Nguyễn Thế Anh,
Việt Nam
vận hội,
Hà Nội: Nhã
Nam – Nxb Hội Nhà Văn, 2021
Sức
hút và lực đẩy :
hai
khía cạnh trái ngược
trong quan hệ Việt-Trung[1]
Nguyễn Thế Anh
Nhìn sâu vào lịch sử, đối với người Việt, những trải nghiệm với người
Trung Quốc dường như nằm trong phức cảm yêu-ghét, hay đúng hơn là một sự
pha trộn của thu hút và thù hận, mà tiêu đề bài hát của nhạc sĩ Serge
Gainsbourg, “Je t'aime, moi non plus” [tôi yêu em, nhưng tôi không còn
như thế nữa] gần như khắc hoạ đúng trường hợp này. Trạng thái này tác
động đến tất cả các vấn đề đối ngoại của Việt Nam, và trong hàng ngàn
năm qua, quan hệ với Trung Quốc đặc trưng bởi một sự phức tạp có thể nói
là gai góc ở tầm chính thức, xuề xoà và thân thiện ở trong lề thói thông
thường. Trên thực tế, mối quan hệ hiện nay là sự hoán chuyển giữa một
bên là những xung đột nảy lửa với một bên là những tuyên ngôn chính thức
về tình hữu nghị không thể lay chuyển. Chúng phần nào gợi nhớ lại những
kiểu giao kết Việt-Trung cổ xưa, đặc trưng bởi những rối rắm trong chính
sách ngoại giao của một quốc gia nhỏ hơn luôn luôn phải dè chừng ý đồ
bành trướng của ông hàng xóm to lớn trong quan hệ khu vực.
Nằm ngay sát cạnh Trung Quốc, dân tộc Việt Nam, có lẽ khác người Miến
Điện và Thái Lan, luôn phải dè chừng ông bạn to lớn này trong các mối
quan hệ khu vực. Trong suốt nghìn năm kể từ khi Việt Nam giành được độc
lập cho đến giai đoạn thực dân kiểu Pháp, ghi dấu bốn cuộc xâm lược lớn
của Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn nhà Minh chiếm đóng khá dài, người
Việt đã tích luỹ được bề dày kinh nghiệm trong việc giải quyết những mối
quan hệ này. Trong khi đó, suốt quá trình đô hộ của Trung Quốc, từ thế
kỷ II trước CN đến thế kỷ X sau CN, Việt Nam đã hấp thu từ Trung Quốc
các lý thuyết chính trị, cơ cấu xã hội, thực hành chế độ quan liêu, tín
ngưỡng tôn giáo và các thuộc tính văn hoá khác. Sự tiếp xúc lâu dài với
ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá
xã hội Việt Nam, tiếp tục cho tới cuối thế kỷ XIX. Thật vậy, các nhà cai
trị của Việt Nam không ngừng lấy nguồn cảm hứng văn hoá từ Trung Quốc,
ngay cả khi họ củng cố quốc gia độc lập và thống nhất. Chữ Hán được lấy
làm ngôn ngữ chính thức và là phương tiện giảng dạy, phương tiện để biểu
đạt tri thức. Người Việt
được học các chủ đề văn chương Trung Quốc cũng như giáo lý đạo đức được
trích dẫn từ Nho giáo cổ điển. Đóng góp của Trung Quốc cho Việt Nam bao
gồm tất cả các khía cạnh của văn hoá và xã hội. Đặc biệt, ảnh hưởng của
Trung Quốc được cảm nhận mạnh mẽ nhất ở cấp cao nhất của nhà nước và
chính trị: khái niệm luật pháp và quản trị của Trung Quốc đã trở thành
yếu tố quan trọng của chính thể
Việt Nam trong thời kỳ độc lập, bởi vì nó giúp nhà cầm quyền củng
cố quyền lực và chống lại các đe doạ từ bên ngoài, đặc biệt đe doạ từ
Trung Quốc. Nền học thuật và văn học của Việt Nam không thể tránh khỏi
việc thẩm thấu di sản cổ điển của Trung Quốc; chữ Hán là ngôn ngữ của
hành chính và giáo dục, như tiếng la-tinh ở châu Âu tiền hiện đại. Khả
năng thể hiện sự thông thạo về
ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc của các sứ giả Việt Nam ngay tại
triều đình Hoa Hạ là cách quan trọng để chứng minh Việt Nam là một đất
nước “văn minh” và không cần đến chính quyền Trung Quốc quan tâm chỉ bảo
“khai hóa văn minh”.
Do tác động mạnh mẽ của nền văn minh Trung Quốc đối với Việt Nam, năng
lực của Việt Nam được nâng cao để tiếp nhận một cách có lựa chọn các yếu
tố văn minh Hoa Hạ, hoặc chí ít
cũng quan trọng ở các thành tựu được hấp thu. Kể từ khi Việt Nam
giành được quyền tự trị, ảnh hưởng của Trung Quốc đến xã hội Việt Nam
vẫn tiếp tục mạnh mẽ như khi trực thuộc chính quyền tỉnh của Trung Quốc.
Các vị vua Việt Nam có thể thúc đẩy đường lối làm việc theo kiểu Trung
Quốc với nhiều thành công hơn các thái thú Trung Quốc, vì họ thường biết
dân của họ sẽ chịu đựng được đến mức nào [Taylor, 1983: 298]. Hơn
nữa, với kinh nghiệm thu
được từ sự cai trị của Trung Quốc, người Việt Nam hiểu một cách sâu sắc
những ý đồ của người Trung
Quốc. Sống trong cái bóng của một đế chế lớn, người Việt nhất thiết trở
thành chuyên gia về nghệ thuật sống còn, và họ nắm bắt được lề lối của
Trung Quốc như một cách thức để tồn tại. Sự cần thiết phải vô hiệu hóa
nguy cơ đô hộ từ phương Bắc
bằng cách chiếm hữu nguồn gốc của tính hợp pháp phương Bắc khiến họ nỗ
lực đầu tư để đạt được và duy trì các kỹ năng công nghệ, hành chính và
văn hoá. Do đó, trong giai đoạn độc lập, tầng lớp thống trị ở Việt Nam
đã học cách áp đặt các nguyên tắc của nền văn minh cổ truyền, nhờ đó
vượt qua "chủ nghĩa man rợ" và loại bỏ mọi nguyên cớ khiến Trung Quốc có
thể thực hiện sứ mệnh "khai hoá văn minh" trên đất đai của họ [Woodside,
1971].
Người Việt Nam vẫn duy trì ngôn ngữ riêng, và cùng với đó là
những ký ức của họ về một nền văn minh tiền Hán. Việc bảo tồn
tiếng Việt hết sức đáng chú ý: có nghĩa là bất cứ điều gì người Trung
Quốc làm ở Việt Nam đều được điều hoà bởi thực tiễn văn hoá sao cho nó
riêng biệt và tách rời khỏi ảnh hưởng tư tưởng của Trung Quốc. Mọi thứ
người Việt Nam vay mượn từ Trung Quốc đều được bẻ cong qua lăng kính
ngôn ngữ và văn hóa Việt. Do đó, bất chấp di sản Khổng giáo thông
thường, sẽ là sai khi nghĩ rằng tâm thức thống trị đời sống trí thức ở
Trung Quốc và Việt Nam luôn giống nhau. Đôi khi chúng khác nhau cũng như
điều kiện địa lý khác nhau, và sự khác biệt đã giúp hạn chế quá trình
Hán hoá Việt Nam.
Liệu có sự khác biệt đáng kể giữa các thiết chế Việt Nam và Trung Quốc,
và liệu những khác biệt đó ít nhất thể hiện dù chỉ một phần trong quan
điểm riêng mà các nhà tư tưởng Việt Nam tạo lập và theo đuổi? Câu hỏi
lớn là làm thế nào người dân Việt Nam có thể hưởng lợi từ văn hoá Trung
Quốc mà không trở thành người Trung Quốc? Trong hàng thế kỷ, rõ ràng
Việt Nam chịu sức hút từ tư tưởng chính trị, thực tiễn xã hội, xu hướng
văn học và công nghệ của Trung Quốc và tự điều chỉnh bằng cách nào đó
với quyết tâm bảo vệ độc lập của Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ ngừng
vay mượn văn hoá từ Trung Quốc; trái lại, các triều đại khác nhau của
một nước Việt Nam độc lập, vào khoảng giữa năm 1010 và 1885, còn tăng
mạnh hơn nữa. Trên thực tế, nhận thức được sự vượt trội về kinh tế và
khoa học của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam không muốn từ bỏ việc
tiếp cận các sáng kiến của Trung Quốc, và sử dụng những cây cầu văn
hoá đã được xây dựng giữa hai nước để tham gia vào thế giới Hán văn.
