FB Trần Thị Sánh
PVN không thể quyết định đầu tư sang Venezuela
Mấy hôm nay, báo chí và mạng xã hội sục sôi cho rằng Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PVN) đã chi hàng trăm triệu đô la cho dự án Junin 2 ở
Venezuela mà chưa được giọt dầu nào và có nguy cơ mất trắng. Dự luận
cũng rất bức xúc khi PVN đã chi nhiều tiền vào cái khoản “phi lý” mà báo
chí gọi là bonus. Đây là một câu chuyện dài và hệ trọng cần được hiểu rõ
ngọn ngành…
Việc đầu tư sang Venezuela là chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam
khi đang còn anh em thân thiết với Venezuela. Đầu tư sang Venezuela hay
một số nước khác ngày ấy được coi như những thứ to tát hơn như “an ninh
năng lượng”, “ngoại giao anh em”, những thứ hiệp định có đi, có lại,
nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…
Ngày ấy, Venezuela được coi là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn
nhất thế giới và có nền kinh tế, chính trị ổn định. Ông Hugo Chavez vừa
được bầu lại làm tổng thống (nhiệm kỳ 3). Tuy nhiên, để Chính phủ
Venezuela ngày ấy dành cho Việt Nam (chứ không phải cho PVN) lô Junin 2
là cả một nỗ lực ngoại giao lớn của Đảng, Chính phủ, trong đó không thể
không nói đến tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez dành cho Việt
Nam.
Dạo ấy, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và Chính
phủ Việt Nam bay sang Venezuela để đàm phán, thương thảo về việc này.
Trung Quốc đã phải cho Venezuela hàng tỷ đô la, trong đó viện trợ cho
rất nhiều thiết bị quân sự mới có được một lô tương tự như vậy. Vì vậy,
liên doanh khai thác dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela được coi là dự án
tiêu biểu, là điển hình đẹp về “ngoại giao dầu khí” của Việt Nam.
Bởi vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không dám và không thể tự quyết định
điều hệ trọng này mà đây là quyết định của Chính phủ. Một vài tờ báo cho
rằng: PVN đã báo cáo sai, lập dự án không chính xác, không thông qua
Quốc hội và đã chấp nhận điều khoản cực kỳ phi lý là phải trả “phí tham
gia” (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu. Trong vòng 30 tháng,
bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD
bằng tiền mặt.
Vậy tại sao một dự án có số vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng
không trình Quốc hội mà vẫn được thông qua để triển khai? Tại sao những
cái sai đó, phi lý đó của PVN vẫn được Bộ Chính trị, Chính phủ chấp
nhận, thông qua và cho PVN chuyển tiền đi mà không một ai phản đối, ngăn
cản?
Một ông nguyên bộ trưởng bây giờ mới dám hé miệng bảo rằng: Lúc đó ông
chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, buộc phải ký Giấy chứng nhận
đầu tư cho dự án. Vậy sự trung thực, bản lĩnh, vai trò đảng viên của ông
này để đâu? Tại sao phải chịu sức ép để ký thì sai luật, không ký thì đi
ngược lại ý kiến chỉ đạo hay ông đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng rồi?
Hơn nữa, vai trò giám sát, phản biện của Quốc hội, của các cơ quan có
thẩm quyền để ở đâu? Họ ăn lương của ngân sách để làm mỗi việc giám sát
mà tại sao lại không làm đúng chức năng, nhiệm vụ?
Vụ việc này là câu hỏi lớn về thể chế xã hội Việt Nam lỏng lẻo và sự vô
trách nhiệm với đất nước, với nhân dân của các vị chóp bu ngày đó. Vụ
việc cũng cho thấy rõ thiếu một cơ quan giám sát độc lập, các chức năng
phản biện của các cơ quan nhà nước gần như bằng không… Nếu đưa vụ này ra
ánh sáng thì Tổng Bí thư và Thủ tướng … thời đó không thể vô can… Đây là
lỗi của cả hệ thống, lỗi của thế chế không minh bạch và hoàn thiện theo
kiểu “cha chung không ai khóc”…
Về khách quan mà nói: Dự án Junin 2 ở Venezuela, Việt Nam đã gặp phải
rủi ro lớn mà không ai ngờ tới: Tổng thống Chavez chết đột ngột do căn
bệnh ung thư khi mới 58 tuổi, chính trị Venezuela đảo lộn, giá dầu giảm
mạnh, lạm phát phi mã của đồng nội tệ, tỷ giá ngoại tệ chênh lệch lớn…
Đây là nguyên nhân chính khiến dự án này lâm vào tình trạng như hiện
nay…
Vì vậy, chúng ta nên công bằng, phân tích vụ việc này trong bối cảnh
chính trị, kinh tế, xã hội lúc đó bằng những hiểu biết kiến thức kinh
tế, ngoại giao, chính trị, không nên viết theo kiểu hội đồng và “dậu đổ
bìm leo”… |