TÁM THÁNG VÀ 60 NGÀY Phạm Xuân Ngọc
Một ngàn cây số hai ngàn thước Tám tháng và sáu mươi ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ và Tiểu đoàn 249 chúng tôi. PHẠM XUÂN NGỌC
I. RỜI THANH HÓA Chúng tôi rời Sánh Lược Thanh Hóa ngày mồng 10 tháng 10 năm 1953. Già nửa năm sống với đồng bào, ra đi bịn rịn như thể phải xa quê mình vậy. Đồng bào Sánh Lược đưa tiễn chúng tôi ân cần, chu đáo như thể tiễn trai làng nhập ngũ. Người ở, người đi lưu luyến khôn cùng. Tiếng chào hỏi, tiếng chân đi, tiếng gọi với, dặn với, ào ào ríu rít. Chỉ có mắt là nhìn thật rõ: cái nhìn thương yêu của các cụ già, cái nhìn hồ hởi chúc tụng của thanh niên, cái nhìn nhớ nhung bùi ngùi của những cô gái, cái nhìn hồn nhiên trong trẻo của các em thiếu nhi. Những cái nhìn mang tâm cảm đặt vào tim chiến sĩ. Tiểu đội tôi đi cuối cùng tiểu đoàn, mà đằng sau chúng tôi vẫn còn thê đội hai, gồm những chiến sĩ mà có thể năm nay, sang năm, hoặc một vài năm sau mới lên đường nhập ngũ. Mặt trời lặn, đầu làng nhân dân vẫn đứng đông, và những người đã về nhà, đang bận bịu công này việc nọ, vẫn còn đang lưu luyến nhìn theo. Hướng hành quân ngược lên Suối Rút. Thế là vỡ mộng đồng bằng. Bởi kỳ huấn luyện vừa rồi chúng tôi được học cả chiến thuật đánh trung du, đánh đồng bằng, bắn máy bay bằng súng bộ binh nên anh nào anh nấy cứ đoán già đoán non và mơ đồng bằng bát ngát. Song chẳng sao, "đâu có giặc là ta cứ đi", tập quán ấy đã nền nếp lắm rồi. Đường quen lối thuộc, chúng tôi đi vui vẻ và hăng hái. Rừng tiếp rừng, núi tiếp núi. Thỉnh thoảng cũng gặp một phố nhỏ lèo tèo, dăm ngọn đèn dầu le lói, chập chờn trong thấp thoáng quân đi. Trên đường hành quân, nhiều đồng chí lựa lời moi tin cán bộ, rốt cuộc chỉ được trả lời: - Trên không phổ biến. - Đi đến vùng có giặc. - Cứ đi đã, đến rồi là biết ngay vv... Những thỏi quặng mà sau này nhạc sỹ Huy Thục đã thu nhặt gọt giũa ghép thành viên ngọc quý: "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!" Tuy vậy chúng tôi chưa dứt bỏ hẳn mộng đồng bằng, nhiều đồng chí còn cho rằng: hướng hành quân vẫn là nghi binh, biết đâu đến Suối Rút chẳng ngoặt lại Hòa Bình mà thốc xuống. Chúng tôi gọi Suối Rút là "ngã ba ngã ngũ". Song nó không chịu ngã ngũ cho vì chúng tôi được nghỉ một đêm. Nghỉ một đêm có nghĩa là dừng lại Suối Rút hai ngày một đêm. Ba mươi sáu tiếng chờ đợi cái "ngã ngũ" thật là hồi hộp. Chúng tôi được lệnh lau chùi vũ khí, kiểm tra lại quân trang, bổ sung gạo, tranh thủ tắm rửa nghỉ ngơi. Cán bộ các cấp hội ý liên miên, chi bộ họp một buổi chiều. Anh Truyền, tổ tam tam chúng tôi tranh thủ hỏi anh Tràng tiểu đội trưởng vừa đi họp chi bộ về: - Có đánh Hòa Bình không anh? Anh Tràng đùa: - Không, chỉ diệt chiến tranh, không đánh hòa bình. Anh Truyền lấy sổ tay hí hoáy viết. Nhìn qua vai anh, tôi chỉ đọc kịp một dòng: "Thanh Hóa thân yêu! Hẹn ngày gặp lại!" Từ ngã ba Suối Rút, đường hành quân của chúng tôi ngược thẳng lên Châu Mộc. Ngã ngũ rồi: lên Tây Bắc! Đông Bắc đã giải phóng từ những năm 49 - 50. Tây Bắc đã giải phóng năm ngoái (1952), sót lại cụm Nà Sản thì chúng đã rút chạy bằng máy bay. Ngược lên Tây Bắc chỉ còn Thượng Lào. Đánh giặc ở Thượng Lào chắc không khó bằng Tây Bắc năm qua, song Thượng Lào thì còn xa lắm, sẽ gian khổ và đau ốm nhiều hơn, vì vậy trước mắt là phải giữ gìn sức khỏe đảm bảo hành quân. Chúng tôi động viên nhau, ngon cũng ăn, không ngon cố ăn, tranh thủ ngủ, chống ốm đau, bảo toàn quân số. Ngày lại ngày, ngấm mãi vào lòng, đến tận bây giờ những buổi chiều rừng, mỗi lần bắt gặp, vẫn còn xao xuyến trong tôi: chiều hành quân. Mặt trời lặn là chúng tôi đi, mặt trời mọc là chúng tôi tới đích. Chúng tôi đi theo rừng núi, đi trong mưa bụi, sương mờ, đi dưới trăng non trăng già, cũng đôi lần đi cùng đuốc lửa dân công. Khỏe đi, yếu cố đi, đau ốm thì dìu nhau khiêng nhau mà đi. Mỗi lần phải khiêng nhau mà đi tôi lại nhớ có sách đã viết là ngày vua Quang Trung đem quân ra Bắc cứ hai người khiêng một người, thay nhau nghỉ để đi được nhanh. Vô lý thật. Song có thể cũng như chúng tôi bây giờ, phải đi tới đích, tới đích cả đơn vị không thiếu một người, cho nên phải tìm mọi cách để cùng đi. Chúng tôi đi kiên trì như trái đất quay, đều đặn như tốc độ mặt trời. Lại Xồm Lồm, Châu Mộc, Châu Yên, lại Cò Nòi, Hát Lót, Mường La, đến Châu Thuận được nghỉ một đêm. Từ rời Thanh Hóa, mỗi đêm khoảng 30 cây số, mỗi ngày một công sự tránh bom, một lán che mưa nắng, trọng lượng mang vác có lúc còn nặng hơn cả trọng lượng người mình. Giả thử mang chắp lại được thì có thể chúng tôi đã đào được một đường hầm xuyên thủng trái đất và một mái cong che rợp bầu trời. Còn bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm chúng tôi chẳng nhớ, đếm làm gì, vì bộ đội chỉ có luyện tập, hành quân và đánh giặc, mà hiện tại nhiệm vụ chính của chúng tôi là hành quân. Dọc đường hành quân chúng tôi chỉ gặp có dân công. Dân công đông lắm, từng đoàn từng đoàn dài dằng dặc. Đêm chờ gạo ở cây số 57 Xồm Lồm, nhiều muỗi quá, một cô dân công đánh liều chui vào màn ngủ cùng chiến sỹ. Tỉnh giấc, anh vội bỏ màn sang ngủ cùng đồng đội, và sáng dậy phải hai, ba lần cầu khẩn, tiểu đội trưởng mới chịu đòi hộ chiếc màn. Thế rồi họ thăm hỏi nhau, chia tay nhau, chúc nhau chiến thắng, chẳng một lời hò hẹn. Đêm qua đèo Chiềng Đông, một chiến sĩ vừa mổ nhọt ở chân, đơn vị đã miễn cho mang vác mà vẫn không theo kịp. Ấy thế mà khi gặp một cô dân công cùng cảnh trên đường, anh động viên cô, cô động viên anh để rốt cuộc, cả hai cùng về tới đích. Ở Mai Sơn, tờ mờ sáng có ba cô gái, cũng súng, gạo, cũng ba lô, đủ trang bị như ba chiến sỹ, dẫn ba chiến sỹ đau chân tới nộp tiểu đoàn. Và còn biết bao nhiêu chuyện khác, cứ như bịa đặt, cứ như tình cờ. Bộ đội với dân công: hai anh em một dòng máu ấm, người anh xốc vác, cô em cần cù, rất mực thương yêu nhau, chăm nom, nhường nhịn, bước bước cùng nhau như bóng với hình. Không phân biệt gái trai, nhiều hay ít tuổi, chúng tôi động viên nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau một cách thật thà và tự nhiên. Thật như hạt gạo, củ khoai, tự nhiên như sông phải có nước, rừng phải có cây, bầu trời phải có nắng vậy. Bởi bộ đội với dân công cùng ra trận.
II. TRẬN MƯỜNG PỒN
Mãi năm 1958, được trở lại đóng quân bảo vệ và kiến thiết Điện Biên, chúng tôi mới thấy rõ được địa hình, mới thấy được đầy đủ giá trị của mồ hôi trong chiến thắng Mường Pồn. Chúng tôi làm nên chiến thắng Mường Pồn còn hơn cả Đặng Ngải dẫn quân tắt núi Âm Bình đánh úp Thành Đô thời Tam quốc. Điện Biên - Tuần Giáo - Lai Châu, ba đỉnh của một hình tam giác, với ba cạnh là ba con đường. Đường từ Điện Biên đi Tuần Giáo dài 80 cây. Đường từ Tuần Giáo đi Lai Châu dài 100 cây. Đường từ Lai Châu về Điện Biên dài 100 cây. Sau khi nhảy dù xuống Điện Biên, địch rút hết quân ở Lai Châu về tập trung lực lượng cho tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn 174 chúng tôi có nhiệm vụ chặn đường tiêu diệt cánh quân đó. Chỉ cần ba ngày địch đã có thể từ Lai Châu về tới Điện Biên. Vậy mà lúc đó chúng tôi còn ở Thuận Châu, phải hai ngày nữa mới đến được Tuần Giáo, thêm ba ngày nữa mới đến được Lai Châu, có vừa đi vừa chạy cũng phải năm ngày. Vậy mà chúng tôi đã bất ngờ tiến công tiêu diệt gọn cánh quân của địch ở Mường Pồn cách Điện Biên chừng hai mươi cây số. Chúng tôi không được nghỉ một đêm ở Thuận Châu theo kế hoạch. Chiều hôm ấy tập họp tiểu đoàn nghe tin chiến sự và nhận lệnh hành quân. Ở hậu phương địch nống ra Phú Thọ đã bị quân ta đón lõng diệt gọn. Phía trước, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng tập đoàn cứ điểm. Chiến sự khẩn trương, hành quân hỏa tốc. Đơn vị bạn có ô tô đón, còn tiểu đoàn chúng tôi được lệnh đại đội nào, trung đội nào, tiểu đội nào sức còn đi được, cứ đi. Tiểu đoàn đã bố trí các trạm chỉ đường và tiếp nhận ở vị trí tập kết. Chúng tôi tiếp tục hành quân với khí thế khác hẳn. Trước kia, mỗi khi gặp một ngọn đèn là đã hy vọng gặp tiền trạm, mỗi lần nghe chó sủa nhiều phía trước là đã mừng thầm sắp được nghỉ chân. Còn bây giờ thì chỉ nghĩ tới đi, đi sao cho nhanh, trang bị không vương vãi, đơn vị này cố gắng vượt đơn vị nọ, đơn vị nọ cố vượt đơn vị kia, vừa vượt bạn xong đã bị bạn vượt mình. Mỗi lần chạm nhau như vậy lại sôi lên: - Lính nào đấy? - 315 đây! - 316 đây! - 317 đây! - Quân tiên phong, nhanh lên chứ! - Cứ đi đi! Đến đích mới biết nhau. - Nhanh đấy, nhưng có lỏi không mà ít thế? Mặt trời, trăng sao, mây gió cũng hối hả hành quân với chúng tôi. Đường hành quân bỏ qua Tuần Giáo, tắt thẳng vào Xuân Tre, rồi từ Xuân Tre lại tắt đường nguyên thủy sang Cò Chạy, Mường Pồn. Chúng tôi đi bằng la bàn, rẽ rừng vạc núi mà đi. Rừng cỏ gianh, rừng cây bó đóm thì còn vạch rẽ ra mà đi được. Nhưng những rừng găng phủ móc mèo thì phải chặt, phải phát, phải khoét mà đi. Đường đi như một chiếc cống ngầm. Gặp rừng vầu chi chít thì phải lên gân lên cốt, càng tay đẩy rộng ra mà bước, buông tay sớm một chút cây vầu bật lại kẹp vào giữa người với ba lô thì tha hồ giãy giụa. Những vách núi dựng đứng. Những bờ vực sâu hoắm, rêu trơn tuột. Sây sát khắp người, mệt nhoài nhưng rất vui. Chúng tôi đang mê mải cùng rừng, quên cả ý là đang hành quân thì thì có lệnh: - Dạt sang hai bên. Nghỉ 10 phút! Thực ra có bên nào mà dạt. Toàn rừng là rừng. Và cũng không phải là 10 phút nghỉ, mà bởi đường đi vấp phải địa hình hiểm trở, không qua được, đầu hàng quân lại phải vòng lại tìm lối khác. Đội hình hành quân lúc ấy vòng vèo như một con rồng bay trên nóc núi xanh. Một lát sau, đại đội phái liên lạc quay lại báo cáo với tiểu đoàn: "Ông ấy bảo qua được chỗ này thì bên kia đi được". Thì ra không phải chỉ có chúng tôi xé rừng mà còn có một ông già người Mèo và một thanh niên địa phương xé rừng cùng đi với chúng tôi. Từ cuối hàng quân, đồng chí Lê Sơn vượt lên. Anh ngắm kỹ cái vách núi cao chừng chục mét lởm chởm, gồ ghề, hỏi ông già vài câu gì đó, rồi anh quay lại gọi: Quân tiên phong! Đồng chí Lê Sơn, đại đội trưởng 317 của chúng tôi vừa được đề bạt tiểu đoàn phó. Đánh Mộc Châu năm ngoái, lúc ấy tôi còn ở liên lạc trung đoàn, vừa lách qua một khe đá thì một chiến sỹ kéo tay tôi nằm xuống và dõng dạc: - Trung liên! Mô đá trước mặt, một thằng Tây... - Này, Tây đâu mà Tây, Lê Sơn đấy! Không né tránh, anh đã đứng thẳng người quan sát trận địa địch lúc quân mình đang gặp khó khăn. Chuyện ấy làm tôi rất vui khi được điều về đại đội 317 của anh. Anh có một thói quen, mỗi lần tập trung đại đội anh đều giơ cao tay gọi: Quân tiên phong! Anh em hưởng ứng: Tiến lên! Thế là anh bắt nhịp, anh em vỗ tay, cả đơn vị hát vang hai lần bài hát đó trước khi vào nội dung sinh hoạt. Đến nay là cán bộ tiểu đoàn, song 317 vẫn là lính cũ của anh, hơn nữa 317 còn là đại đội chủ công của tiểu đoàn. Vì vậy, khi anh quay lại bắt gặp những khuôn mặt, những con người 317 là anh gọi ngay: "Quân tiên phong!", và tiếng đáp "Tiến lên!" bỗng đâu vang dội ở trên đầu. Anh ngước nhìn năm, sáu chiến sỹ, từ lúc nào đã leo lên, đang thả thừng xuống câu đồng đội. Chúng tôi lần lượt vào dây, còn anh cứ đứng vỗ tay cười. ♦ ♦ ♦ Khi sốt ruột hỏi ông già dẫn đường sắp hết dốc chưa, lúc thì ông bảo "còn một khăn mặt vắt vai", lúc thì ông bảo "còn một quăng dao nữa", vậy mà đi đến mệt lử người chẳng đến. Thì ra đeo con dao ở hông bên phải mà đi, khi thấy mỏi phải chuyển đeo sang hông bên trái, đấy là đoạn đường một quăng dao. Qua suối rửa mặt, cứ để nguyên cái khăn mặt ướt sũng vắt lên vai mà đi, đi đến lúc chiếc khăn mặt khô ròn, đấy là đoạn đường một khăn vắt vai. Đến cả cái "đi được" của ông già cũng vậy. "Đi được" có nghĩa là không phải quay lại tìm đường khác mà thôi. Chúng tôi đi hai đêm một ngày mới bắt đầu xuống dốc. Xuống dốc không dễ gì hơn. Vẫn gai vẫn đá, vẫn vực vẫn khe. Có điều đã có đôi chỗ mắt được nhìn sang ngọn núi xa xa hoặc một vài chòm mây lơ lửng. Lác đác ở gốc cây này ở mô đá nọ, chúng tôi đã bắt gặp những mẩu thuốc lá và vỏ đồ hộp của địch. Thì ra chúng cũng đã cho quân đến cảnh giới ở đây. Tụi này có thể đã bị tiền quân ta vơ sạch, hoặc không chịu nổi muỗi rừng sương núi mà chuồn rồi. Chúng tôi đi hăng hái hơn. Càng xuống càng dốc. Đôi chỗ đã nhìn thấy dăm bảy nóc nhà, vài ba vạt ruộng. Khoảng bốn, năm giờ chiều chếch về bên phải, súng bỗng nổ nhiều như rang ngô. Thế là chúng tôi thực hiện thần tốc hành quân. Chạy một mạch năm, sáu cây số nữa mới gặp đường Lai Châu - Điện Biên, khoảng lưng đèo Cò Chạy. Chẳng kể gai góc, dốc khe, nhiều đồng chí ngã lăn long lóc, khi đứng dậy chẳng nhìn máu chảy đỏ bắp chân mà chỉ vội vàng xem lại súng. Xuống đến đường, chúng tôi được lệnh chiếm lĩnh mỏm đồi hai bên, đào công sự, chuẩn bị chiến đấu với quyết tâm vít chặt ba cây số đường hẻm không cho chúng thoát. Song chúng tôi không được đối mặt với quân thù, vì đơn vị bạn, tiểu đoàn 251 đã giải quyết gọn gàng chiến sự và gương chiến đấu anh dũng của liệt sỹ Bế Văn Đàn đã đến với chúng tôi lúc trời chưa tối hẳn. Đêm ấy các đơn vị đều phải bố trí canh phòng cẩn mật. Tuy vậy, nói chung chúng tôi cũng được ngủ ngon lành. Sáng sau, chuyện lạ. Trung đội trưởng Nông Văn Ngoan lên đại đội hội ý, khi về mang theo bẩy chiếc đồng hồ đeo tay và tuyên bố: "mỗi tổ tam tam, mỗi cán bộ từ trung đội phó trở lên đều phải có một chiếc. Tổ nào, cán bộ nào chưa có thì tiểu đoàn cho mượn". Anh em cười ầm lên. Chả là từ xưa đến nay, đồng hồ là cái vạ vịt. Những đồng chí nào có đồng hồ đều đã phải thông minh xử lý bằng hai cách: một là cho tiểu đội trưởng mượn; hai, nếu tiểu đội trưởng không mượn thì phải gói kỹ bỏ vào ba lô, còn không thì phải chuẩn bị tinh thần để suốt ngày nghiêng tay trả lời 1 giờ kém, 1 giờ hơn, 1 giờ, 1 rưỡi..., và đêm đêm, mỗi giờ gác lại được anh em lần tay "bắt mạch". Thế mà bây giờ tiểu đoàn lại bắt phải có đồng hồ! Tiểu đội tôi được mượn hai chiếc, "một chiếc đã được vua Hùng thứ mười tám khen thưởng, còn một chiếc đã theo tướng quân Trần Hưng Đạo làm nên chiến thắng Bạch Đằng" - anh Vũ Ngọc Truyền nhà khảo cổ học của tiểu đội tôi quả quyết hùng hồn như vậy. Trong khi trung đội trưởng Nông Văn Ngoan phát đồng hồ cho các tổ, tôi nhẩm tính, mỗi tiểu đội 3 chiếc, mỗi trung đội 11 chiếc, mỗi đại đội 50 chiếc, cả tiểu đoàn 200 chiếc. Như trung đội mình không có được một nửa và gọi già cho có một nửa đi. Tôi nói với anh Tràng "tụi địch bị tiểu đoàn 251 diệt hôm qua có tới hàng trăm chiếc đồng hồ". Anh Tràng bảo tôi "không lớn thế đâu, chắc có tình hình gì đặc biệt đấy". Quả nhiên, phân phát xong, trung đội trưởng Ngoan mới phổ biến mệnh lệnh của tiểu đoàn. Tiểu đoàn bạn sau khi giải quyết gọn gàng chiến sự được rút về vị trí an toàn củng cố tổ chức. Tiểu đoàn chúng tôi thay thế làm tiếp nhiệm vụ truy quét tàn quân, ổn định lại vùng mới giải phóng. Đội hình hành quân của tiểu đoàn là một hàng ngang, dàn sang hai bên đường mỗi bên ba cây số. Mỗi tổ tam tam là một cụm, tổ nọ cách tổ kia 50 mét. Cứ 3 giờ các trung đội phải báo cáo lên đại đội một lần. Các đại đội phải báo cáo lên tiểu đoàn một ngày hai lần vào lúc 2 giờ trưa và 6 giờ chiều. Còn đường dây liên lạc từ trung đội trở xuống do trung đội trưởng quy định từng ngày một. Tôi bỗng buột mồm như nói một mình: "thế thì phải có đồng hồ". Sáng hôm sau được lệnh lùng bắt tàn quân địch. Ngày đầu chẳng có gì, thỉnh thoảng chúng tôi lại "bắt được nhau". Ngày thứ hai lên mãi Na Pheo, bắt được một đoàn gồm một tên quan hai người Pháp với vợ hắn, một phụ nữ người Thái địu con, cùng năm lính ngụy và nhiều vợ lính. Bởi không được tiêu diệt nếu địch không chống cự nên trung đội 1 đuổi bắt bọn này khá vất vả. Chúng chỉ chạy có người không còn bộ đội ta thì mang vác nặng. Ngày thứ ba thông thạo hơn rồi nên nấm, măng, rêu, cá đều bị chúng tôi truy lùng quét sạch. Anh Đỗ Văn Tràng tiểu đội trưởng của tôi trông trẻ hẳn ra. Có thể vì núi rừng này cũng dáng dấp núi rừng Cao Lạng quê anh. Xông xáo dọc ngang phát huy sở trường ngày thơ ấu, anh còn bắt được cả chim rừng và sóc nữa. Tổ tôi đi ngoài cùng, chỉ cần đảm bảo tốc độ 1 giờ 3 cây số, còn thì thả sức vòng ra vòng vào không sợ kích đội hình. Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi nghỉ trên một lèn đá, bên bờ suối trong. Xa hơn một chút nhiều cô gái miền núi vui đùa cùng suối. Anh Ngẩu ao ước đào được những cây si ven suối về trồng ở cửa đình làng anh. Anh em cười, và anh Vũ Ngọc Truyền thì kịp thời biểu dương anh Ngẩu: "Quả là mơ ước hão huyền". Song chính cái hão huyền của anh lại làm cho tôi hão huyền hơn. Thực vậy - tôi nói với anh Truyền: - Thử hỏi, nếu như ta có thể bê được quả núi kia về đầu cầu Long Biên mà đặt, nếu như các nàng sơn nữ kia, kể cả chúng mình, cả đàn chim trên cành, đàn bướm bên rìa suối, bỗng dưng hóa đá, rồi có người khoanh tròn, khoét lấy mang về đặt giữa hồ Tây thì có lẽ Hồ Xuân Hương cũng phải sống lại để viết thêm một bài Chơi xuân Khán Đài, và có thể nhiều đời sau, những nghệ sĩ tài năng trên thế giới vẫn phải kéo nhau về chiêm ngưỡng ấy chứ... Tôi bỗng nhớ Huy Thục, nhớ Văn An... Các anh các chị không được may mắn như chúng tôi nên chỉ được nhìn suối sâu, đèo cao, chỉ được ngắm quân đi bảo vệ đồng quê. Còn chúng tôi, chúng tôi được sống cùng quê hương Tây Bắc, yêu quý đồng bào Tây Bắc như mẹ, như những người yêu thương ruột thịt của mình. Cũng chiều ấy, chúng tôi đang đi bỗng có tiếng gọi. (Phần này tôi chỉ được nghe anh Tràng dịch lại vì lúc ấy tôi chưa biết tiếng) - Bộ đội ơi! Vào uống nước với chúng em. Tôi theo anh Tràng rẽ vào một đống lúa đã gặt chất giữa ruộng như một đống rơm. Một chị người Thái đang cùng chồng đập lúa. Đón chúng tôi, chị rất hồ hởi, còn anh thì hơi rụt rè. Giữa mùa cam mà anh chị không có cam, chỉ có những quả bưởi muộn mằn mời chúng tôi ăn chua. Chị hỏi: - Bộ đội bắt được giặc Tây cũng không giết có phải không? Anh Tràng trả lời chị: - Đúng thế! - Thế bắt được lính Thái có giết không? - Kể cả lính Tây, kể cả lính Thái nếu đã hàng đều không bị giết. - Thế lính Thái bỏ Tây về nhà có bị bắt, bị giết không? - Không! Nếu đã trở về với gia đình, với mường bản làm ăn thật thà thì không bị bắt, không bị giết. Thấy chị còn phân vân, anh Tràng lấy giấy ghi mấy dòng cụ thể những điều anh đã trả lời chị, và ký tên: "Đỗ Văn Tràng, bộ đội Cụ Hồ". Chúng tôi toan đi, chị bỗng hỏi một câu đột ngột: - Bộ đội trẻ con cũng đánh giặc được à? Vì lúc ấy tôi mới mười bẩy tuổi, hành quân mới chỉ vác chứ chưa đeo được súng. Anh Tràng quay lại nhìn tôi cười, rồi trả lời chị: - Đàn bà như chị cũng đánh được giặc. Chúng tôi đi, vợ chồng chị đứng nhìn theo mãi. Trời tối hẳn chúng tôi đang tìm địa điểm trú quân thì được lệnh tiến thêm ba cây số nữa. Anh Cẩn hỏi tôi: - Cậu có hiểu như thế là thế nào không? Biết tôi không hiểu, anh giải thích luôn: - Này nhé, đội hình hành quân của tiểu đoàn không phải lúc nào cũng giữ được thẳng căng như một sợi dây đâu, tổ này tổ nọ xuống xuống, lên lên. Có lúc cuồn cuộn như một luồng sóng biển. Có lúc như hàng phao của một cái lưới vét. Có lúc căng tròn như một cánh cung. Và còn rất nhiều những thẳng thẳng, cong cong, muôn hình muôn dạng. Song tớ cứ nghĩ lúc nào nó cũng như đôi cánh của con chim bồ câu mà họa sỹ nào đó, bằng vài nét nguệch ngoạc, đã giành được giải hòa bình thế giới. Tôi nhìn như ngắm anh, một chàng trai chài lưới miền trung đen trũi. Và cả tổ tôi nữa, chỉ anh Truyền là có chút ít dáng dấp học trò, vậy mà hiểu biết của các anh cứ như toàn trí thức. Tôi nói thật suy nghĩ đó với tổ, anh Tràng bảo: - Có gì đâu! Chúng ta thực lòng yêu nước, thực lòng yêu hòa bình. Ngày thắng lợi biết ai còn ai mất. Song chúng mình, nhất là các cậu, có điều kiện hơn phải tâm huyết mà ghi lại, để đời sau biết được hôm nay. Vốn đã ít tuổi nhất tổ, song lúc này nhìn các anh, tôi thấy mình như trẻ con thêm. Cứ thế ngược Lai Châu, chúng tôi lên tận Mường Tùng, dừng lại đó ba ngày làm dân vận rồi quay lại. Lúc rời Mường Tùng, nhiều tiểu đội đã phải gửi phần gạo muối của mình lại để nhận những ống cơm lam tình nghĩa của đồng bào. Một buổi chiều, đã sẩm tối, chúng tôi đang đi bỗng có tiếng reo: - Bộ đội trẻ con đây rồi! Tôi bị túm tay lôi tuột ra khỏi hàng quân. Anh Tràng vội bước ra theo. Tôi chỉ kịp chào một câu "À, chị" rồi mấy người nói chuyện với nhau tíu tít. Không biết tiếng, tôi cứ đứng ngơ ngơ ngác ngác, chỉ đôi chỗ được nghe anh Tràng dịch lại lời chị nói: - Bộ đội ơi! - Chị chỉ vào chồng và nói tiếp - lính Thái theo Tây đây này, lính Thái bỏ Tây về không bị bắt, được làm nương làm ruộng với nhà mình rồi. Không còn rụt rè như hôm trước nữa, anh móc túi áo, lấy ra buộc vào cổ tay anh Tràng một vòng bùa hộ mệnh. Còn chị cứ túm tay như muốn ôm lấy tôi. "Ôi! Giá được ngả vào lòng chị như ngả vào lòng cô tôi ngày lên đường nhập ngũ thì sung sướng biết bao nhiêu". Chị ấn vào tay tôi một gói cơm. Thấy tôi băn khoăn, anh Tràng bảo cứ nhận về chia cho tổ. Cầm nắm cơm còn nóng hổi như có độ ấm của lòng anh lòng chị, cái ấm bâng khuâng rạo rực đưa tôi đi thoăn thoắt tới Mường Pồn. Chiều ấy về tới Mường Pồn, không ai bảo ai, chúng tôi đều kéo nhau ra thăm mộ anh Đàn. Mộ anh được đặt ngay trên gò đất mà anh lấy vai làm giá súng. Phía đầu mộ có một cây nhỏ, thân gầy và cứng. Không biết tên cây song tôi cứ đinh ninh đấy là một cây tùng. Phần mộ anh mới có vài ngày mà đã có màu hồng của hoa, màu xanh của lá, màu của những cây hoa mới trồng, những cành hoa mới cắm. Nhiều đồng chí đã khắc tên anh lên báng súng: Anh Bế Văn Đàn. Mường Pồn cách Điện Biên hai mươi cây số. Hai mươi cây số là tính đến tận đồi A1, trung tâm lòng chảo Mường Thanh, còn thực tế chúng tôi chỉ còn cách địch khoảng mười cây. Chỉ một đêm nữa là chúng tôi đã áp sát quân thù. Có thể chiều nay chúng tôi sẽ ngược đèo Cò Chạy rồi thẳng đường bản Tâu mà thọc xuống. Để có chút kỷ niệm, tôi lấy sổ viết vài lời chia tay và vài câu tặng con đường hiểm hóc: Vực lại vực, đèo rồi lại đèo, Cỏ dày, gai rậm, đất xanh rêu. Đường lên nguyên dáng con rồng cuộn, Lối xuống y hình tấm lụa treo. Tay níu nghiêng cây, chiều bật nắng, Chân đưa nát đá, võng lưng đèo. Bồng bềnh, lúc lắc, trăng nghiêng súng, Bước bước quân hành, gió gió reo... Đang viết bỗng ngờ ngợ, tôi quay lại. Chính trị viên Bùi Tố Tọa đang đứng sau tôi. Anh cười: - Viết được đấy, nhưng quả đất không vuông đâu. Vốn hay xấu hổ, tôi thường chỉ viết vụng. Giá như bạn bè, tôi đã giấu phéng sách đi rồi. Còn anh, tôi luống cuống cứ để sách trơ trơ nằm đấy. Đứng dậy chào anh, chẳng biết mặt tôi có đỏ không song cứ nóng bừng bừng. Anh cầm sách chăm chú đọc vài trang rồi gấp lại đưa trả và động viên tôi: - Giữ gìn cẩn thận, quặng hay thép đều quý. Anh thăm hỏi, trò chuyện với vài đồng chí nữa rồi nhắc anh Ngoan thu đồng hồ nộp trả tiểu đoàn và chuẩn bị hành quân. Mãi nửa đường, tôi mới hiểu được câu "quả đất không vuông" của anh. Chúng tôi không thẳng xuống Điện Biên mà ngay chiều ấy được lệnh quay lại đường cũ, quặt lại Xuân Tre theo con đường hiểm hóc. Thật ngỡ ngàng: con đường hiểm hóc là thế mà bây giờ chẳng hiểm hóc là bao, chỗ dốc vừa đã có bậc, chỗ dốc đứng đã có thang. Tiếp vận cho Mường Pồn, dân công nườm nượp đi về, bìa rừng san sát lán. Anh Tràng từ chiều đã sốt, đến giờ khá nặng. Anh Cẩn thay anh chỉ huy tiểu đội, cử tôi ở lại đi cùng anh Tràng. Tôi được cùng anh tự do hành quân, không phải theo đội hình của đơn vị. Song anh chẳng để tôi phải giúp anh một việc gì, mà ngược lại anh còn dành dụm cho tôi từ ngụm nước tới miếng lương khô. Anh đi chậm, tôi thong thả bước sau anh, một tốp dân công vượt chúng tôi, vừa đi vừa nói chuyện anh Bế Văn Đàn. Anh Bế Văn Đàn anh dũng hy sinh, tin đã truyền đi xôn xao mặt trận. Tôi hỏi anh Tràng: - Anh Đàn có được tặng huân chương không? Anh trả lời tôi, giọng hơi buồn: - Có chứ, chắc chưa kịp thôi. Nhưng anh ấy không thích đâu, vì đã thích huân chương thì phải lo giữ lấy cái ngực mà đeo. Châm thuốc, thong thả hút một hơi dài, rồi vẫn giọng buồn buồn, anh nói tiếp: - Khi cần thì mỗi người đều có thể sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Còn nói chung, đã là chiến sỹ ai cũng phải biết tìm mọi cách giành được chiến thắng mà vẫn còn mình. Kháng chiến còn trường kỳ, phải dành dụm súng, dành dụm gạo và tiết kiệm máu xương. Tự dưng tôi cũng thấy buồn như anh và thầm nghĩ, hiệu suất chiến đấu của những chiến binh kỳ cựu như anh Bế Văn Đàn rõ ràng là gấp chục lần những người còn lớ ngớ như tôi. Không mất những người như anh Đàn thì hẳn là hậu phương chẳng phải đưa thêm người ra mặt trận. Anh Tràng lặng lẽ đi. Tôi lặng lẽ theo anh. Núi im lặng. Rừng im lặng. Yên tĩnh tới mức tôi có thể cảm nhận được cả cái nao nao của lòng anh, cái nao nao của lòng tôi, dè dặt theo chân truyền xuống đá. Bỗng có người gọi tôi - anh Truyền - anh Cẩn cử thêm anh Truyền ở lại với chúng tôi. Có thêm anh Truyền, nghiễm nhiên chúng tôi là một tổ tam tam. Đi đường, anh Truyền kể nhiều chuyện vui, những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, tiếu lâm, Hồ Xuân Hương quen thuộc quá rồi mà tôi vẫn phải vểnh tai nghe vì diễn đạt của anh. Rồi những chuyện mới, từ cái tôm cái tép, con châu chấu, con cào cào, chuyện nào anh kể cũng rôm rả. Cuối cùng chẳng hiểu anh moi ở đâu ra: - Còn một chuyện này nữa, thật trăm phần trăm: ngày xửa ngày xưa vào thời 49 - 50, sau ngày đại thắng Đông Khê, một tốp dân công tíu tít khen ngợi nữ tổ trưởng của mình. Chiến sĩ ta có một anh nằm nghe lỏm, lúc đầu thấy nói đến tên vợ mình, sau thấy tên con mình, sau nữa thấy cả quê quán huyện mình, tỉnh mình. Theo miêu tả, từ lời ăn tiếng nói đến dáng đứng, điệu đi cũng giống vợ mình. Kết hợp vừa qua chị có viết thư hỏi, có tính chất thông báo và xin phép anh cho chị đi dân công hỏa tuyến. Chắc là đúng rồi! Để kiểm tra thực tế, khi đồng đội đã ngủ say, anh bí mật làm một cuộc thần tốc hành quân, nhanh tới mức sáng ra anh vẫn ở trong màn, mơ màng ú ớ "công toi". Tiểu đội trưởng nửa như chế diễu, nửa để phê bình: - Hàng chục cây chứ chơi đâu, vừa vất vả, vừa vi phạm, nhỡ tàu, chẫng hẩng chỉ được mỗi cái công toi có chán không? Thì ra tưởng anh đào ngũ, tiểu đội trưởng cũng đã theo anh suốt chặng đường. - Báo cáo tiểu đội trưởng, chuyện tôi vừa kể có thật trăm trăm có phải không anh? Anh Tràng chỉ cười không nói gì, không hiểu anh cố lờ đi để bênh anh Truyền, hay vì đấy là chuyện của anh ngày xửa ngày xưa. Quá nửa đêm, anh Tràng mệt đi chậm hơn, mà anh Tràng lại như cố tình tăng tốc độ. Anh bỏ chúng tôi mỗi lúc một xa, rồi bỏ hẳn. Tôi đã băn khoăn về anh, để đến khi được anh đón vào nghỉ nhờ một trạm dân công thành ân hận với anh. Băn khoăn về anh, ân hận với anh còn ở cả trong lòng tôi. Hẳn anh không biết. Nhưng tôi, tôi biết lòng mình. Anh truyền đã làm nhiệm vụ tiền trạm cho một tổ hậu trạm dân công ngủ dồn vào lán lớn nhường lán nhỏ cho chúng tôi. Lán hẹp chỉ mắc được hai màn, tôi ngủ với anh Tràng. Sáng dậy thấy ba lô anh Truyền đã gói buộc gọn gàng mà không thấy anh đâu. Nhưng khi tôi gói ghém xong thì anh cũng vừa về quẳng cho tôi một gói xôi to: - Này, phần chú út, cả hai phần, phần ăn được và phần được đeo. Ta đi thôi! Chúng tôi mới đi được vài chục thước đã có người gọi. Anh Tràng cứ lững thững đi, anh Truyền giữ tôi ở lại. Một chị dân công chạy đến gần chúng tôi thì dừng lại, vừa thở vừa cười: - Chị Mận bắt em đọc đi đọc lại hai, ba lần, thuộc lời chị ấy dặn rồi mới cho em đi - chị lại cười một hồi nữa - chị ấy bảo em mang tặng ông "thừa tướng tân binh" - chị bước đến sát gần anh Truyền - cành này có ba hoa song cũng đẹp. "Chắc anh Truyền lại vừa diễn một vở gì đó mà khi anh đi rồi chị mới hiểu ra, vội thực hiện ngay một đòn trả đũa đây!". Tôi nghĩ thầm như vậy trong khi anh Truyền vui vẻ nhận cành hoa từ tay chị. Anh thong thả ngắt một bông hoa cài lên mũ anh, ngắt một bông nữa cài vào áo tôi, còn một bông anh đưa trả chị: - Em cầm về! Bông này anh dành cho chị Mận. Để chị dân công quay về được một đoạn dài, anh mới gọi to dặn với: - Nhớ nói với chị, mỗi người một hoa, ba người ba hoa! Chị dân công bỗng chạy nhanh như trốn, còn anh, anh cũng kéo tay tôi rảo bước. Chúng tôi theo kịp anh Tràng lúc mặt trời đang mọc. Núi Xuân Tre còn sừng sững trong sương. Mãi sau này tôi mới biết chị dân công ấy chính là chị Mận.