Tầng lớp nho sĩ được sinh ra từ cơ cấu giáo dục chính thống đã định
hình, họ là những người kiên định ủng hộ một nền văn học chính thống gắn
với quan niệm đạo đức Khổng giáo của xã hội, thống trị nền văn học và sử
học của Việt Nam. Với tinh thần nhân văn dồi dào và tình yêu tri thức
sách vở, Khổng giáo đã giúp đem lại cho Việt Nam một giai tầng học giả
có ý thức lịch sử, những người có niềm tin sâu sắc rằng những nguyên tắc
tiên thiên của đạo đức con người cần phải được thấu hiểu qua đọc và viết
sử ký.
Việc vay mượn văn hoá này thậm chí còn quá
toàn diện để có thể truy nguyên toàn bộ tính toán chiến lược một cách có
ý thức. Nó đôi khi là sự thuần phục một cách không cần thiết. Chẳng hạn,
Hoàng đế nhà Nguyễn thế kỷ XIX tự nhận là “Thiên tử" (
天子), ngụ ý bình đẳng với hoàng đế Trung
Quốc. Họ đã đặt tên đất nước của mình là Đại Nam (大
南) [Woodside, 1971: 9]. Lại nữa, sau
năm 1802, họ đã xây dựng Kinh đô mới tại Huế ở miền Trung Việt Nam, vốn
đã được lên kế hoạch là một bản sao của Kinh đô Yên Kinh của Trung Quốc.
Việc bắt chước còn thể hiện trong luật nước Nam, một bản sao rõ ràng của
luật pháp của Trung Quốc. Sự bắt chước đi cùng với tình trạng công khai
khi Việt Nam được công nhận là "chư hầu" của Trung Quốc trong hệ thống
ngoại giao Trung Quốc truyền thống cũng như việc triều cống. Và thẩm
quyền của Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn văn hoá là chuyện không phải
bàn cãi khi triều đình Việt Nam luôn luôn lựa chọn sứ giả sang Trung
Quốc là những học giả đồng thời là nhà thơ hoặc triết gia xuất sắc nhất
Việt Nam, để chứng minh cho người Trung Quốc rằng người Việt Nam cũng có
thể làm chủ được văn hoá Khổng giáo.
Các thể chế truyền thống của Việt Nam - chế độ quân chủ, cơ chế quan
liêu, hệ thống luật pháp, và ngay cả dòng dõi gia tộc - tất cả đều giống
Trung Quốc. Tuy nhiên, tại sao một nước Việt Nam tiền hiện đại không chỉ
đơn thuần là một “Trung Quốc thu nhỏ”? Dường như câu trả lời là chủ
nghĩa nhân văn Nho giáo thực dụng đã lan rộng đến Việt Nam như một phần
của nền cổ điển Trung Quốc, biến tầng lớp thượng lưu Việt Nam thành một
tầng lớp ý thức được việc phải có sứ mệnh độc lập đối với các nhà cai
trị Trung quốc [Woodside, 1988: 29]. Trên thực tế, nghiên cứu lịch sử,
vốn được các giá trị cổ điển Trung Quốc khuyến khích, chắc chắn sẽ hướng
sự quan tâm của Việt Nam đến những sai lầm mà họ nghĩ họ đã phải chịu
đựng trong tay Trung Quốc. Trí thức Việt Nam sống với những băn khoăn về
sự tiếp nối của một nền văn hoá giàu có hình như đã mai một hoặc bị tàn
phá. Lê Quý Ðôn, một nhà triết học và sử gia lỗi lạc của thế kỷ XVIII,
đã đưa ra một bản kiểm kê về thư tịch và lưu trữ của Việt Nam, nhiều
trong số đó đã bị phá hủy hoặc bị người
Trung Quốc xâm lược cướp về nước họ. Đây là quá trình “tập hợp
bất công” trên một quy mô đáng kinh ngạc: giới quan lại yêu chuộng thư
tịch của Việt Nam có một bộ nhớ được bảo quản tỉ mỉ nhất về di sản văn
hóa bị mất mát hoặc bị đánh cắp [Woodside, 1982].
Quá trình tương tác với Trung Quốc và việc nằm trong tầm ảnh hưởng của
đế chế văn hoá Trung Hoa, trớ trêu thay lại có tầm quan trọng với việc
hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam. Những người Việt Nam có học thức
thông thạo các tài liệu văn học Trung Quốc thậm chí còn cung cấp vũ khí
ngoại giao chống lại Trung Quốc [Wolters, 1999: 63]. Triều đình Việt Nam
đã nhiều dịp nhắc nhở triều đình phương Bắc về giáo lý của người Trung
Quốc rằng một vị minh quân phải thể hiện thái độ khoan hoà với viễn
khách. Các thông điệp của người Việt gửi Trung Quốc thường bóng gió
những lý lẽ để can ngăn các hoàng đế Trung Hoa xâm phạm chủ quyền của
Việt Nam. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ cơ bản được giao cho ngành
chép sử truyền thống Việt Nam là phải xác định được bản sắc hoàn toàn
khác biệt của quốc gia này, xét về biên giới thực cũng như huyền thoại,
nhằm vĩnh viễn gạt bỏ ý đồ của Trung Quốc muốn hồi sinh một giả thuyết
hợp thức hoá nào đó để có cớ can thiệp. Được Vua Trần Thánh Tông ban Dụ
biên soạn lịch sử Ðại Việt (được hoàn thành năm 1272), nhà sử học
Lê Văn Hưu đã lắp ráp một số mảnh triết lý và lịch sử Trung Quốc, trong
đó một vài mảnh được ông tách ra khỏi bối cảnh nguyên thuỷ, để thể hiện
tính cổ điển của thiết chế phong kiến Việt Nam mà Trần Thái Tông và
người kế vị của ông đã đấu tranh bảo vệ và chống lại Kubilai Khan [Hốt
Tất Liệt].
Các mảnh ghép Trung Quốc được sử
dụng để bảo vệ vị thế độc lập của các nguyên thủ Việt Nam khi đối mặt
với các mưu đồ của phong kiến Trung Quốc. Chúng được thiết kế riêng cho
phù hợp với lịch sử Việt Nam và cho thấy rằng mối quan hệ chư hầu giữa
Việt Nam với Trung Quốc chỉ là tưởng tượng [Wolters, 1999: 86]. Lê Văn
Hưu bắt đầu khảo cứu các sự kiện lịch sử kể từ năm 207 trước CN và thành
tựu của người sáng lập quốc
gia Nam Việt [Nanyue], Triệu Ðà [Zhao Tuo], theo sử gia, đó là người đầu
tiên lập một đế chế ở phương Nam có thể tồn tại song song bên cạnh đế
chế phươngBắc: «Triệu Vũ Đế [Zhao Wudi], khai thác đất Việt ta mà tự
xưng Đế trong nước, ngang hàng với nhà Hán, .. mở đầu cơ nghiệp đế vương
cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lớn lắm vậy. Người làm vua
nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập
việc quân quốc, giao thiệp phải đạo với láng giềng, lấy lòng khoan dung
để duy trì ngôi báu thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc
không thể lại ngấp nghé được” [Đại Việt sử ký, 1983: 134].
