TIẾNG DÂN
27-4-21

Nhà nước của những phe nhóm quyền lực, không phải nhà nước của dân

Phạm Đình Trọng

Càng ngày nhà nước cộng sản Việt Nam càng ngang nhiên và tràn lan lối hành xử chỉ vì lợi ích phe nhóm quyền lực, không vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh dự quốc gia, không vì kỉ cương phép nước và đạo lí xã hội, từ việc lớn ở tầm quốc gia, đến việc nhỏ trong một trường học ở một làng xã. Chỉ xin dẫn chứng mấy việc gần đây.

1. Vì Lợi Ích Của Nhóm Quyền Lực, Máu Dân Đồng Tâm Còn Thấm Đẫm Đất Đồng Tâm Thì Máu Dân Myanmar Nào Có Ý Nghĩa Gì

Nhóm tướng cầm đầu quân đội Mynamar rải lính mang súng đạn xông vào cung điện nhà nước, xông vào nhà riêng bắt cóc những yếu nhân lãnh đạo nhà nước Mynamar vừa được lá phiếu của người dân bầu lên trong cuộc bầu cử dân chủ, minh bạch. Lấy súng đạn làm đảo chính cướp chính quyền của chính phủ hợp pháp rồi nhóm tướng quân đội Myanmar lại dàn quân, xả súng vào dân chúng tay không biểu tình đòi nhóm tướng đảo chính tôn trọng lá phiếu của người dân, đòi trả lại quyền lực nhà nước cho chính phủ hợp pháp được người dân tin cậy giao quyền.

Hàng trăm dân lành Myanmar đã bị quân đội đảo chính phi pháp bắn chết. Máu dân Myanmar lênh láng trên đường phố Naypyidaw. Lương tri loài người phẫn nộ. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan phải thốt lên: Quân đội cầm súng bắn người dân nước mình là đỉnh cao của nỗi ô nhục quốc gia. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gấp gáp thảo Tuyên bố chung lên án và ngăn chặn nỗi ô nhục quốc gia ở Myanmar. Để tội ác mang danh quyền lực nhà nước giết dân lành cứ tiếp diễn thì không chỉ là nỗi ô nhục Myanmay mà còn là nỗi ô nhục của cả loài người.

Nhưng tiếng nói đúng đắn và cần thiết của lương tri loài người từ Liên Hiệp Quốc đã không được cất lên ngăn chặn tội ác chống lại người dân của quân đội Myanmar. Ngoài hai nước độc tài trong Thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc phủ quyết Tuyên bố, lên tiếng phản đối Tuyên bố mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an ngăn chặn nòng súng tội ác giết dân của quân đội Myanmar còn có tiếng nói tủi hổ của nhà nước Việt Nam cộng sản.

Không nói tiếng nói mạnh mẽ của lương tri con người trước máu dân lành đang hàng ngày xối xả đổ ra trên đường phố Myanmar, nhà nước cộng sản Việt Nam đã tách đất nước Việt Nam ra khỏi văn minh loài người, Việt Nam trở thành lạc lõng với thế giới văn minh, lạc lõng với giá trị nhân văn của loài người. Vì sao nhà nước cộng sản Việt Nam lại hành xử để lại tiếng xấu, tạo ra bộ mặt xấu xí của Việt Nam trên thế giới, tạo ra vết nhơ cho dân tộc Việt Nam văn hiến như vậy?

Xin hãy lần theo dấu chân máu của doanh nghiệp quân đội Viettel từ Đồng Tâm tới Myanmar.

Bộ Quốc phòng Việt Nam thông qua doanh nghiệp quân đội Viettel đã hùn vốn làm ăn với đám tướng cầm đầu quân đội Myanmar. Với bốn mươi chín phần trăm vốn Viettel và năm mươi mốt phần trăm vốn của phía Myanmar, tập đoàn công nghệ thông tin Mytel, một liên kết kinh tế giữa quân đội Việt Nam và quân đội Myanmar ra đời.

Nắm nguồn vốn lớn quyết định sự sống còn của Mytel không phải công ty tư nhân. Mytel không đơn thuần chỉ liên kết kinh tế. Quân đội là phương diện quốc gia, là một thế lực chính trị của quốc gia. Liên kết kinh tế gữa quân đội hai nước đương nhiên là liên kết chính trị, liên kết ở tầm quốc gia giữa hai nhà nước. Kinh tế chỉ là phần xác mà phần hồn là chính trị. Liên kết kinh tế giữa quân đội hai nước phải có liên kết chính trị của hai nhà nước bảo đảm.

Đầu tháng ba, 2021, Tổ chức Vận động Nhân quyền Myanmar, Justice for Myanmar, JFM, theo dõi những hoạt động chống lại nền dân chủ Myanmar của các tướng quân đội, cho biết: Mytel đã có lãi từ đầu năm 2020, sớm hơn dự kiến hai năm và khoản lợi nhuận các tướng quân đội Myanmar thu được từ Mytel lên tới bảy trăm triệu USD.

Dù góp năm mươi mốt phần trăm vốn Mytel nhưng gồm nhiều nhà đầu tư mà đám tướng quân đội Myanmar chỉ nắm nguồn vốn lớn nhất phía Myanmar mà thôi. Viettel với bốn mươi chín phần trăm vốn đương nhiên là cổ đông lớn nhất của Mytel. Vốn ít hơn, đám tướng Myanmar còn thu lợi nhuận lớn như vậy thì Viettel, cổ đông lớn hơn, lợi nhuận còn bộn hơn nhiều.

Nhà nước nào, dân tộc nào cũng có ba nguồn sức mạnh để tồn tại, để khẳng định vị thế trong cộng đồng nhân loại. Lịch sử, văn hoá là nguồn sức mạnh bền bỉ, sâu xa từ quá khứ. Kinh tế là nguồn sức mạnh vững chắc, lâu dài cho tương lai. Quân đội và công an là sức mạnh bạo lực tức thời của hiện tại. Doanh nghiệp quân đội Viettel liên kết làm ăn với quyền lực quân đội Mynamar cũng giống như doanh nghiệp quân đội Viettel liên kết với quyền lực Hà Nội giành giật 59 ha đất lúa, đất ngô Đồng Sênh của dân Đồng Tâm.

Vì sức mạnh bạo lực tức thời bảo đảm cho sự tồn tại của nhà nước cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của Viettel, nhà nước cộng sản Việt Nam đã xả súng giết dân Đồng Tâm ở ngay thủ đô Hà Nội thì máu dân Myanmar xa lắc nào có ý nghĩa gì! Vì lợi ích của nhóm quyền lực nhà nước, nhà nước cộng sản Việt Nam đã biểu quyết ngăn chặn Tuyên bố mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án tội ác quân đội Myanmar bắn giết dân Myanmar.

Vì lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực cấp nhà nước, nhà nước cộng sản Việt Nam còn hành xử bất chấp lương tri con người, bất chấp giá trị nhân văn nhân loại và bất chấp danh dự quốc gia như vậy thì đạo lí xã hội, kỉ cương phép nước, lợi ích của dân, của nước chỉ là mớ mĩ từ tuyên truyền sáo rỗng. Còn với các nhóm quyền lực nhà nước cộng sản từ nhỏ đến lớn thì đạo lí xã hội, kỉ cương phép nước, lợi ích của dân, của nước đều sáo rỗng và vô nghĩa.

2. Nhóm Quyền Lực Ngang Nhiên Lộng Hành Cướp Quyền Dân Từ Làng Xã

Cô giáo một trường tiểu học ở xã ngay thủ đô Hà Nội lên tiếng tố cáo đúng pháp luật những việc làm sai trái, bẩn thỉu của bà hiệu trưởng. Nhà trường không chỉ giáo dục kiến thức khoa học mà còn giáo dục đạo đức làm người, giáo dục thẩm mĩ sống cho lớp người trẻ. Tiếng nói của lẽ phải và lương tâm chỉ ra sự hư hỏng, bại hoại đạo đức trong môi trường giáo dục là vô cùng cần thiết, dũng cảm, cần được trân trọng, ủng hộ và bảo vệ.

