VOA Blog
Thế lực nào bảo kê cho các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’?
Phạm Chí Dũng
Sau nhiều năm công khai
hoạt động vô luật ở Việt Nam nhưng các trang mạng bị xem là ‘giả danh
lãnh đạo’ vẫn không hề hấn gì, chỉ đến năm 2019 vấn nạn này mới lần đầu
tiên được nêu ra một cách tương đối cụ thể trong kỳ họp tháng 10 - 11
của Quốc hội, cũng là lần đầu tiên được nêu công khai trong nội bộ đảng
cầm quyền.
Công an đạo diễn? “Thực tế có nhiều trang
mạng làm giả những trang mạng của Chính phủ, của Đảng, làm giả những
trang của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng
đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với
thông tin trái lề vào đó thì chúng tôi, người dân, cử tri không thể phân
biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực
thực” - một số đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng 4 T (Bộ Thông tin và
Truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng. Các trang mạng bị xem
là ‘giả danh lãnh đạo’ là nguyentandung.org, nguyenphutrong.org,
nguyenxuanphuc.org, nguyenthikimngan.org, tolam.org, …, sinh đẻ theo cấp
số cộng qua mỗi năm. Tổng cộng có đến gần… 50 trang mạng như thế. Nhưng không phải mỗi
trang mạng trên đều có ban biên tập riêng, mà chúng chỉ khác nhau về tên
gọi và khác đôi chút về hình thức trình bày, còn phần lớn nội dung đăng
tải là giống hệt nhau, giống đến mức không cần hoài nghi về việc những
trang mạng này được thiết lập bởi cùng một nhóm người. Trong thực tế, đã có
tin trên mạng xã hội cho biết các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đều có
cùng một bàn tay đạo diễn, và bàn tay này thường họp với ‘ban biên tập’
tại một nhà hàng ở Hà Nội định kỳ hàng tháng. Những trang mạng này
thường có được nguồn tin tức nhanh hơn và sâu hơn so với khối báo chí
nhà nước nói chung, thỉnh thoảng còn đăng cả những tin tức nội bộ trong
ngành công an mà báo chí ngoài ngành này khó mà có được. Cũng đã xuất hiện nhiều
dư luận về việc các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ có nguồn gốc và sự
tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm tài
phiệt trong đảng, bao gồm quan chức chính trị và đại gia tài chính. Cũng không loại trừ khả
năng đã có những chóp bu nào đó trong Bộ Chính trị đảng đứng phía sau và
‘bảo kê’ cho những trang mạng này.
Bộ Chính trị có bảo kê’? Cho dù thỉnh thoảng vẫn
có ý kiến trong nội bộ đảng cho rằng những trang mạng trên là giả danh
lãnh đạo, nhưng chính tình trạng hết sức an toàn trong hoạt động của
chúng, thậm chí còn công khai cả khung nhuận bút mà không bị bất kỳ cơ
quan nào - từ Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Tuyền thông, Bộ
Công an đến các cơ quan quản lý thông tin ở Hà Nội và TP.HCM sờ gáy, cho
thấy những trang mạng này cần được gọi đích danh là ‘đứng tên lãnh đạo’
và rất có thể được ‘lãnh đạo’ bảo kê. Rất nhiều người dân đã
nghi ngờ rằng liệu có thật các quan chức trong Bộ Chính trị đảng như
Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang (đã chết), Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc,
Nguyễn Thị Kim Ngân… không biết gì về những trang mạng vừa nặc danh vừa
mạo danh này, hay biết nhưng vẫn ngầm che chắn và toa rập. Với thực tế nền chính
trị Việt Nam mà bị nhiều người xem là đầy rẫy chất liệu mafia, nguồn cơn
thật dễ hiểu là các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ chỉ có thể tồn tại
được với điều kiện được những cấp rất cao bảo đảm cho các hoạt động của
chúng. Chính yếu tố này đã khiến bất kỳ cơ quan quản lý thông tin nào
nếu muốn kiểm tra, xử phạt hành chính hay dùng biện pháp hình sự đối với
những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đều phải bó tay. Nhưng chữ ‘nếu’ trên
chỉ mang tính hoàn toàn giả định, vì trong thực tế nhiều năm qua, và
ngay cả từ sau khi Luật An ninh mạng được triển khai chính thức vào đầu
năm 2019, người ta chỉ thấy hệ thống pháp luật và Luật An ninh mạng gia
tăng siết bức đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và phản kháng
xã hội trên mạng, nhưng không hề đả động đến các trang mạng ‘đứng tên
lãnh đạo’. Hẳn lợi ích được đánh bóng và lobby chính trị của một số quan
chức cấp cao đã bắt buộc tất cả các cơ quan quản lý truyền thông đều trở
thành đồng lõa với những trang mạng này. Nhưng không chỉ là lợi
ích đánh bóng trong thì hiện tại, mà còn là những âm mưu chính trị ủ
chứa cho thời tương lai.