Bằng cách này, Lê Văn Hưu nhấn mạnh cơ sở pháp lý và lịch sử của nền độc
lập Việt Nam. Triệu Đà, vị vua phương Nam phản kháng xâm lược phương
Bắc, trở thành quốc vương hợp pháp bởi các biểu tượng văn hoá địa phương
trước khi chính quyền tỉnh của Trung Quốc được biết đến. Vì vậy, Triệu
Đà đại diện cho sự kết thúc của vương triều bản địa tiền Hán; ông cũng
đại diện cho sự khởi đầu của thời kỳ khi khái niệm về vương quyền gắn
chặt với khả năng chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc. Nhìn ra thực
tế thì Triệu Đà không phải là người Việt Nam lúc sinh thời, song các nhà
sử học Việt Nam đã nhìn thấy trong con người này tinh thần chính trị bất
khuất của chính họ và dựa vào đó mà coi ông là người Việt [Taylor, 1983:
293]. Lê Văn Hưu lựa chọn Nam Việt của Triệu Ðà làm điểm bắt đầu cho
lịch sử Việt Nam và điều đó trực tiếp nhấn mạnh tinh thần “bình đẳng của
Việt Nam” với Trung Quốc.
Tương tự như vậy, một tác phẩm khác được sáng tác vào cuối thời Trần,
Việt sử lược, đã không xếp
Việt Nam vào khu vực kiểm soát bởi các vị hoàng đế khôn ngoan của Trung
Quốc, cũng là nằm ngoài ảnh hưởng của văn minh Hán trong thời hoàng kim
của Trung Quốc. Ý đồ của hành động này
nhằm chứng minh tổ tiên của đất nước Việt Nam, những người sáng
tạo ra vương quốc Văn Lang hưng thịnh với 'các phong tục thuần khiết,
giản dị' tồn tại từ rất lâu trước thời kỳ có thể chịu ảnh hưởng của
Trung Quốc, có tư cách bình đẳng với các vị vua sáng lập ra Trung Quốc.
Trong khi Lạc Long Quân, vua đầu tiên của Văn Lang là người Việt Nam,
tương đương với Hoàng đế Trung Quốc, những đổi mới văn hoá của ông có
thể sánh với những cải tiến văn hoá phương Bắc. Nói rằng văn minh cổ đại
của Văn Lang có sự tương đồng với thời cổ đại xa xôi của Trung Quốc trên
thực tế có nghĩa là khẳng định sự bình đẳng giữa Bắc và Nam, thông qua
tiêu chí chính trị và văn hoá mà người Trung Quốc đưa ra để tuyên bố ưu
thế của họ hơn tất cả tộc người khác.
Việc khắc hoạ Việt Nam như một quốc gia văn
hoá [văn hiến chi bang
文獻之邦] tương tự Trung Quốc sẽ được
Nguyễn Trãi lặp lại vào cuối thế kỷ XV, khi ông viết
Bình Ngô đại cáo, tuyên bố
thất bại của nhà Minh khiến quân đội Minh triều bị đánh đuổi ra khỏi
Việt Nam:
Đất đai
bờ cõi đã chia
Phong
tục Bắc Nam cũng khác
Từ
Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền độc lập
Cùng
Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Trong tuyên ngôn của mình, Nguyễn Trãi đã sử dụng các yếu tố truyền
thống Trung Quốc để chỉ ra phương thức đúng đắn nhằm ngăn chặn âm mưu
của nhà Minh - Trung Quốc. Đối với ông, các thể chế Hán (Sinic)
không phải là “Trung Quốc” và Việt Nam không phải là một thực thể bên
ngoài chỉ biết bắt chước họ [O'Harrow, 1979: 174]. Tuyên ngôn của Nguyễn
Trãi là một nỗ lực chứng minh nền độc lập và bình đẳng của Việt Nam.
Giống như các nho sĩ Việt Nam khác, ông tin rằng văn học cổ đại Trung
Quốc có đặc trưng phổ quát chứ không chỉ đơn giản là các mô hình kinh
nghiệm của Trung Quốc. Trong một số trường hợp, các học giả này đánh
đồng các phương châm của Khổng giáo với một kiểu công nghệ, một công
nghệ tiên tiến nhất để kiểm soát và quản lý xã hội. Do đó, họ không ngần
ngại khơi gợi các đoản văn Hán ngữ như những tinh hoa về phép tu từ để
minh họa vị trí cao quý của họ trên thế giới và coi bất cứ điều gì mà họ
nói ra đều là chuẩn mực. Nói cách khác, các mô hình văn hoá Trung Quốc
vẫn đồng nghĩa với “nền văn minh”, và bởi vậy giới nho sĩ Việt Nam không
ngừng xác lập văn hoá Việt Nam tách biệt khỏi các nước láng giềng Đông
Nam Á, kiên trì nâng cao nhận thức phổ biến về các chuẩn mực Nho giáo
nhằm làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa dân tộc Việt Nam và Khổng giáo.
Do sự liên kết văn hóa này, trong quá khứ, các học giả Việt Nam luôn có
xu hướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đất nước họ như một trung gian
chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Lê Quý Ðôn đã có
lần tuyên bố một cách dứt khoát rằng sản vật của Việt Nam hơn hẳn
Trung Quốc ở tất cả mọi thứ từ hoa trái đến rau quả. Trên tất cả,
ông chỉ ra rằng các loại gạo chín sớm đa dạng đều có nguồn gốc từ
Champa, sau đó đến Việt Nam trước hết, rồi mới tới Trung Quốc. Như
Alexander Woodside đã gợi ý, sự lan rộng toàn thế giới của gạo Chăm vào
thế kỷ XI trở thành chủ đề chính cho độc giả Việt Nam vào bảy thế kỷ sau
đó, "Lê Quý Đôn đã mời họ hình dung lại toàn bộ lĩnh vực kinh tế của
biển Nam Trung Quốc trong cái nhìn tách khỏi Trung Quốc và ủng hộ Đông
Dương "[Woodside, 1997: 256257]. Rõ ràng mục tiêu của Lê Quý Đôn không
chỉ làm giảm tầm quan trọng của Trung Quốc, mà còn lấy dữ liệu từ sự
phát triển nông nghiệp khu vực để mang lại chiều sâu ý thức về bản sắc
Việt Nam.
Đối với tầng lớp thượng lưu của Việt Nam những năm 1700 và đầu những năm
1800, đế quốc Trung Hoa đã không thể
hoàn thiện cộng đồng lý tưởng của các triết gia Khổng học. Trong
mắt người Việt Nam, Trung Quốc thực sự là một đế quốc của các đô thị
thương mại khổng lồ nơi các nhà cai trị giả dối nói bằng nhiều thứ
tiếng. Ngược lại, ở Việt Nam, thương mại nhỏ hơn, gần gũi hơn với quy mô
của các thành phố - tiểu bang thời đại Khổng Tử, và có môi trường tiềm
năng thích hợp hơn cho các giá trị Nho giáo [Woodside, 1997: 248]. Do
đó, niềm tin của bậc đế vương Việt Nam là họ không cần phải là người
'Trung Quốc' để tạo ra một quốc gia có các phẩm chất như các quốc gia mà
Khổng Tử ngưỡng mộ. Điều này giải thích lý do tại sao biên niên của nhà
Nguyễn mô tả bậc đế vương Việt Nam trong thế kỷ XIX như là người thực sự
bảo tồn Khổng học chính thống, với văn hoá vượt trội so với nhà Thanh là
giống “man di” vì có nguồn gốc từ Mãn Châu.
