm này chứng minh rằng người sáng lập ra nhà nước Văn Lang, vị tổ tiên của nước Việt Nam, bằng vai với những vua khai mở của Trung Quốc. Ở chừng mực nào đó, Lạc Long Quân, vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang cũng được cũng được xem như một Hiên Viên Hoàng Đế của Việt Nam mà những kiến tạo văn hóa của ông cũng sánh được với đức Hoàng đế huyền thoại này của Trung Quốc. Nói rằng nền văn minh cổ Văn Lang có nhiều tương đồng với Trung Quốc xa xưa, trên thực tế cũng là cách để khẳng định sự ngang bằng giữa phương Nam và phương Bắc, dựa trên chính những tiêu chuẩn văn hóa, chính trị mà người Trung Quốc đã đặt ra nhằm giao giảng cho sự ưu việt vượt lên hết thảy của họ. Sự nhìn nhận Việt Nam như một dân tộc có văn hóa (văn hiến chi bang) như Trung Quốc này được Nguyễn Trãi nhắc lại vào thế kỷ XV khi ông viết tuyên ngôn Bình Ngô Đại Cáo để bố cáo việc đánh đuổi nhà Minh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam:

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương22

Trung Quốc chưa bao giờ ngừng mưu cầu làm bá chủ, và Việt Nam chưa bao giờ ngừng chống lại tham vọng đó. Điều đó giải thích tại sao Việt Nam luôn bền bỉ bảo vệ một niềm tin chắc chắn, vốn đi ngược lại với tín điều của người Trung Quốc, rằng Việt Nam và Trung Quốc hài lòng với chủ quyền tương đương. Sự kiên định đó được diễn giải một cách rõ ràng, bác bỏ cái đòi hỏi chiếm lĩnh địa vị trung tâm và độc tôn trong thiên hạ của Trung Quốc. 23 Vào thế kỷ XV, sử gia Ngô Sĩ Liên trong lời tựa cho một cuốn sử biên niên khác đã lập luận rằng, người Việt có nguồn gốc từ Thần Nông, một trong những vị “vua thần thoại” trong truyền thuyết Trung Quốc, nhưng ở một nhánh phả hệ tách biệt với Trung Quốc. Lập luận này góp phần tạo nên ý niệm lý tưởng của quan hệ Việt Trung: dựa cùng vào một nguồn cội, đồng thời có một lịch sử độc lập hoàn toàn, chối bỏ quyền bá chủ chính trị của Trung Quốc. Như một hệ quả tất yếu, các vua Việt Nam hình dung thế giới dưới dạng của “Bắc” và “Nam”. Theo đó, họ khẳng định quả quyết rằng kể từ khi Việt Nam được giải phóng khỏi ách thống trị của Trung Quốc, họ đã tiếp nối truyền thống đế quyền phương Nam vốn bắt nguồn từ thời cổ đại. Người Việt, giờ đây đến lượt họ có thể nỗ lực để khống chế những láng giềng Đông Nam Á trong diễn ngôn riêng của họ về thiên hạ. Ở đó Đại Việt chiếm giữ vị trí trung tâm. 25

 