Sự việc quá nhỏ bé và giải quyết cũng quá đơn giản. Vì lẽ phải, vì đạo lí xã hội và kỉ cương phép nước cần giải quyết minh bạch và rốt ráo. Luật Khiếu nại Tố cáo cho người dân quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích chính đáng của người dân. Luật cũng qui định cơ quan giải quyết tố cáo không những phải kịp thời, chính xác, khách quan mà còn phải bảo đảm an toàn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người tố cáo.

Nhưng bà hiệu trưởng bị tố cáo lại là vợ ông quan đứng đầu cơ quan hành pháp của huyện. Thế là cả bộ máy quyền lực hành pháp và tư pháp trong huyện làm ngơ, để bà hiệu trưởng vợ ông quan đầu huyện tác yêu tác quái, mặc sức trù dập tiếng nói dũng cảm nhưng đơn độc, tiếng nói của trách nhiệm, của lương tâm nhưng nhỏ bé, lẻ loi, yếu ớt trong xã hội vô cảm, trong sự lộng hảnh của nhóm quyền lực cấp trường làng và quyền lực hành chính cấp huyện.

Chỉ là nhóm quyền lực cấp trường làng cũng sử dụng rất bài bản và rất ghê tởm màn đấu tố của cải cách ruộng đất, biến đám học trò tiểu học trong trắng hồn nhiên thành bầy tiểu yêu lưu manh xã hội đen, đâm thuê chém mướn, ngậm máu phun người, vu khống, đấu tố chính cô giáo của đám trẻ. Nơi dạy bọn trẻ đạo đức làm người lại dạy tuổi thơ thói lưu manh vu khống, độc ác, dạy tuổi thơ thói côn đồ mạt sát, thoá mạ hạch tội chính người dạy bảo chúng.

Chỉ là nhóm quyền lực ở xã, ở huyện còn trắng trợn lộng hành coi thường pháp luật, coi thường đạo đức, coi thường người dân như vậy thì những nhóm quyền lực bự cấp quốc gia còn khinh bỉ pháp luật, khinh bỉ đạo đức, khinh bỉ người dân đến thế nào!

3. Những Nhóm Lợi Ích Của Quyền Lực Tràn Ngập Bộ Máy Nhà Nước

Từ khi có chính quyền, nhà nước cộng sản đã dành ưu ái đặc biệt trong việc đào tạo, sử dụng, đề bạt đám con cái quan chức cấp cao trong đảng và nhà nước cộng sản. Dù sao lí lịch hoá chính sách cán bộ cũng chỉ ưu đãi đặc biệt trong việc học hành, đào tao và tạo ra một cửa riêng cho đám cậu ấm, cô chiêu nhà sản tiến thân. Ở cửa riêng ưu đãi đó họ cũng phải xếp hàng tuần tự, cũng phải bảo đảm chuẩn mực chức danh và phải cạnh tranh với nhau và với những giá trị khác. Nhưng từ đời đảng trưởng Nông Đức Mạnh đưa thằng con chỉ biết lao động đơn giản làm thuê nhảy tót lên ghế quyền lực quốc gia đã mở ra thời kì các quan đảng rầm rộ, hối hả đưa con cháu, họ hàng ào ào cướp những chiếc ghế quyền lực của dân của nước.

Hai nhiệm kì đứng đầu đảng cầm quyền, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chỉ để lại câu nói vô nghĩa của bộ não trống rỗng “Trồng cây gì, nuôi con gì”, chỉ để lại một hoạch định ảo tưởng hão huyền “Đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại”. Mười năm đứng đầu triều đình cộng sản chẳng làm được việc gì lợi cho dân cho nước nhưng trước khi nghỉ hưu, ông đảng trưởng họ Nông đã dùng quyền lực Tổng bí thư giành được chiếc ghế uỷ viên trung ương đảng đầy quyền lực cho thằng con trai không thể học hành đến nơi đến chốn, phải mang sức lực cơ bắp ra nước ngoài làm thuê kiếm sống.