Những tuyên bố bá quyền của Trung Quốc và cuộc kháng chiến dai dẳng của
người Việt Nam chống lại tuyên bố này, minh chứng cho sự tin tưởng ngoan
cường của người Việt rằng Việt Nam và Trung Quốc, trái ngược với tín
điều Trung Quốc, có chủ quyền ngang nhau. Sự xác tín này rõ ràng được
xác lập như là phủ nhận các tham vọng của Trung Quốc muốn chiếm lĩnh vai
trò là trung tâm duy nhất trên thế giới [Wolters, 1979]. Trong lời mở
đầu cho các biên niên sử Việt Nam, nhà sử học thế kỷ XV Ngô Sĩ Liên lập
luận rằng người Việt có nguồn gốc từ Thần Nông, một trong những bậc minh
quân huyền thoại của Trung Quốc, nhưng thuộc nhánh khác với Trung Quốc [Đại
Việt sử ký, 1983: 99]. Điều này góp phần làm nên hình ảnh lý tưởng
của mối quan hệ giữa người Việt Nam với Trung Quốc: có cùng nguồn gốc,
nhưng với một lịch sử độc lập, ngầm phủ nhận bá quyền chính trị của
Trung Quốc. Như một hệ quả, các nguyên thủ Việt Nam hình dung về thế
giới từ quan điểm 'Bắc' và 'Nam', khẳng định rằng kể từ khi được độc lập
khỏi ách đô hộ Trung Quốc, họ đã liên tục duy trì một truyền thống đế
quốc phía Nam vốn bắt nguồn từ thời cổ đại, và do đó bác bỏ vị trí trung
tâm của Trung Quốc trong vũ trụ [Nguyễn Thế Anh, 1990: iii]. Do đó, tới
lượt mình, họ nỗ lực buộc các nước láng giềng Đông Nam Á nhìn nhận phiên
bản của họ về một thế giới nơi họ cũng phải chiếm vị trí vượt trội
[Woodside, 1971: 234-246].
Trong khi người Việt duy trì được độc lập qua nhiều thế kỷ mặc dù các
hoàng đế Trung Quốc liên tục đòi áp đặt quyền lực của họ đối với Việt
Nam, phần lớn là do Trung Quốc cho rằng bất cứ điều gì mà họ thèm muốn ở
Việt Nam, những gì họ nhận được không xứng với thứ mà họ yêu cầu. Do đó,
mối quan hệ phiên thuộc vẫn được duy trì, từ quan điểm của Trung Quốc có
nghĩa là mối quan hệ của bá chủ và chư hầu, từ quan điểm của người Việt
Nam là mối quan hệ của hai nước độc lập, có “chủ quyền” (dù không bình
đẳng về mặt quyền lực). Tuân thủ nghiêm túc các quy tắc và diễn giải về
mối quan hệ này theo như quan niệm của Việt Nam góp phần vào chung sống
hòa bình. Tuy nhiên, mối quan hệ phiên thuộc không phải là quan hệ giữa
hai quốc gia bình đẳng, mà là do sự sắp xếp phức tạp, theo đó, mặc dù
không được thể hiện cụ thể bởi bất kỳ điều ước nào, chúng vẫn dựa trên
các quan hệ cá nhân giữa hai bậc đế vương của hai nước. Điều đó ngầm
hiểu là Trung Quốc thoả thuận hiện diện với tư cách cường quốc đồng ý hỗ
trợ cho chư hầu của mình trong trường hợp cần thiết, và bên chư hầu ngầm
chấp nhận các nghĩa vụ theo nghi lễ nhất định, nhất là các nghĩa vụ cống
nộp định kỳ cho triều đình Trung Quốc. Vị thế phiên thuộc
không áp đặt cho quốc gia Việt Nam, mà giành cho hoàng đế, người
về nguyên tắc có tính hợp pháp vì được Hoàng đế Trung Quốc phê chuẩn.
Qua nghi lễ tấn phong này, Thiên tử của Trung Quốc long trọng tuyên bố
người mà ông ban cho danh hiệu “An Nam Quốc vương” là xứng đáng vì lòng
trung thành và tận tuỵ. Như vậy, việc phong tặng tạo ra sự phụ thuộc,
nhưng đồng thời góp phần thiết lập tính hợp thức cho nền quân chủ Việt
Nam với sự giúp đỡ của nước láng giềng to lớn.
Bắt nguồn từ các cuộc chinh phạt từ thời Hán,
quyền bá chủ của Trung Quốc, đến tận thế kỷ XIX được khẳng định liên
quan đến lãnh thổ Việt Nam hơn là đối với dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ
gắn liền với quan điểm truyền thống về trọng luân lý và đạo đức của
Trung Quốc như là bá chủ thiên hạ
(天下),
mà còn phân định khá rõ ở
miền bắc Việt Nam, một phần của
lãnh thổ
領土
hoặc “đất tiếp giáp” với Hán và Đường[2].
Sau khi Việt Nam giành độc lập, sự can thiệp của Trung Quốc tập trung
chủ yếu vào việc khôi phục các vị trí hoàng thân Việt Nam bị phế truất.
Vấn đề tính hợp pháp vẫn luôn là mối quan tâm của Trung Quốc cho đến
thời kỳ hiện đại. Hành động của Minh Thành Tổ
năm 1407 chủ đích là trị an chư hầu gặp sự biến, khi vua thuộc
quốc kêu gọi giúp đỡ, và sau đó trả lại trật tự. Trong triều đại nhà
Thanh, Việt Nam là một trong ba hoặc bốn chư hầu trung thành nhất trong
việc cống nạp cho triều đình Bắc Kinh. Và trong nhiều trường hợp, quân
đội của hoàng đế [Trung Quốc] được cử đến lãnh thổ Việt Nam, theo yêu
cầu của hoàng đế Việt Nam, để đàn áp nổi loạn địa phương. Cho đến thế kỷ
XIX, những sự kiện đó, cùng với mối quan hệ văn hoá và chủng tộc lâu
đời, đã được người Trung Quốc xem là bằng chứng đầy đủ về quyền bá chủ
không thể xoá bỏ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống phiên thuộc thỏa mãn các lợi ích cơ bản của hai bên.
Đối với Trung Quốc, đó là một phương tiện hành động thông minh và tiết
kiệm để giữ lại trong quỹ đạo ảnh hưởng của nó một quốc gia lân cận mà
vì lý do thực tiễn họ không thể kiểm soát trực tiếp. Điều này cho phép
Trung Quốc có trong tầm tay một chư hầu thuần phục có thể giúp họ giữ
yên xã hội phương Nam. Về phần mình, các vị hoàng đế Việt Nam ý thức rõ
ràng về sự cần thiết phải chấp nhận tư cách phiên thuộc của họ, để ngăn
chặn sự can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào công việc nội bộ. Hơn
nữa, vì lợi ích, triều đình
Việt Nam thà mất một phần chủ quyền để đổi lấy sự đảm bảo rằng nếu có
biến trong nước, vua Việt Nam sẽ được Trung Quốc trợ giúp, Trung Quốc sẽ
chịu trách nhiệm về mặt đạo đức phải bảo vệ triều đại hợp pháp mà họ đã
công nhận-, và trong thời bình,
sẽ không có nguy cơ bị Trung Quốc can thiệp, chinh phục và trực
tiếp cai trị đất nước. Bên cạnh đó, giới cai trị ưu tú của Việt Nam dễ
dàng chấp thuận chế độ chư hầu này chừng nào nó cho phép họ hưởng lợi từ
lợi ích vật chất và văn hoá: các sứ thần được cử đến triều đình Trung
Quốc có dịp được mang về nước mình những cuốn sách văn học và khoa học,
chưa kể đến lợi nhuận từ kinh doanh phụ trong thời gian đi sứ.
Tuy nhiên, các Hoàng đế Việt Nam đã thận trọng
thực hiện các hoạt động nhằm vô hiệu hóa những hạn chế của hệ thống
phiên thuộc mà họ không thể công khai xoá bỏ. Bắt đầu với nhà Trần
(1226-1400), những người đứng đầu Việt Nam đã sử dụng tên giả
[Giả húy,
假
諱] trong thư tín ngoại giao của họ với
triều đình Trung Quốc [Hoàng Xuân Hãn 1967: 143-144]. Người đi thế Quang
Trung khi sang Bắc Kinh năm 1790 để nhận tấn phong nhằm mục đích tương
tự [Trương Bửu Lâm 1968: 174-177]. Trong những trường hợp này, đối với
các nhà cai trị Việt Nam việc lừa dối triều đình Trung Quốc không ý
nghĩa bằng việc tìm ra một thủ thuật ngầm để làm mất hiệu lực việc tấn
phong của Hoàng đế Trung Quốc: khi việc tấn phong dành cho một thực thể
giả, nó sẽ là vô nghĩa. Bằng cách đó, tính độc lập của nền quân chủ Việt
Nam ít nhất được bảo đảm.
