LUẬT KHOA
https://www.luatkhoa.org/2021/07/5-dieu-nhay-cam-nguoi-mien-bac-nen-biet-ve-mien-nam/
5 điều nhạy cảm người miền Bắc nên biết về miền Nam
Vì sao người miền Nam rất nhạy cảm với một số diễn ngôn và cách
hành xử từ miền Bắc?
TRỊNH HỮU LONG Sự
khác biệt vùng miền là chuyện hết sức bình thường, ở nước nào cũng có.
Nhưng để cho những sự khác biệt đó trở thành lối ứng xử kỳ thị vùng miền
thì là đại họa, bởi nó là ngọn nguồn của bạo lực. Hiểu về những điều
khác biệt đó để tìm ra cách ứng xử phù hợp, do vậy, trở nên đặc biệt
quan trọng. Sự
khác biệt, và cả kỳ thị, mang tên Bắc Kỳ – Nam Kỳ là một câu chuyện bắt
buộc phải có lời giải trong một cộng đồng dân tộc. Trong bài này, tôi
xin chia sẻ một số hiểu biết rời rạc của bản thân nhằm giúp những người
miền Bắc như tôi hiểu hơn về vài điều nhạy cảm về chính trị của miền
Nam. Không có gì là tuyệt đối, tôi không quy chụp mọi thứ cho một vùng
miền nào, nhưng có những khác biệt đáng kể mang tính phổ biến. Tôi
không có ý lên án những người miền Bắc thiếu tế nhị trong cách hành xử
với người miền Nam, bởi chính tôi cũng chỉ học được những điều dưới đây
khi ngấp nghé độ tuổi 30. Và tôi viết những điều này với ý thức rằng sự
kỳ thị có thể đến từ cả hai phía. Không có tham vọng giải quyết hết được
mọi vấn đề trong một bài viết, tôi mạn phép thảo luận chuyện này từ một
góc còn ít được nói đến hiện nay.
1. Người miền Nam nhìn “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” khác
người miền Bắc
Người miền Bắc không có cách nào khác để nhìn nhận giai đoạn lịch sử
1954 – 1975 ngoài “cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. [1] Họ coi việc đất nước bị chia cắt
là không thể chấp nhận, coi Mỹ và chính quyền Sài Gòn là kẻ thù, và coi
người dân miền Nam là những nạn nhân cần phải được “giải phóng”.
Nhưng mọi chuyện rất khác khi nhìn từ lăng kính của người miền Nam. Họ
coi một nửa đất nước – miền Nam – là một quốc gia hoàn chỉnh có tên Việt
Nam Cộng hòa (từ 1955). Góc nhìn này trùng khớp với góc
nhìn của công pháp quốc tế. [2] Họ
trân trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa. Trong
khi đó, lá cờ này lại bị xa lánh, kỳ thị ở miền Bắc. Họ
không sống với lý tưởng phải “giải phóng” miền Bắc. Toàn bộ giai đoạn
1954 – 1975 là cuộc đấu tranh gìn giữ miền Nam trước các cuộc “xâm lăng”
và “khủng bố” của miền Bắc. Nếu nghe lại các bài nhạc vàng, ta dễ thấy
họ gọi quân miền Bắc là “giặc”, “quân thù”. Rất nhiều người miền Nam đã
mất mạng ngay trên đất miền Nam dưới nòng súng của miền Bắc, đặc biệt là
trong trận
Mậu Thân năm 1968. [3] Họ
coi chính quyền Sài Gòn là chính quyền hợp pháp của họ. Họ kính trọng Tổng
thống Ngô Đình Diệm [4] của nền Đệ
nhất Cộng hòa, [5] họ lập ra Hiến pháp 1967 và bầu
ra chính quyền Nguyễn Văn Thiệu của nền Đệ nhị Cộng hòa. [6] Và mặc
dù có rất nhiều bất đồng với các quan chức, họ không coi chính quyền đó
là kẻ thù. Họ
coi Mỹ là đồng minh, là một đất nước tiến bộ. Thời Việt Nam Cộng hòa,
người miền Nam coi việc đi Mỹ du học là một thành tựu lớn trong đời. Họ
nhìn lính Mỹ ở miền Nam như những người bảo vệ họ trước miền Bắc, mặc dù
có thể họ không hài lòng với việc có quân đội ngoại quốc trên đất Việt
Nam. Khác
với niềm tin mãnh liệt của người miền Bắc thời kỳ đó, người miền Nam
không có nhu cầu được giải phóng. Họ có một nền kinh tế, giáo dục, kỹ
nghệ, nông nghiệp phát triển hơn hẳn miền Bắc. Và đặc biệt, họ có thứ tự
do chính trị mà chính Hồ Chí Minh đã dành cả tuổi trẻ để tranh đấu nhưng
lại hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc. Ngày
30/4/1975 với phần lớn người miền Nam là ngày “mất nước” và là ngày bắt
đầu một chuỗi bi kịch khổng lồ.
