Người Lao Động
16/07/2004 4:30:54 PM GMT +7

Những thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam trong năm 2005 và phương án phân bổ quota

Bài viết của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trao đổi lại với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may

Cho đến thời điểm này, với những thông tin có được, thì mặc dầu có những ý kiến phản đối, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn quyết định bỏ quota xuất khẩu dệt may cho các thành viên của tổ chức này từ ngày 01 tháng 1 năm 2005.

Khi điều đó xảy ra, bản đồ xuất nhập khẩu hàng dệt may thế giới sẽ có sự thay đổi mạnh và luồng thương mại dệt may sẽ có xáo động lớn. Không phải đến bây giờ người ta mới nhận thức được điều này, nhiều dự báo đã được đưa ra từ rất sớm.

Tháng 5 năm 2003, một hội nghị theo sáng kiến của Cao uỷ Thương mại EU Pascal Lamy để bàn về tương lai của ngành dệt may sau năm 2004 - năm cuối cùng áp dụng chế độ quota đối với 147 nước thành viên WTO - được tổ chức tại Brussels. Phát biểu tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ lo lắng trước sức cạnh tranh của hàng dệt may của một số nước và cho rằng sẽ xảy ra tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp dệt may ở những nước mà khả năng cạnh tranh yếu kém sẽ bị phá sản. Thậm chí có đại biểu nói thẳng tại Hội nghị rằng "họ sẽ tiêu diệt chúng ta" (đại biểu này nêu cụ thể tên nước). Có những dự báo rất bi quan: rằng hàng chục triệu người ở các nước có nền công nghiệp dệt may kém phát triển sẽ bị mất việc làm.

Ý thức được tình hình đó, từ năm 2003 đến nay, nhiều hội thảo quốc tế về dệt may đã được tổ chức để bàn về giải pháp cho ngành dệt may toàn cầu. Có ý kiến đề xuất nên tiếp tục duy trì chế độ quota một số năm nữa. Mặc dầu vậy, các nước đều có sự chuẩn bị của riêng mình. Những nước mà khả năng cạnh tranh cao thì xây dựng chiến lược xuất khẩu để chiếm lĩnh thị trường. Những nước sức cạnh tranh yếu thì lo đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, cắt giảm chi phí để có thể tồn tại và đứng vững trước thách thức này.

Ở Việt Nam chúng ta, trong năm 2003, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức Hội nghị ngành dệt may với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mức xuất khẩu vào thị trường phi quota và các mặt hàng phi quota" để chuẩn bị đối phó với thách thức trong năm 2005. Và, để hỗ trợ cho quá trình này, chính Bộ trưởng Bộ Thương mại đã đề ra ý tưởng tổ chức các chợ, trung tâm nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may. Ý tưởng này đã được Hiệp hội và các doanh nghiệp dệt may hoan nghênh.

Thực tế, dù đã có những cố gắng và tiến bộ nhất định, sự phát triển ngành công nghiệp dệt may nước ta vẫn chưa được như mong muốn. Sức cạnh tranh của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam chưa có bước cải thiện đáng kể. 80% nguyên, phụ liệu vẫn phải nhập khẩu, phần lớn các doanh nghiệp chưa có thương hiệu của mình, phương thức xuất khẩu chủ yếu vẫn là gia công, chi phí giao dịch của từng doanh nghiệp và của toàn ngành còn lớn. Điều đó đang hạn chế sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của toàn ngành nói chung.

Có thể nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành dệt may Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, vẫn chịu sức ép rất lớn trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Trong khi đó, dù đang đàm phán khẩn trương, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam có thể gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, rất cần tính đến khả năng Việt Nam vẫn phải chịu áp đặt quota dệt may trong năm 2005.

Hệ quả của việc bỏ quota là gì? Hệ thống quota nhập khẩu trước hết là công cụ bảo hộ của các nước nhập khẩu, nhưng mặt khác hệ thống này lại là sự phân chia thị phần cho các nước xuất khẩu. Trong một mức độ nào đó, chế độ quota tạo ra sự hạn chế cạnh tranh.