Dù sao, người Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về
việc họ vay mượn văn hoá của một nền văn minh, thay vì nhiều nền văn
minh khác nhau. Họ vẫn nghĩ như vậy cho đến khi chế độ thuộc địa của
Pháp đến buộc Việt Nam phải quay lưng lại với truyền thống Trung Quốc và
hướng tới văn hoá phương Tây. Sự hiện diện của Pháp cũng làm gián đoạn
xu hướng địa phương hóa xã hội Việt Nam của những người Trung Quốc là
thương nhân và người tị nạn đến Việt Nam. Cho đến lúc đó, những người
Trung Quốc đến định cư ở Việt Nam đã thích nghi với trật tự chính trị
bản địa và thường được coi là đã vượt qua “bài kiểm tra văn hoá”[3]
Sau khi bị áp đặt bởi những nguyên tắc của
người Pháp, mối quan hệ lâu dài giữa Hoa kiều với môi trường văn hoá
thay đổi do sự kết hợp của chính sách thực dân Pháp và sự tập trung cao
độ các lao động nhập cư: không chỉ các Hoa kiều không đồng hoá được môi
trường bản địa, mà còn làm cho những người nhập cư sau họ trở nên khó
khăn hơn trong thích nghi. Với thành công của cuộc cách mạng cộng sản ở
Trung Quốc năm 1949, tình hình biến đổi hoàn toàn. Không chỉ có mối quan
hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo và cán bộ ở cả hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và
Việt Nam,[4]
mà còn cả triết lý đã nuôi dưỡng Đảng Cộng sản Đông Dương đặc biệt nhấn
mạnh vào nguyên tắc "chủ nghĩa quốc tế vô sản" và ý tưởng về 'sự hiệp
nhất của các đảng anh em', được so sánh ẩn dụ với “môi và răng”. Các ấn
phẩm gần đây đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người Trung Quốc trong việc
lập kế hoạch và thậm chí chỉ huy các chiến dịch quân sự trong các cuộc
chiến do Việt nam Dân chủ Cộng hòa
tiến hành chống Pháp và Hoa Kỳ[5].
Thực tế, với quan hệ chặt chẽ
Việt-Trung thời đó và kinh nghiệm quân sự của Trung Quốc, các nhà
lãnh đạo dường như đã cho phép Trung Quốc có quyền tham gia rộng rãi và
ảnh hưởng đến quyết định được đưa ra trong chiến tranh. Chất lượng mới
của mối quan hệ Trung-Việt thể hiện trong việc sử dụng thuật ngữ "bọn
phong kiến phương Bắc" để chỉ người Trung Quốc khi họ xâm chiếm Việt
Nam. Do đó, sự nổi lên của cuộc xung đột Trung-Xô vào cuối những năm
1950 và bùng nổ năm 1960
dường như là một sự xáo trộn khủng khiếp của trật tự tự nhiên. Tương tự,
trong vòng 15 năm tiếp theo, trong khi cuộc chiến tranh chống Mỹ phát
triển và tiếp tục qua các giai đoạn khác nhau, người Việt Nam đã kiên
nhẫn quản lý được mối quan hệ kép, một mặt nhận được sự trợ giúp thiết
yếu từ Liên Xô và khối XHCN Châu Âu và mặt kia, từ
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Chuyển đổi một cách hiệu quả mối quan hệ
truyền thống được thể hiện dưới hình thức phiên thuộc thành một mối quan
hệ mới trên cơ sở bình đẳng về lý thuyết đòi hỏi phải có sự điều chỉnh
lớn trong quan điểm của mỗi quốc gia đối với phía bên kia. Đối với vấn
đề đó, áp lực của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào cũng được người
Việt Nam cảm nhận bằng trực giác như một mối đe dọa đối với sự sống còn
của dân tộc. Mặt khác, sự khẳng định của Việt Nam về các lợi ích quốc
gia chứ không phải chiều theo chính sách của Trung Quốc cũng được người
Trung Quốc cảm nhận theo bản năng như một sự xấc xược gần với bất phục
tùng. Như một hệ quả không thể tránh khỏi của sự khác biệt về quy mô
giữa hai nước, những cảm xúc này vẫn còn nằm ở gốc rễ của quan hệ
Trung-Việt ngày nay như đã từng xảy ra một hoặc hai ngàn năm trước đây.
Những nguyên nhân khác nhau của sự đổ vỡ mối quan hệ hòa bình giữa hai
nước năm 1978 (khôi phục lại những căng thẳng cũ dọc theo biên giới, sự
can thiệp của người Việt để giúp lật đổ chế độ Pol Pot ở Cambodge) có lẽ
ít quan trọng hơn so với việc Trung Quốc không thích ý tưởng về một nước
Việt Nam thật sự độc lập. Quan hệ Việt-Trung xấu đi kể từ khi Trung Quốc
cắt viện trợ vào giữa năm 1978 và kể từ khi Hiệp ước Liên Xô-Việt Nam
được ký kết tháng 11 năm đó đã gần đạt đến điểm châm ngòi cho cuộc xâm
lăng của Trung Quốc, một sự đảo ngược chính sách cũ của «giới phong kiến
phương Bắc»[6].
Cuộc tấn công kéo dài 28 ngày này và việc quân đội Trung Quốc rút khỏi
Việt Nam kéo theo những diễn biến liên quan, chẳng hạn việc trục xuất
người Hoa ra khỏi Việt Nam, thay đổi cán cân lực lượng ở biên giới phía
Nam Trung Quốc. Chiến tranh với Việt Nam là một cú tát vào mặt những
người theo chủ nghĩa lý tưởng ở Trung Quốc vẫn còn tin vào tính đúng đắn
của “chủ nghĩa quốc tế vô sản”[7].
Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao Việt-Trung không bị phá vỡ. Bên cạnh đó,
khi Liên Xô sụp đổ, Hà Nội
không còn cách nào khác ngoài việc sớm nối lại quan hệ với Bắc Kinh.
Chắc chắn, sự e ngại và sự không đồng thuận vẫn dồn về những ý đồ của
Trung Quốc. Những ngờ vực sâu sắc trong lịch sử giữa hai nước sẽ không
dễ tiêu tan. Trong khi những người bảo thủ Việt Nam, đặc biệt là quân
đội, đánh giá Trung Quốc như là đồng minh cộng sản cuối cùng quan trọng
nhất, các nhà cải cách chỉ ra mối đe dọa mà Trung Quốc có thể gây ra
trong một hoặc hai thập kỷ khi họ củng cố sức mạnh quân đội, đặc biệt là
hải quân. Tuy nhiên, người Việt Nam đã tích cực tìm cách cải thiện và
hoàn toàn bình thường hóa quan hệ thông qua một loạt các chuyến thăm cấp
cao và các hiệp định. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc
ấm hơn vào năm 1989, một thập kỷ sau khi quân đội Trung Quốc tấn
công miền Bắc Việt Nam để "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã xâm lược
Cambodge. Thương mại biên giới hưng thịnh được khôi phục lại. Khách hàng
từ khắp Việt Nam đến thị trấn biên giới Ðồng Ðăng để giao thiệp với các
thương gia tư nhân để mua quạt, phích nước, xe đạp, băng ghi âm, đồ gốm
sứ, bia và hàng tiêu dùng khác do Trung Quốc sản xuất. Thương nhân Trung
Quốc tìm mua hải sản, động vật hiếm để làm thuốc, đồng, vải, rau, thịt
và gạo. Về phần mình, Việt Nam đã từ bỏ các chính sách phân biệt đối xử
với Hoa kiều vốn đã khiến cho Bắc Kinh định tố cáo vào năm 1978. Quan
chức Việt Nam đã sẵn sàng thừa nhận rằng họ đã mắc sai lầm trong cuộc
vận động chuyển đổi xã hội
chủ nghĩa tháng 3 năm 1978 để cải tạo công thương nghiệp, bắt các hãng
công thương nghiệp tư nhân theo tư bản ở miền Nam - khoảng một nửa trong
số đó là người Hoa.
Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành một cường
quốc khu vực duy nhất, làm bất cứ việc gì cũng phải xem xét mọi ý đồ và
chính sách của họ. Vị trí của Trung Quốc trong sự cân bằng quyền lực của
châu Á có thể là của một nước Trung Hoa mới, một phiên bản hiện đại bắt
đầu hình thành rõ ràng khi Bắc Kinh tìm cách khôi phục lại vị trí lịch
sử của Trung Quốc như là cường quốc của châu Á. Trong quan hệ quốc tế,
sức mạnh quân sự, chính trị nội bộ, tiến bộ kinh tế và chủ nghĩa
dân tộc lên cao, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc châu Á mà mọi
quốc gia phải tính đến. Khái niệm Trung Quốc như là cường quốc vượt trội
ở châu Á đã quay trở lại, vì vậy mà không một quyết định nào đưa ra mà
thiếu sự phê chuẩn của Bắc Kinh[8].
Nhưng, khi Bắc Kinh tuyên bố bắt buộc phải có "mối quan hệ tốt đẹp với
các nước xung quanh", Giang Trạch Dân đã trích dẫn Tân Hoa Xã, cơ quan
thông tấn quốc gia Trung Quốc, nói về xung đột Trung-Việt năm 1979
rằng “một số vấn đề lịch sử còn lại” có thể được giải quyết hợp
lý, miễn là hai bên biết nhìn xa trông rộng, hiểu nhau và tham khảo ý
kiến một cách công bằng và hợp lý. Trong những trường hợp này, sức
mạnh chính định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam phải là Trung
Quốc. Trong những năm gần đây, quay trở lại với Trung Quốc như là một
nguồn hỗ trợ tư tưởng và chính thống, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản
Việt Nam liên tục thực hiện các chuyến hành hương của họ đến Bắc Kinh,
nơi họ cam kết các mối quan hệ về ý thức hệ với các đối tác Trung Quốc
của họ, viện dẫn các ngôn từ hoa mỹ của chủ nghĩa marxisme-léninisme và
cam kết đưa quan hệ Việt-Trung lên “một tầm cao mới”.
Ngày 8 tháng 12 năm 1997, Lý Thụy Hoàn李瑞環,
Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ tịch
Hiệp thương chính trị nhân dân Trung
Quốc [Mặt trận tổ quốc], tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam: «Trung
Quốc và Việt Nam núi liền núi sông liền sông, nhân dân hai nước chia sẻ
tình hữu nghị truyền thống qua bao đời nay. Trong cuộc đấu tranh cách
mạng dài lâu, nhân dân Trung Quốc và Việt Nam đã ủng hộ và giúp đỡ lẫn
nhau, chia ngọt sẻ bùi, chiến đấu bên cạnh nhau và tạo ra một sự đồng
cảm cách mạng sâu sắc. Trong những năm qua, Trung Quốc và Việt Nam đã
đạt được tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ láng giềng và hữu nghị tốt
đẹp. Trung Quốc và Việt Nam chia sẻ các mục tiêu và nhiệm vụ cũng như
những khó khăn chung ... ». Đáp lại, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương bày
tỏ: "Việt Nam coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung
Quốc, và sẽ làm việc hết mình để thực hiện các mối quan hệ hợp tác với
Trung Quốc một cách toàn diện, trên tinh thần hữu nghị vào thế kỷ XXI”[9].
Kể từ đó, các diễn ngôn chính thức đều nhấn mạnh mối quan tâm chung rất
quan trọng mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều chia sẻ là phát triển thành
công "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa". Trung Quốc đứng một mình
trong số 5 quốc gia xã hội chủ nghĩa còn lại và được coi là thành công
trong nỗ lực thực hiện tư tưởng này. Hành trình tới Trung Quốc để nghiên
cứu khả năng áp dụng các cải cách thị trường xã hội chủ nghĩa kiểu Trung
Quốc đối với Việt Nam, do đó là thiết yếu. Bốn tương đồng cơ bản giữa
các cuộc cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam được kể ra là: theo đuổi chủ
nghĩa xã hội có tính đến điều kiện của từng quốc gia; đổi mới và cải
cách làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định tình hình chính
trị; huy động nguồn lực trong nước đồng thời tận dụng hợp tác quốc tế;
tất yếu phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.[10]
Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ngày 28
tháng 11 năm 1998, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm tuyên
bố: " Nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung, chúng ta
đã tích cực và chủ động đẩy mạnh tình hữu nghị và quan hệ hợp tác với
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta cũng đã
duy trì tất cả các cuộc họp cấp cao hàng năm. Sự kiện nổi bật nhất trong
năm nay là chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Trung Quốc của Thủ tướng
Phan Văn Khải vào tháng 10. Việc trao đổi các chuyến thăm giữa các ngành
và địa phương ở hai nước tiếp tục phát triển tích cực. Chỉ riêng trong 9
tháng đầu năm nay, 80 chuyến viếng thăm trao đổi đã được thực hiện bởi
các phái đoàn từ cả hai phía ở tất cả các cấp. Chúng ta đã tích cực đưa
ra các biện pháp thiết thực để tăng cường hiệu quả của hợp tác kinh tế,
thương mại, đầu tư và tăng khối lượng thương mại. Chúng ta đang phấn đấu
đưa khối lượng thương mại song phương lên 2 tỷ đô la vào năm 2000. Gần
đây, các hiệp định thương mại biên giới, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ
lãnh sự sẽ giúp khôi phục lại trật tự quản lý khu vực biên giới. Chúng
ta đã cố gắng đẩy nhanh quá trình đàm phán cho việc ký kết thoả thuận về
biên giới đất liền và thoả thuận về việc phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm
2000 phù hợp với sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo cấp cao của hai
nước. Nói tóm lại, chúng ta đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể
trong mọi cuộc đàm phán”[11].
Về vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt
Nam và Trung Quốc, các cuộc đàm phán tẻ nhạt và không mang tính chiến
lược, liên quan đến hàng trăm điểm còn gây bất đồng trong đo lường liên
quan đến những sai số dưới vài trăm mét có nguồn gốc từ một bản đồ thế
kỷ trước. Tuy nhiên, tranh cãi về đất đai biên giới được giải quyết
nhanh chóng. Tháng 12 năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được một
thỏa thuận lịch sử về phân định ranh giới đất liền. Một năm sau, một
thỏa thuận khác giải quyết vấn đề Vịnh Bắc Bộ bằng cách vẽ đường chia
đều giữa Việt Nam và đảo Hải Nam. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn xa nhau khi
đề cập đến hai quần đảo trên biển Đông nơi họ có những tuyên bố tranh
chấp về Trường Sa và Hoàng Sa[12].
Hai nhóm đảo tranh chấp ngoài khơi bờ biển Việt Nam vẫn là những điểm
nóng tiềm ẩn trong quan hệ Việt-Trung. Trường Sa (Nam Sa theo tiếng
Trung Quốc), "hòn đảo của những nơi nguy hiểm”, như cách gọi của các
thủy thủ thế kỷ XIV, có tầm quan trọng vì các mỏ dầu tiềm năng, các vùng
đánh cá phong phú và vị trí chiến lược cùng với các tuyến vận tải chính
thông qua biển [Đông của Việt
Nam]. Trung Quốc nhắc lại những gì họ gọi là “Chủ quyền không thể tranh
cãi” kể từ triều đại nhà Đường đối với Trường Sa. Việt Nam tuyên bố chủ
quyền dựa vào các bản đồ thời Pháp thuộc và bằng chứng khảo cổ học (đặc
biệt là gốm Việt Nam có niên đại thế kỷ XIII). Một số nội dung tranh cãi
liên quan đến vấn đề định nghĩa. Điều thực sự quan trọng là hình ảnh mà
những hòn đảo này đại diện, biểu tượng. Nếu mối quan hệ với Trung Quốc
đã được cải thiện liên tục trong thập kỷ vừa qua kể từ khi bình thường
hoá quan hệ, tất cả không có gì ngoài việc hoà giải liên quan đến Trường
Sa.
