Tiềng Dân
Nhân sự đại hội XIII: Quyết đấu trước hội nghị trung ương 14
Lê Văn Đoành
Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng vốn là sinh viên Văn khoa khóa 8, trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp 1967. Công bằng mà nhìn nhận, thời ấy
sinh viên văn khoa tập hợp những học sinh giỏi văn miền Bắc. Cái nền như
thế, đã giúp ông Trọng cách nói vo rất hay, không cần văn bản soạn
trước, lại dùng văn thơ, thành ngữ minh hoạ.
Đại hội XIII đến gần, ông Trọng lại răn đe cần tỉnh táo trong chọn nhân
sự, rằng “đừng nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng chín”…
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm nhân sự đại hội XIII trong Bộ Chính trị, lẫn
Ban chấp hành Trung ương, những nhân vật ông Trọng, ủng hộ phiếu lại
thấp, trong khi người khác lại cao ngất, thế là ông hăm doạ “Ba mươi
chưa phải là Tết”. Đến đây, ông Trọng công khai muốn nói, chưa biết ai
hơn ai đâu, mọi việc vẫn ở cuối trận đấu.
Đại hội XII bầu ra 19 Ủy viên Bộ Chính trị, đến nay đã có 5 người, chết
chóc, bệnh tật hoặc tù tội: Trần Đại Quang chết vì bệnh phóng xạ; Đinh
Thế Huynh bệnh ung thư phổi đã di căn hiện đang sống lây lất; Đinh La
Thăng chắc sẽ làm ma tù, Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình nhận kỷ luật
cảnh cáo.
Như vậy, hiện chỉ còn lại 14 người, nhưng làm căng ra cả quá khứ và hiện
tại, hầu như người nào cũng ít nhiều dính chàm. Trong đó 8 vị: Trọng,
Phúc, Ngân, Lịch, Vượng, Bình Trương, Phóng, Nhân đã hết tuổi. Trung
ương sẽ xem xét để bỏ phiếu đề cử “nhân sự đặc biệt” từ số này.
Hội nghị trung ương 13 vừa rồi không chốt được nhân sự, vì Bộ Chính trị
còn đang vận động ai nên rút, ai ở lại. Có thể có đến 3 phương án:
– Nếu chọn 3 người ở lại, sẽ là: Trần Quốc Vượng; Nguyễn Xuân Phúc và
Trương Hoà Bình
– Nếu chọn 2 người ở lại thì chỉ có thể Vượng và Phúc.
– Còn chọn 1 người ở lại thì hoặc Vượng hoặc Phúc
Số 6 người chưa quá tuổi, gồm: Chính, Thưởng, Lâm, Huệ, Mai, Minh.
Có người đặt dấu hỏi vì sao đến gần đại hội XIII mới “cảnh cáo” Hoàng
Trung Hải (tháng 1/2020) và Nguyễn Văn Bình (tháng 11/2020) mà không làm
việc này sớm hơn? Xin thưa, phe “đả hổ” là bậc thầy về soạn thảo và
nghiên cứu về điều lệ, quy định của đảng Cộng sản.
Nếu đảng viên không chịu mức kỷ luật nặng như cách tất cả các chức vụ,
khai trừ khỏi đảng, hoặc khởi tố bắt giam thì họ sẽ được xoá kỷ luật có
thời hạn. Căn cứ vào khoản 10, Điều 2, Quy định 102-QĐ/TW, ban hành năm
2017, thời gian để Đảng viên được xóa kỷ luật về đảng là 1 năm. Tính từ
ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ
luật mà đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm
mới đến mức bị xử lý kỷ luật, thì họ được xóa kỷ luật, quyết định kỷ
luật Đảng viên hết hiệu lực. Vì vậy chỉ làm như trên, mới loại bỏ vĩnh
viễn hai quân Tốt lội qua sông, của “đồng chí X” là Hoàng Trung Hải và
Nguyễn Văn Bình ra khỏi bàn cờ đại hội XIII.
