RFA 17-2-14

Những bước nhảy đầy ấn tượng trước tượng đài vua Lý

Mặc Lâm - RFA
 

Từ điệu nhảy thực dân…

Khiêu vũ được du nhập vào Việt Nam cùng với bước chân đổ bộ của thực dân Pháp và những bước nhảy đầu tiên có lẽ đã diễn ra trong các bữa tiệc ít người thuộc giới chính trị nhằm mua chuộc, lôi kéo người Việt cộng tác với Pháp khi chính giới Pháp hiểu rất rõ chỉ có thể lấy người Việt để thu phục người Việt cho mẫu quốc.

Sau đổi mới, chính quyền đã khuyến khích thanh niên trên toàn quốc tham gia vào các cuộc khiêu vũ dưới tên gọi múa tập thể. Hàng ngàn thanh niên nam nữ trong các tổ chức Đoàn được huấn luyện những bài học khiêu vũ rất vui, tay trong tay cùng nhảy với  nhau sau những giờ sinh hoạt đoàn đầy gượng ép. Chính những buổi nhảy tập thể này là chất liệu hấp dẫn thanh niên tới với sinh hoạt đoàn khi Đảng Cộng sản thấy rằng các lý thuyết cộng sản đã từ lâu không còn hấp dẫn họ.

Không những các buổi khiêu vũ tập thể ấy là vũ khí để chống lại sự nhàm chán mà chúng còn tỏ ra có khả năng chống lại nhiều thứ khác, đó là vô hiệu hoá các cuộc tập trung đông người mà đảng cho là chống lại mình. Câu chuyện xảy ra vào ngày 16 tháng 2 là minh chứng cụ thể nhất cho công tác huấn luyện này.

…đến bước nhảy đoàn thanh niên

Ít nhất bốn mươi đoàn viên thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh đã tưng bừng nhảy múa tập thể tại Tượng đài Cảm tử trong khi một làn sóng âm ỉ từ nhiều người muốn tỏ thái độ chống Trung Quốc trong ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới vào ngày 17 tháng 2. Chính quyền biết việc làm này và đã điều động đoàn viên của họ để phá tan sự tập họp của đám đông nếu có.

Ông Ngô Nhật Đăng, một chiến binh của chiến trường biên giới phía Bắc nói về tâm trạng người lính sau 35 năm qua cách đối xử của chính quyền hiện nay:

- Nhiều năm nay chuyện đó hoàn toàn bị lãng quên. Tất nhiên tôi không đòi hỏi sự đãi ngộ nhưng ít nhất phải có sự nhắc nhở để những thế hệ trẻ sau này biết là đã có một sự kiện lịch sử như vậy.

Hôm qua tôi gặp một một cựu chiến binh anh là lính đặc công của sư đoàn 305 tham gia cuộc chiến từ năm 69-70. Anh nói rằng nhà của anh có ba anh em đều đi bộ đội, bản thân anh ấy là thương binh còn người em thì an lành trở về và một người nữa thì nằm lại biên giới năm 1979. Anh ấy kể khi ngồi ăn cơm với nhau trong ngày giỗ của người em hy sinh tại biên giới phía Bắc năm 79, thằng em nó hỏi anh một câu, các anh đi đánh Mỹ thì được trọng vọng còn chúng tôi đi đánh Tàu này, anh có biết không nhục như con chó không thằng nào nhớ tới hết.

Tại Hà Nội, tượng đài Lý Thái Tổ không im lặng như Tượng đài Cảm Tử của Sài gòn. Từ nhiều ngày trước người ta đã biết rất rõ hôm nay sẽ có ít nhất trăm người sẽ đến để dâng hương cho người đã khuất. Tên tuổi của họ công khai trên mạng Internet và dù muốn hay không chính quyền Hà Nội cũng khó lòng lấy bạo lực ngăn cản mục đích chính đáng của người dân.

Tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội có kinh nghiệm nhiều hơn Sài Gòn trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc. Tham mưu của UBND thành phố đã mang những bước nhảy được gọi là khiêu vũ để vô hiệu hoá buổi tưởng niệm này.