Dù là nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, chỉ sau đảng trưởng và là nhân vật quyền lực lớn nhất Chính phủ nhưng ông uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không thể tác động, chi phối đại hội đảng bộ cơ sở, nơi con trai cả của ông là đảng viên. Vì vậy con trai ông dù được ưu ái tiến cử củng không đủ phiếu trúng cử thành uỷ, cả đến cuộc bầu chọn rộng rãi hơn là bầu đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc, cậu ấm nhà Thủ tướng cũng không trúng cử. Nhưng ở đại hội đảng toàn quốc, với quyền lực uỷ viên Bộ Chính trị, quyền lực Thủ tướng Chính phủ, ông Dũng đã giành được chiếc ghế quyền lực trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cho đứa con trai không đủ phẩm chất và năng lực vào thành uỷ một địa phương, không đủ tư cách là đại biểu đảng bộ địa phương dự đại hội đảng toàn quốc.

Giành được quyền lực của đảng là giành được quyền lực nhà nước, là chiếm được quyền lực của dân. Chen được vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, con trai ông đảng trưởng Mạnh liền được bổ nhiệm Thứ trưởng, phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Con trai ông Thủ tướng Dũng liền giành được ghế Thứ trưởng rồi luân chuyển đi làm bí thư tỉnh uỷ, quay về kinh đô làm Bộ trưởng.

Quan đảng cấp quốc gia giành quyền lực cấp quốc gia, cướp quyền của người dân cả nước cho con quan đảng thì quan đảng cấp tỉnh chiếm quyền lực cấp tỉnh, cướp quyền dân trong tỉnh, quan đảng cấp Bộ cướp quyền lực cấp Bộ, cướp quyền công chức trong Bộ cho con cháu, họ hàng nhà quan diễn ra rầm rộ, ngang nhiên, rộng khắp trên cả nước. Điều bất thường đã trở thành bình thường. Điều cấm kị của nhà nước dân chủ đã trở thành điều đương nhiên ở nhà nước độc tài. Điều nguy hại đối với sự phát triển của đất nước đã trở thành hồng phúc của đảng cộng sản độc quyền.

Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến rải con cháu, họ hàng lên khắp ghế quyền lực nhà nước trong tinh. Ông Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đưa con trai vào vị trí quản lí ngành kinh doanh nhà nước giầu có nhất, lãi khẳm nhất rồi đề bạt con nhảy cóc mau lẹ trên những bậc thang quyền lực. Bà Thứ trưởng bộ Công thương Hồ Kim Thoa thì đưa con em vào nắm hết những ghế lãnh đạo chủ chốt một doanh nghiệp lớn, lãi bộn của nhà nước, rồi định giá bèo bọt tài sản doanh nghiệp để con em bà Thứ trưởng nắm hết cổ phiếu doanh nghiệp, biến doanh nghiệp lớn, làm ăn khấm khá của nhà nước thành doanh nghiệp của riêng gia đình bả Thứ trưởng.

Học tập đạo đức bề trên và đàn anh trong đảng, vừa ngồi vào ghế Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thuý Lan làm ngay nhân sự bộ máy cai trị trong tỉnh và con gái bà Bí thư vốn đã được gửi ở nhà trẻ của tỉnh uỷ là tỉnh đoàn, vừa mới trở thành công chức, chưa kịp có thời gian quen việc và chưa có đóng góp gì chứng minh năng lực, liền được mẹ Bí thư tỉnh uỷ đặt lên ghế phó giám đốc sở. Các quan chức trong tỉnh đều một giọng “việc đề bạt con gái bí thư tỉnh uỷ là đúng qui trình” vì con các quan cũng đã và sẽ “đúng qui trình” như vậy.

Bà uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đưa cả hai con Lò Việt Phương, sinh năm 1973 và Lò Thị Việt Hà sinh năm 1977 vào làm công chức trong bộ máy hành chính Quốc hội. Với quy định vụ trưởng mới được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, quyền lực Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội liền tác động điều chuyển liên tiếp những quan chức cơ quan Quốc hội đi nơi khác mở đường thăng tiến thần tốc cho Lò Việt Phương và Lò Thị Việt Hà. Để đến kì bầu cử Quốc hội khoá 15, năm 2021, cả Phương và Hà đều có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, bà Phóng mới mĩ mãn về nghỉ an hưởng hồng phúc của đảng.

