TẢN MẠN CHUYỆN LIÊN XÔ,
TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

 

Phạm Gia Minh

 

Phần 2: Trung Quốc cải cách

 

Những đặc thù Trung Hoa

Đối với Phương Tây nói riêng và người nước ngoài nói chung thì Trung Quốc trong lịch sử xa xưa không đơn thuần là một quốc gia mà đó là cả một thế giới riêng biệt, khó nắm bắt, khó tiên liệu, huyền bí và thực dụng… Thế giới đó ngày nay tuy đã cởi mở hơn nhưng có lẽ chưa “phẳng” như thế giới Phương Tây bên ngoài nên hẳn vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ.

Cũng bởi sự khác biệt với bên ngoài nên chính người TQ luôn nhấn mạnh tới những đặc thù mang “màu sắc Trung Hoa” của mình. Tuy vậy, nếu đánh giá theo “tháp nhu cầu” của Maslow (1) thì chắc họ cũng có những khát vọng rất con người như chúng ta và không phải ngẫu nhiên, trong những năm gần đây có tới 46% người giàu TQ mong muốn chuyển sang các quốc gia phát triển Phương Tây sinh sống (2).

Nét nổi bật nhất là người TQ có lối nghĩ và hành động nói chung là rất khác Phương Tây và sẽ là không quá lời nếu như đặt tên cho sự khác biệt đó là “phong cách Trung Hoa”.

 

Hình 1: Biểu đồ mô tả “Phong cách Trung Hoa”

 

Trung Hoa có Kinh Dịch, thuyết Âm-Dương, Ngũ hành (một số luận cứ cho rằng Hán tộc đã tiếp thu thuyết này từ Bách Việt trong quá trình thôn tính và đồng hóa Phương Nam) và binh pháp Tôn Tử là những công cụ tư duy độc đáo mang tính thực tiễn cao. Trải qua hàng ngàn năm được mài giũa, những công cụ đó đã góp phần hình thành nên một dạng “tiềm thức dân tộc” và văn hóa hành xử rất thâm thúy, luôn có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt thích nghi nhưng cũng thực dụng không thua kém Tây phương.

TQ trong lịch sử hơn 5000 năm luôn là một xã hội thiếu vắng quyền tự do cá nhân theo cách hiểu của Phương Tây hoặc có thì rất hạn chế, và do vậy, TQ là hình mẫu kinh điển của một nhà nước toàn trị, chuyên quyền dẻo dai, nơi mà hệ thống đạo đức cá nhân Khổng giáo chẳng khác gì những sợi dây xích mạ vàng lóng lánh nhằm trói chặt mọi thần dân vào cỗ xe cai trị của các vị Hoàng đế - Thiên tử.

Nhà nước toàn trị đó lại chăm sóc các thần dân của mình bằng thứ dinh dưỡng tinh thần đặc biệt, đó là tư tưởng dân tộc Đại Hán - ta là trung tâm thiên hạ.

 

Các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và công cuộc chuyển đổi kinh tế

Khác hẳn với nước Nga bắt đầu chuyển đổi kinh tế từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường sang nền kinh tế thị trường bằng một “ cú nổ lớn” (Big Bang) với chính sách tự do hóa triệt để giá cả và tư nhân hóa hàng loạt, TQ lại thận trọng từng bước vận dụng cơ chế thị trường, trước hết ở những vùng nông thôn rộng lớn và sau đó là ở các khu vực hộ gia đình ở thành phố, trong khi vẫn giữ nguyên sở hữu nhà nước trong các ngành then chốt. Không giống như chính quyền mới ở Nga xóa bỏ kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế ngay từ giai  đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kinh tế, chính quyền TQ, vốn là chế độ kế hoạch hóa tập trung giống Nga tiếp tục lập kế hoạch cho các hoạt động kinh tế chủ yếu trong những năm đầu quá trình chuyển đổi. Việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ chỉ được từ bỏ vào giữa những năm 90 thế kỷ trước tức là 15 năm sau khi công cuộc chuyển đổi bắt đầu. Hiện nay chính quyền TQ vẫn nắm các doanh nghiệp nhà nước lớn sau hơn 30 năm cải cách (4).

Quá trình chuyển đổi kinh tế của TQ đã ngay lập tức dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao, trong khi quá trình tương tự ở Nga đã dẫn tới hậu quả suy thoái nghiêm trọng. Trong 10 năm từ 1990 tới 2000, GDP của TQ đã tăng với tốc độ bình quân 10,3%/năm, trong khi GDP của Nga lại giảm trung bình 4,8%/năm(3).