Bỏ quota, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, các nước nhập khẩu sẽ được tự do lựa chọn nơi nào có ngành dệt may cạnh tranh hơn, chọn doanh nghiệp nào có khả năng cạnh tranh mạnh hơn để nhập khẩu. Có dự báo nói rằng sau khi bỏ quota, giá bán các sản phẩm dệt may sẽ giảm khoảng 20% (chính xác đến đâu thì còn phải theo dõi, nhưng xu hướng giảm giá là điều chắc chắn. Một ví dụ cụ thể: Khi Hoa Kỳ bỏ quota cho Trung Quốc 25 cat thì giá trung bình của các cat này giảm 48%, còn thị phần của Trung Quốc ở những cat đó tăng từ 9% năm 2001 lên 61% năm 2004). Đây là sức ép rất lớn đối với các nhà sản xuất dệt may.

Với nước ta, hệ quả còn nghiêm trọng hơn, thách thức và sức ép còn lớn hơn. Bởi lẽ, ngoài thách thức và sức ép mà doanh nghiệp các nước phải đối đầu, chúng ta còn phải chịu thêm sức ép do việc tiếp tục bị áp đặt quota. Việc xuất khẩu theo quota làm tăng chi phí giao dịch của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi phải tổ chức sản xuất và xuất khẩu sao cho có lợi nhất, sao cho có thể phát huy được tối đa sức mạnh không chỉ của một doanh nghiệp mà của cả ngành dệt may Việt Nam. Điều này liên quan đến cách thức phân bổ quota.

Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với các doanh nghiệp cũng như toàn ngành dệt may, tôi đã hai lần gửi thư đến Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp, nêu ra định hướng phân phối quota vào thị trường Hoa Kỳ cho năm 2005 theo hai phương án. Trong đó, phương án 2 mới chỉ là ý tưởng chung, chưa đề cập đến cơ chế vận hành cụ thể.

Qua báo chí, tôi đã theo dõi sát ý kiến của các doanh nghiệp. Tôi không ngạc nhiên và cũng không có phản ứng tiêu cực với các ý kiến này (mặc dầu, có nhà báo khi phản ánh các ý kiến thảo luận lại nêu vấn đề một cách võ đoán và với cái tâm không thật trong sáng). Trước khi gửi thư cho các doanh nghiệp, tôi hiểu rằng phương án 2 mà tôi nêu ra là một liều thuốc bổ nhưng đồng thời cũng là liều thuốc đắng. Cũng vì lẽ đó, tôi dùng hình thức gửi thư đề nghị các doanh nghiệp thảo luận kỹ và kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp cho ý tưởng nêu trong phương án 2.

Tại sao nói là liều thuốc bổ? Như trên đã phân tích, khi bỏ chế độ quota, bản đồ xuất khẩu dệt may sẽ thay đổi, giòng thương mại dệt may sẽ chuyển sang các thị trường có sức cạnh tranh cao hơn, đến với các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng; chi phí giao dịch khi nhập khẩu thấp hơn... Trong điều kiện này, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó khăn hơn. Khái niệm "nhỏ" hay "lớn" cũng còn mang tính ước lệ. Chúng ta còn phải thảo luận nhiều về khái niệm này. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ cần phải tìm cách liên kết với các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn phải hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhằm phát huy cao nhất năng lực của toàn ngành. Việc phân quota theo chuỗi các liên kết được tính từ các doanh nghiệp trong liên kết dựa trên thành tích của họ không thể tạo ra độc quyền như một số người đã phát biểu. Phương thức này sẽ cho phép giảm chi phí giao dịch của cả doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu, tận dụng được khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong liên kết. Điều này không chỉ cần cho năm 2005 mà cả những năm sau.

Thử hỏi, vào năm 2006, các doanh nghiệp "nhỏ" sẽ cạnh tranh thế nào với các doanh nghiệp "lớn", với các nhà sản xuất dệt may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu. Không hình thành các chuỗi liên kết từ bây giờ, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tự mình "chiến đấu" không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường xuất khẩu mà còn phải "chiến đấu" với các doanh nghiệp "lớn" trong nước.