Dân chưa bỏ phiếu bầu cử nhưng hai chiếc ghế quyền lực của Quốc hội khoá 15 đã được bà Phóng đặt gạch giữ chỗ cho hai con bà. Phương dự định làm phó ban Dân nguyện trung ương, tương đương hàm Tổng cục trưởng. Hà được dự tính làm phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội, tương đương hàm Thứ trưởng. Bà Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 14 Tòng Thị Phóng đã coi cuộc bầu cử của dân chỉ là trò hề và bà đã biến Quốc hội từ cơ quan đại biểu cao nhất của dân thành cơ quan đại biểu lợi ích của riêng gia đình bà.

Bộ máy đảng, bộ máy nhà nước từ trung ương đến phường, xã ở địa phương, đến phòng, ban các công sở đều trở thành những nhóm lợi ích, không mang quyền lực nhà nước làm việc ích nước lợi dân mà chỉ dùng quyền lực vụ lợi cho cá nhân và phe nhóm. Bộ máy quản trị đất nước thành công ty độc quyền kinh doanh chức vụ, kinh doanh quyền lực của quan cai trị.

4. Không Dùng Hiền Tài Trong Dân, Chỉ Dùng Hậu Duệ Trong Đảng, Nước Suy Vong, Dân Khốn Cùng

Ngày 25.4.2006 ông cán bộ lâm nghiệp quê góc rừng Na Rỳ, Bắc Cạn, Nông Đức Mạnh được đưa lên ngai vàng đảng trưởng đảng cộng sản cầm quyền. Năm ngày sau, trong lễ kỉ niệm long trọng ngày 30.4.2006 trước đông đảo khách mời quốc tế và người dân Việt Nam, ông đảng trưởng họ Nông trịnh trọng khẳng định: Đại hội mười của Đảng thành công tốt đẹp đang mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Đại hội đảng chỉ là định kì chia chác trong đảng những chiếc ghế quyền lực của dân của nước. Chia chác xong, đại hội nào mà chẳng thành công tốt đẹp! Lời ông đảng trưởng họ Nông cũng là lời của đảng cầm quyền, là ý chí đại hội 10, đại hội đưa ông thợ rừng họ Nông lên đảng trưởng.

2006 – 2020. Mười lăm năm. Năm 1945, nước Nhật phải hứng chịu hai quả bom hạt nhân, là nước bại trận trong cuộc đại chiến thế giới, cả nước Nhật là bãi tro tàn, gạch vụn, là bãi tha ma mênh mông với hàng triệu nấm mồ mới và là nhà thương dã chiến với hàng triệu người mang thương tích, mang nhiễm xạ trong con người. Tan hoang vậy, nước Nhật cũng chỉ mười lăm năm, đến năm 1960, Nhật đã bước vào hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển.

Cuộc chiến tranh Trung – Triều kết thúc bằng Hiệp ước đình chiến kí ngày 27.7.1953 chia đôi Triều Tiên thành hai nước, Bắc Triều Tiên, Cộng hoà Dân Chủ Nhân dân Triều Tiên và Nam Triều Tiên, Đại Hàn Dân Quốc, Hàn Quốc. Từ bãi chiến trường cuối thập kỉ năm mươi, chưa đến hai mươi năm, đầu thập kỉ bảy mươi, thế kỉ trước, Hàn Quốc đã là nước công nghiệp phát triển.

