TIẾNG DÂN
Nghĩ lan man về phân biệt vùng miền
Lê Nguyễn
Loài ngạ quỷ có tàn phá nhân gian cũng chỉ đến một lúc nào đó thì chuyển
hướng hành động để còn tu tập và tái sinh qua cõi khác. Riêng có một
loại hình ma, bóng quỷ vẫn tồn tại, chập chờn đây đó suốt gần năm chục
năm qua trên đất nước này, tàn phá sự thống nhất, đoàn kết dân tộc và đe
dọa những tâm hồn thơ trẻ đang cần được nuôi dạy trong tình tự dân tộc,
trong nghĩa lớn đồng bào.
Đó là bóng ma của sự phân biệt vùng miền.
Còn nhớ cách đây không lâu, có ông tiến sĩ làm cái việc gọi là ”cải cách
ngôn ngữ”, lấy sự phát âm của người miền Bắc làm chuẩn mực cho ngôn ngữ
thống nhất cả nước, “con trâu” thì phải viết là “con châu”, và nhiều
cách thức cải cách đại loại như thế. Ngày nay, chỉ cần chú ý một chút
đến sinh hoạt xã hội, ta dễ dàng nhìn thấy sự trái khoáy bàng bạc khắp
các ngõ ngách của đời sống. Trong lãnh vực nghệ thuật, giải trí chẳng
hạn. Cứ mỗi dịp xét trao danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là
người ta lại công khai hay ngấm ngầm trao đổi với nhau về cái gọi là sự
phân biệt vùng miền. Danh sách ứng viên đầy ắp tên tuổi nghệ sĩ sinh
trưởng và hoạt động ở miền Bắc, còn với nghệ sĩ miền Nam thì ôi thôi, lơ
thơ tơ liễu buông mành…
Mấy ngày qua, thông tin về việc xét trao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho
hai nghệ sĩ Xuân Bắc và Thanh Lam càng đẩy xa hơn những lời ong tiếng
ve. Một là diễn viên hài vừa có những phát ngôn phản cảm bị lên án bởi
đông đảo công chúng, hai là cô ca sĩ “diva” còn lâu mới sánh được với
Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly…, người mà theo dư luận của khá đông khán
thính giả, đã đưa âm nhạc của Trịnh Công Sơn xuống đáy vực của sự đỏm
dáng, kệch cỡm… Với nhiều nghệ sĩ sinh trưởng và hoạt động tại miền Nam,
họ không bõ công cho sự chạy đua tìm kiếm danh hiệu và sự mệt mỏi trong
các thủ tục cứu xét nhiều khi khiến cho họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn
thương, vì thế nhìn vào danh sách ứng viên các danh hiệu, họ chỉ như
những sự điểm xuyết cho vui cửa vui nhà.
Đó là trong lãnh vực giải trí, giúp người thưởng ngoạn có được những món
ăn tinh thần bổ ích trong cuộc đua tranh kiếm sống hàng ngày. Ở một lãnh
vực cao cấp hơn gọi là “văn học”, gần đây người ta lại càng đẩy cao tính
vùng miền mà không cần một sự áy náy, một sự liêm sỉ nào. Trong quyển
sách có nhan đề “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, xuất bản năm 2020, người ta
không chỉ gạt bỏ hoàn toàn các nhà văn miền Nam trước 1975, mà còn thủ
tiêu cả những nhà văn từng đứng chung chiến hào với họ như Nguyên Ngọc,
Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Dương Thu Hương…
Đã gọi là “Nhà văn Việt Nam hiện đại” sao lại tước đoạt quyền làm người
Việt Nam của những nhà văn miền Nam trước 1975? Những Nhất Linh, Doãn
Quốc Sỹ, Võ Phiến, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền…, họ là người
nước nào? Sao không có đủ sự công tâm, sòng phẳng để khoác cho quyển
sách một nhan đề đúng với nội dung của nó, như “Những nhà văn còn trung
thành với CNXH Việt Nam hiện đại” chẳng hạn?
Làm người lớn, lừa gạt nhau đã là chuyện không nên, đối với thế hệ trẻ
mà làm thế còn là một tội ác, khiến các em hiểu một cách thiển cận, sai
lầm về nền văn học của cha ông, hậu quả này sẽ dẫn đến đâu?
Qua nhiều biểu hiện của sinh hoạt xã hội, không ít lần chúng ta bắt gặp
những kẻ sử dụng luận điệu lên án cái gọi là “phân biệt vùng miền” để
khỏa lấp chính chủ trương phân biệt vùng miền của họ. Nói đến chính sách
“hòa hợp, hòa giải dân tộc” được rao giảng gần nửa thế kỷ qua, không ít
người lên án những ai chưa tin tưởng vào nó là những kẻ ganh ăn tức ở,
những kẻ thua trận cay cú. Họ có cay cú không? Hay đó chỉ là sự phản
biện đầy tâm huyết để xã hội chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn?
Hòa hợp, hòa giải là một chủ trương trọng đại, một quá trình cam go ảnh
hưởng đến tương lai của cả dân tộc, nó mang nặng tính chính trị nhiều
hơn các lãnh vực khác của đời sống, vậy mà về mặt văn học – nghệ thuật
còn như thế thì về mặt chính trị, làm sao người dân Việt có được một
chút niềm hi vọng? |