Những tranh chấp lãnh thổ này vẫn còn âm ỉ, dù
vào tháng 6 năm 2000, 21 năm sau khi hàng nghìn binh lính Trung Quốc đổ
vào Việt Nam để dạy cho Việt Nam một bài học vì đã xâm lược Cambogde vào
Giáng sinh năm 1978, 16 trong số các quan chức cấp cao nhất của Việt Nam
đã tới Trung Quốc để thảo luận một bài học khác, không được tuyên bố
công khai: làm thế nào để cải cách một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà
không mất đi sự kiểm soát của Đảng. Sự phát triển là một điều phi
thường. Với nền kinh tế ảm đạm và Đảng Cộng sản Việt Nam bị ám ảnh phải
duy trì vai trò lãnh đạo, Hà Nội dường như tìm kiếm chỗ cứu hộ trong mối
quan hệ gần gũi với kẻ thù lâu đời nhất [Chanda, 2000]. Được điều hành
bởi Uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Đình Giới
李廷介,
các đại biểu Việt Nam đã tham gia “Toạ
đàm lý luận” kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ 13 tháng 6, sau đó đến Tây Nam
Trung Quốc để tiến hành khảo sát thực địa về cải cách kinh tế. Khi cuộc
họp bắt đầu, Bắc Kinh tuyên bố đã cho Việt Nam 55 triệu đô la để nâng
cấp hai nhà máy thép và phân bón do Trung Quốc xây dựng. Cuộc họp là một
trong nhiều dấu hiệu của nối lại tình hữu nghị, nếu không thì là việc
Việt Nam quay trở về với một trong những vai trò lịch sử của nó, trong
đó Việt Nam là học sinh và Trung Quốc là thày giáo. Đây được gọi là
thuật ngữ chính thức như là tình bạn dựa trên “16 chữ vàng”, mà báo Nhân
Dân của Đảng Cộng Sản Việt Nam kể ra:
"Láng
giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"
[13].
Tờ báo nhấn mạnh rằng việc trao đổi quan điểm và kinh nghiệm, đặc biệt
trong giáo dục chính trị, giữa hai bên là rất cần thiết cho việc xây
dựng và đổi mới đảng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy,
sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc
sẽ được phát triển theo nguyện vọng và lợi ích của mỗi quốc gia.
Rõ ràng, các động thái chiến thuật nằm dưới sự ấm dần lên sau một thời
kỳ xung đột giữa hai nước. "Hãy nhớ rằng, sau khi đánh bại Trung Quốc,
chúng tôi luôn gửi lời tri ân”, một
quan chức của Việt Nam nói về sự bực bội gần đây của Hà Nội. Tuy
nhiên, một số ở Việt Nam nghi ngờ về sự khôn khéo đằng sau. Trần Bạch
Ðằng, một nhà lãnh đạo cộng sản kỳ cựu ở thành phố Hồ Chí Minh, tuyên bố
thẳng thừng rằng Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại
Việt Nam bằng cách làm tràn ngập thị trường của Việt bằng hàng hóa giá
rẻ [Chanda, 2000]. Nói về tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam với Trung
Quốc ở biển Nam Trung Hoa, ông nói: "Trung Quốc là mối đe dọa không chỉ
đối với Việt Nam mà còn đối với thế giới. Trung Quốc đã tấn công tất cả
các nước láng giềng: Ấn Độ, Việt Nam và Nga". Mặc dù họ chia sẻ các quan
niệm chung về xã hội chủ nghĩa, sự gần gũi về mặt địa lý, và các mối
quan hệ đã bình thường hoá, cả hai quốc gia vẫn còn cảnh giác với nhau.
Tư tưởng và mối quan tâm quốc gia chi phối
việc bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt-Trung. Trung Quốc và
Việt Nam đang chứng kiến một tình huống mới khi cơ hội và thách thức
cùng tồn tại. Vì cả hai quốc gia đang chia sẻ một gắn kết chung - tư
tưởng cộng sản, cải cách kinh tế, và hội nhập trong nền kinh tế toàn cầu
– họ thể hiện những tương đồng tuyệt đối. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đặc
biệt muốn biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cân nhắc ra sao những rủi ro
đối với chế độ độc đảng khi tham gia WTO, và nó tác động như thế nào
đến người dân Trung Quốc. Họ muốn tìm hiểu làm thế nào để bảo đảm
rằng nguyên tắc cộng sản không bị phá vỡ khi mở cửa ra với kinh tế thế
giới[14].
Cũng giống như ở Trung Quốc, chống tham nhũng nhằm mục đích nhằm củng cố
nền tảng chính trị của một nhóm nắm quyền. Các nhà tư tưởng Trung Quốc
và Việt Nam đồng thuận trong việc đạo đức hóa hình ảnh Đảng Cộng sản của
họ để chống lại các cú sốc từ bên ngoài. Và cũng giống như Trung Quốc,
các nhà lãnh đạo Việt Nam tìm thấy một kẻ thù nước ngoài thích hợp, và
nếu như không có, họ phải tạo ra: cáo buộc lâu dài về “gián điệp nước
ngoài” không phải là điều có thể được chứng minh, nhưng phục vụ một mục
đích tốt, vì vậy chính quyền Hà Nội vẫn tiếp tục chiến dịch chống lại kẻ
thù này. Đối với vấn đề đó, sự đàn áp của Trung Quốc giành cho Pháp Luân
Công không nghi ngờ gì đã được các lãnh đạo Việt Nam khen ngợi và coi là
nhằm tăng cường các xu hướng đàn áp đối với bất kỳ nhóm nào cố gắng hoạt
động độc lập với quyền lực nhà nước. Quan điểm của Trung Quốc về nhân
quyền và tự do tôn giáo là đối trọng chống lại áp lực của phương Tây và
củng cố mạnh thái độ chính thức của Việt Nam.
Mặc dù vậy, mục tiêu cơ bản của Việt Nam vẫn là tránh phụ thuộc quá
nhiều vào Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng châu Á đã làm thay đổi vị thế của
Việt Nam trong không gian của khu vực. Tìm kiếm sự cân bằng giữa Đông
Nam Á và Trung Quốc, chính phủ Việt Nam thực hiện một cách tiếp cận
chiến lược và chính trị trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, ngược lại với
hành động có xu hướng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Trên thực
tế, việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 chủ yếu là từ các động cơ
chính trị: niềm tin rằng những xích mích xưa cũ giữa Việt Nam và Trung
Quốc ít có khả năng bùng phát thành xung đột công khai khi Việt Nam
thuộc về ASEAN, một nhóm có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc. Trong
khi đó, trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc trong
một loạt các mặt hàng xuất khẩu từ giày dép đến dệt may, và các doanh
nhân địa phương đã kinh ngạc trước triển vọng đối mặt với một người
khổng lồ cạnh tranh như vậy ở phía Bắc khi các cam kết cải cách của
Trung Quốc với WTO được kích hoạt. Mối quan ngại là hàng hoá Trung Quốc,
đã được bán rộng rãi ở Việt Nam, có thể tiếp tục tràn ngập khi nền kinh
tế Trung Quốc tiếp tục tăng tốc. Hiện nay, mặc dù Hà Nội rõ ràng trải
nghiệm những cảm xúc phức tạp về đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, họ
muốn thấy việc buôn lậu hàng Trung Quốc phải chấm dứt ở biên giới.
Như vậy, Việt Nam dựa vào hệ tư tưởng để đạt
được các mối quan hệ song phương có khả năng ngăn ngừa xung đột còn bỏ
ngỏ, trong khi thừa nhận vị thế quốc tế vượt trội hiện tại của Trung
Quốc, đáp lại các cam kết của họ đối với an ninh và thương mại quân
bình. Tất cả mọi thứ đều được xem xét, tuy nhiên, những tương đồng về ý
thức hệ dường như vẫn chưa đủ để chiếm ưu thế trong suốt lịch sử thù hận
và nghi kị mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều có điểm chung[15].
T.P.H
dịch
Tài
liệu tham khảo:
Bùi
Xuân Quang (2000),
La troisième guerre d’Indochine,
1975-1999. Sécurité et géopolitique en Asie du Sud-Est. Paris,
L’Harmattan.
Chanda, Nayan (2000),
“Friend or Foe? Hanoi has embarked on a controversial policy of
closer ties with its oldest enemy – China”.
Far
Eastern Economic Review,
June 22.
Chemillier-Gendreau, Monique (1996)
La souveraineté sur les Archipels
Paracels et Spratleys. Paris, L’Harmattan.
