Người Việt
Dân
mạng phẫn nộ vì ‘hơn 2,000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật
Vũ’
HÀ NỘI (NV) – “Hơn
2,000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ” là bản tin
của tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 23 Tháng Mười Hai, đang làm dân mạng xã hội
ngạc nhiên và hoài nghi có sự dàn dựng.
Trong phiên xử ngày Thứ Hai, 23 Tháng Mười Hai, 2019, vụ án Mobifone mua
Công Ty “Nghe Nhìn Toàn Cầu” AVG mà đám quan chức cầm đầu Bộ Thông Tin
và Truyền Thông toa rập với Phạm Nhật Vũ gây thiệt hại cho nhà nước gần
6 ngàn tỉ đồng (tương đương khoảng $300 triệu đô la), người ta thấy tờ
Dân Trí có bản tin thuật lại lời bào chữa của luật sư của ông Vũ.
“Trình bày phần bào chữa cho bị cáo Vũ, Luật Sư Trần Hoàng Anh cho rằng,
hiếm có một vụ án nào mà gia đình bị cáo chưa có đơn xin khoan hồng thì
đông đảo các tổ chức, cá nhân uy tín trong và ngoài nước đã có đơn xin
bảo lãnh, khoan hồng như vụ án đang xét xử đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ.”
Tờ Dân Trí viết. “Theo Luật Sư Hoàng Anh, tính đến ngày 31 Tháng Mười,
2019, đã có 1,731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo
Vũ được gửi đến Viện Kiểm Sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh
hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh
vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ.”
Dân Trí thuật lời bào chữa liệt kê những tổ chức và cá nhân “uy tín, có
sức ảnh hưởng lớn” như “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hội Chữ Thập Đỏ
nhiều địa phương; ông Kirsan Ilyumzhinov – nguyên tổng thống đầu tiên
nước Cộng Hòa Kalmykia thuộc Liên Bang Nga (1993-2010); ông Konstantin
Vasilievich Vnukov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Bang Nga tại Việt
Nam; ông Atkov Oleg Yurevich – Phi công vũ trụ, giáo sư, anh hùng Liên
Bang Xô Viết; Thượng Tọa-Tiến Sĩ Manor Kumar – phó trụ trì Thánh Tích Bồ
Đề Đạo Tràng, phụ trách tháp Đại Giác, Ấn Độ; Đại Lão Hòa Thượng
Yoshimizu Daichi – nguyên hội trưởng Phật Giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản…”
Để xin hưởng khoan hồng đặc biệt, lời ông Luật Sư Anh được dẫn trên tờ
Dân Trí: “Nội dung các đơn này đều khẳng định, trong 20 năm kinh doanh
và sinh sống tại Việt Nam, ông Vũ âm thầm làm từ thiện và đã có đóng góp
rất lớn cho các cá nhân, tổ chức xã hội với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Sau khi vụ án xảy ra, để thu thập các tình tiết giảm nhẹ, gia đình mới
đi xin xác nhận giấy tờ từ các nơi được 1,300 tỷ, con số thực tế còn lớn
hơn nhiều.”
Nhiều facebookers bình luận và kéo theo rất nhiều người khác bình luận
theo, tỏ thái độ phẫn nộ cũng như việc viện dẫn “các cá nhân có uy tín,
có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở
nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ” như
sự dàn dựng đã được đạo diễn ở trong hậu trường chính trị.
Facebooker Đỗ Cao Cường: “Dùng tiền cướp bóc, cấu kết, hối lộ hàng triệu
đô la cho quan chức, gây thiệt hại cho người dân hàng ngàn tỷ đồng, lấy
đi mồ hôi, nước mắt, sinh mạng, cơ hội phát triển của rất nhiều người để
đi làm từ thiện liệu có được không? Hơn 2,000 tổ chức, cá nhân xin khoan
hồng cho ông Vũ cũng chính là lũ khốn nạn mặt trơ trán bóng, vô liêm sỉ
vì đã tiếp tay cho trùm tội phạm. Ông Vũ là phó Ban Truyền Thông Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam, phó TBT Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học, nhưng không
chỉ Phật Giáo mà tất cả tôn giáo đều không dám thu nạp đệ tử như ông,
mấy thằng đầu trọc đưa ông lên làm lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo cũng
chính là lũ giả danh thầy chùa đi tu để làm kinh tế. Cũng chính là lũ
mạt hạng mèo mả gà đồng, làm ô uế cửa Phật, trời không dung, đất cũng
chẳng tha. Sao không xin khoan hồng cho những nông dân mất đất như Đặng
Văn Hiến hả lũ ngu?”
