Cơ Đồ Của Dân Tộc
Quách Hạo Nhiên
1. Định mệnh và kiếp nạn?
Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, cũng không biết nói sao (cũng có
thể là định mệnh và kiếp nạn của dân tộc này?) vì những ngày cận Tết
cũng trùng với dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Năm nay “Đảng ta” đã
bước qua “tuổi” 89 (03/02/1930 – 03/02/2019), lẽ thường, nếu là con
người ở độ tuổi này sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn, không kiểm soát được
suy nghĩ và hành vi của bản thân, nhớ trước quên sau, không nói có, có
nói không... Đây là quy luật của tạo hóa, không cãi được.
Thật lòng thì tôi cũng không thấy phiền toái gì lắm (như một vài người
có những phản ứng khá cực đoan) về cái khẩu hiệu
“Mừng Đảng, mừng Xuân” được
giăng mắc khắp nơi mỗi độ xuân về. Trịnh Công Sơn nói “cuộc đời đó có
bao lâu mà hững hờ”, thôi thì, ai vui được cứ vui, ai sướng được cứ
sướng. Với tôi, đơn giản chỉ coi đây như là sự không may (vì Xuân và
Đảng ở xứ sở này như đã nói ở trên, không hiểu sao định mệnh đã bắt “về”
cùng một lúc) hay có khi là trò đùa của số phận. Nói không may là vì
Xuân về Tết đến lẽ ra, phải được yên tĩnh và tự do thụ hưởng trọn vẹn
niềm vui khi đất trời thì phải/bị nghe những lời dối gian (trong suốt
một năm chưa bao giờ ngơi nghỉ). Giống như năm nay, nếu là người có
lương tri, có tấm lòng với quốc dân đồng bào và nếu còn minh mẫn, tỉnh
táo, không lú lẫn thì tôi tin nhiều người sẽ không tùy tiện cho phép
mình mở miệng nhai đi nhai lại cái điệp khúc:
“đất nước có bao giờ được như thế này không!?”; “giáo dục nước nhà chưa
bao giờ được như bây giờ”; hay
“cơ đồ dân tộc chưa bao giờ được như hôm nay?”...
Hãy nhìn mà xem, biển đảo cha ông rơi vào tay của người “bạn vàng” chẳng
biết bao giờ mới lấy lại được; đồng bào thì hết Tiên Lãng – Hải Phòng
lại đến Formosa – Hà Tĩnh, Đồng Tâm – Hà Nội, Cai Lậy – Tiền Giang, Thủ
Thiêm – Sài Gòn... chẳng lúc nào được yên vậy mà khi tổng kết chỉ thấy
nói về những thành tựu vượt bậc thì có phải sự dối gian đã ăn sâu vào
máu rồi không? Về bản chất, nhìn nhận vấn đề như thế thì có khác gì các
“thế lực thù địch” đã “nói xấu” và “xuyên tạc”, “chống phá”... mình theo
chiều ngược lại. Nghĩa là bên này thì ra sức thổi phòng những “thành
tựu” và che giấu những khuyết tật, còn bên kia thì thổi phòng các khuyết
tật và lờ đi những “thành tựu” để công kích lẫn nhau.
Không dừng lại ở đó, cả nước sâu mọt đục khoét khắp nơi, lòng dân oán
thán ngút trời, thế nhưng công cuộc “nhóm lò đốt củi” càng ngẫm chỉ càng
thấy ngao ngán và thất vọng thêm hơn. Vì tất cả xét đến cùng cũng chỉ là
những mưu toan nhằm triệt hạ vây cánh, “quân mày quân tao” để củng cố
quyền lực và sự độc đoán của kẻ “thắng làm vua”. Hoặc không thì là tìm
một vài “con chốt thí” để che mắt nhân dân. Kêu gào chống tham nhũng,
chống suy thoái mà bật đèn xanh để cho các ông quan tòa chà đạp lên hệ
thống luật pháp, lợi dụng sự lơ là không chú ý của người dân dịp xuân về
để “xử chạy Tết” những kẻ sâu mọt nhưng có “nhiều đóng góp cho ngành
công an”. Hóa ra, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có tác dụng
với những người dân thường, ít học còn gần như hoàn toàn bất lực trước
bọn quan tham – những kẻ có chức có quyền mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là
“điếm cấp cao” (Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/ Điếm cấp cao bán
miệng nuôi trôn)...
“Việc
nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, những kẻ lãnh
đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước mà để cho lòng dân không yên hay thù
hận, oán thán ngút trời (vì không “trừ bạo”) thì theo cụ Nguyễn Trãi đó
là những kẻ vô đạo, thiếu lòng nhân và sự nghĩa tình. Cơ đồ, vận mệnh
tương lai của dân tộc, của đất nước vì thế, đứng trước nguy cơ ngày một
xấu đi hơn bao giờ hết. Nếu không lú lẫn thì cũng không nên hoang tưởng
cho mình là sáng suốt hay đỉnh cao trí tuệ.
2. Tai nạn giao thông và sự thất bại của nền quản trị quốc gia
Những ngày cuối năm 2018, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ngày
27/12), ông Nguyễn Xuân Phúc - người đứng đầu Chính phủ đã rất vui mừng
thông báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục trong
nhiều năm qua.
