TẢN MẠN NHÂN 7 NGÀY QUỐC TANG “NGƯỜI CHA VĨ ĐẠI”
CỦA NHÂN DÂN NƯỚC BẠN SINGAPORE

 Nguyễn Trọng Bình

1. Ngày 23/3/2015, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu – “người cha vĩ đại” của nhân dân Singapore qua đời. Hòa vào dòng chảy của truyền thông thế giới, truyền thông nước nhà ngoài chuyện đưa tin nhằm chia sẻ với nỗi đau với nhân dân Singapore là vô số những bài viết phân tích, bình luận rất sâu sắc nhằm ca ngợi tài năng, phẩm hạnh của ngài cựu Thủ tướng nước bạn. Thiết nghĩ đây là chuyện rất bình thường vì tài năng của ông Lý Quang Diệu vốn từ lâu đã được nhiều chính khách trên thế giới thừa nhận. Tuy vậy, bình tâm ngẫm lại, hóa ra vấn đề lại không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

2. Với hàng loạt bài viết nhằm biểu dương công trạng của ông Lý mấy ngày qua, truyền thông nước nhà đâu biết rằng đã họ đã vô tình làm cho nhiều người Việt (trong đó có người viết bài này) cảm thấy rất tủi thân nếu không muốn nói là làm cho cái “tinh thần dân tộc” bị tổn thương nghiêm trọng. Vì lẽ, một đất nước Singapore nhỏ bé thế kia; lịch sử lập quốc cũng chỉ mới mấy mươi năm nhưng đã sản sinh ra một Lý Quang Diệu tài giỏi xuất chúng trong khi một Việt Nam với bề dày lịch sử 4000 lại không có người nào như thế? (Xin mở ngoặc nói cho rõ là người viết muốn nói đến những cá nhân xuất chúng trong thời bình). Một sự bất công của tạo hóa hay là bi kịch của giống nòi? Hoặc không thì, không phải Việt Nam không có người tài mà vì cái quy luật “tài mệnh tương đố” rất ghê gớm ở xứ sở này (như cụ Nguyễn Du đã từng nói) nên nhiều người rất sợ “Tinh anh phát tiết ra ngoài/Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”?

Phải chăng vì những lẽ ấy mà giờ đây, truyền thông nước nhà trong khi khóc than... giùm cho dân chúng nước bạn vừa mất đi một “người cha vĩ đại” đã vô tình hay cố ý đọc luôn “lời ai điếu” cho số phận bi thảm của dân tộc mình mấy chục năm qua?

3. Không dừng lại ở đó, qua những bài biểu dương công đức của ông Lý, truyền thông nước nhà đã vô tình hé lộ cho mọi người biết thêm một sự thật đớn đau hay là một sự tủi nhục và bất hạnh khác của dân tộc này? Đó là sự thật trong những lần sang thăm Việt Nam trước đây, ông Lý từng rất nhiều lần góp ý chân thành và thẳng thắn với các “chính khách” nước nhà nhưng nhìn chung không ai đủ dũng khí để tiếp nhận và làm theo những lời khuyên của ông ấy.

 Với những thông tin này, hẳn là những ai còn chút lương tri sẽ ngậm ngùi mà tự đặt ra câu hỏi: Tại sao người ta giỏi hơn mình và mình thì khát khao được như người ta vậy mà những lời khuyên chân thành của người ta mình lại bỏ ngoài tai, không thèm nghe, không thèm làm? Tại sao mấy chục năm rồi vậy mà những “lời khuyên của ông Lý Quang Diệu cho Việt Nam còn nguyên giá trị?”. Ví như lời khuyên:“muốn đất nước phát triển thì phải cho người dân được thật sự dân chủ, dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong xã hội. Các thành phần kinh tế cần được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật” [1]...

Đây là gì, nếu không phải là sự cố chấp, bảo thủ và nhất là không có chút gì gọi là tinh thần học tập, sửa sai và phục thiện nhằm đưa dân tộc và đất nước thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn như hiện nay?

Đã thế vậy mà lúc nào cũng dương dương tự đắc cho mình là “tài tình”“sáng suốt”, là “đỉnh cao của thời đại và nhân loại”? Thử hỏi, một dân tộc với 4000 năm văn hiến vậy mà bước vào sân chơi thế giới chỉ biết nhập “ông chủ” và xuất ... ôsin thì có phải bi kịch và đáng xấu hổ lắm không? Có lẽ nào, đây lại là “thành tựu” của “chiến lược” xây dựng con người VN trong thời đại mới; hay rộng hơn nữa là “thành tựu” về “lý luận” trong vấn đề  xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”? Rõ ràng, chỉ có thể nói, những “thành tựu” này nếu không phải là sự ảo tưởng, không phải là hội chứng của căn bệnh “rối loạn niềm tin” thì cũng là biểu hiện của sự “kiên định lập trường... nói dối” trước dân chúng? Lấy nước hoa Pháp mà xịt vào bộ trang phục và cái thân thể lâu ngày không chịu tắm, giặt thì có khi chỉ làm cái mùi hôi chua càng nồng nặc và khó ngửi hơn mà thôi!  

4. Lan man đến đây chợt nhớ đến câu nói của giáo sư Ngô Bảo Châu trong một lần trả lời phỏng vấn của truyền thông nước nhà mấy năm về trước. Khi ấy, giáo sư Châu nói rằng: “Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình”[2].

Thật ra, điều mà giáo sư Ngô Bảo Châu nói vốn đã được kiểm chứng trong lịch sử thế giới hiện đại. Trong quyển “Tại sao các quốc gia thất bại?” [3], hai tác giả Daron Acemoglu và Jame A. Robinson đã chứng minh rằng: sự thành công hay thất bại, sự giàu hay nghèo của một quốc gia không phải do quốc gia ấy có những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng biển bạc”; không phải do quốc gia ấy có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử mà là do trí tuệ và phẩm chất của con người đặc biệt là những người lãnh đạo trong bộ máy công quyền ở quốc gia đó quyết định. Và nói đâu cho xa, sự thành công của đất nước Singapore với vai trò quyết định của ông Lý Quang Diệu là một ví dụ điển hình cho vấn đề này.

Thế nên, mỗi khi nghĩ đến chuyện này lại càng thấy thương cho thân phận dân tộc và đất nước! Giá như mấy chục năm qua và ngay lúc này đây, Việt Nam có một (hay một vài thì càng tốt) chính khách, lãnh đạo với “phẩm chất quan trọng” như GS Ngô Bảo Châu đã nói. Và dĩ nhiên, có được một người tầm cỡ như ông Lý Quang Diệu như cách mà truyền thông nước nhà vô tình hay cố ý ngợi ca trong mấy ngày qua thì còn gì bằng!?

 

---------------

Chú thích nguồn tham khảo:

[1]: Xem tại: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150330/nhung-loi-khuyen-cua-ong-ly-quang-dieu/727316.html

[2]: Xem tại: http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html

[3]: Xem sách “Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, tại sao các quốc gia thất bại?” (của hai tác giả Daron Acemoglu và Jame A. Robinson do Nguyễn Thị Kim Chi dịch). Nhà xuất bản Trẻ, 2013.

CT, 3/4/2015

N.T.B

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 3-4-15