Nước Mỹ từ Trump, TPP và kinh tế VN

Phạm Chi Lan

 

Cả thế giới những ngày này không ngớt xôn xao về nước Mỹ từ thời kỳ của Donald Trump và tác động đến thế giới, đến khu vực và chính nước mình sẽ ra sao. Trong khi nhiều chính sách khác của Mỹ chưa biết sẽ hình thành như thế nào, thì hôm 21/11 Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cho tới gần đây, Việt Nam kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định TPP sẽ được thực hiện để tạo những cú hích trong cải cách và phát triển kinh tế của mình, cũng như trong phát triển quan hệ các mặt, đặc biệt về kinh tế, thương mại với Mỹ.

Trước tình hình mới này, Việt Nam cần suy nghĩ nghiêm túc về các khả năng trong tương lai, và đặc biệt là về việc mình phải làm gì để thích ứng với bối cảnh kinh tế chính trị trên thế giới chắc chắn sẽ khác trước.

Thứ nhất, về cải cách kinh tế. TPP với những chuẩn mực cao được kỳ vọng sẽ tạo động lực và áp lực cho VN trong việc cải cách mạnh thể chế kinh tế. Tuy nhiên, cải cách thể chế trước hết là yêu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, Chiến lược phát triển của VN cho thời kỳ 2011-2020 đều coi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Do vậy, có hay không có TPP thì người VN vẫn phải tự mình chủ động tiến hành công cuộc cải cách này.

Tình trạng sụt giảm tốc độ tăng năng suất lao động, sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và những vấn đề nổi cộm trong mấy năm gần đây đều có nguồn gốc từ thể chế. Để gỡ những nút thắt tăng trưởng và tránh bị tụt hậu xa hơn, người VN biết rõ cần cải cách càng sớm, càng triệt để càng tốt. Động lực, áp lực từ bên trong đối với cải cách đang tăng cao hơn bao giờ hết. VN thấy rõ, qua những cam kết trong TPP, cần cải cách như thế nào để xây dựng một hệ thống thể chế hiện đại, nhằm khắc phục những vấn đề hiện tại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

Hai là, về các nguồn lực cho phát triển. TPP được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nền kinh tế còn tương đối nhỏ và thiếu thốn nhiều bề của VN những nguồn lực cần thiết để có thể phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Đó là thị trường hàng hóa và dịch vụ, là dòng vốn đầu tư, là công nghệ, kỹ năng và tri thức, là sự kết nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu… TPP tạo nhiều thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực đó, nên không có TPP, khả năng tiếp cận các nguồn lực này, đặc biệt từ Mỹ, sẽ khó khăn hơn. VN sẽ phải điều chỉnh những dự định, chiến lược phát triển các sản phẩm của mình cho phù hợp với bối cảnh thay đổi cả về cấu trúc thị trường và điều kiện, phương thức tiếp cận các nguồn lực.

Mặt khác, chính trong bối cảnh này, VN càng cần nhận thức sâu sắc hơn rằng, trong phát triển của mọi quốc gia, nội lực bao giờ cũng là quyết định nhất. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong nước tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực của hệ thống điều hành, VN có thể khơi dậy và khai thác các nguồn lực còn dồi dào ở trong nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển. Tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tính bền vững.

Hơn nữa, nguyên lý “tài nguyên là hữu hạn, sức sáng tạo là vô hạn” đúng hơn bao giờ hết trong thời đại phát triển của công nghệ, của kinh tế tri thức ngày nay. Tập trung tạo lập các nền tảng cho phát triển nguồn lực con người, nguồn lực tri thức và đổi mới sáng tạo, nguồn vốn xã hội trong nước là việc phải được ưu tiên cao.

Ba là, về hội nhập quốc tế. TPP là quan trọng nhất, nhưng không phải là kênh hội nhập duy nhất của VN. Ngoài TPP, VN còn có FTA với EU, với Liên minh kinh tế Á-Âu, có AEC và ASEAN+6 và một số FTA khác đã ký kết hoặc đang đàm phán. Những hiệp định này bao gồm hầu như tất cả các đối tác kinh tế quan trọng nhất của VN.

Riêng với Mỹ, VN vẫn có BTA và hiệp định “BTA +” được ký trước khi VN gia nhập WTO, làm nền tảng cho quan hệ kinh tế giữa hai bên. Những bước tiến dài và quan trọng đã đạt được trong quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trong hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ cũng là vốn quý mà hai bên đã chung tay tạo lập. Và trên hết, lợi ích chung giữa hai nước, phù hợp với lợi ích phát triển của cả khu vực, là điều không ai có thể bỏ qua.

Bối cảnh thay đổi đòi hỏi VN phải gắng sức gấp bội để nâng cao khả năng tận dụng tốt nhất các mối quan hệ này, phát huy các động lực FDI và xuất khẩu mà các mối quan hệ này mang lại cho nền kinh tế, và tăng cường nội lực để tham gia hiệu quả hơn các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng, về số phận của TPP. Nhiều nước trong và ngoài TPP đang toan tính về TPP với những động cơ khác nhau. Việc Nhật thông qua TPP cho thấy Nhật sẵn sàng cùng các nước bàn bạc, điều chỉnh một số qui định cần thiết để cùng nhau thực hiện một TPP không (hoặc chưa) có Mỹ. Xét lợi ích khi tất cả các nước nếu tham gia có thể có được, điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, mà đáng hoan nghênh chứ!

 

Bài đã đăng trên Vietnam Forbes tháng 12-2016