Các nhóm lợi ích ở có thể đang nhòm ngó một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế Việt Nam qua đợt cổ phần hóa doanh nghiệp tới đây để thủ lợi, theo cảnh báo của nhà quan sát từ Việt Nam.
Các lĩnh vực này có thể bao gồm khai thác tài nguyên, khoáng sản, hầm mỏ cho tới những cơ sở doanh nghiệp nhà nước được đầu tư, có lợi thế về cơ sở hạ tầng và mạng lưới hạ tầng lớn, theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 04/4/2014, nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên thận trọng, không nên vội vàng tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế này.
Ông Thành nói:
"Không cần phải quá vội vã các doanh nghiệp liên quan đến tài nguyên của đất nước, cái sở hữu tài nguyên, hoặc là các doanh nghiệp mà có lợi thế về mặt cơ sở hạ tầng hoặc các mạng lưới hạ tầng lớn ở trong các ngành sản xuất mà đòi hỏi phải có các mạng hạ tầng lớn.
"Đây là hai loại hình doanh nghiệp mà tôi nghĩ không cần vội vã trong quá trình cổ phần hóa và nếu có cổ phần hóa, cần phải có một lộ trình đặc biệt, với những nguyên tắc minh bạch, rõ ràng và sự tham chiếu đặc biệt."
Theo Tiến sỹ Thành cổ phần hóa có một mục tiêu là làm thu hẹp quy mô được cho là nặng nề, kém hiệu quả của khu vực nhà nước, mở rộng không gian kinh doanh cho các khu vực kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về chính sách kinh tế này, để quá trình cổ phần hóa diễn ra tốt, nhà nước phải đảm bảo toàn bộ quá trình được minh bạch.
Ông Thành nói: "Cần một quá trình minh bạch càng nhiều càng tốt, càng rõ càng tốt, để cho các tài sản được chuyển đổi một cách rõ ràng, theo giá của thị trường."
Chuyên gia cảnh báo cổ phần hóa không thích hợp như quá 'ồ ạt' có thể dẫn đến giá trị tài sản của nhà nước bị hạ thấp. Ông Thành lưu ý:
"Ồ ạt cùng một lúc có thể có hậu quả là giá của tài sản bị thấp, vì nguồn cung ra lớn, cái này cũng là trường hợp của các nước Đông Âu, hoặc là Đông Đức cũ trước đây,
"Cái này chúng ta (Việt Nam) phải thận trọng, tuần tự trong tiến trình đưa ra cổ phần hóa và đồng thời đi theo sức mua của thị trường tài sản."
'Ngăn chặn đi đêm'
Hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biển độc lập IDS (đã tự giải thể) cũng nhất trí về việc cần minh bạch hóa toàn bộ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Ông nói: "Minh bạch có nghĩa là các quy định phải được công bố một cách rất công khai, bởi vì đây thực sự là bán một phần tải sản của toàn dân, cho nên toàn dân phải có quyền được biết,
"Có nghĩa là cổ phần hóa công ty nào, thông tin về công ty đó, thông tin về những người mua và mua với giá bao nhiêu phải được công bố rộng rãi và quan trọng nhất là phải có một cơ chế giám sát để làm sao ngăn chặn được sự đi đêm của họ với nhau."
Theo Tiến sỹ Quang A, các nhóm lợi ích, đặc quyền, đặc lợi có thể đang để mắt tới một số lĩnh vực trong đợt cổ phần hóa hiện nay là viễn thông, xây dựng cơ bản, hay năng lượng.
Ông cũng cảnh báo có thể có thành phần nước ngoài 'nhòm ngó' tới một số lĩnh vực có thể liên quan tới an ninh, vị trí địa lý chiến lược và cả lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam mà họ tìm cách lách luật, núp bóng sau những người tham gia mua doanh nghiệp, kể cả là một phía nước ngoài khác.
Ở một khía cạnh khác, hôm 04/4, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nói với BBC ông cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có một số nguyên tắc ưu tiên.
Ông nói: "Cần ưu tiên cổ phần hóa những doanh nghiệp có khả năng chia nhỏ được tương đối dễ dàng, và tính chất sản phẩm của nó gần với sản phẩm của đời sống dân sinh để nhiều bên có thể tham gia vào nhất, với những chuyên môn không quá đặc thù,
"Tôi cho rằng đây là nhóm dễ kiểm soát hơn, dễ mở cửa, minh bạch hơn, dễ được mọi người tham gia hơn, vì mỗi người có thể tham gia một phần, chứ không phải là tham gia hết, như thế sẽ hạn chế rất nhiều (với) người mua, đó là cách tôi nghĩ để hạn chế tài sản của nhà nước bị thôn tính hoặc bị thao túng bởi một nhóm nhỏ."
Hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Nguyễn Quang A còn nói với BBC, để bảo vệ tài sản nhà nước và minh bạch hóa việc cổ phần hóa này, các quan chức của nhà nước trong các lĩnh vực chức năng liên đới cần công khai 'lợi ích của mình' và tốt nhất là không được tham gia lợi ích vào mọi khâu đoạn, tiến trình của quá trình cổ phần hóa, dưới bất cứ hình thức, danh nghĩa nào.
Được biết, trong riêng giai đoạn 2011 - 2013, Việt Nam đã "tái sắp xếp" được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng đặt mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp đến năm 2015.