Tại sao lại nói "cũng là thang thuốc đắng"? Thuốc đắng rất khó uống. Chỉ những người thấy được lợi ích lâu dài (không chỉ của chính mình mà của cả ngành dệt may Việt Nam) và có quyết tâm cao mới có thể vượt qua cái đắng đót ban đầu. Ở đây, việc tạo ra chuỗi liên kết đòi hỏi xây dựng cơ chế tỉ mỉ, trên tinh thần chia sẻ lợi ích hợp lý, với thái độ cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích của chuỗi cũng như lợi ích của từng thành viên. Làm không tốt việc này sẽ giống như sắc thuốc không đúng quy trình. Chất bổ giảm đi và vị đắng tăng thêm. Nói thật lòng, các doanh nghiệp Việt nam còn rất yếu về khả năng hợp tác, chừng nào chưa thấy nguy cơ bị dồn đến chân tường. Phải khắc phục yếu điểm này. Và, tôi nghĩ có thể làm được.

Theo dõi trên báo chí các ý kiến phát biểu, tôi thấy cách tiếp cận của doanh nghiệp chưa hợp lý. Trước khi lựa chọn phương án, cần phải thảo luận và trả lời câu hỏi: Liệu năm 2005, khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và nói chung 147 nước thành viên WTO được xuất khẩu không cần quota, cạnh tranh để xuất khẩu sẽ gay gắt hơn, giá xuất khẩu sẽ giảm, các doanh nghiệp "nhỏ" có khả năng giữ được thị trường và khách hàng Hoa Kỳ không? Một số ít doanh nghiệp nói được! Nếu đúng như vậy, thì đây là điều đáng mừng của tất cả chúng ta. Nhưng tôi e rằng, các doanh nghiệp này chỉ dựa vào thực tế xuất khẩu từ năm 2004 trở về trước mà chưa tính đến bối cảnh của năm 2005, khi mà bản đồ và giòng thương mại dệt may sẽ thay đổi, giá xuất khẩu giảm, trong khi sức ép về giá nhân công sẽ cao lên.

Đúng là buôn có bạn, bán có phường. Nhưng, phương châm ấy rốt cuộc cũng là để bảo đảm lợi nhuận lâu dài và ổn định cho nhà nhập khẩu. Nếu thấy bạn hàng mới có thể mang đến lợi nhuận lâu dài, cao hơn cho mình, họ sẽ đi tìm bạn mới, nhất là các ông bạn mới đang sẵn sàng mời gọi.

Đưa ra ý tưởng còn rất chung về phương thức phân bổ quota mới, trước hết, tôi muốn doanh nghiệp trả lời câu hỏi này đã. Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp "lớn" hãy cùng tham gia với các doanh nghiệp "nhỏ", trả lời câu hỏi đó. Chỉ khi nào trả lời tương đối chính xác mới có cơ sở lựa chọn phương án phân bổ quota hợp lý. Đây cũng là dịp các doanh nghiệp tự đánh giá lại chính mình, tự đặt mình trong môi trường mới. Làm được điều này một cách nghiêm túc, thật sự, có giải pháp rõ ràng và chương trình cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nghĩa là thư của tôi đã có hiệu quả. Còn việc lựa chọn phương án nào phải xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp và của toàn ngành dệt may Việt Nam, không ai có thể áp đặt một cách tuỳ tiện, duy ý chí.

Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp thảo luận xem liệu các doanh nghiệp "nhỏ" có khả năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2005 trở đi hay không? Nếu có, có bao nhiêu % doanh nghiệp làm được điều đó. Việc chọn phương án nào sẽ tuỳ thuộc vào câu trả lời này. Trường hợp chọn phương án 2 thì đương nhiên không chỉ dừng lại ở ý tưởng được mà phải làm rõ cơ chế thực thi. Còn nếu chọn phương án 1 cũng phải xử lý những bất cập hiện có, phải tính đến nhu cầu đầu tư và sự phát triển lâu dài của ngành dệt may Việt Nam, và đặc biệt phải ngăn chặn tình trạng buôn bán quota như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị.

