RFA 26-12-2013Phát ngôn bi hài của quan chức Việt Nam
Nam Nguyên, phóng
viên RFA
Năm 2013 được xem là năm có nhiều phát ngôn gây sốc của quan chức cao cấp Việt Nam. Nổi trôi cùng thế sự những người theo dõi thời cuộc nén tiếng thở dài theo kiểu cười mà buồn. Lạ lùng nhất?Đứng đầu danh mục những phát biểu chính trị trong năm 2013 được dư luận cho là lạ lùng nhất và gây chấn động nhất là của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên mạng Internet ngày 24/10/2013, báo chí lề phải trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã đưa tin về sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Khi góp ý về Lời nói đầu của Hiến pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….” Ông Trọng đã phát biểu như vậy khi muốn sửa sai các câu chữ trong Lời nói đầu của Hiến pháp, liên quan đến việc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước. Độc giả các báo chắc hẳn đầy suy tư trăn trở vì với sự nhận định của Tổng bí thư như thế, nhưng Đảng Cộng sản lại kiên quyết độc quyền lãnh đạo đất nước đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa và hiến định hẳn hoi. Nhận định về phát biểu gây sốc được xếp hạng bậc nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội phát biểu: “Trong thời gian qua thì những người quan tâm đến chính trị của đất nước cũng ngạc nhiên nhiều về các phát biểu của các quan chức ở Việt Nam. Trong đó thì đúng là câu của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ‘đến hết thế kỷ 21 này không biết có chủ nghĩa xã hội hay chưa’ thì cũng là một sự thật. Thực tế tôi có thể nói rằng lời ông Trọng xét về khía cạnh người dân là ông ấy nói đúng! vì sự yêu thích chủ nghĩa xã hội ấy, ai cũng nhìn thấy nó là một thứ không tưởng không thể xây dựng được.” Ông Nguyễn Phú Trọng còn có một lời phát biểu nữa cũng thuộc loại gây sốc khi ông nhận định về vấn nạn tham nhũng của Việt Nam: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước phật đã phải hối lộ…Cho nên chúng ta phải xem xét, bĩnh tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt… ”Tổng bí thư đã phát biểu những lời vừa nêu trong dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội vào ngày 7/12/2013. Mạng xã hội đã phản ứng khá gay gắt về phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi báo chí Nhà nước thì lại trích dẫn để tán dương quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư. Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi trở thành Giáo sư Tiến sĩ. Do vậy dư luận phật tử khá bất bình về cách ví von thiếu hiểu biết và khó chấp nhận của ông. Phật tử Phúc Thịnh có bài trên trang Blog Xuân Diện Hán Nôm giải thích là: “Đường Tăng trao bát vàng trước khi nhận kinh Phật là diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.” Ấn tượng nhất?Sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đọc báo cũng ghi nhận phát ngôn được cho là ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo VnExpress, VnEconomy phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng được tổ chức ngày 18/12/2013 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dứt khoát độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Trao đổi với chúng tôi nhà giáo Đỗ Việt Khoa góp ý kiến: “Đấy là một phát biểu mà tôi cho là gây sốc, trước kia người ta ngấm ngầm làm còn bây giờ công khai nói độc quyền cho nhà nước. Như thế là anh đã không tôn trọng đúng qui luật thị trường, trong khi anh lại đòi các nước, đòi phương tây phải công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cái này là mâu thuẫn không thể được, chúng tôi chỉ là những người dân thấp cổ bé họng nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy.” Về chính sách độc quyền vàng được tái khẳng định bởi Thủ tướng Chính phủ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định: “Về quan điểm ông Thủ tướng nói là quyền của ông ấy. Nhưng khi ông đi ra thế giới thì trong điều kiện hội nhập mọi hoạt động phải tuân thủ thông lệ quốc tế. Độc quyền xuất nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước đứng ra với tư cách là một người kinh doanh vàng thì hoàn toàn không phù hợp với thông lệ, không phù hợp chức năng của cơ quan quan lý tiền tệ của một đất nước. Với 8.000 tỷ chênh lệch giá đưa vào ngân sách, ông ấy nói là để làm lợi cho quốc gia. Theo cá nhân tôi, đã là một nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ qui luật với những chuẩn mực của nó, đồng thời phải chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, chứ không thể nhà nước lấy tất cả những phần đó. Ở đây vô hình chung người bị thiệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng, họ không được hưởng lợi khi giá thế giới xuống thấp mà có sự chênh lệch rất cao giữa giá thế giới và giá trong nước trên thị trường vàng. Cái chênh lệch đó ông ấy lại độc quyền xuất nhập khẩu để bán lấy lãi mà ông nói phục vụ ngân sách nhà nước. Tôi thấy việc này chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của ba chủ thể trong một nền kinh tế thị trường là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.” Năm 2013, người đọc báo cũng ghi nhận sự kiện được gọi là Thủ tướng tự sướng khi ông công bố thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1960 USD/ năm. Theo báo chí lề phải, Thủ tướng đã rất phấn khởi khi khi phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12/2013 tại Hà Nội là GDP đầu người của Việt Nam đã tăng 23% so với năm 2012. Thời gian đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể là Tiến sĩ Nguyễn Quang A có nhận định: “Cái việc ‘tự sướng’ với các con số là một truyền thống lâu đời ít ra cũng phải ít ra mấy chục năm của Việt Nam này rồi. Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng.” Gây sốc nhất?Tác giả những phát ngôn gây sốc trong tốp đứng đầu của năm 2013 còn phải kể tới Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Theo Lao Động Online ngày 15/11/2013, khi bị chất vấn về vấn đề quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu: “Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù…Đây là của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không nói về chính phủ về bộ ngành này, bộ ngành khác.” Phát biểu này đã làm nóng nghị trường, hầu hết đại biểu đều băn khoăn bức xúc không biết Bộ trưởng Công thương đang nói về cái gì. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định: “Tôi cho rằng phát biểu này cũng theo một kiểu mô thức rất phổ biến hiện nay, đó là cứ vòng vèo rồi lẩn tránh trách nhiệm cụ thể của mình. Đây là một hiện trạng xấu do cơ chế hiện nay sinh ra. Chúng ta cũng thấy là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu mà theo tôi là câu nói sốc hơn mọi người. Đó là, chức Thủ tướng của tôi là do Đảng phân công, tôi không xin ai cả. Như vậy hình như họ không cần nhân dân, họ không cần đến dư luận. Đảng là ai là cá nhân nào thì chúng tôi cũng không biết được. Những cách nói mập mờ đó có thể mới nghe qua không để ý nhưng với những người có tuổi, giới trí thức quan tâm đều rất là xót xa cho hiện trạng ở Việt Nam hiện nay, như vậy là người ta không dám nhận trách nhiệm thậm chí đổ vấy trách nhiệm.” Một trong những nhân vật có phát ngôn gây sốc cũng được liệt kê trong tốp 10 là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo Kienthuc.net.vn, sau vụ việc gây chấn động ngành y là 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B hồi vào hạ tuần tháng 7/2013 bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã hăng hái phát biểu: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…” Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định: “Tôi công nhận rằng phát ngôn của bà Bộ trưởng Y tế được mọi người xếp vào dạng phát ngôn gây sốc thì cũng hợp lý. Hài hước nhất là lỗi vắc xin xử vắc xin…Người đứng đầu là Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm cái đó. Ở đây bà ấy lại đổ cho người khác, đây là hiện trạng chung chung ở Việt Nam, khi gặp vấn đề khó người ta phát biểu loanh quanh rồi cuối cùng người ta lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau, chứ ít có ai chịu trách nhiệm thực sự.” Bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là tâm điểm của báo chí qua phát ngôn gây sốc không chỉ một lần của mình. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 diễn ra hồi tháng 6/2013, khi trả lời các nhà báo về vấn đề quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, bà Bộ trưởng Y tế đã trả lời rằng: “Thiếu giường bệnh thì…phải hỏi Nhà nước”. Ghi nhận từ nghị trường cũng gom nhặt được phát ngôn khá bi hài của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn mà dư luận bàng hoàng về cách làm việc của ngành Công an và Tòa án, nhưng ông Quyền lại nói với báo chí: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc với FBI 1 tuần, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân.” Vừa rồi là những phát ngôn gây sốc, phát ngôn ấn tượng của các quan chức cao cấp Việt Nam. Năm nào làng báo lề phải, lề trái cũng gom góp được nhiều phát ngôn ấn tượng của các quan chức Việt. Và như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, một người miệt mài tranh đấu cho sự công khai minh bạch thì sang năm 2014 và sau nữa, sẽ tiếp tục có những phát ngôn gây sốc, chừng nào Việt Nam chưa cải cách thể chế chính trị của mình.
|