Blog Quê Choa
17-6-14

Sự nhẹ dạ của người Việt
 

Nguyễn Trần Sâm

Nhìn lại lịch sử nước nhà gần một thế kỷ qua, không thể không nhận ra rằng một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến những tai họa cho dân tộc nằm ngay ở tính cách người Việt, đặc biệt ở sự nhẹ dạ, nông nổi.

Người Việt ta rất thích được ca ngợi, rất có “năng khiếu tự hào”.

Mỗi khi có một cái cớ nào đó thì đại đa số đều say sưa với niềm tự hào vô bờ bến. Đặc biệt, khi trong mấy chục triệu đồng bào có một nhân vật nào đó làm được một việc gì “ngang tầm thời đại” thì mọi người đều coi đó như một bằng chứng về sự vượt trội của “dân tộc tôi”. Họ không biết và không thèm biết rằng một dân tộc khác có thể có hàng ngàn nhân tài cỡ đó, thậm chí còn có những người giỏi hơn. Vì thích được tự hào nên người ta sẵn sàng tin tuyệt đối khi có một người nước ngoài nào đó khẳng định rằng Việt Nam thật tuyệt vời, thậm chí là nhất thế giới.

Sau chiến thắng Điện Biên, nhà thơ chính trị đã viết “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” làm ngây ngất bao trái tim. Sự say sưa càng được nhân lên khi có những người nước ngoài đến Việt Nam và khẳng định Điện Biên Phủ là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. (Trong khi đó, nếu vào một trang mạng tìm kiếm nào đó và gõ “Lịch sử thế giới” hay “Lịch sử thế giới thế kỷ XX”, quý vị sẽ thấy hiện ra hàng chục tài liệu lịch sử, trong đó không có chỗ nào nhắc một lần đến Điện Biên Phủ; chỉ có Đức, Pháp, Nga, Mỹ,… với hai cuộc thế chiến, và một số sự kiện lớn khác. Và nếu quý vị đi nước ngoài và ra đường hay công viên chặn mọi người lại để hỏi thì chắc trong 1 vạn người may ra có 1 người biết Điện Biên Phủ là gì.)

“Sung sướng làm sao khi sáng mai thức dậy bỗng thấy mình là người Việt Nam.” Câu nói của một bà nào đó người Cuba (hình như nhà báo?) vào khoảng năm 1967 rõ ràng đã đẩy “niềm tự hào Việt Nam” lên tới trời. Từ ngày đó, người Việt ta không còn muốn để mắt đến một dân tộc nào khác nữa!

Sự nhẹ dạ của người dân được trang bị thêm lòng tự hào đó đã nhiều lần bị lợi dụng. Những nhân vật “làm chính trị”, với chiêu bài vừa tâng bốc, phỉnh nịnh quần chúng, vừa nói những lời mỹ miều về sự sẵn sàng hy sinh tất cả vì dân vì nước, vừa hứa hẹn về tương lai xán lạn, lại vừa tuyên truyền rằng đội ngũ lãnh đạo của cái dân tộc vĩ đại này xứng đáng là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, dễ dàng dắt đám quần chúng nông nổi đi theo. Thậm chí người ta còn bảo được quần chúng nhắm mắt lại trên đường đi để khỏi thấy còn có những lối đi khác, mà nhiều người vẫn tin và làm theo. Trong cuộc tranh giành đám quần chúng nhẹ dạ, nhóm người nào ma lanh hơn, xảo trá hơn sẽ thắng.

Trong những ngày này, sự nhẹ dạ vẫn đang tiếp tục bị lợi dụng. Hàng vạn người đã xuống đường biểu tình theo hai sự định hướng khác nhau. Đám người này thì nghe theo bọn côn đồ lạ hoắc, không biết chui từ lỗ nào lên, xúi họ xông vào tất cả các công ty nước ngoài, nhất là của Đài Loan, để đập phá. Đám khác lại theo sự định hướng “chính thống”, tham gia “phản biểu tình” để làm mất đi tinh thần chống bọn kẻ cướp Đại Hán, mà không biết rằng họ đang tự làm hỏng tương lai của chính mình.

Đáng buồn hơn nữa là sự nhẹ dạ của những nhà trí thức, kể cả những vị nổi tiếng. Một nhân vật có thế lực, mặc dù toàn thân đã “nhúng chàm”, từng gây ra bao tai họa cho những con người tử tế, từng làm thất thoát phần lớn ngân sách quốc gia, tức mồ hôi xương máu của bao nhiêu thế hệ, kể cả những thế hệ tương lai, chỉ cần nói được một hai câu trúng ý các nhân sỹ, bỗng được các vị này coi như bậc thánh nhân. Họ ca ngợi. Họ tung hô. Rồi dồn hết hy vọng vào một cuộc đổi dời long trời lở đất mà dường như nhân vật đó sắp tạo ra. (Nếu đúng lúc này mà nhân vật đó chết, có lẽ “lịch sử” sẽ quên đi mọi điều dơ dáy mà nhân vật đó đã từng làm, để truyền tụng với nhau rằng “ngài” đã “hiển thánh”!)

