NGƯỜI VIỆT
22-4-22
Về chuyến đi Mỹ của Phạm Minh Chính
Hiếu Chân
Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), sẽ đến
Washington dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông
Nam Á) vào ngày 12 và 13 Tháng Năm sắp tới. Đây sẽ là một chuyến đi khó
khăn, và có thể là tủi nhục, của ông Chính sau những diễn biến gần đây
cho thấy Hà Nội đang đi theo sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc, ra mặt
đối lập với Hoa Kỳ trên bàn cờ chính trị thế giới.
Truyền thông của đảng CSVN lập lờ khi đưa tin ông Chính sẽ đi thăm Hoa
Kỳ và dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Thực tế, ông Chính chỉ đến
Washington để dự hội nghị, cùng với một số nguyên thủ quốc gia của các
nước Đông Nam Á trong ASEAN được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết
lập quan hệ Mỹ-ASEAN; ông ta không có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ theo
nghĩa “quốc khách” của chính phủ Mỹ được tiếp đón trọng thể tại Tòa Bạch
Ốc. Một số nhà lãnh đạo ASEAN không được mời tới dự hội nghị lần này như
tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines, ông Rodrigo Duterte, hay Tướng
Min Aung Hlaing, cầm đầu tập đoàn quân phiệt cầm quyền ở Miến Điện sau
cuộc đảo chính Tháng Hai năm ngoái.
Dù vậy, tại hội nghị, chắc chắn ông Chính sẽ gặp gỡ trực tiếp các lãnh
đạo cao cấp nhất của Hoa Kỳ như Tổng Thống Joe Biden, Phó Tổng Thống
Kamala Harris và Ngoại Trưởng Antony Blinken. Ông Chính sẽ giải thích
thế nào với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về lập trường của Việt Nam đối với
cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và những hành động khó hiểu gần
đây của Hà Nội như ủng hộ Nga, gần gũi Trung Quốc và siết chặt thêm nữa
việc kiểm duyệt mạng xã hội ở trong nước?
Việt Nam khác với ASEAN
Cuộc chiến Ukraine là phép thử thái độ của các quốc gia trong quan hệ
với các cường quốc, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Nga mang quân đi xâm lược
nước láng giềng, Mỹ và các nước phương Tây giúp Ukraine giữ nước. Dù
muốn dù không các nước còn lại trên thế giới đều phải chọn một thái độ,
hoặc đứng về phía Nga hoặc chống lại cuộc xâm lược của Nga theo lựa chọn
của thế giới văn minh.
Trong khối ASEAN, thái độ của Việt Nam trái hẳn với các nước thành viên
khác. Hồi đầu Tháng Ba, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) bỏ phiếu
lên án cuộc xâm lược, đòi Nga phải rút ngay lập tức quân đội khỏi
Ukraine, Việt Nam – cùng với Lào – bỏ phiếu trắng trong khi tám thành
viên còn lại của ASEAN bỏ phiếu thuận trong số 141 nước phản đối Nga.
Sau đó khi UNGA bỏ phiếu về đề nghị của Hoa Kỳ loại Nga ra khỏi Hội Đồng
Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), Việt Nam cùng với Lào bỏ phiếu chống.
Những lá phiếu của Việt Nam rập khuôn hoàn toàn theo Trung Quốc, cho
thấy Hà Nội đã tự vứt bỏ cái mặt nạ “trung lập” để đứng về phía Nga và
Trung Quốc, chống Hoa Kỳ và luật pháp quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Việt Nam sẽ tham gia tập trận cùng với quân đội Nga
trong thời gian tới. Khi bị chất vấn về thông tin Việt Nam tham gia
luyện tập quân sự chung với Nga giữa lúc quân đội Nga đang bị cả thế
giới lên án vì cuộc xâm lược và những hành vi “tội phạm chiến tranh” tàn
bạo chống lại thường dân Ukraine, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ
Ngoại Giao Việt Nam, nói hôm 21 Tháng Tư rằng cuộc tập trận quân sự với
Nga là nhằm “tăng cường hợp tác, hữu nghị vì hòa bình,” theo báo Tuổi
Trẻ. Người nghe không tài nào hiểu được “hòa bình” nghĩa là gì trong
nhận thức của nhà cầm quyền.
