Làm cách nào mà không vui cười?

Phan An

 

Hai hôm nay bài viết của tôi về Donald Trump trôi dạt khắp nơi trên mạng, gây nên phản ứng rất bão tố ở không ít người. Một số bạn bè—bạn bè thật sự—của tôi còn lo lắng và phẫn nộ giúp tôi, họ nhắn tin hỏi có sao không. Anh Huy Đức còn kêu “Xin lỗi mi nhé” kiểu rất áy náy vì đã vô tình đưa tôi lên ghế điện. Nhưng sự thật là tôi chẳng những không sao mà còn chẳng lo lắng hay phẫn nộ gì cả. Việc tôi bày tỏ chính kiến trên mạng xưa nay không hiếm, nhất là lúc trước, khi tôi dùng mạng xã hội thường xuyên hơn bây giờ. Tôi đã không ít lần làm phật lòng giới nghệ sĩ, người mẫu, nhà báo, nhà thơ, doanh nhân, nhà kinh tế, bà đi chợ, ông xích lô, chú xe thồ, cô bán báo, đủ hết. Nói như vậy không phải là tôi tự hào gì cái việc làm phật lòng người khác, mà để tỏ rằng tôi đã quá quen với phản ứng—và thông qua đó là trình độ—của đám đông, từ rất lâu rồi. Từ rất lâu rồi, đám đông không còn có thể làm tôi phẫn nộ, đám đông chỉ có thể làm tôi vui cười té ghế mà thôi.

Trước tiên, đám đông la ó tại sao không bình luận được vào bài tôi viết. Ủa, là tại vì không bình luận được chứ sao mà hỏi tại sao? Facebook của tôi trước nay vẫn để ở chế độ đọc công khai, nhưng để trò chuyện được thì phải là bạn bè. Đừng có nói với tôi về tinh thần dân chủ hay tự do ngôn luận, đối với tôi Facebook đơn giản là một căn nhà, tôi chỉ mở cửa tiếp người quen. Người lạ vẫn có thể đi ngang, vẫn có thể nhìn mảnh sân căn vườn, chủ nhà không cấm, nhưng cửa thì không mở. Ai biết đấy là đâu mà mở cửa? Đó rất có thể là ăn trộm, ăn cướp, là một người điên cầm dao, hoặc thậm chí là chó dại cắn càn, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh. Ai đã từng sở hữu hoặc đang sở hữu một trong hai thứ, nhà hoặc não, ắt sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một quyết định vô cùng hợp lí.

Tiếp theo, đám đông bảo tôi nói suông không có chứng cứ số liệu, rằng tôi chỉ chửi đổng cho sướng mồm. Nhưng tôi đã bảo Google không tính phí, và tôi hoàn toàn không có nhã ý đi google thay cho họ. Tôi cũng đã nói rằng nếu họ không chịu đọc tiếng nước ngoài, mở mang kiến thức, dẹp bỏ thiên kiến, thì ngay đến mái trường xã hội chủ nghĩa rất sáng suốt của chúng ta cũng đành bó tay với họ, huống gì một cá thể lẻ loi là tôi. Những chứng cứ về sự đốn mạt của Trump, những lời nói và hành động rất ngu xuẩn và lưu manh của y, việc những nhà ngôn ngữ học—chứ không phải tôi—phân tích và đánh giá vốn từ của y ngang với đứa con nít tám tuổi, việc y nói dối nói trá đến mấy chục nghìn lần, việc y là một dạng phát-xít mới, việc y có một nền tảng kiến thức khoa học và môi trường vô cùng thảm hại, việc người ta sản xuất dép đi trong nhà xí (President Flip Flops) in những lời y nói… đều có thể tìm được trên mạng trong không quá ba giây, giả định là nhà bạn vẫn đóng tiền internet. Viết một bài dài quá dài về Trump đã là rảnh quá rồi, tôi rảnh đâu mà tạo footnote, dẫn link, bón cho thiên hạ từng chút một cho được nữa.