III. ĐƯỜNG RA HỎA TUYẾN
Xuân Tre, rừng tre, rừng tre xuân, rừng che bộ đội. Tiểu đoàn chúng tôi trú quân tương đối gọn gàng trong rừng Xuân Tre, lều lán tươm tất, công sự vững vàng. Có chúng tôi rừng tre thêm xuân. Chúng tôi được nghỉ lại Xuân Tre hơn một tuần để sơ kết luyện tập thêm và tiếp thu kế hoạch giải phóng Điện Biên. Chúng tôi được họp rút kinh nghiệm, được nghe tình hình thế giới, tình hình trong nước, tình hình chiến sự, tiếp thu quyết tâm "giải phóng Trần Đình". Chiến dịch Điện Biên lúc ấy được gọi là chiến dịch Trần Đình, để đảm bảo bí mật thì rõ rồi, song tại sao không phải là A là B mà lại là Trần Đình thì chúng tôi không rõ và thực tình cũng không quan tâm. Trong sơ kết tôi được trung đoàn khen. Thực ra, tôi nghĩ, mình nào có công gì đáng kể, chỉ là các anh lớn tuổi động viên thôi. Biết vậy, nhưng được nhận giấy khen cũng rất phấn khởi, học hành luyện tập vui hơn. Tôi nhớ lại ngày còn ở nhà, giữa mùa thu hái, mẹ tôi, các anh chị tôi hai sương một nắng quần quật ngoài đồng, còn tôi suốt ngày ở nhà chơi rồ nghịch dại, tối về vẫn được mẹ khen, vì đã biết thổi cho mẹ một niêu cơm. Ở Xuân Tre, tôi thắc mắc, tại sao đại đội tôi, đại đội chủ công của tiểu đoàn, tiểu đoàn tôi, tiểu đoàn chủ công của trung đoàn mà chúng tôi lại không được đánh một trận nào, trong khi các đơn vị bạn và cả nước, nơi nào cũng dồn dập chiến công. Anh Nguyễn Đức Ngẩu bảo tôi: - Đừng sợ không có phần, chỉ sợ nay mai không "ăn" kịp thôi. Chủ công là của để dành, khi nào tậu trâu làm nhà mới bóc tem. Anh Nguyễn Đức Ngẩu, cái tác phong cứ ngỡ là quan tám quan tư bình chân như vại của anh giờ tôi mới hiểu. Nghe nhiều, nói ít, suy nghĩ chín chắn, anh không quá đà trong mọi say mê, không hấp tấp vội vàng dẫu nước sôi lửa bỏng. Mọi việc đều cẩn thận chu đáo, chu đáo tới mức không ai chê trách anh được điều gì. Cẩn thận tới mức súng đạn của anh, lưỡi lê của anh lúc nào cũng sáng như gương, xẻng sắc như dao, dao sắc như nước. Quần áo ba lô của anh, không một chiếc cúc nào rơi, không một mũi chỉ nào buột mà không được anh khâu lại kịp thời. Trong hành quân, tiếng động từ người anh phát ra chỉ có một luồng là tiếng chân đi. Mấy ngày học tập, anh phát biểu không nhiều, song rõ ràng anh chuyển biến hơn tôi. Công tác chuẩn bị anh làm kỹ càng hơn. Anh hướng dẫn chúng tôi, làm hộ chúng tôi những việc chúng tôi chưa thông thạo. Ở Xuân Tre, tôi biết thêm mình, tôi hiểu thêm anh. Ở Xuân Tre, tiểu đoàn chúng tôi kiến nghị, dù là chủ công trong chiến đấu, song trong mọi nhiệm vụ đề nghị trung đoàn sử dụng chúng tôi bình thường như các đơn vị bạn. Học hành, luyện tập xong, nhiệm vụ thông suốt rồi, quyết tâm rồi, chia tay với Xuân Tre, chúng tôi tiếp tục hành quân ra hỏa tuyến. Ngày chống Mỹ, một bài hát nào đó có câu Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Mỗi lần được nghe câu hát ấy là một lần tôi lại nao nao nhớ một thời ra trận. Thì ra đường ra trận thời nào cũng đẹp, không chỉ đẹp mà còn vui nữa, vui như trẩy hội. Ngày nghỉ, đêm đi. Ngày thì thả sức mênh mang với núi rừng nguyên thủy, tắm cùng nai, ngủ cùng chim, thả sức leo trèo những thành đá Cổ Loa thiên tạo, thả sức đếm những cọc gỗ Bạch Đằng Tổ quốc đang còn dự trữ. Đêm thì thoải mái với đường, thoải mái đi, thoải mái chạy, thoải mái nói cười. Cũng ngựa xe, cũng quần áo, nhưng không như nước, như nêm, mà như thác đổ về chiến dịch. Dân công Thanh Hóa lên đông, quá quen bộ đội rồi nên các chị rất bạo mồm. Bóng gió, xa gần, bông đùa, trêu chọc. Chúng tôi đi qua các chị gọi: - Các anh bộ đội ơi! Nghỉ lại với chúng em thôi. Mai hãy đi... Nhớ lắm! Anh Truyền vờ như không nghe rõ tiếng "nhớ lắm" để hỏi lại: - Nhiều muỗi lắm à? Anh cũng không có màn. - Cần gì màn, chúng em đứa nào chẳng có. - Một mình anh ở lại có nhận không? - Có chứ! Anh em mình đã cùng nhau trăm núi nghìn đèo rồi còn gì? - Thế thì được, để anh xin phép thủ trưởng đã. À mà thôi! Anh em mình hẹn sẽ gặp nhau ở lô cốt mẹ thằng Tây nhé! Những tiếng cười vui vẻ, giòn tan, rắc vào đêm rừng mênh mông. Tuy vui thực song thực tình tôi không để ý mấy bởi hồi ấy tôi còn ngây ngô lắm. Ở bản Tọ, tình cờ gặp được, tôi đem chiếc bút máy mới để đổi lấy đạn các-bin cho anh Tràng. Anh Tràng được trang bị các-bin mà loại đạn này tương đối hiếm. Đến chiều, đang chuẩn bị hành quân thì một chị dân công mang bút trả tôi. Anh Tràng đã tặng chị một chiếc nhẫn dát đồng làm kỷ niệm. Cũng ở bản Tọ, anh Truyền có một vốc to thuốc lá sợi khao tiểu đội. Anh đã kiếm được bằng cách "thao thao bất tuyệt" phổ biến cho dân công tình hình thế giới, tình hình trong nước, tình hình chiến sự và quyết tâm giải phóng Trần Đình, những điều vừa được học ở Xuân Tre, để nhận "thù lao". Tôi bị ngã ở suối Bản Tọ khá đau song còn cố được, chỉ điều ướt hết. Anh Ngẩu lau súng đạn, hơ quần áo cho tôi, ở lại đi với tôi, và anh Cẩn phải ngồi lại ria đường Nà Tấu hàng giờ để đón chúng tôi về địa điểm trú quân. Chúng tôi rời đường lớn tạt vào Mường Phăng. Sau hai ngày đêm chúng tôi đã vào đến Mường Phăng. Mường Phăng cũng cách Điện Biên hai mươi cây số như Mường Pồn, chỉ khác là Mường Pồn ở phía Tây Bắc còn Mường Phăng ở Đông Bắc Điện Biên thôi. Nếu như cắm mũi nhọn của một chiếc compa vào đồi A1 làm điểm tâm, còn mũi kia đặt tại Mường Pồn rồi quay một cung khoảng một phần tư đường tròn thì sẽ gặp Mường Phăng. Độ dài của cung tròn ấy khoảng ba mươi cây số, nếu tính theo đường dây cung thì còn ngắn hơn. Ấy thế mà chúng tôi phải đi vòng vèo xuôi ngược hơn một trăm cây. Chúng tôi gọi đấy là đường chiến dịch. Cong thẳng xa gần không tính, chỉ cần tiêu diệt được địch mà mình chịu ít thương vong. Chúng tôi dừng lại ở Mường Phăng, bao nhiêu là việc, càng làm càng không kịp: làm lán trại, thu xếp nơi ăn chốn ở, đào hầm hào, học hành, luyện tập, dự trữ hậu cần, làm đường kéo pháo. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường kéo pháo, xung kích được giao thêm khối lượng, còn trung đội bộc phá chúng tôi được về địa điểm tập kết để luyện tập thêm. Nhớ lại ngày mới về tiểu đội, các anh nhìn tôi thật lạ lùng, vừa như yêu mến, vừa như đo đắn điều gì. Nhưng rồi cũng đoán được thôi. Chả là lúc ấy, tôi mới một tuổi quân, mười bảy tuổi đời, mà chiến sĩ bộc phá thì ít người dưới ba tuổi quân và càng ít người có thêm ba tuổi quân. Mức nguy hiểm của một chiến sĩ bộc phá khi ôm bộc phá lao vào đồn giặc so với mức độ nguy hiểm của một chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe giặc hơn kém không nhiều. Thông thường sau mỗi trận đánh, các đơn vị đều phải lựa chọn những chiến sĩ dày dạn trận mạc bổ sung đủ cho trung đội bộc phá rồi mới nhận tân binh bổ sung cho xung kích. Và cũng thông thường sau mỗi trận, các đơn vị đều phải bổ sung cho bộc phá nhiều hơn. Đối với các anh, những quân nhân từng trải, thì những dòng tiếp đây quả là múa rìu qua mắt thợ. Song vì đơn vị chúng ta, vì đồng đội ngã xuống, chắc các anh cũng vui lòng cho tôi được vài lời cùng bạn đọc. Trong công đồn, đơn vị bộc phá phải đảm đương một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là mở đột phá khẩu. Mở được đột phá khẩu là đã đảm bảo được năm, sáu mươi phần trăm chiến thắng. Ở Thanh Hóa chúng tôi đã được tiếp thu lý thuyết và luyện tập kỹ càng. Lợi dụng bóng đêm tiếp cận địch, triển khai đội hình chiến sĩ số 1 gài sẵn bộc phá vào hàng rào thứ nhất nằm chờ lệnh phát hỏa. Chiến sĩ số 2 nhanh chóng tiến đánh hàng rào số 2. Bộc phá nổ, chiến sĩ số 3 nhanh chóng tiến đánh hàng rào số 3. Rồi cứ thế, cứ thế cho đến khi phá hết hàng rào, chiếm được lô cốt tiền duyên làm yểm trợ cho đại quân tiến vào đồn giặc. Trong quá trình học tập, tôi mạnh dạn bày tỏ với anh Tràng: - Đánh như vậy không khó, mà nhiệm vụ số 1 thì quá dễ! Anh không cười vì cái ngớ ngẩn của tôi mà chỉ như lơ đãng một mình: - Không phải thế đâu, trước khi phát hỏa tất nhiên là địch chưa biết ta sẽ chọc chỗ nào, nhưng khi quả thứ nhất nổ rồi là nó biết và lập tức tập trung hỏa lực bịt cửa mở. Từ trái thứ ba trở đi có khi mấy người lên không phá được một hàng rào. Chiến sĩ số 1, chiến sĩ số 2 thường là phải tiếp tục vòng hai thực hiện những quả cuối cùng, một còn một mất đánh vào lô cốt trung tâm. Anh bồi hồi im lặng. Tôi im lặng nhìn anh. Vẫn như lơ đãng một mình, anh nói tiếp: - Lính bộc phá có trận nào nguyên vẹn, thường là quá nửa hy sinh. Trận Nà Sy năm ngoái, không mở được đột phá khẩu, xung kích phải cõng bộc phá viên, cõng thương binh tử sĩ rút trong mưa đạn. Ở Thanh Hóa chúng tôi được sư đoàn cấp bằng khen vì học tập đạt kết quả cao. Rồi hành quân. Rồi chuẩn bị chiến trường. Bây giờ vẫn phải học thêm. Chúng tôi học cách đánh ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật mở đột phá khẩu ngay trước mắt quân thù. Văn công sư đoàn thâm nhập thực tế, xuống "ba cùng" cùng lính bộc phá chúng tôi. Học tập xong, chúng tôi lại được nhận bằng khen. Chúc mừng chúng tôi, chia tay chúng tôi, văn công hát tặng bài Ra đi không về. "Ra đi không về", ý câu hát kể thì hơi quá, bởi mỗi người ra đi đều mong mang chiến thắng trở về, bởi không phải tất cả những người ra đi đều không về. Song có một thực tế là mỗi người ra đi đều sẵn sàng chấp nhận cái không về. Không sẵn sàng chấp nhận không về thì đã không tình nguyện ra đi. Cái không về đối với một chiến sĩ nói chung có thể là nay mai. Có thể là năm, mười năm sau. Cũng có thể cái không về không đến. Còn chiến sĩ bộc phá chúng tôi, chưa đến mức phải chấp nhận cái không về ngay lập tức như chiến sĩ lấy mình làm đuốc đốt kho xăng, nhưng mỗi trận đánh, khi ôm một khối mươi, mười lăm cân thuốc nổ trong tay là một lần chúng tôi chấp nhận không về. Và có lẽ vì thế, vì chúng tôi sẵn sàng lâu rồi, nên cái không về đối với chúng tôi hóa thành rất đỗi dửng dưng. Đến chậm càng hay. Đến sớm cũng được. Chúng tôi không quan tâm điều đó mà chỉ tâm niệm là khối thuốc trong tay mình phải nổ, phải tan một lô cốt, phải tung một hàng rào. Lời tâm sự với văn công của anh Tràng trước lúc chia tay ngấm mãi vào tôi. Văn công đi rồi, các anh vẫn quây quần chuyện trò vui vẻ. Ngày xung trận sắp rồi. Tôi im lặng ngồi nghe. Một chấm lửa hồng trên đầu ống nứa giữa rừng bao la. Tôi nhìn sao rõ hết các anh, chỉ thấy những hình khối mờ đen, sừng sững, uy nghi như tượng những anh hùng. ♦ ♦ ♦ Thời gian cứ vèo vèo. Thoắt đã qua năm tây và sắp hết năm ta. Quà và thư chúc tết hậu phương gửi ra nhiều vô kể, nhiều đến nỗi văn thư tiểu đoàn chỉ kịp đếm rồi chia cho các đơn vị theo quân số. Đoàn cán bộ được tập trung lên trung đoàn đi chuẩn bị chiến trường đã về. Nhiều sơ đồ được vẽ. Nhiều sa bàn được đắp. Các anh họp liên miên. Họp cả đêm. Lương thực, thực phẩm kho nào kho nấy đầy ăm ắp mà ngày ngày chúng tôi vẫn phải đi lấy thêm gạo nếp. Các trung đội còn phải cử người xuống giúp anh nuôi giã giò, gói bánh, làm thịt trâu khô và chầm chéo muối ớt, món nào cũng nhiều, nhiều đến mức chỉ trông đã thấy ngán không muốn ăn rồi. Cả đơn vị vui vẻ xôn xao "Tết này đàng hoàng thật!". Và đến ngày 28 - 1- 1954 thì niềm vui ấy tự dưng được nhân lên gấp bội. Bởi không phải là chuẩn bị cho Tết, mà là chuẩn bị cho trận tấn công quyết liệt nay mai. - Sáng 28, tiểu đoàn phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các cán bộ. Chiều 28, trên sa bàn, đại đội quán triệt tỉ mỉ nhiệm vụ cho các trung đội, quán triệt nhiệm vụ tỉ mỉ nhiệm vụ cho từng người. Chúng tôi được nghe giới thiệu sơ bộ cụm cứ điểm phía đông của địch: khu A, khu C, khu D, khu E. Tại sao không có khu B, chẳng quan tâm làm gì. Có thể lúc đầu cũng có khu B