KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG TRI THỨC

 

Phạm Gia Minh

 

Đề tài “ kinh tế tri thức” trong khoảng hơn hai thập niên trở lại đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn của giới học giả cũng như phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần cung cấp thông tin đa chiều, đồng thời nâng cao nhận thức về một phương thức phát triển mới của nhân loại – đó là việc sản sinh, truyền bá nhân rộng và sử dụng tri thức để sáng tạo ra những giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ đang trở nên một xu hướng chủ đạo, chiếm tỷ trọng áp đảo trong đời sống kinh tế thường nhật.

Tuy là một phương thức phát triển mới lấy tri thức khoa học – công nghệ và hiểu biết về con người làm phương tiện chủ đạo nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh, nhưng kinh tế tri thức vẫn không nằm ngoài hai hình thái kinh tế cơ bản, đó là Kinh tế Thị trường tự do và Kinh tế dựa vào Nhà nước.

Có những nền kinh tế dựa vào Nhà nước chỉ trong một thời gian tương đối ngắn đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc hiện đại hóa, phát triển nghiên cứu cơ bản và đưa ứng dụng khoa học – công nghệ cao vào sản xuất, ví dụ như một số “ con Rồng Đông Á” nhưng nhìn chung, yếu tố thị trường vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể ngay trong các nền kinh tế này. Là một nền kinh tế do Nhà nước nắm vai trò chủ đạo tuyệt đối, Liên Xô trước đây là ví dụ thất bại của việc đưa tri thức khoa học- công nghệ vào phát triển nền kinh tế bền vững phục vụ dân sinh do yếu tố thị trường đã bị hạn chế tối đa.[1]

 Yếu tố thể chế hay các “ Luật chơi “ thành văn (quy định, luật lệ, nguyên tắc vận hành…) và bất thành văn (lối suy nghĩ, hành xử, văn hóa, tập quán …) được nhìn nhận như điều kiện đủ, khi kết hợp với những điều kiện cần khác ví dụ như chính sách giáo dục, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ, nguồn tài chính v.v…sẽ góp phần kiến tạo nên và duy trì một cách bền vững nền kinh tế của một quốc gia. (Tuy là một khái niệm Logic Toán nhưng áp dụng trong cuộc sống có thể hiểu một cách nôm na điều kiện Đủ là điều kiện bắt buộc phải có và không thể thay thế, còn điều kiện Cần tuy là cần đấy nhưng không có nó vẫn có thể thay thế hoặc bổ sung bằng những điều kiện khác để sự việc vẫn diễn ra).

Trước đây Liên Xô đã có những trường đại học uy tín quốc tế, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về một số lĩnh vực cùng nguồn tài chính hùng hậu, đó chính là những điều kiện cần cho một nền kinh tế tri thức. Kinh tế thị trường (được hiểu như điều kiện đủ) đóng vai trò như một phòng thí nghiệm khổng lồ nơi mà các phương pháp tổ chức kinh doanh, công nghệ, kỹ năng, trình độ học vấn và hệ thống nghiên cứu & phát triển… (được hiểu như các điều kiện cần) liên tục kết hợp, cạnh tranh khốc liệt để hoàn thiện và cho ra đời những đổi mới cơ bản trong quá trình tiến hóa. Thiếu điều kiện đủ do đường lối kế hoạch hóa tập trung – quan liêu – bao cấp kéo dài hơn 70 năm, các điều kiện cần mang tính kỹ thuật, dù rất hùng hậu và phong phú vẫn không thể giúp nền kinh tế Liên Xô thoát khỏi xu thế ngày một kém năng lực cạnh tranh so với các quốc gia Phương Tây khác theo kinh tế thị trường tự do.[2]

Khi đã nhìn nhận đúng vị trí của kinh tế tri thức trong mối tương quan với hình thái phát triển theo kinh tế thị trường, chúng ta sẽ thấy rõ nét hơn một thách thức kép đang đặt ra trước nền kinh tế Việt Nam, đó là vừa phải hoàn thiện nền kinh tế thị trường vốn còn non yếu và chưa chuẩn mực (do đang nỗ lực thoát thai từ nền kinh tế Tập trung- Quan liêu – Bao cấp sang kinh tế thị trường) vừa phải nâng cao nền tảng tri thức của nền kinh tế chuyển đổi đó.