Bộ Thương mại cùng với Bộ Công nghiệp, Hiệp hội dệt may sẽ hết sức cầu thị khi lựa chọn và quyết định.

Theo TTXVN ngày 16-7-2004

Nguồn: Báo Người Lao Động - Kinh tế

VNN
18:42 16/07/2004 (GMT+7)

"Phân quota cho DN dệt may lớn là thuốc đắng nhưng bổ''

(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hôm nay vừa tiếp tục gửi đến Hiệp hội và DN Dệt may Việt Nam bức thư thứ 3 yêu cầu cân nhắc lại phương án 2 phân bổ quota dệt may. Luận điểm của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là phương án phân bổ quota dệt may cho DN lớn tuy là liều thuốc đắng nhưng bổ cho DN và cả ngành dệt may.

DN nhỏ sẽ cạnh tranh ra sao?

Nguyên phụ liệu - yếu điểm của dệt may Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết: ''Qua báo chí, tôi đã theo dõi sát ý kiến của DN. Tôi không ngạc nhiên và cũng không có phản ứng tiêu cực với các ý kiến này. Trước khi gửi thư cho các DN, tôi hiểu rằng phương án 2 mà tôi nêu ra là một liều thuốc bổ nhưng đồng thời cũng là liều thuốc đắng. Cũng vì lẽ đó, tôi dùng hình thức gửi thư đề nghị các DN thảo luận kỹ và kêu gọi sự ủng hộ của DN cho ý tưởng nêu trong phương án 2''

Phân tích cho luận điểm ''phương án 2 là liều thuốc bổ'', ông Tuyển lý giải: ''Khi bỏ chế độ quota, bản đồ xuất khẩu dệt may sẽ thay đổi, dòng thương mại dệt may sẽ chuyển sang các thị trường có sức cạnh tranh cao hơn, đến với các DN có khả năng đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng, giá bán, thời gian giao hàng; chi phí giao dịch khi nhập khẩu thấp hơn... Trong điều kiện này, các DN nhỏ sẽ khó khăn hơn''. Ông cho biết, khái niệm "nhỏ" hay "lớn" cũng còn mang tính ước lệ và còn phải thảo luận nhiều về khái niệm này. Vì vậy, các DN nhỏ cần phải tìm cách liên kết với các DN lớn, các DN lớn phải hỗ trợ các DN nhỏ nhằm phát huy cao nhất năng lực của toàn ngành. ''Việc phân quota theo chuỗi các liên kết được tính từ các DN trong liên kết dựa trên thành tích của họ không thể tạo ra độc quyền như một số người đã phát biểu''. Phương thức này sẽ cho phép giảm chi phí giao dịch của cả DN nhập khẩu và DN xuất khẩu, tận dụng được khả năng hợp tác giữa các DN trong liên kết. Điều này không chỉ cần cho năm 2005 mà cả những năm sau.

Ông Tuyển cũng đặt ra câu hỏi: ''Thử hỏi, vào năm 2006, các DN nhỏ sẽ cạnh tranh thế nào với các DN lớn, với các nhà sản xuất dệt may nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu. Không hình thành các chuỗi liên kết từ bây giờ, các DN nhỏ sẽ phải tự mình "chiến đấu" không chỉ với các DN nước ngoài trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả với các DN lớn trong nước''.

Lý giải cho luận điểm ''thang thuốc đắng và thuốc đắng rất khó uống'' của phương án 2, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói: ''Ở đây, việc tạo ra chuỗi liên kết đòi hỏi xây dựng cơ chế tỉ mỉ, trên tinh thần chia sẻ lợi ích hợp lý, với thái độ cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích của chuỗi cũng như lợi ích của từng thành viên. Làm không tốt việc này sẽ giống như sắc thuốc không đúng quy trình. Chất bổ giảm đi và vị đắng tăng thêm. Nói thật lòng, các DN Việt nam còn rất yếu về khả năng hợp tác, chừng nào chưa thấy nguy cơ bị dồn đến chân tường. Phải khắc phục yếu điểm này. Và, tôi nghĩ có thể làm được''. Và ''chỉ những người thấy được lợi ích lâu dài (không chỉ của chính mình mà của cả ngành dệt may Việt Nam) và có quyết tâm cao mới có thể vượt qua cái đắng đó ban đầu''.