nằm dưới quyền chỉ huy của Đờ Cát, sau đó điều chỉnh lại Đờ cát đã giao quyền chỉ huy cho tên chỉ huy khu A, cho nên khu B đã đổi thành khu A2, A3, A4 gì đó. Tiếp đó, chúng tôi được nghe giới thiệu tỉ mỉ về khu A, đặc biệt là đồi A1. Trung đoàn 174 chúng tôi có nhiệm vụ tiêu diệt A1 và toàn bộ khu A rồi thọc thẳng vào hầm Đờ Cát. Quyết tâm tiêu diệt địch bằng thời gian ngắn nhất để kịp ăn mừng chiến thắng và ăn tết với đồng bào Mường Thanh. Cả ngày 29 - 1 chuẩn bị, chiều 29 xuất quân. Chúng tôi đi, bộc phá, súng đạn, cuốc xẻng, 5 ngày bánh chưng, hai ngày lương khô, trang bị đầy người, khá nặng mà vẫn đi nhanh. Chúng tôi đi bằng sức mạnh trong lòng. Đi tắt qua dốc Tà Lèng, đêm ấy, tại khoảng giữa Noong Bua và Khe Chít, chúng tôi đã dàn xong trận tuyến kẹp lấy A1, rồi tranh thủ ngủ. Chúng tôi vẫn ngủ bình thường, ngon lành. Hầm sâu, ấm và ít muỗi. Đã mơ màng ngủ, tôi vẫn còn nghe được tiếng anh Truyền hồ hởi: - Ba mươi Tết, quân Tây Sơn mới vượt sông Gián Khẩu, mồng ba đánh Hạ Hồi, mồng bốn đánh Ngọc Hồi, Khương Thượng, mồng năm ăn Tết ở Thăng Long. Sáng hôm sau, 30 - 1, nhìn xuống khu đông, đồi A1 trơ trụi một màu trắng bệch trong sương mù. Phía trước A1 là một quả đồi đen sì, sau này chúng tôi gọi là Đồi Cháy. Chiều 30 - 1, chúng tôi tiếp tục xuất quân. Nhưng thật lạ lùng, hướng hành quân ngày càng quay lại. Chúng tôi lại quay về Mường Phăng. Tuy đã được giải thích cặn kẽ tình hình mới, so sánh chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch, thấm nhuần triệt để phương châm "đánh chắc tiến chắc", song những ngày ăn tết ở Mường Phăng, chúng tôi vẫn nao nao nuối tiếc không được đón giao thừa trên nóc hầm Đờ Cát. Xuân càng xuân, càng xuân thêm những chuyện anh hùng gần tết. Trong một trận tao ngộ chiến, đánh giáp lá cà, anh Hoàng Văn Nô đã thành dũng sĩ! Mũi lê, báng súng của anh đã một lúc diệt năm tên xâm lược. Trúng đạn rồi anh vẫn đàng hoàng tư thế xung phong. Giặc hoảng sợ cứ nhằm anh vừa bắn vừa lùi rồi bỏ chạy. Anh không đuổi theo, chỉ đứng uy nghi như tượng dưới tán cây cao giữa đỉnh đèo. Ba mươi Tết, anh Tô Vĩnh Diện hy sinh. Pháo đứt tời từ từ trôi xuống dốc. Không chịu buông, anh níu càng kéo pháo, hy vọng sẽ đưa được pháo xuống võng đường yên ngựa. Pháo đã theo anh một đoạn dài rồi ngoặt vào cua. Không ai trông thấy anh lăn vào chèn pháo mà chỉ được nhìn anh khi pháo đã dừng, bánh phía trong kẹt vào vách đá, bánh phía ngoài nửa vòng lăn tiếp chẹn lên anh. Chúng tôi được trang bị thêm lựu đạn, những quả lựu đạn chày dài ngoẵng, không có túi đeo, khắc phục mỗi người một cách, phần đông là lấy giang đan rọ trực tiếp vào bầu gang, luồn dây lưng đeo ngược. Một buổi sinh hoạt ở rừng, lựu đạn của anh Sự mắc rễ cây xòe lửa, anh đã xoay lựu đạn về trước bụng rồi nằm úp xuống. Anh chấp nhận một mình cái rủi ro mà nguyên nhân dẫn đến chưa hẳn vì sơ suất của riêng anh. Đường xuống bản Mèo thẳng hẹp và sâu hút. Anh Cầu dừng lại buộc dây giày. Vì chân anh dẫm lên, một tảng đá thình lình lăn xuống. Anh đã nhoài theo ghì ôm đá lại. Cả đá cả người lăn ngang xuống vực. Để chúng tôi thoát nạn đá chèn. Mặt đối mặt với tử thần, các anh có kịp gì kể công cán, kịp gì huân chương. Các anh Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Nô, Tô Vĩnh Diện được Nhà nước truy tặng anh hùng, dũng sĩ, anh Cầu, anh Sự thì không được, song đối với chúng tôi, các anh là những anh hùng. Mất các anh, đau thương quả là vô hạn. Thoắt đã bao năm rồi, ai đếm nổi bao nhiêu mất mát, song đã thấm gì với thuở đói năm bốn mươi nhăm. Lòng chiến sĩ yêu thương bọc thép, chúng tôi không khóc các anh đâu và chắc chắn các anh cũng chẳng đòi chúng tôi phải khóc. Giả thử còn kịp vài lời trong hơi thở cuối, chắc các anh sẽ căn dặn chúng tôi như thế. Ăn Tết xong, chúng tôi lại tiếp tục hành quân vào trận địa. Lại Bản Mòn, Tà Lèng, Đồi Xanh, Khe Chít. Lần này chúng tôi xuống sâu hơn, xuống sát bìa rừng cho tiện việc đào hào làm trận địa. Tiểu đội nối tiểu đội, tiểu đoàn nối tiểu đoàn thành những vệt ngoằn nghoèo kéo từ bìa rừng ra tận chân Đồi Cháy. Nhiệm vụ trung tâm lúc này của chúng tôi là đào hào. Cả mặt trận dồn sức lực vào công việc đào hào. Những đơn vị, những cá nhân có công cụ tốt, có năng suất cao đều được phát hiện và khen thưởng kịp thời. Chúng tôi lao động kiên trì như kiến tha mồi vậy. Cổ nhân có câu "vạn sự khởi đầu nan". Nhưng công việc đào hào của chúng tôi lại không gian nan ở buổi ban đầu. Mà khi địch đã phát hiện ra, cứ đầu hào tới đâu là pháo chúng dập vào đấy, nên càng ra đồng trống càng khó khăn hơn. Đã có thương vong. Nhưng dù sao vẫn phải đào hào. Hào đã vươn tới chân, rồi lượn nghiêng Đồi Cháy, sắp chạm vào A1. Càng gần địch càng quyết liệt hơn. Đêm ta đào, ngày địch lấp. Chúng dùng cả pháo để lấp hào. Thế là đêm phải kìm chân địch để đào hào, ngày phải chặn chân địch để giữ hào. Thêm nhiều đồng chí hy sinh. - Ức thật! Cứ phải ngậm tăm cho nó diệt mình. - Bây giờ hy sinh để ngày mai bớt hẳn thương vong. Đành phải chấp nhận thôi. Có uổng đâu! Thương tiếc anh em hay không là ở chỗ đó! Anh Cẩn hết sức nghiêm nghị nhắc tôi. Tôi im thít. Anh cũng ngồi im. Chiều rừng mênh mông...
IV. ĐƯỜNG TRUNG TUYẾN
Những đoạn hào cuối cùng gian nan nguy hiểm phần các anh tất cả. Tôi được tiểu đoàn trưng dụng vào đại đội cán bộ khung đi nhận tân binh ở Tuần Giáo. Đi vài hôm lại về thôi mà sao lưu luyến. Các anh cho tôi đủ thứ. Anh Cẩn còn cho tôi cả một đôi giày mới và dặn vui: - Là cán bộ rồi đấy, đừng để các chị dân công xoa đầu nữa nhé! Nhớ từ nhập ngũ, tôi bỗng dưng dưng. Tôi sinh ngày 7 - 1 - 1936, đã qua tuổi mười tám. Còn tuổi ta tính theo Âm lịch, 13 tháng Chạp năm Ất Hợi, thì tôi đã được vào tuổi thứ hai mươi. Cũng lớn rồi còn gì. Tuy vậy hiện thời, tôi vẫn là ít tuổi, lại đọc viết được nên được đại đội trưởng Chu Văn Dần chọn làm liên lạc. Lại Đồi Xanh, Khe Chít, Tà Lèng. Đến Bản Mòn chúng tôi gặp đoàn văn công sư đoàn. Hai bên cùng tranh thủ nghỉ. Anh Dần giới thiệu tỉ mỉ tình hình mặt trận với văn công. Theo gợi ý của anh Trịnh Lại trưởng đoàn, anh chị em văn công hát tặng chúng tôi bài Qua miền Tây Bắc. Chợt nhớ và nhận ra tôi, anh Trịnh Lại nói với anh Dần: - Cậu này tôi biết từ Sánh Lược, cứng cáp nhiều rồi. Hai bên tiếp tục lên đường. Nhìn các anh các chị văn công lẽo đẽo hành quân, tôi nghĩ thầm: "Mình khỏe hơn nhiều thật!". Qua Nà Tấu là đã trung tuyến. Đường trung tuyến độ này yên tĩnh lạ, có lẽ vì hậu cần chuẩn bị đủ rồi. Đường ít người đi lại, lán dân công phần nhiều bỏ trống. Các kho trạm cũng chỉ vài ba chiến sĩ bảo vệ và dăm mười dân công thường trực đưa hàng lên xuống ô tô. Là đơn vị đi công tác lẻ, chúng tôi đi ban ngày. Qua suối được xem cá lội, gặp cảnh đẹp cũng được dừng chân. Nếu không có tiếng pháo nổ ùng ùng xa xa và tiếng máy bay ầm ì đây đó thì chúng tôi chẳng khác gì một đoàn du lịch thể thao. Trang bị quá nhẹ nhàng, nên ngoài khẩu súng ngắn, tôi mang hộ anh Dần tất cả. Đến bản Tọ, chúng tôi nghỉ nhờ một trạm dân công. Dân công bây giờ nhiều người rất trẻ. Quan hệ giữa chị Trầm trưởng trạm với cô Sâm cũng như quan hệ giữa thủ trưởng và liên lạc vậy. Nhiều việc phải nhờ Sâm thật, song cũng nhiều việc tôi cố tình nhờ. Sáng hôm sau, lúc chia tay, Sâm hỏi tôi: - Ngoài ấy sắp đánh chưa mà các anh còn quay lại? - Chúng tôi là những bệnh binh cấp trên bắt phải rời chiến trường. Mỗi anh Dần là yếu, còn các anh có ai gầy guộc gì đâu? - Yếu thể lực, yếu tinh thần đều là bệnh nhân, chỉ nhìn người thì biết thế nào được. Mặt giả vờ buồn, tôi nói nghiêm chỉnh như thật. Cô lững thững bỏ về. Xem thái độ, tôi biết, chừng mực nào đó cô đã tiếc công giúp đỡ chúng tôi. Biết chuyện, anh Dần bảo tôi không nên đùa như vậy. Về đến Xuân Tre, một đoàn xe vận tải ngụy trang kín mít đậu sát ta-luy. Các anh lái xe đang ăn trưa bên rìa suối. Anh Dần lại phải làm việc như lần gặp văn công. Lần này không được nghe hát, song chúng tôi được nghe nhiều chuyện phấn khởi ở hậu phương. Thú vị nhất là chuyện anh Hà ở đèo Pha Đin. Giặc rắc rất nhiều bom nổ chậm, nhưng chẳng dọa được ai. Chúng thật ngố, bom nổ chậm lại tính chẵn giờ, nghĩa là chúng ném xuống lúc một giờ thì chỉ nổ vào khoảng hai, ba giờ, bốn giờ, còn giữa các khoảng ấy thì cứ việc thoải mái mà đi. Có lần các anh còn chui cả xuống lỗ bom nổ chậm để tránh máy bay chúng nữa. Lại chia tay, lại tiếp tục đi. Đến nơi rồi mà tôi vẫn không nhận ra Tuần Giáo. Sau hỏi lại anh Dần mới biết là ngày hành quân lên đến đỉnh đèo Pha Đin, chúng tôi đã tạt xuống bản Mèo bên trái tắt thẳng vào Xuân Tre, không được qua đây. Tuần Giáo không rộng, nhưng nằm đúng ngã ba đầu đường chiến dịch. Tân binh chúng tôi tiếp nhận gồm ba nguồn: thương bệnh binh ở các trạm quân y đã phục hồi sức khỏe, chiến sĩ nhập ngũ hồi tháng 9 - 1953 và những thanh niên xung phong tình nguyện nhập ngũ. Công việc thật nhẹ nhàng suôn sẻ. Khi hành quân về với bản Tọ, tôi theo anh Dần tạt vào thăm chị Trầm. Chị mừng rỡ hỏi tôi: - Bệnh binh rời chiến trường đưa bệnh binh ra hỏa tuyến phải không? Anh Dần bảo tôi lấy gương tặng chị. Chị nắm gọn chiếc gương bé xíu trong bàn tay ấm, lại hỏi: - Thế em Sâm không có phần à? Thì ra Sâm đã nhiều lần xin được lên gần hỏa tuyến và Sâm đã được đi rồi. Về đến trung đoàn, phân bổ tân binh vừa xong thì tôi phải vào quân y viện vì sốt rét. Đêm quân ta diệt cứ điểm Him Lam tôi chỉ được nghe nhiều súng nổ. Cứ điểm Độc Lập bị tiêu diệt, Bản Kéo đã đầu hàng, tôi chỉ được nghe tin. Chiến dịch đã mở màn. Mà đâu chỉ còn là mở màn nữa. Khu Tây khu Bắc thế là xong rồi, chỉ còn khu Đông. Tôi đã hai lần xin ra viện mà chưa được. Biết tin tôi nằm viện, anh Truyền, anh Ngẩu đến thăm. Các anh kể chuyện đi săn rất vui. Săn Tây thì khó, họa hoằn các anh mới vớ được một thằng. Săn dù thì dễ hơn. Trước cứ phải giữ nguyên kiện hàng nhập kho. Nhưng sau dù của chúng tồi hơn nên kiện nào cũng vỡ. Địch bắn mất nhiều trâu nên đồng bào đã thả trâu vào rừng cho bộ đội săn. Săn được con nào thì phải báo cho hậu cần để thanh toán với địa phương. Đi săn trâu có khi còn được cả nai và hoẵng nữa. Các anh mách tôi lúc ra viện nhớ xin giấy về thẳng tiểu đoàn mới không bị điều đi đơn vị khác. Khi được ra viện, về đến tiểu đoàn thì đại đội 317 của tôi, đại đội chủ công tăng cường, quân số 182 người, đã sắp xếp đâu đấy cả rồi. Tôi được điều sang đại đội 315, thê đội 3 của tiểu đoàn và được giao trách nhiệm làm tổ trưởng tổ 3, tiểu đội 3, trung đội 3, vào đúng cái dòng đội sổ. Thế là từ em út của các anh, tôi đã thành em út của đại đội. Nhận nhiệm vụ rồi, tôi tranh thủ về thăm đơn vị cũ. Anh Cẩn nhìn rất kỹ đôi giày rách mướp của tôi. Tôi vội nói với anh: - Giày anh cho, em vẫn cất trong ba lô, dành để leo A1. Anh cười vui vẻ. Khi tôi ra về, anh lấy đưa tôi hai quả mỏ vịt và dặn: - Cũng vừa kịp, sắp sửa rồi dấy. Món này là tiểu đội kiếm riêng tự trang bị thêm, và đây là phần cậu. "Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước...". Giọng hát từ đâu đó mênh mang vọng khắp núi rừng. Tôi chợt nhớ, văn công sư đoàn đang ở cùng 317. Nhưng tối rồi. Chia tay các anh, tôi rảo bước về đơn vị mới. Tối ấy, tôi nói với anh Ngưu tiểu đội trưởng mới của tôi: - Thực tình em vẫn muốn được về đơn vị cũ... Biết đã lỡ lời mà không dừng kịp. Nhưng anh chỉ nhẹ nhàng: - Tâm lý chung là thế. Từ chiến sĩ được điều về đây là tiểu đội trưởng mà tớ cũng không muốn rời đơn vị cũ. Có điều, đồng đội ở đâu chẳng là anh em. Nhớ phấn đấu xây dựng tổ theo gương anh Cẩn. Giấc ngủ đã mơ màng, trong tôi vẫn còn văng vẳng lời căn dặn của anh.
