RFA
23-2-15
Phong
cách sống cung đình
Mặc Lâm, biên tập viên
RFA, Bangkok
Vào đúng ngày mùng một
Tết năm Ất Mùi, mạng xã hội đã nóng lên với tấm
ảnh được báo Tiển Phong đăng nơi trang nhất cho
thấy nội thất của nguyên TBT Nông Đức Mạnh có
cách bài trí xa hoa vượt lên mọi sự tưởng tượng
của người dân, đặc biệt là chiếc ghế ông ngồi
không khác gì chiếc ngai vàng thời phong kiến.
Phong cách của vua
chúa
Sáng mùng một Tết, theo
truyền thống dân tộc mọi người cùng nhau mừng
tuổi ông bà thân sinh phụ mẫu làm cho cái Tết
đúng với ý nghĩa của nó. Có lẽ nhằm phát huy
tinh thần tốt đẹp này, Đoàn thanh niên Cộng sản
Việt Nam cũng tổ chức thăm viếng chúc tết các
chức sắc cao cấp của Đảng như thái độ uống nước
nhớ nguồn. Khi đến lượt nguyên TBT Nông Đức Mạnh
thì câu chuyện mới vỡ ra trở thành ầm ĩ và đi
tới chỗ không thể kiểm soát.
Tấm ảnh chụp ông Nông Đức
Mạnh ngồi trên chiếc ghế nạm rồng có phong cách
của những vua chúa khiến ông trở thành tấm bia
cho không biết bao nhiêu phản ứng. Những phản
ứng ấy đến từ nhiều góc nhìn nhưng tựu trung cho
thấy hai điều: phong cách sống xa hoa phung phí,
kệch cỡm của một TBT sau khi về hưu đã làm người
dân mọi tầng lớp nổi giận vì cho rằng ông đã đạp
trên những tấm lưng đầy mồ hôi của nông dân lẫn
công nhân để có những bàn ghế nội thất lộng lẫy
xa hoa đến thế. Thứ hai, nó phản ánh sự thật cái
mà người cộng sản ham muốn ngay từ lúc đầu kháng
chiến. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết nhận xét của
ông:
-Tôi thấy bàn ghế mà
Tổng thống Obama cũng bình thuờng làm bằng gỗ
tạp, bọc simily rất đơn giản như một gia đình
bình thường ở Việt Nam thôi trong khi Hoa kỳ là
cường quốc hàng đầu thế giới còn nước mình hiện
nay thì đội sổ.
Không chỉ có bức ảnh
hôm nay của báo Tiền Phong đăng lên một cách
tình cờ Trung ương Đoàn đi thăm nhà ông nguyên
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Tôi biết để có một bộ
salon như thế thì chắc chắn phải có một cây cổ
thụ trong rừng già bị mất đi. Nếu như anh là
người có học, anh phô trương như thế nó có đúng
không? Tôi tin những người có ý thức, có lương
tri không ai làm chuyện đó. Không lấy gì làm oai
trong một bộ salon bằng gỗ quý cầu kỳ rồng
phượng như thế. Thứ hai là một đất nước nghèo
đói như thế tôi là người Việt Nam tôi cảm thấy
xấu hỗ lắm tại sao lại để cho một người vô học,
kệch cỡm phô trương như thế mà lại đứng đấu đất
nước? Tôi cảm thấy nhục!
Mặt trái của cuộc gọi
là khởi nghĩa, cách mạng
Bức ảnh ông Nông Đức Mạnh
tiếp đón bí thư trung ương đoàn Nguyễn Đắc Vinh
trong gian phòng được trang hoàng theo kiểu vua
chúa, đằng sau là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh
được mạ vàng phải chăng phản ảnh tâm lý mơ ước
giàu sang phú quý chen lẫn phô trương quyền lực
và ao ước được làm vua của các đảng viên cộng
sản? Tâm lý ấy ngày nay không còn dấu giếm mà
công khai cho dân chúng biết nhằm thỏa mãn niềm
hưng phấn của mình?