2. Người miền Nam bị truy bức về chính trị sau năm 1975 Sau
ngày mà người miền Bắc gọi là “giải phóng miền Nam”, người miền Nam bắt
đầu bị truy bức về chính trị.
Những ai từng đi lính hay làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (kể
cả giáo viên) đều bị đưa đi trại cải tạo. [7] Gọi là trại cải tạo
(re-education camp) nhưng về bản chất không khác gì các trại tập trung
(concentration camp) của phát-xít Đức ngày xưa. Có đến 21 trại cải tạo
được lập ra sau chiến tranh, giam giữ khoảng 300 nghìn người, trực tiếp
ảnh hưởng tới hàng triệu người khác. [8]
Người miền Nam bị bắt vào đây mà hoàn toàn không qua bất kỳ một phiên
tòa xét xử nào. [9] Họ phải lao động khổ sai. Rất nhiều người
đã chết ở đây, suy kiệt sức khỏe và tinh thần ở đây. Họ bị giam giữ hàng
năm, thậm chí hơn mười năm trời mà không được, hoặc rất ít khi được gặp
gia đình. Những ai sống sót trở về thì gia đình hoặc là cũng đã ly tán,
hoặc là khánh kiệt, bị chính quyền mới phân biệt đối xử, gặp khó dễ khi
làm giấy tờ, con cái không được đi học đại học, nhìn chung đã rơi xuống
đáy xã hội.
Người miền Bắc hay đùa cợt về việc “đi cải tạo”, biến nó thành một thành
ngữ mà không cân nhắc kỹ đến bi kịch khủng khiếp này của hàng triệu
người miền Nam. Với người miền Nam ngày nay, “đi cải tạo” vĩnh viễn là
một cơn ác mộng, một nỗi đau không bao giờ dứt.
3. Người miền Nam bị bần cùng hóa sau năm 1975 Sau
khi “giải phóng” xong, chính quyền mới áp đặt nền kinh tế kế hoạch hóa,
tập thể hóa lên toàn miền Nam. Ngày nay, chúng ta biết rằng đó là một
thảm họa kinh tế đã dẫn toàn bộ đất nước tới khủng hoảng trầm trọng và
ngấp nghé bờ vực sụp đổ vào thập niên 1980. [10] Cuộc khủng
hoảng đó nghiêm trọng tới nỗi Đảng Cộng sản phải thừa nhận sai lầm, từ
bỏ giáo điều kinh tế Mác – Lê-nin để “đổi mới”, chuyển sang kinh tế tư
bản chủ nghĩa, mà ngày nay họ gọi là kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa. [11] Cái
nền kinh tế thị trường ngày nay, trên thực tế, đã từng là một hiện thực
ở miền Nam trước năm 1975. Chuyện mở công ty làm ăn, phát hành cổ phiếu,
giao thương với nước ngoài, tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài là
chuyện hết sức bình thường. Với
một nền kinh tế thị trường tự do như vậy, miền Nam đã có các đô thị
thịnh vượng. Mặc dù mức sống ở nông thôn còn thấp nhưng không đến mức
đói khổ như miền Bắc, và cơ hội làm giàu luôn hiện hữu, khác với miền
Bắc coi làm giàu là chuyện sai trái.