Họ đã nhảy múa vui mừng…

Nữ nghệ sĩ Kim Chi có mặt tại tượng đài trong phái đoàn từ miền nam ra đã xúc động nói với chúng tôi khi bà chứng kiến cảnh tượng này:

- Tôi có hai cảm xúc đối với việc hôm qua, thứ nhất là đối với tấm lòng của bao nhiêu người xót thương, biết ơn những người đã hy sinh trong cuộc chiến ấy để bảo vệ tổ quốc thì số ấy đông lắm ở phía bờ hồ. Còn điều mà nó làm cho tôi rất khó chịu mà nói nặng hơn là phẫn nộ trước những hành động rất là lố bịch. Cái ngày như thế mà họ bắt loa thiệt to rồi họ ôm nhau nhảy nhót này kia, nó không có tự nhiên…tôi không hiểu các bạn sung sướng gì mà ra đây ăn mừng cái ngày đó.

Vài chục cặp nam nữ có độ tuổi của những người Pháp khi mới đặt chân xuống miền Nam Việt Nam vào thế kỷ 18, đã trình diễn những bước nhảy tự tin mặc dù nhiều người cho là lố bịch. Thông điệp của những bước chân ấy được mang tới người xem dưới nền nhạc “Con bướm xinh” xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến vấn đề được nhìn ngỡ ngàng từ người tham dự khi yếu tố Trung Quốc xuất hiện có chủ đích trong những bước nhày này.

Ký giả Chris Brummitt của hãng thông tấn AP còn ngỡ ngàng hơn và một tiếng đồng hồ sau khi buổi khiêu vũ tập thể ấy diễn ra, toàn thế giới đã nhận được bản tin trọn vẹn về cơn mưa dưới tượng đài Lý Thái Tổ với hình ảnh của những công dân đầy tự hào đang nhảy múa trên buổi tưởng niệm về cái chết của 60 ngàn đồng bào của họ.

Nhà văn Võ Thị Hảo một người tham gia buổi tưởng niệm cho biết:

- Các tờ báo ấy đã ghi lại những hình ảnh những người nhảy múa trước ngày đau buồn của nước Việt Nam thì tôi nghĩ rằng nó sẽ gây ra sự phản cảm. Mặc dù không có những chứng cứ rõ ràng để xác định nhưng những việc ấy cho thấy một bàn tay thiết kế nhằm xoá nhoà những sự thật lịch sử đã xảy ra

…từ chủ trương im lặng.

Nhìn lại một chuỗi các việc làm của chính quyền từ đàn áp, vận động từng nhà người dân để chống biểu tình, mạ lỵ vu khống người biểu tình trên hệ thống truyền thông đại chúng cho tới tổ chức nhảy múa phá rối người có lòng với đất nước, nhà văn Võ thị Hảo cho biết cảm nghĩ của bà:

- Chính quyền Việt Nam trong thời gian vừa rồi có nhiều cử chỉ khiến cho người Việt băn khoăn. Chẳng hạn như đàn áp người biểu tình trong khi họ chỉ bày tỏ lòng yêu nước và nguyện vọng muốn nhà cầm quyền đứng lên bảo vệ đất nước mà thôi. Họ không phải là những người gây mất trật tự trị an hay muốn gây hấn, muốn gây hận thù chia rẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng sự đàn áp lâu dài và có hệ thống cũng như việc có chỉ đạo ngầm yêu cầu dừng những buổi lễ tưởng niệm lại đã khiến cho nhiều người đặt câu hỏi rằng phải chăng những người đó có quyền lợi thống nhất với Trung Quốc hay là chính bàn tay của Trung Quốc đã lũng đoạn những người đó hay sao?

Vậy là hôm nay 17 tháng Hai, ngày chính thức kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới, các chính trị gia trên thế giới sẽ tiếp tục theo dõi xem sau buổi khiêu vũ tập thể đầy ấn tượng ấy những con người tận lòng với chính quyền sẽ có những động thái nào khác để tiếp tục gây ấn tượng cho họ.

Họ chú ý vì có lẽ chưa một thế chế dân chủ hay độc tài quân phiệt nào lại nghĩ ra được một biện pháp bất bạo động chống biểu tình hay và hiệu quả đến như vậy