Chính phủ Nhật Bản xác nhận với BBC về việc tạm ngưng giải ngân cho các dự án ODA mới ở Việt Nam, trong lúc một bộ trưởng Việt Nam cam kết quản lý chặt vốn ODA.
Trả lời BBC hôm 4/6, Bí thư Thứ nhất Sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết tại cuộc họp ngày 2/6 ở Hà Nội giữa Nhật và Việt Nam, phía Nhật thông báo sẽ “tạm ngưng” các dự án mới dùng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Nhật Bản yêu cầu Việt Nam điều tra rõ có tiêu cực hay không sau cáo buộc một công ty Nhật, JTC, hối lộ quan chức Việt Nam để đổi lấy hợp đồng cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội.
Ông Hayashi Hiroyuki xác nhận với BBC không phải toàn bộ các dự án ODA tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng.
“Chỉ các dự án mới dùng vốn ODA sẽ bị tạm ngưng,” ông cho biết.
“Chính phủ Việt Nam sẽ điều tra liệu có hay không tham nhũng ở dự án liên quan JTC hoặc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.”
Cáo buộc công ty Nhật JTC hối lộ quan chức Việt Nam được báo Nhật đăng tải hồi tháng Ba.
Báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) khai với cơ quan công tố Tokyo việc hối lộ một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ yen.
Đây là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội.
Theo báo Nhật, ông chủ tịch tập đoàn khai đã chi tiền lại quả cho các quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan.
Ông này được cho là đã ký vào bản khai. Trước đó ông đã tự nguyện đến làm việc với Văn Phòng Công tố Tokyo hôm thứ Ba ngày 18/3 sau khi Cục thuế Tokyo phát hiện JTC đã chi một khoản không minh bạch trị giá 130 triệu yen.
Trong tổng số 130 triệu yen chi không minh bạch này, 80 triệu yen là chi cho quan chức Việt Nam, còn 30 triệu chi ở Indonesia và 20 triệu chi ở Uzbekistan.
Tất cả đều với mục đích giúp cho JTC giành được hợp đồng các dự án có sử dụng vốn vay ODA của Nhật ở các quốc gia này.
Việt Nam nói sáu quan chức đường sắt đang bị điều tra, trong đó có nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam Trần Quốc Đông và ông Trần Văn Lục, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt.
Ông Hayashi Hiroyuki, Bí thư Thứ nhất Sứ quán Nhật Bản, nói với BBC rằng Nhật Bản đặt ra ba yêu cầu với Việt Nam.
- Điều tra có hay không tham nhũng trong các vụ bị tố cáo
- Có biện pháp nghiêm khắc với các viên chức liên quan
- Thiết lập biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa tái diễn
Với các dự án khác tại Việt Nam, Nhật Bản cũng yêu cầu Việt Nam bảo đảm sẽ điều tra khi có tố cáo và có biện pháp phòng ngừa.
“Tác động với các dự án mới phụ thuộc vào phản ứng của chính phủ Việt Nam,” nhà ngoại giao Nhật nói.
“Phản ứng nhanh hơn sẽ khiến tác động nhỏ hơn.”
Dự kiến Nhật Bản và Việt Nam sẽ có cuộc họp cuối tháng Sáu để nghe kết quả điều tra của Việt Nam.
Tin cho hay tại cuộc họp này, Nhật Bản sẽ cân nhắc nối lại ODA cho các dự án mới sau khi xem kết quả điều tra và biện pháp phòng ngừa của Việt Nam.
‘Không để tái phát’
Cùng ngày 4/6, truyền thông Việt Nam tường thuật về phản ứng của các quan chức Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nói phía Nhật chỉ tạm ngừng cấp cho dự án liên quan trực tiếp tới vụ việc tiêu cực của Tổng công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC).
"Phía Nhật Bản cho biết sẽ tạm ngừng giải ngân ODA, nhưng không phải ngưng toàn bộ mà chỉ là ngưng một phần trong tổng số một tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam vay năm nay,” ông Tiến được dẫn lời.
“Tôi khẳng định phần này rất nhỏ và chỉ liên quan trực tiếp đến vụ việc.”
Ông Tiến không dùng từ “tạm ngưng” khi nhắc về các dự án mới, mà nói rằng chúng sẽ được Nhật “xem xét trên cơ sở Việt Nam cam kết xử lý nghiêm minh vụ việc cũ và có giải pháp tránh sự việc tái diễn trong tương lai”, theo trang tin VnExpress.
Vào sáng 4/6, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng nói với báo trong nước “phải quản lý chặt vốn ODA trong thời gian tới”.
“Bây giờ chúng ta đang làm, điều tra, đã bắt rồi, nhưng phải có kết luận, đưa ra toà theo quy trình tố tụng,” Bộ trưởng Thăng bình luận.
“Quan trọng là các giải pháp sắp tới, bao gồm những việc như không để tái phát tiêu cực cũ và không xuất hiện tiêu cực mới.”
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tuyên bố “hai bên cùng xử lý kiên quyết thì mới bảo vệ được đồng vốn”.
“Cơ chế của chúng ta có thể chậm phát hiện tiêu cực nhưng khi có thông tin chúng ta làm rất mạnh tay bất kể đối tượng đó là ai,” ông Kiên nói.