Sau năm 1975, những đô thị, những cơ sở kinh tế, những kho hàng hoá và mười sáu tấn vàng ngân khố miền Nam Việt Nam còn nguyên vẹn. Khi ông đảng trưởng họ Nông tuyên bố đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại là khi Việt Nam đã bước ra khỏi cuộc nội chiến Nam Bắc 30 năm, đã gia nhập WTO, mỗi năm đón nhận hàng chục tỉ đô la đầu tư nước ngoài và gần chục tỉ đô la của người Việt làm ăn ở nước ngoải gửi về giúp dân giúp nước. Nay thêm mười lăm năm nữa để công nghiệp hoá nếu không là quá lâu, quá chậm thì cũng là đương nhiên, trong tầm tay. Nhưng việc lớn nhỏ thành bại đều do con người, đều do hạt nhân lãnh đạo, do người lèo lái, dẫn dắt quyết định.

Dẫn dắt người dân Việt Nam quả cảm, giàu sáng tạo và đầy quyết tâm xây dựng đất nước giầu đẹp là bố con ông đảng trưởng họ Nông tầm suy nghĩ chưa vượt qua khung cửa căn nhà sàn ở Na Rì, Bắc Cạn, chưa vượt ra khỏi cánh cổng ngôi biệt thự kín cổng cao tường bên hồ Tây, Hà Nội. Khuyết tật nhân cách, trống vắng tài năng, dẫn dắt đất nước làm công nghiệp hoá mà người nắm quyền lực lãnh đạo cao nhất đất nước chỉ biết nói với dân một câu như con vẹt: Trồng cây gì, nuôi con gì. Đó là tư duy, là tầm vóc của một đội trưởng đội trồng rừng, đội trưởng đội chăn nuôi, chỉ quen lao động chân tay, cầm tay chỉ việc, hoàn toàn không có tư duy trí tuệ, không có tư duy sách lược, tư duy đường lối.

Dẫn dắt đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu tiềm năng đi vào công nghiệp hoá là bố con ông Thủ tướng Ba Dũng đã tập hợp, dựng lên cả một nội các hối hả tham những, ráo riết vơ vét của công, cướp bóc của dân. Cả nội các của ông Dũng đua nhau tham nhũng quyền lực, tham nhũng của cải đã làm lụn bại cả ngành công nghiệp hàng hải, đánh sập cả ngành công nghiệp luyện kim. Làm đâu thua lỗ đấy, ngành nào cũng thất bát, cũng thất thoát ngân sách hết ngàn tỉ đồng này đến ngàn tỉ đồng khác.

Những vụ thất thoát, thua lỗ hàng trăm ngàn tỉ tiền của dân của nước ờ Vinashine, Vinalines, Dầu khí, Vinacomin, gang thép Thái Nguyên, những vụ cướp đất đổ máu dân ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội, Hà Nội… đều diễn ra dưới thời Thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng. Những quan chức đảng, nhà nước cấp Bộ Chính trị, cấy Uỷ viên Trung ương, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng lũ lượt kéo nhau ra toà án hình sự đều phạm tội tham nhũng dưới thời Thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng.

Tham nhũng trong nước, tham nhũng cả với nước ngoài. Ăn hối lộ, của nước ngoài rồi nhắm mắt mua giá cao công nghệ cố lỗ, phế thải của nước ngoài về, công nghiệp hoá đất nước bằng cách biến nước ta thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới. Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông không những là đống rác nặng mùi của công nghệ đường sắt phế thải Tàu cộng mà còn là vết thương không bao giờ cầm máu của nền kinh tế Việt Nam.

Các nước công nghiệp và dân chủ phương Tây có công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao và triệt để tuân thủ đòi hỏi bảo vệ môi trường nhưng là nước dân chủ, những hợp đồng kinh tế cũng minh bạch và được pháp luật giám sát chặt chẽ không thể tham nhũng thì nội các tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng xa lánh để dấm dúi đi đêm với những nhà thầu Tàu cộng mà hối lộ tiền bạc, hối lộ nhan sắc là quốc sách của nhà nuốc Tàu cộng. Hối lộ tiền bạc, hối lộ nhan sắc để công nghệ và hàng hoá Tàu cộng tràn ra thế giới, buộc thế giới phụ thuộc Tàu cộng, để con người Tàu cộng tràn ngập thế giới, để tư tưởng “bình thiên hạ” của Tàu cộng thống trị thế giới.