Thông tin nay được hầu hết các phương tiện truyền thông đưa tin và sau
đó cũng được một số người bình chọn là một trong những điểm nhấn về tình
hình kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2018. Rõ ràng, nếu chỉ nhìn ở
khía cạnh bài toán kinh tế đơn thuần thì không thể không ghi nhận nỗ lực
và cố gắng của cả ê kip trong Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc. Thế
nhưng, xét trong cái nhìn về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và
xây dựng nền văn hóa đặc biệt là thảm trạng tai nạn giao thông hiện nay
thì có nhiều vấn đề cần nhận thức và suy nghĩ lại. Nói khác đi, trong
cuộc sống chúng ta cần nỗ lực và siêng năng lao động để kiếm tiền nhưng
kiếm tiền xong rồi mà không được hoặc không kịp thụ hưởng thì mọi nỗ lực
cố gắng cũng là vô nghĩa. Trong cái nhìn này, những người thuộc
“Chính phủ kiến tạo và phục vụ”
rõ ràng vẫn đang nợ người dân Việt Nam một lời xin lỗi vì thảm trạng
tai nạn giao thông trong những năm qua vẫn không hề thuyên giảm cả là về
số vụ lẫn tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó.
Dĩ nhiên, tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Nhưng trong
thời bình mà số người chết vì tai nạn giao thông trong một năm lên đến
vài ngàn người (hơn cả thời chiến) thì dù muốn dù không phải thừa nhận
đó là sự thất bại trong quản trị và điều hành quốc gia. Thế nên, ở góc
nhìn văn hóa, nếu nói sinh mạng con người là quý nhất và cứu người như
cứu hóa thì những người trong “Chính phủ kiến tạo và phục” thay vì sung sướng và tự hào về sự
“tăng trưởng vượt bật” hay “đạt mức kỷ lục chưa từng có” của nền kinh tế
hãy biết xấu hổ vì đã để trung bình mỗi ngày có gần 30 người dân thiệt
mạng vì tai nạn giao thông.
Nói cho cùng, có hai nguyên nhân lớn và cơ bản nhất liên quan đến vấn đề
tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay đó là: cơ sở hạ tầng giao thông
còn nhiều hạn chế và ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao
thông. Trong hai nguyên nhân lớn này thì vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông
nếu muốn cải thiện khắc phục nhất định cần có lộ trình và nhiều yếu tố
phức tạp khác như tầm nhìn về quy hoạch đô thị hay tiềm lực, sức sống
của nền kinh tế đất nước... Dẫu vậy đây không phải là nguyên nhân trực
tiếp gây ra các vụ tai nạn thảm khốc và làm chết nhiều người như nguyên
nhân thứ hai. Bởi lẽ, tuy vấn đề hạ tầng, đường sá còn nhiều hạn chế
nhưng nếu ý thức và văn hóa giao thông của người Việt tốt hơn thì tin
chắc rằng sẽ không có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc và khủng
khiếp như vừa rồi.
Có nhiều yếu tố liên quan đến ý thức và văn hóa giao thông của người
Việt hiện nay, tuy vậy có hai vấn đề cụ thể và quan trọng nhất đó là:
ý thức chấp hành luật pháp về giao
thông và sự
yêu thương,
tôn trọng,
nhường nhịn lẫn nhau của người Việt khi tham gia giao thông. Ở
giác độ văn hóa, đây là hai vấn đề người Việt kém nhất. Từ thực tế các
vụ tai nạn giao thông cho thấy, có những tài xế chỉ vì một tích tắc
giành đường, vượt ẩu, hoặc sử dụng má tuy và uống rượu bia nhưng vẫn
ngồi sau tay lái để rồi sau đó tông xe vào người khác... gây ra những
cái chết rất thương tâm. Đây là gì nếu không phải là sự coi thường luật
pháp và thiếu tôn trọng, không biết quan tâm, chia sẻ với những người
xung quanh mình? Nhìn rộng ra, đây phải chăng cũng là biểu hiện của sự
suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa trong xã hội hiện nay – vấn đề
mà đã rất nhiều lần các chuyên gia văn hóa, giáo dục đã lên tiếng cảnh
báo. Một xã hội mà con người không có tinh thần thượng tôn pháp luật
cũng như không biết yêu thương, nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau thì sự
hỗn loạn, bấn lạon xảy ra âu cũng là một lẽ tất yếu.
Như vậy, từ thảm trạng tai nạn giao thông có thể thấy, một “Chính phủ
kiến tạo và phục vụ” mà chỉ lo, chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền mà bỏ
qua hay gạt sang một bên vấn đề văn hóa (trong đó quan trọng nhất là
giáo dục) thì cơ đồ dân tộc nhìn về tương lai có thể lạc quan và tin
tưởng được không?
3. Thay lời tết
Xuân về, Tết đến lẽ ra không nên nói những lời không hay, không may. Tuy
vậy, cũng không nên vì những mong ước tốt lành gửi đến nhau mà chỉ toàn
thốt ra những lời giả trá, dối gian. Một cá nhân tử tế thì không nên
“tốt khoe xấu che”. Một lãnh đạo tử tế thì không nên mỵ dân bằng những
lời chảy chuốt, giao điều, sáo rỗng... Một dân tộc tử tế thì không nên
ảo tưởng về tầm vóc, trí tuệ của dân tộc mình. Tất cả phải chân thành và
dũng cảm nhìn thẳng vào các khuyết tật của mình để từng bước khắc phục,
thay đổi và phấn đấu. Đây là mới thật sự là, con đường, là điều kiện và
cơ sở vững chắc để cái cơ đồ và tiền đồ của dân tộc, của đất nước thêm
nhiều khởi sắc, hi vọng và lạc quan hơn.
Cần Thơ, 02/02/ 2019 (28 Tết)
Q.H.N
|