SÀI GòN NHỎ
Vụ passport và quyền lực nghiêng trời của Bộ trưởng Tô Lâm
Vụ đổi mẫu sổ thông hành (passport) cho thấy ông thủ tướng Phạm Minh
Chính không dám đụng ông tướng công an Tô Lâm
Vụ lộn xộn chung quanh cuốn thông hành (passport) mẫu mới, mà Việt
Nam gọi là hộ chiếu do Bộ Công An phát ra càng lúc càng rối nhưng không
ai phải chịu trách nhiệm.
Đã có ít nhất ba quốc gia châu Âu (Đức, Tây
Ban Nha, Cộng hòa Czech) từ chối cấp thị thực (visa) cho công dân Việt
Nam dùng sổ thông hành (passport) mới này; đồng nghĩa với việc cánh cửa
vào khu vực Schengen 26 nước của người Việt đang khép lại. Nhiều nước
khác đang theo dõi và có thể có hành động từ chối tương tự. Các công ty
du lịch, lữ hành đang phải đình hoãn hoặc hủy bỏ nhiều đoàn du khách đi
châu Âu, thiệt hại lớn mà không biết kêu kiện vào đâu khi Cục Quản Lý
Xuất Nhập Cảnh cho rằng cuốn sổ này “được cấp theo đúng quy định của
pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn ICAO (Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng
Quốc Tế).”
Cho đến bây giờ, Bộ Công an vẫn không thông tin cho người dân biết lý do
tại sao phải đổi cuốn sổ thông hành bìa màu xanh lá cây hiện hành sang
mẫu mới màu tím than, chi phí cho việc đổi sổ này là bao nhiêu, tác động
như thế nào đến các hoạt động kinh tế-xã hội và quan hệ quốc tế.
Và cũng không rõ ai là người chịu trách nhiệm. Nhưng mọi con mắt đều đổ
dồn vào ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Nhà báo Trân Văn trên đài VOA
xác quyết “ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi
mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của “cuộc cách mạng công nghệ 4.0” và
ý tưởng đổi mẫu passport đã được ông Tô Lâm trình bày được Quốc Hội Việt
Nam Tháng Năm 2019.
Nhưng thực tế cho thấy, thay vì “phù hợp với xu thế công nghệ” vụ đổi
mẫu passport thể hiện sự ngu dốt và kém cỏi không ngờ của các quan chức
công an mà xã hội phải trả giá không rẻ.
Lẽ ra với một “sai sót tầm quốc tế” như phát hành hàng triệu cuốn sổ
thông hành mới mà trong đó không ghi nơi sinh của chủ nhân làm các nước
phản ứng, thì Bộ Công an và ông Tô Lâm nói riêng phải bị xử phạt bằng
một hình thức nào đó. Nhưng theo báo chí trong nước, tại cuộc họp thường
kỳ của chính phủ hôm 3 Tháng Tám, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ
“khều” nhẹ ông Tô Lâm mà không đặt vấn đề xem xét trách nhiệm:
“Đề nghị Bộ Công An nghiên cứu và có giải pháp
về vấn đề liên quan tới mẫu sổ thông hành mới, tránh những tác động bất
lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,” ông
Chính nói, theo trích dẫn của báo Tuổi Trẻ. Ông Chính chỉ “đề nghị” mà
ông Tô Lâm cũng không trả lời có chấp nhận đề nghị hay không.
Từ đó có thông tin xã hội nói rằng, vụ passport cho thấy trong nội bộ Bộ
Công an có thế lực “gài bẫy” để làm mất uy tín ông Tô Lâm, cản đường ông
này leo lên chiếc ghế tổng bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm phải từ
bỏ do tuổi tác và bệnh tật. Trang mạng thoibao.de của người Việt ở Đức
còn nói rõ, người ngáng chân ông Tô Lâm không ai khác là ông Trần Quốc
Tỏ, đương kim Thứ trưởng Bộ Công an và là em ông Chủ tịch nước quá cố
Trần Đại Quang – người có cái mả rộng nhất thế giới, chiếm hàng ngàn mét
vuông đất. Thực hư chuyện này khó mà kiểm tra được.