V. NGÀY 30 THÁNG 3
Sớm hôm sau, 29 - 3 - 1954, tiểu đoàn phổ biến mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của trận đánh. Đại đội trưởng Bế Văn Cư thay mặt 182 cán bộ chiến sĩ đơn vị chủ công nhận cờ Quyết thắng và tuyên thệ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Tiếp theo là liên hoan văn nghệ, chương trình trước giờ ra trận của văn công. Được ngồi xem thoải mái, anh Truyền đến ngồi bên cạnh nói với tôi: - Độc lập, hòa bình là một trận này thôi, đừng để không công nhé! - Em là thê đội 3, lại ở tổ cuối cùng. - A1 rắn đấy, thê đội 3 cũng không ngon ăn đâu! Trang bị đủ chưa? - Theo cơ số quy định thì em đủ rồi, chỉ thiếu một bông hoa. Anh cười: - Nhớ dai thế! Này, anh Tràng vẫn chia cho cả cậu. Anh mở bao đạn lấy cho tôi một gói thuốc lá. Trên sa bàn: Chiều 29 - 3, tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho đại đội. Sáng 30 - 3, đại đội giao nhiệm vụ cho trung đội. Chiều 30 - 3, khoảng hai giờ kém hay hơn gì đó, sau một trận mưa to và khá dài, tổ tôi được cử đi trước để dọn đường hào, chủ yếu là chặt những rễ cây còn chặn ngang hào, khi làm trận địa sợ gây tiếng động lộ mục tiêu các đơn vị còn để lại. Hoàn thành rồi, trú lại đầu hào chờ tiểu đoàn qua hết, nhập vào cuối đội hình, đúng vị trí của tổ mình. Tôi bóc thuốc lá chia cho anh em mỗi người một điếu, còn trao cả cho anh Ngưu thay lời hứa hẹn rồi xuất kích. Ra khỏi cửa rừng thấy anh Trịnh Lại đang ngắm cánh đồng. Anh chúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. - Có hai nhiệm vụ, một là đi trước dọn hào, hai là đi sau để thu dọn chiến trường, em làm được. - Nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Phải có quyết tâm mới hoàn thành được. Anh nói nghiêm như sách, song cũng đúng. Mười bốn rễ cây to, hai đoạn hào sụt, phải thật nhanh tay mới kịp. Qua suối cạn, hào nông dần, đến đầu hào chỉ còn ngang thắt lưng. Các anh trinh sát hay cảnh giới gì đó đã đào thêm một ngách hào ngang, lợi dụng một rặng cây thấp tầm đầu gối xén gọn từng lỗ để quan sát A1. Tổ tôi trú quân chờ ở đó. Tôi đang kể với anh em về đại đội 317, về tiểu đội cũ của tôi, về lời căn dặn của anh Ngưu thì một đồng chí hỏi tôi về cái vệt đen đen, rộng đến hàng chục mét quàng lấy lưng đồi. Theo sa bàn thì đấy là hàng rào, mà đúng là hàng rào thì cực khó phá. Bao nhiêu bộc phá cũng vừa. Tôi chưa kịp trả lời thì pháo ta đã bắn vào A1. Tuy không như mưa song cũng dồn dập, dày đặc khắp đồi. Lần đầu tiên được trông pháo ta trút vào đầu giặc như xem diễn tập, chúng tôi hết lời ca ngợi pháo binh. Bộ đội đã lên. Đầu tiên là một khẩu đội cối 60. Các anh hối hả gọt bệ đặt súng rồi ngắm thẳng lô cốt tiền duyên bắn một quả phi lôi. Đạn to, giật mạnh, đế lún, nòng bị ngửa, quả đạn bay thẳng lên trời rồi loẵng ngoẵng rơi xuống. Trông loang loáng cứ ngỡ vào đầu, chúng tôi nằm rạp xuống hào. Nhưng quả đạn cũng bay xa được dăm bảy chục mét cắt ngang bờ đất trước mặt như vạc một lối đi. Bộ đội tiếp tục lên, vừa kín được khúc hào sau lưng khẩu đội thì pháo địch phản kích. Chúng bắn như mưa về phía sau Đồi Cháy. Thế là chúng tôi ngồi giữa, pháo hai bên nổ hai đầu. Cứ chờ không thấy bộ đội lên tiếp. Các anh cũng ngồi chờ, chúng tôi cũng ngồi chờ. Vì nhiệm vụ của chúng tôi là ngồi chờ nên tôi không sốt ruột. Mãi nhá nhem tối mới thấy tiểu đội trưởng tiểu đội 3 trung đội bộc phá chạy lên báo cáo: - Quân số tiểu đội 12 khi qua suối cạn bị pháo kích thích, bộc phá nổ theo. Tổ 3 tiểu đội 1 và cả tiểu đội 2 đã hy sinh, tiểu đoàn đang chọn người bổ sung. - Pháo đã chuyển tầm, tất cả theo tôi. Tiến! Đại đội bộc phá băng băng vượt qua bãi trống. Quả phi lôi ban chiều bắn không trúng lô cốt tiền duyên song rất thẳng hướng. Chỗ bờ đất bị phá đã thành cái cổng định hướng quân lên. Bộc phá đánh rất đẹp, sáu quả liền nhịp nhàng đều đặn nhanh hơn tập. Có điều các quả sáu, bảy, tám như nổ cùng một chỗ. Tôi chợt nghĩ tới cái vành đen đen. Quả thứ chín lâu hơn, nổ mạnh hơn, song như vẫn chỗ ấy rồi thôi hẳn."Xong chưa?" Tôi đang phân vân thì một đội bộc phá nữa vụt lên. Có thể các anh không nhìn thấy chúng tôi. Năm quả nữa tiến dần lên nhưng không được nhịp nhàng như trước. Và cuối cùng, tưởng đến năm, bảy quả nổ liền một lúc. Một cánh cung lửa lóe sáng cả một vùng đồi. Ba phát pháo hiệu vút lên. Đột phá khẩu mở xong rồi. Nhưng chờ mãi không thấy bộ binh tiếp chiến. Một lúc sau liên lạc từ trên đồi chạy xuống, vừa tới đầu hào gặp được cán bộ: - Báo cáo chính trị viên, đột phá khẩu mở xong rồi! - Xuống báo cáo anh Cư, ở bên kia suối cạn. Chính trị viên Bùi Tố Tọa vừa trả lời vừa dẫn bộ đội xung phong. Thông thường trong khi các chiến sĩ bộc phá làm nhiệm vụ thì xung kích đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ pháo hiệu là ồ ạt tiến vào trung tâm. "Trận này sao lạ vậy!" Tôi nghĩ thầm trong khi xung kích vượt bãi trống từng đội, từng đoàn, ngắt quãng, không liên tiếp đội hình. Súng bộ binh và lựu đạn đã nổ giăng kín khắp nửa vành đồi, đang tiến dần lên đỉnh. Pháo địch rút tầm, bắn chặn bãi trống trước mặt tôi. Vẫn nhiều tốp chiến sĩ băng qua. Pháo chúng chặn bãi trống ngày càng quyết liệt. Cuối cùng, chẳng khác gì chúng chặn suối cạn ban chiều. Khoảng một tiểu đội nữa vọt lên. Trụ lại đầu hào, tôi hỏi, các anh trả lời: - 317! - 315 đến đâu rồi? - Tiểu đoàn lên cả rồi còn gì. Tránh pháo suối cạn, bọn mình vòng hơi xa nên bị chậm. - Đằng sau còn không? - Có còn cũng lẻ tẻ thôi. - Đoạn này pháo nó chặn không kém gì suối cạn đâu. Anh không nói gì. Lát sau anh gọi thêm một đồng chí lên cùng quan sát: - Lấy chỗ bờ đất vỡ kia làm chuẩn, cứ thấy pháo nổ là lên. Nó vừa nổ xong, lên thật nhanh thì lọt. Chuẩn bị...Tiến! Các anh chạy vùn vụt trong mưa pháo. Pháo rú. Pháo gầm. Nhoang nhoáng lửa. Cuối cùng, khi loạt pháo sau của chúng dập xuống bờ đất vỡ thì các anh đã lọt vào đồn rồi. - 315 lên rồi, phía sau có còn cũng lẻ tẻ thôi - Tôi nhắc anh em chuẩn bị, nhắc anh em bám chắc đội hình: "Vọt tiến!" Qua bờ đất rồi. Bỗng rợn gáy. Tôi nằm xuống. Một loạt pháo rùng đất. Sựt! Nhói giữa đỉnh đầu. Tôi chạy một mạch đến lô cốt tiền duyên. Xem kỹ vết thương: một mảnh đạn bằng hạt đậu từ phía sau xuyên qua mũ nan nằm giữa đỉnh đầu rơm rớm máu. "Không việc gì!" Tôi quay lại nhìn, không thấy ai lên. Sáng ánh đèn dù, từ cao nhìn xuống, dọc đường tiến quân qua bãi trống mờ đen như bờ ruộng, đã nhiều đồng chí hy sinh. Trên đỉnh đồi, lựu đạn nổ liên hồi kỳ trận. Súng bộ binh chỉ thỉnh thoảng vài viên. Trận địa chưa mất hẳn mà pháo chúng quật vào đồn không khác gì bãi trống. "Lạ thật! Chưa trận nào như trận này! Đơn vị ở chỗ nào?" Dựa vào nhiệm vụ tiểu đoàn giao cho từng đại đội trên sa bàn, "đồi A1 được chia làm ba khu A, B, C, tiểu đoàn bạn từ phía nam đánh chiếm khu C, tiểu đoàn ta từ phí đông lướt qua Đồi Cháy đánh chiếm khu A. Chiếm được khu A rồi, 317, 316 nhanh chóng xây dựng trận địa phòng ngự tuyến đỉnh đồi. Chuẩn bị đánh giặc phản xung phong và yểm hộ cho 315 lượn theo sườn đồi bên phải đánh chiếm khu B. Chiếm được khu B rồi 315 tổ chức phòng ngự tại chân đồi phía tây chờ lệnh". Nhớ vậy, tôi luồn theo ngách hào bên phải. Sau này tôi được nghe kể, hầm cố thủ của địch Nhật đã xây từ năm 42, có hầm ngầm xuống tận hầm Đờ Cát xây bằng gạch bê tông dày hàng thước... Mặt khác, hiện nay - năm 1993 - trên A1 vẫn có nhiều gạch, những viên gạch 12 x 18 x 35 to đùng nên tôi không rõ thực hư thế nào. Chỉ biết những đường hầm tôi đã đi qua chỉ là hào đất, bên trên lát cây rừng phủ đất dày 30 - 40 phân. Những ụ súng và lô cốt tôi được thấy cũng chỉ là gỗ kè đất đắp. Tuy vậy rất hiểm bởi nó được chụp lên một nón dây thép gai bùng nhùng có bán kính năm, mười mét, ở trong nhìn ra được, bắn ra được, ở ngoài nhìn vào không thấy lỗ châu mai, lựu đạn thủ pháo ném vào nẩy ra, bộc phá nổ dâng lên hạ xuống. Không có pháo bắn thẳng thì quả là khó phá... Rẽ theo ngách hào bên phải, tôi đi ngoằn nghoèo theo mấy đoạn chữ chi. Chợt có người hỏi: - Đơn vị nào đấy? - 315. - Mấy người? - Một. - Lên đây! Đi sát thành hào bên trái. Tôi men lên. Anh cũng chỉ có một mình. Một loạt tiểu liên từ đầu kia bắn lại. Trong ánh lửa lập lòe, tôi nhìn được cả vách hào bên phải đất rơi lả tả. Thêm một phát súng trường bắn dọc. - Đầu kia chúng có đến vài tên, mình đã cho nó một quả lựu đạn, nhưng lựu đạn dài loẵng ngoẵng, vấp lung tung nổ giữa chừng. - Sao anh không nắm bầu gang mà ném? - Hết mất rồi. - Em còn hai quả mỏ vịt. - Thế thì tốt, đưa cho mình một quả. Chờ dứt loạt tiểu liên, anh nhoài tay quăng lựu đạn dọc hào. Lựu đạn nổ. Tôi ném tiếp. Tôi ném thia lia, lọt thỏm, không vấp váp gì. Lựu đạn vừa nổ, anh đã ở đầu hào đằng kia. Thêm hai phát súng ngắn nổ đanh và gọn. Tôi vọt sang, anh đang dẹp xác chúng nó sang một bên để lấy lối đi. Qua vài ngách hào nữa, tới một ngã ba, anh bảo tôi: - 315 đi về phía ấy. Chúc đồng chí lập nhiều chiến công! Tôi lại rẽ theo ngách hào bên phải. Còn anh chắc cũng đi tìm đơn vị. "Không được để anh đi một mình!" Tôi nhớ ra thì đã muộn rồi. Qua mấy ngách hào nữa, phía trước lựu đạn tưởng như nổ cả bè. Một tuyến hào chạy theo đỉnh đồi. Một ụ súng hướng về phía đông xoáy vào đột phá khẩu. Khoảng chục chiến sĩ lấy ụ súng sau lưng làm điểm tựa đang đánh địch phản xung phong. Nhặt ném, nhặt ném. Các anh ném lựu đạn nhanh và liên tục như trẻ con thi nhau ném nhiều đất xuống ao. Dưới sườn đồi, địch đông nghịt, xì xồ láo nháo. Lựu đạn xếp la liệt trên miệng hào. Lựu đạn chày tháo nắp sẵn, lựu đạn mỏ vịt xếp quay đầu ra vơ rất tiện tay. Thế là tôi cũng ném, cứ ném, nhiều mấy cũng không vừa. Địch lui rồi tôi mới vào được với các anh. - Cậu vừa chọc sườn nó đấy hả. Khá! - Không, tôi vừa lên thấy các anh ném thì cũng ném thôi. - Cả cậu nữa mới là 13, bị thương 7, còn 6, Phùng Văn Nhẫm, Hoàng Văn Xê, Trương Hữu Mễ, Nguyễn Văn Đàm... Tôi nghe mà không kịp nhớ hết. Anh Nhẫm chia sáu người làm ba đội. Tôi và anh Mễ lại về chỗ cũ của tôi, mỗi người một ngách chiến hào. Lần này chúng tỉnh hơn, đèn dù pháo sáng lủng củng đầy trời. Trận địa sáng như ban ngày. Anh Nhẫm nhắc to: Ném thấp tay thôi! Nhưng không kịp. Chúng đã trông thấy tay anh Mễ, cùng lúc lựu đạn năm, sáu quả liền rơi xuống. Cũng may, anh chỉ dính một quả lựu đạn hơi, thương tích đầy người, nhưng không có vết nào nguy hiểm. Chúng cũng đã thương vong nhiều, đội hình ngày một thưa. Lại mưa pháo. Hầm hào khét lẹt. Anh Nhẫm ấm ức: - Mẹ nó! Chỉ cậy nhiều pháo! Đợt này chúng dùng cả pháo tầm gần, cùng các cỡ súng từ chân đồi bắn lên, thấp - cao - thẳng - chéo. Chúng bắn bạt mạng, bắn cho sướng tay. Chúng tôi không ngóc đầu lên được. Anh Nhẫm nói: - Cứ kiên trì. Kệ nó! Nó không khoác được cả kho đạn trên lưng đâu. Một điều thật đơn giản, song lúc này không bình tĩnh cũng khó nhận ra. Thực vậy, mãi rồi chúng cũng chán tay. Chỉ còn một khẩu pháo và một khẩu trọng liên nào đó cứ nhằm chỗ anh Nhẫm mà bắn. Chợt nhìn thấy, tôi gọi: - Anh Nhẫm. Ra đây mau! - Tăng à? Đánh thế nào? - Chưa được học. Song như Cù Chính Lan thì cứ thủ pháo quẳng vào xích hoặc leo lên nóc thả xuống thùng. - Nó nghiến mình không? - Ngồi dưới hào nó không nghiến được. Cho nó qua, bám đuôi trèo lên nóc. - Còn bộ binh chúng đi sau? Tôi chưa nghĩ được gì anh đã ra lệnh: - Tất cả, gom thủ pháo bộc phá đánh xe tăng! Rồi anh quay lại bảo tôi: - Địa hình dốc thế này, thủ pháo chặn đầu, nó không dám lên đâu. Thật vậy, còn cách chúng tôi hai, ba mươi thước nó đã phải dừng lại. Phía sau xe tăng, lựu đạn bỗng nổ dồn dập, bộ binh của chúng rối loạn đội hình, nằm bẹp xuống, đổ đạn như mưa về phía cánh phải. - Cừ thật! Họ chui ở đâu ra thế? Không kịp trả lời, tôi vội giật tay anh làm hiệu. Từ phía trái chúng tôi, một chiến sĩ chạy xổ vào tăng, nhưng mới được nửa chừng đã ngã. Lại một chiến sĩ nữa. Anh đã trèo lên được nóc xe. Từ lúc ấy, chiếc xe tăng cứ rú lên rè rè... rè rè... Chẳng hiểu nó làm cái trò gì. Một lúc sau, cũng lâu đấy, người bảo ba-dô-ca, người thì bảo thủ pháo. Một tiếng nổ trầm. Một chớp lửa lòe trên nóc xe, vừa đủ sáng cho chúng tôi nhìn thấy anh nhào xuống đất. Địch tan, anh Hoàng Văn Xê liền bò xuống lần túi ngực các anh tìm mảnh giấy ghi họ tên, địa chỉ song chẳng thấy gì ngoài một khẩu tuyn. Một chú gà rừng bỗng gáy két ke ke đâu đó. Ôi! Giữa chiến trường đạn bom ngột ngạt thế này vẫn được nghe một tiếng gà. Kỳ lạ biết bao nhiêu! Anh Nhẫm bảo tôi: - Lựu đạn sắp hết rồi. Mất liên lạc lâu rồi, các cụm phòng thủ tự động như chúng tôi xem ra cũng đã ít dần. Có còn lựu đạn nữa, sáng ra cũng không trụ được. Địch còn đông lắm. Phải tiết kiệm máu xương. Đừng không về vô ích! Tôi dè dặt trả lời anh: - Cử hai người đưa thương binh xuống trước. Thương binh nhẹ vẫn mang đầy đủ như ra trận. Các anh nặng hơn cũng lựu đạn đầy người. Nhìn các anh dắt díu nhau luồn xuống hào ngầm, tôi cứ đứng im như tượng. Anh Nhẫm bảo tôi: - Đừng có thừ ra thế! Lựu đạn đủ chục và đạn đầy bao chưa? Không thấy súng nổ phía sau. Chắc thương binh rút ra an toàn. Đã tờ mờ sáng. Không thấy địch phản kích. Trận địa im ắng mà vô cùng căng thẳng. Anh Nhẫm ra lệnh: - Ta đi thôi! Chúng tôi luồn nhanh xuống ngách hào ngầm ngổn ngang xác giặc. Xuống đến lô cốt tiền duyên, một thương binh còn ngồi trong đó. Chúng tôi định cõng anh về. Anh bảo không cần, mình không qua được. Anh yêu cầu để hết lựu đạn, thủ pháo lại cho anh, mà tôi thấy anh đã có một bọc to rồi... Anh Nhẫm giật tay tôi: hai toán địch khá đông chỉ cách chúng tôi chừng trăm mét. - Nó vu hồi mình đấy nhưng hụt rồi. Đồng chí bị thương rút súng ngắn đặt ra trước mặt rồi nghiêm nghị: - Để chúng đấy, các đồng chí rút ra hướng Đồi Cháy: Vọt tiến! - Vọt tiến! - Anh giận dữ nhắc lại. Chúng tôi chạy như bay qua bãi trống. Súng và lựu đạn nổ dồn dập sau lưng, nhưng rõ ràng không bắn đuổi chúng tôi. Nhảy được xuống đầu hào, tôi kéo luôn anh Nhẫm vào cái ngách hào mà tôi đã trú cả chiều qua, nhìn lại. Địch áp sát lô cốt rồi. Đông đấy! Một chớp lửa rực sáng. Một cột khói màu hồng. Một tiếng nổ dữ dội. Anh Nhẫm còn trông thấy cả những khúc gỗ ghép hầm bay tung tóe... "Anh ấy đi rồi!" - Anh Nhẫm ôm chầm lấy tôi, chặt tới mức tôi không cựa quậy được. Song thực tình tôi cũng chỉ ngồi im có cựa quậy gì đâu. Sau này mỗi khi kể chuyện về anh, về hai chiến sĩ đánh xe tăng, người nghe thường hỏi chúng tôi họ tên quê quán các anh. Chúng tôi có biết đâu, và chúng tôi đâu dám đoán mò đoán mẫm họ tên, lai lịch những anh hùng. Chỉ có một điều trăm phần trăm chính xác: Các anh người thuộc đơn vị chúng tôi: Trung đoàn 174.
