Việt Nam Thời Báo
1-4-21

Quốc hội khóa hiện tại bỏ phiếu bầu chủ tịch Quốc hội khóa tương lai: chuyện chỉ có ở Việt Nam?

Nguyễn Nam

 

 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng được bầu với kịch bản tương tự như vậy. Chỉ khác ở chỗ khi ấy bà Ngân là phó chủ tịch Quốc hội, tức ‘thay ngựa giữa dòng’.

Sáng 31-3-2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã bỏ phiếu thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội – và trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Bà cũng đồng thời là người đầu tiên thực hiện tuyên thệ khi nhậm chức theo quy định của Hiến pháp 2013.

Đến ngày 22-7-2016, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV.

Trước đó vào đầu 2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Thời điểm đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang giữ cương vị phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Một kịch bản tương tự sau 5 năm.

Chiều 30-3-2021, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sáng ngày 31-3-2021, Quốc hội khóa XIV bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV; nghĩa là các đại biểu Quốc hội khóa hiện tại đã bỏ lá phiếu bầu cho một người, mà về nguyên tắc dân chủ của phổ thông đầu phiếu, chưa biết là vị đó khi ứng cử có được cử tri bỏ phiếu bầu vào ngày Chủ nhật 23-5-2021 hay không?

Điểm chung ở hai trường hợp trên là bà Nguyễn Thị Kim Ngân và tân Chủ tịch Quốc hội còn đang ở thì tương lai là ông Vương Đình Huệ, cả hai đều được Đảng mặc định là phải trúng cử ở kỳ bầu cử Quốc hội tương lai, bất chấp lá phiếu cử tri lựa chọn ra sao.

Diễn biến tiếp theo củng cố thêm cho vấn đề nêu trên.

Theo tường thuật của báo chí, “Tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với cá nhân tôi”, ông Huệ bày tỏ sáng 31-3.

“Kỳ họp lần này là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Vì vậy, cần phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ, vừa đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, vừa tổ chức thành công bầu cử trên phạm vi cả nước”.

Tân Chủ tịch Quốc hội hứa: “Là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tôi sẽ cùng các thành viên trong hội đồng thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định; tổ chức thành công cuộc bầu cử nhằm bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ mới”.

Lý giải về diễn biến ‘thay ngựa giữa dòng’ bất chấp quy định pháp luật kể trên, luật sư Hà Huy Sơn nói gọn: “Xung đột trong pháp luật pháp luật hiện hành được giải quyết bằng Điều 4 Hiến pháp. Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Nhà nước pháp quyền cũng giống như chủ nghĩa xã hội đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc đã có”.

Vì sao Nhà nước pháp quyền đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc có?

Luật Tổ chức Quốc hội 2014, ở Điều 8 về “Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước”, ghi rõ trình tự thế này:

“1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước”.

Nay tại kỳ họp cuối, Quốc hội lại bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Vậy phải hiểu Điều 8, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 như thế nào, nếu không muốn nói rằng câu chuyện đang giống như chủ nghĩa xã hội đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc có?