Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói quan hệ Việt-Trung vẫn "phát triển tốt đẹp" và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình'.
Phát biểu trên được ông Phùng Quang Thanh đưa ra trong phiên họp toàn thể vào trưa ngày 31/5 tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Trong bài phát biểu được truyền thông trong nước đăng toàn văn, ông Thanh nói:
"Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi."
"Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng".
Ông Thanh gọi việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là hành động "gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế."
"Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước."
Ông Thanh khẳng định phía Việt Nam "nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
"Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương," ông nói.
"Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm hoặc gây hoài nghi cho dư luận."
'Quân đội phải kiềm chế'
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng quân đội Việt Nam, Trung Quốc cần "kiềm chế", "tăng cường hợp tác" và "kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động" để tránh có "hành động ngoài tầm kiểm soát".
Về xung đột hiện nay xung quanh giàn khoan của Trung Quốc, ông Thanh khẳng định phía Việt Nam không sử dụng máy bay hay tàu quân sự mà chỉ "dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền."
Ông cũng nói tàu Việt Nam "không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc".
"Vấn đề là lãnh đạo cấp cao của các nước nên cần hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước."
"Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định."
"Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột."
Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra lời cáo buộc Trung Quốc "gây bất ổn" trên Biển Đông và gọi đây là hành động 'đe dọa quá trình phát triển' của khu vực về dài hạn.
Ông Chuck Hagel cũng nói Hoa Kỳ sẽ "không làm ngơ" khi các nước khác phớt lờ luật pháp quốc tế. Ông Hagel đưa ra phát biểu trên tại cuộc hội nghị an ninh kéo dài trong ba ngày với sự tham gia của Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á.
Tối hôm thứ Sáu, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La với tư cách một diễn giả chính, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe nói Tokyo sẽ “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
“Tất cả các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực của các nước ASEAN trong việc đảm bảo an ninh vùng biển và bầu trời, và triệt để duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không," ông Abe nói. Nhật có kế hoạch đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để đảm bảo cho châu Á và thế giới được hòa bình hơn”, ông Abe nói tại diễn đàn an ninh cấp khu vực ở Singapore.
'Nói chung chung'
"Giới chức Việt Nam thường có thói quen nói chung chung và không đi vào cụ thể"
GS Carl Thayer
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 30/5, giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, đã cho rằng bài phát biểu của tướng Thanh ngày 31/5 "không có bất cứ ảnh hưởng nào đến tình hình hiện nay trên Biển Đông".
"Tôi đã nói chuyện với nhiều chuyên gia về Hoa Kỳ và Trung Quốc từ khi đến Singapore".
"Tất cả bọn họ đều cho rằng đây là một cuộc chơi mà Trung Quốc nắm chắc lợi thế và Bắc Kinh đang có những bước tính toán rất chính xác.
"Giới chức Việt Nam thường có thói quen nói chung chung và không đi vào cụ thể"
"Tướng Thanh có thể than phiền về một số hành động trên Biển Đông của Trung Quốc và đề cập tới khả năng mở đường dây nóng giữa hai nước, tăng cường trao đổi giữa các phái đoàn cấp cao,
"Và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp hiện nay, ví dụ như kêu gọi sớm đi đến một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông".
"Tuy nhiên, tôi không cho rằng ông ta sẽ đi xa hơn thế", ông nói với BBC từ Singapore.
'Vai trò hòa giải?'
Cũng hôm 30/5, một nhà quan sát từ châu Âu nói với BBC sự kiện Đối thoại Shangri-La 13 có thể là một dịp 'hữu ích' và 'kịp thời' để các bên trong vụ xung đột giàn khoan ở Biển Đông hiện nay và những ai quan tâm cùng xem xét lại vấn đề và có thể tìm kiếm giải pháp.
Giáo sư David Camroux từ Đại học Khoa học Chính trị Sciences-Po Paris, Pháp nói: "Tôi nghĩ đây là thời điểm hữu ích để nhìn nhận và cân nhắc một sự kiện hệ trọng liên quan tới một cuộc xung đột nghiêm trọng xảy ra, do đó Đối thoại Shangri-La đã diễn ra vào một thời điểm rất đúng lúc để tất cả các bên cùng ngồi xuống bình tĩnh,
"Và nói rằng hãy xem xét và chúng ta sẽ không để cho tình hình lọt ra khỏi tầm tay của chúng ta, hay là chúng ta sẽ đưa ra các biện pháp có ý nghĩa để giải quyết vấn đề.
"Tôi không cho rằng Đối thoại sẽ đưa ra một giải pháp thật lớn lao cho một cuộc xung đột như vậy, thế nhưng như người ta vẫn nói 'hòa bình vẫn tốt hơn là chiến tranh' và do đó điều tốt hơn vẫn là đối thoại, đàm phán, để hiểu lập trường của nhau rõ ràng hơn, hơn là để cho một cuộc xung đột xảy ra rồi lên cao."
Trong khi đó, một học giả từ Đại học Hamburg của CHLB Đức hôm thứ Sáu nói với BBC nói với BBC cho rằng nếu Việt Nam và Trung Quốc cần đến một nhà 'trung gian, hòa giải', thì vai trò đó sẽ phù hợp với Asean.
Giáo sư Jorg Thomas Engelbert nói: "Tôi nghĩ Asean là một mẫu mực, không va chạm vào quyền lợi của nhau, không xâm lược nhau, không đánh chửi nhau, đấy là những điều nguyên tắc cơ bản của khối Asean.
"Và từ lâu Asean cũng cố gắng áp dụng những điều lệ này với quan hệ với các cường quốc bên ngoài, nhất là với Trung Quốc", nhà nghiên cứu nêu quan điểm.