*

*       *

Qua sự áp đặt các thiết chế tổ chức xã hội, hành chính, và gia đình, ách cai trị của Trung Quốc đã khiến cho người Việt gắn kết với nhau, đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của họ. Chính sự gắn kết đó giúp người Việt có khả năng đẩy lùi những cuộc xâm chiếm trong tương lai của Trung Quốc lên đất nước, đồng thời mở rộng lãnh thổ về phía Nam cho tới vịnh Thái Lan. Những ký ức kháng cự thành công các cuộc xâm lăng của Trung Quốc từ phương Bắc đặc biệt giúp người Việt nhận ra bản thân mình, dù cũng phải thừa nhận rằng khó để biết bản sắc này thấm sâu xuống đến tầng lớp xã hội nào, hay ở tình huống cụ thể nào nó trở nên rõ ràng, hiển nhiên. Dẫu vậy, rất có thể các sử gia Việt Nam, bắt đầu từ Lê Văn Hưu cho đến Ngô Sỹ Liên và những người kế tục, căn bản dựa trên những thắng lợi chống những cuộc xâm lược liên tục của Trung Hoa để đặt nền móng cho niềm tin vào sự bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Họ đã dần dần, khéo léo chuyển ký ức chiến thắng chống quân xâm lược Trung Quốc vào, hơn cả những ghi chép lịch sử, sức mạnh lịch sử theo lẽ riêng của họ. 26 Có vẻ như sự kháng cự nhằm chống lại, đánh bại các cánh quân xâm lược Trung Quốc song hành với một truyền thống lâu dài vay mượn văn hóa Trung Hoa, lại cho người Việt khả năng nhận biết bản thân mình như một dân tộc hoàn chỉnh để tồn tại và duy trì một sức mạnh lịch sử mạnh mẽ.

 

T.H. dịch

 

 



[1] Nguyên văn Anh ngữ “The Vietnamese Resistance to Chinese Expansion, trong International Convention of Asia Scholars [Hội nghị Quốc tế của các học giả châu Á], Noordwijkerhout, 25-28 tháng 6 năm 1998, in trong Dòng Việt, số 6, năm 1999, tr.117-131

[2] Xinhua Domestic Service [Tân Hoa xã, bản quốc nội], ngày 8 tháng 12 năm 1997.

2 Xem thêm, ví dụ Võ Long Tê, Les archipels de Hoàng-Sa et de Trường-Sa selon les anciens ouvrages vietna­miens d’histoire et de géographie [Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch sử-địa Việt Nam xưa], Sài  Gòn, 1974; P.-B. Lafont, “Les archipels Paracels et Spratley (Un conflit de frontières en Mer de Chine méridionale)” [Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Xung đột biên giới trên biển Nam Trung Hoa)], Les frontières du Vietnam [Các đường biên giới của Việt Nam], Paris, L’Harmattan, 1989, tr.244-261.

3 Dưới triều đại nhà Hán (206 tr. Công lịch – 220), khu vực được cắt đặt vào quận Giao Chỉ do một thái thú người Trung Quốc cai trị. Một kiểu đô hộ khác do nhà Đường áp đặt tổ chức lại vùng này thành Giao Châu Đô hộ phủ, đến năm 679 đổi thành An Nam Đô hộ phủ. 

4 J. K. Fairbank & Teng Ssu-yü, Ch’ing administration: Three studies [Bộ máy triều Minh: Ba nghiên cứu], Cambridge, Harvard U.P., 1960, tr.130.

5 K. W. Taylor, “Authority and legitimacy in eleventh-century Vietnam” [Vương quyền và tính chính danh trong thế kỷ XI ở Việt Nam], The Vietnam Forum [Diễn đàn Việt Nam], n.12 (1988), tr.20-59. 

7 Hoàng Xuân Hãn, “Vụ Bắc sứ năm Canh thìn đời Cảnh Hưng”, Sử Ðịa, 6, 1967, tr.143-144.

8 Trương Bu Lâm, “Intervention versus tribute in Sino-Vietnamese relations” [Sự đối chọi giữa xâm lược và triều cống trong quan hệ Việt – Trung], trong The Chinese World Order [Trật tự thế giới của Trung Quốc], John K. Fairbank ed., Cambridge, Harvard U.P., 1968, tr.174-177.

9 Theo Vĩnh Lạc thực lục, 86 : 1b, trích bởi Vương Canh Vũ [王赓武 Wang Gungwu], “Early Ming relations with Southeast Asia” [Mối quan hệ của triều Minh sơ với Đông Nam Á], trong The Chinese World Order [Trật tự thế giới của Trung Quốc], sách đã dẫn, tr.54-55.