Nội các tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng đưa nước ta vào công nghiệp hoá bằng nhà máy thép Formosa Dung Quất, Hà Tĩnh công nghệ cổ lỗ của Tàu cộng vừa không có hiệu quả kinh tế, vừa đầu độc sự sống cả dải biển miền Trung. Thế giới đã bước sang kỉ nguyên năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời thì nội các tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng đưa nước ta vào công nghiệp hoá bằng việc xây dựng trên khắp đất nước những nhà máy điện than phế thải từ Tàu cộng công nghệ của thế kỉ mười chín, hai mươi, biến bầu trời trong xanh nước ta thành bầu trời bụi than, biến đất đai màu mỡ nước ta thành bãi sỉ than độc hại.

Cả một lô một lốc quan chức cấp bộ đã lộ bộ mặt nhem nhuốc tham nhũng nối nhau ra hầu toà nhưng ông Thủ tướng đứng đầu nội các tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng vẫn bình yên vô can thì sau lưng ông đứng đầu nội các tham nhũng sẽ còn nhiều gương mặt nhem nhuốc chưa bị lộ.

Nắm quyền lực quốc gia thì tham nhũng nguồn lực quốc gia. Nắm quyền lực ở tỉnh, ở huyện thì tham nhũng trong tỉnh, trong huyện. Những quyền lực quốc gia như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Tòng Thị Phóng, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Dương Chí Dũng, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Hiến, Phương Minh Hoà… vơ vét của nước thì quyền lực địa phương tội gì không vơ vét ở địa phương.

Những bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người tham nhũng quyền lực như Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Hoàng Thuý Lan, người tham nhũng tiền bạc, tài sản như Tất Thành Cang là những bộ mặt đã lộ sáng chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng khổng lồ.

Tham nhũng tiền bạc nguy hại một thì tham nhũng quyền lực nguy hại gắp mười lần nhưng tham nhũng tiền bạc thì bị pháp luật gọi tên. Còn tham nhũng quyền lực thì vẫn nghênh nganh thách thức kỉ cương, thách thức đạo đức, khinh bỉ người dân.

Công nghiệp hoá không phải chỉ cần có công nghệ hiện đại mà còn cần có con người có tầm vóc công nghiệp. Con người có tầm vóc công nghiệp là con người được làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, con người của loài người, có trách nhiệm với giá trị làm người, với giá trị nhân văn của loài người chứ không phải con người chỉ biết có cá nhân và gia đình mình, chỉ lo vinh thân phì gia.

Những con người như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Tòng Thị Phóng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Bắc Son, Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Hoàng Thuý Lan, Tất Thành Cang… chỉ là những lãnh chúa phong kiến, tham nhũng cướp quyền dân, cướp quyền làm chủ đất nước của dân, chỉ biết vun vén lợi ích cá nhân, vinh thân phì gia, không phải con người của xã hội công nghiệp.

Cách mạng tư sản dân quyền lật đổ lãnh chúa phong kiến, cho người dân quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước để bước vào công nghiệp hoá. Những lãnh chúa phong kiến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Tòng Thị Phóng, Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến, Hoàng Thuý Làn… cướp quyền làm chủ đất nước của người dân, dùng quyền lực nhà nước chỉ để vun vén cho cá nhân, cho gia đình, làm sao có thể làm công nghiệp hoá!

Công nghiệp và thương nghiệp là hai động lực chính của công nghiệp hoá. Bộ Công Thương định đoạt số phận cả nền công nghiệp và thương nghiệp của đất nước là bộ quyết định sự thành bại của công nghiệp hoá phải được giao cho con người có tầm vóc công nghiệp. Nhưng với bộ máy tham nhũng thì các vị trí quyền lực chỉ là chiếc bánh lợi ích để các nhóm lợi ích chia nhau. Quyền lực lớn phải giành được chiếc bánh lợi ích lớn. Bộ Công thương nắm nguồn của cải, tiền bạc lớn nhất của đất nước, nắm toàn bộ sức mạnh kinh tế của đất nước là chiếc bánh lợi ích bự nhất, thơm ngon nhất đối với các nhóm lợi ích.