Đại-Việt sử ký toàn thư.
Bản dịch:1983. Hanoi, Nxb. Khoa học Xã hội, vol. 1.
Eastman, Lloyd E. (1967),
Throne and mandarins. China’s
search for a policy during the Sino-French controversy, 1880-1885.
Cambridge, Harvard U.P.
Goscha, Christopher E. (1999),
“Entremêlements sino-vietnamiens: Réflexions sur le sud de la
Chine et la révolution vietnamienne entre les deux guerres”.
Approches-Asie 16:81-108.
Hoàng
Xuân Hãn (1967) “Vụ Bắc-Sứ năm Canh thìn đời Cảnh Hưng”.
Sử Ðịa
[History-Geography, Saigon] 6: 3-5, 142-155.
Nguyễn
Thế Anh (1989) “La frontière sino-vietnamienne du xie au xviie siècle”.
In Les frontiers du Vietnam.
Paris, L’Harmattan: 65-69.
Nguyễn
Thế Anh (1990), Le Đại-Việt et
ses voisins. Paris, L’Harmattan.
Nguyễn
Thế Anh (1996),
“L’immigration chinoise et la colonisation du delta du Mékong”.
The Vietnam Forum, 1:
154-177.
Nguyễn
Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng (1983),
Quân thủy trong lịch sử chống
ngoại xâm. Hà Nội: Quân
đội nhân dân.
O’Harrow, Stephen (1979), “Nguyễn Trãi’s Bình ngô đại cáo
平吳大誥
of 1428: The Development of a Vietnamese National Identity”,
Journal of Southeast Asian
Studies,10-1.
Qiang Zhai (2000) China and the
Vietnam wars, 1950-1975. Chapel Hill, University of North Carolina
Press.
Stuart-Fox, Martin (2002) China
and Southeast Asia. St Leonards, Allen and Unwin, 2002.
Taylor, Keith W. (1983) The Birth
of Vietnam. Berkeley, University of California Press.
Trocki, Carl A. (1997) “Chinese Pioneering in Eighteenth-Century
Southeast Asia”, The Last Stand
of Asian Autonomies, A. Reid ed. Houndmills, Macmillan Press:
83-101.
Trương Bửu Lâm(1968). “Intervention versus tribute in Sino-Vietnamese
relations”. In The Chinese World
Order, John K. Fairbank ed. Cambridge, Harvard U.P.: tr.165-179.
Văn học
Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược
(1981),
Hanoi,
Nxb. Khoa học Xã hội.
Việt sử
lược. Trần Quốc Vượng dịch: 1960.
Hà Nội: Văn Sử Địa, 1960.
Wolters, O. W. (1979), “Historians and emperors in Vietnam and China:
Comments arising out of Lê Văn Hưu’s History, presented to the Trần
court in 1272”. In Perceptions of
the Past in Southeast Asia, A. Reid & D. Marr ed. Singapore,
Heinemann.
Wolters, O. W. (1999), History,
Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Ithaca, seap.
Woodside,
Alexander (1971), Vietnam and the
Chinese Model . Cambridge, Harvard University Press.
Woodside,
Alexander (1982), “Conceptions of Change and of Human Responsibility for
Change in Late Traditional Vietnam”. In
Moral Order and the Question of
Change:Essays on Southeast Asian Thought , David K. Wyatt &
Alexander Woodside ed. New Haven, Yale Univ. Southeast Asian Studies:
tr.104-150.
Woodside, Alexander (1988) “Vietnamese History: Confucianism,
Colonialism, and the Struggle for Independence”,
The Vietnam Forum
11: 21-48.
Woodside, Alexander (1997). “The Relationship between Political Theory
and Economic
Growth in Vietnam, 1750-1840”. In
The Last Stand of Asian Autonomies. Responses to Modernity in the
Diverse States of Southeast Asia and Korea, 1750-1900 , A. Reid
ed.Houndmills, Macmillan Press: tr. 245-268.
[1]
Nguyên văn Anh ngữ
“Attraction and
Repulsion as the Two Contrasting Aspects of the Relations
between China and Vietnam”,
được trình bày trong Hội thảo
China and Southeast Asia: Historical Interactions. An
International Symposium,
University of Hong Kong, 19-21/07/2001 và được xuất bản trong
Tonan Ajia Kenkyu
(Southeast Asian Studies) [Kyoto Univ.], vol.40, n°4
(03/2003), tr.444-458;
East
Asian Science, Technology, and Medicine
(Tübingen), n°21
(2003), tr.94-113
[2]
Ở nửa sau thế kỷ XIX, người phát ngôn Trung Quốc là Tăng Kỷ
Trạch vẫn còn tuyên bố rằng “Việt Nam thuộc Trung Hoa”, do đó
“Trung Hoa có trách nhiệm bảo hộ toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam”
(dẫn theo Eastman, 1967: 39).
[3]
Xem Nguyễn Thế Anh, 1996 và Trocki, 1997.
[4]
Về những tranh luận của mối quan hệ qua lại trước 1945 giữa ĐCS
Trung Quốc và Việt Nam, xem Goscha, 1999.
[5]
Quang Zhai 2000.
[6]
Về vấn đề này, xem Bùi Xuân Quang: 2000.
[7]
Trong ghi chép cá nhân, Martin Stuart-Fox cho rằng cú tát này
lớn hơn đối với những người theo chủ nghĩa lý tưởng ở Việt Nam
vốn hy vọng “chủ nghĩa quốc tế vô sản” có thể thay thế cho “chủ
nghĩa bành trướng” truyền thống.
[8]
Xem Stuart-Fox 2002, tác giả chứng minh rằng, khi sức mạnh của
Trung Quốc gia tăng và chủ nghĩa Marx được thay thế bằng chủ
nghĩa dân tộc, không chỉ Trung Quốc quay trở lại các mối quan hệ
truyền thống với Đông Nam Á, mà các quốc gia Đông Nam Á cũng
đang đáp lại theo cùng một hướng.
[9]
Xinhua Domestic Service [Phát
thanh quốc nội của Tân Hoa xã],
8/12/1997.
[10]
Nhân Dân,
16/10/1998.
[11]
Bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tại phiên
khai mạc thứ 4, kỳ họp thứ 10 Quốc hội Việt Nam, 28/11/1998.
[12]
Xem
Chemillier-Gendreau: 1996.
[13]
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam
năm 1991, việc trao đổi chuyến thăm và tư vấn thường xuyên về
các vấn đề lớn giữa lãnh đạo hai nước được coi là đóng một vai
trò không thể thay thế trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Gần đây, trong một bài xã luận ngày 7 tháng 9 năm 2001, báo Nhân
Dân mô tả chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội Trung Quốc Lý Bằng như một nguồn động viên cho nhân dân Việt
Nam và một biểu hiện sống động của hai nước mong muốn phát triển
mối quan hệ trên nguyên tắc ":
"Láng
giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới
tương lai"”.
Tờ báo này cũng ca ngợi những thành công lớn của nhân dân Trung
Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được
thành tựu trong xây dựng quốc gia, phát triển kinh tế đều đặn
trong hơn hai thập kỷ cải cách và mở cửa. Tờ báo nhắc lại rằng,
kể từ đầu những năm 1990, hai nước đã phấn đấu để thúc đẩy kinh
tế chính trị, trao đổi văn hoá nhằm nâng cao hợp tác toàn diện
song phương trong các khía cạnh mới.
[14]
Cụ thể, quyết định đưa ra vào giữa năm 2001 để hoàn thiện sửa
đổi hiến pháp năm 1992, với chủ trương tôn vinh quyền của khu
vực tư nhân, khuyến khích Việt Nam bám sát kế hoạch của Trung
Quốc trong việc cho phép các doanh nhân tham gia Đảng Cộng sản
cầm quyền.
[15]
Việc thay thế Lê Khả Phiêu trong chức vụ
người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2001 là
do quá gần gũi với Trung Quốc và những cáo buộc ông đã nhân
nhượng quá nhiều trong đàm phán đường biên giới với Bắc Kinh,
luôn được coi là đối thủ truyền thống của Việt Nam mặc dù có hệ
tư tưởng chung. |