Một luồng dư luận thứ hai cho rằng trong thể chế chính trị của cộng sản
Việt Nam, vị thế của Bộ trưởng Công an ngang ngửa, thậm chí có phần lấn
lướt cả Thủ tướng. Không phải đợi đến vụ sổ thông hành, Bộ trưởng Tô Lâm
trước đây đã có những sai lầm trầm trọng hơn nhiều, như vụ bắt cóc Trịnh
Xuân Thanh ngay giữa thủ đô Berlin của nước Đức hay “đớp” thịt bò dát
vàng ở thủ đô London nước Anh, mà ông ta vẫn bình an vô sự. Hàng chục
tướng lãnh của Bộ Công an nối nhau vào tù vì tham nhũng nhưng ông bộ
trưởng vẫn bình chân như vại, không phải liên đới trách nhiệm gì cả.
Quả thật, trong cơ chế đảng trị, quyền lực tập trung ở một ông “vua tập
thể” là Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Về mặt hành chánh, ông Thủ
tướng Chính là “thủ trưởng” của ông Bộ trưởng Lâm, nhưng trong Bộ Chính
trị, cả hai ông đều chỉ là thành viên dưới quyền ông đảng trưởng Nguyễn
Phú Trọng. Tô Lâm là cánh tay đắc lực của ông Trọng, Bộ Công an là
“thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ đảng Cộng sản nên ông thủ tướng Chính
chẳng thể làm gì được ông Bộ trưởng Lâm. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải
trước đây và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước nữa, cũng đã nhiều lần
than thở là thủ tướng chẳng có quyền hành gì là như vậy.
Nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, Bộ Công an cộng sản không chỉ rình
mò các tổ chức và nhân vật đối lập, bất đồng chính kiến mà còn lập hồ sơ
theo dõi từng hành động và lời nói của các quan chức chóp bu của chế độ
và thân nhân gia đình họ. Tất cả các nhân vật tai to mặt lớn đều có hồ
sơ dày cộp với đầy đủ hình ảnh, ghi âm, trong tủ sắt của Bộ Công an và
sẽ được tung ra khi cần thiết để triệt hạ đối thủ trong các cuộc đấu đá
quyền lực ở Ba Đình. Chuyện này không mới, không lạ, những người quan
sát chính trường Hà Nội đều biết.
Từng là thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách tình báo, ông Thủ tướng Phạm
Minh Chính hẳn biết rõ các tội lỗi của ông ta, như vụ “xét nghiệm thần
tốc, xét nghiệm toàn dân” dính với test-kit Việt Á hay vụ dan díu giữa
ông ta và nữ quái Nguyễn Thị Thanh Nhàn – hiện đang bị truy nã quốc tế –
không nằm ngoài cặp mắt cú vọ của Bộ trưởng Tô Lâm. Một động tác cứng
rắn của ông Chính đối với ông Tô Lâm lúc này có nghĩa là ông Chính tự
sát về mặt chính trị.
Cách đây nhiều chục năm từng có chuyện một Bộ trưởng Công an, ông Trần
Quốc Hoàn, hãm hiếp và thủ tiêu diệt khẩu bà Nông Thị Xuân, người tình
và người sinh con cho “cha già” Hồ Chí Minh, nhưng ông Hoàn chẳng những
không bị trừng trị mà còn được coi là công thần của chế độ, được đặt tên
cho những đường phố lớn ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Truyền thống công an
đứng trên pháp luật và có quyền hành tuyệt đối không ai làm gì được đã
kéo dài từ đó tới nay.
Xem ra trong thể chế cộng sản ở Hà Nội, người đứng đầu bộ máy hành chính
là thủ tướng, lãnh đạo toàn diện là Bộ Chính trị (!) nhưng người có thực
quyền hơn hết là Bộ trưởng Công an. Vì thế, chế độ độc tài đảng trị cũng
được gọi là chế độ công an trị! Trong một chế độ công an trị, người dân
lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết đến lúc nào mình và người thân sẽ
bị sờ gáy, bị tống vào tù vì những “tội lỗi” ất ơ; chuyện phiền toái vì
tấm sổ thông hành mới đâu đáng kể!
Những tội lỗi của ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm rõ mồn một, ai cũng thấy
nhưng có cho kẹo ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cả ông đảng trưởng
Nguyễn Phú Trọng, cũng không dám đụng đến lông chân ông Tô Lâm. Nghịch
lý của thể chế cộng sản “dân chủ gấp vạn lần tư bản” là như vậy. |