Cuộc ‘tổng nổi dậy’ sắp tới Tương lai đang ập đến
chính trường Việt Nam cùng hàng núi biến động mà độ rung chấn của nó có
thể chẳng kém thua gì so với vụ ‘cả ba bị bắn’ ở Yên Bái năm 2016. Nhưng ngay giờ đây, bầu
không khí đầy kích động của thời tiền Đại Hội 12 đang trở lại với chính
trường Việt Nam sau tháng Tư năm 2019, tức sau thời điểm mà Nguyễn Phú
Trọng thình lình bị một cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang “nhà Ba Dũng.” Cơn bạo bệnh trên có vẻ
cấp tính và nguy hiểm đến mức chẳng bao lâu sau đó đã xuất hiện kịch bản
về chuyển giao quyền lực của Nguyễn Phú Trọng cho người khác. Rõ là
khoảng trống quyền lực mà Trọng có thể phải từ bỏ là miếng bánh hấp dẫn
hơn nhiều so với thời ông ta chỉ là tổng bí thư, tạo sức hút thơm ngậy
và mê dại đối với các quan chức khác trong bộ chính trị. Trong dư luận
nội bộ cũng ngày càng phổ biến câu cửa miệng “lực bất tòng tâm” nhằm ám
chỉ một Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ không còn với tới Đại Hội 13, tuy
chẳng ai dám công khai nói về tương lai “nhắm mắt xuôi tay” của ông ta. Quy luật thường thấy
trong chính trường là độc tôn quyền lực cá nhân đủ lâu hoặc quá lâu sẽ
càng sinh biến loạn nội bộ một khi cá nhân đó phải chấm dứt quyền lực.
Trường hợp Nguyễn Phú Trọng cũng rất có thể đang và sẽ là như vậy. Nhưng sự ra đi của
người này lại là nỗi vui sướng và niềm hy vọng cho kẻ khác. “Âm binh” bắt đầu nổi
lên ngay dưới ghế của Nguyễn Phú Trọng. Cuộc chiến của những kẻ
được xem là ngang cơ và ẩn mình dưới ghế Trọng cũng bởi thế sẽ tưng bừng
và khắp nơi sẽ “nổi lửa lên em,” cho đến khi Đại Hội 13 kết thúc.
Truyền thông dọn đường Cuộc chiến đó thuộc về
những quan chức ‘âm binh’ sôi sục tham vọng lấp vào khoảng trống quyền
lực mà Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng phải nhả ra, và cũng thuộc về các
trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, dẫn dắt và hướng lái dư luận để phục vụ
cho những nhân vật chính trị bất ngờ chiếm ghế khi đó, đặc biệt khi
chính trường sắp bước vào năm 2020 mang tính quyết định về các nhân sự
chủ chốt trong Bộ Chính trị và trong ‘tam trụ’ hoặc ‘tứ trụ’. Cuộc chiến đó cũng sẽ
được dẫn dắt bởi những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, mà ‘phe cánh
chính trị’ đã từ lâu trở thành thuộc tính của chúng. Nếu không có gì
thay đổi, vào năm 2020 những trang mạng này sẽ hiện nguyên hình với tên
riêng chứ chẳng cần mượn danh lãnh đạo nào nữa. Dù Bộ trưởng Thông tin
và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, cho
rằng “Bộ đã làm rất mạnh về chuyện gỡ xuống các trang mạo danh lãnh đạo
Đảng, Nhà nước. Trong hai tháng vừa qua gỡ 207 trang, có những trang là
trang web thì chúng ta ngăn chặn, có những trang trên nền tảng mạng xã
hội thì chúng ta hợp tác với nền tảng mạng xã hội. Trong số đó có 46
trang liên quan đến tên của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, nhưng đó
chỉ là một cách nói lấp liếm hay một cách nói trong tư thế bị ‘khóa
miệng’ của Bộ trưởng Hùng, bởi cho tới nay các trang mạng ‘đứng tên lãnh
đạo’ vẫn còn nguyên hình dạng và nội dung như một thách thức rất lớn
trước Luật An ninh mạng và những kẻ đẻ ra luật này. Và dù Nguyễn Phú Trọng
- chẳng mấy quan tâm đến mạng xã hội và lợi ích có được từ những trang
mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ - nên có thể đã chỉ đạo cho Bộ Thông tin và
Truyền thông tìm cách tém dẹp những trang này, vẫn có thật nhiều kẻ khác
không muốn mất đi mối lợi của cơ chế ‘truyền thông dọn đường cho đại hội
13’ và xem lệnh của Trọng chẳng ra gì. |