Người miền Nam sau năm 1975 như bị đẩy xuống vực sâu, bởi tài sản của họ
bị tịch thu, doanh nghiệp phải đóng cửa, việc làm ăn buôn bán bị cấm
đoán, hàng hóa tắc nghẽn vì ngăn sông cấm chợ, đường nhựa ở đô thị bị
cày lên trồng khoai, rất nhiều người bị đưa đi các vùng kinh tế mới,
v.v. Cùng
với nạn truy bức chính trị thì việc bị bần cùng hóa về kinh tế như vậy
càng làm dày thêm tấn bi kịch của họ.
4. Người miền Nam phải liều mạng bỏ nước ra đi
Người miền Bắc hay đùa cợt chuyện “vượt biên” nhưng không biết gì đáng
kể về phong trào vượt biên ở miền Nam sau năm 1975. Vì
bị truy bức chính trị, bị bần cùng hóa về kinh tế, và bị phân biệt đối
xử nặng nề, rất nhiều người miền Nam đã đi đến một quyết định táo bạo,
và với họ là quyết định duy nhất hợp lý: liều mạng vượt biên đi tìm một
cuộc sống mới. [12] Ước
tính có hơn một triệu người đã vượt biển bằng thuyền với hy vọng được
tàu nước ngoài cứu hoặc đến được với bờ biển của các nước, vùng lãnh thổ
láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong. Họ
trở thành một hiện tượng lịch sử, một thảm họa nhân đạo có tên “Thuyền
nhân Việt Nam” (Vietnamese Boat People). Hàng trăm ngàn người trong số
họ chết trên biển. Số còn lại đạt được mục đích và sau này đi định cư ở
các nước như Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu. Một số ít khác đến
Ấn Độ, Nhật, tùy thuộc vào việc họ được tàu nước nào cứu. Họ ngày nay
trở thành phần lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại. Một
số khác thì vượt biên đường bộ sang Campuchia rồi tới Thái Lan. Số này
không nhiều bằng thuyền nhân. Khi
ra đi, họ mang tâm thế rằng nếu đi được sẽ liên lạc về gia đình, gửi
tiền về nuôi gia đình, và nếu thuận lợi thì sẽ tìm cách đưa gia đình ra
nước ngoài. Thực tế là sau khi đã định cư được ở các nước tự do, họ đã
làm thủ tục bảo lãnh đưa gia đình sang. “Tị
nạn” là một từ hay bị mang ra để chế giễu ở miền Bắc, nhưng họ không
biết rằng với hàng triệu người miền Nam, đi tị nạn từng là lối thoát duy
nhất cho cuộc sống của họ.
5. Bi kịch của người miền Nam chưa bao giờ được thừa nhận Tất
cả những bi kịch khổng lồ như vậy của người miền Nam chưa bao giờ được
thừa nhận, chứ chưa nói gì đến một lời xin lỗi từ chính quyền. Họ
không được thừa nhận là đã bị truy bức chính trị. Họ
không được thừa nhận là đã bị cướp mất kế sinh nhai. Họ
không được thừa nhận là đã bị phân biệt đối xử nặng nề. Họ
không được thừa nhận là đã bị ép vào đường cùng phải liều mạng bỏ Tổ
quốc ra đi.