Facebooker Nguyễn Tường Thụy bình luận: “Nó muốn thì nó bày đặt ra mà
thôi. Bao nhiêu nhà hoạt động bị bắt, với hàng nghìn chữ ký, của tổ chức
có, cá nhân có, nó có đếm xỉa gì đâu.”
Facebooker Nguyễn Chí Tuyến “xin có 1 đề nghị và 3 câu hỏi:
Ðề nghị: Công bố danh sách đầy đủ các cá nhân, tổ chức này để công luận
xem “có UY TÍN” tới mức nào, “có SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN” như thế nào.
Câu hỏi 1: Chuyện các ông bà ngoại quốc xen vào chuyện xét xử tội phạm
của một nước khác có được coi là CAN THIỆP VÀO CHUYỆN NỘI BỘ của Việt
Nam không?
Câu hỏi 2: Đối với các vị tu hành, nhận tiền của người khác do PHẠM TỘI
MÀ CÓ (kể cả để làm công đức) thì có được coi là TIÊU THỤ ĐỒ GIAN hay
không?
Câu hỏi 3: Tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc ký xin khoan
hồng cho Phạm Nhật Vũ là TỰ NGUYỆN, TỰ GIÁC hay bị một THẾ LỰC NÀO,
NGƯỜI NÀO KHÁC XÚI GIỤC?”
Một người tên Don Dung Nguyen bình luận được Facebooker Lê Hoàng dẫn
lại: “Thật sự rùng mình khi biết người ta bỏ túi gọn gàng hơn 7,000 tỷ
tiền thuế của dân, nếu đem so sánh với mức lương công nhân 5 triệu
đồng/tháng thì không rùng mình mới là lạ. Có câu rằng ‘Nhân dân yên tâm,
mọi chuyện đã có nhà nước lo’. Thì ra họ ‘lo’ như thế này đây! Người dân
phải sưu cao thuế nặng đến bao giờ mới đủ bù đắp cho các quan trộm cắp
hàng ngàn tỷ đồng quốc khố?”
Phiên tòa ngày Thứ Hai, 23 Tháng Mười Hai, 2019, là cơ hội để các bị cáo
tự bào chữa cũng như các luật sư biện hộ cho họ, trước khi nghị án mà
người ta tin bản án đã được “ở trên chỉ đạo.”
Ông Nguyễn Bắc Son “gửi lời xin lỗi đến Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước
Nguyễn Phú Trọng, đảng, nhà nước về những việc bị cáo làm, gây bức xúc
trong dư luận, ảnh hưởng đến nhà nước niềm tin đối với đảng.” Liệu ông
ta có thoát án tử hình không? Tất cả 14 ông quan lớn nhỏ của Bộ Thông
Tin và Truyền Thông CSVN bị ra tòa về tội toa rập với tư bản đỏ để rút
ruột nhà nước đều kể lể công lao với chế độ và “xin khoan hồng.”
Ông Son ăn 3 triệu đô của Phạm Nhật Vũ bị đề nghị tử hình nhưng chính kẻ
đưa hối lộ cho đám quan chức cầm đầu tất cả tới 6.2 triệu đô la lại chỉ
bị đề nghị từ 3 tới 4 năm tù. Có những lời bình luận nghi ngờ ông Phạm
Nhật Vũ chỉ bị án treo và có thể được thả ngay tại tòa từ thế lực trong
hậu trường chính trị CSVN. (TN) |