Hai quân cờ nữa hiện đang trong tầm ngắm vì dính rất sâu với 3X là Phạm
Minh Chính và Võ Văn Thưởng. Phạm Minh Chính được 3X và đồng hương Tô
Huy Rứa đặt vào ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương khoá XII. Khi còn làm
bí thư Quảng Ninh, lẫn lúc vào Bộ Chính trị, suýt chút nữa Chính gạ được
cả “ngôi vua tập thể” dâng luôn Quảng Ninh cho Trung Cộng qua đề án gọi
là “Đặc khu kinh tế Vân Đồn”, nếu không vấp phải chỉ trích từ dân chúng
cả nước. Phạm Minh Chính được đồn đoán là “đại ca” và làm ăn chung với
Chung “con”, Nhàn “AIC”, Thái Minh “Ba Vàng” cùng nhiều bê bối khác.
Đích mà ông Chính nhắm tới là ghế Thủ tướng đầy quyền lực, chứ không
phải là Chủ tịch nước để… trang trí.
Ân oán giang hồ mà phe Thanh Hoá dây ra với phe Nghệ An, khi đánh Trưởng
ban tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt bay ra khỏi đại hội XI, có nguy cơ
lặp lại. Động thái bắt giam Chung “con”, điểm danh Nguyễn Thị Thanh
Nhàn, điều tra tại Quảng Ninh…, nhìn thiên la địa võng đang giăng ra,
rất dễ phán đoán, con hổ phe săn mồi nhắm vào, không ai khác, đó chính
là Phạm Minh Chính.
Võ Văn Thưởng, nhân vật trẻ nhất trong Bộ Chính trị (BCT) đồ đệ của cả
3X lẫn Lê Thanh Hải. Đưa Thưởng vào BCT, ý đồ của các anh là Thưởng sẽ
làm bí thư thành Hồ hai nhiệm kỳ, bảo đảm cho đám thái tử và “nhóm lợi
ích” tha hồ vét ngân sách, công sản và hút cạn máu dân Sài Gòn, nhưng
rất may là ý đồ này đã bị phe ông Trọng và ông Sang chặn lại. Nâng đỡ
cho Tất Thành Cang, cùng một số cán bộ khác nay đã bị khởi tố, Thưởng
đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Nếu Bộ Công an điều tra mở rộng,
thì không nói trước được điều gì.
Làm tuyên giáo, Thưởng phải nói toàn điều vô bổ, lọc lừa, dối trá, phi
khoa học, nên đi đâu cũng bị chê và người quen né như né hủi. Giờ thì
Thưởng như người mất hồn, lâu lâu mới ló ra trình diện để dân chúng biết
mình còn sống. Vé vào BCT nhiệm kỳ tới, chưa chắc Thưởng có được. Hy
vọng với nhân tố miền Nam, trẻ và biết thân phận, Thưởng sẽ được chiếu
cố một suất trụ lại.
Tô Lâm dạn dày chinh chiến, trong mắt ông Trọng, Tô Lâm là người lập
nhiều công trạng trong việc giúp ông bài trừ tham nhũng và ném những con
cá mập phe 3X vào lò. Suất vào Bộ Chính trị khoá XIII khá chắc, nhưng có
vẻ Tô Lâm không mặn mà với vị trí Thường trực Ban Bí thư, mà ông thích ở
lại Bộ Công an nhiệm kỳ hai với 5 năm nữa.
Phan Đình Trạc xuất thân từ an ninh, hàm đại tá, từng là giám đốc công
an tỉnh Nghệ An. Với vai trò Bí thư Trung ương, Trưởng ban Nội chính,
Phó trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung ương, nhưng Phan Đình Trạc
không được đánh giá cao. Trạc luôn ao ước đeo lon thượng tướng, ngồi vào
ghế Bộ trưởng – “thanh gươm và lá chắn”.
Tại hội nghị Trung ương 13, Phan Đình Trạc và Nguyễn Văn Nên là hai cái
tên được Bộ Chính trị đưa ra BCH Trung ương xin ý kiến để bầu bổ sung
vào BCT khoá XII, nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng phương án này bị đa số phiếu
bác bỏ. Nguyễn Văn Nên chắc có được suất vào BCT khoá XIII khi đã nắm
giữ trọng trách bí thư thành Hồ tại đại hội XI hồi tháng 10/2020, nhưng
với Phan Đình Trạc thì rất mong manh.