Khó có thể dùng các lý luận của trường phái kinh tế học Tân cổ điển để giải thích thỏa đáng quá trình chuyển đổi kinh tế từng bước thành công của TQ. Đúng là thông qua các biện pháp tự do hóa và tư nhân hóa triệt để, Nga đã tiến gần hơn tới một hệ thống thị trường tự do so với TQ. Tuy nhiên, nền kinh tế được tự do hóa từng phần của TQ lại hoạt động tốt hơn nhiều so với nền kinh tế được tự do hóa triệt để của Nga.

Theo phần tích ở Phần 1 – chuyện Liên Xô sụp đổ (2.1) việc kinh tế Nga sụt giảm nhanh chóng có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường trong nền kinh tế. Nói cách khác, lý thuyết chi phí giao dịch là chìa khóa để giải thích những vấn đề phức tạp của quá trình chuyển đổi kinh tế. Thị trường tự do không hoàn toàn “ tự do” và có những chi phí khổng lồ gắn với những trao đổi khách quan trên thị trường. Mức độ chuyên môn hóa và phân công lao động càng cao và các trao đổi càng phức tạp thì xã hội sẽ phải đối mặt với các chi phí giao dịch càng lớn. Như đã đề cập trong Phần 1 (2.1) các ngành dịch vụ giao dịch của nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao nhất, chiếm tới hơn 50% GDP của Mỹ vào năm 1970.

Khi bắt đầu quá trình chuyển đổi, Liên Xô cũ đã đạt được trình độ phát triển công nghiệp ngang bằng với các nước Phương Tây có trình độ chuyên môn hóa cao. Tuy nhiên mức độ chuyên môn hóa cao cần phải có các hoạt động trao đổi hay nói rộng ra là khu vực dịch vụ giao dịch thị trường ở trình độ tương xứng. Trong hệ thống kế hoạch hóa tập trung, bộ máy hành chính cồng kềnh đã xử lý tất cả các trao đổi hoặc giao dịch giữa các công ty cũng như giữa các chủ thể kinh tế nhà nước với người tiêu dùng. Là một hệ thống phi thị trường, nền kinh tế Liên Xô chủ yếu dựa trên các lĩnh vực phi giao dịch và thiếu trầm trọng nhiều ngành dịch vụ giao dịch.

Rõ ràng độ “lệch” khá lớn giữa trình độ chuyên môn hóa cao của nền kinh tế Liên Xô với thực trạng phát triển yếu kém của các ngành dịch vụ giao dịch là một khó khăn lớn cho quá trình chuyển đổi ở Liên Xô trong những năm đầu. Chủ trương tự do hóa thị trường và tư nhân hóa theo kịch bản “ vụ nổ lớn” đã làm cho bộ máy kế hoạch từng điều phối tất cả các hoạt động sản xuất và trao đổi trong một nền kinh tế chuyên môn hóa cao đột ngột bị sửa đổi trong khi đó các ngành dịch vụ cần thiết cho một nền kinh tế thị trường hiện đại lại hầu như hoàn toàn thiếu vắng. Sự sụp đổ của bộ máy hành chính đã tạo ra một “khoảng trống thể chế” ở nước Nga dẫn đến sự ngưng trệ toàn bộ nền kinh tế công nghiệp hóa trình độ cao.

Sai lầm mang tính nhận thức chủ quan lớn nhất của các lãnh đạo Xô Viết thời “cải tổ- Perestroika” chính là họ đã không nhìn ra vai trò của khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường nên đã đồng loạt làm tê liệt hoặc giải tán các cơ cấu của ĐCS cùng với bộ máy hành chính đồng cấp trên bình diện ngành và lãnh thổ toàn Liên bang trong quá trình chuyển đổi kinh tế.

Về nguyên tắc, có thể giảm nhẹ đáng kể tấn bi kịch xã hội trong giai đoạn đầu chuyển đổi nếu bảo lưu có chọn lọc và từng bước trao thêm những chức năng điều hành kinh tế cho bộ máy hành chính sẵn có, tách vấn đề hệ tư tưởng và đảng phái chính trị ra khỏi kinh tế một cách ôn hòa, đồng thời nhanh chóng tạo dựng các ngành dịch vụ giao dịch thị trường.