Một kinh nghiệm thực tế được rút ra từ các nền kinh tế chuyển đổi và đã được các nhà lý luận của trường phái kinh tế thể chế mới (the new economic institutionalism) đúc kết thành bài bản đó là phải đánh giá đúng vai trò hết sức quan trọng của khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường.[1]

Không thể bằng biện pháp “ Big Bang” (vụ nổ lớn) để chỉ trong một thời gian ngắn xóa bỏ độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước mà lại không chuẩn bị chu đáo các thiết chế thay thế và bổ sung phù hợp trên thị trường (chẳng hạn như lập ra các doanh nghiệp có chức năng đảm đương khối lượng khổng lồ các mối liên hệ, giao dịch mà trước đây các doanh nghiệp Nhà nước vẫn dựa vào các Bộ chủ quản thực hiện hay các cơ sở tái đào tạo nghề nghiệp và sắp xếp việc làm, nơi tái định cư cho người lao động khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế v.v..và v.v…).

Muốn có những bước đột phá hoặc để đạt được một số tiến bộ công nghệ phục vụ sản xuất hẳn là không thể thiếu các thiết chế tài chính như “Quỹ đầu tư rủi ro”  (Venture Capital  -  một nước hơn 20 triệu dân như Đài Loan nhưng có tới hơn 800 quỹ đầu tư rủi ro!), hay “Vườn ươm công nghệ cao v.v…“cùng với những quy chế khuyến khích mạnh mẽ khác mang tính thiết thực chứ không hình thức và xa rời thực tế như chúng ta đang làm hiện nay. Một khi sự sáng tạo được “cởi trói” bởi thể chế phù hợp sẽ xuất hiện những hình thức liên kết rất hiệu quả và phong phú giữa nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Bấy lâu nay chúng ta đang tự “ trói” mình bằng những giáo điều về nền kinh tế quan liêu- bao cấp, bằng tư duy “ tiểu nông” cùng sự thiếu hiểu biết nền kinh tế thị trường cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hóa và còn bởi thái độ bỡ ngỡ, rụt rè trước những quy luật mới hình thành của chính nền kinh tế tri thức.

Nếu như trước đây hai thập niên tri thức thường được nhìn nhận như những tài sản trong kho tàng của từng doanh nghiệp, từng quốc gia hay nhân loại thì ngày nay trong “ thời đại bùng nổ của thông tin và truyền thông”, bên cạnh những giá trị bất biến, tri thức ngày càng mang tính động, giống như một dòng chảy, một quá trình luôn tự đổi mới, tự cập nhật, đào thải và không hề ngưng đọng.[3] Và dòng chảy đó có mạnh mẽ hay không lại còn phụ thuộc vào việc có nhiều giọt nước (là các sáng kiến cá nhân) và tia nước nhỏ (là những ý tưởng mới của tập thể, nhóm người cùng chí hướng, sở thích) hợp lưu được hay không. Các nhà nghiên cứu Nhật bản đã chỉ ra quy luật mà từng giọt nước hợp thành tia nước qua quy trình mà theo đó tri thức” ẩn” của từng cá nhân qua tương tác với nhau mà hình thành nên tri thức “hiện” của tập thể. Nền tảng truyền thông đa phương tiện Internet với chi phí thấp ngày nay là phương tiện hữu ích để tri thức của các cá nhân, tập thể hay rộng hơn là cả cộng đồng không phân biệt chủng tộc hay quốc gia có môi trường để hợp lưu, tạo nên sự thay đổi về chất của hiện tượng “hợp trồi”.