Vụ bỏ phiếu theo đuôi Nga tại Liên Hiệp Quốc gây bất ngờ và thất vọng
nhưng với vụ tập trận chung với quân Nga thì Hà Nội dường như đã đi quá
đà trong khi vẫn luôn miệng nói rằng Việt Nam mong muốn tăng cường hợp
tác với Hoa Kỳ.
Những lựa chọn tai hại
Nhiều nhà bình luận cho rằng, lập trường thân Nga của đảng CSVN không
phải là bất thường hoặc khó hiểu vì Việt Nam chịu ơn sâu nghĩa nặng của
Moscow từ thời mồ mả Liên Xô cũ. Hơn thế nữa, hiện Nga là “đối tác chiến
lược toàn diện” hàng đầu của Việt Nam, có vai trò thiết yếu trong việc
cung cấp vũ khí giúp hiện đại hóa quân đội và liên doanh với tập đoàn
dầu khí của nhà nước Cộng Sản khai thác dầu mỏ ngoài khơi Việt Nam.
Nhưng chính trường quốc tế luôn biến động và không mối quan hệ đồng minh
nào là nhất thành bất biến; các nhà lãnh đạo quốc gia phải nắm được xu
thế chuyển biến của thế giới để đề ra những sự lựa chọn có lợi nhất cho
quốc gia dân tộc. Trước yêu cầu thích nghi với xu hướng thời đại, việc
Hà Nội lựa chọn đứng về phía Nga – về phía thế lực xâm lược, phía độc
tài chuyên chế và bành trướng – không chỉ đi ngược lại nguyện vọng của
đa số dân Việt mà còn gây thiệt hại khủng khiếp cho con đường phát triển
của đất nước.
Sau khi Việt Nam bỏ phiếu chống đề nghị của Hoa Kỳ loại bỏ Nga khỏi
UNHRC hôm 7 Tháng Tư – cuộc bỏ phiếu được Hoa Kỳ gọi là “sự kiện lịch
sử” – Washington đã không giấu được nỗi thất vọng. Vài ngày sau, ngày 12
Tháng Tư, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tình
hình nhân quyền trên thế giới, trong đó lần đầu tiên Mỹ phê phán Việt
Nam hạn chế quyền tự do chính trị của người dân. “Công dân [Việt Nam]
không thể lựa chọn chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và
công bằng, được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín, nhằm bảo đảm
quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân,” phúc trình viết và được
coi như một tín hiệu về sự bất bình của Washington đối với Hà Nội trong
vấn đề Ukraine.
Có thể Việt Nam bị Mỹ trừng phạt?
Bây giờ khi Việt Nam quyết định tập trận chung với quân đội Nga thì nỗi
thất vọng và bất bình của Hoa Kỳ có thể chuyển thành hành động trừng
phạt. Trên trang Asia Times, nhà báo David Hutt, người am hiểu tình hình
chính trị Việt Nam, nhận định: “Việt Nam có thể sớm bị Hoa Kỳ cấm vận do
tiếp tục có quan hệ quân sự với Nga vào lúc phương Tây tìm kiếm những
điểm áp lực thứ cấp mới để trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lăng Ukraine.”
Ông Hutt cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt theo
Đạo Luật Chống Đối Thủ Của Mỹ (Countering America’s Adversaries Through
Sanctions Act – CAATSA) được Quốc Hội Mỹ thông qua vào năm 2017. Luật
CAATSA cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt kinh tế những quốc gia nào mua
sắm vũ khí của Nga. Việt Nam – với hơn 80% vũ khí và thiết bị quốc phòng
được mua từ Nga trong vài chục năm nay – hoàn toàn có thể bị trừng phạt
theo luật CAATSA, nhưng thực tế, Hoa Kỳ chưa áp dụng luật này với Việt
Nam và một số quốc gia mà Washington muốn lôi kéo vào quỹ đạo ảnh hưởng
của mình như Ấn Độ và Indonesia.
