RFA Blog
28-6-15

Nước còn hay mất?

 

Song Chi.

Bàn đến hiểm họa Trung Quốc, nhiều người cho rằng thời đại bây giờ có lẽ cũng khó có chuyện một quốc gia nào đó ngang nhiên đem quân đánh chiếm nước khác sau đó công khai áp đặt sự đô hộ hay cai trị của mình lên quốc gia đó như thời xưa, hay thậm chí như thực dân, đế quốc trước đây. Cùng lắm là đánh chiếm một phần lãnh thổ của nước khác, điều mà nước Nga của Putin đã làm với Crimea của Ukraine, là ví dụ gần đây nhất.

Vì thế, chuyện Trung Cộng sẽ đem quân xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành một quận huyện của Trung Quốc như trong quá khứ là khó có thể xảy ra. Thế giới chắc chắn không thể để yên cho một hành động ngạo ngược như vậy và Trung Cộng có nhiều thứ để mất nếu hành động chống lại cả thế giới.

Nhưng liệu có cần thiết phải phát động một cuộc chiến tranh tốn hao người và của khi Bắc Kinh biết rõ rằng họ có thể nắm gọn được Việt Nam bằng nhiều cách khác, từ khống chế về chính trị, quân sự, tạo ra sự lệ thuộc nặng nề về kinh tế cho tới gậm nhấm dần dần lãnh thổ, lãnh hải, điều mà họ đã và đang tiếp tục tiến hành lâu nay?

Còn đối với dân tộc Việt Nam, có phải đợi đến lúc Việt Nam bị đổi tên, người Việt Nam phải học một thứ ngôn ngữ khác, và có một thế lực ngoại bang công khai ngồi đó cai trị thì mới là mất nước?

Hay trên thực tế, nước còn mà cũng như mất? Khi người dân không được phép quan tâm đến chính trị vì “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”, không được phép có ý kiến hay bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước mọi hành vi ngang ngược, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của “nước lạ”? Trái lại, nếu vì bất bình mà lên tiếng phản đối thì lại bị chính nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp, xách nhiễu, tống giam vào tù với những bản án vô vùng phi lý, khắc nghiệt.

Khi suốt từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện cách này hay cách khác của “nước lạ” Trung Quốc? Từ thực phẩm, hàng hóa đủ loại tràn vào Việt Nam bằng mọi con đường, chính thức hay buôn lậu, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của nền sản xuất nội địa; từ việc các doanh nghiệp lớn nhỏ của Trung Quốc thắng thầu phần lớn các công trình trọng điểm của Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, thủy điện, khai thác khoáng sản… dẫn đến sự có mặt của hàng trăm, hàng ngàn công ty, khu công nghiệp và cả những khu vực toàn người Trung Quốc, mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không được phép xâm nhập vào. Truyền hình Việt Nam từ đài trung ương đến đài địa phương tràn ngập phim cổ trang, lịch sử cho tới phim truyện thời hiện đại của Trung Quốc, các cửa hàng sách lớn nhỏ tràn ngập sách truyện dịch từ Trung Quốc…

Khi sự hiện diện của Trung Quốc không chỉ bao trùm trong lĩnh vực kinh tế, một phần văn hóa, mà rõ rệt nhất là trong lĩnh vực chính trị, thông qua mối quan hệ không tương xứng giữa hai đảng, hai nhà nước Việt-Trung. Các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tiếp nối nhau đều mặc nhiên chấp nhận tình trạng bất tương xứng này và ngoan ngoãn phục tùng Trung Quốc. Không chỉ nhất cử nhất động học theo mô hình thể chế xã hội của Trung Quốc mà còn phải nghe theo những lời chỉ đạo từ xa, kể cả “cầm tay chỉ việc” của Bắc Kinh từ thời chống Pháp, thời cải cách ruộng đất cho tới bây giờ cũng không khá hơn. Bàn tay nhám nhúa của Trung Nam Hải còn thò sâu vào nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, mua chuộc, thao túng, gây chia rẽ, kẻ nào thân Tàu thì có cửa leo cao tiến xa và ngược lại.
Thì như thế nước còn mà cũng như mất.

Khi tàu Trung Quốc ngang nhiên cướp bóc, đánh chìm tàu, làm bị thương, bắt giữ người trên các tàu cá của ngư dân Việt Nam từ bao nhiêu lâu nay, ngược lại, hàng ngàn tàu cá và tàu quân sự Trung Quốc ngang nhiên đi lại trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà nhà cầm quyền không hề dám phản ứng mạnh.