DN chưa nhìn thấu bối cảnh dệt may thế giới 2005!

''Có thể nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành dệt may Việt Nam , cũng như nhiều nước khác, vẫn chịu sức ép rất lớn trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Trong khi đó, dù đang đàm phán khẩn trương, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Việt Nam có thể gia nhập WTO vào năm 2005. Vì vậy, rất cần tính đến khả năng Việt Nam vẫn phải chịu áp đặt quota dệt may trong năm 2005.

Có dự báo nói rằng sau khi bỏ quota, giá bán các sản phẩm dệt may sẽ giảm khoảng 20% (chính xác đến đâu thì còn phải theo dõi, nhưng xu hướng giảm giá là điều chắc chắn. Một ví dụ cụ thể: Khi Hoa Kỳ bỏ quota cho Trung Quốc 25 cat thì giá trung bình của các cat này giảm 48%, còn thị phần của Trung Quốc ở những cat đó tăng từ 9% năm 2001 lên 61% năm 2004). Đây là sức ép rất lớn đối với các nhà sản xuất dệt may''.
(Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển)

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: ''Trước khi lựa chọn phương án, cần phải thảo luận và trả lời câu hỏi: Liệu năm 2005, khi Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và nói chung 147 nước thành viên WTO được xuất khẩu không cần quota, cạnh tranh để xuất khẩu sẽ gay gắt hơn, giá xuất khẩu sẽ giảm, các DN nhỏ có khả năng giữ được thị trường và khách hàng Hoa Kỳ không? Một số ít DN nói rằng được! Nếu đúng như vậy, thì đây là điều đáng mừng của tất cả chúng ta. Nhưng tôi e rằng, các DN này chỉ dựa vào thực tế xuất khẩu từ năm 2004 trở về trước mà chưa tính đến bối cảnh của năm 2005, khi mà bản đồ và dòng thương mại dệt may sẽ thay đổi, giá xuất khẩu giảm, trong khi sức ép về giá nhân công sẽ cao lên''. Khi ấy, các bạn hàng truyền thống của DN Việt Nam nếu thấy bạn hàng mới có thể mang đến lợi nhuận lâu dài, cao hơn Việt Nam, họ sẽ tìm đến bạn mới.

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng khẳng định:''Việc lựa chọn phương án nào phải xuất phát từ lợi ích của các DN và của toàn ngành dệt may Việt Nam, không ai có thể áp đặt một cách tuỳ tiện, duy ý chí''.

Ông cũng đề nghị DN tiếp tục thảo luận xem liệu các DN nhỏ có khả năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2005 trở đi hay không? Nếu có, có bao nhiêu % DN làm được điều đó. Việc chọn phương án nào sẽ tùy thuộc vào câu trả lời này. Trường hợp chọn phương án 2 thì đương nhiên không chỉ dừng lại ở ý tưởng được mà phải làm rõ cơ chế thực thi. Còn nếu chọn phương án 1 cũng phải xử lý những bất cập hiện có, phải tính đến nhu cầu đầu tư và sự phát triển lâu dài của ngành dệt may Việt Nam, và đặc biệt phải ngăn chặn tình trạng buôn bán quota. Bộ Thương mại cùng với Bộ Công nghiệp, Hiệp hội dệt may sẽ hết sức cầu thị khi lựa chọn và quyết định''.