Đám đông lại lập luận rằng, nếu Trump thật sự đồi bại như những gì tôi phỉ báng y, tại sao y vẫn là tổng thống, là tỉ phú, lại viết sách bán chạy như tôm tươi, lại con xinh, vợ đẹp. Qua đó, đám đông mặc nhiên rằng đã là tổng thống, là tỉ phú, có vợ đẹp con xinh thì phải tài giỏi đức độ hơn người. Tôi sẽ không bàn về chuyện y nhờ ai mà trở thành tổng thống, hay chuyện gia sản của y từ đâu mà có và tài năng quản trị sòng bạc của y thế nào, hay chuyện cuốn sách của y do ai viết và người viết sau này lại nói gì về y, vì những việc đó hoàn toàn không liên quan. Cứ cho là y có giỏi kinh doanh buôn bán hay gì gì đi nữa, thì nhân cách của y vẫn đồi bại bẩn thỉu như thế. Nếu lấy tài sản ra để bàn thì thằng ăn cướp hẳn cũng có đức độ, Năm Cam Sáu Quýt Bảy Bưởi Tám Bòng cũng có đức độ, và càng sống lâu năm đống đức độ lại càng cao. Cứ cho là Trump vợ đẹp con xinh (mặc dù cái này tôi không chắc vì tôi không rành phẫu thuật thẩm mĩ cho lắm) và không rượu chè hút sách, nhưng nếu chỉ có thế thì y còn thua xa Hitler, một họa sĩ yêu thiên nhiên, thích vẽ cây cối, ăn chay trường, mê động vật, cấm hút thuốc nơi công cộng, lại không gái trai đĩ điếm, nói chung là một con người mẫu mực, một nhân cách hiếm thấy trong lịch sử nhân loại. Ấy là tôi chưa kể đến một điều lí thú khác: Những người hôm nay khăng khăng Trump là tổng thống hiển nhiên tài giỏi lại cũng chính là những người hôm trước chửi sự ngu dốt hèn hạ của Obama, một người cũng tổng thống chẳng kém gì Trump và thậm chí còn có vẻ sắp hơn Trump ở chỗ được tổng thống đến những hai lần liền.

Cuối cùng, một số trong đám đông theo dõi tôi đã lâu, hoặc như tôi đã nói, có thể còn là bạn bè tôi ngoài đời, còn bày tỏ sự thất vọng rằng tôi đã thay đổi rồi, đâu còn là Phan An của thời Quẩn quanh trong tổ, thời Trời hôm ấy không có gì đặc biệt nữa. Họ than vãn rằng không biết nước Đức và thế giới bên ngoài đã làm gì tôi. Cái này thành thật mà nói thì tôi khá ngạc nhiên. Vậy thì họ thấy gì ở tôi thời Quẩn quanh trong tổ, thời Lá cải, thời Trời hôm ấy không có gì đặc biệt? Có lẽ đâu Phan An của thời kì đó trong mắt họ là người có thể làm ngơ trước cái xấu, hay không dám nói lên chính kiến của mình, hay phải vòng vo tam quốc, hay phải hùa theo số đông, hay tụng ca những điều thổ tả, những người thổ tả? Việc tôi đi đó đi đây cho dù qua sách vở hay qua làm việc hay du hí, nếu có thay đổi gì tôi, thì chỉ là mang lại cho tôi thêm kiến thức và cái nhìn toàn diện hơn về nhiều lĩnh vực mà trước đây tôi còn thiếu sót. Nhờ đi đó đi đây và nói chuyện với người này người nọ mà tôi hiểu thêm về chiến tranh, về quốc xã, về nạn diệt chủng, về quyền bình đẳng, về môi trường, về sự tôn trọng phụ nữ, tôn trọng giới tính, tôn giáo, sắc tộc, khoa học, và dạy tôi biết khinh bỉ hơn nữa bất kì con người nào, thế lực nào đi ngược lại những giá trị ấy. Đó, đó là sự thay đổi lớn của tôi. Nếu những người mà tôi nhắc đến trên đây thấy tôi có khác đi so với họ, thì tôi nghĩ đơn giản chỉ là vì, trong khi tôi tiếp tục đi tới và học hỏi thì họ vẫn hàng ngày cắm cúi vào Facebook, chém tới chém lui những điều vụn vặt, rồi ngồi đếm từng lượt thích, thích từng lượt bình luận, bình luận vào từng lượt chia sẻ, rồi cùng thủ dâm tinh thần với nhau. Như đã nói vài lần, tôi là người hơi bảo thủ và sợ thay đổi, nhưng nếu sự thay đổi của tôi làm tôi khác đi so với họ, thì thay đổi được chừng nào tôi mừng chừng đó.

Người ta nói thuốc đắng dã tật. Tôi đã từ lâu, qua các dự án lớn nhỏ của mình, không còn tin vào câu nói ấy. Nói như Nguyễn Bắc Sơn “Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng / Và thế là ông từ tuổi thanh xuân / Cùng bạn bè đi làm cách mạng / Ông làm cách mạng chừng nào / Thì loài người càng thêm sặc máu / Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp / Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người / Tôi càng ca tụng chừng nào / Thì loài người càng xấu xa chừng nấy.” Có những thể loại tật nguyền mà thuốc dù đắng đến đâu cũng không giải nổi. Tôi không làm thầy thuốc, tôi không định dã tật cho ai cả. Bây giờ tôi làm việc vì tôi, tôi viết vì tôi, và những thứ tôi viết ra chỉ là vì tôi cần phải viết ra, như người ta quảng cáo trên tivi, không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Các bạn thích và khen ư, xin đa tạ. Các bạn không quan tâm ư, không sao cả. Các bạn chửi bới mạt sát tôi ư, tôi lại càng có dịp để vui cười. Một thằng lâu nay vẫn có tiếng là kiêu căng ngạo mạn như tôi, nay được trưng cho bao nhiêu là bằng chứng cho thấy mình hơn người ta cả cái đầu, làm cách nào mà không vui cười.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-11-20