Vương Đình Huệ là “gà ruột” của Nguyễn Phú Trọng. Huệ cũng góp công lớn
giúp ông Trọng đánh bại Nguyễn Tấn Dũng trước đại hội XII và mở màn công
cuộc đốt lò bằng cách tấn công vào “bộ sậu” Tập đoàn dầu khí quốc gia.
Tham vọng của Huệ hoặc ngôi vua Tổng bí thư, hoặc Thủ tướng, còn không
thì cứ ngồi ghế tổng đốc Hà thành cho nó yên thân. Huệ ý thức được rằng,
ghế “tứ trụ” khó đến lượt mình. Hơn nữa, việc không giản đơn tí nào,
tranh nó có thể chết hoặc trắng tay, gương Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà
Phan, Hồ Đức Việt… vẫn sờ sờ ra đó.
Trương Thị Mai trưởng thành từ Đoàn thanh niên và đủ các loại hội. Bà
vốn trung dung, không gây thù chuốc oán với ai. Phái nữ, lại hiền, vì
vậy được lòng tất cả các phe, lấy phiếu tín nhiệm lúc nào bà Mai cũng có
được số phiếu cao ngất, chỉ sau “tứ trụ”. Suất tái cử Bộ Chính trị, Mai
cầm chắc. Ghế chủ tịch Quốc hội cũng tốt, không cũng không sao, Mai
không ra mặt quyết liệt tranh giành.
Phạm Bình Minh con nhà nòi, có tài. Nếu không lập lại câu chuyện buồn,
đại khái như bị bọn Trung Cộng giật giây, cản mũi như đã từng làm với bố
Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương), thì Minh sẽ tiến xa. Minh có tố
chất và đủ tiêu chuẩn theo quy định 214-QĐ/TW để ngồi vào một trong các
ghế “tứ trụ”.
Trong số các thành viên Ban Bí thư khoá XII, những người chắc suất sẽ
vào Bộ Chính trị khoá XIII đã rõ:
Lương Cường ứng viên duy nhất chiếc ghế bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tương
tự, Trần Thanh Mẫn cũng chắc suất trong vai trò Chủ tịch MTTQ. Trần Cẩm
Tú cũng vào BCT để nắm Ủy ban Kiểm tra đầy quyền lực nhiệm kỳ hai.
Ba thành viên Ban Bí thư còn lại Phan Đình Trạc, Trương Hoà Bình và
Nguyễn Xuân Thắng chỉ được tranh hai vé vào BCT mà thôi.
Về Nguyễn Thành Phong, theo quy hoạch và đề cử ban đầu có vé, nhưng chủ
tịch thành Hồ bị dính vào nhiều vụ việc, cùng các cán bộ sở ngành bị
khởi tố, bắt giam… nên “giấy thông hành” cho Phong đi tiếp đã chấm hết.
Làm thêm một nhiệm kỳ chủ tịch UBND nữa sẽ là hồng phước của nhà ông
Phong rồi.
Báo chí quốc doanh trích đăng lời ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh VP Trung
ương Đảng, trợ lý của Trần Quốc Vượng, cho biết tại Hội nghị báo cáo
viên tháng 10 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 14/10/2020,
rằng:
“Nhân dân khắp chốn cùng quê đều quan tâm đến việc có trường hợp đặc
biệt hay không và là ai? Cái này đang ở phía trước. Như Tổng bí thư từng
nói trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 13 rằng ‘trăng đến rằm
thì trăng tròn, giờ mới mùng 3, mùng 4 thôi’, đến rằm còn lâu“.
Thật là kinh! Ai thắng ai trong các cuộc so găng sắp đến để lên ngôi đế
vương thì chưa rõ, nhưng có một điều, việc bầu bán trong nhà nước cộng
sản, “cái chết trên chấm phạt đền” ở phút 89 là có thật. Qua 15 kỳ hội
nghị trung ương, ai trụ lại được, không thành tiên thì cũng hoá yêu
tinh. |