Phương Thanh

Nguồn: http://www.vnn.vn/kinhte/2004/07/176900


TBKTSG
15-7-04

Chưa thể liên kết
(Về phương án phân bổ hạn ngạch dệt may của Bộ Thương mại và phản ứng của các doanh nghiệp)

Tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển lại tiếp tục gửi thư lần hai đến tất cả các doanh nghiệp dệt may để giải thích sâu hơn về việc tại sao ông nghiêng về phương án phân bổ hạn ngạch mới của bộ. Theo phương án này, bộ sẽ tập trung chia hạn ngạch cho các doanh nghiệp lớn, có hợp đồng với các nhà nhập khẩu lớn, đồng thời thiết lập mối quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp trong vùng thông qua hợp đồng liên kết, làm vệ tinh. Ông kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp với phương án này vì chỉ có bằng cách này, các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể lớn mạnh để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… ở thị trường Mỹ. Theo ông Tuyển, nếu vẫn giữ cách làm truyền thống (tức là dựa trên thành tích xuất khẩu của những năm trước, có những điều chỉnh bằng hệ số), sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán và kết quả là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chuyển sang các thị trường phi hạn ngạch.

Điều mà bộ trưởng lo ngại không phải chuyện phân chia hạn ngạch mà là liệu các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có giữ được thị trường Mỹ khi các nước khác được xuất khẩu tự do trong khi mình vẫn bị áp đặt hạn ngạch.

Thế nhưng, mối lo của doanh nghiệp gắn liền với quyền lợi thiết thân của họ, là việc phân chia “cái bánh” hạn ngạch ra sao?

Tại buổi thảo luận vào cuối tuần trước, khoảng 200 doanh nghiệp phía Bắc, cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, đều đề nghị giữ nguyên cách làm cũ. Theo các doanh nghiệp, phương án mới “không thực tiễn, gây phiền hà và tạo độc quyền, có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản vì không có việc làm”.

Đại diện các doanh nghiệp dệt may lớn ở phía Bắc (như May Đức Giang, May 10) cho rằng ý tưởng của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là táo bạo nhưng không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Thực ra, các doanh nghiệp lớn không muốn “ôm rơm nặng bụng”, vì lo ngại rằng họ là người trực tiếp ký hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm với khách hàng Mỹ, nếu san sẻ hạn ngạch cho các doanh nghiệp nhỏ, khi khách hàng kêu ca về chất lượng sản phẩm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm.

Các doanh nghiệp nhỏ thì cho rằng hạn ngạch là tiền bạc, vì vậy không dễ gì các doanh nghiệp lớn chịu san sẻ phần lợi này cho các doanh nghiệp nhỏ.

Đa số doanh nghiệp đều đồng ý là khó có thể tạo mối liên kết trong thời gian vài tháng trước mắt bằng một mệnh lệnh hành chính như vậy. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nếu có, phải do thị trường quyết định và là quá trình tự thân vận động của các doanh nghiệp.

Là một quan chức nhiều năm phụ trách việc phân bổ hạn ngạch hàng dệt may, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, ông Lê Văn Đạo, nay chuyển sang làm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đưa ra một phương án tham khảo: 85% hạn ngạch dành cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu, 5% cho các doanh nghiệp ký hợp đồng với các khách hàng lớn, 5% cho các doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn và 5% còn lại dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường phi hạn ngạch, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa và dự phòng.

Hiệp hội Dệt may cũng cho biết các buổi thảo luận tương tự về vấn đề này cho các doanh nghiệp ở miền Trung (12-7) và miền Nam (14-7) cũng được tổ chức để đi đến tiếng nói chung. Sau đó, Bộ Thương mại sẽ cùng Bộ Công nghiệp công bố phương án phân bổ và giao hạn ngạch dệt may lần 1 trong tháng 8 năm nay.

Qua sự việc này có thể thấy, trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước, dù là trong cùng một ngành, đã không thể “đồng hội, đồng thuyền” với nhau. Sự chia rẽ này, một mặt đòi hỏi phải thay đổi cách thức tổ chức và vận hành các hiệp hội ngành hàng, mặt khác chỉ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa bị chia nhỏ và dễ dàng bị đánh bại trong trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Thái Thanh


SGGP
15/7/ 2004

Các nhà dệt may phía Nam:
Doanh nghiệp kêu khổ, xin đừng thay đổi nữa!

