RFA 7-6-13

Phản ứng của trí thức về dự thảo sửa đổi hiến pháp

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-06-07

Nhóm 72 nhân sĩ, trí thức đưa ra kiến nghị cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 vừa chính thức có văn bản phản đối dự thảo do Ủy Ban Dự thảo sửa đổi hiến pháp trình tại kỳ họp quốc hội thứ 5, khóa 13 đang họp tại Hà Nội.

Tiếp tục phản biện vì dân vì nước

Có lúc những người đứng đầu Đảng Cộng sản, Quốc hội Việt Nam cũng như truyền thông tập trung phản bác dữ dội nhóm 72 nhân sĩ trí thức sau khi nhóm này đưa ra kiến nghị cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Phản bác được nhiều người nhắc đến là lời của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng ý kiến đề nghị bãi bỏ điều 4 trong hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là suy thoái về mặt tư tưởng.

Tuy nhiên, những phản bác mang tính qui chụp đó không làm nản lòng những vị trí thức. Họ vẫn theo dõi diễn tiến của sinh hoạt góp ý sửa đổi hiến pháp. Và sau khi Ủy ban trình cho quốc hội Dự Thảo Sửa đổi Hiến Pháp hồi ngày 17 tháng 5 vừa qua; nhóm 72 nhân sĩ trí thức lại một lần nữa khẳng khái lên tiếng phản bác văn bản đó.

Lý do đầu tiên khiến các vị phải lên tiếng lần này được nêu rõ vì văn bản dự thảo hiến pháp mới vị không có điểm gì mới, thậm chí còn bị cho là thụt lùi rõ nét so với dự thảo mới trình cho ủy ban thường vụ quốc hội hồi tháng tư vừa rồi.

Một người trong nhóm 72 nhân sĩ trí thức, phó giáo sư- Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói về sự thụt lùi đó như sau:

Thụt lùi cũng rõ; thực ra nói như thế không phải đánh giá quá cao đề nghị của Chính phủ rồi Mặt trận trong việc sửa đổi hiến pháp. Nhưng dầu sao ý kiến của chính phủ và mặt trận còn tiến bộ hơn so với dự thảo đang trình vì nó quay trở lại hầu như y nguyên hiến pháp cũ. Như vậy người ta sẽ đặt ra câu hỏi : bày đặt ra chuyện sửa đổi hiến pháp để làm gì? Khi không có nhu cầu sửa đổi mà lại đặt ra chuyện sửa đổi, điều đó không hiểu được! Chẳng hạn người ta cũng đặt ra ít nhất vấn đề có nên thay đổi tên nước không.

Chủ nghĩa xã hội mù mờ như vậy mà bây giờ đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, liệu có động viên được toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước không? Ít nhất các vị trong Mặt Trận cũng cân nhắc về chuyện này và đặt ra phương án là trở lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời năm 45-46; bây giờ cứ khăng khăng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tốt. Có lý do kỳ lạ lắm do một số ông nghị đưa ra là sợ tốn tiền chẳng hạn: như nếu thay đổi phải khắc con dấu lại, tốn tiền. Đất nước này ‘đổ sông, đổ biển’ biết bao nhiêu tiền của: Vinashin, VinaLines… Bây giờ ngại ngần gì số tiền bỏ ra để khắc con dấu: lý do kỳ dị.

Dự thảo gửi cho quốc hội hiện nay hết sức lạ lung. Có những người trong ban dự thảo như ông Trần Du Lịch, Dương Trung Quốc đều không biết. Họ làm việc theo nguyên tắc nào mà những thành viên trong ban dự thảo lại không biết nội dung của dự thảo!

Cơ quan chức năng duy trì quan điểm vì Đảng

Theo nhận định của 72 nhân sĩ trí thức thì trong dự thảo sửa đối hiến pháp trình cho kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa 13 thể hiện sự ‘khăng khăng bám giữ thể chế dân chủ toàn trị của một đảng gắn với ý thức hệ và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lênin’ đã lỗi thời trên toàn thế giới qua thực tiễn đời sống.