10 Xem Masahiro Kawahara, “Relations between the Lý dynasty and the Sung” (“Quan hệ giữa triều Lý và nhà Tống”), trong History of international relations between Vietnam and China (Lịch sử bang giao quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc), Tatsuro Yamamoto biên tập, (tiếng Nhật), Tokyo, Yamakawa Shuppansha, 1975, tr.29-82.

11 Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, tập I, 1983, tr.294.

12 Những sự cố sảy ra, ví dụ trong năm 1689 ở biên giới Việt Trung, trong khoảng năm 1773-1778 ở biên giới Hưng Hóa, chưa kể tới tranh chấp liên quan đến ba huyện của phủ Tuyên Quang kéo dài hơn 40 năm, từ năm 1688 đến 1727.

13 Lloyd E. Eastman, tài liệu đã dẫn, trang 43. Xem thêm Philippe Langlet, “La frontière sino-vietnamienne du XVIIIe au XIXe siècle”, Les frontières du Vietnam, Paris, L’Harmattan, 1989, p. 72.

14 Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội, 1985, tập II, tr.148.

15 O. W. Wolters, “Lê Văn Hưu’s treatment of Lý Thần Tông’s reign (1127-1137)” [Luận giải của Lê Văn Hưu về ngai vàng của Lý Thần Tông (1127-1137)] , Southeast Asian History and Historiography. Essays presented to D.G.E. Hall, [Sử học và việc chép sử ở Đông Nam Á. Khảo luận được trình sử gia D.G.E. Hall]. Luận văn C.D. Cowan & O.W. Wolters ed., Ithaca, Cornell U.P., 1976, tr.203-226.

16 Nguyễn Thế Anh, Bùi Quang Tung et Nguyễn Hương, Le Đại-Việt et ses voisins. Paris, L’Harmattan, 1990, tr.31.

17 K. W. Taylor, “Notes on the Việt điện u linh tập” [Ghi chép về Việt điện u linh tập], The Vietnam Forum [Diễn đàn Việt Nam], số 8 (1986), tr.26-59.

18 O. W. Wolters, History, culture and region in Southeast Asian perspectives [Lịch sử, văn hóa và khu vực trong hướng tiếp cận Đông Nam Á], Singapore, ISEAS, 1982, tr.63.

19 O. W. Wolters, History, culture and region in Southeast Asian perspectives, tr. 86.

20 Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoại kỷ, Hà Nội, 1983, tập I, tr.134. Xem thêm O. W. Wolters, “Historians and emperors in Vietnam and China : Comments arising out of Lê Văn Hưu’s History, presented to the Trần court in 1272” [Các sử gia và hoàng đế ở Việt Nam và Trung Quốc: Nhận xét về sử phẩm của Lê Văn Hưu, được biên soạn cho triều Trần năm 1272], trong Perceptions of the Past in Southeast Asia [Nhận thức về quá khứ ở Đông Nam Á], A. Reid & D. Marr biên tập, Singapore, Heinemann, 1979, tr.69-89.

21 Trần Quốc Vượng (dịch), Việt sử lược, Hà Nội, Văn Sử Địa, 1960.

22 Trích bởi Nguyễn Thế Anh, “La frontière sino-vietnamienne du XIe au XVIIe siècle” [Biên giới Trung- Việt từ thế kỷ XI tới thế kỷ XVII], Les frontières du Viet­nam [Những đường biên giới của Việt Nam], Paris, L’Harmattan, 1989, tr.66.

23 O. W. Wolters, “Historians and emperors in Vietnam and China” [Các sử gia và hoàng đế ở Việt Nam và Trung Quốc], tài liệu đã dẫn, trang 69-89.

25 Xem Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese model [Việt Nam và mẫu hình Trung Hoa], Cambridge, Harvard U.P., 1971, tr.234-246.

26 Tài liệu đã dẫn, tr.20.