LUẬT KHOA
Thủ tướng chính phủ quyền lực như thế nào?
Trong tứ trụ, thủ tướng là vị trí có
cả danh tiếng lẫn thực quyền.
Trịnh Hữu Long
Chính phủ – cơ quan hành pháp cao nhất của chính quyền – vừa có lãnh đạo
mới: ông Phạm
Minh Chính, một cựu quan chức tình báo công an, cựu trưởng ban tổ
chức trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một trong “tứ trụ triều đình”
Ở bài “Vài
điều bạn cần biết về vị trí chủ tịch Quốc hội”, tôi có nói về việc
hình thành cơ chế phân chia quyền lực “tứ trụ”, bao gồm tổng bí thư, chủ
tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch Quốc hội.
Nếu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội, dù nằm trong nhóm bốn người
quyền lực nhất trong thang bậc quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ
đảm nhiệm những vị trí mang tính hình thức, nghi lễ bên phía chính
quyền, thì thủ tướng lại là vị trí có cả tiếng lẫn miếng, nghĩa là có
thực quyền rộng rãi trong hệ thống chính quyền.
Thủ tướng từng là một vị trí không có thực quyền đáng kể. Trước thời Thủ
tướng Võ Văn Kiệt (1991-1997), các vị thủ tướng gần như không để lại dấu
ấn gì, ngoại trừ Hồ Chí Minh – người làm chủ tịch nước kiêm thủ tướng từ
1946 đến 1955. Các
thủ tướng sau đó như Phạm Văn Đồng (1955-1987), Phạm Hùng
(1987-1988), Đỗ Mười (1988-1991) đều đương chức trong thời kỳ chính
quyền được điều hành, quản lý bằng chỉ thị của đảng là chính, thay vì
bằng các công cụ hành pháp. Nó cũng trùng với thời kỳ Hồ Chí Minh và Lê
Duẩn có ảnh hưởng cá nhân khuynh loát trong đảng, khiến cho các thiết
chế và vị trí khác, kể cả thủ tướng, trở nên lép vế.
Bên cạnh đó, từ Hiến pháp 1980 thì người ta không gọi là chính phủ mà
gọi là Hội
đồng Bộ trưởng, với chức thủ tướng đổi thành chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng. Đây là cơ chế hành pháp tập thể, với quyền hạn của chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng rất hạn chế. Đến Hiến pháp 1992 thì họ quay trở lại cơ
chế chính phủ với thủ tướng đứng đầu, tập trung nhiều quyền lực hơn hẳn
vào thủ tướng, thay vì quyết định tập thể như xưa. Võ Văn Kiệt là người
đầu tiên được hưởng cơ chế mới theo Hiến pháp 1992 này.
Với việc cải cách kinh tế sâu rộng, vai trò điều hành, quản lý của chính
phủ ngày càng lớn hơn để có thể phản ứng với tình hình trong nước và
quốc tế nhanh hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Điều này cũng là để phù
hợp hơn khi công tác đối ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong thời
kỳ toàn cầu hóa. Vị trí thủ tướng, do đó, trở nên cực kỳ quyền lực.
Nguyễn Tấn Dũng (2006-2016) được cho là thủ tướng quyền lực nhất từ
trước tới nay và từng cạnh tranh thực quyền khốc liệt với vị trí tổng bí
thư.
Ai bầu ra thủ tướng?
Có thể coi mô hình tổ chức chính quyền trung ương ở Việt Nam là chế độ
đại nghị, với vai trò trung tâm (về lý thuyết) thuộc về Quốc hội. Cử tri
bầu ra các đại biểu Quốc hội, và Quốc hội bầu ra các vị trí lãnh đạo
trong chính quyền, trong đó có thủ tướng. (Dĩ nhiên, mọi người cũng biết
ai thực sự “bầu” ra các đại biểu Quốc hội và thủ tướng.) Thủ tướng phải
là đại biểu Quốc hội.
Thông thường, việc bầu thủ tướng diễn ra vào kỳ họp đầu tiên của Quốc
hội khóa mới, diễn ra sau tổng tuyển cử, và tổng tuyển cử thì lại diễn
ra sau đại hội đảng. Tới 2016 thì xảy ra một việc bất thường là Quốc
hội bầu
thủ tướng mới vào kỳ họp cuối cùng của khóa mình vào tháng Tư, tức
là trước tổng tuyển cử hơn một tháng. Sau tổng tuyển cử, Quốc hội khóa
mới lại lặp lại quy trình bầu thủ tướng một lần nữa. Ông Nguyễn Xuân
Phúc đã tuyên thệ nhậm chức hai lần vào năm 2016. Ông Phạm Minh Chính
gần như chắc chắn cũng vậy.
Nói thủ tướng quyền lực là quyền lực như thế nào?
Quyền hạn của thủ tướng chính phủ được quy định tại Điều 98 của Hiến
pháp và Điều 28 của Luật
Tổ chức Chính phủ (ban hành năm 2015, sửa đổi năm 2019).
Với tư cách là nhân vật đứng đầu toàn bộ bộ máy hành chính quốc gia, vị
trí này có thẩm quyền trải rộng từ thực thi pháp luật tới tổ chức bộ máy
nhân sự và đề xuất, cấp phát ngân sách.
Với bản chất là một nhà nước đơn nhất, trong đó chính quyền trung ương
có thẩm quyền chi phối, quyền lực của thủ tướng trải dài từ trung ương
tới các tỉnh, thành địa phương.
Không chỉ có thẩm quyền riêng, thủ tướng còn có thẩm quyền đối với các
quyết định, nghị quyết của tập thể nội các nói chung.
Chi tiết, xin xem trong hai văn bản kể trên. Ở đây, tôi xin liệt kê vài
quyết định của thủ tướng để chúng ta hình dung mức độ ảnh hưởng của vị
trí này trong lĩnh vực kinh tế:
Làm thủ tướng đã là chức vụ cao nhất chưa?
Chưa. Về thứ bậc quyền lực trong đảng, tổng bí thư vẫn là người đứng đầu
và nhìn chung là có quyền lực cao nhất.
Xưa nay, chưa có thủ tướng nào lên được tổng bí thư, trừ trường hợp Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Hầu hết làm một hoặc hai nhiệm kỳ rồi
nghỉ hưu, cá biệt trường hợp Nguyễn Xuân Phúc làm một nhiệm kỳ rồi xuống
vị trí chủ tịch nước, một vị trí được cho là kém quyền lực hơn nhiều.
Bài này nói về quyền lực của thủ tướng, nhưng thực ra mới chỉ nói đến
quyền lực theo quy định của pháp luật và trật tự quyền lực trong đảng.
Cùng là vị trí đó, rơi vào những cá nhân khác nhau thì quyền lực sẽ khác
nhau, tùy vào mức độ ảnh hưởng của người đó trong đảng.
Hay nói cách khác, quyền lực của một vị lãnh đạo là sự kết hợp giữa
quyền lực thể chế và quyền lực cá nhân. Nếu thể chế trao quyền mà cá
nhân lãnh đạo không đủ năng lực để mặc cho vừa chiếc áo đó thì cũng
không có bao nhiêu quyền lực. Ngược lại, dù thể chế trao quyền hạn chế,
một cá nhân có thể có ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ quyền lực thể
chế của mình. |