Hiện nay trên thế giới chỉ còn vài quốc gia đếm được trên đầu ngón tay theo chủ nghĩa cộng sản như Việt Nam. Những quốc gia đó đều thuộc nhóm kém phát triển.

Theo thư phản đối của nhóm 72 nhân sĩ trí thức thì sự hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội và nhà nước phủ nhận tất cả những điều khác dù có qui định về các quyền con người, quyền cơ bản của công dân...

Cũng theo phó giáo sư- tiến sĩ Hoàng Dũng thì ông lấy làm lạ, không thể hiểu được vì sao Nhà Nước cho tiến hành một cuộc lấy ý kiến người dân một cách rầm rộ từ đầu tháng giêng cho đến cuối tháng ba với tổng kết hơn 26 triệu lượt người góp ý mà cuối cùng văn bản dự thảo chẳng có gì mới. Ông đặt nghi vấn:

Tôi phải nói lại không hiểu vì nhu cầu gì mà làm việc này? Hay là trong lãnh đạo có nhiều nhóm, có nhóm muốn thay đổi thật; nhưng cuối cùng nhóm này thua không điều khiển được, không giữ được ý tưởng muốn thay đổi để cho nhóm bảo thủ lấn át và cuối cùng quay lại con đường cũ. Có thể thế chăng? Điểm mới thực ra là đưa quân đội trung thành với Đảng. So với hiến pháp 1992 điều này không có; không lẽ sửa đổi hiến pháp chỉ nhằm mục đích đó thôi hay sao. Thực ra điều 4 là cốt tử nhất; nếu đã thừa nhận đảng lãnh đạo đất nước toàn diện, thì không cần điều khoản quân đội trung thành với đảng; thực chất cũng chỉ thế thôi. Đó là điều cốt tử chi phối hết toàn bộ.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Theo nhiều người, ngay cả những người thuộc nhóm theo ‘lề đảng’ thì lần sửa đổi hiến pháp này là cơ hội lịch sử để giúp Việt Nam chuyển đổi. Với một khế ước xã hội tiến bộ, người dân thực sự trở thành chủ nhân đất nước thì giúp hóa giải được nhiều hạn chế lâu nay, đưa đất nước tiến lên sánh vai với những nước khác.

Về điều này, phó giáo sư- tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ra ý kiến:

Tôi nghĩ không phải đơn giản thay đổi hiến pháp là mọi chuyện thay đổi đâu; nhưng đó là một trong những dấu hiệu, biểu hiệu không những báo cho trong nước mà cả nước ngoài rằng Việt Nam đã thay đổi. Nếu cuộc thay đổi hiến pháp này mà chúng ta tiến hành tốt, đó là điều tốt để báo thông điệp như thế. Tiếc rằng thông điệp lại ngược lại: thông điệp cho người dân trong nước và bạn bè nước ngoài là Việt Nam kiên quyết theo con đường cũ.

Trong thư phản đối gửi quốc hội, các vị nhân sĩ trí thức kêu gọi các vị đại biểu phải biểu tỏ ý kiến và đòi hỏi sự tôn trọng khác biệt ý kiến đối với dự thảo do ủy ban soạn thảo đưa ra.

Một đề nghị được các vị nhân sĩ trí thức nên lên là quốc hội sớm quyết định cho tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của hiến pháp để có thời gian chuẩn bị và làm tốt cho công tác được nhóm 72 nhân sĩ cho là quan trọng và mới mẻ này dù rằng Việt Nam đã qua mấy lần sửa đổi hiến pháp từ năm 1946 cho đến nay, cụ thể vào năm 1959,1980, 1992.

Cảnh báo được các vị nhân sĩ trí thức đưa ra là nếu chỉ làm vội vàng để thông qua dự thảo hiến pháp như đã trình quốc hội thì đó là một tai họa cho đất nước