VI. KHOẢNG GIỮA HAI LẦN TẤN CÔNG A1
Có tin đại đội trưởng Bế Văn Cư sợ pháo suối cạn bỏ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị, đã bị kỷ luật trục xuất khỏi chiến trường. Song chúng tôi lúc này cái tâm không đủ để chứa những nhân phẩm, những tấm lòng cao quý. Cái cảm không đủ để chứa những xót đau thương tiếc. Cái trí, cái lực còn phải dành để tiếp tục tiến công giành chiến thắng, nên chuyện đó cũng thoảng qua thôi. Vả lại, là đồng đội, chúng tôi thực lòng thông cảm với anh. Thoắt đã nhiều năm rồi và còn biết bao nhiêu năm nữa, có thể suốt cuộc đời mình, lúc nào cũng tử thần đe dọa, đâu dễ nắm tay tròn đến sáng. Chúng tôi vẫn hy vọng rồi đây từ xót đau, hối hận, anh sẽ lập được nhiều thành tích mới. Tiểu đoàn 249 chúng tôi, sáu trăm người không mất cả đâu. Nhiều người còn thất lạc. Nhiều thương binh nhẹ đang điều trị và cũng nhiều người không dính gì súng đạn, chỉ thép gai cào chọc cũng nát bàn chân. Cả tiểu đoàn dồn lại chỉ còn một trung đội, tiếp tục xuất quân bao vây A1. Khúc hào suối cạn tử sĩ còn nhiều, pháo địch hắt đất trùm nham nhở, chúng tôi phải chạy trên bờ sang Đồi Cháy. Trong chiến trận, đạn tránh ta hay ta tránh đạn khó mà xác định. Tôi và anh Nguyễn Thế Ba chốt dưới chân Đồi Cháy. Pháo địch ầm ầm sau lưng. Ngồi co ro mãi cũng chán, chúng tôi lùi xuống để thay đổi không khí chứ thực tình chả có ý đồ chiến thuật gì. Cách nhau vài chục thước mà pháo địch lấp hào chỉ còn nông như một chiếc hố nằm. Song đã trót xuống rồi cũng đành phải nằm lại một lúc. Lát sau lại luồn lên chỗ cũ, ngỡ là ở đấy công sự sâu hơn. Nào ngờ những công sự chúng tôi ngồi lúc nãy pháo địch đã san bằng. Anh Ba nhận xét: - Hình như chúng bắn như tọa độ. Tôi nhìn quanh. Đúng thật, vùng điểm nổ khá tròn, bán kính chừng trăm mét. Tránh cái vòng tròn ấy, chúng tôi luồn hẳn lên phía trước đồi, quả nhiên an toàn, vừa cảnh giới vừa thay nhau ngủ được. Đồi A1 vẫn trơ trơ trước mặt, nhưng đã nát nhàu. Ta bao vây dưới chân đồi. Địch cũng co lại chỉ chốt từ đỉnh đồi về phía bên kia. Phía trước đồi là một vành đai trống. Chiều mồng 1-4, được lệnh rút về vị trí tập kết. Vừa ra khỏi suối cạn chúng tôi đã gặp đơn vị bạn vào thay. Tình cờ được gặp anh Kim, người cùng xã với tôi, anh bảo vừa gặp Lãm. Tôi với Lãm là anh em con chú con bác. Cùng một tuổi, cùng nhập ngũ một ngày. Thì ra trận Nà Sy năm ngoái Lãm bị thương được đưa về quân y của bộ. Khi ra viện, cậu khai luôn là lính 308 để được về sư đoàn chủ công. Móc gói kẹo cầm trong tay, tôi vội vã chạy theo đơn vị bạn, vừa chạy vừa gọi: - Lãm ơi! Lãm ơi! Nghe tôi gọi, Lãm trả lời to: - Anh Ngọc đấy hả, em đi nhé! Đơn vị Lãm phăng phăng vượt khúc hào suối cạn. Tôi ngẩn ngơ quay lại đưa ngay kẹo cho một đồng chí vừa đi tới. - Chiến lợi phẩm hả? Ừ, kẹo này thì ăn! Kẹo kia thì không ăn đâu. Phía sau đơn vị bạn còn dài. Sau một đêm ròng rã cũng không giải quyết xong A1. Đơn vị bạn rút đi. Lãm có còn không? Chúng tôi lại tiếp tục bao vây và củng cố đường hào. Vượt suối cạn đoạn hào mới được đào vòng ra ngoài bãi pháo. Đoạn suối cạn cũ chúng tôi bàn nhau đắp điếm thêm. Anh Tràng, anh Cẩn, anh Ngẩu, anh Truyền nằm lại cả nơi đây, song không biết rõ chỗ nào. Riêng anh Đôn tổ 1 thì chiếc giày cao cổ vẫn nhô lên. Vĩnh biệt các anh không một phát súng chào. Chỉ có những xẻng đất đầy nâng niu gượng nhẹ. Anh Độ hỏi tôi: - Có sai chính sách không? - Không đúng được thôi chứ không sai vì ta không muốn thế. Vả lại, Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn. Cả đại đội trưởng và chính trị viên đại đội 315 của tôi đều đã hy sinh. Bây giờ anh Hải Bằng là đại đội trưởng, anh Thái Bá Tấn là chính trị viên. Thấy tôi bùi ngùi đọc câu thơ ấy, anh Thái Bá Tấn trầm ngâm rồi nói: - Trong tình thế hiện tại, chúng ta không có điều kiện thu lượm chôn cất chu đáo các đồng chí đã hy sinh, song không phải gọi hồn. Hồn các đồng chí ấy ở ngay trong hồn chúng mình. Giả thử chúng mình cũng tiếp tục hy sinh thì đến ngày độc lập ta nhớ kéo nhau về Hà Nội nghe "Đại cáo bình Tây". Biết vậy mà không sao ngủ được. Tôi cứ nghĩ liên miên, từ thuở vua Hùng, hơn bốn nghìn năm dựng nước, có thời nào không phải chống xâm lăng! Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, chúng đã giở biết bao nhiêu thủ đoạn tàn bạo và thâm độc để đồng hóa, mà Việt Nam mình còn không chịu hóa Vân Nam. Vậy mà mới một trăm năm, chúng đã hý hửng gọi Việt Nam là Đông Pháp... Đời đời tên tuổi những anh hùng, từ đức Thánh Gióng đến vua Quang Trung, ấu thơ đã được học rồi, song mãi bây giờ tôi mới hiểu thêm được một điều là mỗi dòng tên ấy đã mang trong lòng nó triệu triệu dòng tên. Không chỉ những anh hùng vô danh mà còn cả những anh hùng độ dài của cuộc đời không đủ để hoàn thành sự nghiệp. Sau này tôi mới biết, trong những ngày ấy, tôi cứ ngẩn ngơ quên lãng. Anh Thái Bá Tấn đã dặn anh em phải thường xuyên chăm sóc, khuyên nhủ dặn dò tôi như những ngày tôi còn ngốc nghếch. Một mảnh đạn cỏn con ngỡ chẳng là gì mà cái đầu của tôi bướng hẳn lên, cứ lù lù nhọt bọc. Đành phải đến quân y. Không có thuốc gây tê, chích mổ gắp được nó ra, đồng chí quân y bỏ vào lòng bàn tay tôi, vui vẻ: - Cũng sứt một tý xương. Giữ lấy làm kỷ niệm! - Vội gì! Có thể còn có nhừng kỷ niệm sâu hơn. Bông đùa vậy, song trân trọng tình cảm của anh, tôi vẫn gói cẩn thận bỏ vào túi ngực sau khi nhìn ngắm kỹ càng. Mảnh đạn ấy có lẽ không phải từ quả đạn trực tiếp văng ra. Hình như nó ở đất bị pháo hất lên như một hòn sỏi. Bởi đất lúc này quá nửa là gang. Viển vông hơn tôi còn nghĩ: "Tụi pháo binh, dẫu toàn bộ lính Âu Phi đi nữa, vẫn chỉ là tụi lính đánh thuê. Có gì đáng sợ!" Một chị dân công nhận ra được người chồng sắp cưới giữa lúc anh không còn. Chị vẫn mang anh đi. Chị không khóc. Chỉ thấy vai chị rung rung không đúng nhịp chân, không đúng nhịp đòn. Tôi hỏi chị: - Chị định đưa anh về đâu? - Thọ Xuân! - Không kịp đâu, nhưng về quê thì kịp. - Kịp sao được? - Chị khiêng đầu cáng đằng trước vặn lại tôi. - Đất nước này đâu chẳng là quê anh. - Thọ Xuân trước sau anh vẫn kịp về. Chị ngắt lời chúng tôi một cách dứt khoát. Tiếc càng xoa lại càng đau. Mất mát nhiều rồi, tôi biết. Tôi không đưa anh thêm nữa, chỉ ngắt một bông hoa rừng cài lên đầu cáng rồi đứng lại nhìn theo. Về đâu? Chắc chị sẽ đưa anh về một nơi nào đó, có cây, có đá, có suối nước trong và ngắm được bầu trời. Vết thương trên đầu tôi rồi sẽ lành thôi. Nhưng nỗi đau trong lòng tôi, nhất là vết thương trong lòng chị có bao giờ lành được. Và có bao giờ lành được những vết thương đau trong rất nhiều người. Một anh thương binh, một viên đạn xuyên qua đầu chạm não. Tỉnh tỉnh, mê mê, có lúc đến tâm thần. Chị hộ lý cứ ôm anh mà khóc. Nước mắt chị cũng có lúc làm anh tỉnh lại: - Khóc làm gì! A1 xong chưa? Thế rồi anh đi hẳn. Chị vẫn ôm anh, ngây dại, sững sờ, như cả hai đều đã mất. Mắt đỏ ngầu. Lệ chảy ngược vào tim. Chị không biết anh, anh càng không biết chị, mà sao da diết ân tình. "Anh Bùi Tố Tọa có còn không?" Nhiều bận rộn, thành ra sơ suất tôi không kịp hỏi. Song "quả đất không vuông", lời anh nói là đây. Chiều hôm ấy tôi gặp lại Sâm. Cha cô là cán bộ của một đơn vị nào đó thuộc trung đoàn, trước ngày xuất quân mẹ cô còn được gặp, mà nay cô tìm không thấy. An ủi cô tôi nói dối: - Cán bộ hy sinh không nhiều, có thể là bác không dùng tên lúc ở nhà, như chúng tôi chẳng hạn, từ trẻ con đổi thành chiến sĩ. Song nhìn cái nốt ruồi hồng ở cổ tay cô, tôi bỗng ngờ ngợ nhớ cái nốt ruồi ở cổ tay anh thương binh, người cán bộ đã hy sinh trên lô cốt tiền duyên. Tôi đã cầm bút ngồi im tự lúc nào. Khi nhớ ra toan viết tiếp, bỗng băn khoăn, liệu người đọc có cho mình là bốc quá không? Nhưng không sao. Tôi có viết Điện Biên Phủ không gian và thời gian hoặc Cao điểm cuối cùng đâu? Hồi ký cơ mà. Tôi viết thật. Có thể còn quá thật. Bởi có thật nào bằng lòng chiến sĩ. Đối với mình thì khắt khe, đối với bạn thì quan tâm độ lượng. Gian khổ hiểm nghèo thì cán bộ nhận phần nhiều hơn. Giấy khen, bằng khen, huân chương, thậm chí cả quân công nữa, được thì nhận, chưa được thì không nhận. Bình quân cho bạn thì rõ ràng mạch lạc, báo công của mình thì ấp a ấp úng, thậm chí chỉ cười xí xóa. Chiến lợi phẩm ngổn ngang thiếu gì của nả, không ai nhìn ngó, chỉ cố công tìm bộ tú-lơ-khơ. Thoáng nghe tưởng vô lý. Nhưng không đâu. Không ai hiểu thuở ấy bằng con người thuở ấy. Ham muốn của con người thuở ấy thật là đơn giản, đơn giản như dòng chữ nguệch ngoạc của một thương binh viết bằng hai ngón tay còn lại: Độc lập - Hòa bình - Tự do - Hạnh phúc. Vết thương lành, tôi ra viện. Tiểu đoàn đang tổ chức củng cố tại Mường Phăng. Pháo địch vẫn nổ cầm canh dọc đường, ùng oành thưa thớt. Kệ nó! Có gì đâu. Nếu nó giã trúng đầu mình thì chẳng có ùng oành gì hết. Nếu đã nghe sụt sịt thì cũng qua mình hàng chục mét rồi. Còn khi đã nghe tiếng đạn bay xoèn xoẹt, vù vù thì bảo chúng cứ việc bắn, bắn nữa cho vui. Thỉnh thoảng máy bay chúng cũng ném bom dọc đường. Song bom cũng chẳng là gì, chỉ khi nào thấy nó tròn tròn như hòn bi thì cũng đáng ngại một chút, còn như trông thấy quả bom rơi cứ như quả xoan, quả trứng thì cho qua. Một mình thong thả đường rừng, tôi đã nghĩ nhiều đến khúc suối cạn và cái bãi trống ở chân đồi A1. Ngày đào hào, theo chỉ thị của Mặt trận là phải đào hoàn toàn mới, không lợi dụng địa hình thiên nhiên. Nếu chúng tôi thực hiện đúng như vậy thì đâu có thương vong nặng nề ở suối cạn, bởi các địa hình thiên nhiên có lợi cho ta địch đã khảo sát, vẽ bản đồ căn ke tọa độ cả rồi. Thực tình chúng tôi đâu có tiếc mồ hôi. Chẳng qua chỉ vì không nắm vững tình hình và nóng lòng muốn sớm được tiến công tiêu diệt địch mà thôi. Còn cái bãi trống ở chân đồi A1, theo tư tưởng chỉ đạo của Mặt trận là chiến hào của ta phải đào nối vào hào của địch. Dưới mưa đạn của quân thù, điều này chúng tôi không thể làm trọn vẹn được. Càng suy ngẫm càng quý trọng và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nghe kể chuyện ngoài lề, chẳng biết có thật thế không, hồi trong Tết, Đờ Cát thách thức, mời Đại tướng đưa quân vào Mường Thanh ăn tết. Mặc Đờ Cát kích động, Đại tướng vẫn ôn tồn chỉ thị cho các đơn vị rút quân ra. Quả là bản lĩnh vững vàng. Nếu không, đến hôm nay, tất cả đã không còn. Về đến tiểu đoàn, tiểu đoàn vẫn đông vui. Về đại đội, đại đội đã tròn biên chế. Tôi vẫn về tổ cũ. Trừ tôi, còn anh em hoàn toàn mới. Anh Định lớn, anh Định con, anh Lê Phù Tạo, toàn tân binh Thanh Hóa cùng trạc tuổi như tôi nên tôi đã được gọi bằng anh, đã phải làm những việc anh Tràng, anh Cẩn đã từng làm. Càng làm càng thương nhớ biết bao nhiêu... Anh Lê Phù Tạo hỏi tôi: - Có lúc nào anh sợ chết không? - Lúc đầu cũng có, nhưng lâu dần hết trận này còn trận khác, hết chiến dịch này còn chiến dịch kia, biết chết lúc nào. Chờ mãi cũng chán nên cho qua, chỉ lo lắng làm tròn nhiệm vụ thôi. Anh Định lớn thì có một cuốn sổ tay chi chít những chữ ký lưu niệm và cuối cùng là hai câu nắn nót: Một lèo lên thẳng Điện Biên Trời xa không mỏi cánh chim bao giờ. Anh Định con thì luôn tìm hiểu về những trận giáp lá cà. Anh cứ khoái "mình thấp, nó cao, mũi lê xuyên chéo vào ngực nó rất thuận tay" - Ôi anh cứ ngốc nghếch y như tôi hồi nọ. Củng cố nhanh, luyện tập gấp, chúng tôi lại hành quân ra Noong Bua - Khe Chít. Lối cũ, đường quen, đồng đội mới, mới quá nửa rồi. Tôi thoảng buồn khi ngắm dọc hàng quân... Trong lịch sử quân sự thế giới, chắc chưa có đội quân nào thuận lợi như chúng tôi. Lấy chiến trường làm thao trường, ngày học lý thuyết trên sa bàn, đêm ra thực tập trên trận địa, củng cố hầm hào, chọn hướng tiến công, nghe cho thuộc thật làu tiếng pháo gầm đạn rú, mỗi ngày hai lượt đi về. Vượt suối cạn, đoạn hào mới được đào vòng ra giữa đồng, ngụy trang không kỹ lắm mà hoàn toàn yên ổn. Bởi bộ binh chúng không nống ra được nữa, máy bay chúng không chụp được ảnh nữa. Mất mục tiêu nên pháo của chúng vẫn đều đều cầm canh, rót vào khu vực suối cạn cũ, khuya khuya nghe cũng đỡ buồn. Tuy vậy, khu vực sát gần địch cũng có thương vong, dính cối xăng - vanh. Anh Lê Phù tạo hỏi tôi: - Cối xăng-vanh to hơn cả đại bác phải không anh? - Nó là súng cối 120 ly, không to bằng đại bác 105 ly đâu, nhưng rất lợi hại, thao tác đơn giản, không bị nóng lòng, nên bắn được nhiều và bắn rất nhanh, có chậm cũng vài quả một phút, đạn to, mảnh nhiều, chạm đất nổ ngay, mảnh lia rất thấp, cách ba bốn chục mét, lia cỏ cây mới ngang tầm đầu gối. Nói chung, chúng đã huy động tất cả các loại vũ khí mà chúng có vào chiến trường này. - Để thua cho thật đau. Tôi quay lại, thì ra là chính trị viên đại đội Thái Bá Tấn đã đứng sau chúng tôi không biết tự bao giờ. Mồng 5 - 5, chúng tôi được nghỉ một ngày. Đêm yên tĩnh lòng càng thao thức. A1 vẫn lù lù căm uất khôn nguôi.