Như vậy tri thức của một doanh nghiệp không hẳn chỉ hình thành do những thành viên của doanh nghiệp đó tạo nên mà còn có thể là kết quả của quá trình “hợp lưu” trên mạng Internet hay sự tương tác “ngoài luồng” với muôn vàn tác nhân bên ngoài khác. Không gian sáng tạo trong thời đại của kinh tế tri thức đã được mở rộng gần như là vô biên và đi kèm với nó là yêu cầu giải phóng con người khỏi những định kiến và cấm kỵ về sự khác biệt. Những thể chế chính trị và kinh tế nào phù hợp với tính chất lan tỏa và dân chủ hóa tri thức của thời đại thông tin hẳn sẽ tạo ra tiền đề quan trọng (cũng chính là điều kiện đủ) cho sự hình thành và vươn lên bền vững của nền kinh tế tri thức ở các quốc gia đó.

Trong cuốn sách “Chiếc xe Lexus và cây Ô Liu” Thomas Friedman - nhà báo Mỹ hai lần đoạt giải Pulitzer cao quý - đã nhìn nhận thế giới của chúng ta ngày nay như một mặt phẳng mà trên đó không tồn tại những bức tường ngăn cách sự chuyển dịch của dòng vốn, lao động, thông tin và thế giới đã trở nên nhỏ hẹp như một “ngôi làng toàn cầu”.[4]

Nhìn bên ngoài, có lẽ Thomas Friedman đã đúng nhưng đi sâu để tìm hiểu những quy luật mới hình thành trong nền kinh tế tri thức thì dường như cái thế giới ”phẳng” của chúng ta lại đang “nghiêng” - một mặt phẳng nghiêng theo lối mà dân gian vẫn gọi là “nước chảy chỗ trũng”. Rõ ràng trên thực tế, quốc gia nào có thể chế chính trị - xã hội và kinh tế hấp dẫn, văn minh – dân chủ thì vốn đầu tư, nhân tài vẫn có xu hướng ùn ùn kéo đến.

Thật chính xác khi Ngân hàng Thế giới đã nhận định thể chế mới chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thịnh vượng hay suy tàn của một đất nước. Số liệu thống kế qua nhiều năm trên cả trăm quốc gia cho thấy những thể chế dân chủ mang tính dung nạp (inclusive), tạo cơ hội cho người dân được bày tỏ nguyện vọng dù là khác biệt, đồng thời được tham gia tự nguyện vào các sinh hoạt của cộng đồng thường đem lại sự phát triển hưng thịnh và bền vững. Ngược lại những thế chế thiếu dân chủ mang tính loại trừ (exclusive)  nơi mà người dân bị đứng ngoài quá trình ra quyết định liên quan tới vận mệnh của chính họ thường phải đối mặt với mất ổn định tiềm tàng, nhiều khi bộc phát thành bạo loạn và suy thoái. Tài sản thể chế khi phù hợp sẽ là động lực phát triển nhưng nếu không nó sẽ là gông cùm kìm hãm cả xã hội.[5][6]

Để có được môi trường thể chế thuận lợi cho sự hình thành và phát triển bền vững một nền kinh tế thị trường văn minh định hướng tri thức ở Việt Nam thiết nghĩ cần chú trọng nâng cao tính “tri thức” ở cả 3 phương diện sau đây :

-    Phương diện quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Ở phương diện này các nhà hoạch định chính sách phải cập nhật có chọn lọc những tri thức toàn diện về định hướng phát triển kinh tế tri thức trên thế giới, đồng thời nghiên cứu phương án phù hợp với thực tiễn và đặc điểm Việt Nam.

Xin đơn cử một ví dụ: trong một thời gian dài các cấp ở trung ương và địa phương ra sức thu hút đầu tư nước ngoài kể các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng điện như sản xuất sắt, thép, bô xit, xi măng, thủy tinh v.v…trong khi đó trình độ tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế của ta còn hạn chế và yếu kém từ khâu thiết kế, lựa chọn công nghệ, thiết bị dẫn đến hậu quả là tỷ trọng chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành 1 đơn vị sản xuất của Việt Nam cao gấp từ 3 -4 lần các nước tiên tiến, cụ thể là gấp 4 lần Hàn Quốc. Hậu quả nhãn tiền là cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay mang nặng tính chất gia công và sử dụng tài nguyên thiên nhiên – một xu hướng đi ngược với sự hình thành kinh tế tri thức.[7]

