Người Việt
Người chạy khỏi quê hương, kẻ kêu gào ‘nhục quốc thể!’
Kalynh Ngo/Người Việt
CAO HÙNG, Đài Loan (NV) – Chỉ vài ngày nữa là tờ lịch cuối cùng của năm
rơi xuống. Đường phố Sài Gòn, Hà Nội và khắp các tỉnh thành trong nước
vẫn chưa kịp thay chiếc áo rực rỡ mùa Giáng Sinh để khoác vào tà áo gấm
đón chào năm mới.
Những ngày cuối cùng của năm Mậu
Tuất 2018…
Người dân tại Việt Nam vẫn còn nao nức mỗi ngày lên mạng tìm kiếm hình
ảnh cô hoa hậu đẹp người đẹp nết H’Nen vừa trở về sau những thành công
đạt được ở cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Người Việt Nam vẫn còn say sưa với chiến thắng vang dội của đội bóng
tròn khi họ giành chiến thắng trong trận chung kết AFF Cup 2018, bước
lên đỉnh vinh quang sau 10 năm chờ đợi.
Thì chính người Việt Nam phải bàng hoàng trước thông tin 152 người Việt
bỏ trốn trong đoàn du lịch 153 người đến đảo quốc Đài Loan, một con số
chưa từng có trong lịch sử “ở lại xứ người” sau mỗi chuyến đi du lịch
hoặc hợp tác lao động của người dân Việt.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, truyền thông Đài Loan phủ sóng với những từ
như Việt Nam, người Việt Nam, du lịch, 152 du khách, biến mất, bỏ trốn…
Một vài ngày sau, báo chí Đài Loan, thế giới tràn ngập hình ảnh những
người Việt khúm núm, sợ hãi gục đầu trước cảnh sát và người của Sở Di
trú Đài Loan bao quanh. Đó là những du khách Việt Nam đầu tiên trong
nhóm 151 người đã bị bắt giữ và trình diện với cảnh sát sau những ngày
bỏ trốn.
Cho đến chiều tối ngày 28 tháng Mười Hai, tờ Apply Daily dẫn thông tin
của nhà chức trách Đài Loan xác nhận tổng số người Việt bỏ trốn là 151,
vì ngoài người trưởng đoàn, còn có 1 thanh niên 17 tuổi không “mất
tích.”
Chưa biết cuộc bố ráp của cảnh sát Đài Loan và Sở Di trú nước sở tại sẽ
kéo dài trong bao lâu để tìm ra tất cả 151 người, nhưng sự việc này đã
trở thành “cơn ác mộng” cho những người Việt xuất cảng lao động hợp
pháp, lẫn bất hợp pháp ở Đài Loan.
Trần Lâm, một thanh niên còn rất trẻ, là “dân” xuất khẩu lao động, ngồi
trong căn phòng trọ ở Đài Bắc, cho chúng tôi biết qua cuộc nói chuyện
trực tuyến về cuộc sống của người Việt ở Đài Bắc những ngày qua.
“Sự việc đó ảnh hưởng rất lớn đến bọn em là lao động Việt Nam qua,
nhất là những người lao động Việt qua đây bằng con đường bất hợp pháp,
cư trú bất hợp pháp.
Hiện tại Sở di trú và cảnh sát truy quét toàn Đài Loan. Mọi người
phải dừng công việc lại, chạy chui chạy lủi vì sợ bị bắt.”
Cùng là người Việt, Trần Lâm biết rõ và hiểu rõ vì sao 151 người đó phải
hành động như thế. Cho dù vậy, anh cũng phải xác nhận việc bỏ trốn của
151 du khách đó đã ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống của người Việt
nơi đây, người lao động hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Muôn nẻo đường trốn chạy
Chắc có lẽ không ai ngờ rằng hơn 40 năm, sau hai cuộc di tản vĩ đại và
đau thương nhất của lịch sử Việt Nam, trong lúc Việt Nam được xếp thứ 95
trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 của Liên Hợp Quốc thì lại có những
cuộc trốn chạy khỏi đất nước đó bằng mọi giá.
Để thực hiện những cuộc trốn chạy đó, họ phải chọn những quốc gia nào có
nhiều cơ hội cho họ đỗ bến nhất. Đài Loan là một trong những quốc gia
đó. Vì Đài Loan là nước dễ xuất nhập cảnh và tìm việc phù hợp với lao
động Việt Nam. Các lao động Việt dễ dàng được nhận nếu họ có tay nghề.
Cũng từ căn phòng trọ nhỏ đó, Trần Lâm kể cho chúng tôi biết về muôn nẻo
con đường chạy trốn ấy.
“Con đường đi nhiều nhất là đường xuất khẩu lao động, an toàn nhưng
với 1 kinh phí rất cao.
Con đường du lịch thì cũng an toàn, nhưng khi qua bên này, ở lại thì
không an toàn nữa về tính mạng. Ví dụ như trong khi làm việc mà có ốm
đau gì đó thì không được nhà nước bảo hộ. Con đường thứ 3 là đường biển.