VII. MỒNG 6 MỒNG 7 VÀ MỒNG 8 - 5
Đồi C1, 30 - 3 ta chiếm, mồng 7 - 4 địch phản kích, 15 - 4 địch chiếm lại, mồng 1 - 5 ta chớp nhoáng tiêu diệt gọn. Như vậy các cao điểm chỉ còn A1. Ngày 6 - 5, chúng tôi nhận lệnh xuất quân. Cán bộ mới cất nhắc, chiến sĩ mới bổ sung, kinh nghiệm chiến đấu đã kém trước, nhưng lòng yêu nước còn nguyên, căm thù sâu hơn, nên ý chí tiến công và quyết tâm chiến thắng không giảm. Đã thông thạo địa hình, không phải dùng sa bàn để tiếp thu nhiệm vụ, tiểu đoàn 249 chúng tôi có nhiệm vụ đánh chiếm đỉnh đồi, tổ chức phòng ngự, chi viện cho tiểu đoàn bạn quét ngang vành lược phía chân đồi bên kia. Và chuẩn bị sẵn sàng để khi có lệnh là nhanh chóng chọc thẳng vào trung tâm Mường Thanh diệt chỉ huy sở Đờ Cát. Đội hình chiến đấu của tiểu đoàn: 316 - 315 - 317. Trận này 316 là đại đội chủ công. Chúng tôi xuất kích chập tối ngày mồng 6 - 5. Trừ những tiếng chân bước hụt thì cả tiếng cuốc, xẻng chạm vào nhau cũng hoàn toàn không có. Quân đi êm như rắn lượn dọc hào. Tới chân Đồi Cháy, chúng tôi được lệnh nằm quay đầu lại, tay chống mềm, ngực không chạm đất. Đất rùng thì mạnh song tiếng nổ lại nhỏ, nhỏ hơn cả tiếng nổ của một quả xăng-vanh. Đến cả đại đội trưởng Hải Bằng cũng không biết đấy có phải tiếng nổ của khối bộc phá nghìn cân hay không. Được lệnh xung phong, chúng tôi hăm hở tiến. Pháo địch vẫn đần độn quẳng vào khu suối cạn. Lượn theo đường hào mới, chúng tôi đàng hoàng vượt suối cạn lâu rồi. Cán bộ còn đi cả trên bờ hào. Khu bãi trống bây giờ lởm chởm như ruộng cày. Bờ đất không còn. Lô cốt tiền duyên mất dấu. Hầm hào phẳng lỳ. Tới hố bộc phá, trong mùi thuốc khét lẹt, còn có cả mùi hăng hăng cay xè của thuốc không cháy hết. Miệng hố một vành tròn khá rộng, cao lù như bờ mương. Lại một may rủi. Tôi vấp dây thép gai ngã sõng soài. Anh Lê Phù Tạo và anh Định con đi sau tưởng tôi nằm cũng nằm theo. Một khẩu súng máy nào đó từ rất xa bắn như đổ đạn vào sườn bên phải chúng tôi. Đi trước tôi, anh Định lớn để súng lại trên bờ tụt ngay xuống hố bộc phá. Anh Lê Phù Tạo chẳng ra báo cáo, chẳng ra kêu: - Rát tai lắm! Vừa tiến vội để bám sát đội hình, tôi vừa nhắc anh Định lớn "Không được buông rời vũ khí". Đến khi tổ được lệnh phát triển tung thâm, tôi nghiêm nghị: - Đồng chí Định A, chiến thuật đánh giao thông hào: Lên đạn! Không có tiếng trả lời. Không thấy anh đâu, hơi giật mình, song tôi vẫn cố tình nghiêm nghị: - Đồng chí Lê Phù Tạo, lên đạn! Anh Lê Phù tạo loay hoay một lát rồi báo cáo: - Báo cáo, súng của em không lên đạn được. Không được hài lòng, tôi quay lại hỏi, anh bảo lúc chiều đã kiểm tra cẩn thận. Tôi cầm lấy khẩu súng trường mát của anh. Thì ra lúc ở chỗ bờ hố bộc phá, anh ghìm nòng thấp, báng ghếch cao, cái củ tỏi trúng đạn đã vỡ tan tành, mảnh vỡ tung tóe bắn vào tai anh. Mỗi người chúng tôi ngoài thủ pháo, lựu đạn đều phải mang theo hai vũ khí chính, súng và bộc phá. Theo đội hình tiến công một hàng dọc, nên dù đã xuất kích nhưng chưa đến lượt mình tham chiến thì súng và bộc phá ống vẫn bó làm một cho dễ vác. Còn tôi mang bộc phá đánh lô cốt một khối 15 ki-lô-gam tuy nặng nhưng gọn. Tôi đưa súng của tôi cho anh Tạo, dặn các anh giữ lấy đầu hào, đợi tôi một lát. Tôi quay lại tìm thêm súng và tìm anh Định lớn. Anh đã hy sinh. Cõng anh đặt lên bờ đất, lòng tôi rưng rưng và ân hận với lời dặn anh "không được buông rời vũ khí". Khi tôi trở lại đầu hào, anh Định con và anh Lê Phù Tạo đã đánh chiếm thêm nhiều đoạn, ngách nào tôi cũng phải trèo lên xác giặc mà đi, và phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp các anh. Anh Lê Phù Tạo nói với tôi: - Chúng nó đông đấy! Tôi xem kỹ lại địa hình, thì ra đã gần đến đỉnh đồi. Ngách hào này chọc thẳng vào tuyến hào ngang đỉnh đồi mà đêm 30 - 3 tôi đã trụ ở đó. Nắp hào có một chỗ sụt, tôi cố thò đầu lên quan sát. Trời tối quá. Đèn dù pháo sáng của chúng chắc cũng hết sạch rồi. Ngoài cái bờ đất của tuyến hào đỉnh đồi cao lù lù thì không phát hiện được gì hết. Mà có tiếng xì xồ thật. Tôi gọi anh Lê Phù tạo lại. Chúng tôi phá nóc hào leo hẳn lên mặt đồi giương lê, lên đạn. Ném luôn bốn quả lựu đạn và thủ pháo rồi xung phong. Nhảy được xuống hào, tôi "bòm" luôn vào một thằng đã chết. Anh Tạo nói nhanh: "Hai súng!". Mấy phát súng trường bắn tung cả vách hào gần chỗ tôi đứng. Anh Lê Phù Tạo lại nói rất nhanh: "Thằng Định con bắn đấy!", rồi anh gọi to: - Định ơi, đừng bắn nữa. Lên thôi! Thì ra bị tập kích bất ngờ, một tên địch vất cả súng lại, chui vào ngách hào dọc, bị anh Định con quật cho mấy phát. Tôi hỏi anh: - Cứ khoái đâm lê, sao không đợi nó đến mà chọc? - Nó không xuống, cứ lù lù ngồi chắn lòng hào. Ngã ba hào đầu núi, cái vị trí chúng tôi được lệnh tiến công chiếm giữ đây rồi. Để anh Tạo trụ lại ở đó, tôi và anh Định con mỗi người rẽ theo một bên sục sạo, kiểm soát, thì cả hai bên ngách hào đều đã gặp quân ta. Dưới dốc vẫn còn tiếng xì xồ, nhưng đại đội không cho phát triển xuống và yêu cầu phòng ngự tại chỗ, chỉ được nổ súng khi mắt nhìn rõ địch. Theo kế hoạch, tiểu đoàn bạn sẽ quét ngang vành lược chân đồi. Phía bên phải chúng tôi chắc đang quyết liệt. Súng dồn dập nổ, ngày một gần hơn, cả pháo địch cũng ầm ầm phía đó. Một hỏa điểm của địch xuất hiện. Các cỡ súng lia lia quét quét dọc theo sườn đồi cản đơn vị bạn. - Ụ súng thằng người - Trung đội trưởng Páo vừa như nói một mình, vừa như ra lệnh. Thủ pháo, lựu đạn, các cỡ hỏa lực của chúng tôi từ trên cao giáng xuống. Tuy không tiêu diệt được hỏa điểm, song chúng tôi đã buộc chúng phải co vào ụ, không dám dàn ra hào trống. Không phát huy được, hỏa lực của chúng cũng yếu đi nhiều. Từ cánh phải, ba viên đạn vạch đường cắm vào "Ụ súng thằng người". Bàn giao hỏa điểm cho bạn - chúng tôi làm nhiệm vụ của pháo binh. Chỉ khác là pháo cứ việc giã cho tơi bời đồn giặc rồi chuyển làn cho bộ đội xung phong, còn chúng tôi từ viên các-bin nhỏ xíu đến quả thủ pháo bằng vốc tay đều là pháo. Loại pháo này rất cơ động, có khả năng hợp đồng với bộ binh hết sức chặt chẽ, chặt chẽ tới mức bộ binh áp sát địch rồi pháo mới chuyển làn. Sau ba viên đạn vạch đường, hỏa lực của đơn vị bạn quật vào "Ụ súng thằng người" trông sướng mắt. Nhưng đẹp nhất vẫn là quả bộc phá bắn tung hỏa điểm. Hỏa lực vừa im, bộc phá đã nổ rồi. Từ đỉnh đồi có tiếng reo to: - Hoan hô 251! Hoan hô... Hoan hô! - 249 đấy phải không? Chi viện tốt đấy! Cảm ơn nhé! Tiểu đoàn bạn ào ạt lướt ngang trước mặt chúng tôi sang cánh trái. Cánh trái súng nổ không nhiều, thưa dần, và cuối cùng ba phát pháo hiệu đỏ vút lên. Cánh phải và đỉnh đồi cũng ba phát vút lên. Chín quả pháo hiệu chụm lại thành một quầng hoa đỏ. Quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn A1. Pháo địch vẫn xoèn xoẹt qua đầu chúng tôi lao xuống khu vực lô cốt tiền duyên và bãi trống. Cũng nhiều loạt nổ sát sạt sau lưng, không cấp tập mà cứ đều đều ùng oành liên tục, song so với 30 - 3 thì chả là cái gì. Tôi bảo anh Nhẫm: - Nó lại muốn chơi cái kiểu chặn hậu quân rồi phản kích diệt mình đây. - Đừng hòng! Lần này mà phản kích thì chỉ có đem quân mà nướng. - Pháo nó toàn bắn vu vơ. - Điện đài của nó bị bộc phá phá hủy hết rồi - Có người nói chen vào. Tôi quay lại thì đấy là chính trị viên đại đội Thái Bá Tấn. Theo mệnh lệnh của anh, chúng tôi tranh thủ củng cố hầm hào, lau chùi vũ khí, chuẩn bị đối đầu với địch trong cái giờ phút quyết liệt nhất của chiến trường. Nhưng rồi pháo địch cứ thưa dần, tụt dần xuống chân đồi, ra hẳn ngoài đồi rồi im hẳn. Trừ khi nó giã vào đầu mình, còn ngồi ngoài vòng xem nó bắn vu vơ thì thú thật, loạt nào cũng như loạt nào, một cánh cung lửa lóe lên ôm lấy chân đồi, oành oành, chíu chíu, vui tai và đẹp mắt. Đợi mãi không thấy địch phản kích, căng thẳng dịu dần. Trận địa yên tĩnh đến buồn ngủ và cuối cùng, tuy không được nằm đàng hoàng nhưng cũng ngủ được thật, chỉ phải thay nhau cảnh giới thôi. Tôi bỗng thèm nghe một tiếng gà. Mệnh lệnh chuẩn bị đánh địch phản xung phong làm tôi bật dậy. Trời tháng năm mà sương mù trắng xóa, chỉ thấy chúng ẩn hiện xa xa. Anh Tạo bảo tôi: - Nó còn xa mới đến chân đồi. - Chân đồi đã có 251! - Tôi trả lời anh trong ầm ầm pháo nổ. Không thấy pháo địch, toàn pháo ta. Có cả loạt pháo bốn quả bay đỏ lừ nổ cùng một lúc. Pháo dừng, khói hết, sương tan. Địch chạy đâu cả chẳng thấy thằng nào. Lại chuẩn bị, lại đợi chờ đánh quân phản kích. Hửng nắng rồi, có lẽ đã gần trưa, đây đó lao xao cờ trắng. Chúng đã cắm nhiều cờ trắng, chỗ này, chỗ kia, chỗ kia nữa. Tôi nhảy hẳn lên hào mà trông mà ngắm. Một cánh đồng dù xanh, trắng, đỏ đủ sắc. Thủng thỉnh tôi đi dọc hào. Phía Hồng Cúm bỗng uỳnh uỳnh đạn nổ (sau này mới biết chúng giật mìn phá pháo). Ngỡ chúng rót pháo lên, vội nhảy xuống hào tôi giẫm lên một khối bùng nhùng bao tải. Một thằng ngụy. Nó khúm núm đứng dậy mặt tái mét: - Báo cáo anh, em mới nhảy dù xuống đêm qua, em chưa dám bắn các anh một phát nào, không tin anh cứ ngửi nòng súng mà xem. "Ngửi cho mày bấm cò!" Tôi nghĩ nhanh trong khi giật lấy khẩu các-bin của nó: - Còn thằng nào nữa không? - Thưa anh, còn một quan hai Pháp ở kia. - Tao yểm hộ cho mày, tước lấy súng của nó vất lên miệng hào rồi trói lại. Tên ngụy ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh của tôi. Anh Nhẫm nói với tôi: - Sao không cho nó vài viên? - Sợ sai chính sách. - Tụi này quen như lần trước, chờ quân nó phản kích là nó bắn vào lưng mình đấy. Nhưng thôi, đưa lên nộp đại đội. Bỗng thương nhớ anh Truyền, anh Cẩn biết bao nhiêu. Anh Nhẫm chợt níu tay tôi: - Trông kìa! Quân ta vẫn tiếp tục lên. Tôi nhìn lại Đồi Cháy, khoảng một trung đội, ba lô nặng trĩu, tốc độ khẩn trương đang vượt qua bãi trống. Lạ thật, không mang súng. - Hoan hô anh nuôi! Hoan hô! Hoan hô! Cả quản trị tiểu đoàn, quản lý các đại đội, cả hậu cứ lên đồi tiếp tế. Xôi thơm, giò hộp, thịt hộp, dưa chua, còn có cả kẹo, thuốc lá, bột chanh, bột cam pha nước uống nữa. Lương thực thực phẩm còn, song Mặt trận đã cho dùng dự trữ đặc biệt. Không được đón giao thừa, nhưng hôm ấy chúng tôi cũng đã được một bữa trưa thịnh soạn trên đồi A1, chậm hơn quân Tây Sơn chưa đầy ba tháng. Không cồng chiêng nhảy sạp nhưng vô cùng hồ hởi. Chúng tôi còn rôm rả chuyện trò, đoàn hậu cứ chưa kịp chia tay thì đại đội trưởng Hải Bằng hối hả chạy về: - Tất cả theo tôi đi bắt Đờ Cát! Anh vừa ra lệnh vừa chạy luôn không dừng lại. Chúng tôi vụt chạy theo anh. Anh không biết người chạy sau anh là tôi. Tôi không biết người chạy sau tôi là ai. Theo một vệt đường mòn thấp cao lau cỏ, vượt một con suối hẹp, băng qua một khoảng bãi trống, đến đầu cầu Mường Thanh anh vẫn giữ nguyên tốc độ, chạy thẳng tim cầu. Không ngó trước