Trong tương lai, để theo kịp với thế giới chúng ta sẽ phải chú trọng phát triển các ngành công nghệ cao nhưng với khả năng tài chính còn hạn hẹp thì việc hoạch định một chiến lược phù hợp sẽ là bảo đảm tới 50% thành công. Gần đây trong chuyến thăm Pháp và Đức, được gặp một nhà khoa học gốc Việt từng làm chủ biên cho cuốn “Cẩm nang công nghệ Nano. Lý thuyết và ứng dụng” của trường Đại học Stanford xuất bản năm 2010, và cuốn “Những ứng dụng công nghệ Nano trong lực lượng NATO,[8]  tôi đã nhận được những lời khuyên thực tế rằng Việt Nam cần cử lực lượng trẻ, tài năng sang các trung tâm Nano ở Phương Tây, Nhật Bản để học hỏi và xây dựng lực lượng lâu dài nhưng hãy ưu tiên Thung lũng Silicon ở…. Israel vì những ưu việt hơn hẳn của nó! Và hãy chú trọng phát triển nghiên cứu ứng dụng trong hai lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và yêu cầu ít vốn hơn nhiều lĩnh vực khác đó là Nông nghiệp và Y tế, trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các trung tâm lý thuyết mạnh ở các nước phát triển.

 -    Phương diện doanh nghiệp. Ở phương diện này vấn đề đổi mới công nghệ và phương pháp sản xuất mang tính sống còn trong quá trình cạnh tranh và hội nhập quốc tế (sau khi Việt Nam ra nhập Hiệp định Xuyên Thái bình dương TPP vấn đề này sẽ càng trở nên bức thiết. Quyết định gần đây của Chính phủ Hoa Kỳ trao việc thanh tra cá da trơn từ Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm sang Bộ Nông nghiệp với Điều luật mới về Tiêu chuẩn Kỹ thuật là một minh chứng cho thấy chúng ta không thể lảng tránh những đòi hỏi, cho dù là thiếu khách quan và có mục đích bảo hộ xuất phát từ những nền kinh tế tri thức ở các quốc gia khác). Từng doanh nghiệp phải nhận thức được quy luật - ngày nay tri thức không còn là cái gì tĩnh tại mà là dòng chảy liên tục. Hãy tạo ra trong doanh nghiệp bầu không khí dân chủ, cởi mở và hào hứng để kiến thức “ ẩn” của từng cá nhân có dịp tương tác với nhau và với thế giới bên ngoài, góp phần hình thành nên kiến thức “hiện” giúp doanh nghiệp liên tục sáng tạo, đổi mới.

-    Phương diện lưu thông và dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường. Đây là điểm yếu của nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam. Nhiệm vụ “kép “ phải đồng thời thực hiện là tạo nên “hạ tầng cơ sở mềm” cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam tức là những định chế phù hợp có chức năng hỗ trợ và bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng, người sử dụng lao động cũng như người lao động và đồng thời thiết lập nên những “vườn ươm” ý tưởng và công nghệ cao cho nền kinh tế tri thức. Thiết nghĩ nếu Trung Quốc đã thành công khi học hỏi kinh nghiệm Hồng Kông trong lĩnh vực này thì ngày nay chúng ta có thêm nhiều tấm gương để tham khảo khác như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan hay Israel v.v.[2]

Gần đây dư luận đang bàn luận sôi nổi về chủ trương giảm 100.000 biên chế nhà nước từ nay cho tới năm 2020. Nếu so sánh cơ cấu chi phí sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam với các nước đang phát triển trung bình khác trên thế giới,ví dụ như Thái Lan, chúng ta sẽ thấy quyết định trên là điều khó tránh khỏi, thậm chí có phần còn hơi “ dè dặt”. Với bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu năng chưa cao (chủ yếu là do nhà nước còn kiêm nhiệm chức năng giao dịch thị trường nhằm phục vụ khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế có độ chuyên môn hóa và hội nhập ngày càng gia tăng) và một số lượng nhân sự không nhỏ hoạt động trong các bộ máy chính trị- xã hội song hành không trực tiếp sản xuất hay làm dịch vụ nhưng vẫn nhận lương từ ngân sách đồng thời vẫn sử dụng các nguồn lực và tài nguyên khác của nền kinh tế thì giá thành của mỗi sản phẩm và dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam đang bị “đội” lên rất nhiều (đó là chưa kể tới vấn nạn lãng phí tài nguyên, vốn đầu tư, quỹ thời gian và tham nhũng!).

Một khi chúng ta chưa thay đổi tư duy về cải cách thể chế mà vẫn tiếp tục bắt Nhà nước phải “bao sân” cho các doanh nghiệp độc quyền như hiện nay, dù có muốn giảm biên chế thì bộ máy hành chính vẫn sẽ tiếp tục phình to thêm trước nhu cầu bức thiết phải thực hiện các giao dịch thị trường ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp.

Chỉ có một giải pháp tuy đơn giản nhưng hợp lý và hiệu quả đó là chuyển dần (có đào tạo lại) lực lượng lao động dư thừa từ bộ máy hành chính và những tổ chức chính trị- xã hội song hành sang các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và tiến hành từng bước thí điểm xã hội hóa một số dịch vụ công. Nước Mỹ có tới hơn 50% GDP là do khu vực dịch vụ đem lại và có tới hơn 43% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực này. Ở Việt Nam chắc chắn con số này còn thấp hơn rất nhiều và đây là lãnh địa còn có thể gặt hái được thành công.[2]

Kết quả thu được là một bộ máy hành chính và cơ cấu chính trị - xã hội gọn nhẹ nhưng có hiệu năng, một nền kinh tế có khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường phát triển đồng thời mang tính cạnh tranh cao do giảm thiểu chi phí phi sản xuất. Những công chức nhà nước được bố trí điều chuyển sang khu vực dịch vụ giao dịch sẽ có thu nhập lành mạnh hơn cho bản thân, xã hội sẽ tránh được những căng thẳng hoặc gánh nặng về an sinh khi có hàng trăm ngàn người bị ra khỏi biên chế mà không có việc làm thay thế.

Trên phương diện vĩ mô, bố trí lao động theo hướng như vậy cũng là chú trọng nâng cao tính tri thức và nhân văn của nền kinh tế.

Kinh tế thị trường định hướng tri thức là một thực tiễn khách quan đang lừng lững đến gần dù chúng ta có muốn hay không muốn.

Cũng như ứng phó với một con ngựa hay nhưng khó tính, ai đủ nhẫn nại, sự tinh nhanh và dũng cảm sẽ là người làm chủ được nó để “mã đáo thành công”.

 

Thăng Long- HN những ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014.

Phạm Gia Minh

 


 


[1] Li Tan. Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp. Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước. NXB Trẻ.2008.

[2] Phạm Gia Minh. Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam.

                http://viet-studies.info/kinhte/PGMinh_TanManPhanI.htm

                http://viet-studies.info/kinhte/PGMinh_TanManPhanII.htm

                http://viet-studies.info/kinhte/PGMinh_TanManPhanIII.htm

[3] Ikujiro Nonaka, Ryoko Toyama, Toru Hirata. Quản trị dựa vào tri thức.Lý thuyết mới nhất về “quản trị dựa vào tri thức” (Knowledge-based Management). Con đường hình thành các doanh nghiệp sáng tạo và nền kinh tế tri thức. NXB Thời đại, DT Books, PACE (Tủ sách doanh trí).

[4] Thomas L. Friedman. Chiếc Lexus và cây Ô Liu. The Lexus and the Olive Tree. Toàn Cầu hóa là gì? NXB Khoa học xã hội.2005.

[5] Daron Acemoglu và James A. Robinson. Tại sao các quốc gia thất bại. Nguồn gốc của Quyền lực, Thịnh vượng và Nghèo đói. NXB Trẻ 2013.

[6] Phạm Gia Minh. http://www.tuanvietnam.net/2010-01-08-the-che-gong-cum-va-tai-san

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-2-14