Ở một mức độ nào đó đúng là có thể giải thích được thái độ như vậy của kẻ sỹ. Khi trông chờ có một cuộc thay đổi thì điều quan trọng là nó có xảy ra được hay không. Người thực hiện nó là ai cũng được. Kẻ thực hiện dù có là kẻ xấu xa nhất thì việc thực hiện vẫn là tốt cho xã hội, vẫn nên được đón mừng. Đôi khi, vì quyền lợi chung, có thể cần “khích tướng” để một nhân vật có thế lực “nổi máu” lên và ra tay. Nhưng đó là trong trường hợp có thể hy vọng một cách có cơ sở vào khả năng thay đổi. Và dù có khích tướng thì cũng không nên ca tụng và đặt mọi niềm tin vào một nhân vật không xứng đáng.

Sự nhẹ dạ và nông cạn còn làm cho một số nhân vật có bằng cấp rất cao ngưỡng mộ và trông chờ cả vào những nhân vật ngoại bang. “Với toàn bộ tầm nhìn chiến lược toàn cầu của Putin cũng như của nước Nga, tôi nghĩ rằng họ cũng hoàn toàn có khả năng nhận biết giới hạn của nước Nga, can dự hay là hợp tác với Trung Quốc… Chuyện chấp nhận để Trung Quốc để thao túng ở Biển Đông rồi đe dọa Việt Nam, trước hết là một đồng minh chiến lược của nước Nga ở Đông Nam Á, chắc chắn Nga sẽ không thể chấp nhận”, – mới cách nay vài tuần, một vị có học vị đến tận tiến sỹ khoa học đã từng phát biểu như vậy. Những lời này rõ ràng thể hiện một nhận thức ấu trĩ, đánh giá quá cao tài năng của Putin và vị thế của nước Nga trên trường quốc tế, đồng thời cũng nhìn nhận quá sai lệch về vị thế của Việt Nam trong tư tưởng và tình cảm của Putin. Vị này đã nhầm lẫn những lời xã giao sau các cuộc hội đàm với suy nghĩ thật của một chính khách, mà trong trường hợp này là một kẻ cực kỳ giảo hoạt.

Một điều có vẻ cực kỳ phi lý và mâu thuẫn, nhưng hoàn toàn có thật, là sự nhẹ dạ và nông cạn của chính những nhân vật đã vươn đến đỉnh cao quyền lực bằng cả một quá trình lạm dụng sự nhẹ dạ của quần chúng. Vì chính họ cũng nhẹ dạ và nông cạn, họ đã say sưa với những lời đường mật về tình hữu nghị (mà đến giờ mới có vị nhận ra là “viển vông”) của những tên hàng xóm vừa xảo trá vừa hung hăng. Vì nhẹ dạ và nông cạn, họ đã hạ bút ký vào những văn bản trói buộc số phận của cả một dân tộc vào với một nước “anh em” với một tập đoàn cầm quyền đang từng ngày từng giờ gây ra những điều lo ngại và khó chịu cho cả thế giới.

Tất nhiên, trong việc ký kết những văn bản tai hại cho dân tộc, động lực chính là quyền lợi cá nhân và tập đoàn. Nhưng nếu không nông cạn và dốt nát thì những nhân vật có trách nhiệm phải hiểu được rằng những quyền lợi trước mắt đó không thể nào bảo đảm được tương lai lâu dài cho chính cá nhân họ, một khi dân tộc bị lệ thuộc vào một tập đoàn phản động ngoại bang. Số phận Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong sau khi bán nước đủ để làm tấm gương cho họ, nhưng họ đã không chịu soi. (Có lẽ họ vẫn hy vọng được làm quan ở bên Tàu như Trần Ích Tắc chăng?)

Trong mấy tuần qua, đã có biết bao nhiêu bài viết vạch trần những mưu đồ xấu xa của tập đoàn cầm quyền Trung Nam Hải. Tất cả những điều lên án đó đều đúng. Nhưng có một điều phải xấu hổ mà thừa nhận: trong quan hệ quốc tế, bọn người đó tuy đểu cáng, xỏ xiên, nhưng không hề nhẹ dạ.

Tác giả gửi Quê Choa

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả