“Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt, cộng với sự độc đoán” hay là chuyện khi “dân là gốc... cây?”
Nguyễn Trọng Bình
1. Ở Việt Nam, theo quan sát của tôi thì câu nói “Đảng, Nhà nước luôn xem “dân là gốc...” là một trong những câu nói thường xuyên được lặp đi lặp trong các bài phát biểu của các vị lãnh đạo (từ trung ương đến địa phương) mỗi khi đề cập đến mối quan hệ giữa chính quyền với toàn thể người dân. Đây là quan điểm trị nước rất tuyệt vời, không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là, như người đời thường nói “mọi lý thuyết đều màu xám” hay nôm na hơn là, nói thì dễ ai nói mà không được nhưng vấn đề là làm như thế nào? Nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, chúng ta sẽ ít khi nghe các vị lãnh đạo ở các nước này nhai đi nhai lại cái điệp khúc xem “dân là gốc” như ở xứ mình. Thế nhưng, hầu như tất cả mọi chủ trương, chính sách, đường hướng phát triển của đất nước đều được họ trình ra một cách cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, phản biện, góp ý... Dù không luôn miệng nói “dân là gốc”, không hô hào “Nhà nước này là của dân, do dân, vì dân”, không tuyên truyền “Đảng ta luôn dựa vào dân” hay “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”... nhưng ở các nước ấy thỉnh thoảng người ta lại tổ chức những cuộc “trưng cầu dân ý” về một vấn đề quan trọng nào đó của đất nước; và người dân thì luôn được đảm bảo đầy đủ các quyền cơ bản nhất như: tự do ngôn luận, tự do tư tưởng...; có quyền xuống đường biểu tình nhằm phản đối một chính sách nào đó nếu như nó đi ngược lại nguyện vọng của mình,... Ở phía ngược lại, trước sự phản ứng của người dân, chính quyền các nước ấy bao giờ cũng rất bình tĩnh và cầu thị xem đó là chuyện hết sức bình thường, đặc biệt không tùy tiện gọi đó là hành vi chống đối hay phản động, chống Nhà nước gì cả... (dĩ nhiên là trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến vấn đề thuộc về bí mật quốc gia...). Và dĩ nhiên, họ sẽ không trù dập hay tùy tiện bắt giam một cá nhân nào đó có quan điểm khác hay thậm chí trái ngược hoàn toàn với họ. Vì thế, có thể nói ở các nước phát triển quan điểm “lấy dân dân làm gốc” hoàn toàn không phải chỉ là mớ “lý thuyết màu xám” mà là “những cây đời” rất tốt và “xanh tươi”. 2. Mấy ngày qua, trên khắp các phương tiện truyền thông từ báo hình, báo giấy, báo nói, báo điện tử (“trái” có, “phải” có) đều sục sôi bàn luận xoay quanh chủ trương và kế hoạch “tàn sát” khoảng 6.700 cây xanh trên toàn thành phố Hà Nội của lãnh đạo chính quyền nơi đây. Có thể nói, đây là một ví dụ sống động nhất cho thấy câu nói “lấy dân làm gốc” chẳng qua chỉ là mớ “lý thuyết màu xám... xịt” không hơn không kém ở đất nước này. Thậm chí, giờ đây có người còn không ngần ngại “lật bài ngửa” với nhân dân, khi tuyên bố chắc nịch:“Chặt cây không phải hỏi dân”. Quả là một câu nói bất hủ đáng được ghi vào lịch sử của ngành tuyên giáo nước nhà. (Nhân đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, ngành lịch sử tuyên giáo nước nhà trước đó không lâu cũng vừa lưu lại một câu nói không kém phần bất hủ khác: “cướp có văn hóa”. Xin đặc biệt lưu ý là cả hai câu nói này đều được khởi xuất từ miệng của ngài Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có tên gọi là Phan Đăng Long. Thiệt là bá đạo!). Qua các phương tiện truyền thông, nhìn hình ảnh những thân cây vừa bị đốn hạ còn trơ lại những cái gốc to, tròn mới biết các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội không hề xem “dân không là gốc” mà “dân là gốc...cây” thì đúng hơn. Người dân thủ đô – nhất là những người đã, đang gắn bó máu thịt với từng hàng cây, góc phố, con đường nơi đây khi chứng kiến số phận không may của khoảng 500 cây vừa bị thi án tử chỉ còn biết ngậm ngùi mà thốt lên rằng “cây cũng có linh hồn”, chắc nó cũng đau đớn lắm! Vì không biết phải làm gì nên có người chỉ biết... khóc hoặc không thì đau... giùm cho linh hồn của những cây vừa bị hạ xác ấy. Còn lại, đa phần đều rất lo lắng cho số phận của hàng ngàn cây khác đang trong tình cảnh “chỉ mành treo chuông”. 3. Thật lòng rất không muốn nhưng “thà đau một lần rồi thôi”, qua cái chủ trương chặt cây này, có thể nói những vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Thủ đô hoặc là không trung thực hoặc là chẳng xem ý kiến nhân dân ra gì! Không thể nói đây là một là một “chủ trương đúng” ,“cần thiết”, “hầu hết dân đồng thuận”... nếu căn cứ vào hơn 20 câu hỏi của các phóng viên, báo đài trên cả nước, (trước đó là 10 câu hỏi phản biện của GS toán học Ngô Bảo Châu gây xôn xao cộng đồng mạng) trong buổi hợp báo mới đây nhưng không được các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội trả lời. Trong đó đặc biệt là câu hỏi của một phóng viên như sau: “Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để có nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số”? Hay thử hỏi, nếu đây là chủ trương đúng, cần thiết, đa phần người dân ủng hộ thì tại sao “ngay sau thông tin Hà Nội quyết định đốn hạ 6.700 trong số chỉ 50.000 cây xanh của thủ đô, fanpage có tên "6,700 người vì 6,700 cây xanh" đã được lập trên mạng xã hội Facebook ngày 17/3, hiện đã có 15.000 người thích”? [1]. Tuy giờ đây, lệnh tạm ngưng chặt cây đã đưa ra nhưng thiết nghĩ điều quan trọng là tất cả lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Thành phố Hà Nội phải nghiêm túc nhìn lại và kiểm điểm chính mình, kiểm điểm những phát ngôn và hành động không trung thực của mình và nhanh chóng công khai xin lỗi nhân dân. Vấn đề không rõ ràng và thiếu minh bạch khi triển khai kế hoạch liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa của người dân thủ đô ở chủ trương này là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng vấn đề sâu xa hơn, phải chăng đây là hệ quả của “lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt, cộng với độc đoán, cộng với mớ “lý thuyết màu xám” xem “dân là gốc” nhưng thật ra “dân chỉ là cái gốc... cây”, muốn chặt lúc nào là chặt, muốn đốn lúc nào là đốn của những người nắm quyền lãnh đạo trên đất nước này? Xin các vị đừng nói lời giả trá trước nhân dân nữa! Hãy nhìn lại chính mình trước khi quá muộn! Nguyễn Trọng Bình CT, 22/3/2015 ----------- Chú thích nguồn tham khảo: [1] Xem tại: “http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/226357/15-000-likes--doi--cuu-6-700-cay-xanh.html
Tác giả gởi ho viet-studies ngày 22=3=15 |