Gần đây, trước thực trạng Trung Quốc ồ ạt biến các đảo ngầm thành những hòn đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trong tương lai, tình hình trở nên hết sức đáng ngại nhưng quốc hội Việt Nam vẫn chỉ đóng cửa họp kín về tình hình biển Đông và không dám đưa ra một nghị quyết phản đối mạnh mẽ nào. Trả lời báo chí, ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng“Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình Biển Đông và nếu cần thiết sẽ ra Nghị quyết về vấn đề này tại các kỳ họp sau”. ("Các kỳ Quốc hội sau sẽ ra Nghị quyết về Biển Đông nếu cần thiết", Infonet).

Người dân tự hỏi không biết đến bao giờ thì mới là cần thiết, đợi đến khi các căn cứ quân sự đã xây xong và giặc chiếm nốt những hòn đảo còn lại của quần đảo Trường Sa hay khi giặc đã vào đến tận Hà Nội?

Trong tháng 6, Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng biển Việt Nam, hoạt động tại vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang đàm phán phân chia ranh giới, nhưng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chỉ dám theo dõi, tuyệt không dám “mời” ra khỏi lãnh hải nói gì đến phản ứng mạnh hơn.

Thậm chí khi có cơ hội lên tiếng, chẳng hạn như tại Đối thoại Shangri-la 2015 tại Singapore, phái đoàn Việt Nam do ông Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu lại có quan điểm “Lần này, Việt Nam lắng nghe là chính, không phát biểu”(“Tướng Nguyễn Chí Vịnh: TQ cần hành xử đúng luật quốc tế”, VietnamNet), thay vì nhân dịp này tố cáo trước quốc tế những hành động xâm phạm chủ quyền đất nước và đe đọa đến hòa bình ổn định trong toàn khu vực biển Đông của Bắc Kinh. Ông Vịnh lại còn cho rằng: “Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác...” (“Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Càng căng thẳng, càng phải độc lập tự chủ”, Tuổi Trẻ). Trong khi ai cũng thấy rõ Việt Nam là nước đã, đang và sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất trong việc Trung Cộng bành trướng trên biển Đông, Việt Nam cô độc và cần đến sự giúp đỡ của thế giới như thế nào nếu phải đương đầu với Trung Quốc.

Thì như thế có nghĩa, nước còn mà cũng như mất.

Khi từ các cấp lãnh đạo cao nhất cho đến từng người dân Việt Nam chưa đánh đã mang tâm lý đầu hàng trước “Trung Quốc nó mạnh thế đánh làm sao nổi?”, và tâm lý ngồi chờ. Nhà cầm quyền thì chờ Philippines đi kiện Trung Quốc xem tình hình ra sao, chờ các nước khác lên tiếng giùm, nhất là chờ Hoa Kỳ có những phản ứng mạnh mẽ có thể ngăn chặn được Trung Quốc. Hết chờ các nước khác can thiệp lại mong chờ hão Trung Quốc sẽ nể tình mối quan hệ bao lâu nay giữa hai đảng, hai nhà nước mà chiếu cố cho, không xâm lấn hơn nữa.

Còn người dân thì cũng ngồi chờ cho nhà nước này tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi mối quan hệ bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Thậm chí có những người ngồi chờ Trung Quốc nổ ra chiến tranh, dù từ bên trong hay bên ngoài, khiến cho chế độ hiện tại của Bắc Kinh phải sụp đổ, Trung Quốc chuyển đổi thành một nước dân chủ thì khi đó Việt Nam và các nước láng giềng may ra mới được yên ổn v.v và v.v…

Khi chúng ta không hành động gì mà chi ngồi chờ…sung rụng như thế, thì nước còn mà cũng như mất, và sớm muộn gì cũng mất thật!

Hay nói cách khác, cái giang sơn mà từng tấc đất, ngọn cỏ, dòng sông, đều thấm máu của hàng triệu triệu người Việt qua bao nhiêu cuộc chiến tranh với thiên nhiên để sinh tồn và những cuộc chiến tranh ác liệt chống ngoại xâm, được gìn giữ, bảo vệ và phát triển qua hàng ngàn năm thành một quốc gia trải dài từ Nam ra Bắc, ngày hôm nay, dưới chế độ cầm quyền của đảng cộng sản, đã bị "teo tóp", mất mát dần vào tay ngoại bang và trên thực tế chỉ còn lại cái vỏ độc lập giả hiệu bên ngoài mà thôi.