 

(SGGP)- “Doanh nghiệp khổ lắm rồi, xin đừng thay đổi nữa”. Đó là lời kêu chung của hơn 150 doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam, trong cuộc họp chiều 14-7 tại TPHCM để góp ý kiến về phương án phân bổ quota hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ năm 2005.

Dường như không có đủ thời gian cho các doanh nghiệp phát biểu những tâm tư, thắc mắc, sự lo ngại trước những biến động do hai phương án mà Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra, trong đó phương án hai là tập trung quota cho các doanh nghiệp lớn.

Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Long An nói lên tâm tư của nhiều doanh nghiệp: rất ngạc nhiên trước đề xuất phương án 2 của Bộ trưởng Bộ Thương mại. Xí nghiệp May Vitexco cho biết, do năm qua thiếu quota nên khách hàng đã đặt hàng kèm những mặt hàng phi quota.

Để sản xuất các mặt hàng này, Vitexco đã đầu tư thiết bị bằng cách vay trả chậm của chính khác hàng, trả bằng giá gia công sản phẩm, không có quota thì công ty chỉ còn nước phá sản. Doanh nghiệp này bức bối: chính nhờ chúng tôi xuất vào thị trường Mỹ mới lập được thành tích hạn ngạch trong Hiệp định Dệt may Việt Mỹ, phương án 2 chính là tước đoạt thành tích của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp được coi là lớn cũng rất lo lắng. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, nếu giao một cục cho doanh nghiệp thì Sài Gòn 3 cũng vì “bội thực” mà phá sản. Bởi vì khách đặt hàng đòi hỏi điều kiện nhà xưởng sản xuất gắt gao, do vậy công ty cũng không biết doanh nghiệp vừa và nhỏ nào có điều kiện nhà xưởng và phương thức quản lý đáp ứng yêu cầu khách hàng để cùng hợp tác mà làm.

Biểu quyết, 100% các doanh nghiệp không đồng tình với phương án 2. Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị 2 điểm thay đổi trong cơ chế để Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét. Thứ nhất, với những Cat. lạnh (trong 6 tháng xuất được 20%) thì cấp tự động; với Cat. trung bình (7 Cat. mới xuất được 20%-50%) phân 100% cho doanh nghiệp; Cat. nóng sẽ dùng 85% phân bổ theo thành tích, 5% dành cho nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, 5% dành cho doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, 5% còn lại dành cho quỹ dự phòng, thưởng cho doanh nghiệp dùng vải nội địa, vùng sâu vùng xa…

Thứ hai, có tính toán đến sự liên kết để khai thác các hạn ngạch một cách hiệu quả, do vậy sau khi phân bổ theo cách trên, nhưng cho phép các doanh nghiệp được trao đổi hoặc nếu không có khách hàng phải trả lại ngay cho Bộ Thương mại để phân cho doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trên cùng địa bàn hoặc vùng, nếu doanh nghiệp có hợp đồng nhưng không có đơn hàng thì có thể sử dụng chung hạn ngạch theo kiểu một doanh nghiệp có năng lực đứng làm đầu mối ký hợp đồng, cùng chia xẻ quota. Chỉ khi nào cả cụm doanh nghiệp không có hợp đồng sử dụng quota thì trả lại Bộ Thương mại. Đây chính là phương án được sự đồng tình cao nhất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.


Thanh Niên
14-7-04

Góp ý về phương án phân bổ quota mới: Không thể làm theo cách của bộ trưởng

Báo Thanh Niên đã có bài về phản ứng của doanh nghiệp (DN) dệt may trước ý kiến đề nghị cách thức phân bổ hạn ngạch (quota) đi Mỹ mới của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Ngày 14/7 các DN phía Nam tiếp tục có cuộc gặp với đại diện Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp để bày tỏ quan điểm về vấn đề này...