Quá trình tự chuyển biến này có thể diễn ra êm thấm nếu xã hội dân sự (XHDS) ở Liên Xô đã đạt một trình độ phát triển thích hợp cho phép các tổ chức tự nguyện của người dân hỗ trợ và bổ sung cho những khiếm khuyết tạm thời của bộ máy hành chính.( Một ví dụ đáng nhớ tại nước Bỉ sau cuộc thỏa thuận bất thành ngày 13/6/2010, suốt 485 ngày đất nước này không có chính phủ nhưng mọi hoạt động diễn ra vẫn bình thường do XHDS ở đây đã đạt trình độ tự quản khá cao). Điều đáng tiếc là dưới thời Xô Viết XHDS đã bị hiểu sai và do đó không được tự do phát triển.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, di sản XHCN hơn 70 năm quá nặng nề của Liên Xô đã là vật cản lớn đối với tiến trình chuyển đổi ôn hòa và hiệu quả như mong muốn.

Ngược với Nga, trình độ phát triển ban đầu thấp của nền kinh tế TQ là một điều may mắn trên thực tế đối với việc chuyển đổi kinh tế của nước này. Ngoài ra, chính sự lựa chọn phương thức chuyển đổi từng bước, trước hết ở khu vực nông thôn có trình độ chuyên môn hóa thấp với các biện pháp tương đối mạnh bạo, sau đó tiến tới khu vực thành thị với các cải cách ôn hòa hơn và cơ bản vẫn giữ lại các hệ thống kế hoạch chủ yếu. Lợi ích lớn nhất của phương thức cải cách trên là giữ được sự liên tục của sản xuất ở khu vực thành thị có trình độ chuyên môn hóa cao trong khi bộ máy kế hoạch xử lý giao dịch hầu như không bị ảnh hưởng. Trong khi đó sản lượng ở nông thôn nơi chiếm 70% lực lượng lao động đã tăng lập tức vì các lực lượng thị trường dễ dàng tăng sản xuất ở kinh tế nông thôn, nơi cần ít dịch vụ giao dịch vì trình độ chuyên môn hóa thấp.

Việc tự do hóa sớm ở khu vực nông thôn kết hợp với chính sách mở cửa đã dẫn tới quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng các ngành kinh tế truyền thống nơi đây và tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế của TQ trong 20 năm đầu chuyển đổi.

Một nguyên nhân rất quan trọng giải thích sự thành công phát triển kinh tế TQ là việc nước này mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư bản phát triển rất đúng cách và bài bản nhờ vai trò trung gian của vùng lãnh thổ Hồng Kông. Mô hình chuyên môn hóa hướng vào xuất khẩu mà các nước công nghiệp mới nổi ở Đông Á áp dụng thành công cũng là nguồn thông tin định hướng có ích cho TQ với vị thế là người đi sau.

TQ đã biết tận dụng Hồng Kông như một địa điểm cung cấp các loại dịch vụ giao dịch quan trọng, vốn gần như không tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch tập trung trước đây để giúp TQ tham gia thị trường thế giới. Theo nhà kinh tế học Milton Friedman, Hồng Kông là “hình mẫu hiện đại của thị trường tự do”, nơi mà quyền sở hữu được đảm bảo, xã hội dân sự cởi mở theo các chuẩn mực Anh – Mỹ, pháp luật quy định minh bạch, kinh doanh và thương mại tự do trong môi trường pháp trị . Nhờ có Hồng Kông, TQ đã học tập được hình mẫu cho việc phát triển ở Trung Quốc Đại lục các dịch vụ phụ trợ thương mại đa dạng như kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, cung cấp tài chính cho hoạt động thương mại, hậu cần Logistic và bảo hiểm phục vụ xuất khẩu …

Hồng Kông còn có vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển các thị trường tài chính của TQ vốn không tồn tại dưới chế độ kế hoạch hóa tập trung.

Chính quyền TQ đã hướng tới Hồng Kông để có được kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong việc xây dựng các định chế tài chính, hình thành các thị trường chứng khoán, đề ra những nguyên tắc và quy ước kinh doanh trong ngành tài chính giúp điều phối hoạt động của các ngân hàng thương mại và các công ty quản lý quỹ ở TQ.