Các chính khách bồ câu của Mỹ không muốn việc thi hành luật CAATSA ảnh
hưởng xấu đến các nỗ lực ngoại giao để xây dựng mạng lưới đồng minh của
Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Cho đến nay, có vẻ như Washington làm lơ cho Hà Nội mua sắm vũ khí
Moscow một phần vì không muốn gây áp lực chưa cần thiết lên một quốc gia
mà Mỹ muốn vận động “đứng về phía đúng đắn của lịch sử.” Mỹ tin rằng,
với mối xung đột thường xuyên với Trung Quốc, Việt Nam có thể là một
đồng minh tốt, một đối tác tốt của Mỹ.
Nhưng cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine và lập trường theo Nga của Việt
Nam có thể làm thay đổi tình thế. Ngoài luật CAATSA, Hoa Kỳ vẫn còn rất
nhiều cách để trừng phạt Việt Nam nếu muốn. Nền kinh tế Việt Nam phụ
thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ với số xuất siêu lên tới $81 tỷ (đồng
thời nhập siêu từ Trung Quốc $54 tỷ) trong năm 2021 nên chỉ cần Mỹ đóng
cửa một số mặt hàng xuất cảng của Việt Nam, cấm vận một số công ty và
ngân hàng Việt Nam thì hậu quả sẽ rất trầm trọng.
Việt Nam lạc loài giữa một ASEAN đang thay đổi
Trở lại chuyến đi đến Washington của ông Phạm Minh Chính. Giả như chuyến
đi diễn ra trước khi bùng nổ chiến sự Ukraine, trước khi Hà Nội có những
sự lựa chọn hết sức tai hại như vừa kể trên thì ông Chính còn có chuyện
để “khoe” với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và vận động cho một mối quan hệ
“có chiều sâu, hiệu quả và bền vững” như mong muốn của cả hai phía, bất
chấp những “thành tích bất hảo” của CSVN về nhân quyền, về đàn áp tôn
giáo và ngôn luận. Nhưng bây giờ trận tuyến đã rạch ròi, chính nghĩa và
phi nghĩa đều rõ và Hà Nội đã dứt khoát chọn đứng về phía sai lầm của
lịch sử thì ông Chính sẽ rất khó khăn.
Công bằng mà nói, tất cả các nước ASEAN luôn sợ phải “chọn phe” trong
cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ dựa vào sự bảo vệ an ninh của
Hoa Kỳ trong một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, nhưng kiếm tiền nhờ
quan hệ kinh tế ngày càng mật thiết với thị trường Trung Quốc. Vì thế
“đu dây,” “đi hàng hai” là đường lối ngoại giao phổ biến của các nước
Đông Nam Á, không riêng gì Việt Nam. Nhưng khi Nga xâm lược Ukraine,
nhiều nước đã rục rịch thay đổi, chỉ trừ Việt Nam và Lào.
Singapore – nước phát triển nhất, thu nhập của người dân cao nhất ASEAN
– đã nhanh chóng lên án hành động chiến tranh của Nga và tham gia các
biện pháp trừng phạt kinh tế Nga do Hoa Kỳ và Châu Âu đề xướng. Cambodia
– nước vẫn được xem là chư hầu của Trung Quốc – thậm chí cũng bỏ phiếu
ủng hộ Ukraine, lên án Nga trong nghị quyết quan trọng ở UNGA ngày 2
Tháng Ba, một lựa chọn được cho là khôn khéo và thức thời của nhà độc
tài Hun Sen.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN được coi là cơ hội để chính phủ Biden quan
hệ song phương với ASEAN, thúc đẩy tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn
Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” và kiềm chế ảnh hưởng của Trung
Quốc trong khu vực. Đây cũng là cơ hội để các nước ASEAN củng cố lại
quan hệ song phương với Hoa Kỳ sau mấy năm khá nhợt nhạt dưới thời Tổng
Thống Donald Trump.
Cơ hội đó hình như không có chỗ cho ông Phạm Minh Chính! (Hiếu Chân) [qd] |