Ông Nguyễn Khắc Mai,
nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận
Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên
cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét:
-Tính cách vua quan
của những người cộng sản Việt Nam hiện nay đã lộ
rõ ngay từ năm 1945-46 kia chứ không phải đến
bây giờ nhưng vì lúc ấy chưa cầm quyền, chưa
giàu sang dân cũng chưa có của ăn của để cho nên
nó không bộc lộ. Người cộng sản Việt Nam xuất
thân từ nông dân, nhà quê kể cả những anh sau
nầy có bằng giáo sư tiến sĩ thì lốt nhà quê, lốt
nông dân nó vẫn còn nguyên nó chưa thoát khỏi
cho nên khi cầm quyền thì họ chưa thể trở thành
con người văn minh đô thị, dân chủ được mà trở
thành vua chúa quan lại. Hình ảnh quan lại vua
chúa nó ngập trong máu của họ bởi vì họ không có
cái gì để thay thế hết cả. Đấy là cái cay đắng
của văn hóa Việt Nam của xã hội Việt Nam.
Căn biệt thự rộng 850 mét
vuông, nằm trên con đường ven Hồ Tây của ông
Mạnh xem bề ngoài rất thanh nhã và bình thường
nhưng khi bức ảnh lộ ra nội thất của ông thì
người dân biết được phía sau cái bình thường ấy
là một cơ ngơi không dễ gì kiếm được theo kiểu
một cán bộ đảng viên trong sạch.
Ông Nông Đức Mạnh làm
tổng bí thư Đảng CSVN hai nhiệm kỳ từ 2001 tới
2011. Trước đó ông làm Chủ tịch Quốc hội Việt
Nam từ 1992 đến 2001. Trong mười chín năm ấy ông
được nhắc tới qua dự án Bauxit như dấu ấn suốt
cuộc đời làm cách mạng của ông.
Ông Nông Đức Mạnh trong
vai trò một TBT đã có ba lần ký tuyên bố chung
với Trung Quốc mà lần ký vào năm 2001 tức là lúc
mới nhận chức vụ TBT đã nhất trí sẽ tích cực
thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên
dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.
Hai lần sau đó vào năm
2006 và năm 2008 ông cũng thay mặt đảng cộng sản
Việt Nam ký rất nhiều văn bản về biên giới lãnh
thổ cũng như kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho
biết sự bất cập của hệ thống đã dẫn đến việc này
là tất yếu:
-Đó là mặt trái của
cuộc gọi là khởi nghĩa, cách mạng. Thật ra nó đi
tới điều này vì nó không có cơ sở văn hóa đến
nơi đến chốn. Người dân thì không có quyền sở
hữu, xã hội thì không có dân chủ và quan lại nắm
lấy quyền làm chủ xã hội, làm chủ nền kinh tế.
Tất cả mọi chuyện ấy nó dẫn đến hình thù, hình
thái triểu đình phong kiến là tất yếu.
Không phải ngẫu nhiên
mà Nguyễn Văn An lại nói rằng Bộ chính trị là
một loại vua tập thể. Tình chất phong kiến lạc
hậu càng ngày nó càng bộc lộ rõ cho nên tôi nhìn
Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu không lấy làm
lạ. Sự giàu sang và cái kệch cỡm của họ không
lấy làm lạ.
Người dân còn nhớ lời
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ
niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào
sáng ngày 2 tháng 2 tại Hà Nội, trong đó ông
Trọng nhấn mạnh tới yếu tố đấu tranh chống lại
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của đảng viên… không đầy hai mươi ngày sau
người dân thấy toàn cảnh bức tranh nhà ông Nông
Đức Mạnh như một chứng minh sống động nhất giữa
nói và làm của một đảng viên cấp cao nhất: Tổng
bí thư.
-Công tác xây dựng
Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là
việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; tệ tham nhũng,
lãng phí, quan liêu, xa dân... Các thế lực thù
địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp
cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên
tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ
tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của
Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ
Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã
Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức
thâm độc và nguy hiểm.
Khó có thể nói người dân
phê phán ông Mạnh là một hành vi kích động, chia
rẽ nhưng ngược lại mọi phê bình dù nghiêm khắc
nhất đáng để cho hệ thống thức tỉnh thôi không
tiếp tục nói ngược lại với việc làm đang gây
phẫn nộ trong dư luận quần chúng.