Hồng Kông cũng cung cấp nhiều loại dịch vụ giao dịch khác thông qua đầu tư trực tiếp vào TQ ví dụ như quảng cáo, phân phối bán buôn, bán lẻ,bảo hiểm, tư vấn luật và kế toán v.v…

Nếu như trình độ chuyên môn hóa lao động thấp ở nông thôn TQ là một điều kiện ban đầu thuận lợi, tạo đủ thời gian cho việc phát triển các dịch vụ giao dịch trong lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế TQ vốn dĩ gắn bó chặt chẽ với mô hình kế hoạch hóa tập trung, thì Hồng Kông đã thực sự chuyển các dịch vụ giao dịch tới nền kinh tế đại lục ở bất cứ nơi nào cần các dịch vụ này. Điều này là một yếu tố có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của TQ trong tương lai(3).

Hơn thế nữa Hồng Kông còn là cửa ngõ để giới tư bản đại diện cho cộng đồng hơn 20 triệu người Hoa trên thế giới chuyển vốn, công nghệ và kỹ năng kinh doanh vào đại lục theo sự điều phối của quy luật “bàn tay vô hình” và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.

Nhưng có lẽ điều kiện khách quan bên ngoài có tính chiến lược cho sự chuyển đổi thành công của TQ đó là sự ủng hộ hiệu quả của Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp lịch sử năm 1972 với “thông cáo chung Thượng Hải”, Mỹ đã bắt tay với TQ để bao vây và làm suy yếu Liên Xô – một đối thủ ở ngay sát nách của TQ lại cùng theo hệ tư tưởng Mác- Lê trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo phong trào Cộng sản quốc tế. Đối với Mỹ thì Liên Xô là đối thủ đáng gờm nhất trong chiến tranh lạnh sau Thế chiến II.

Quan hệ nồng ấm ngoạn mục giữa hai cựu thù Mỹ - Trung là biểu hiện rõ nét chủ nghĩa thực dụng Hoa Kỳ, mặt khác nó cũng phản ánh trung thực lối suy nghĩ và hành động theo “phong cách Trung Hoa” rất uyển chuyển, mưu lược nhằm phục vụ tối đa cho lợi ích cốt lõi và bất biến của một thể chế toàn trị, chuyên chế dẻo dai mang tinh thần Đại Hán.

Quá trình chuyển đổi còn dang dở

Nền tảng tư tưởng cho quá trình chuyển đổi kinh tế ở TQ trong những năm qua được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận là một hình thái của chủ nghĩa Tư bản nhà nước kiểu Lê nin (Corporate Leninism) (4), nó có nhiều điểm tương đồng với truyền thống toàn trị và chuyên chế Á Châu thời hiện đại.

Chính vì vậy, sau hơn 30 năm cải cách nền kinh tế TQ ngày càng trở thành một nền kinh tế thị trường “dựa vào quyền lực của chính quyền”. Cơ cấu của hệ thống kinh tế - chính trị hiện nay được xây dựng để bảo đảm ĐCS TQ sẽ luôn luôn là trung tâm chi phối, điều tiết mọi cơ hội trong tất cả các lĩnh vực. Tại TQ hiện nay nhà nước nắm giữ 10 lĩnh vực kinh tế trọng yếu như Tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng,Viễn thông …Trong số 2037 công ty niêm yết trên 2 thị trường chứng khoán ở TQ chỉ có 100 công ty tư nhân. Tuy khu vực nhà nước nắm giữ hơn 75% vốn đầu tư nhưng chỉ sản xuất dưới 50% GDP (4).

Việc duy trì doanh nghiệp nhà nước là hình thức sở hữu chủ đạo đối với tư liệu sản xuất đồng thời được ưu ái về cấp vốn, đất đai v.v… là không phù hợp với cơ chế khuyến khích “bàn tay vô hình” Adam Smith nhưng lại bảo đảm cho ĐCS TQ những công cụ quyền lực cần thiết.

Các doanh nghiệp tư nhân “có máu mặt” phần lớn là do các cựu quan chức hoặc người nhà của họ nắm giữ mặc dù cũng tồn tại những doanh nghiệp tư nhân “đích thực”. Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh chủ yếu được quyết định bởi quan hệ của người chủ với các quan chức chính quyền trung ương và địa phương nói chung để có được những đặc ân và sự bảo trợ.Mặt khác, lợi nhuận của các công ty tư nhân phải chịu một hình thức chiếm đoạt dưới dạng những khoản thu khác nhau của chính quyền địa phương. Quan hệ tốt với địa phương sẽ giúp các công ty này không bị chiếm đoạt quá nhiều.

Khiếm khuyết chủ yếu của nền kinh tế thị trường “dựa trên quyền lực” là sự méo mó tiêu chuẩn phân phối thu nhập khiến những người có địa vị hoặc quan hệ cá nhân gần gũi với các quan chức chính quyền được hưởng lợi nhiều hơn.

Tình trạng này khuyến khích các hành vi tìm kiếm hối lộ hơn là nỗ lực cải tiến sản xuất kinh doanh theo quy luật tiến hóa Schumpeter và về lâu dài nó gây nên tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, hạn chế tăng trưởng, kìm hãm đổi mới và sáng tạo mang tính đột phá trong công nghệ, kinh doanh. Thậm chí nó còn nuôi dưỡng mầm mống bất ổn xã hội.

Trong những năm gần đây căng thẳng xã hội ở TQ ngày một gia tăng, trung bình hàng năm có hơn 10 vạn cuộc biểu tình. Điều này rất trùng hợp với hệ số phân hóa giàu-nghèo Gini ở TQ là khá cao – 0,47 (2).

Để duy trì chi phí sản xuất thấp nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tăng lợi nhuận cho giới chủ doanh nghiệp, TQ đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc áp dụng chế độ hộ khẩu mang tính phân biệt và phó mặc việc phát triển mạng lưới an sinh – xã hội đối với người lao động. Hiện nay ước tính chỉ có khoảng 80 triệu lao động có chế độ an sinh – xã hội, còn lại hơn 70% tổng số lao động làm thuê có thu nhập thấp ước tính khoảng hơn 150 triệu (cũng có nguồn ước tính khoảng 260 triệu) “dân công “ (lao động đa số từ nông thôn lên thành thị) không những không được hưởng chế độ an sinh - xã hội mà còn không có quyền đình công theo quy định của Hiến pháp TQ và không được phép tự tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình một cách tập thể. Chênh lệch thu nhập có tính cả các khoản an sinh –xã hội giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu có thể lên đến 6 lần (5).

Nếu như tại các nước Phương Tây mâu thuẫn chủ- thợ được giải quyết thông qua các tổ chức dân sự như các nghiệp đoàn ngành nghề v.v… thì tại TQ Luật lao động quy định không có thương lượng tập thể!

Trên thực tế, bạo loạn đã nổ ra khi người lao động quá bức xúc mà không có cách nào khác để thể hiện quyền lợi của mình. Phản ứng trước hành động này, nhà nước TQ đã tăng ngân sách cho ngành công an để củng cố sức mạnh đàn áp.Riêng ngân sách an ninh nội địa dành cho ngành công an năm 2011 đạt 90 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngân sách quốc phòng (5).

Rõ ràng sự ổn định chính trị đạt được bằng đàn áp không mang tính bền vững vì thiếu tính cơ cấu (6). Giải pháp toàn diện, ít tốn kém và bền vững hơn chính là xây dựng những tổ chức XHDS hoạt động trong khuôn khổ tôn trọng Hiến pháp nhằm giải tỏa một cách ôn hòa những mâu thuẫn xã hội và thể hiện trung thực ý nguyện của các nhóm dân khác nhau trong các cuộc đối thoại có tính xây dựng với chính quyền.  

Có lẽ vấn nạn lớn nhất trong nền kinh tế chuyển đổi còn dang dở ở TQ hiện nay là tham nhũng. Với việc chấp nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường trong điều kiện đất đai và các tư liệu sản xuất, vốn đầu tư công vẫn thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại được ủy thác và phân cấp cho các doanh nghiệp nhà nước cùng các địa phương quản lý, sử dụng đã tạo những “lỗ hổng thể chế” cho tham nhũng nở rộ. Khi mà hệ thống giám sát hành chính được hình thành thời kế hoạch hóa tập trung không theo kịp độ phức tạp và tinh vi của kinh tế thị trường thì các giám đốc doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu địa phương có muôn vàn cơ hội biến của chung thành tài sản cá nhân và giàu lên rất nhanh. Người chủ tài sản thực sự là nhân dân trên toàn quốc và cư dân ở các cộng đồng không có trong tay cơ chế bảo vệ quyền sở hữu của mình. Chính việc thiếu vắng các tổ chức XHDS giúp chính quyền giám sát việc ủy thác và phân cấp sở hữu toàn dân đã là một cơ hội bị bỏ lỡ khiến cuộc chiến chống tham nhũng sau nhiều năm vẫn kém hiệu quả.

