RFI 11-11-13Sự phá sản của mô hình tập đoàn kiểu Vinashin
By Thanh Phương
Vào tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã công bố quyết định chính thức xóa bỏ mô hình tập đoàn Vinashin, tức là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và chuyển sang thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, với tên giao dịch quốc tế hoàn toàn mới là SBIC. Sư kiện này cho thấy sự phá sản không chỉ của mô hình tập đoàn kinh tế, mà còn của toàn bộ cái gọi là vai trò “chủ đạo “ của kinh tế Nhà nước. Như vậy, chỉ trong vòng năm qua, đã có ba mô hình tập đoàn chính thức được dừng “thí điểm”. Trước Vinashin, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam VNIV và Tập đoàn đầu tư và phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam HUD vào tháng 10 năm ngoái cũng đã bị dừng thí điểm, chuyển xuống thành mô hình tổng công ty như cũ, chỉ sau hai năm hoạt động, vì bị xem là “đã bộc lộ yếu kém trong sản xuất kinh doanh và quản trị, hiệu quả thu về không tương xứng với nguồn lực được Nhà nước giao”. Sau một thời gian dài được tuyên dương như là những “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam, mô hình tập đoàn theo kiểu Vinashin rõ ràng là đã bị phá sản. Không chỉ Vinashin, mà nhiều tập đoàn khác của Nhà nước cũng trong tình trạng nợ nần chồng chất vì làm ăn thua lỗ và quản lý kém cỏi, như trường hợp của Tập đoàn Vinalines. Sự phá sản này không phải chỉ là do những sai phạm của các lãnh đạo tập đoàn, mà còn do các vấn đề mang tính cơ cấu của mô hình tập đoàn, đặc biệt là vấn đề quản trị và minh bạch. Trước hết, việc chuyển Vinashin từ mô hình tập đoàn Nhà nước thành tổng công ty Nhà nước đang đặt ra nhiều câu hỏi, nhất là về vấn đề nợ của tập đoàn này, lên tới 86 ngàn tỷ đồng, chưa kễ các khoản lỗ tổng cộng hàng ngàn tỷ đồng, như nhận định của kinh tế gia, tiến sĩ Lê Đăng Doanh trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Hà Nội: “ Đấy là một sự chuyển đổi chậm và trễ, nhưng cơ bản là đúng đắn, và nó chứng tỏ những nỗ lực trong những năm qua để tái cơ cấu và vực dậy Vinashin đã không thành công và bây giờ phải chuyển về mô hình tổng công ty. Vấn đề ở đây là việc chuyển mô hình như thế liệu có sẽ giải quyết được vấn đề nợ của Vinashin hay không, năng lực cạnh tranh của Vinashin có được nâng cao không, hay đó chỉ là việc đổi tên, “ve sầu thoát xác”? Cho tới nay, những thông tin được công bố lên quá ít để có thể đánh giá được đầy đủ rằng đây có phải một sự tái cấu trúc toàn diện, hay đây là việc tái cấu trúc để thoát khỏi hình ảnh Vinashin, để các công ty trong còn lại trong tổng công ty mới, có thể hoạt động một cách tốt hơn?" Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Vinashin làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất không phải chỉ là do những sai phạm của các lãnh đạo tập đoàn này, mà còn do những vấn đề mang tính cơ cấu, đặc biệt là do vấn đề quản trị các doanh nghiệp Nhà nước: “ Việc sụp đổ của Vinashin rõ ràng là có những sai phạm của những người lãnh đạo tập đoàn này. Một số người đó đã bị xử tù, một số khác đã bị xử lý. Tuy vậy, không chỉ riêng họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, mà chính cái khung pháp lý, mô hình quản trị doanh nghiệp ở đây có vấn đề. Trước hết, các tập đoàn đã được thành lập thí điểm. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đã cam kết sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, cho nên đã xóa bỏ Luật doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Riêng về tập đoàn thì luật doanh nghiệp không có quy định gì cả, mà chỉ nói tập đoàn là “một tổ chức kinh tế co quy mô lớn” , quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế quản lý do chính phủ quy định. Chính phủ cũng chẳng có quy định gì cụ thể hơn về mô hình quản trị các tập đoàn. Trước một tài sản rất lớn và trước cám dỗ, khi mà giá đất và bất động sản tăng cao, các tập đoàn, nhiều hay ít, đều đã đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, trong khi các nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao năng lực cạnh tranh, về vận dụng khoa học công nghệ chưa được quy định rõ ràng. Mô hình quản lý các tập đoàn ở Việt Nam hiện nay còn khác xa so với mô hình mà khối OECD đã khuyến nghị, như về công khai minh bạch, trách nhiệm đối với người góp vốn, cơ chế giám sát quyền lực. Đặc biệt là cơ chế bổ nhiệm nguồn nhân lực chủ chốt, OECD khuyến nghị là phải thực hiện công khai minh bạch, bổ nhiệm trên cơ sở có hợp đồng trách nhiệm, trong một số năm nhất định. Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm ( các lãnh đạo tập đoàn ) chủ yếu được thực hiện qua các cơ quan Đảng và cũng không nói rõ là bổ nhiệm trong thời gian bao lâu. Vì vậy, như trong trường hợp Vinashin, khi ông Phạm Thanh Bình bị bắt, thì đã bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ và sau ba tháng thì ông Trần Quang Vũ cũng bị bắt, thì lại bổ nhiệm một ông khác nữa. Qua đó chúng ta thấy rằng cái mô hình quản trị doanh nghiệp của Việt Nam cần phải có sự đổi mới hết sức mạnh mẽ. Nếu không, chúng ta sẽ không biết được rằng còn có bao nhiêu Vinashin tiềm tàng. Đó là điều chúng ta không mong muốn, vì điều ấy sẽ rất là nặng nề và tai hại cho nền kinh tế ”. Trong bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cũng đã lưu ý rằng, đã hơn hai năm kể từ khi chính phủ Hà Nội để ra chủ trương cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nhưng tiến bộ đạt được còn hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới, việc quản trị các doanh nghiệp Nhà nước nói chung và các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước nói riêng, còn cần phải được cải thiện hơn nữa. Báo cáo này đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề công khai thông tin của các doanh nghiệp Nhà nước. Theo Ngân hàng Thế giới, cho tới nay, các doanh nghiệp Nhà nước không báo cáo các thông tin cần có để giám sát, đánh giá, theo dõi. Không hề có tập đoàn kinh tế Nhà nước nào báo cáo và chỉ có các tổng Công ty Nhà nước báo cáo “thông tin tài chính tổng hợp”. Ngân hàng Thế giới cho rằng, các chuẩn mực về công khai thông tin của Việt Nam thấp hơn so với các nước có hoàn cảnh tương đồng và với các nước ngang hàng trong khu vực. Với những yếu kém nghiêm trọng nói trên, kinh tế Nhà nước có còn xứng đáng đóng vai trò “chủ đạo” hay không? Cho tới nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định một cách rõ ràng về khái niệm kinh tế Nhà nước. Một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng vẫn có sự nhầm lẫn giữa kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước, như lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh. “ Nội hàm của khái niệm kinh tế Nhà nước chưa rõ ràng. Kinh tế Nhà nước bao gồm những gì? Kinh tế Nhà nước có phải chỉ là các doanh nghiệp Nhà nước hay không? Và nếu như kinh tế Nhà nước bao gồm cả tài nguyên, rừng biển, lại bao gồm cả ngân sách, bảo hiểm, thì khái niệm đó có sự lẫn lộn giữa các bộ phận của chính phủ với bộ phận của doanh nghiệp. Kinh tế Nhà nước chủ đạo là khái niệm rất xa lạ với kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, người ta phát huy tối đa cái năng động, tính nhanh nhạy, sự tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn làm, để bảo đảm cho kinh tế thị trường hoạt động một cách trôì chảy, hiệu quả hơn. Tức là Nhà nước có thể tạm thời đảm nhận việc sản xuất điện. Nhưng trong tương lai, khi khu vực tư nhân mạnh lên, thì Nhà nước sẽ dần dần nhường khu vực đó cho kinh tế tư nhân. Nếu khẳng định ngay từ bây giờ kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì kinh tế tư nhân làm sao có thể cạnh tranh được. Vả lại Việt Nam hiện đang đàm phán gia nhập TPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trong chương nói về doanh nghiệp Nhà nước, TPP yêu cầu là các doanh nghiệp Nhà nước phải được đối xử một cách công bằng, công khai, minh bạch và không được có ưu đãi. Nếu có ưu đãi thì lập tức các doanh nghiệp có thể kiện Nhà nước ra toà. Điều đó không phù hợp với cái gọi là “kinh tế Nhà nước nắm vai trò chủ đạo”, nhất là khái niệm này hiện vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng ”. Tóm lại, việc chính phủ Việt Nam cuối cùng phải chuyển Vinashin từ mô hình tập đoàn xuống thành mô hình tổng công ty cho thấy sự phá sản không chỉ của mô hình tập đoàn kinh tế, mà còn của toàn bộ cái gọi là vai trò “chủ đạo “ của kinh tế Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhà nước cho tới nay vẫn được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách, cơ chế, cho đến đất đai, vốn đầu tư, lãi suất ngân hàng để đóng vai trò chủ lực, thế nhưng kết quả lại không tương xứng với những ưu đãi đó, làm ăn ngày càng thua lỗ, nợ nần ngày càng chồng chất, thua xa khu vực tư nhân. Trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, chính phủ Hà Nội không có con đường nào khác là phải đảy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, để các doanh nghiệp này thực sự hoạt động theo đúng quy luật của một nền kinh tế thị trường.
|