Thời nội các tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng, chiếc bánh bự bộ Công Thương được giành cho lãnh chúa công thương Vũ Huy Hoàng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghèo tư duy, nghèo ngôn ngữ, đến tỉnh nào cũng chỉ biết lặp đi lặp lại lời hô hào tỉnh đó phải là đầu tàu kinh tế. Thời nội các đầu tàu Nguyễn Xuân Phúc, chiếc bánh thơm ngon bộ Công Thương được giành cho thái tử đảng Trần Tuấn Anh. Quyền lớn nhưng cả ông Huy Hoàng, ông Tuấn Anh đều chỉ là những lãnh chúa, dùng quyền lớn chỉ để vinh thân phì gia. Đưa đất nước vào công nghiệp hoá nhưng bộ Công Thương thời ông lãnh chúa công thương Huy Hoàng, thời ông thái tử đảng Tuấn Anh đã trở thành bộ tai ương của nền kinh tế đất nước và công nghiệp hoá đất nước cứ xa lắc xa lơ.

Tưởng rằng nín thở một hơi dài mười lăm năm qua tai ương Huy Hoàng, Tuấn Anh, bộ Công Thương sẽ có con người mang tầm vóc công nghiệp lèo lái đưa đất nước hối hả vào công nghiệp hoá. Nhưng việc chia chác quyền lực lại đưa bộ Công Thương vào tay ông quan Tuyên giáo vốn xuất thân từ bệ phóng tỉnh đoàn trở thành quan đầu tỉnh lúa Thái Bình mà thời quan đứng đầu tỉnh, Thái Bình nổi tiếng là đất xã hội đen của băng nhóm Đường Nhuệ. Chỉ một việc quan mở tiệc linh đình ăn mừng quan rời tỉnh về nhận ghế quan trung ương đã cho thấy sự vắng bóng con người văn hoá, con người xã hội ở quan, chỉ thấy vâm váp, lừng lững hình hài con người sinh vật, can người vật chất. Với con người như vậy đứng đầu, bộ Công Thương còn cần mấy lần mười lăm năm nữa đất nước mới có nền công nghiệp hiện đại?

5. Lãnh Chúa Phong Kiến Không Thể Đưa Đất Nước Vào Công Nghiệp

Người dân không được quyền làm chủ đất nước bằng tự do ứng cử, bầu cử chọn hiền tài trong dân lãnh đạo người dân và đưa đất nước vào xã hội công nghiệp văn minh. Đảng độc quyền cai trị, tước đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân, đảng trở thành lãnh chúa phong kiến và đất nước thành tài sản riêng của đảng, tài sản riêng của những phe nhóm quyền lực trong đảng. Có đất nước gấm vóc tổ tiên để lại mà người dân thành dân mất nước, phải sống cuộc sống nô lệ nghèo đói đau thương. Sống vật vờ lưu vong ngay trên đất nước mình mà không còn là của mình.

Độc quyền cai trị tạo ra độc quyền tham nhũng. Tham nhũng đục khoét, đất nước xơ xác, người dân không còn nguồn sống, không còn niềm tin và hi vọng, dòng người bỏ nước ra đi suốt nửa thế kỉ qua vẫn đang nối dài. Hàng trăm ngàn người Việt bỏ xác trên biển. Ba mươi chín người Việt chết cóng trong thùng xe đông lạnh. Những xác người Việt chết khô rải rác trong những cánh rừng hoang châu Âu trên đường trốn vào các nước châu Âu.

Lãnh chúa phong kiến làm công nghiệp hoá, đất nước không thể có công nghiệp hoá. Người dân cạn kiệt lòng tin phải tự đi tìm ánh sáng văn minh công nghiệp cho mình bằng bỏ nước ra đi, tìm ánh sáng văn minh công nghiệp trong đường hầm trốn chui trốn lủi, tìm sự sống trong cái chết nhưng người dân vẫn phải tìm mọi cách trốn chui, trốn lủi bỏ nước ra đi!