Tuy nhiên, việc không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhất là nhiều doanh nghiệp chủ chốt đóng vai trò công cụ quyền lực của ĐCS và nhà nước đã không cho chính quyền đóng vai trò là một thực thể khách quan để đạt được các mục tiêu quản lý độc lập của mình. Chính vậy mà tham nhũng vẫn có đất phát triển.

Sự hình thành và phát triển khu vực dịch vụ giao dịch thị trường là yếu tố mang tính thể chế. Không phải ngẫu nhiên tại các nền kinh tế thị trường tiên tiến hàng đầu thế giới đều có các XHDS cởi mở với truyền thống lâu đời và khu vực dịch vụ giao dịch phát triển đa dạng, ngày càng tinh vi . Đây có lẽ là “tài sản thể chế” quý giá nhất trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của các nền kinh tế phát triển trước.

Tuy TQ đã học hỏi hình mẫu khu vực dịch vụ giao dịch thị trường Hồng Kông ngay từ giai đoạn đầu quá trình chuyển đổi nhưng với bản chất cố hữu của nền kinh tế thị trường “dựa trên quyền lực” nhằm phục vụ một thể chế chuyên quyền toàn trị, nơi mà XHDS bị hạn chế và cấm đoán nên khu vực dịch vụ này tự thân nó không thể phát triển mạnh mẽ ở Đại lục. Ở đây chúng ta cần liên tưởng lại các điều kiện cần và đủ trong nền kinh tế Xô Viết được đề cập ở Phần 1 – chuyện Liên Xô sụp đổ (2.1)

Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 (kỳ 2) ĐCS TQ gần đây trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng những nguy cơ và thách thức của xã hội TQ đã đề ra những định hướng tiếp tục cải cách toàn diện và sâu rộng nền kinh tế TQ theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố thị trường, cho nông dân nhiều quyền hạn hơn trong sở hữu đất đai …

Tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi về tính mâu thuẫn giữa nguyên tắc thị trường tự do với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nguyện vọng của hàng trăm triệu “dân công” về cải cách chế độ hộ khẩu vẫn chưa được thỏa mãn khiến tiến trình đô thị hóa và hiện đại hóa sẽ gặp chắc trở.

Mối quan tâm hàng đầu mà trước đây nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần khuyến cáo về sự cần thiết phải cải cách thể chế chính trị song hành với cải cách kinh tế hầu như vẫn chưa được quan tâm trong lần hội nghị quan trọng này.

Các nhà quan sát quốc tế đều có chung nhận định : TQ làm ra nhiều sản phẩm nhưng không phát minh ra cái mới mang tính đột phá do xã hội TQ không chấp nhận phê phán, phản biện.

Cảm nhận được sâu sắc nét đặc thù đó nên một nhà nghiên cứu đã viết :” TQ sẽ không theo một con đường quen thuộc hướng tới một điểm đến nhất định theo cách nghĩ của chúng ta chỉ vì các nhà quan sát Phương Tây quá lười biếng hoặc tự mãn về văn hóa để hình dung ra những khả năng khác nữa” (5).

Và phải chăng, đó cũng là điều phù hợp với “bản sắc” và “ phong cách Trung Hoa “ ?

(còn phần 3 tiếp theo và hết)

 

Thăng long- Hà nội 20/11/2013

Tài liệu tham khảo

(1) Wikipedia. “ Maslow’s Hierachi of Need.

(2) Phạm Gia Minh. “ Mấy lời bàn về mô hình Trung Quốc: Thư ngỏ gửi GS Francis Fukuyama”.

 www.viet-studies.info/kinhte/PhamGiaMinh_ThuFukuyama.htm

(2.1) Phạm Gia Minh. “ Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt nam” Phần 1 : Liên Xô sụp đổ.

www.viet-studies.info/kinhte/PGMinh_TanManPhanI.htm

(3) Li Tan. “ Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp” NXB “Trẻ”. 2008

(4) John Lee. “ Chủ nghĩa hợp doanh Lê Nin của Trung Quốc”

www.tapchithoidai.org/ThoiDai24/201224_JohnLee.pdf

(5) Trần Hải Hạc. “ Bàn về chuyển hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung quốc”

www.tapchithoidai.org/ThoiDai23/201123_TranHaiHac.pdf

(6) Bùi Mẫn Hân (MinXin Pei). “ Sự cai trị của ĐCS TQ là mong manh hay bền vững”.

www.tapchithoidai.org/ThoiDai25/201225_buiManHan.pdf

 

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 20-11-13