Họ phải bỏ ra chi phí rất cao, từ 5.500 –
6.500 USD. Con đường đó cực kỳ nguy hiểm. Hàng năm có
rất nhiều người Việt Nam mình chết dạt vào bờ biển Đài Loan vì đi bằng
con đường biển, bất hợp pháp.”
Ở lại cũng chết, chết vì biển không còn cá để mưu sinh. Ra đi cũng chết,
chết vì bỏ mạng ngoài khơi. Đó là những người bỏ quê sau thảm họa
Formosa ba năm trước.
Một sự thật được Trần Lâm kể lại:
“Ở Việt Nam thì nhà nước không lo được công ăn việc làm có thu nhập
ổn định. Hầu như qua đây là người miền Trung rất nhiều. Từ lúc thảm họa
Formosa xảy ra, biển chết, người dân không thể bám biển được họ phải bỏ
biển, bỏ nghề qua bên này. Có những người có điều kiện thì họ có thể đi
xuất khẩu lao động, nhưng với số tiền rất cao, từ 5.500 – 7.000 USD.
Những người bất hợp pháp thì vì họ không đủ kinh phí thì bắt buộc họ
phải đi bằng đường du lịch, rồi “nhảy ra ngoài”.
Số người Việt Nam qua Đài Loan tăng rất nhiều, nhất là người miền
Trung.”
151 du khách Việt này không phải là trường hợp trốn chạy đầu tiên hiếm
hoi đối với người Việt Nam trong những năm gần đây. Tháng Mười Một vừa
qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt tạm giam 3 người trong nhóm 17 người
vượt biên sang Úc bằng đường biển cảnh sát Úc phát hiện và bắt giữ, trục
xuất về Việt Nam.
Thương cho cái “nhục quốc thể”
Một đất nước, một dân tộc trải qua biết bao thăng trầm và chiến sự như
Việt Nam thì có lẽ sự chịu đựng gian nan, vất vả khó có thể làm cho
người dân Việt chùn bước nản lòng. Ông bà xưa đã từng đúc kết: “Cái khó
ló cái khôn” cũng là thế.
Và rồi “cái khôn” được “ló” ra sau hơn 40 năm từ ngày cánh cổng Dinh Độc
Lập bị xe tăng Bắc Việt húc đổ, là những cuộc trốn chạy tìm kiếm mưu
sinh tiếp tục diễn ra.
Sự việc 151 người Việt bỏ trốn ở Đài Loan lần này làm nổ tung dư luận vì
nó là một chấn động lớn nhất từ trước đến nay đối với đất nước Đài Loan.
151 người này, hay những người đóng thuyền vượt biển đến Úc, New Zealand
trong những năm qua có lẽ họ không bao giờ dám mưu cầu cuộc đời “một
bước lên thiên đàng”.
Họ chạy trốn không phải vì muốn đến một nơi có thể làm công việc “sang”
hơn, nhàn hạ hơn. Họ cũng không chạy trốn để được ở ngôi nhà to hơn,
công nghệ 4.0 hiện đại hơn. Họ chạy trốn cũng không phải để đến một nơi
được tự do phát ngôn, biểu đạt, vì nơi đó họ không nói được ngôn ngữ quê
hương mình. Vì nơi đó, họ phải làm cu ly, ở trong những phòng trọ nhỏ
hẹp. Họ phải liên tục di chuyển mỗi khi cảnh sát địa phương kiểm tra
giấy tờ.
Họ chạy trốn vì con đường sinh nhai đã bị cắt đứt, môi trường sống bị
diệt vong, niềm tin bị chà đạp, hạnh phúc bị tước đoạt. Họ chạy trốn dù
biết đó là phạm pháp. Họ nhắm mắt, chấp nhận số phận.
151 người đó đã phạm pháp. Giới chức Cơ Quan Di Trú Đài Loan cáo buộc họ
đã vi phạm Đạo luật Chống Buôn người, Luật Nhập cư và Luật Lao động Đài
Loan. Họ sẽ vướng vòng lao lý? Hay họ sẽ bị trả về nơi mà họ đã cùng lên
“phi vụ” bỏ trốn để nhận bản án theo Điều 275 Bộ luật Hình sự về việc tổ
chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái
phép?
Hình phạt nào thì chưa biết. Nhưng chắc chắn, con đường trục xuất về
Việt Nam là không xa. Hình ảnh những người Việt bị bắt ngồi gục đầu, tay
bị khóa trong còng được đăng tải rất nhiều trên các trang báo mạng trong
nước. Hình ảnh này là nỗi đau xót cho những kiếp người vật lộn với cuộc
mưu sinh, là nỗi khốn cùng của một dân tộc vẫn còn phải vùng vẫy để sống
còn sau hơn 40 năm.
Hình ảnh này, với ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc Hội Việt Nam là “đã
làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế,” là đã làm
“nhục quốc thể.”
Đó là quốc thể mà ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
trực tuyến Chính phủ với các địa phương: “Niềm tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng, quyết tâm giải quyết những vấn đề của đất nước chưa
bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.”
Đó cũng là một quốc thể mà bà Ginetta Sagan, Amnesty International từng
nói: “Dưới chính sách khắc nghiệt của Cộng sản, nếu cái cột đèn mà biết
đi chắc nó cũng…ra đi.” (Kalynh Ngô) |