nhìn sau gì cả, tôi cắm cổ chạy theo anh. Ngoài một lượt phên tre trải trên mặt cầu tôi cũng chẳng kịp nhìn thấy gì. Qua cầu, anh dừng lại trước cong cong một vành chiến sĩ. Chúng tôi dừng lại sau anh rồi tỏa ra hai bên như một cánh cung vây bọc vòng ngoài. Đơn vị bạn đến trước rồi. Đờ Cát hai tay giơ xoạng xoạng, đầu đã nhô ra khỏi cửa hầm, tùy tùng lốc nhốc theo sau, đúng như ảnh sau này từng in trên các báo. Bộ đàm hồ hởi từng tiếng từng lời: - Báo cáo, đã bắt được Đờ Cát và mười sáu tùy tùng. - Đúng Đờ Cát không? - Báo cáo đúng, cả Đờ Cát là mười bảy. - Cho giải ngay về địa điểm đã định. Đơn vị bạn giải Đờ Cát đi rồi, đồng chí Hải Bằng mới phổ biến với chúng tôi: - Toàn bộ quân địch đã đầu hàng, không phải là truy quét tàn quân mà là rà soát thu nhặt tù binh. Chính sách tù hàng binh phải thực hiện nghiêm chỉnh. Đơn vị tôi rà soát phía bắc hầm Đờ Cát. Chẳng còn sót một mống nào. Có lẽ chúng đã phải tự tìm về khu vực tập trung theo thông báo của Mặt trận rồi, nên chỉ còn trơ một chiếc xe tăng hỏng, một chiếc máy bay rơi và khẩu trọng liên sáu nòng vứt đó. Đến nay nói chung chúng vẫn nằm nguyên chỗ đó, song hình dáng đã thay đổi nhiều. Chiếc máy bay lúc ấy chỉ đứt một phần ba đằng đuôi, phần còn lại nước sơn còn mới. Khẩu súng sáu nòng của chúng nằm giữa một vành bán nguyệt cao như đống thóc, tưởng như chúng đã dùng vỏ đạn xếp làm công sự vậy. Nhìn theo hướng súng tôi nghĩ thầm, chắc là anh Định lớn dính các loại này đây. Chiều mờ, nhìn từ đồi Độc Lập vòng qua A1, anh Nhẫm bảo: - Bị ta chiếm hết cả rồi, có ngoan cố không hàng thì đêm nay ta cũng cho vào rọ. Tối mồng 7 - 5, chúng tôi ngủ ở hầm Đờ Cát. Hầm Đờ Cát nay vẫn hình dáng ấy, song lúc ấy cũng chỉ là cột chống, ghi kè, bao đất xếp. Vách hầm chúng cũng phải lấy dù căng che cho đỡ bẩn. Có điện nhưng không nghe thấy máy nổ. Mấy cái giường thấp, dù xếp dày làm đệm. Những đồng chí vào sau còn phải đi tìm dù rải đệm nằm ở nền hầm. Anh Định con nói: - Chẳng thèm nằm vào cái lót lưng chiến bại. Chiến thắng rồi, song cảnh giác, chúng tôi vẫn thay nhau trực chiến. Đêm ấy ngủ khá ngon. Sáng hôm sau, mồng 8 - 5, chúng tôi được lệnh rút về vị trí tập kết. Sương mù, chưa nhìn được hết lòng chảo Mường Thanh. Đầu hào A1, một thằng Tây nằm chắn ngang, phải giẫm lên nó mà đi. Mỗi người giẫm lên, ruột nó lại thòi ra một đốt. Những đốt đầu cùng thì đen sì, héo quắt rồi nhạt dần, đến đốt mới thòi ra thì trắng. Anh Định con châm biếm: - Thằng này giá không đi xâm lược thì cũng trong sạch đấy! Anh cười rất đỗi ngây thơ. Qua A1 không ai bảo ai mà ai cũng nhặt thêm đạn và lựu đạn, cài nhét đầy người. Xuống đến lô cốt tiền duyên, chỉ đoán chừng khoảng đất ấy thôi, anh Phùng Văn Nhẫm kéo tôi đứng lại. Không nói gì, anh im lặng vuốt thẳng cổ áo, bắn thẳng lên trời ba loạt tiểu liên, cúi đầu mặc niệm rồi nghiêm trang tuyên thệ: - Kết thúc chiến dịch rồi, quân ta chiến thắng rồi, anh ở lại, chúng tôi đi tiếp, anh cứ yên lòng sống anh dũng, chết vẻ vang, tất cả vì Tổ Quốc, chúng tôi xin thề sống không phụ lòng anh. Chính trị viên Thái Bá Tấn bỗng từ từ rút súng ra khỏi bao. Tôi bắn theo anh ba loạt, một băng dài. Lượn qua Đồi Cháy đến ngã ba đầu hào suối cạn, anh Thái Bá Tấn cho anh em dừng lại rồi nghiêm trang vài lời vĩnh biệt những đồng đội không về. Anh vừa dứt lời, bất chợt súng, lựu đạn, thủ pháo nổ ầm ầm mù mịt. "Một lời thề mãnh liệt!", tôi cũng tung lựu đạn xin thề. Chiến thắng mà vui buồn bùi ngùi một bọc. Quân đi im lặng dọc hào... Đến vị trí tập kết, vào hang đá Tà Lèng nhận lại quân trang trước khi xuất kích gửi tập trung vào đó. Gọi là nhận lại, song còn biết của ai vào của ai, cứ lấy vừa đủ quy định thì thôi. Tôi lấy đúng chiếc balô của anh Truyền. Dưới hai bộ quần áo đã sờn có một gói ni lông vuông vức. Một bộ quần áo, một đôi giày, một đôi tất, một khăn mặt, một mùi xoa, một bộ lược gương, sổ tay và bút máy. Trừ lược gương bút máy đã dùng , còn tất cả mới tinh. Mắt trông lòng những bùi ngùi: "Chắc anh để dùng sau chiến dịch". Tôi gói lại nguyên như cũ, khoác lên vai bâng khuâng quay lại nhìn A1. Chợt nhớ, tôi lại hạ ba lô xuống lần tìm nhưng không thấy cuốn sổ tay bìa mòn mưa nắng của anh đâu. Chiều mồng 8 - 5, chúng tôi đã ra tới Mường Phăng. Tiếc thật, chúng tôi chưa được gặp một người Mường Thanh, thậm chí, chưa được nhìn thấy một mái nhà.
VIII. VỀ THANH HÓA
Sáng ngày 9 -5 cả đơn vị xôn xao. - Hơn một vạn tù binh! - Một vạn tên? - Một sư đoàn đầu hàng! - Cái xác nó to thế, nếu bắt chúng nằm sát vào nhau thì cũng rộng đến hai mét và dài đến hơn mười cây số, đạn nào mà bắn, đất đâu mà chôn. - Thời xưa toàn đâm với chém mà chỉ một đêm Bạch Khởi chả giết sạch mười vạn tù binh Sở đấy thôi! - Này! Nhớ chính sách tù hàng binh chưa? Coi chừng phải học lại đấy! Tôi có võ vẽ được vài tiếng Pháp theo cái lối "măng-giê nó gọi là ăn" ấy, nên được anh Báo trung đội trưởng lấy lên giúp việc. Gọi là giúp việc vì trung đội trưởng chưa được dùng liên lạc. Tôi làm việc với chúng bằng phương pháp "dùng tay thay miệng" là chính. Trung đội tôi phải áp tải ba trăm tên. Khi lập danh sách thì nói tròn số, hai trăm bốn mươi tên là người châu Phi, chính gốc người Pháp có sáu chục tên thôi, mà tụi này toàn là dân cày, dân thợ. Tôi chợt nghĩ "anh binh Đai, chú cai Thành, cậu đội Ngạnh ngày xưa cũng là quân khố đỏ sang đánh châu Phi". Tụi thực dân nham hiểm thật. Đem giết tụi này thì chúng chết cũng hơi oan. Tôi chia chúng ra làm chín tốp, mỗi tốp hơn ba chục tên, giao cho mỗi tiểu đội ba tốp có nghĩa là mỗi tổ tam tam phải áp giải một tốp để anh em dẫn chúng đi lĩnh lương thực, thực phẩm ăn đường. Ngày đầu còn đỡ, mấy ngày sau chúng đi chậm rề rề, dong chúng đi khó chịu hơn dong lợn, ba ngày mới đến Xuân Tre. Đến Xuân Tre, trên cũng cho chúng nghỉ một ngày và cho thêm một con trâu bồi dưỡng. Anh Báo bảo tôi bắn cho chúng mổ chia nhau. Tôi nói với anh: - Anh Yên bắn nai nhận kỷ luật, anh Tràng mò mẫm bắt chồn bắt sóc vì đồng đội. Chính vì chúng nó mà các anh phải hy sinh. Vậy thì đời nào ta lại phải bắn trâu cho nó mổ. Anh Báo suy nghĩ một lát rồi kiên quyết:
Tôi miễn cưỡng xách súng ra. Để tự an ủi lòng mình “Sống làm gì kiếp ngựa trâu, chịu đau một chút để được làm kiếp khác. Đừng oán hờn chi nhé!”. Vừa lẩm bẩm tôi vừa nâng súng. Tôi ngắm thẳng vào cái khoáy tròn tròn giữa đầu của nó, bấm cò. Con trâu đứng im, hai dòng máu chảy rì rì theo hai lỗ mũi rồi đổ kềnh ra, không gầm gào, không giẫy giụa. “Nó cũng hiểu lòng mình”. Bọn tù binh reo hò hớn hở. Tôi thu súng lại, bùi ngùi… Thương biết mấy anh Yên, năm ngoái gian khổ thiếu thốn lâu rồi, vì chúng tôi, anh cố tình bắn một con nai để rồi bị kỷ luật, sau chiến dịch không được công nhận chiến sĩ thi đua. Bây giờ, anh ở đâu? Một tên tù binh dè dặt đến chỗ tôi. Nó nói những gì tôi nghe không nổi, chỉ hiểu sơ sơ “sếp đừng buồn!”. Khi chuẩn bị đi, tốp tù binh của tiểu đội ba bỗng ầm ĩ lộn xộn. Tôi và anh Báo chạy lại, một tên bị đánh chảy máu mồm. Bằng đủ mọi cách, chúng diễn giải cho chúng tôi hiểu: - Tên này bắt tên kia phải đeo hết gạo muối cho nó để nó đi không, tên kia không nghe, nó đánh, nó là capiten*. - Capiten cũng là tù binh! Chúng tôi còn không nỡ đánh tù binh. Anh làm gì có quyền ấy? Tôi phạt anh. Anh Báo bảo tôi trói tên đó lại giải lên tiểu đoàn. Một tên khác hỏi tôi nó có bị bắn không, tôi trả lời: - Không! Chỉ bắt nó phải đi cùng tụi capiten chúng nó thôi. Đến Tuần Giáo, anh Hải Bằng tạt về đại đội kiểm tra phân loại tù binh. Anh cho biết chín mươi chín tên còn lại cũng hầu hết là lính thuộc địa, chỉ có chín tên là người Pháp, song cũng toàn là dân cày và thợ thuyền. Tôi chợt nghĩ “chú cai Thành, cậu đội Ngạnh ngày xưa đi lính khố đỏ sang đánh châu Phi cũng là như thế này ư?” Và cả chín thằng Fờrăngse kia nữa. Ai bảo chúng sang đây xâm lược. Giả thử có thắng đi nữa thì cha mẹ vợ con anh em chúng được gì? Tôi bỗng chạnh lòng thương những ngu dân bán cuộc đời cho những điều tàn ác không đâu. Song dù sao chúng cũng là người, sớm muộn hiểu ra chúng cũng sẽ không làm bia đỡ đạn và cam tâm sống một cuộc đời trâu ngựa như thế này nữa. Một tên tù binh hỏi tôi là ta đưa chúng nó đi đâu, tôi trả lời nó:
Ngạc nhiên hiện rõ ràng trên mặt, mắt hắn long lanh và cả lũ xì xồ. Qua Tuần Giáo, bọn chúng đã đều chân và ngoan ngoãn hơn, song cũng đã nhiều tên tụt dần không theo kịp. Bọn này rất lo, chỉ sợ ta bắn bỏ. Tôi ra hiệu tìm lời giải thích cho chúng yên tâm. Tiểu đoàn đã giao cho một đơn vị có cả y tá đi sau áp tải những tên ốm yếu nên tốc độ chúng đi cũng nhanh hơn. Nhưng chúng phải bộ đội mình đâu mà biết đồng cam cộng khổ. Chúng cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau suốt. Chúng tôi cứ phải phân xử phán xét ngày hàng chục lượt, đến khó chịu. Lại Châu Thuận, Mường La, Mai Sơn, Châu Yên, Châu Mộc, mỗi bước đi lại nhớ thương đồng đội không về. Nhìn lũ lũ tù binh nhức mắt. Lượng khoan hồng quá lớn căng phồng rát bỏng con tim. Đến Suối Rút lại quặt về Thanh Hóa. Ngoảnh đầu trông lại chiến trường, lòng đau như xé. Còn đâu anh Tràng, anh Cẩn, anh Ngẩu, anh Truyền... Dọc đường chúng tôi đi, đồng bào vui mừng vẫy gọi hoan hô. Lạ lùng thế đấy, trong rạo rực niềm vui chiến thắng mấy ai hay có những tâm can đau xót nặng hơn mừng. Về đến Cẩm Thủy, bàn giao chúng cho tỉnh đội Thanh Hóa. Trông lại chiến trường xa. Đồng đội không còn dắt tù binh về nộp. Một tên tù binh chạy lại chỗ tôi, líu ríu, xì xồ, tôi cố nghe mà chỉ hiểu sơ sơ. - Việt Nam là bạn tốt của Angiêri. Bộ đội Cụ Hồ là ân nhân của tôi, ông cũng là ân nhân của tôi. Cảm ơn Việt Nam! Cảm ơn Điện Biên Phủ! Cảm ơn ông! Tôi đưa cho nó điếu thuốc lá duy nhất đang cầm trên tay rồi rảo bước hành quân theo đơn vị. Chúng tôi lại về I – O Sánh Lược đóng quân. Đại đội 317, dân chỉ còn nhận được có ba người cũ. “Cả mình nữa là bốn và những người như mình nữa cũng nhiều hơn”, tôi nghĩ vậy và hỏi anh Phùng Văn Nhẫm về đại đội 315. Anh nhẩm tính còn hai mươi sáu. Đại đội 316 tôi không hỏi nữa, hỏi thế đủ rồi. Từ ngã ba hào Suối Cạn qua A1 sang hầm Đờ Cát, đường tiến công của chúng tôi khoảng hai ngàn thước. Đường Thanh Hóa – Điện Biên, Điện Biên – Thanh Hóa một ngàn cây. Từ Thanh Hóa ra đi đến trở về Thanh Hóa tròn tám tháng. Người ra đi đầu tiên từ buổi đào hào ngày mồng 8 -3 đến người cuối cùng không về đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7 – 5 tròn sáu mươi ngày. Một ngàn cây số hai ngàn thước Tám tháng và sáu mươi ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ và Tiểu đoàn 249 chúng tôi.
Bên Đồi A1 Điện Biên 7 -5 1994 Chú thích:
*Capiten: cấp sĩ quan, đại úy.
Viet-studies nhận được ngày 7-5-16 |