Theo ông Lê Văn Thắng - Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại, chính tay Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã thảo 2 bức thư gửi cho DN vì lo ngại về khả năng cạnh tranh của DN trước năm 2005 - thời điểm nhiều nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ được nước này dỡ bỏ quota trong khi Việt Nam thì chưa. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lập luận: "Nếu ta tiếp tục phân quota cho xấp xỉ 1.000 DN như hiện nay thì các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ không việc gì phải mất công gom nhặt hàng hóa từ các DN nhỏ Việt Nam trong khi có thể mua hàng một cách dễ dàng ở các nước không bị khống chế về quota. Nếu suy luận này đúng thì DN nhỏ sẽ khó xuất khẩu và tình trạng mua bán quota sẽ xảy ra, công ăn việc làm của các DN nhỏ vẫn không được bảo đảm. Vì vậy, việc xuất khẩu cần theo các hợp đồng lớn, khối lượng lớn, trên cơ sở đó mà thiết lập quan hệ ổn định với các nhà nhập khẩu lớn Hoa Kỳ thì mới có khả năng tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ".

Nhưng các DN dệt may cho rằng nghĩ như vậy là không đúng với thực tế. Ông Phạm Xuân Hồng - Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 chứng minh: "Không phải tất cả những nhà nhập khẩu lớn đều đặt những đơn hàng lớn cỡ 1 hay 2 triệu tá, mà họ vẫn đặt những đơn hàng vài trăm nghìn tá. Mới đây họ vẫn hỏi chúng tôi về quota năm 2005. Hơn nữa, tôi nghĩ khi mà Trung Quốc được dỡ bỏ quota, khách hàng lớn của Mỹ đặt hàng với Trung Quốc thì khách hàng nhỏ sẽ đặt hàng với chúng ta cũng được vậy. Nhiều khách hàng nhỏ thì giá trị cũng vẫn lớn". Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra con số khá thuyết phục: "Chỉ có khoảng 20 nhà nhập khẩu Mỹ lớn mua khoảng 60% sản lượng hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ". Như vậy, có đến 40% còn lại là lượng dành cho các nhà nhập khẩu nhỏ. Con số này không có ý nghĩa gì sao ?

Dù là một DN lớn trong ngành dệt may, nhưng Công ty May Việt Tiến vẫn không ủng hộ quan điểm phân quota cho các DN lớn của ông Trương Đình Tuyển. Ông Lê Đức Tòa - Phó tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến cho rằng: "Thuyền lớn sẽ đánh mẻ lớn, thuyền nhỏ sẽ đánh mẻ nhỏ. Kinh nghiệm từ những công ty thành viên, chúng tôi thấy rằng có những DN dù nhỏ về quy mô nhưng được chuyên môn hóa cao nên khả năng cạnh tranh tốt. Hơn nữa, quan hệ buôn bán với khách hàng là lâu dài, không dễ gì một sớm một chiều cắt đứt được, miễn là có quota".

Tại cuộc họp, 100% DN biểu quyết đề nghị thực hiện như phương án cũ dù phương án này chưa phải đã là công bằng. Theo ông Lê Quốc Ân, những nhà máy có khoảng từ 400 máy may là đã có khả năng giữ chân được khách hàng. "Nói chung, DN nào có năng lực cạnh tranh tốt, quản lý hiệu quả thì có khách hàng chứ không cứ gì là DN lớn. Mà xác định DN lớn theo tiêu chí nào thì rất khó!" - ông Ân nói.

Trung Bình

Từ năm 2005, rất nhiều nước không còn bị khống chế về quota, do vậy yếu tố có thể thuyết phục khách hàng nước ngoài đến với các DN dệt may Việt Nam chính là ở tính cạnh tranh, sự chăm sóc, thỏa mãn các yêu cầu khách hàng của DN Việt Nam, mà điều này thì không thể nói rằng DN lớn sẽ thực hiện tốt hơn DN nhỏ và vừa. Phương án 2 của Bộ Thương mại sẽ đưa đến chỗ các công ty nhỏ sẽ phải đến xin quota từ công ty lớn.

(Trích một trong 10 lý do mà Hiệp hội Dệt may - thêu đan TP.HCM cho rằng không thể thực hiện phân bổ quota theo cách của Bộ Thương mại)