Không những không được thừa nhận, không được xin lỗi, năm nào người miền
Nam cũng phải chịu đựng những lời ngợi ca “chiến thắng 30/4”. Nghĩa
trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa không có mấy ai chăm sóc, bị hoang hóa
đi theo thời gian. Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa bị chính quyền bỏ
mặc, phải nương tựa vào nhau và vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong khi
đó, những người miền Nam xưa kia bỏ nước ra đi giờ đây đang gửi mỗi năm
hàng chục tỷ đô-la tiền mặt về nước (trong tổng số kiều
hối năm 2020 là 17,2 tỷ USD). [13] Với
chừng ấy vết thương mà lịch sử để lại, người miền Nam trở nên đặc biệt
nhạy cảm với hàng loạt từ, ngữ, diễn ngôn chính trị cũng như cách hành
xử. Người miền Bắc nên biết rằng những vết thương này chưa bao giờ được
vá lại và nên chọn lấy cách ứng xử phù hợp nhất trong cả lời nói lẫn
hành động.
Tài liệu tham khảo
1. Dân, B. N. (2015, April 23). Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống
Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam
dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/thang-loi-vi-dai-cua-su-nghiep-chong-my-cuu-nuoc-la-thang-loi-cua-duong-loi-va-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-duoi-su-lanh-dao-dung-dan-sang-tao-cua-dang-230737
2. Trung, N. Q. T. (2021b, April 29). 30/4 – Xâm lược hay giải
phóng: Từ góc nhìn công pháp quốc tế. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/04/30-4-xam-luoc-hay-giai-phong-tu-goc-nhin-cong-phap-quoc-te
3. Britannica, T. Editors of Encyclopaedia (Invalid Date). Tet
Offensive. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Tet-Offensive
4. Quản, V. V. (2020, April 22). Cuộc trưng cầu dân ý đưa Ngô Đình
Diệm lên chức tổng thống có dân chủ? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/04/cuoc-trung-cau-dan-y-dua-ngo-dinh-diem-len-chuc-tong-thong-co-dan-chu
5. Quản, V. V. (2021c, May 10). 8 điều đáng chú ý về Hiến pháp 1956
của Việt Nam Cộng hòa. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/05/8-dieu-dang-chu-y-ve-hien-phap-1956-cua-viet-nam-cong-hoa
6. Quản, V. V. (2021a, March 28). Bầu cử năm 1967 ở miền Nam: Dân
chủ nhất trong lịch sử Việt Nam? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/04/bau-cu-nam-1967-o-mien-nam-dan-chu-nhat-trong-lich-su-viet-nam
7. HOANG, T. (2016). From Reeducation Camps to Little Saigons:
Historicizing Vietnamese Diasporic Anticommunism. Journal of
Vietnamese Studies, 11(2), 43-95. Retrieved July 5, 2021,
from https://www.jstor.org/stable/26377909
8. Kiernan, B. (2017). Chapter 11: The Making of Comtemporary Việt Nam,
1975–2016. In Việt Nam – A history from earliest times to the present (pp.
452–455). Oxford University Press.
9. Vi, Q. (2020, March 4). Trại cải tạo sau 30–4-1975: Lục lại một
báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2017/06/trai-cai-tao-sau-30-4-1975-luc-lai-mot-bao-cao-cua-xa-quoc-te-nam-1981
10. Kimura, T. (1986). Vietnam–Ten Years of Economic Struggle. Asian
Survey, 26(10), 1039-1055. doi:10.2307/2644255
11. ANU E Press Board, Viet Nam: A Transition Tiger? The
Introduction of Doi Moi,The Australia National
University E Press (2003)
65.internet. 27desember 2015. http://press.anu.edu.au
12. Quan Tue Tran. (2012). Remembering the Boat People Exodus: A
Tale of Two Memorials. Journal of Vietnamese Studies, 7(3),
80-121. doi:10.1525/vs.2012.7.3.80
13. Vũ – Đ. (2021, May 17). Hơn 17,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam
trong năm 2020. VnEconomy, https://vneconomy.vn/hon-17-2-ty-usd-kieu-hoi-do-ve-viet-nam-trong-nam-2020.htm |